Kênh Tên Miền chuyên cung cấp tên miền đẹp, giá rẻ! Hãy liên hệ kỹ thuật: 0914205579 - Kinh doanh: 0912191357 để được tư vấn, hướng dẫn miễn phí, Cảm ơn quý khách đã ủng hộ trong thời gian qua!
Friday, 5 April 2013



LX :  xin đăng lại hồi ức xúc động của nhà văn Nhật Tuấn viết mấy năm trước về người bạn thân của mình là nhà văn Trần Hoài Dương và những bạn văn cùng thời, với những hoài niệm cái "thủa mơ làm văn sĩ" đẹp và sống động trong mỗi đời người
Người biên tập ấy...

Vào đầu những năm 1970, những "cây bút trẻ" như tôi, Nguyễn Mạnh Tuấn, Lưu Nghiệp Quỳnh, Tô Ngọc Hiến... nếu nhận được một vé "vào cửa" báo Văn Nghệ do anh Trần Hoài Dương, chị Nguyễn Thị Ngọc Tú – các biên tập viên, "phân phát", và nhất là truyện được chọn in trên trang nhất chắc chắn sẽ nổi tiếng cả nước.
Tôi quen nhà văn Trần Hoài Dương từ sau dịp truyện ngắn đầu tay có được số phận may mắn thế. Hồi đó tụ tập tán chuyện văn chương ở nhà tôi thường thấy Lê Huy Quang, Lê Xuân Đố, Hoàng Hưng, Trí Dũng, Chu Hoạch... các thi sĩ "ngoài luồng" hăm hở làm thơ hiện đại.
Tuy cũng là bạn bè, nhưng Trần Hoài Dương đang giữ trọng trách ở báo Văn Nghệ nên không thể lê la bến xe, bến tầu như cái đám "nhà thơ chân đất" kia. Một đằng anh là người của cơ quan, một đằng tôi là người của đường phố nhưng không vì thế chúng tôi không thân nhau. Không biết có phải do chuyên viết truyện thiếu nhi không, Trần Hoài Dương sống rất lành mạnh, chỉn chu - không rượu bia lè nhè, không yêu đương dắt giây như tôi. Bởi thế, lần đầu tiên trên đường phố Quang Trung tôi tròn cả mắt khi nhìn thấy Trần Hoài Dương chở sau xe đạp... một cô gái mang cặp kính trắng to tướng. Với tôi, với Lê Huy Quang và cái đám "chân đất" kia, chở một cô nào đó là chuyện rất thường, nhưng với Trần Hoài Dương là chuyện lạ.
Ít lâu sau, được nhạc sĩ Dương Thụ vốn đang ở Tuyên Quang thì thọt về Hà Nội rỉ tai tôi mới biết cô gái đó chính là chị Trinh, vợ sắp cưới của Trần Hoài Dương. Hồi đó anh ở một căn phòng nhỏ sàn gỗ ở phố đường Thành trong một khu nhà nhiều chủ như thường thấy ở Hà Nội. Phòng của Trần Hoài Dương rất ngăn nắp với những giá sách chật cứng, với cửa sổ có rèm đăng ten, với chiếc đàn dương cầm trên có lọ hoa nhỏ... thỉnh thoảng ghé qua, tôi cứ ngồi ngẩn để chiêm ngưỡng một không gian rất văn chương,nghệ thuật.
Vài tháng sau, Trần Hoài Dương cưới vợ. Tất nhiên bạn bè xúm nhau mỗi anh một tay phụ giúp. Dương Thụ và tôi xung phong nhận trải giường cưới và lau nhà. Dương Thụ bảo:
"Cái tính cậu ba lăng nhăng nên lau nhà, còn trải giường cậu để tôi..."
Tôi nhất trí liền. Dương Thụ là nhà giáo, lúc đó vợ con đã nghiêm chỉnh, nhận trải khăn giường cưới là đúng rồi. Còn tôi, lau nhà là phù hợp hơn cả. Thế là người nào việc nấy, tôi cầm giẻ lau cái sàn gỗ bóng loáng, ngắm nghía chán chê rồi thì thào vào tai Dương Thụ:
"Tao mà như thằng Quỳ (tên thường gọi THD) tao "tân hôn" ngay trên sàn gỗ này khỏi giường chiếu... rách việc..."
Dương Thụ trợn mắt nhìn tôi rồi hoác miệng ra cười. Không biết sau này chàng nhạc sĩ tài hoa này có trải chiếu giường cưới cho ai nữa không nhưng riêng chàng vòn phải nhờ người khác trải cho mình tới vài ba lần.
Cuối năm 1973 tôi vào B lần thứ hai làm lính trinh sát công binh. Ngẫu nhiên tôi rời Hà Nội đúng vào ngày 23 tháng 9, ngày mà người ta thường hát "Mùa thu này,ngày 23, ta ra đi ...".
Buổi chiều hôm đó chị Nguyễn Thị Ngọc Tú mang bánh ngọt tới nhà tôi chia tay. Buổi tối, Hà Nội đã vào thu lành lạnh. Ga Hàng Cỏ tối mờ , ồn ào và dầy đặc áo lính. Trước khi vào ga, tôi đưa mắt nhìn lần cuối con phố hàng Lọng trong buổi tối náo nhiệt thì thật bất ngờ hai chiếc xe đạp song song tiến đến. Hoá ra là Trần Hoài Dương và Hoàng Hưng ra tiễn tôi. Hai chàng lúc đó thân nhau lắm, nếu tôi nhớ không nhầm thì cùng mặc quần áo mầu rêu và chắc chắn là cùng đội mũ tai bèo.
"Vào đó viết được gì thì gửi ra..."
Trần Hoài Dương dặn với khi tôi bước vào sân ga. Lời dặn của anh vẫn thôi thúc mà công việc chiến trường hồi đó cứ lôi đi khiến tôi chẳng gửi được cho anh chữ nào. Từ đó đến nay, mấy thập kỷ đã trôi qua. Nhớ về cái "thủa mơ làm văn sĩ" đó tôi vẫn không quên hai chiếc mũ tai bèo của Trần Hoài Dương và Hoàng Hưng trên sân ga Hàng Cỏ thời chinh chiến đó.
Liệu có bao giờ trở lại những tối mùa thu lành lạnh ngồi giữa sân ga Hàng Cỏ trong một "đêm đợi tàu" – (tên truyện ngắn bị "đánh" của Nguyễn Đỗ Phú in trên báo Văn Nghệ) uống chén rượu cuốc lủi, nhấm nháp bìa đậu nướng, gói lạc rang và nghe Lê Huy Quang ngâm ngợi:
"Cái đói dồn về ga...
Chúng ta thì như thế..."
Chắc là không bao giờ . Cho dù..."chúng ta thì vẫn thế".

0 comments:

Post a Comment

Popular Posts