LX : Gần đây trên diễn đàn tranh luận thơ ca nghệ thuật ở trong nước đang diễn ra những trận cuồng phong ầm ĩ náo nhiệt rất nặng mùi. Bài viết này là quan điểm riêng của tác giả không phải là quan điểm của lá xanh
Thơ việt- bài ca tập thể của nông dân
Trong thế kỷ 20 kéo dài đến nay, công bằng nhìn nhận từ mọi nguồn tư liệu và thực tế, phải nói: giai cấp nông dân Việt Nam đã làm được hai cuộc chuyển mạnh hơn cả lột xác:
1- Từ chỗ là lực lượng đông đảo đi theo cách mạng, nhưng do lực lượng áp đảo đã nhanh chóng thay máu, trở thành giai cấp điều hành lãnh đạo toàn thể bộ máy hành chính của quốc gia. Đến cơ quan nào cũng thấy tác phong nông dân xuề xòa, à uôm, hút thuốc lào, bày bừa, chè chén, cục bộ, bè nhóm, địa phương, buông thả, cảm tính cho qua, đấu đá vô tổ chức, làm việc và hành xử thiếu lý trí. Rõ nhất là tệ quan liêu. Chỗ nào cũng xếp hàng, ách tắc việc công chứng, thể hiện quyền lực hành chính tuyệt đối phiền hà, đến mức dân gọi “hành chính” tức là: “Hành là Chính”. Về điểm này triết gia Socrate đã bàn trong cuốn “Cộng Hòa” rằng: giai cấp nô tài hèn mạt do bị bóc lột rất dễ trở thành độc tài, bởi lẽ: họ mang mặc cảm phải đòi nợ. Triết gia Hegel thì nói: tất cả những ai bị cai trị bằng bạo lực thì đều trở thành kẻ ưa thích dùng bạo lực.Nhìn ra thực tế thấy ngay, những gia đình nào sống trong mâu thuẫn bạo hành, thì những đứa con đều có xu hướng bạo lực. Và nhìn cảnh nàng dâu mẹ chồng ở Việt Nam và châu Á dai dẳng tệ ức hiếp thì thấy: khi con dâu lúc trẻ bị ức hiếp, thì về già đã trở thành mẹ chồng ức hiếp. Một xã hội chỉ có thể cởi bỏ tính bạo lực cũng như vòng xoáy của bạo lực, khi người trên biết sống nhân ái, trật tự, kỷ cương, nếu không vậy thì sẽ thấy nhãn tiền cảnh “thượng bất chính hạ tắc loạn”.
2- Khi có chữ quốc ngữ về, một thứ chữ người khôn học trong 20 ngày, người ngu học trong ba tháng, tất cả lớp một ở trình độ trung bình đều có thể đánh vần vèo vèo mọi tờ báo. Thêm vào đó ở xã hội nông nghiệp lạc hậu thì tất yếu có nhiều người muốn làm thơ, cũng như với trình độ à ơi tí tẹo mới thoát nạn đánh vần, người ta cũng chỉ có thể làm thơ. Đây là vấn đề có tính lý thuyết căn bản. Trong thực tế, người Việt đa số mù chữ, nên người ta đành phải nghĩ ra ca dao tục ngữ để răn đời và răn những ai không được học hành, như “đàn ông quan tắt thì chầy/ đàn bà quan tắt nửa ngày lên quan” hay “người khôn ăn nói nửa chừng/ làm cho kẻ dại nửa mừng nửa lo” v.v… theo lý thuyết được các triết gia Hy Lạp bàn thảo: Lý luận nằm trên não, lý luận đi sát vào hiện thực và có tác dụng giải quyết những vấn nạn của cuộc sống. Trong thực tế, đặc biệt lịch sử không cãi được, chủ nghĩa Mác đã dẫn dắt không phải hàng tỉ người, mà còn rất nhiều dân tộc bị cuốn theo tính dẫn dắt của học thuyết. Rồi mấy anh nhà thơ, nhà văn cọc cạch nửa mùa lúc nào cũng khoe mình đang viết bút pháp hậu hiện đại ít – dờ – mờ (ism) càng là một bằng chứng rằng lý luận với những phong trào do nó tạo ra bao giờ cũng là khoa học cao nhất, sát thực nhất, và ảnh hưởng nhất.
Còn thi ca là gì? Thường là cảm xúc và tưởng tượng xa rời thực tế. Thi ca đã thế, các thứ thơ vụn tức cảnh sinh tình thì còn thấp đến đâu, chúng chỉ là những cảm xúc ngâm nga hời hợt bồng bột ngoài da, một dân tộc có một văn hóa đọc lớn tất nhiên không thể chỉ dựa vào thơ cái làm trong vài bước chân (như Tào Thục) hay trà dư tửu hậu, hay trở mình ít cái. Một nền văn học chỉ hình thành khi có văn xuôi và tiểu thuyết vạm vỡ. Iliad và Odyssey là vậy, đó vừa là trường ca, vừa là kịch, lại vừa là tiểu thuyết… nhưng chủ yếu nó là kịch với những nhân vật và kịch tính rõ ràng.
Giai cấp nông dân đã thắng lợi ào ạt tràn vào như lũ cuốn trong các cơ quan, và dâng lên như sóng thủy triều với hàng nghìn hàng vạn nhà thơ quần chúng, đi đâu cũng ngê nga ngâm vịnh, thù tạc, nhí nhảnh hí hót, nhưng dòng lũ cuốn ào ạt và thủy triều tung trắng xóa thôn ấp – xóm thị này đã gặt hái cái gì? Khi tôi về một vùng quê, tôi rất ngạc nhiên, mấy bác nông dân bèn đến bên rỉ tai ngâm thơ, điều đó không khác gì mấy chiếc liềm đến bên đòi hát khoe với máy gặt đập liên hợp. Tại sao như thế nhỉ, tại sao với trình độ lèo tèo của họ, họ không tiến đến và bảo, bác ơi bác ở trên tỉnh về, xin đọc cho chũng tôi nghe mấy bài thơ, giống người học võ ấy, khi nhìn thấy cao thủ ở đâu đến thì phải xếp gậy mà thỉnh giáo chứ, sau vài lần tôi để ý rồi lý giải, hóa ra đó là cái chất quê mùa muốn bán mớ rau con cá của họ. Chúng ta đi về vùng quê dù nghèo xác xơ đến đâu, người ta sẽ đem cái rổ hay cái mẹt bé nhỏ ra chào hàng, nào hãy mua cá cho em, cá sống mới bắt còn tươi lắm, nào hãy mua mớ rau này mới vớt dưới ao lên còn dính mùi tôm cua… Và mấy bác làm thơ quê mùa cũng vậy, họ đâu cần biết ông hay bà giỏi cỡ nào, tôi chỉ ra ngâm vịnh để khoe khéo khoe khôn. Bán mớ rau con cá làm thế thì được, nhưng thơ là văn hóa, chơi chèo thế là quê kệch không biết trên dưới như người Trung Quốc nói “hương nguyện đức chi tặc giã” – tức nhà quê là hại đức. Nhưng câu chuyện không dừng lại ở đó, mà thứ “văn hóa khoe hàng” đó đã mở rộng ra hơn 90% nhà thơ. Đa số đi đâu cũng “mở đài” đọc thơ, lại còn xin đọc 3 bài, đọc xong vẫn còn thèm, tranh thủ lúc nào đọc được là đọc tiếp. Tôi đã từng dự đêm giao lưu giữa các sinh viên và các nhà thơ. Tôi thực sự thấy ê chề và xấu hổ. Mỗi ông nhà thơ lên cứ đòi đọc 3 bài, thời gian đã trễ các ông vẫn còn muốn đọc, nhưng những sinh viên chẳng ai có cơ hội giao lưu để hỏi các ông một câu cả. Như vậy thực sự là ích kỷ, chỉ biết tự ngắm mình. Đấy cũng phản ánh một trình độ thấp của lý trí và lương tâm.
Chúng ta biết người nông dân dù hiền lành chất phác như cây cỏ nhưng vẫn còn rất nhiều hủ tục lạc hậu và trình độ tư duy thấp chưa được giáo dục tập thành về văn hóa. Người nông dân thường mắc một loạt các thói xấu phổ biến sau, buông thả, vô tổ chức, thiếu kỷ luật, rồi ngang ngạch, cãi cùn, chầy bửa, vì yếu nên tụ bạ số đông, thiếu chính kiến hay a dua, ích kỷ, kéo bè kéo cánh, cục bộ địa phương…
Tập thể có sức mạnh của đám đông, như chúng ta vẫn thường nghe hát “hòn đá nặng một người vác không đặng, nhưng ba người vác ngon”. Nhưng các chuyên gia phân tích rằng, chủ nghĩa đám đông rất có lợi trong công việc dùng cơ bắp, nhưng khi chia phần lại vô vàn khó khăn. Chúng ta xem phim cao bồi hay hành động thường gặp các cảnh, lũ cướp tập trung nhau rất đông để đi cướp ngân hàng, nhưng khi cướp xong chúng lại rơi vào cảnh tranh giành cắn xé lẫn nhau. Đặc biệt trong công việc sáng tạo như văn thơ, nghệ thuật không bao giờ có sáng tác thuộc về đám đông cả. Đám đông chỉ thích hợp với cơ bắp mà thôi.
Đó là cách lý giải tại sao thơ của chúng ta lâu nay lại xoàng xĩnh bé nhỏ lèo tèo đến vậy, có mỗi việc nghĩ ra nhân vật cho trường ca mà không làm nổi, đó chẳng phải là một thất bại tuyệt đối ư?! Tập thể nông dân sáng tạo thơ cũng giống như ấp trứng hàng loạt. Vì tài cán sàn sàn nhau quá, thơ làng, thơ xã, thơ tỉnh, thơ trung ương đều rưa rứa nhau, chẳng một người làm thơ xã huyện nào không ẵm hy vọng vào hội và đoạt giải trung ương cả. Vì sàn sàn nhau quá, nên người ta bèn tụ lại thành các nhóm để đòi chiếm lợi thế ưu tiên. Hàng dài thế kia xếp đến nơi làm sao mua được một que kem mậu dịch, trời ơi nhanh nhất là chen ngang. Mà muốn chen ngang thì có gì bằng mang cơ số hội đoàn với cái thẻ có nhiều chữ “ệ” (hậu duệ, quan hệ, tiền tệ).
Nông dân cũng như tất cả mọi người, cái gì có lợi thì làm. Khi cờ quạt, đài đóm tưng bừng bảo người ta vào hợp tác người ta buồn như trấu cắn, buồn vì mất ruộng, lại vào cái chỗ “cha chung không ai khóc”, nhưng nếu được mời vào hội nhà văn thì họ mừng khôn xiết, thậm chí quay lại nhìn nhân tình thế thái không đáng một trinh. Vì sao? Vì là xã viên hội thơ thì có lợi mọi đằng, nào cơ hội đăng thơ lên mặt báo trung ương, nào xuất cảnh đem thơ tranh tre nứa lá hoặc mây tre đan đi xuất khẩu, rồi còn nhiều ngai – ghế nữa chứ, còn hàng năm trao hàng chục giải, khéo xếp hàng lại có thẻ “ệ” tranh thủ chen ngang mấy chốc mà thỏa chí.
Nhưng đó chỉ là thắng lợi của bon chen đời sống. Bao giờ chân lội ruộng của các nhà thơ cảm tính hò hát sướt mướt sụt sùi mới khải hoàn ca trên quảng trường lát đá của lý trí minh triết đàng hoàng vạm vỡ và tỏa năng lượng dồn nén của trí tuệ đỉnh cao? Hiện thực thơ bây giờ nói chính xác ra sao? Nếu con người có ba cấp độ: bộ não cao nhất là tham mưu, trái tim là danh dự và tình yêu nhân ái, còn ngoài da là cảm xúc. Thì thơ nông dân ca hát của chúng ta cũng mới chỉ là thứ gãi trên làn da mà thôi. Nếu có nhà thơ nào đó muốn chứng minh, xin mời cho mọi người được chứng kiến thơ mình đã nhảy vượt rào qua làn da ở mức nào? Riêng tôi rất mong đợi và xin cám ơn một cách “thầm lặng” vì không muốn nhắc lại các nhà quán quân thơ nông dân đã văng tục chửi bậy kém cỏi thế nào trong thơ đỉnh cao của họ. Xin chờ đợi!
.
NHĐ 24/04/2013
0 comments:
Post a Comment