nhà văn Huy Bảo
15 - 12 - 2015
Bỗng dưng, chỉ là bỗng dưng thôi...
Vào một ngày không rõ là đẹp hay xấu trời của năm 1968, hình như đầu mùa thu thì phải, tôi bỗng được cơ quan cử đi tham dự Trại sáng tác văn học do Hội Văn Nghệ Hà Nội mở. Tôi vốn ham đọc sách, và dám nói là đọc nhiều, hơn hẳn so với bạn bè cùng học hay cùng chơi. Trí nhớ hồi đó của tôi cũng tốt nữa. Tôi đọc, không chỉ nhớ nội dung mà còn nhớ tên người viết, dù tác giả là Liên Xô, Mỹ, Trung Quốc hay Việt Nam... nhưng bảo ông hay bà nhà văn ấy mặt mũi ra sao, cuộc sống thế nào thì tôi mù tịt. Tóm lại là tôi không biết gì về đời sống cá nhân của họ cả. Thế nên, sáng hôm ấy khi đặt chân vào trụ sở Hội Văn Nghệ Hà Nội, trước một đám đông khoảng vài chục người và cũng chưa rõ ai là thầy ai là trò, thì tôi thấy một ông ăn bận complet đàng hoàng luôn chân đi lại, luôn tay bắt mặt mừng, luôn cười cười nói nói, chỉ trỏ hết chỗ này đến chỗ khác... bèn đinh ninh ông ấy là lãnh đạo ở đây hoặc ít nhất cũng phụ trách cái trại kêu là sáng tác này.
Thế rồi tôi lại thấy một ông bận quần vải ống què áo nâu không cổ sai ông complet đi kéo ghế, rót nước thì mới biết ông complet ấy là Khôi Viên, cán bộ văn phòng được giao nhiệm vụ đón tiếp khách dự trại.
Khi chúng tôi đã ngồi ngay ngắn quanh chiếc bàn hình chữ nhật, thì ở ghế chính của một đầu bàn, còn gọi là ghế chủ tọa, đã thấy chễm chệ cái ông quần nâu áo vải (tuy không được đẹp tươi lạ thường lắm) ngồi đó. Không ai giới thiệu ông ấy là ai, ông ấy cũng không tự giới thiệu mình, cất miệng là nói ngay câu này, mà mấy chục năm sau tôi vẫn nhớ, và có thể cả đời tôi sẽ nhớ. “Hôm nay, chúng ta là những kẻ vô phúc gặp nhau ở đây...” ông nói thế.
Không ai cười. Không ai hưởng ứng. Có thể người ta không hiểu. Tôi lúc ấy cũng không hiểu. Nhưng tôi nhớ. Và càng về sau tôi mới càng nhận ra hình như ông nói đúng. Vâng, ông ấy ám chỉ những ai theo văn chương đều là những kẻ vô phúc cả. Rồi ra tôi cũng có dính vào tí ti. Nghĩa là tôi cũng chỉ được vô phúc nửa vời...
Khi ông quần nâu áo vải tuyên bố rằng đây là một trại sáng tác văn học, tức là nơi viết và học viết nào tiểu thuyết, truyện dài, truyện ngắn nào kịch nào thơ, kể cả hò vè… rồi hỏi ai có ý kiến gì, nguyện vọng gì thì nên nói hết ra, và nên nói từ đầu, ngay lúc này là tốt nhất để trại kịp đáp ứng, thì cả phòng ồn ào hết lên. Lời ông chưa dứt thì một ông đã vùng dậy hét lớn: “Ơ thế hóa ra chúng nó lừa tôi à, chúng nó lừa cho tôi đi học để ở nhà chúng nó bầu bán chủ nhiệm với phó chủ nhiệm gì đấy à. Thôi thôi, tôi phải về ngay đây, may ra còn kịp.” Nói đoạn ông dẩy ngửa cái ghế tựa cho ngã lăn ra, bỏ phắt đi. Lại có ông đứng dậy thẽ thọt thưa: “Em cũng về đây ạ. Em đọc chưa thông viết chưa thạo, chỉ giỏi gõ trống chèo ở sân đình, chẳng hiểu sao xã lại cử em đến đây.” Nhiều ý kiến lắm, nhưng tôi chỉ nhớ hai cái đó.
Tôi không nói gì cả. Chỉ nghe và nghĩ vẩn vơ. Mấy chục năm đã trôi qua, tôi không nhớ chi tiết, không nhớ ông quần nâu áo vải này tên gì, hồi đó là chủ tịch hay phó chủ tịch, rồi các ông, cuối buổi tôi mới biết tên, như Huyền Kiêu, Huỳnh Tâm Chí, Bùi Hạnh Cẩn... giữ chức vụ gì ở Hội cả. Thuở ấy tôi ít quan tâm đến chức tước, dù của bất kỳ ai, kể cả những người tôi quen, nói chi đây toàn là người xa lạ.
Rồi phần ý kiến trại viên cũng qua, ông quần nâu áo vải cười cười:
“Đây gọi là trại sáng tác, nôm na thì cũng như lớp học sáng tác thôi nhỉ. Đã là lớp thì phải có thầy có trò, mà ở đây ta gọi là trại viên và người kèm cặp. Nếu không ai có ý kiến gì khác, tôi xin đọc tên các đồng chí có nhiệm vụ kèm cặp trước rồi đến tên các trại viên. Cũng xin nói thêm là do số lượng hai phe không đồng đều nên sẽ có trường hợp chỉ một kèm một nhưng cũng sẽ có một kèm hai, thậm chí ba.”
Nói rồi ông đọc luôn, chẳng thèm chờ ai có ý kiến gì khác như ông vừa nói. Lại những cái tên xa lạ loang loáng qua tai tôi, song rồi cũng đọng lại một hai tên tuổi mà tôi đã đọc, và nhớ, như Hà Ân, Lê Bầu...
Rồi tôi đứng dậy khi nghe đọc tên mình. Song không biết mình sẽ được thầy nào thu nhận, vì không để ý tới tên người vừa vang lên trước tên tôi. Thì người đó, từ một chiếc ghế kê sát tường phòng họp đã tay vẫy miệng nói.
“Tớ đây, Mặc Lân đây. Cậu về với tớ.”
Tôi bước tới. Anh chìa tay bắt. Một bàn tay to, cứng cáp với cái bắt tay chặt và thân tình. Tôi thấy mình như là đỏ mặt khi nói nho nhỏ, “Em chào anh!”
Anh kéo tôi ra ban công, rồi lưng tựa lan can, mắt nhìn vào phòng họp, nói chả biết là đùa hay thật.
“Ở Hội này có hai Lân. Số cậu đen nên bị trúng vào Mặc Lân này, tức là tớ, chả chức tước danh vị gì, lại còn đang bị cái tiếng xét lại. Quên chưa nói cậu rõ, tên tớ gọi đúng thì là Mạc Lân, nhưng anh em trêu, cứ gọi là Mặc. Lâu rồi, tớ thấy cũng hay hay. Vả lại tớ cũng thích mọi việc cứ là để mặc tớ thì hơn.” Ngưng một lát, anh bỗng thêm, “Còn tên khai sinh tớ là Lê Văn Lân. Mạc là tên đứa bạn thân của tớ, đã mất. Tớ ghép tên bạn tớ vào thành tên công tác của mình.”
Anh móc ra bao thuốc, mời tôi. Hình như Tam Thanh hay Nhị Thanh gì đó. Tôi cười, lấy ra bao Tam Đảo mời lại. Anh nheo nheo mắt, thản nhiên cất gói thuốc của mình vào túi, cầm điếu thuốc tôi mời, xòe diêm châm thuốc cho cả hai rồi thở khói ra, rồi thủng thẳng.
“Công nhân là giai cấp lãnh đạo thật. Mẹ, hút thuốc ngon gấp mấy lần trí thức văn nghệ sĩ…”
Tôi như không nghe thấy, hỏi sang chuyện anh chưa nói hết:
“Vậy nếu số em không đen thì em sẽ gặp thầy Lân nào ạ? Có phải anh vừa nói là có hai Lân?”
Anh cười, vỗ vai tôi, ra ý khen tôi đã nhớ mà hỏi vậy, rồi hất hàm về phía ông quần nâu áo vải ngồi đầu bàn,
“Đó, ông Kim Lân, cả tài lẫn danh đều hơn tớ bội phần, mà thực ra, tớ chả có gì để so sánh với ông ấy, trừ cái tên Lân. Mà cũng không hoàn toàn đúng nốt. Vì ngày thường anh em hay gọi ông ấy là Kim Lẩn. Hễ thấy mùi phê bình đánh đấm là ông ấy lẩn đi nhanh lắm …”
Mãi sau này, tới gần năm sau thì phải, tôi mới ngạc nhiên là tại sao ngay ở cuộc gặp đầu tiên, có thể gọi là ra mắt đó, anh Mặc Lân đã có thể gọi là “bỗ bã” với tôi vậy được. Chẳng những tự nhận mình thuộc thành phần “đáng nghi vấn” của chế độ mà còn nói đùa nói cợt về ông Kim Lân như thế? Tại sao? Câu trả lời không đến ngay với tôi được.
Nhưng thôi, hãy trở về với ngày hôm ấy. Thì ra đó là nhà văn Kim Lân, một tác giả mà tôi đã đọc dường như hết các truyện ngắn của ông, và đều nhớ, như Làng, Vợ Nhặt, Ông Lão Hàng Xóm… Thì ra đó là con người ăn bận giản dị, nói năng càng giản dị này…
Mười năm sau, 1978, tôi có nợ một cái ơn với nhà văn Kim Lân. Tất nhiên chỉ tôi coi là ơn chứ ông thì chẳng hay biết gì. Nhưng thôi, đó là chuyện của mười năm sau…
Nói xong, anh cười khà khà choàng tay qua vai tôi, thân mật, “Đấy, tùy cậu. Hoặc là cậu chọn tớ, như tổ chức đã phân công, hoặc không thích thằng phản động như tớ, thì chả cần viết đơn đâu, cứ ra rỉ tai ông Kim Lân, là họ sẽ tức khắc xếp người khác kèm cặp cậu. Tớ phải nói trước, kẻo sau này ảnh hưởng lại trách tớ che giấu lý lịch.”
Ngay lúc đó, không hiểu sao tối rất thích cái câu tổ chức đã phân công của anh. Sau này, trong một truyện ngắn, tôi có viết, Họ quen nhau do sự phân công của tổ chức, rồi khi không bên nhau được họ vẫn không oán trách tổ chức một lời, bởi họ đã có những ngày tháng, tuy ngắn ngủi, nhưng thực sự hạnh phúc cùng nhau…
Nghe anh nói vậy, tôi chỉ cười, mời anh thêm điếu Tam Đảo, xòe diêm châm thuốc cho anh và nắm lấy bàn tay khum khum che gió của anh.
Chúng tôi đã trở thành thầy trò, và sau này, bạn bè, như thế. Anh Mặc Lân là người duy nhất tôi coi là thầy trong cuộc đời văn chương ngắn ngủi của mình, dù, nếu cũng chỉ kể về văn chương, tôi chưa hề đọc được của anh một trang sách nào. Trước khi chuyển về Hội Văn Nghệ Hà Nội, anh là phóng viên báo Tiền Phong!
Năm ấy, anh Lân khoảng 38-40 tuổi, cao to, đẹp trai, một vẻ đẹp rất đàn ông từ gương mặt tới giọng nói, và cả ánh mắt, nụ cười. Có thể vì sớm quý mến anh mà tôi nhìn ra thế chăng?
Sau buối khai mạc đó, diễn biến của trại sáng tác thế nào tôi không nhớ lắm. Mà thực ra là tôi cố tình không nhớ. Bởi có gì để nhớ đâu. Tham quan vài hợp tác xã, vài nhà máy, xuống ăn ở với trại chăn nuôi một hai ngày, gặp câu lạc bộ văn nghệ này nọ vài ba buổi… Tôi nói với anh Lân:
“Cứ bảo quan sát cuộc sống rồi thấy cái gì đặc biệt thì viết ra, nhưng em nào thấy cái đặc biệt gì đâu. Hay là em không biết quan sát?”
“Thế mày định viết cái gì? Đã có ý gì trong đầu chưa?”
“Em vừa nói rồi đấy. Chả nhìn thấy gì mới, lạ, đặc biệt thì em viết cái gì đây?”
Anh Mặc Lân nhìn tôi, cái nhìn không rõ là tò mò hay trêu cợt, nhưng rõ ràng có ý gì khác lạ trong đó, rồi bỗng hỏi:
“Mày đã yêu cô nào chưa?”
Năm ấy tôi hơn hai mươi tuổi, thực ra thì tôi cũng không biết có phải là yêu hay không, nhưng tôi đã đi chơi với cô bạn học cùng trường, kém tôi hai lớp, từ năm tôi học lớp Mười, tức là năm tôi mười bảy mười tám. Rồi khi mười chín tuổi tôi đã biết đằng sau ngực áo bạn gái là cái gì cứ phập phồng lên xuống. Và tôi nói thật ra hết với anh,
“Em không biết như thế có phải là yêu không, nhưng em cũng khá là thân với một hai cô gái.”
Anh bèn cười to, bảo:
“Thế sao không viết mẹ nó cái chuyện ấy ra, cái chuyện mày không biết có phải là yêu hay không ấy. Nếu mày thấy có gì là đặc biệt, mà cũng không cần đặc biệt, thấy thích thú hay chán chường gì ở chuyện đó thì cứ việc viết ra. Chỉ cần mày viết cho thật, yêu là yêu ghét là ghét, không yêu không ghét là không ghét không yêu...”
Tôi bèn viết. Dễ thôi. Chỉ cần kể y sì chuyện tôi hồi lớp Mười và cô bạn lớp Tám ra. Hồi ấy cô giáo dạy Trung văn, là vợ của một nhà sử học sau này vô cùng nổi tiếng, càng nổi tiếng hơn khi ông mất bởi những lý do không liên quan gì tới sử học cả. Cô giáo Trung văn này vốn ghét tôi, vì tôi làm khá nhiều điều mà cô phật ý, thậm chí tức giận, nhưng thôi đấy là chuyện tôi sẽ trở lại sau. Còn bây giờ, trong cái gọi là truyện ngắn đầu tay này, tôi chỉ kể chuyện cô giáo ấy đến nhà bạn gái tôi và nói với phụ huynh bạn ấy rằng cháu nhà ta là bí thư chi đoàn lớp, vậy mà lại yêu (cô nhấn mạnh từ Yêu) một thanh niên lớn lên trong vùng tạm chiếm. Bố khỉ. Hết thời Pháp tạm chiếm Hà Nội tôi mới tám tuổi thì làm sao tôi lớn lên ở đấy được. Thế là gia đình cô gái kia tất nhiên cấm cô gặp tôi. Chúng tôi đành gặp nhau bằng cách một tuần hai buổi nói dối gia đình là phải trực nhật từ năm giờ sáng, rồi chúng tôi tha thẩn đi vòng quanh hồ Ha Le, có hôm quá đà lấn sang cả hồ Bảy Mẫu lẫn hồ Ba Mẫu nữa…
0 comments:
Post a Comment