♦ Chuyển ngữ: Hoàng Chính♦
Leon Rooke chào đời ở North Caroline (1934) và sống ở Victoria, British Columbia (Canada) một thời gian trước khi định cư ở Eden Mills, Ontario. Ông là tác giả của những tiểu thuyết Who Do You Love?, A Good Baby, A Bolt of White Cloth, Fat Woman, và tác phẩm đoạt giải thưởng văn chương của Toàn Quyền Canada năm 1984: Shakespeare’s Dog. Truyện ngắn Wintering in Victoria đăng lần đầu trên Canadian Fiction Magazine số 15, năm 1974 và đoạt giải thưởng thường niên của tạp chí này dành cho tác giả cộng tác.
Nguồn: Silver Anniversary Anthology of Canadian Fiction Magazine, Quarry Press (Kingston, Ontario, Canada) xuất bản năm 1997.
Hôm qua vợ tôi bỏ tôi, không một lời báo trước, không kiếm chuyện ầm ĩ, tôi bước vào phòng ngủ và thấy cô ấy đang gom đồ.
“Đúng vậy, đồ cà chớn,” cô ấy nói, “Tôi đi đường tôi, đồ vô dụng, tôi muốn ra khỏi cái nhà này càng sớm càng tốt.”
Được, tôi nói, em đem con bé đi luôn hả?
“Con bé, con bé, con bé!” cô ta gào lên, “anh có biết tên nó không vậy? Dĩ nhiên là tôi đem nó đi, ở với anh làm sao nó sống nổi!”
Chuyện gì đã xảy ra cho những người đàn bà của chúng tôi thế này?
Từ bao nhiêu năm trời nay tôi chẳng còn gặp người đàn bà nào tin là đứa bé có thể sống nổi với bố nó.
Chẳng phải là chuyện ấy làm tôi khó chịu.
Tôi vẫy tay xua hai mẹ con xuôi hành lang và ra khỏi cửa, nói với theo nếu cô ta đổi ý thì tôi cũng không thắc mắc gì.
Nếu em muốn trở về, được, không sao, nếu em muốn đi luôn, cũng được luôn – anh chẳng oán trách gì.
Vài phút sau vợ tôi hồng hộc chạy vào để nói với tôi là cô ta muốn tát vỡ mặt tôi, và nếu làm được như thế thì không gì khiến cô ta sung sướng cho bằng.
“Phải có ai đó,” cô nói, “phải dộng vào đầu anh cho anh tỉnh táo ra trước khi quá muộn. Phải như tôi đủ mạnh, hoặc đủ ngu ngốc, tôi sẽ tự làm lấy. Thiệt tình, tôi dộng cho anh tỉnh người ra!”
Tôi bỏ cuốn tạp chí Fiddlehead số mới nhất xuống, nhỏm người dậy từ chiếc ghế dựa và cúi đầu ra trước.
Đây, làm đi, tôi nói, giúp em làm dễ dàng hơn đây.
Con bé, tuy nhiên, lại đang khóc.
Con bé đứng ở giữa khung cửa mở, chiếc áo khoác ngoài lùm xùm trên hai cánh tay, luôn miệng, “Daddy,Daddy, Daddy, bye, Daddy!”
Tôi bị cái gì thế này, tôi cảm động nhưng chưa đến mức nói thành lời.
Vợ tôi chạy đến con bé, lắc mạnh nó, bế nó lên tay và nói “Đừng nói chuyện với thằng chó đẻ.”
Rồi cả hai bỏ đi.
Đi bộ, ai biết đi tới đâu và đi bao lâu, khi trong túi cả hai không có một xu.
Uổng quá, tôi nghĩ, sao trời lại không mưa nhỉ.
Vì không phải tôi là kẻ quyết định đi ra ngoài một lát. Thành ra tôi bảo tôi, Đi rảo một tí, Jake, cho nó thảnh thơi.
Thằng bạn Jack của tôi ở trong chỗ đậu xe nhà nó, cách chỗ tôi một ô đường, đang lau chùi chiếc Mini Austin. Bên kia đường ông bà Arthur C. Pole cào lá ướt và đang cố mồi lửa để đốt.
Nhìn hai cái đứa đần độn kia, tôi bảo Jack – làm phí bao nhiêu lá ủ làm phân bón.
Dĩ nhiên là chẳng ăn nhằm gì tới tôi.
Jack bỏ tấm da thuộc xuống.
“Mày là bạn của tao,” hắn nói, “phải không nào?”
Phải, tôi nói.
“Và mày sẽ không cảm thấy bị xúc phạm, mày sẽ không đòi đấm vỡ mặt tao nếu tao phê phán mày phải không?”
Tôi bảo hắn chẳng có gì phải lo, tụi tôi là bạn, hai đứa đã là bạn thân từ lâu rồi, nếu nó có gì muốn nói với tôi thì cứ tự nhiên nói thẳng ra ngay trước mặt tôi, tôi chẳng có gì phải giận dữ hết.
“Ô-kê,” hắn nói, “Tao đã muốn nói ra điều này với mày từ mấy tháng nay rồi.”
Nói đi, tôi dục.
“Được rồi,” hắn nói, “Tao sẽ nói. Mày đã trở thành của nợ, Jake à, mày đeo chúng tao như đỉa, không còn ai chịu nổi mày nữa. Không phải vì mày đã chai mòn cảm xúc, không, tao không nói thế, nhưng chẳng còn ai có thể hiểu nổi mày nữa, ở bên cạnh mày là một cực hình, Jake à, mày đã trở thành một thứ bần cùng, mạt hạng thứ thiệt rồi và nhìn thấy mặt mày tao chịu không nổi, tao ước gì tao không bao giờ phải nhìn thấy mặt mày nữa.” Hắn ngừng lại kéo quần lên và nhìn tôi chằm chặp.
Tôi bảo nó là tôi hiểu, và tôi không giận gì hết, rằng ngay bây giờ cứ nói hết ra cho trong lòng nguôi bớt.
“Được rồi, Jake,” hắn nói tiếp. “Sự thật là mày đã trở nên một thứ vô giá trị, một con số không vĩ đại, một con cá ươn khổng lồ khiến nói chuyện với mày là tao muốn ói! Mày phải đi tìm thầy tìm thuốc chữa chạy đi, nói chuyện với ông mục sư đi, làm một cái gì đó cho tình trạng bệ rạc của mày đi.”
Tốt, tôi nói, tao cảm ơn mày đã nói cho tao biết, Jack à, còn gì nữa không?
“Thì bấy nhiêu đó,” hắn nói. “Tao đã nói chuyện với vợ tao, tao đã bàn với đám bạn tụi mình, và tất cả đều đồng ý là chúng tao không muốn dính líu gì đến mày nữa, chúng tao phủi tay cho rảnh nợ.”
Không sao, tôi nói, và quay lưng bước đi, không chút bận tâm.
Thực ra nếu có cảm thấy gì chăng nữa thì tôi thấy như thoát nợ.
Tôi đi xuống quán bi-da và phá một cụm banh và đánh được bảy trái xoay vòng vào lỗ rồi bỏ cuộc, treo cây cơ lên, bỏ đám bi ấy lại trên bàn, lúc nào trái bi số 8 thô bỉ ấy cũng làm tôi bỏ cuộc.
Tôi qua bàn khác chơi một ván nữa và lọt thêm bảy trái nữa.
Tôi thấy bình thường, dễ chịu, nhưng tôi không thể nói là thực sự vui thú gì cho lắm.
Ghé tiệm bán thịt, tôi mua một miếng thịt bò và đi bộ về nhà bỏ vào nồi với một củ khoai tây và hành rồi đặt lên bếp mở lửa riu riu.
Tôi nghĩ mình sẽ cảm thấy khoan khoái khi ngồi nhà một mình thưởng thức một bữa ăn tối với có thể là một ly rượu, tháo giầy ra, và sau đó có thể là đánh một giấc.
Trong khi chờ đợi tôi lục đống thư, lấy cuốn sổ chi phiếu, trả dứt một số nợ cũ.
Tôi đoán chừng mình sẽ cần một ngàn hai trăm tám mươi bốn đồng mỗi tháng để có thể sống thoải mái.
Tôi có điện, máy sưởi, điện thoại, bảy căn phòng, một chiếc xe, và áo quần.
Thứ duy nhất mà tôi có hơi không ưa cho lắm là con chim, một con chim bạch yến, cái điều thiên hạ vẫn nói ăn như chim hoàn toàn phi lý, tôi đâu có quên những lần trong quá khứ khi mà tôi đã tán gia bại sản vì nuôi chim.
Nhưng mà con chim cũng cố gắng hết sức rồi, tôi chẳng trách gì nó, nó cũng cần phải sống sao cho coi được chứ, tôi không hậm hực gì chuyện ấy, tôi ký chi phiếu một cách vui vẻ, tôi nghĩ có thể ngày mai tôi sẽ xuống dưới đó và xem thiên hạ mở thư của họ, Công ty Di Chuyển Stocker, Công Ty Điện Lực B.C. và Công Ty Điện Thoại B.C. và bọn bán khí đốt, biết chắc chắn là họ sẽ nhếch mép cười để nhìn tay Jake B. Carlisle đã trả hết sạch nợ, bây giờ chẳng còn cần phải sách nhiễu nó với những cú điện thoại, đe dọa đưa nó ra tòa, cắt điện nước, mấy thứ lăng nhăng như thế.
Thế nên cũng có chút thích thú, không nhiều lắm, chẳng có gì đến mức phải la toáng lên, và sau đó tôi thưởng mình bằng một cú tắm ngâm trong bồn nước nóng.
Tôi cũng chán ngán, chắc thế, về chuyện tắm chung với người khác, về chuyện xài chung bồn tắm với vợ hay con gái, tôi duỗi dài người ra, nhắm mắt lại, mơ mơ màng màng một lúc.
Điện thoại lại reo, thằng cha nào đó tên Zoober, đại khái vậy.
Mấy cái người tự giới thiệu là Ông Này Ông Nọ, tôi còn nhớ những lần tôi siết cổ cái điện thoại và thỉnh thoảng bảo bọn họ đi chết đi bởi vì những người nói Hello, đây là Ông Nọ Ông Kia từ Chỗ Nọ Chỗ Kia làm tôi vô cùng khó chịu, đó là cái bọn rõ ràng là thối nát, chúng muốn hoặc là bán cho bạn thứ gì đó hoặc báo cho bạn biết là chúng sắp cúp nước của bạn, dạo trước bọn này luôn luôn nắm đầu được tôi, nhưng lần này tôi đã văn minh ra rồi, tôi bảo, Ồ thế à, cám ơn ông đã gọi, tôi có thể giúp gì cho ông đây, ông Zoober?
Hắn nói hắn muốn bán bảo hiểm cho tôi, nếu tôi thích, và tôi nghĩ ngợi vài giây rồi bảo hắn cũng có thể, nói cho tôi biết ông bán bảo hiểm gì.
Và hắn trả lời, rồi xin cái hẹn đến gặp tôi tối hôm ấy.
Tôi bỏ thêm vài củ cà rốt vào nồi thịt bò, quệt chút bơ lên bánh mì, rót một ly rượu, và rồi ngồi xuống thưởng thức một bữa ăn tối ngon lành.
Đang ăn thì tiếng chuông cửa vang lên, tôi mở cửa và Jack đứng lù lù ở đó với vợ của nó.
Hello, Jack, tôi nói, khỏe không, khỏe không, Alice, hai bạn cần gì vậy?
“Tụi tao nghĩ,” Jack nói, “là có thể tao cũng hơi nặng lời với mày.”
“Vâng,” Alice nói, “tội nghiệp anh, anh thấy đó, tụi tôi đâu có biết June nó bỏ anh.”
Tôi cố giải thích với hai đứa nó là tôi quý những nhận xét của Jack, tôi ghi nhận sự thẳng thắn của nó, và tôi có thể đoan chắc với hai đứa nó là việc June bỏ đi không liên can gì đến chuyện ấy.
“Không,” Jack quả quyết, “trong những hoàn cảnh như thế tao nặng lời với mày là sai rồi.”
“Anh thấy đó,” Alice nói, “tụi tôi đâu biết June với anh gặp khó khăn trong đời sống vợ chồng, điều đó thay đổi mọi thứ, bây giờ hiểu ra vì sao anh lại đổ đốn đến như vậy, Jack muốn xin lỗi anh.”
Cũng chẳng cần, tôi bảo hai đứa nó, sự thật là chúng tôi chẳng có cái khó khăn đặc biệt nào, cũng như các cặp vợ chồng khác thôi, và khi chúng nó cho rằng chuyện bất đồng ý kiến lặt vặt giữa hai vợ chồng là nguyên nhân đổ đốn của tôi thì quả là chúng nó lầm to.
Không đâu, tôi nói, nghỉ chơi với tôi là may mắn cho hai ông bà đấy.
Bọn nó nhìn tôi chằm chặp khoảng năm phút đồng hồ gì đó rồi bỏ ra xe lái đi.
Tôi nghĩ chúng nó ghé qua để giải bày như vậy cũng là điều tốt, nhưng chẳng ăn nhằm gì tới tôi.
Tôi vào nhà tiếp tục bữa ăn tối đã nguội tanh nguội ngắt dẫu rằng tôi chẳng quan tâm, nếu bạn hỏi ý kiến tôi, tôi sẽ bảo cứ phải ăn thức ăn khi còn nóng là chuyện vớ vẩn.
Đến lúc ấy tôi phát hiện ra mình bị đứt tay và đoán là bị lúc tôi xắt cà rốt.
Tôi coi tin tức trên đài truyền hình C.B.C. chẳng có xảy ra chuyện gì mới lạ trên thế giới, thì cũng được đi. Tôi coi tiếp qua một chương trình đặc biệt về cuộc đời của Doris Day, và uống hết chai rượu mà chẳng nghĩ ngợi gì về chuyện ấy hết.
Tám giờ tay Zoober gọi, ngay chóc giờ hẹn, và nói cho tôi nghe về những chương trình cũng như những chính sách bảo hiểm khác nhau mà một gã đàn ông cỡ tuổi tôi với công ăn việc làm và tình trạng gia đình như tôi nên có. Hắn có vẻ băn khoăn về chuyện tôi ở một mình, hắn hỏi vài câu xa xôi về vợ tôi, tỏ vẻ nghi ngờ khi thấy chai rượu đã cạn, nhưng đặc biệt bứt rứt về đống bát đĩa còn nằm đầy trên bàn ăn.
Nói chung hắn ta không phải là kẻ xấu, tôi không thể nói là tôi không ưa hắn, và cuối cùng chúng tôi thỏa thuận mua bảo hiểm năm chục ngàn gì đó là vừa đủ cho tôi.
Tôi nghĩ hắn ngạc nhiên lắm khi thấy tôi lấy cuốn chi phiếu ra và ký tấm chi phiếu mập ú cho hắn, có vẻ như hắn nghĩ tôi đang câu mồi hắn.
Hắn nói vài câu bông đùa về chuyện không bao giờ mất khách hàng, và xin lỗi rồi ra về ngay, bởi còn vài khách hàng phải gặp tối nay, năm nay hắn nhắm cái đích đạt thành tích Một Triệu Đô La bởi vì công ty hắn sẽ thưởng cho người chào hàng nào bán được một triệu đô la một chuyến du lịch Honolulu miễn phí cho đương sự và cả gia đình anh ta.
Tôi nghĩ hay là mình gọi hắn lại để mua thêm bảo hiểm, có sao đâu, chẳng ăn nhằm gì đến tôi cả.
Đêm hôm ấy chẳng xảy ra chuyện gì nhiều, mẹ của June gọi để hỏi là chuyện gì xảy ra, là nhắm chừng có giải quyết được không, là bà ấy luôn luôn có cảm tình với tôi hoặc là rất có cảm tình với tôi cho tới mấy lúc gần đây, rằng là chuyện gì xảy ra cho tôi vậy, bộ có con đàn bà nào khác phải không?
Tôi nói không, từ lâu lắm rồi ngoài June ra tôi chẳng còn thấy ai lôi cuốn hết, rằng con gái của bà là một người phụ nữ đảm đang và tôi hy vọng bà sẽ không quá lo lắng về chuyện này, rằng cứ yên tâm đi ngủ cho nó quên đi.
“Nhưng còn con bé Cherise!” bà nói, “Rồi con bé Cherise sẽ ra sao, mày không còn thương bé Cherise nữa à!” và bà khóc tỉ tê như thế mãi về con bé đến khi tôi đâm chán và cúp điện thoại rồi đi pha cho mình một ly cà phê.
Tôi chẳng bao giờ hiểu nổi làm sao người ta có thể sống mà uống cái thứ tồi tệ mà họ gọi là cà phê trong siêu thị, Eight O’Clock, rồi Yuban rồi Chase rồi Sanborn rồi Maxwell House rồi Nabob, đủ để làm người ta muốn ói, trong lúc tôi chỉ uống cà phê đen French Roast bởi vì chẳng ở đâu trên thế gian này có cà phê ngon hơn và những tiêu chuẩn phải bắt đầu bằng những việc thực hành quen thuộc nhất nếu không chúng sẽ khó lòng tồn tại trong những công cuộc quan trọng khác. Người ta trên khắp thế giới đang uống những nhãn hiệu chết tiệt ấy và cứ cho là thứ này dở ẹc và thiên hạ chắc không đến nỗi phải đi giết người cướp của hoặc lừa đảo loạn xà ngầu chỉ vì uống phải thứ cà phê tồi tệ, mặc dù từ dạo lâu lắc đó tôi đã bỏ cái tật cuống lên vì ba cái chuyện vớ vẩn, nó chẳng ăn nhằm gì đến tôi, tôi có cà phê French Roast qua bình lược và nằm dài ra trên sofa và ngủ lơ mơ một tí trước khi dậy để thảo vài lá thư cho những người mà tôi đã nghĩ đến ngày hôm ấy, mẹ tôi người mà lúc nào tôi cũng kính trọng và nể phục, và chủ hãng tôi anh chàng thương gia và cô gái tôi quen hồi học đại học tên là Cissy Reeves dù tôi chẳng biết thư cho cô ta thì phải gửi về đâu.
Thưa Mẹ,
Tôi kể, và nói với bà về chính sách bảo hiểm mà bà là người đồng thừa kế rồi đính kèm tấm cạc của Zoober phòng hờ lỡ có chuyện không may xảy ra cho tôi mà không ai liên lạc với bà, bởi vì tôi tin là mấy cha nội này sẽ chẳng trả bà xu nào nếu không dí súng vào cổ họng chúng nó.
Tôi hí hoáy một hồi trên trang thư viết cho mẹ, không biết phải viết gì, nghĩ ngợi vẩn vơ về cuộc sống của bà và của tôi và về chín đứa con khác vừa trai vừa gái lớn lên thành những kẻ tầm thường không do lỗi của bà.
Một lúc sau tôi dán lá thư lại và vẽ vài nụ hôn ngoài bao thư, chẳng ra thể thống của một lá thư chút nào nhưng có sao đâu.
Kế tiếp tôi viết cho chủ của tôi, bảo hắn ta đừng đợi tôi vào làm việc trong vài tuần lễ sắp tới, tôi sẽ nghỉ một thời gian, nếu hắn ta không chịu thì cứ việc tìm đứa thay thế.
Rồi tôi viết cho Cissy và lần này thì hơi lâu bởi vì tôi nhận ra mình không nhớ được điều gì đáng nói về Cissy, cô ta là một đứa con gái tương đối thường, khá nhàm chán, tôi nghĩ không hẳn là quyến rũ nếu người ta muốn nhận xét một cách khách quan, lúc này khó mà nói tại sao tôi đã từng thấy cô ta lôi cuốn đến mức đeo sát cô ta khắp khuôn viên đại học và đùng đùng nổi giận mỗi khi thấy cô ta đi với thằng nào khác, Cissy với thân hình tầm thường và áo quần tầm thường và một trí thông minh mà chắc chắn không ai có thể nhận ra cô ta trong đám đông, làm đám cưới, tin tức sau cùng tôi nghe được về cô ta, với một cha nội nào đó vẫn mong chờ những điều to tát từ Simpson-Sears hoặc The Bay, bố khỉ, ai mà nhớ cho được? Cissy thân mến, tôi viết, anh chợt nghĩ anh nên liên lạc với em sau bao nhiêu năm trời để nói hôm nay là lần đầu tiên anh nghĩ đến em, kể từ buổi khiêu vũ hôm lễ tốt nghiệp lúc em khóc trên vai anh và nói với anh là em đã quyết định lấy thằng cha điều hành thương mại ấy bởi vì em thực lòng yêu hắn và em biết anh bị tổn thương nhưng có lẽ lại tốt cho tất cả những người trong cuộc và em đã đi với anh ra xe và chui vào băng ghế sau với anh và cái cách mà ngay cả khi anh cởi áo em anh chẳng có thoáng chút ý nghĩ nào về việc lột trần em ra ở phía dưới anh thành ra anh nói dẹp mẹ cái chuyện này đi và hất em ra rồi lái xe đi và không còn nghĩ gì tới em mãi cho tới ngày hôm nay.
Khi mà gần như tất cả những gì tôi muốn là hỏi Cissy, em có khỏe không, đời sống của em ra sao dù thực tình tôi không thể nói là tôi quan tâm cách này hay cách khác, và tôi biết tôi sẽ không bao giờ nghĩ đến em nữa sau khi dán kín lá thư này.
Tôi dán bao thư và quả là thực tế phũ phàng, tội nghiệp Cissy, nhưng biết đâu đó lại là điều may bởi tôi chẳng biết gửi lá thư ấy đi đâu.
Nhưng mà lúc đó thực ra cũng khá nhàm chán, tôi không buồn ngủ, thành ra tôi viết thêm một bản nữa và gửi tới một văn phòng của Sears ở Toronto và một cái ở Vancouver Bay bởi vì tôi làm biếng tìm địa chỉ văn phòng trung ương của họ, cũng chẳng ăn nhằm gì tới tôi cách này hay cách khác.
Tôi hoàn tất những công đoạn ký chi phiếu, viết một lá thư kèm theo mỗi tấm chi phiếu, báo cho công ty điện thoại và công ty điện lực B.C. và bè lũ rằng tôi rất quý trọng những dịch vụ của họ và hy vọng từ nay chúng ta có thể tiếp tục với một mối quan hệ tốt đẹp hơn, rằng tôi không phải cái loại người trong một thoáng suy nghĩ tin rằng họ ăn lời quá lố, rằng họ là lũ ham tiền và bất lịch sự và hễ có dịp là đeo dính lấy khách hàng.
Chẳng bao lâu sau đó tôi lăn ra ngủ, phải vậy thôi, bởi khoảng mười hai giờ tôi bị dựng đầu dậy bởi cái điện thoại, tôi ngủ quên trên sô-pha còn mặc y nguyên áo quần khi cái tiếng reo náo động ấy vang lên, và đó là June hẳn nhiên rồi cô ta gọi tôi là thằng chó đẻ và một loạt những tên gọi khác và cô ta hy vọng tôi đang sung sướng cái thân tôi, với cái đứa mà tôi đang ôm ấp, cô ta không chút ngạc nhiên, dĩ nhiên là tôi chẳng phút giây nào nghĩ đến cô ta, tôi là cái đứa hợm hĩnh chỉ biết tự sướng không biết đoái hoài đến bất kỳ ai khác và cô ta biết từ lâu rồi là chuyện này sẽ phải xảy ra – và tôi để mặc cho cô ta nói, ngắt lời cô ta cũng chẳng ăn cái giải gì, chẳng những vậy tôi còn âm thầm thưởng thức và mang ơn June bởi vì bình thường cô ta là một người chừng mực, từ tốn, đều đặn, hơi tầm thường một chút, tôi cho là như thế, không bao giờ nói nhiều, sống thoải mái, bạn sẽ chẳng bao giờ nghĩ cô ta là loại người có chút ý nghĩ nào trong đầu hoặc chút tình cảm nào trong đó.
“Tao sẽ giết mày, giết mày, thằng khốn nạn!” cô ấy hét lên mấy lần như thế đầu này tôi cũng có nhún vai, tôi hỏi tôi có làm điều gì khiến cô ấy nổi điên lên như thế, để đến nỗi cô ấy phải bỏ đi rằng tôi sẵn lòng xin lỗi nếu chuyện ấy giúp cô ấy thấy dễ chịu hơn, rằng tôi hứa sẽ thay đổi, làm tốt hơn, cố gắng nhiều hơn, nếu điều đó giúp cô ấy dễ thích ứng hơn với hoàn cảnh. Nhưng dĩ nhiên là cô ấy tiếp tục la hét, không còn dùng đến từ ngữ nữa, những chữ hiếm hoi như “Đồ Con Heo” hoặc “Đồ Chó Đẻ” mà hầu hết chỉ còn là những tiếng hét hét hét như thể có ai đó đang dùng con dao chặt thịt xẻ dọc sống lưng cô ấy và sau cùng mẹ cô ấy giằng lấy điện thoại và nói Jake mày phải lại đây, tao làm hết cách với nó rồi, và tôi thở dài, tôi than phiền và tìm cách từ chối, rằng tôi còn nhiều việc phải làm, vô số việc lặt vặt, nhưng mẹ của June là một người đàn bà nói dai và sau cùng tôi đành chịu là tôi sẽ lại xem có thể giúp được gì không.
Và cũng vì vậy mà tôi đụng đầu Jack và con vợ mít ướt Alice của nó thêm một lần nữa. Chúng nó ngồi trong xe đậu trước nhà tôi, chỉ ngồi đó nhìn cánh cửa nhà tôi như thể chúng nó nghĩ nó sẽ bất ngờ bùng cháy.
Tôi mở cánh cửa phía bên Alice và hỏi tụi nó cần gì. Tôi không biết, có vẻ như một khi tôi thấy chúng nó ở đó, cứ như thể tôi đang đợi hoặc chuyện phải xảy ra như thế, tôi chẳng mấy ngạc nhiên.
Vậy nên hello, Jack, hello, Alice, hai đứa bay ở đây lâu chưa, có chuyện gì vậy?
Alice, ngày trước tôi vẫn cảm thấy buồn cho Alice, cô ta luôn tỏ vẻ khổ sở, buồn bực, mà chẳng có lý do nào, chẳng có gì giải thích là chuyện gì làm cô ta phiền não, đó chỉ là cái cách của cô ta vậy, buồn bã và khổ sở, như thể thằng ranh Jack chẳng bao giờ hôn cô ta một cái và cô ta cũng chẳng muốn được chồng hôn, cứ như thể chẳng có chuyện gì xảy ra cho cô ta và tại sao lại xảy ra, sự thật là Alice thiếu óc tưởng tượng cũng như sở thích, tôi giả sử nếu như cô ta bỏ thời giờ ra để gội đầu hoặc quét nhà thì đó đã là một ngày khá tươi đẹp cho cô ta rồi, chẳng có gì phải thắc mắc nữa, về cái điều cô ta mong đợi sẽ xảy ra trong ngày, quả thật tôi cũng nhận ra là khi tôi mở cánh cửa ấy ở đây cũng là lần đầu tiên tôi không thấy tóc cô ta quấn trong những cái đồ cuộn tóc và như vậy đây là lần thứ nhì thành ra chắc hẳn phải có điều gì đó lạ lẫm ghê lắm đang xảy ra ở đây.
Hai đứa nó không nói gì thành ra tôi bảo chúng nó là tôi hy vọng chúng nó đừng áy náy về những câu Jack đã nói với tôi, rằng sự thật là tôi chẳng bận tâm chút nào và Jack hoàn toàn đúng khi bảo là tôi đang biến dần thành một thứ cặn bã ngoại hạng, rằng tôi chẳng bận tâm chút nào và chỉ hơi ngạc nhiên chút ít là có người nhận ra được sự thay đổi nơi tôi, chắc chắn là tôi sẽ chẳng đi lòng vòng như thể trên lưng đang đeo cái bảng có hàng chữ KHÔNG CHUYỆN GÌ LÀM TÔI BỰC MÌNH HẾT.
“Jake, Jake, Jake,” sau cùng Jack rên rỉ, “Vào xe đi, chạy một vòng.”
Tôi nghĩ chắc nó tính đi xuống rạp chiếu phim ngoài trời S & W để nhai một cái hamburger và nốc một loncoke, bởi vì chúng tôi thỉnh thoảng vẫn làm vậy cùng với Alice và June cùng con bé, thành ra tôi phải bảo chúng nó là chắc tôi không đi được, tôi mới nhận được cú điện thoại khẩn cấp và tôi phải ra phố ngay.
“June gọi à?” Alice hỏi, và tôi trả lời đúng vậy.
Vậy là cô ta ôm chầm lấy tôi, thật bất ngờ, tôi không kịp thấy hai cánh tay cô ta duỗi về phía tôi, mà chỉ kịp nhận ra cô kéo tôi về phía cô với sức mạnh của một con thú hoang và ép đầu tôi vào cổ cô ta, vỗ thùm thụp lên lưng tôi và lảm nhảm “Tội nghiệp Jake, Tội nghiệp Jake, ôi thật là tội nghiệp cho anh, ôi để tụi tôi giúp đỡ anh, tôi đoan chắc là anh sẽ thấy nguôi ngoai nếu như anh tâm sự với chúng tôi.”
Chính Jack là kẻ khiến cô ấy buông tôi ra, nó gỡ cánh tay cô ta ra khỏi người tôi. “Trời ạ, Alice,” hắn nói, “em siết cổ nó như vậy làm sao nó nói được chứ?” và cô ta ngồi thẳng người trở lại im thin thít sau đó, phụng phịu, răng cắn lấy môi như một đứa bé thiểu năng bởi vì cô ta không thích thằng chồng nói với mình bằng giọng điệu đó, tôi đoán vậy.
“Nào, lý do mà tụi tao đậu xe trước cửa nhà mày thế này,” hắn giải thích, “là bởi vì June gọi cho tụi tao, bà ấy lo cho MÀY.”
Lo? Tôi hỏi, và nó nói, “Ừ, bà ấy sợ mày sẽ làm gì đó không hay cho mày.”
Như cái gì? Tôi hỏi.
“Làm cái điều phạm pháp,” Jack nói, “và June bảo bà ấy sẽ không bao giờ tha thứ cho bà ấy được.”
“Nó đoán ra nó là người có lỗi,” Alice nói, “và nó sẽ không thể nhìn mặt nó trong gương được nữa nếu như anh đi làm chuyện ngu dại nào cho chính anh như cắt mạch máu cổ tay, anh Jake ơi anh biết nó tôn thờ đến cả cục đất anh dẵm chân lên nữa mà, phải chi anh đừng có kỳ cục quá mức!”
Hai đứa nó tiếp tục nói bằng cái giọng điệu đó một lúc, tôi chẳng nói được gì để trấn an chúng nó. Sau cùng, tôi nói, “Này, tao nghĩ hai đứa bay hiểu tao, tao không cần quan tâm đến mấy chuyện này, tự tử là chuyện tao chả bao giờ nghĩ tới, tụi bay khỏi lo cho tao.”
Alice nhìn tôi bằng cái nhìn an ủi, cô ta tiếp tục tìm tay tôi hoặc mặt tôi hoặc chân tôi và tôi thì liên tục tránh né, mấy lúc gần đây tôi không ưa cái lối nói chuyện mà tay chân cứ phải sờ vào người khác của cô ta. “Vậy đó,” tôi nói và dường như như vẻ bình thản của tôi may mắn đã thấm sâu vào chúng nó – “Vậy đó, bây giờ hai ông bà cứ yên tâm với cuộc sống của mình đi nhé, tôi không sao đâu, và tôi tin June và tôi dư sức giải quyết chuyện này mà không cần sự tiếp tay của hai ông bà.”
Thế nhưng chúng nó vẫn chưa chịu, chúng nó cảm thấy bị xúc phạm, chúng nó dục tôi chui vào xe để chúng nó chở tôi tới nhà mẹ của June, lúc này June đang cần sự giúp đỡ của chúng nó và chúng nó thì đương nhiên không bao giờ bỏ rơi bạn bè.
Tôi chui vào xe, kệ cha nó vậy.
Trong suốt đoạn đường tôi cố thư giãn, cố gắng không để mất dấu cuộc sống mới mà tôi vừa mới tìm được cho mình. Sự thật là tôi khó lòng mà không cảm thấy khó chịu, một kẻ sống bình thường chẳng buồn bực chuyện gì bỗng dưng mọi người ai cũng cuống lên.
“Người đàn ông tới nhà anh hồi hôm là ai vậy?” Alice hỏi, và tôi bảo cô ta đó là ông Zoober từ công ty bảo hiểm, và tôi thấy hai đứa nó đưa mắt nhìn nhau và một lát sau Alice bật khóc, cô ta vô cùng cay cú, mấy cái người ích kỷ tự tử ấy ngu ngốc biết chừng nào, cô ta nói, vừa vô tâm vừa thù vặt, chúng nó không bao giờ nghĩ đến người khác, đến vợ con chúng nó bỏ lại, rồi chuyện gì sẽ xảy ra cho bé Cherise nó có làm gì nên tội cơ chứ? Nó sẽ ghét anh đời đời, cô nói, nếu anh tự tử, và chuyện ấy sẽ lộ rõ cho thấy anh là loại người khốn nạn như thế nào, và tôi có thể nói Jack cũng cùng quan điểm với vợ nó, nhìn cái vẻ của nó giống như nó muốn đấm tôi vỡ mặt, nó nhìn tôi trừng trừng trong kính chiếu hậu như thể tôi đang sắp tự kết liễu đời mình ngay trong băng ghế sau chiếc xe station–wagon của nó, cái chỗ nồng nặc mùi chó.
Tất cả đèn trong nhà đều bật sáng, tôi thấy vậy lúc xe chúng tôi tới góc đường. Tất cả cửa ra vào đều mở toang và dù Jack đã cố chạy chậm tôi cũng thấy người nào đó cứ mỗi ba giây đồng hồ lại chạy ra ngoài sân rồi chạy vào, chạy ra và giật tóc và la hét rồi lại chạy vào. Hiển nhiên đó là June, khoác áo ngủ, chân đi vớ, tóc tai quyện rối vào nhau, một ngàn đường gạch trên mặt mà tôi chưa từng thấy bao giờ. Trông cô ấy bệ rạc hết sức nhưng tôi chẳng để ý. Chiếc xe chưa ngừng hẳn thì cô ấy đã ào vào tôi móng tay cào xé, nhổ nước bọt và móc cấu và la hét, đấm tôi túi bụi cho đến khi mọi người ngoại trừ cô ấy cảm thấy hài lòng. Mẹ cô ấy là một người nhã nhặn, bà ghét những chuyện bù lu bù loa, cuối cùng bà xuất hiện và gỡ June ra khỏi tôi và kéo cô ấy vào nhà.
“Đừng nghĩ là anh không đáng bị đối xử như thế,” Alice bảo tôi, và Jack nói thêm là tôi biết khôn thì đừng dở trò gì hết bởi vì hắn đang canh chừng tôi. Cả hai vào phòng khách để săn sóc June và mẹ June đi ra vỗ lên cánh tay tôi và dẫn tôi lên lầu chỗ con bé.
“Nó có ngủ được đâu, tội nghiệp con bé,” bà nói, “nó gọi điện cho mày và cuối cùng June nó nổi giận và nhốt con bé trong tủ áo nhưng tao tìm được cái chìa khóa sơ cua mở cho nó ra, nhớ tử tế với nó, Jake à, nó có hiểu gì đâu.”
Tôi cười và bảo bà là tôi sẽ cố hết sức và bà lại vỗ vai tôi rồi đi xuống cầu thang.
Tôi vào phòng, chỗ thường dùng làm phòng cho khách nhưng ít khi dùng tới bởi vì mẹ của June nói là bà chán thiên hạ lắm, và con bé ngồi trong chiếc ghế đu đưa của trẻ con quá nhỏ so với nó và đang đu đưa trong bóng tối, không nói năng gì hết. Con bé dễ thương, tôi thoáng thấy cảm động, tôi thực sự không cảm thấy gì mấy, không gì khác hơn chút cảm ứng mỹ thuật đơn giản với cái bóng viền của con bé trong chiếc ghế dành cho trẻ con mới chập chững biết đi.
“Phải Ba đó không Ba?” nó hỏi, tôi trả lời phải, và nó nói, “đừng mở đèn lên nhé Ba.”
Tôi hỏi tại sao, có phải mẹ lại cấu con rồi phải không.
“Ít thôi,” nó nói, “ở chân con và một ít ở bụng nhưng không đau mấy.”
Tôi mở đèn lên. Nó có vài cái lằn trên da, những vết thương màu tím hình chữ chi xuôi theo chân con bé, không có gì phải nổi giận.
“Không sao hết,” con bé nói, “cái lần con bị nhốt trong tủ áo, mong là đã không làm Ba lo lắng.”
Tôi bảo nó tôi không lo lắng, tôi biết nó có thể tự chăm sóc lấy mình. Tôi để ý thấy tóc nó ướt và hỏi sao vậy. Nó kể cho tôi nghe là mẹ bắt nó đi tắm nhưng nó không muốn thế là June dìm đầu nó xuống nước.
Ba mừng là con không bị chết đuối, tôi bảo nó, nó bảo nó cũng mừng nhưng bây giờ phải có ai lau chùi nhà tắm bởi vì June đã đi lùng khắp phòng moi hết mọi thứ trong các ngăn đựng đồ cũng như tủ thuốc quăng hết vào trong bồn nước, cô ấy biến nhà tắm thành một bãi chiến trường.
Tôi bảo con bé đừng để tâm đến chuyện đó, sẽ có người dọn dẹp, và rằng chắc June bị rối trí và cứ ngỡ là cô ấy đang ở nhà mình bởi vì bình thường thì cô ấy gọn ghẽ nhất là những lúc ở nhà mẹ cô ấy.
Con bé bảo là nó không quan tâm đến chuyện ấy, nó đã cố tự mình dọn dẹp nhưng June cứ cấu nó. “Nhưng mà có đúng là mình bỏ Ba mà đi không?” nó hỏi, “June bảo mình cứ đi và Ba cũng chẳng cần biết, rằng Ba đang rất muốn ở một mình.”
Tôi hỏi con bé nó cảm thấy thế nào về chuyện ấy.
“Con không muốn ở một mình,” nó nói, “nhưng con cũng xoay xở được nếu phải ở một mình.”
Nó trùm một cái chăn trên vai và run rẩy, dường như áo quần nó bị lạc mất đâu đó giữa nhà tắm và cái tủ áo.
Tôi bước ra khỏi phòng để tìm quần áo cho nó và thấy June đứng gầm gừ dưới chân cầu thang, Jack và Alice và mẹ cô ấy đang cố kềm cô ta lại, trong lúc cô ấy giận dữ muốn phóng lên lầu xé xác tôi ra.
Cứ để cho cô ấy đi, tôi bảo họ, và một hai giây sau đó họ buông cô ấy ra. Cô ấy nhào tới, bước được năm hay sáu bậc thang gì đó thì hụt hơi, cô ấy gục trên thảm vừa thở vừa khóc rưng rức. Bây giờ đem cô ấy xuống phòng khách, tôi bảo họ, và Jack đi lên để đưa cô ấy xuống.
Rồi cũng có một lần trong đời, bạn bắt đầu ra lệnh và mọi người trên thế gian này làm theo mà không hề thắc mắc.
Tôi tìm thấy áo quần con bé trong bồn nước tắm và đem ra vắt cho sạch nước. Tôi tháo nước bồn và xếp những thứ chưa bị hư hại qua một bên.
Tôi nghe Jack và Alice nói chuyện bên dưới nhà, còn June và mẹ cô ấy thì im lặng và có vẻ như Jack và Alice đang cãi cọ với nhau. Không ai nghĩ đến việc đóng cửa và căn nhà lạnh ngắt.
Không được rồi, tôi nói với con bé, con phải xài tạm cái chăn thôi.
Con bé quay mặt đi, hy vọng tôi không nhận ra hai má nó sưng phù.
Tôi băng ngang căn phòng và nâng khung cửa sổ lên. Bên ngoài sạch sẽ, mát mẻ, một bầu trời thênh thang, một vòm đầy ắp những vì sao – một khung cảnh tương đối quen thuộc cho thời gian này trong năm.
“Bây giờ ba sẽ nhảy ra ngoài, con nhé,” tôi nói với nó.
Con bé khịt mũi và quấn chặt cái chăn chung quanh người.
Tôi leo lên bệ cửa sổ và mò mẫm tìm bậc thang thoát hiểm trèo xuống.
Con bé theo sau tôi. Tôi ngước lên nhìn và con bé trần truồng trước mặt tôi, cong queo như một hình nhân, cái chăn vỗ phần phật lên người chúng tôi.
“Giầy của con,” nó nói, khi chân chúng tôi chạm đất.
Mặt đất lạnh ngắt, gần như nước đá. Tôi ngồi khom xuống và con bé leo lên lưng tôi. Chúng tôi chạy băng ngang khoảng sân, rảo bước dưới những rặng cây. Đầu gối con bé cặp chặt hai bên hông tôi, một tay níu lấy vai tôi nó lướt nhẹ nhàng và thanh tú như một quả táo.
Mình có thể đi bao xa với một đứa bé trên lưng? Tôi không biết. Một lúc sau con bé bắt đầu cười ngặt nghẽo, tôi cũng cười theo. Chẳng bao lâu sau, hai cha con tôi chẳng còn cảm thấy gì, một tràng cười ngặt nghẽo rất tốt cho mình, những tiếng cười chắp cánh cho mình.
“Mình đi xa không Ba?”
Không xa. Mình ngủ đêm ở đây: một nơi chốn quen thuộc, một nơi chốn khá thông thường. Nơi đây không có những bất an. Mình có thể yên lòng. Ngày mai – có thể ngày sau đó nữa – chúng tôi sẽ trở ra, gọi điện cho mẹ nó, vắn tắt hỏi xem mọi chuyện đến đâu rồi. Nhưng chẳng việc gì phải vội. Không bao giờ. Cuộc sống chúng tôi đều đặn, bình thường: người ta sẽ không tìm ra được thứ gì để quấy rầy CHA CON TÔI.
0 comments:
Post a Comment