Nhà sử học Dương Trung Quốc nói "hóa" tranh (đốt tranh) là cách tốt nhất, nhanh nhất để gửi tới các liệt sĩ.
TRẦN NHẬT THĂNG |
Khởi phát từ ý tưởng của họa sĩ Trần Nhật Thăng, nung nấu từ nhiều năm trước là tổ chức một cuộc triển lãm tranh tại Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn, xong rồi “hóa” đi, dâng tặng các liệt sĩ... Nhân dịp đầu tháng 4, tại Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn có tổ chức lễ nghinh tôn pho tượng ngọc Phật hoàng Trần Nhân Tông, Thăng đem ý tưởng đó trình bày với họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VH,TT&DL). Ngay lập tức nhận được sự đồng tình của Cục trưởng. Ông nói: Đây là một ý tưởng độc đáo thể hiện cái tâm nhớ tới người đã khuất vì nước, cũng không tốn kém gì tiền của công quỹ (toàn bộ kinh phí do Trần nhật Thăng tự lo). Ông gửi ngay công văn phát động và yêu cầu giúp đỡ tới UBND tỉnh Quảng Trị và cũng nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của ông chủ tịch tỉnh…
Do thời gian quá gấp, chỉ có không đến 3 tuần để kêu gọi và chuẩn bị nên nhiều người không biết. Trần Nhật Thăng tuy trẻ nhưng cẩn thận. Vì khi phát động thông tin, cũng có một số ý kiến trái chiều là không nên đốt, hoặc đây phải chăng nhằm đánh bóng tên tuổi… Nên trước khi làm, anh đã tham khảo ý kiến các bậc “cao niên” như nhà sử học Dương Trung Quốc, nhà nghiên cứu văn hóa, giáo sư Trần Lâm Biền, Thượng tọa Thích Minh Thành, trụ trì chùa Nhạn Tháp... và nhận được nhiều khích lệ.
Nhà sử học Dương Trung Quốc nói "hóa" tranh là cách tốt nhất, nhanh nhất để gửi tới các liệt sĩ. Tôi có tới nơi đóng khung làm “bo” tranh tại cửa hàng Thiên Phúc 240 Hàng Bông, thấy không khí thật khẩn trương, tranh được bồi biểu cẩn thận và sang trọng, Thăng và đám thợ gần như trắng đêm vì tranh gửi đến rải rác... Nhiều họa sĩ đủ các thành phần tham gia: họa sĩ Vi kiến Thành, Đoàn Thu Hương (Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm), họa sĩ Nguyễn Xuân Tiệp, Đỗ Minh Tâm, Hoàng Phượng Vỹ, Đinh Quân, Trịnh Tuân, Đặng Tiến, Lê Thị Minh Tâm, Hoàng Duy Vàng, Nguyễn Sơn... và trong đó có tôi.
Các nhà điêu khắc có Trần Hoàng Cơ, Đinh Đức Thành...; rồi nhà thư pháp Bùi Hạnh Cẩn, cùng nhiều họa sĩ trẻ tham gia...
Với tư cách một người tham gia và quan sát từ đầu cho đến khoảng hơn 4h chiều ngày 7/4... Lúc Thăng báo qua điện thoại: “Chú ơi, những ngọn lửa cuối cùng của cuộc hóa tranh đang dần tắt, triển lãm coi như kết thúc thì cũng là lúc... pin điện thoại vừa hết”.
Trước khi đoàn vào để triển khai, thời tiết Quảng Trị cực nóng, đúng mồng 6 là ngày xuất phát thì trời mát hẳn. Đoàn đi 3 xe, tổng cộng 19 người, tổng số tranh tham gia toàn quốc là 96 tác phẩm, số tranh được “hóa” là 60, số tranh tặng lại cho Nhà tưởng niệm Nghĩa trang là 27, còn lại 9 bức Hòa thượng Thích Minh Tấn xin về treo tại Giáo hội Phật giáo Quảng Trị... (cứ xoay quanh con số 9).
Ngày 6/4, ông Thích Minh Tấn (Chủ tịch Giáo hội Phật giáo Quảng Trị) khai lễ, ông đọc kinh, niệm Phật, trời bỗng quang mây, lúc có người trong đoàn hỏi thầy liệu có mưa không? (vì tranh treo tại các gốc cây ngoài trời). Thầy hỏi Trần Nhật Thăng: Anh “cảm” thấy thế nào? Thăng trả lời: Con cảm thấy rất yên tâm. Thầy nói: Thế là “xong” rồi, thời tiết sẽ rất tốt!
Sau buổi lễ, Thầy ngỏ ý muốn xin một số tranh về trang trí tại Giáo hội Phật giáo, Thăng nói: Tùy thầy chọn, vì đó cũng nằm trong chủ trương ban đầu của Ban tổ chức là sẽ không “hóa” hết, tùy tâm, một số sẽ để lại tại Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn, một số tặng Hội Phật giáo... Thượng tọa từ từ chọn và số tranh dừng lại ở con số 9.
Buổi tối, sau khi hoàn thành công việc nặng nhọc “đóng đinh leo thang”, nhóm họa sĩ mang đàn, micro, tụ thành các tốp liên hoan mừng triển lãm bằng những bài ca chiến trận năm xưa... Đến 23h tốp nọ kéo tốp kia "du ca” dần tụ lại thành một nhóm. Khi ánh lửa bừng lên soi rõ tấm bia, mới rõ cuối cùng tất cả đang quây quần quanh các liệt sĩ “chưa biết tên”. Thế là hôm sau, chính tại nơi đây, tác phẩm sắp đặt của nhà điêu khắc Trần Hoàng Cơ (một con ngựa gỗ và giấy khá to) được “hóa” ngay trước khu mộ. Thêm vào đó, Thăng sử dụng 2 dải ru-băng dài nối từ mồm ngựa ra tấm bia như 2 sợi cương ngựa... Cùng lúc đó, có một tác phẩm độc đáo của họa sĩ Trần Lê Nam (là nhiều xấp tiền vàng trên có đề chữ “Quyết định xuất ngũ” dùng để đốt cho các liệt sĩ). Theo Thăng kể, khi Nam làm tác phẩm này là dựa theo chuyện kể của những người lính năm xưa mơ ước sau chiến tranh được xuất ngũ trở về với gia đình thân yêu... Thế là “tác phẩm” tiền vàng được hóa cùng con ngựa giấy cầu mong cho các liệt sĩ vô danh sớm được đoàn tụ với người thân...
Con ngựa rừng rực trong khói lửa trong thế thăng thiên dường như rất phấn khởi đưa ước mơ, nguyện vọng của các liệt sĩ vô danh sớm thành hiện thực.
Triển lãm đã bế mạc chiều 7/4/2013 đúng kế hoạch. Ban tổ chức có tặng Trần Nhật Thăng một cái vòng làm từ những mảnh vụn của khối ngọc tạc Phật hoàng để ghi nhận thành tích, Thăng lẩm nhẩm đếm... 19 hạt (lại 9).../.
0 comments:
Post a Comment