Cô gái hờn dỗi (Te faaturuma) của Gauguin, Sơn dầu- 91 x 68 cm- Nguồn: Lê Thanh Lộc (biên dịch)
Thành tựu tiếp theo phải kể đến, sự cống hiến của họa sĩ Paul Cézanne[2] là người “tạo cầu nối giữa chủ nghĩa Ấn tượng cuối thế kỷ 19 và cuộc cách tân nghệ thuật đầu thế kỷ 20 xu hướng Lập thể”, họa sĩ Matisse [3 ] cho rằng; Cézanne "là cha đẻ của tất cả chúng ta". Tác phẩm của Cézanne thể hiện những cung bậc màu sắc, và hình khối có tính phân tích theo diện hình học. Nét vẽ của ông thường lặp đi lặp lại, và theo các chiều hướng của diện, khối, hình- giàu tính sáng tạo trong không gian của vật thể, đạt được chiều sâu của chất liệu sơn dầu (oil painting); những bức tranh về phong cảnh, tĩnh vật hay bố cục,… tạo nên một nhãn thức thẩm mỹ mới trong bút pháp đa hướng, đa chiều, biểu cảm chất liệu cao trong phương pháp tạo hình. Bắt đầu từ đây, cuộc khai sáng nghệ thuật thế kỷ XIX ra đời - cách tân mạnh mẽ của nghệ thuật nhân lọai. Bằng những thủ pháp nghệ thuật có tính giản lược hai chiều; sử dụng các mảng dẹt trên “không gian cạn” phải kể đến danh họa Eugène Henri Paul Gauguin[4] đã rời nước Pháp hiện đại, từ bỏ cái xã hội “tội lỗi và được tổ chức tồi”, “được điều hành bằng vàng bạc”, Paul Gauguine đã ẩn cư ở các đảo Nam Thái Bình Dương lấy cảm xúc nội tâm và chịu ảnh hưởng bởi khung trời tự nhiên của riêng mình: “Gauguine đã tô vẽ thực tế bằng nội tâm và nâng lên một bậc với màu sắc tượng trưng”.
Chính cuộc sống nơi đây, họa sĩ đã sáng tạo nên nhiều tác phẩm có giá trị mang tính tiên phong. Với lối đơn giản, các mảng hình sử dụng hệ thống nét làm nền tảng trong xây dựng cấu trúc hình tượng nhân vật. Trên cơ sở đó, ông đơn giản hóa hệ thống mảng màu có tính trang trí, ước lệ và tượng trưng. Thủ pháp đó, đưa tác phẩm của Paul Gauguine lên một vị trí mới trong nghệ thuật của nhân loại. Không chỉ có Paul Gauguine nhiều họa châu Âu khác đã lên đường sang châu Phi, sang Nhật, Ấn Độ... để tìm kiếm một không khí mới trong sáng tạo nghệ thuật. Mặc khác, một số nghệ sĩ theo chủ nghĩa Biểu hiện cũng coi nghệ thuật nguyên thuỷ, nghệ thuật dân gian và nghệ thuật dân dã, ngoại lai là những nguồn cảm hứng vô tận. Các nghệ sĩ không còn chịu sự chi phối bởi “cấu trúc thực” của sự vật, mà quy chúng thành trong không gian hai chiều, tạo cho họ một niềm cảm hứng tự do trong khung trời sáng tạo. “Trong không gian đó, chiều sâu của sự vật không được lưu ý tới, hay nói đúng hơn là không được biểu đạt một cách chính xác”, nhằm đạt được giá trị thẩm mỹ có tính biểu hiện bởi tiềm thức của chủ thể sáng tạo.
Con chào đức mẹ Maria ( Ia orana Marie) của Gauguin, Sơn dầu, 113,7 x 87,7 cm. Nguồn: Lê Thanh Lộc (biên dịch)
Bên cạnh đó, trường phái Hậu ấn tượng (Post impressionism) đã biết chối bỏ ý thức mô tả chính xác vẻ bề ngoài của hiện thực. Thay vào đó, họ tập trung thể hiện những ấn tượng, cảm xúc, làm nên cái đẹp của diện hình, bút pháp, ánh sáng, màu sắc và nội tâm,… nhằm biểu đạt tình cảm rung động chân thành của họa sĩ: Những danh họa như: Van Gogh hay Paul Gauguine từng chịu ảnh hưởng sâu sắc từ tranh khắc gỗ Nhật Bản, nhưng một trong những điểm khác biệt lớn nhất của chúng với hội họa đương thời phương Tây chính là ở tính chất tư duy không gian hai chiều, sử dụng những mảng màu tươi sáng. Thể hiện tính ước lệ- tượng trưng trong sáng tạo hình tượng nghệ thuật. Cùng với tinh thần đó, họa sĩ Modigliani[5] chịu ảnh hưởng bởi các nghệ sỹ bạn bè nhưng ông vẫn giữ phong cách nghệ thuật riêng. Trong tranh Modigliani, bằng lối tạo hình mảnh mai cho thấy: “Tác phẩm của ông ta chịu ảnh hưởng của các nhà điêu khắc người Rumani- Constantin Brancusi, và tượng gỗ gọt đẽo bán khai, cụ thể là châu Phi. Ông triển khai một bút pháp tiến bộ nhưng không cầu kỳ duyên dáng. Trang trí thích nét lượn, thể hiện sự đơn giản”. Chính sự tiếp cận nghệ thuật Châu Phi, tạo cho tác phẩm của Modigliani thể hiện tính tượng trưng cao trong sử dụng màu sắc và xây dựng hình tượng nhân vật.
Với một tư duy sáng tạo khác- Mikhail Alekxandrovich Vrubel[6], bút pháp độc đáo, mạnh mẽ – một bức tranh là những tiếng lòng, chứa đựng chiều sâu của tư tưởng, triết lí. Về mặt nào đó là sự dự báo một tư duy hình tượng nghệ thuật có tiên phong. Họa sĩ đã sử dụng những mảng màu “tranh tối tranh sáng và màu xanh tím tuyệt vời”. Nhiều bức vẽ của danh họa Vrubel mang không khí thần kỳ, chứa đầy cảm xúc sự hỗn loạn, tăm tối, bí ẩn vốn đặc trưng cho chủ nghĩa trừu tượng. Chủ nghĩa bi kịch tiềm tàng trong ông đạt đến đỉnh cao trong những bức minh họa cho trường ca “Ác quỷ” cho tập thơ của M. Lermontov (1890–1891). Trong những bức tranh “Ác quỷ ngồi” (1890) và “Ác quỷ bị đánh bại”(1902). Bút pháp độc đáo của Vrubel- “đó là các họa tiết có dạng tinh thể, nó thể hiện sự ảnh hưởng khá sớm của chủ nghĩa Lập thể”, cho thấy, một cuộc khai phá, tìm tòi trên tinh thần nghiên cứu nghệ thuật ghép đá có tính truyền thống lịch sử lâu đời của dân tộc Nga được trang trí hoa lệ nơi các cung điện, nhà thờ… Với những mảnh ghép đa hướng, đa chiều, được họa sĩ thiết lập nên một bút pháp có tính sáng tạo và giàu mỹ cảm truyền thống- hình thành một phong cách riêng biệt độc đáo- chứa đựng sự huyền bí trong xây dựng hình tượng nghệ thuật, bộc lộ một cuộc trở về với tinh thần truyền thống của dân tộc, đề cao vốn quý của giá trị tạo hình bản địa, để làm nên điều kỳ diệu trong nghệ thuật. “Tinh thần nghệ thuật cuả ông gần với nghệ thuật tôn giáo Trung cổ”, chứa đựng chiều sâu triết lí, tạo nên một gương mặt tiêu biểu trong nghệ thuật tạo hình hiện đại nước Nga.
Ác quỷ ngồi - Tác giả Vrubel Mikhail, sơn dầu, 1890. Nguồn: nuocnga.net
Thành tựu vĩ đại của chủ nghĩa nghệ thuật hiện đại như: trường phái Lập thể ( Cubism)[7] ra đời trên cơ sở của sự gợi ý của nghệ thuật châu Phi. Sự ra đời của tác phẩm những cô gái Avignon một trong những tác phẩm cũng là tuyên ngôn trường phái Lập thể đầu tiên của Picasso- trong tranh thể hiện lối tạo hình mạnh mẽ, thô bạo, tàn nhẫn, những cái đầu của nhân vật đó là công cuộc tìm kiếm từ điêu khắc nguyên thủy, ở bán đảo Tây Ban Nha và Tây Phi. Trên những giá trị nghệ thuật nguyên thủy, tính chất dân gian ảnh hưởng sáng tác mỹ thuật hiện đại như là một xu hướng của nghệ thuật nhân loại. Điều đó cho thấy rằng, các trào lưu nghệ thuật Hậu ấn tượng, không còn đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ cho số đông quần chúng, cần phải có xu hướng nghệ thuật mới thay thế. Các nghệ sĩ đã tìm về với nghệ thuật nguyên thủy - thổ dân; gợi mở cấu trúc và phong cách mới trong sáng tạo tác phẩm.
Với những tư tưởng và quan niệm thẩm mỹ trong sáng tạo nghệ thuật- tính chất cách tân mang tầm thời đại. Những họa sĩ bậc thầy hiện đại luôn hướng về nghệ thuật nguyên thủy- dân gian, để khai phá nên những bút pháp mới- tạo dựng những phong cách nghệ thuật chứa đựng phẩm chất trí tuệ và thẩm mỹ tiên phong. Điều đó chứng minh rằng: các cuộc tìm kiếm trong sáng tạo nghệ thuật tạo hình của các hoạ sĩ thế giới- vai trò của nghệ thuật truyền thống của mỗi dân tộc có tính định hướng và tạo nền tảng thúc đẩy sự tìm kiếm của các thế hệ họa sĩ, và đó cũng là một bản sắc làm nên phong cách và giá trị thẩm mỹ riêng biệt giữa nghệ thuật dân tộc này và dân tộc khác- giữa văn hóa quốc gia này và văn hóa của quốc gia khác.
0 comments:
Post a Comment