Theo bác Hà, một gia đình có truyền thống làm hương (nhang) cho biết, trước đây khói hương không độc hoặc ít độc vì hương được làm từ gỗ hương liệu như trầm hương, bột quế và hoa ngâu, mùn cưa chọn lọc và có các hương vị của thuốc bắc… Khi đốt, hương sẽ tỏa hương thơm không gây hại. Thế nhưng ngày nay các nguyên liệu khan hiếm và đắt đỏ, nhiều người sản xuất vì muốn kiếm lời cao nên đã sử dụng nhiều tạp chất tẩm ướp tạo mùi thơm hơn nhưng chất lượng lại kém đi và độc hại.
Tại các ngôi chùa, trong các dịp lễ, Tết, hàng nghìn que hương thường được đồng loạt đốt lên, hoặc nhiều gia đình khi thắp hương nhang hay đóng kín cửa khiến cho khói hương bị tụ lại một chỗ. Hít phải khói hương, nhẹ có thể ho, chảy nước mắt… Nếu hít nhiều, những nguy cơ tiềm ẩn là rất lớn.
BS Đặng Văn Nguyên cho biết, người Việt Nam thường muốn mua những loại hương sau khi thắp xong, tàn sẽ uốn cong và cho rằng như vậy là có lộc. Tuy nhiên để có được tàn uốn cong người sản xuất phải tẩm hóa chất phosphoric acid (H3PO4) để ngâm tăm hương. Nén hương cong, đẹp tùy theo nồng độ hóa chất và thời gian ngâm tẩm. Vì thế, những que hương càng cong đẹp thì mức độ nguy hiểm sức khỏe con người ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, cũng không nên cắm chân hương vào đồ ăn để cúng vì chân hương được tẩm hóa chất sẽ dẫn truyền vào thức ăn, dễ gây ngộ độc.
Theo các chuyên gia y tế, khi thắp hương cần mở cửa thoáng để khói không bị tụ lại một chỗ. Không nên đốt hương gần chỗ có người ngủ nghỉ. Người già, trẻ nhỏ, người có các bệnh về đường hô hấp như hen suyễn nên tránh những chỗ đốt hương và tụ tập đông người.
VietBao.vn (Theo Infonet)
0 comments:
Post a Comment