CHÂN PHƯƠNG -
Hội nhập những ngòi bút trong nước và ở hải ngoại trong xu hướng tạo ra một Lực Liên Vận (Lời Dẫn Hội Luận). Thú thật tôi không thích câu này, nhất là từ hội nhập. Có thể bài nhận định chân tình và giàu thông tin “nội bộ” của Tô Nhuận Vỹ với cái tên Nhà Văn VN: Đổi Mới và Hội Nhập (1) đã gây ấn tượng sâu trong tư duy Hội Luận. Trước đây làm di dân mới đến Hoa Kỳ tôi đã nghe đến ngán assimilation, failed or successful assimilation… (hội nhập ở đây có nghĩa hội nhập vào xã hội và lối sống Mỹ). (2) Sau này được gia nhập WTO nhà nước VN cũng lạc quan tuyên bố ngày đêm khẩu hiệu hội nhập kinh tế thị trường toàn cầu. Ở cái vế sau hội nhập là dịch lại mấy chữ economic integration. Trong khoa học xã hội, khái niệm hội nhập (assimilation, integration) hàm nghĩa sự tương tác giữa các tập hợp xã hội-kinh tế có kích thước khác nhau mà kết quả là sự đồng nhất/đồng hóa vào tập hợp lớn mạnh nhất. Hiểu theo nghĩa này thì hiệu triệu sự hội nhập các ngòi bút VN sẽ chẳng khác gì đòi thủ tiêu sự độc lập tư tưởng và óc sáng tạo lúc nào cũng mong tìm cái độc đáo đồng thời đi ngược lại tinh thần tôn trọng sự khác biệt của nhân loại văn minh thời nay. Hoàng Hưng cẩn thận mở/đóng ngoặc từ “ hội nhập” trong tham luận của mình, có lẽ một phần vì nhà thơ-dịch giả này đã luyện được ý thức gián cách hóa (distanciation) rất cần thiết đối với những con chữ hơi bị người đời lạm dụng. . Đồng ý rằng quá khứ bất hạnh của đất nước đã gây phân hóa với chấn thương sâu đậm trong lòng từng gia đình VN nhưng tiếng mẹ là gia tài chung đồng thời là mối liên hệ hữu cơ gắn kết tất cả những ai biết nói, đọc, viết bằng Việt ngữ. Vậy thì ý nghĩ kêu gọi người VN “hội nhập” vào ngôn ngữ với văn hóa VN là trái tự nhiên và không cần thiết. Có lẽ phần nào nó chỉ nói lên ưu tư của một số ngòi bút di dân đang mất dần độc giả trong các cộng đồng tha hương tứ tán của họ song song với niềm khao khát của nhiều thành viên Hội Nhà Văn trong nước thèm được xuất dương ít ra một lần trong đời để nhìn thấy thế giới bao la.
Dĩ nhiên chúng ta hoan nghênh thiện chí các bạn đề xướng Hội Luận này. Một lần nữa tinh thần ưu hoạn của sĩ phu Đông Á lại tái xuất, lần này trên Internet! Nhiệt tình và ưu tư của các ngòi bút tham gia cuộc hội thảo khá hào hứng từ hơn tháng nay làm tôi nhớ lại thời Đông Kinh Nghĩa Thục, Mặt Trận Văn Hóa Cứu Nước… Sau bức Thư Ngỏ các tham luận công phu với nhiều bài góp ý cho thấy hoài bảo của Hội Luận được hưởng ứng nhanh rộng, chứng tỏ rằng lòng trung nghĩa (loyalty) với dân tộc và đất nước vẫn tràn đầy dù đã bị thử thách nhiều phen khốc liệt. Khi nhắc đến giai thoại về Independent Chinese Pen Center (Trung Tâm Văn Bút Độc Lập của Người Hoa) Hoàng Hưng có thể không ngờ rằng thi sĩ đã đưa ra một mô hình thách thức niềm tự ái dân tộc còn mang nhiều chấn thương lịch sử trong giới cầm bút VN! Làm thế nào nối các vòng tay để phát động cuộc chấn hưng văn hóa VN vào thiên niên kỷ của toàn cầu hóa? Hỡi Synergy, bao giờ giấc mơ Tổng Hợp Lực Lượng của văn bút VN sau hơn nửa thế kỷ nhiều xung khắc và phân hóa sẽ thành hiện thực? * Vô thức di dân lúc nào cũng ước mơ ta về ta tắm ao ta . Đây không thuần túy là sự méo mó của loại suy đã khiến các bạn Hội Luận bắc cầu từ hội nhập kinh tế thị trường sang hội nhập văn hóa văn nghệ một cách nồng nhiệt không đắn đo. Đằng sau chủ nghĩa dân tộc tự phát ấy ẩn chứa bao nhiêu mất mát tình tự và mặc cảm lưu vong? Và nhà nước VN khi đề ra Nghị Quyết 36 gì đó cũng bắt đúng mạch lòng hoài hương của mấy triệu kiều bào. Khi một đảng chuyên chính đã giành độc quyền yêu nước và dùng tình dân tộc như một cái bẫy bọc nhung gấm để trước đây thu tóm xương máu nhân dân cả nước và hôm nay mời chào đô la hoặc chất xám hải ngoại, những người VN còn cái đầu biết suy xét phải có thái độ như thế nào trước các chiêu thức tuyên truyền đậm đà bản sắc dân tộc được tân trang hòng che lấp khoảng trống do sự sụp lỡ thiên đường cộng sản bỏ lại? Lập thêm nhiều đàn cầu siêu và tổ chức tốt các festival thơ có thực sự giải quyết bài toán hòa giải dân tộc? Cho dù giao lưu trong ngoài đã thông thoáng hơn không chỉ độc đạo một chiều như trước ( thuở mà đại đa số là di dân gửi tiền hay mang tiền về thăm nhà), cộng thêm không gian và kỹ thuật liên mạng đang mở ra một sân chơi có vẻ không còn chướng ngại với giới hạn , những ai có kinh nghiệm lâu nay nằm trong chăn với rận như các bạn vừa ký tên phản đối vụ tịch thu tập thơ Trần Dần sẽ mỉm cười nhẹ giọng ngâm nga: Đoạn trường ai có qua cầu mới hay! (3)
Là một di dân sống ở Mỹ và Pháp đã hơn hai mươi năm tôi khá hiểu về tâm lý học lưu vong lúc nào cũng thèm hơi ấm bộ tộc và hạnh phúc bầy đàn. Điều này giải thích tại sao những thuyền nhân và nạn nhân trước đây của các chính sách chế độ sau 1975 nay lại ồ ạt qui cố hương. Văn nghệ sĩ hải ngoại cũng không thoát được nhu cầu tâm lý này, và cộng thêm khả năng nói viết hơn người, đang vô tình cổ xúy cho một thứ chủ nghĩa ao nhà đầm ấm. Bên cạnh nỗi dằn vặt khắc khoải của vài cá nhân, nơi bàn tròn Hội Luận này tôi mơ hồ cảm thấy không khí một buổi garden party của ban tổ chức và thân hữu rôm rả thù tạc về một dự phóng chung. Thật ra điều này cũng vô hại như cái mốt chạy theo lý thuyết Âu-Mỹ hoặc phong thủy Trung Hoa, những trò thời thượng giúp chúng ta khỏi phải đối diện với sự thật đất nước và nỗi khủng hoảng bản sắc sâu xa của người dân Việt còn ý thức. Cũng hay vụ Trần Dần đã diễn ra đúng lúc; và từ buổi garden party huyên náo mọi người kéo nhau qua dự cuộc “giỗ tang văn học”, với tâm trạng hụt hẫng của những kẻ vừa nhận thùng nước lạnh thực tế tạt vào đầu! * Sau sự cố vừa kể, các cây bút hải ngoại đang nuôi hi vọng hợp tác với cơ chế xuất bản trong nước chắc chắn phải đổi cặp kính màu hồng. Là kẻ trước đây có lúc lạc quan phát biểu về sự hình thành một nền cộng hòa văn chương VN nhờ vào liên mạng và kỹ thuật vi tính (4) , nhân dịp góp ý cùng các bạn Hội Luận lần này tôi xin sửa sai và xét lại nhận thức của mình. Thực tế lại cho thấy lần nữa là không gian văn học khó tách khỏi không gian chính trị, dù ở VN hay ở bất cứ quốc gia lớn nhỏ nào trên quả đất hôm nay. Mối tương quan này tại VN lại rắc rối khó lường vì nhiều lý do lịch sử đặc biệt; trước hết là hoàn cảnh từ 1945 (nền độc lập non trẻ, chia cắt đất nước, chiến tranh liên miên, thống nhất bằng quân sự, đường lối kinh tế gần như phá sản, hệ thống cộng sản toàn cầu tiêu vong , đổi mới đi kèm với khủng hoảng xã hội…) đã khiến guồng máy cai trị không thể nào bình thường hóa quan hệ đuợc với xã hội dân sự vì lúc nào cũng điên đầu đề phòng và đối phó bao thứ đe dọa, bất trắc. Cái chế độ chưa bao giờ được thử thách bởi một cuộc bầu cử minh bạch làm thế nào xây dựng được quan hệ lành mạnh với người dân, nói chi tranh thủ sự hợp tác văn minh hoặc lòng kính trọng của các thành phần ưu tú như trí thức, nghệ sĩ. Trong lý thuyết, không gian văn học (espace littéraire) là một vùng đất tương đối độc lập với chính trị và xã hội.(5) Nhưng ở VN không gian ấy không may đã bị xâm lăng liên tục bởi bạo lực, đáng nói nhất là sự khủng bố tinh thần giới cầm bút một cách có hệ thống khiến nhiều văn, thi sĩ, học giả đã đầu hàng hay thỏa hiệp với các chính sách của nhà nước toàn trị. Thấy tấm gương các nhà văn nhà thơ lương tâm trên thế giới, có vài bạn như Phùng Nguyễn nóng lòng yêu cầu ngòi bút VN phải làm chứng nhân. Nói thì dễ khi chúng ta đi đứng thong dong bên ngoài chuồng trại; cần có kinh nghiệm thường trú dài hạn mới có thể thông cảm giọt lệ Nguyễn Tuân cùng thói quen lãnh đạm hay đồng lõa của không ít hội viên Hội Nhà Văn VN trước đây và ngay cả hôm nay với chính quyền.
Dù cao trào dân chủ pháp trị và dân chủ đa nguyên đang xuyên kích (transgression) các rào chắn chuyên chính song song với bao đòi hỏi nhân quyền của từng công dân Việt, tôi không tin là sức ì bảo thủ liên minh với các thế lực phản động giấu mặt sẽ tự giác lột xác để qui thuận bảng giá trị của lưong tri thời đại. Nói cách khác những ngòi bút mong muốn giao lưu và hòa hợp cần tâm niệm câu Văn học phải cảnh giác quyền lực chính trị của Nguyễn Đình Chính . Tôi không dám dạy bảo ai về chuyện này mặc dù chính mình cũng từng có đôi chút kinh nghiệm khó quên. Nhưng để dọn rác, làm sạch, thổi sinh khí vào không gian văn học của chúng ta, vấn đề ngòi bút và quyền lực chính trị là vấn đề ưu tiên không thể tránh né vì nó đồng nghĩa với vấn đề tự do ngôn luận và tự do báo chí mà Bùi Minh Quốc vừa nêu lên kịp thời. * Quá khứ như là chấn thương lịch sử, như là trách nhiệm của người cầm bút là một vấn đề lớn khác, và không thể tách rời với vấn đề trên vì hoàn cảnh đặc biệt của đất nước
vẫn nằm dưới ách chuyên chế của một đảng độc tài. Phan Nhiên Hạo trong bài Hoà-Giải- Phẫu đãthẳng thắn tố cáo giới bảo thủ chính trị vẫn giữ cương vị lãnh đạo trong cơ quan văn hóa, xuất bản, báo chí…, những người này tìm cách thủ tiêu tất cả những sáng tạo có khuynh hướng phê phán chế độ… Họ từ chối thảo luận lịch sử VN từ bất cứ góc độ nào khác với quan điểm chính thống của Đảng. (talawas, ngày 5-2-2008). Không những thế họ còn ngăn chặn, tịch thu hay nghiền nát các tác phẩm trực tiếp hay gián tiếp nhắc lại cái quá khứ đen tối nhiều oan trái. Giống chế độ Bắc Kinh đang ra sức xóa sạch chứng tích vụ án Thiên An Môn hay nhà cầm quyền Turkey cho đến nay vẫn khăng khăng chạy chối tội diệt chủng Armenia dù đã bị nhân loại tiến bộ vạch mặt, nhóm cầm đầu đảng CSVN vẫn im lặng đối với nạn nhân Mậu Thân cũng như thảm kịch thuyền nhân, chưa kể vô số tội ác khác đối với nhân dân và thậm chí đối với đảng viên cùng đồng chí cũ.
Solzhenitsyn, nhân chứng và lương tâm lớn của thời đại Gulag, đã đúc kết như sau về bi kịch văn hóa mà dân tộc ông phải gánh chịu dưới chế độ Stalin: …Chúng ta không được quên rằng bạo lực không và cũng không thể tồn tại dựa vào chính nó, nó gắn chặt với dối trá một cách không thể tách bạch được. Giữa chúng có mối liên hệ tự nhiên và hữu cơ: bạo lực chẳng có gì che đậy cho nó ngoại trừ dối trá, còn dối trá thì không có gì duy trì được nó ngoại trừ bạo lực. (Diễn từ Nobel 1971) Quyết định tịch thu hay nghiền nát một số tác phẩm loại “quốc cấm” từ những ai đó trong guồng máy đảng ở VN phải chăng bộc lộ chính sách thủ tiêu sự thật quá khứ và mặc nhiên tiếp tục sách lược trước sau như một của họ: kết hợp tinh vi dối trá và bạo lực để bảo vệ quyền hành độc đảng. Với một bộ phận lớn đồng bào miền Nam - những kẻ thua cuộc- chính sách kinh tế mới, các trại cải tạo, phân biệt lý lịch, thảm kịch thuyền nhân đã phá nát bản sắc và ký ức tập thể của họ, thay vào đó là khoảng trống đau nhức của chấn thương lịch sử. Yêu cầu giới cầm bút VN phục hồi sự thật quá khứ như Đặng Thơ Thơ đã làm là một việc chính đáng cũng như Elie Wiesel đòi các người chứng phải cung khai.
Sống sót từ chính sách diệt chủng Nazi nhà văn Do Thái này lên tiếng để ngăn chặn các lò sát sinh và đồ tể tương lai. Chắc ông không ngờ rằng cũng vào thời buổi ấy và cùng vùng địa lý ấy Stalin với đàn em đang lặng lẽ thực hiện một tội ác khác với chính dân tộc họ ở một qui mô sâu rộng hơn nhiều. Milan Kundera có một chữ ngắn gọn khi nói về tội ác này: lobotomize! Trong tiểu thuyết Cuốn Sách của Tiếng Cười và Quên Lãng, ông mượn lời một nhân vật của mình , nhà sử học Milan Hubl, để giải thích về cái tội khoét óc cắt não như sau:
“Để thủ tiêu nhân dân, bước đầu là bôi xóa sạch ký ức của họ, Hubl nói. Hủy diệt sách báo, văn hóa và lịch sử của họ.Sau đó cho người viết những cuốn sách mới,chế tác một văn hóa mới, tạo ra một lịch sử mới. Không bao lâu dân tộc sẽ quên mất họ là gì trong hiện tại cũng như trong quá khứ. Còn thế giới chung quanh sẽ quên họ nhanh chóng hơn.” (6)
Không còn ký ức chung, một dân tộc sẽ ra sao? Kundera đã tâm sự trong một lần phỏng vấn với Philip Roth rằng chủ đề của tiểu thuyết trên đây là Chủ Nghĩa Toàn Trị: Biến cố chủ yếu trong cuốn sách là chủ nghĩa toàn trị. Nó tước đoạt ký ức của dân chúng và như thế tái chế họ trở thành một dân tộc nhi đồng.” (7) Sau tai nạn bị chấn thưong não nhiều người mất trí không còn biết mình là ai; ngành y học thần kinh đã đi sâu vào lĩnh vực này để tìm hiểu và trị liệu. Nhưng làm cách nào chữa bệnh cho một cộng đồng người bị chấn thương văn hóa không còn kho ký ức chung? Đây là vấn đề chứng nhân, đặc biệt là chứng nhân văn học vì những người này có khả năng dùng ngôn ngữ, tri kiến, kinh nghiệm cùng óc tưởng tượng để tái dựng các câu chuyện đã qua. Không có ngòi bút, quá khứ chỉ là những nấm mồ câm! Nhưng tìm sự thật về quá khứ phần lớn đã bị vùi lấp không phải là công việc của vài cá nhân, dù tài năng đến đâu. Để hoàn thành tác phẩm văn học Quần Đảo GULAG, Solzhenitsyn phải nhờ vào thư từ, hồi ký, tường thuật của 227 chứng nhân cộng thêm trải nghiệm bản thân. Khi viết xong ông đề tặng sách cho những người không còn sống để lên tiếng, và nhà văn xin họ tha thứ vì ông đã không thấy được hết, đã không nhớ được hết và đã không đoán được hết. (8)
Hi vọng cuộc Hội Luận cởi mở và hòa nhã này sẽ là cơ hội tốt để những ai từng có kinh nghiệm với cuộc sống thường ngày dưới chế độ cộng sản, ai đã từng biết qua trại tù hay trụ sở công an, ai đã từng bỏ nước ra đi và ai cam chịu lưu đày tại chỗ, ai đã từng lãnh đạm thờ ơ…, (mà không hẳn chỉ là người trong giới trí thức-văn nghệ, dĩ nhiên ) - có dịp cùng ngồi lại với nhau để thẳng thắn phân tích hay tranh luận về một số vấn đề hàng đầu của ngòi bút VN hôm nay như Chứng Nhân và Sự Thật, Ký Ức và Quá Khứ… Đó cũng là một cách tưởng nhớ những người đã chết trong chiến tranh hay sau đó vì nhiều lý do không bình thường, những người không còn sống để lên tiếng.
* Văn nghệ sĩ hãy làm đi, đừng chờ đợi ai khác. Tự mình mở ra không gian cho mình. (Cao Huy Thuần). Câu nói được Tô Nhuận Vỹ nhắc lại trong bài viết của mình để động viên cuộc giao lưu văn nghệ khiến tôi băn khoăn tự hỏi: Vậy thì văn nghệ sĩ VN từ 1954 đến nay đã chẳng làm nên trò trống gì cả hay sao? Câu hỏi này tôi để các bạn tham gia Hội Luận mỗi người tự trả lời bằng kinh nghiệm của chính mình. Tôi thì không nghĩ rằng giới cầm bút trong nước lâu nay đã cam phận chim lồng cá chậu chờ ngày Trung Ương cởi trói hoặc mong đợi thời đại Internet chắp cho đôi cánh ảo. Vì hiểu biết là nhu cầu tự nhiên của con người (Aristotle) nên giới văn nghệ dù trong hoàn cảnh tù túng ngột ngạt nhất vẫn sáng tạo được những phương cách liên lạc với hiện thực và thế giới. Không riêng gì VN, lịch sử văn học nghệ thuật underground trong các chế độ toàn trị phát xít hoặc cộng sản trước đây đã chẳng chứng minh điều ấy hay sao ?
Ở hải ngoại dĩ nhiên là có nhiều thuận lợi về vật chất lẫn tinh thần để thiết lập một không gian văn học nghệ thuật lành mạnh cho mọi người Việt. Bỏ qua một số cá nhân và vài sự cố thiếu văn hóa, những quyền công dân căn bản được pháp luật Âu-Mỹ bảo vệ đã tạo điều kiện cho di dân gốc Việt, đặc biệt là giới văn nghệ, mở rộng và làm giàu nền văn học tiếng Việt; và từ hơn ba mươi năm qua bắt được nhiều nhịp cầu với thế giới văn minh nhờ vào các khu vực giao tiếp (contact zone) đa dạng ngay những thủ đô văn hóa. Hàng chục tạp chí và website với chất lượng cao, chưa kể các đài phát thanh truyền hình và nhiều cơ sở xuất bản trên nhiều quốc gia phương Tây, đã và đang trồng cấy sinh lực của thời đại dân chủ đa nguyên và ý thức công dân vào ngôn ngữ và văn hóa của các cộng đồng người Việt. Tôn trọng và khuyến khích sự khác biệt đã trở thành nếp sống với suy nghĩ của thế hệ di dân trẻ được đào tạo trong nền giáo dục dân chủ đa nguyên ngay từ cấp tiểu học. Ý thức về quyền công dân đi kèm với trách nhiệm làm dân cũng được thử nghiệm từng ngày qua các cuộc tham gia vào công tác xã hội/cộng đồng hoặc tranh đấu chính trị hợp pháp trên cái nền pháp chế dân chủ thường xuyên được thử thách kiểm tra bằng điều tra dư luận (opinion survey) và lá phiếu cử tri. Đối với tương lai đất nước trước thử thách toàn cầu hóa sự lột xác trưởng thành này chắc chắn mang nhiều ý nghĩa hơn là những số tiền đô la hay ngoại tệ gửi về.
KẾT LUẬN
Sự toàn cầu hóa nền kinh tế thị trường do các tập đoàn tư bản xuyên quốc gia thiết lập trên trái đất hôm nay vừa thử thách vừa đe dọa chủ quyền kinh tế và độc lập chính trị của các nước đang phát triển. Sau ngày Liên Xô và Nam Tư tan biến, chiến tranh bộ tộc , xung đột giáo phái bùng nổ khắp Phi Châu , Trung Đông, Nam Á….Cùng với sự phá sản của ý hệ chuyên chính độc đảng, khái niệm quốc gia- dân tộc lâm vào tình thế bất ổn giữa gọng kềm của bạo lực vũ trang và tư bản toàn cầu. Nhưng cuộc địa chấn lịch sử không dừng lại ở ngoại vi. Theo vết suy vong trước đây của các nước thực dân Âu Châu, đến lượt đế quốc Hoa Kỳ gặp khủng hoảng không chỉ ở sân sau Nam Mỹ hoặc nơi những vùng Hồi giáo cực đoan mà ngay trong lòng nước Mỹ với cuộc nội chiến văn hóa (culture wars) kéo dài đã mấy thập niên.(9) Cũng trong thời gian ấy chủ nghĩa dân tộc Đại Hán cũng được trí thức Hoa Lục/Hoa kiều thẩm định lại. (10) Trên bàn mổ của học thuật đương đại khái niệm dân tộc là một trong những huyền thoại cuối cùng bị lý trí phê phán phanh thây. Chủ nghĩa ao nhà ở VN cũng sẽ khó tránh được sự khảo sát ấy! Khoảng ba thập niên qua một cách tiếp cận khá phổ biến trong khoa học xã hội-nhân văn Âu-Mỹ phần nào chịu ảnh hưởng lý thuyết Pháp, đặc biệt từ Derrida, là Déconstruction (giải cấu/giải hệ) đã tấn công vào bản nguyên luận (fundamentalism) và yếu tính luận (essentialism) trước đây vẫn cấp chứng chỉ cho các ý niệm tuyệt đối như chân lý, hữu thể, thượng đế, dân tộc, tổ quốc…(11). Học thuật của thiên niên kỷ mới càng ngày càng quan tâm nhiều hơn đến các khái niệm như trans-national(xuyên quốc gia), post-national(hậu dân tộc),postsovereignty(hậu chủ quyền)... (12) Sau cùng, last but not least, cách mạng khoa học thông tin với Internet, e-mail, weblog, cell phone …cộng thêm TV, DVD, iPod đang xóa nhanh các biên giới địa lý, hội nhập cái làng toàn cầu vào không gian điện tử. Các diễn biến nói trên đe dọa ngã tính của từng con người trước đây vẫn bám dựa vào một địa phương với truyền thống văn hóa đặc thù của nó để tự vệ chống lại những khác biệt đến từ những phương trời xa lạ.Tóm lại hai cột trụ quan yếu của bản sắc từng cá nhân là lịch sử dân tộc với địa lý, gồm hai mặt địa lý chính trị và địa lý văn hóa (geo- politique/geocultural),đang lung lay và đòi hỏi một nền tảng mới.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa như thế, không gian văn học của các quốc gia-dân tộc trước đây còn khép kín với thế giới vì hoàn cảnh chính trị chẳng hạn có thể đóng vai tích cực trong việc tiếp nhận, truyền bá những giá trị, ước mơ, lối sống lối nghĩ…của nhân loại đa dạng vì nó không phục tùng và không để cho các thiết chế địa lý- chính trị như nhà nước, đảng phái, quốc giáo … đồng hóa. Tất nhiên không gian văn học như sản phẩm của lịch sử nhiều đời (la longue durée, Braudel) không phải là thứ không gian đồng bộ mà cũng mang trong lòng nhiều xung khắc và tranh chấp. Đáng nói nhất là tính phân cực do biện chứng trong/ngoài hay ta/ khác ta; một cực thiên về truyền thống dân gian, đất lề quê thói …, một cực hướng ra thế giới của đại đô thị với những chuyến viễn du xuyên quốc gia và phi quốc tịch. Để làm quen với xu thế đa nguyên văn hóa của trái đất hôm nay văn học VN may mắn có được nhiều khu vực giao tiếp với ngôn ngữ và văn học thế giới nhờ mấy triệu di dân. Tiềm năng của văn nghệ sĩ với trí thức hải ngoại đối với văn học và đời sống văn hóa tinh thần VN có thể nói là vô tận. Đây là chiếc đũa thần Synergy sẽ chắp cánh cho những ngòi bút VN bay cao bay xa thoát khỏi quán tính lũy tre, tập tục xã huyện, ghetto địa phương, tóm lại là ao nhà chủ nghĩa! Bởi vì nói như Cao Hành Kiện, người từng là nạn nhân của chính sách văn hóa lấy nông thôn bao vây thành thị, Văn học đứng trên ý thức hệ, biên cương quốc gia và ý thức chủng tộc. Văn học là sự quan sát phổ quát những éo le của kiếp ngưòi và không có đề tài nào là cấm kỵ…Đối với nhà văn sự thật trong văn học hầu như đồng nghĩa với đạo lý, đó là đạo lý tối cao của văn học...(Diễn từ Nobel).
Tôi bắt đầu viết bài tham luận này vào những ngày bạo quyền Bắc Kinh đàn áp sát hại sư tăng và thường dân Tây Tạng. Lịch sử lặp lại như truyện kể của kẻ khờ, nhiều tiếng động và cuồng nộ (Shakespeare). Đúng 40 năm trước Liên Xô và chư hầu cũng đưa quân đội và chiến xa vào nước Tiệp bóp chết cuộc đấu tranh đòi chủ quyền và nhân quyền. Nhân danh “an ninh quốc gia” hoặc chiêu bài “tổ quốc lâm nguy” các chế độ độc tài , các tập đoàn kinh tế cấu kết với thế lực quân phiệt, những giáo phái cực đoan, những bộ tộc khát máu… đã liên tục dùng đủ loại bạo lực, phổ biến nhất là chiến tranh, nhằm tiêu diệt “kẻ thù”, “bọn xấu”. Hoặc không ngần ngại phất cờ “ tự do dân chủ “ để tranh giành tài nguyên thiên nhiên…
Điều trớ trêu là đại đa số các nhà nước với chế độ vừa nêu đều là thành viên Liên Hiệp Quốc và đồng ký tên vào Tuyên Ngôn Nhân Quyền như một thủ tục ngoại giao và ít khi tôn trọng thực thi. Bản Hiến Pháp Tối Cao của Đạo Lý Nhân Loại ấy được công bố tháng 11-1948 ; và tôi đã mang ra đọc đi đọc lại trong lúc soạn thảo bài viết này. Để bớt dông dài tôi xin chép một đoạn ngắn tặng các bạn để cùng nhau chuẩn bị mừng ngày kỷ niệm 60 năm sắp đến của bản Tuyên Ngôn cao quí này:
Điều Một. Mọi người sinh ra đều tự do bình đẳng về nhân phẩm và nhân quyền. Ai cũng có đủ lý trí với lương tâm và nên xử sự với nhau trong tinh thần anh em.
Tôi xin dừng ở đây một bài viết nhiều xúc động về chứng nhân và sự thật, về lương tâm và đạo lý. Á Đông chúng ta thường nói TỨ HẢI GIAI HUYNH ĐỆ. Chúc mừng Hội Luận Văn Học VN thành công!
Cambridge, cuối tháng Ba năm 2008
CHÚ THÍCH
1. Trừ vài trường hợp có ghi chú riêng, các nhà văn nhà thơ VN được nhắc đến trong bài này đều có mặt trên website Hội Luận VHVN. Các đoạn văn trích dịch đều do chính người viết chuyển ngữ.
2. Từ thập niên 60 đến nay học thuật và chính phủ Mỹ đề cao chính sách đa nguyên tôn trọng các khác biệt văn hóa, chủng tộc, phái tính… Những từ assimilation, integration, melting pot (nồi to nấu tan mọi thứ văn hóa di dân)… đã thuộc về quá khứ. Ai lỡ lời nói ra mấy từ này là sai quan điểm ( political incorrectness).
3. Hội Luận VHVN và Talawas đã cung cấp kịp thời nhiều tài liệu và bài viết quan trọng, có giá trị về biến cố này. Sau Hồ Sơ Nhân Văn-Giai Phẩm , văn học VN nay có thêm Hồ Sơ Trần Dần, to be continued…
4. Chân Phưong, Thơ Việt đi về đâu?, Hợp Lưu, Xuân Ất Dậu 2005, 40-55; và đăng lại trên amvc.free.fr.
5. Không gian văn học là khái niệm chủ đạo được phân tích và minh họa trong cuốn biên khảo về văn học so sánh của Pascale Casanova, La République Mondiale des Lettres, Paris, Seuil, 1999. Tác phẩm này đã cung cấp cho tôi nhiều thông tin hữu ích dùng trong bài tham luận này.
6. Milan Kundera, The Book of Laughter and Forgetting, Penguin Books,1981,158-159.
7. như trên, 234-235.
8. Solzhenitsyn, The Gulag Archipelago, Harper&Row, Lời Đề Tặng (Dedication).
9. Trong hai thập niên 80-90 bùng nổ cuộc nội chiến văn hóa ở Mỹ, đặc biệt trong giới truyền thông và các đại học. Tiếp theo những thắng lợi của các phong trào dân quyền và phản chiến những năm 60-70 là sự phản công của phe cực hữu và Đảng Cộng Hòa thời Reagan; cuộc đụng độ giữa ý hệ tân bảo thủ (neo-con) và các lực lượng xã hội tiến bộ là lý do của nội chiến văn hóa (culture wars) vẫn âm ỉ cho đến nay. Mời các bạn đọc lại bài viết Đặng Thơ Thơ về lời phát biểu của Michelle Obama và câu đối đáp của phu nhân Mc Cain .
10. Ở hội nghị Văn Bút người Hoa có thể Hoàng Hưng được chứng kiến quang cảnh hữu nghị và phong cách văn nghệ dĩ hòa vi quí giữa những người cầm bút với nhau. Trái lại trong lĩnh vực tư tưởng-học thuật Trung Quốc hiện nay thường có các quan điểm xung khắc đôi khi kịch liệt về các vấn đề chính trị/văn hóa, về đường lối phát triển đất nước, về chủ nghĩa Đại-Hán… Có thể tham khảo một số tài liệu căn bản sau đây Tu Wei-Ming,ed. China in Transformation, Harvard UP, 1994; Gail Hershatter et al. eds., Remapping China, Stanford UP, 1996; Gloria Davies, Worrying about China, Harvard Up, 2007, để tìm hiểu về các cuộc tranh luận liên quan đến bản sắc văn hóa và dân tộc tính, về cộng đồng Hoa Kiều, vấn đề Hoa Bắc/Hoa Nam, địa lý và các tộc người ở Hoa lục… Sau khi Mao chết giới trí thức đã “tự vấn” cũng như chất vấn lịch sử dân tộc, kể cả lịch sử Đảng. Về mặt này Simon Leys, Arif Dirlik, Lin Yu-sheng, Wang Hui, là những tiếng nói uy tín nhất ( có thể tra cứu trên Google.com).
11. Viết về Derrida từ 40 năm qua là cả một núi sách báo. Christopher Norris, Deconstruction-Theory and Practice, Methuen, 1991, là khảo luận căn bản cho nhũng ai không có nhiều thời giờ. Nên đọc cùng với Pierre V. Zima, La Déconstruction-Une Critique, PUF, 1994.
12. Đây là các chủ đề thường xuyên của tạp chí Public Culture ra đời năm 1989 cùng với sự kết thúc của Chiến Tranh Lạnh và sự hình thành một trật tự thế giới mới. Trong ngành văn học sử và văn hóa học tại một số đại học tiên phong như Darmouth, Duke, University of California (Berkeley, Irvine), các học giả từ chục năm nay đã đề nghị các khái niệm xuyên quốc gia (transnational), hậu dân tộc chủ nghĩa (post-nationalism), hậu Hoa kỳ (post-americanist),… để phê phán và giải hệ
văn hóa da trắng độc tôn gắn liền với giáo thuyết Tin Lành. Xem Donald E. Pease&Robyn Wiegman eds.,The Future of American Studies, Duke UP, 2002; và John Carlos Rowe ed.,Post-Nationalist American Studies,U.California Press, 2000.
0 comments:
Post a Comment