Robert Burns & Ạul láng syne
Trong mấy hôm soạn thảo bài này, tôi nhận được hung tin: Họa sĩ-Nhạc sĩ NGUYÊN LONG vừa là bạn văn nghệ thân tình vừa là đồng nghiệp nhiều năm của tôi tại ngôi trường MATHER ở Dorchester-Boston đã đột ngột lìa trần. Những dòng chữ trong bài viết này phần nào chứa chất nỗi buồn mất bạn cùng niềm thương tiếc một tài năng đã vội ra đi! C.P.
THE NATIONAL PORTRAIT GALLERY ở thủ đô EDINBURG, SCOTLAND.
Hè qua vào giữa tháng Tám tôi ghé Edinburg lần đầu, dù bước giang hồ từng đưa tôi đôi lần đến London hay Dublin trước đó. Thời sự chính trị là lý do khiến tôi muốn thăm viếng và tìm hiểu về đất nước Tô cách lan (Scotland) mấy năm nay đang vận động tự trị để lấy lại độc lập. Nhưng động cơ sâu xa hơn là mối quan tâm lâu nay của tôi về lịch sử văn hóa - tư tưởng phong phú của dân tộc scottish dù đã bị đế chế Anh thống trị từ thế kỷ 15-16.
Đất nước này không chỉ quen thuộc với thế giới nhờ các chai scotch whisky hoặc đám đàn ông mặc váy - Scotland (Écosse) từng là một trong vài cái nôi hàng đầu của tư tưởng Âu châu bên cạnh Paris, London hay Firenze, Vienna ... Kẻ du khách với óc hiếu kỳ văn hóa có thể ghé bảo tàng National Portrait Gallery để ngắm chân dung của hàng loạt danh nhân Tô cách lan. Nhưng bàn về triết gia David Hume, nhà khoa học Charles Darwin hay cha đẻ môn kinh tế là Adam Smith không phải là mục đích của bài viết này ( tôi hy vọng có dịp khác sẽ biên khảo về các gương mặt kiệt xuất của Edinburg). Ở đây tôi muốn tập trung vào Robert Burns cùng bài thơ AULD LANG SYNE đã trở thành ca khúc có lẽ quen thuộc nhất cho cả loài người trong thời đại truyền thông toàn cầu hóa - các hình ảnh giao thừa tại Times Square New York càng ngày càng biến nó thành Quốc Tế Ca của những Buồn Vui Kiếp Người vào phút đón mừng Năm Mới.
Tượng ROBERT BURNS-National Portrait Gallery EDINBURG.
Robert Burns (1759-1796) được dân Tô Cách Lan phong làm National Bard (Thi Hào dân tộc) - một danh dự nâng ông lên địa vị tương tự Dante, Shakespeare, Goethe, Victor Hugo, Pouchkin...đối với đất nước họ. Xuất thân thấp hèn, đứa con nông dân nghèo nhờ thông minh và tài năng thiên phú đã bắt nên nhịp cầu giữa văn hóa dân gian và giới thượng lưu quí tộc.Ông bắt đầu làm thơ lúc 15 tuổi, một bài thơ chất phác khai mạc chuỗi tình ca Burns sẽ viết tặng cho nhiều người đàn bà con gái trong cuộc đời thi nhân lãng mạn. Nhưng phải đợi mười năm sau nhà thơ mới tập hợp được thi phẩm đầu tay POEMS, chiefly in the Scottish Dialect (Thơ, chủ yếu viết bằng phương ngữ Tô cách lan), phục hồi tài sản thơ ca dân gian trong cảm hứng cá nhân.Tập thơ được đón nhận nồng nhiệt này đã tái bản ngay năm sau 1787 tại Edinburg; và thủ đô văn hóa của dân tộc yêu chuộng văn chương này đã đón tiếp Robert Burns như một thượng khách. Khi gặp Burns ở Edinburg, đại văn hào Walter Scott lúc ấy mới 16 tuổi đã nhận xét như sau:Chỉ con mắt thôi, tôi nghĩ thế, đã bộc lộ nhân cách và tính nết nhà thơ. Đó là một con mắt to với sắc âm u, nhưng rực sáng khi ông ăn nói với cảm xúc và nhiệt huyết. Tôi chưa từng thấy trên đầu ai có một con mắt như thế dù tôi đã gặp những nhân vật tôn quí nhất trong thời đại của tôi.
ROBERT BURNS cạnh WALTER SCOTT trong Nhà Bảo Tàng Văn Học Edinburg.
Nhà thơ sau này được văn học sử tôn vinh thành một tiếng nói trữ tình khai sinh cho chủ nghĩa lãng mạn từng tâm sự như sau trong lời mở đầu tác phẩm FIRST COMMON PLACEBOOKS: For my own part I never had the least thought or inclination of turning Poet till I get heartily in Love, and then Rhyme and Song were, in a manner, the spontaneous language of my Heart. (Riêng cá nhân, tôi chưa từng có mảy may ý nghĩ hay chí hướng trở thành Thi nhân cho đến khi tôi biết yêu say đắm. Khi ấy, có thể cho rằng Vần Điệu đã biến thành ngôn ngữ tự phát của Quả Tim tôi.) Văn hóa bình dân với tài năng thiên phú, cộng thêm xúc động tình yêu đã biến Burns thành nhà thơ - khác xa với Petrarch, Dante hay Shakespeare là các thi hào-học giả đã tôi luyện thi pháp của họ như một kỹ xão - chẳng hạn cách dùng ẩn dụ như một cơ cấu qui mô thêu dệt các ý thơ trong một thi phẩm nhất quán.
Ví dụ bài tình ca lừng danh RED, RED ROSES của Burns - chính Bob Dylan sau này thú nhận đó là bài thơ ảnh hưởng mạnh nhất đến sự nghiệp sáng tác ca khúc của ông - bắt đầu với cách so sánh bình dị hoa hồng=người yêu, giai điệu=tình nhân...
O, my love's like a red,red rose
That's newly sprung in June:
O, my love's like the melody
That's sweetly played in tune...
Người yêu tôi như nụ hồng thắm
Trên cành tháng Sáu đơm hoa:
Tình nhân tôi như một điệu ca
Cung đàn hòa nhịp ngân nga...
(C.P. tạm dịch)
Thi pháp hồn nhiên không nặng tính bác học ấy biết vay mượn văn hóa dân gian để tạo chiều sâu tư tưởng hay độ dày trải nghiệm nhân sinh. Cũng trong bài thơ vừa nêu, Burns đã mượn thành ngữ ca dao till the seas gone dry = núi mòn biển cạn để cất lời thề thốt với người yêu; và người Tô cách lan hay Anh-Mỹ khi đọc hoặc nghe hát câu này sẽ khó tránh khỏi xúc động sâu khi luồng điện của ngôn thoại truyền thống chạy xuyên qua tâm hồn mình:
And I will love thee still my dear
Till all the seas gone dry...
Người thương hỡi, tôi còn yêu em mãi
Cho đến ngày biển cạn người ơi! (C.P.)
Thi pháp vừa phác họa sẽ được Burns vận dụng trong hầu hết sáng tác thơ của ông, đặc biệt trong bài AULD LANG SYNE sau đây;
Ca từ hồn hậu như cách nói dân gian đi thẳng vào lòng thính giả, mấy chữ vay mượn thành ngữ FOR AULD LANG SYNE =FOR OLD TIME'S SAKE (để tưởng nhớ ngày xưa) lặp đi lặp lại như lời kinh cầu cho kỷ niệm, cho quá khứ, cho những tình cảm nhạt phai vì thời gian ...
Mỗi năm một lần,vào phút giao thừa khi tâm hồn lắng đọng cho quá khứ hiện lên trước khi Năm Mới lại kéo chúng ta vùn vụt phóng nhanh trên con tàu năm tháng về tuổi già và cái chết;
Should old acquaintances be forgot And never brought to mind
For Auld Lang Syne , my dear
We'll take a cup of kindness yet
For Auld Lang Syne...
Nếu đã quên tình cũ bạn xưa
Dù tim óc hết còn hồi tưởng
Bạn thân ơi, ly Ân Tình xin vẫn cầm lên
Để nhớ lại Ngày Xưa...
Để nhớ lại Ngày Xưa... (C.P. dịch)
Đêm giao thừa 2010-2011 tại nhà người bạn giáo sư-thi sĩ Trần Thành, tôi chợt xúc động nhớ lại trong đầu bài thơ của Robert Burns cùng những hoài niệm vấn vương... Bèn tìm giấy bút và phác thảo nhanh lời Việt cho Auld Lang Syne . ( Khi hát bài này và làm montage để đưa lên YouTube, ông bạn họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi có góp ý để hoàn thiện ca từ).
Cùng nhau nâng ly hát lên bài ca giã từ ngày tàn năm hết.
Nhớ nhau xin ghi thời gian; buồn vui sẽ là một kỷ niệm chung.
Phút giây chia tay từ đây mà lòng khắc ghi tình nồng năm tháng.
Vẫy tay mang theo lời ca; hẹn nhau có ngày bồi hồi đoàn viên.
Như thế, bên cạnh Bài Ca Giã Từ của Hướng Đạo VN phỏng theo ý bản dịch Pháp - CE N'EST QU'UN AU REVOIR, nay chúng ta có thêm một phiên bản Việt ngữ để cùng nhau hát vào phút đưa tiễn Năm Tàn và đón chào Năm Mới. Hi vọng trong tương lai sẽ xuất hiện thêm các bản dịch và ca từ mới cho AULD LANG SYNE từ các nhà thơ Việt khác.
Chân dung ROBERT BURNS trong nhà Bảo Tàng Văn Học.
Thi hào dân tộc Scotland này có cuộc đời tình ái phong phú không thua sức sáng tác của ông bao nhiêu. Dù chỉ lấy vợ một lần - Jean Armour là bà vợ chính thức sinh cho ông chín đứa con - Burns có khá nhiều phiêu lưu ái tình cũng như vài mống con rơi, bắt đầu với Elizabeth Paton, Mary Campbell, Jenny Clow, Margaret Cameron...Ông còn yêu say đắm Agnes Mc Lehose dù bà này có chồng, và viết tặng nàng "Clarinda" này vài bài thơ đã đi vào văn học sử dù ông chẳng chinh phục được người đẹp. Có lẽ vì trái tim thi sĩ đã vương vấn không ít hình bóng giai nhân nên đôi lúc khó cầm lòng ông phải "nâng cốc ân tình" để nhớ lại ngày xưa.
BÀN VIẾT CỦA ROBERT BURNS.
Nếu sành âm nhạc, người nghe bài hát trên đây sẽ nhận ra điệu ngũ âm (pentatonique) quen thuộc của nhạc dân ca, không chỉ ở phương Tây. Có thể Ngũ âm là một lý do giúp bài AULD LANG SYNE lan truyền khắp đại chúng nhờ cung bậc mộc mạc với âm hưởng chân chất khiến thính giả có thể hát theo thoải mái. Vào dịp tưởng niệm Thi hào Robert Burns ở nhiều nước có truyền thống văn học Anh ngữ ( Boston , Montréal chẳng hạn đều có tượng đài cho ông), chúng ta sẽ được nghe Auld Lang Syne. Hướng Đạo Quốc Tế cũng đã chọn bài này làm Ca khúc Hướng Đạo; hoặc Quốc thiều Đại Hàn cũng mượn giai điệu bài ca này. Vậy thì ngũ âm hay ngũ cung không chỉ là nhạc thức truyền thống Á đông mà còn là một tài sản chung cho những nhà soạn nhạc và sáng tác ca khúc bất cứ ở đâu.
TẠM KẾT
Dù chưa đủ lá phiếu để giành lại độc lập chính trị trong cuộc trưng cầu dân ý cuối năm qua, Scotland đã xây dựng cho mình một thế đứng văn hóa tách biệt với London từ đầu thế kỷ 20
qua phong trào vận động Scottish Renaissance (Phục Hưng văn hóa Tô cách lan) tôn vinh các gương mặt văn học như Robert Burns, Walter Scott, R.L. Stevenson... Chúng ta cũng cần nhớ rằng tầm vóc văn hóa của đất nước Scotland đã hình thành từ thời Scottish Enlightenment (Khai Sáng Tô cách lan) vào thế kỷ 18; Adam Smith, David Hume trở thành tài sản chung của tư tưởng phương Tây từ đó. Nhưng văn hóa-văn nghệ và chính trị dân tộc với các ý thức hệ cỗ súy cho nó là hai phương trình không giống nhau, dù đôi lúc phải song hành vì sách lược*. Bởi một thi nhân hay văn hào hàng đầu của bất cứ dân tộc nào đồng thời cũng là công dân của nền Cộng Hòa Văn Chương Toàn Cầu (République Mondiale des Lettres); và các tác phẩm nghệ thuật lớn không cần mang quốc tịch.
Trong vô vàn ví dụ, ca khúc Auld Lang Syne với tác giả của nó là một bằng chứng hiển nhiên cho lời nhận định trên đây.
CHÂN PHƯƠNG
Hingham Bay, hạ tuần tháng Chạp 2015.
0 comments:
Post a Comment