Kênh Tên Miền chuyên cung cấp tên miền đẹp, giá rẻ! Hãy liên hệ kỹ thuật: 0914205579 - Kinh doanh: 0912191357 để được tư vấn, hướng dẫn miễn phí, Cảm ơn quý khách đã ủng hộ trong thời gian qua!
Thursday, 25 April 2013



BÀNG SĨ NGUYÊN (*)
(*)- Nhà thơ Bàng Sĩ Nguyên vẽ trong một lần lên thăm ngôi nhà này sau khì văn Nguyễn Đình Thi mất được 1 năm 


               Ngôi nhà sàn ở Phúc Yên 

          Nhà văn Nguyễn Đình Thi xuống thăm cháu nội đích tôn. Như thường lệ, nhà văn dẫn cháu ra bãi sông tha thẩn chơi. Ông Thi rất yêu dòng sông Hồng. Yêu lắm. Không phải chỉ yêu cảnh bờ bãi thiên nhiên cây cỏ trời đất ven bờ. Ông yêu dòng nước đỏ ngầu phù sa chảy cuồn cuộn giữa lòng sông. Tình yêu này khó lý giải. Nó gần giống như người Ấn Độ yêu dòng sông Hằng. Một thứ tình cảm tôn giáo (ông Thi có chút ít lai người Ấn Độ). Khi thấy tôi mua ngôi nhà ngay ngoài bãi sông, ông tức tốc xuống thăm. Đứng thần mặt cạnh bãi ngô non, nhà văn đăm chiêu tư lự: Cậu dọn ra đây ở… sướng thế. Tôi bảo ông: Bố bán cái nhà bố đang ở đi thì có mà mua được ba cái nhà ở đây. Sướng gấp ba. Ông không nói gì.
          - Bố cần chỗ để viết tiểu thuyết Điện Biên Phủ
      Ông giật mình. Đã dăm năm nay, mỗi khi nghe thấy tôi có vẻ sốt sắng nhắc viết tiểu thuyết “Điện Biên Phủ” là ông lảng. Ông ngượng. Mà khi thấy ông ngượng thì tôi lại không thể không mỉm cười… Than ôi! Hai mươi năm… Một bộ tiểu thuyết ấp ủ dự định ngàn trang đã viết được chương đầu tiên. Một tác phẩm văn xuôi lớn nhất về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Một sáng tạo quan trọng nhất sẽ để đời trong sự nghiệp cầm bút của mình. Tôi vẫn nhớ như in đêm giao thừa cái Tết năm 1982, ngay bên Hồ Gươm, nhà văn Nguyễn Đình Thi đã kể cho tôi nghe chương đầu tiên của bộ tiểu thuyết này. Và ông cam đoan với tôi là năm 1992 thì sẽ cho xuất bản bộ tiểu thuyết. Vậy mà… Cho đến hôm nay, năm 2002 hai mươi năm đã trôi qua. Thời gian không thể níu kéo lại được nữa. Dự định lớn lao đó không phải vẫn nằm sâu trong ngăn kéo mà đã tan thành mây khói. Chỉ còn là một ảo ảnh, một hối tiếc. Với một nhà văn chuyên nghiệp đầy tài năng như nhà văn Nguyễn Đình Thi thì không có một lý do nào có thể biện minh được. Đó cũng là điều duy nhất tôi không thể chia sẻ được với ô
      - Cậu thuê hộ bố một chỗ nào quanh đây thì tốt quá. Bố thích ở gần sông.
      - Ngay đằng sau nhà con cũng có rất nhiều nhà tạm cấp bốn lợp tôn xi măng cho thuê. Giá phải chăng. Mười mét vuông. Năm trăm ngàn đồng một tháng. Điện nước, toa lét khép kín riêng biệt.
     - Bố cũng chỉ cần ở giản dị.  Cần nhất là không phải chung đụng với ai
Và bỗng nhiên ông đổi giọng xưng hô.
    - Tao thích ở với bà con nhân dân lao động. Họ không thớ lợ. Dễ chịu.
     - Vâng. Nhân dân lao động. Giang hồ tứ chiếng. Cửu vạn. Làm thuê. Gái điếm. Lưu manh trộm cắp như điên… Dễ chịu.
      Ông Thi ngồi im.
       Chao ôi cái thần tượng nhân dân lao động tuyệt vời ngày xửa ngày xưa trong tâm tưởng tình cảm của ông.
       - Có cách này ông tính xem. Không việc gì mà phải đi đâu thuê mướn cho tốn tiền. Ông về đây ở với cháu đích tôn của ông. Một mình ông ba buồng trên gác ba. Không ai chạy trên đầu ông. Hàng ngày vợ con nó nấu cơm cho ông ăn. Cô Lan nấu ăn ngon lắm.
       - Bố không muốn nhờ vả làm phiền gia đình cậu.
       - Nếu thế thì coi như cho ông thuê. Tiền nhà tiền cơm cho ông nợ. Bao giờ viết xong “Điện Biên Phủ” thì khấu trừ vào nhuận bút.
        - Nhưng mà…  
- Ông không phải nhưng mà. Con biết. Bố không thích sống chung trong một ngôi nhà với con. Và con thì cũng…
- Nhưng cậu đi ở đâu?
- Con lên Phúc Yên. Thú thật với ông con cũng ngấy ở cái tòa biệt thự đầy tiện nghi trưởng giả này lắm rồi.
 - Thế thì không tiện.
 - Tại sao lại không tiện ạ?
 - Cậu lên trên đó ở có chuyện gì thì vợ con cậu nó lại oán bố.
 - Có chuyện gì?
 - Chuyện gì thì cậu biết. 
Ông Thi thần mặt lúng ta lúng túng như gà mắc tóc. Chuyện lớn thiên hạ, Đảngđoàn văn nghệ Chủ tịch Ủy ban ông lướt qua nhẹ nhàng như thuyền lướt trôi trong hồ nước mùa thu lặng sóng im gió. Vậy mà lúc này ông ngồi thừ mặt vướng chân vướng cẳng vào đám tóc rối một chuyện đời thường cỏn con. Tôi bảo.
    - Hay ông lên Phúc Yên mà sáng tác.
    - Có tiện không?
    - Quá ư là tiện lợi. Xa như thế không ai săn đuổi quấy nhiễu. Con sẽ làm cho ông một ngôi nhà sàn gỗ bạch đàn. Rẻ thôi. Năm triệu. Thuê cho ông một người giúp việc hàng ngày đi chợ nấu cơm giặt giũ quét nhà cửa hầu hạ ông.
    - Cũng được đấy nhỉ.
    - Quá được.
    - Tôi sẽ trả cậu tiền cái nhà sàn.
    - Vâng. Tốt quá. Cám ơn ông.
    - Tiền thuê người giúp việc có đắt lắm không?
   - Rẻ như bèo. Nuôi cơm lại cho thêm một tháng hai ba trăm bạc là đã sướng rên.
    - Có hai trăm thôi à?
    - Trên đó chỉ thế thôi.
 Ông trầm ngâm ngồi im. Ông đang mơ màng mường tượng hưởng thụ cái cảnh một mình tung hoành tự do sáng tác giữa một khu nhà vườn rộng rãi thoáng mát suốt ngày đêm rì rào cây lá chim muông mà tôi cam đoan là ông thèm muốn lắm. Hay là ông đang ngậm ngùi thương cảm cái giá tiền công Ôsin của những người dân lao động nghèo khổ quá ư rẻ mạt như vậy.
 Ngay ngày hôm sau ông hẹn tôi lên gặp ở văn phòng nơi ông đang làm việc với chức Chủ tịch Ủy ban. Ông đưa cho tôi cái phong bì bên trong có năm triệu đồng. Kèm theo một tiểu luận triết học về Friedrich Nietzsche không phải do ông viết. Rỗi thì đọc. Ông dửng dưng bảo tôi như vậy.
Tôi trả lại ông cái phong bì đựng tiền.
 Đêm về tôi cố gắng đọc cái tiểu luận. Đọc lướt. Vì thời gian này tôi đang nghiên cứu thần học. Nhắc đến Nietzsche là tôi đã ác cảm với cái ông triết gia ốm yếu, không vợ, không con, không nhà không cửa .
 Tôi cũng hiểu là nhà văn Nguyễn Đình Thi muốn mượn cái ông "Tây " điên điên này đã phát cuồng lên báng bổ hạ bệ Đức Chúa Trời để... giải thích xa xôi cái lý do…Cô đơn... một căn buồng riêng biệt, bí mật…
 Tuần đầu tiên tháng Chạp năm 2003. Tôi thu xếp lên Phúc Yên thuê mấy người thợ làm ngôi nhà sàn gỗ bạch đàn. Một ngôi nhà sàn rộng chưa đủ mười mét vuông. Một cái chòi thì đúng hơn. Cột gỗ bạch đàn tươi chưa ngâm, chắc chắn chỉ nay mai sẽ là những bữa tiệc thịnh soạn ngon lành dọn sẵn cho họ hàng nhà mối mọt. Lợp mái lá cọ. Sàn lát gỗ tạp lam nham. Kế hoạch đặt ra là một tháng phải xong. Dân tình xung quanh thấy làm nhà sàn ngỡ rằng tôi đang âm mưu mở quán cà phê. Ông bác sỹ hàng xóm tốt bụng xăng xái tặng cho cây xoan gốc rễ xoắn xuýt lùm bùm làm cái cầu thang độc mộc bắc lên sàn nhà trông như con rết khổng lồ đang lổm ngổm bò lên bò xuống. 
Nhà đang lợp mái cọ thì ông Thi đi xe ô tô Mazda lên thăm mộ mẹ tôi ở nghĩa trang Thanh Tước rồi tiện đường ghé vào, chủ yếu là để xem nhà sàn chứ không phải thăm tôi.
 Buổi trưa tháng Chạp trời âm u. Gió lạnh. Ông Thi mũ áo lù xù khăn len quấn cổ khập khễnh đi quanh ngôi nhà ngắm nghía thích thú ra mặt… Tôi ngồi hút thuốc lào với mấy chú thợ nhà quê nửa mùa nhìn ông mà thương cảm ngậm ngùi. Bảy mươi chín mùa xuân hay là bảy mươi chín cái lá vàng rơi rồi mà sao còn lận đận mơ màng háo hức thèm thuồng đi quanh một cái chòi lá cọ như thế kia. Bà nội tôi ngày xưa là chủ cửa hiệu bánh ngọt Bảo Chấn nổi tiếng có gần chục cái nhà ở Hà Nội, Hải Phòng. Đời ông Thi cũng đã từng ra vào thay đổi nhà lầu biệt thự không biết bao nhiêu lần. Cuối đời nhận chức Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Các Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, ông Thi lại được mời dọn đến ở căn hộ nhiều buồng to nhỏ dành cho cấp Bộ trưởng trong khu chung cư cao cấp. Trước cửa lại có mảnh sân xinh xinh. Hôm nhận nhà, ông Thi vui lắm, có đến hỉ hả khoe với thằng cháu đích tôn: Thế là từ nay ông có chỗ ở tử tế để ngồi viết tiểu thuyết “Điện Biên Phủ” rồi. Cả nhà tôi cũng chúc mừng ông và cái " tổ ấm "mới mẻ thứ ba của đời ông.
 Tôi bỗng chợt nhớ đến nhà văn Lê Phương một lần xem tử vi của ông Thi có nói như đinh đóng cột là ông Thi có làm đến tể tướng thì cung Điền vẫn cứ bị phá tan hoang. Cuối đời khéo chừng chết thui thủi một mình trong một toa tàu phiêu dạt nào đó như văn hào L.Tolsto
 Ấy vậy mà… Vó câu phi qua trước cửa được bao lâu… Cuộc đời lạ lùng thay
 Buổi trưa hôm đó tôi đãi nhà văn Nguyễn Đình Thi một bữa cơm tỉnh lẻ canh cá rô rau cải và mấy quả cà cùng tí muối vừng trên ngôi nhà sàn đang còn dang dở mới lợp được nửa mái. Ông Thi tuổi chuột nên cái động thái ăn uống của ông cứ hao hao như cái động thái ăn uống của con chuột. Ông gắp tí một. Gắp liên hồi và nhai rất nhanh. Tay cầm đũa run lẩy bẩy vì ông bị bệnh run tay. Tôi chẳng thể hiểu tại sao đang vui miệng cơm dẻo canh ngọt dân dã đời thường ông bỗng quặt sang chuyện sách vở tri thức. Hỏi tôi là đang đọc gì. Tôi bảo là đang đọc lại “Cửa biển” của Nguyên Hồng… Ông Thi lắc đầu: Cụ Hồng cũng là một người ghê gớm, đáo để. Dám bỏ tất cả, xách vợ con lên tận Yên Thế ngồi viết tiểu thuyết. Không thế thì đã chẳng có bộ “Cửa biển”. Đời người viết văn nghĩ cho cùng rất đơn giản. Một cái chỗ  bé tí để ngồi. Một cây bút. Một tập giấy và viết. Chấm hết. Phải biết gạt bỏ những dây nhợ lăng nhăng vướng víu của cuộc đời… Tôi hiểu con người nhà văn Nguyễn Đình Thi đang có nhiều trăn trở náo động. Ông đang tâm sự với chính ông chứ chẳng phải là đang bàn chuyện văn chương chữ nghĩa gì với tôi
 Cơm xong. Một chú thợ nề bưng lên ấm nước vối và mấy thanh kẹo lạc. Mời bác và ông xơi nước. Trời bỗng đột ngột trở gió. Nâng chén nước nóng bốc hơi nghi ngút trên tay, ông Thi nhìn hút ra một góc vườn vắng vẻ um tùm cây cối rồi ông bùi ngùi: Sau này cậu dành cho tôi cái góc vườn kia. Hỏa táng. Vùi sâu bình tro dưới ba thước đất. Bên trên xây cho tôi một cái miếu con con. Giản dị thôi. Nghe ông nói vậy, tôi cười: Nhân trung ông sâu thế kia thì ông phải thọ ngoài trăm tuổi. Vả lại, ông là người Nhà nước quyền cao chức trọng. Ông có tiêu chuẩn Mai Dịch là cái chắc rồi. Ông Thi trợn mắt. Nhưng tao thích về nằm ở đây thì sao nào. Hay cậu tiếc cái xó vườn này
 Thấy ông bỗng dưng nổi cáu lên như vậy, tôi bèn bẻ lái sang chuyện tuần sau là xong nhà sàn. Bao giờ ông lên khai bút “Điện Biên Phủ” để con còn chạy lên Tam Đảo thuê một Ôs
 Nhưng sự đời đâu có ngờ
 Từ biệt ngôi nhà sàn đơn sơ. Nhà văn Nguyễn Đình Thi về Hà Nội họp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đang họp ông thấy choáng váng. Vào bệnh viện khám bệnh thì các bác sỹ giữ lại và bắt nằm viện. Ung thư thời kỳ thứ ba chạy lên óc rồi. Vô phương cứu chữa. Ba tháng sau ông qua đời. Tang lễ rất trọng thể. Ông được mai táng tại nghĩa trang Mai Dịch theo đúng tiêu chuẩn huân chương và cấp bậc. Bài hát “Người Hà Nội” hùng tráng nổi tiếng vang lên khi hạ huyệt. Trong những phút giây cuối cùng trước khi từ biệt thế giới này của nhà văn Nguyễn Đình Thi, tôi có ghé vào tai ông hỏi nhỏ nhưng rất dõng dạc: Ông muốn được chôn ở đâu? Góc nhà vườn Phúc Yên hay là nghĩa trang Mai Dịch? Nghe tôi hỏi như vậy, nhà văn Nguyễn Đình Thi cố gắng mở mắt ra nhìn tôi, rồi ông thều thào. Thôi con ạ. Tổ chức đã lo… Đừng có làm trái lời…
 Tôi hiểu, cho đến phút cuối cùng của cuộc đời, nhà văn Nguyễn Đình Thi vẫn là một cán bộ trung thành, luôn tuyệt đối chấp hành những ý kiến của tổ chức
 Thấm thoắt nhà văn Nguyễn Đình Thi đã mất được gần bốn năm. Mộ ông ở nghĩa trang Mai Dịch đã được xây đá hoa cương đen. Lúc nào cũng có hoa của người đọc yêu quý ông. Ngôi nhà sàn gỗ bạch đàn ở Phúc Yên vẫn đóng cửa im ỉm bị bỏ quên gần bốn năm nay suốt ngày suốt đêm cót cét tiếng mọt nghiến. Cây cầu thang con rết phơi nắng mưa đang mục chỉ chờ gãy sập xuống. Cách đây hơn tháng có bạn họa sỹ của tôi lên chơi nghịch ngợm trèo lên trượt chân ngã lăn quay xuống sân trẹo cả tay. Thế là nó tru tréo lên đổ tại cho ông Thi vật nó
 Tôi mua cái vườn này là theo ý ông anh cả của tôi để mai này có chỗ cho nhà văn Nguyễn Đình Thi lui tới, ngồi viết văn giữa cảnh tĩnh mịch chim kêu gió thổi cách xa chốn đô thành náo nhiệt bon chen ồn ã. Bây giờ nhà văn Nguyễn Đình Thi mất rồi. Ngôi nhà sàn thì đã mục. Mấy tháng nay cơn sốt địa ốc lại có nguy cơ tái phát. Tôi cũng muốn bán cái nhà vườn này đi kiếm chút tiền. Tất nhiên khi khu nhà vườn sang tay chủ mới thì thể nào tôi cũng cho ngôi nhà sàn một mồi lửa. Không được hỏa táng ông thì chí ít tôi cũng được hỏa táng ngôi nhà sàn gỗ bạch đàn để cho ông có chỗ trèo lên ở thế giới bên kia ngồi xếp chân bằng tròn, ăn cơm tỉnh lẻ nhà quê, viết nốt cuốn tiểu thuyết “Điện Biên Phủ” dở dang mà tôi biết chắc chắn rằng đó là mối hận ngàn thu con người nghệ sỹ Nguyễn Đình Thi đã phải ôm theo xuống chốn Tuyền Đài âm dương lẫn lộ

 Nguồn: Nguyễn Đình Thi – Chim phượng bay từ núi. Chuyên luận, trò chuyện và ghi chép của Hà Minh Đức. NXB Văn học, 12-2011.






0 comments:

Post a Comment

Popular Posts