Truyện ngắn của Mark Twain (Mỹ)
Tháng ba năm 1892, tôi có dịp đi nghỉ dưỡng ở Mentone trong vùng Riveria. Mentone là một thị trấn yên tĩnh, bình dị, ít xô bồ nên hạng giàu có hiếm khi đặt chân đến đó. Ý tôi muốn nói, những kẻ có tiền chắc chẳng có thì giờ nghĩ đến chuyện thăm viếng một nơi hẻo lánh và có vẻ quê mùa như vậy…
Nhưng thỉnh thoảng cũng có một anh nhà giàu lạc bước tới, và tất nhiên tôi không bỏ lỡ cơ hội làm quen ngay cho bớt hiu quạnh. Tôi gọi ông ta là Smith. Một sáng thứ Hai nọ, trong lúc đang cùng ngồi ăn sáng với nhau ở khách sạn Hotel des Anglais, ông ta bất chợt la lên:
- Mau lên, nhìn người đàn ông đang bước ra cửa kìa. Hãy lưu ý mọi chi tiết về ông ấy.
- Tại sao?
- Ồ, anh không biết ông ấy là
ai à?
- Biết chứ. Ông ta đã ở đây được vài ngày trước khi anh đến. Người ta nói ông ấy là một nhà sản xuất tơ lụa đứng tuổi đã về hưu và rất giàu có. Tôi thấy ông ấy có vẻ cô độc quá, mặt mũi lúc nào cũng rầu rĩ và không buồn trò chuyện cùng ai hết. Tên ông ta là Théophile Magnan.
Vì có việc nên câu chuyện của chúng tôi đến đây bị ngắt ngang. Khoảng mười giờ tối hôm đó, tình cờ chúng tôi gặp lại nhau, và ông Smith có nhã hứng mời tôi lên phòng ông ta chơi để cùng dùng rượu Scotch nóng. Phòng ông ấm cúng với những chiếc ghế tiện nghi, những ngọn đèn vui mắt và chiếc lò sưởi bằng gỗ ô-liu để ngỏ thân tình. Sau ly Scotch thứ hai, Smith nói:
- Để giải khuây, bây giờ tôi xin kể anh nghe một câu chuyện hơi lạ lùng một chút, nhưng mong rằng anh sẽ thích. Từ bao năm nay, nó vẫn là một bí mật giữa tôi và 3 người khác, nhưng bây giờ thì tôi sắp tiết lộ cả ra đây. Anh thoải mái chứ?
- Thoải mái. Anh tiếp tục đi.
Và sau đây là câu chuyện ông ta kể với tôi:
- Trước đây cũng khá lâu, hồi tôi còn là một nghệ sĩ trẻ đầy ắp tham vọng, tôi thường lang thang đây đó khắp miền quê nước Pháp để vẽ tranh. Trên đường đi, tình cờ tôi gặp một đôi thanh niên Pháp khả ái cũng đang thực hiện một loại công việc như tôi đang làm; vì tâm đầu ý hợp, nên chúng tôi nhập bọn cùng nhau. Thời đó chúng tôi thật hạnh phúc dù tiền bạc chẳng có là bao, phải nói là nghèo khổ mới đúng. Nhưng nghèo mà vui và thoải mái. Tên hai chàng trai ấy là Claude Frere và Carl Boulanger. Giang hồ mãi, cuối cùng chúng tôi đến một ngôi làng ở miền Bretagne và được một họa sĩ cũng nghèo như chúng tôi cưu mang cho khỏi chết đói. Tên anh ta là Francoise Millet.
- Cái gì? Họa sĩ Francoise Millet vĩ đại, lừng danh khắp thế giới đấy à?
- Vĩ đại? Ồ, anh ta chẳng có gì để được tôn xưng như thế, cũng như chúng tôi mà thôi. Thuở ấy, ở ngay chính làng mình, anh ta chẳng gây được chút tiếng tăm nào, và nghèo rớt mồng tơi đến nỗi chẳng có gì đề nuôi chúng tôi ngoài món củ cải chế biến đủ kiểu để ăn cho đỡ ngán, mà có khi lại còn thiếu nữa mới chết! Hoàn cảnh đã khiến chúng tôi trở nên những người bạn chí thiết. Ai trong chúng tôi cũng đem hết tâm hồn ra để vẽ, nhưng khổ nỗi, tranh thì họa hoằn lắm mới bán được một bức! Ôi, quãng đời sống chung đó thật thân tình và vui thú, nhưng Chúa ôi, có ai biết trong người chúng tôi nhiều khi không có được một xu dính túi!
Sự việc cứ thế tiếp diễn suốt hơn hai năm ròng. Cuối cùng một hôm, Claude bỗng bất ngờ báo hung tin:
- Quý vị ơi, nghe tôi nói đây, tụi mình sắp tiêu tùng hết rồi! Hết thuốc chữa! Người dân ở đây đã về hùa với nhau để chống lại chúng ta. Tôi đã đi khắp nơi trong làng, và như tôi vừa nói, chẳng ai chịu cho chúng ta vay thêm xu nào nữa trừ khi chúng ta thanh toán hết những món nợ cũ.
Điều này khiến chúng tôi lạnh người, vì hoàn cảnh chúng tôi lúc đó quả thật rất bi đát. Bẵng đi một lúc lâu, chẳng ai thốt lên được lời nào. Cuối cùng, Millet thở dài nói:
- Tôi chẳng có ý gì. Các bạn cố động não và thử đề nghị điều gì đó xem sao!
Chẳng có ai lên tiếng đáp lại ngoại trừ sự im lặng thê lương bất chợt phủ trùm xuống, như câu trả lời bất đắc dĩ. Carl đứng lên, đi tới đi lui một cách bồn chồn, cuối cùng không chịu nổi bật nói:
- Chán thật! Các ông hãy nhìn kỹ những bức sơn dầu này xem; tôi thấy chúng đẹp chẳng kém tranh do các họa sĩ châu Âu vẽ, bất luận đó là ai. Vâng, rất nhiều khách hàng đã bình phẩm với tôi như thế, hoặc gần như thế…
- Nhưng họ lại không chịu mua tranh, có phải không? - Millet nói.
- Ồ, không hề gì. Họ đã nói thế và tôi thấy cũng đúng thôi. Hãy nhìn bức Thiên thần do anh vẽ kìa! Có người…
- Ồ, Carl, bức Thiên thần của tôi hả? Có người đã đòi mua nó với giá 5 francs đó.
- Khi nào?
- Ai trả giá đó?
- Trời ơi, sao anh không bán đi để có tiền, bây giờ chúng ta đang đói mà!
- Này, đừng có nói cùng một lúc như thế chứ. Tôi nghĩ hắn sẽ bằng lòng trả giá cao hơn bởi tôi thấy hắn ngắm bức tranh với vẻ rất ngưỡng mộ - vì thế tôi đã đòi 8 francs.
- Được rồi. Thế rồi sao?
- Hắn bảo hắn sẽ gọi lại.
- Francoise Millet ơi, sao mà ông ngu quá vậy!
- Ồ, tôi biết, tôi biết đó là một sai lầm và tôi thật đúng là điên. Nhưng thưa các ông, tôi chỉ định đòi giá cao nhất thôi để vực chúng ta dậy cho qua những ngày khốn khó này, nên tôi …
- Sao chứ? Vâng, tất nhiên là tụi này biết điều đó, và cầu trời phù hộ cho tấm lòng tốt của ông; nhưng ông làm ơn mai mốt đừng có điên như vậy nữa nhé!
- Tôi ấy à? Bây giờ tôi chỉ mong sao có ai đó xuất hiện, dù trả bức tranh với số tiền đủ mua một cái bắp cải thôi, tôi cũng bán. Mấy bạn hiểu không?
- Một cái bắp cải! Ồ, đừng có nêu nó ra đây, chỉ khiến tụi tôi thèm rỏ dãi thôi. Mình nói thứ gì ít hấp dẫn hơn đi!
- Này các bạn, những bức tranh này có xoàng xĩnh quá không? Trả lời tôi đi - Carl bất chợt lên tiếng, có vẻ nghiêm túc.
- Không!
- Nghĩa là chúng có giá trị. Thế cái giá trị đó có cao và vượt trội hơn những tác phẩm tầm tầm đang trôi nổi ngoài thị trường không?
- Có chứ.
- Ồ, với cái giá trị vượt trội như thế, nếu như có một tên tuổi nổi tiếng nào đó gắn vào chúng, chắc chúng sẽ được bán với những cái giá tuyệt vời, có phải không?
- Tất nhiên. Có ai nghi ngờ điều đó đâu.
- Này, nãy giờ tôi không đùa đâu nha. Hãy trả lời lại xem, có đúng thế không?
- Ủa, tất nhiên là thế; và chúng tôi cũng đâu có đùa. Nhưng sao mới được chứ, nó liên quan như thế nào đến chúng ta?
- Liên quan như thế này: chúng ta hãy ghép một cái tên lừng lẫy cho chúng.
Cuộc trò chuyện chợt khựng lại, và những khuôn mặt từ từ xoay về phía Carl. Mượn đâu ra một cái tên nổi tiếng để ghép bây giờ? Và ai là người sẽ cho mượn chứ?
Carl ngồi xuống nói tiếp:
- Bây giờ tôi có một chuyện hoàn toàn nghiêm túc muốn đề nghị với các bạn. Tôi nghĩ đó là lối thoát duy nhất cho chúng ta, và tôi tin phương thức này sẽ đem lại thành công. Tôi nêu ý kiến này dựa trên một số sự kiện đã thật sự xảy ra trong lịch sử loài người, và tôi tin nó sẽ khiến tất cả chúng ta trở nên giàu có.
- Giàu, bạn mất trí rồi!
- Ồ, không!
- Đúng, cái đầu thằng này đang có vấn đề. Thật đấy. Nhưng ông hiểu thế nào là giàu nhỉ?
- Tranh của tụi mình bán được 100.000 francs mỗi bức.
- Thấy không, nó mất trí rồi. Tôi biết mà!
- Phải, Carl, bạn đã ăn uống quá thiếu thốn nên …
- Carl, ông cần uống một viên thuốc rồi lên giường nằm nghỉ ngay.
- Băng nó lại trước đã, băng cái đầu nó lại, rồi …
- Im đi! - Millet quát lên - Hãy để yên cho Carl nói hết những gì muốn nói. Nào, Carl, kế hoạch của bạn như thế nào, trình bày rõ xem.
- Được, vậy thì tôi yêu cầu các bạn hãy hướng đến một sự kiện vẫn thường xảy ra trong lịch sử nhân loại, đó là những nghệ sĩ vĩ đại ít khi được người đời để ý và công nhận giá trị thật của mình cho đến khi họ đã chết đi trong đói khát và đau khổ. Điều này xảy ra quá thường đến nỗi tôi có thể tạm đúc kết thành một định luật như sau: Tài năng của một họa sĩ lớn dù lúc sinh tiền chưa được người đời biết đến, sẽ và phải được công nhận sau khi họ đã qua đời. Dĩ nhiên, từ lúc đó tranh của họ sẽ được bán với những cái giá cao ngất ngưỡng. Từ định luật này, tôi xây dựng một kế hoạch như sau: Chúng ta sẽ rút thăm, và một người trong chúng ta phải chết.
Lời nói thốt ra nhẹ nhàng và bất ngờ quá đến nỗi chúng tôi ai nấy hầu như quên cả giật mình. Thế rồi một bản đồng ca gồm toàn những lời khuyên nhủ về mặt y học nhằm giúp chấn chỉnh lại bộ óc chao đảo của Carl ầm ĩ vang lên. Nhưng cuối cùng thì sự im lặng lại rơi xuống, và Carl lại tiếp tục trình bày phương án của mình.
- Phải, một người trong chúng ta phải chết để cứu những người khác và cứu lấy chính mình. Chúng ta sẽ rút thăm. Người được chọn sẽ chết, nhưng sau đó tên tuổi sẽ được tán dương ca tụng khắp nơi, mở đầu cho việc làm giàu của chúng ta. Đừng ngắt lời, tôi biết tôi đang nói gì với các bạn. Đây là ý tưởng. Trong vòng 3 tháng tới đây, người phải chết sẽ ra sức vẽ, đừng vẽ tranh, đừng vẽ phác thảo, chỉ vẽ những bức thể nghiệm hay những phần thể nghiệm mà thôi. Và trong suốt thời gian đó, những người còn lại trong chúng ta sẽ phải bôn ba trong cái thành phố Paris ồn ào và đang giãy chết này, tìm cách liên hệ với bọn con buôn để chuẩn bị cho biến cố sắp tới. Các bạn theo kịp ý tôi chứ? Sau đó, khi mọi việc đâu đã vào đấy, chúng ta sẽ phao tin cái chết cho họ và sẽ tổ chức một đám ma thật xôm tụ. Các bạn nắm rõ phải không?
- Không, à.. cũng nắm, nhưng không hoàn toàn thấu suốt.
- Không hoàn toàn? Các bạn không hiểu à? Người đó đâu có chết thật. Anh ta chỉ thay tên đổi họ và biến đi, còn chúng ta sẽ chôn một hình nộm rồi than khóc nó với sự tiếp tay của cả thế giới. Và tôi …
Nhưng anh ta không nói được hết câu, vì mọi người cùng bật lên cười rồi vỗ tay tán thưởng. Chúng tôi quây quần lại thảo luận hàng giờ về cái kế hoạch vĩ đại đó mà không hề cảm thấy đói. Cuối cùng, khi mọi chi tiết đã được bổ sung và thống nhất, chúng tôi rút thăm và Millet là người được chọn - chọn để chết, như chúng tôi vẫn gọi vậy. Thế là chúng tôi đem hết mọi thứ mình có ra cầm để kiếm đủ tiền cho một buổi ăn tối chia tay, một bữa điểm tâm, vài đồng francs để du hành, còn lại bao nhiêu giao hết cho Millet để sống thêm vài
ngày nữa.
Sáng hôm sau, chúng tôi rời làng thật sớm sau bữa điểm tâm - tất nhiên là đi bộ. Mỗi người chúng tôi đem theo một tá những bức tiểu họa của Millet nhằm mục đích bán chúng đi. Carl đi Paris. Ở đó, anh sẽ khởi sự công việc xây dựng tiếng tăm cho Millet. Claude và tôi phải chia tay nhau và đi chu du khắp nước Pháp.
Bây giờ chắc anh sẽ ngạc nhiên khi biết chúng tôi đã thực hiện kế hoạch kể trên một cách thật dễ dàng và thoải mái. Tôi đi bộ mất hai ngày trước khi bắt đầu công việc. Hồi đó, tôi khởi sự bằng việc vẽ một tòa biệt thự ở gần một thị trấn lớn, bởi tôi thấy ông chủ nhà có vẻ giàu có đang đứng tha thẩn nơi hành lang. Ông ta đi xuống xem tôi vẽ, dần dần nói năng nhiệt tình hơn, cuối cùng bảo tôi là một họa sĩ bậc thầy!
Lúc đó tôi hạ cây cọ vẽ xuống, lấy một bức tranh của Millet ra, rồi chỉ vào con số mật mã nằm ở góc bức tranh, ra vẻ hãnh diện nói:
- Tôi chắc ông nhận ra nó chứ?
Ông chủ nhà có vẻ rất bối rối và không biết làm gì hơn là giữ im lặng. Tôi vờ nói một cách buồn bã:
- Ông không định nói rằng mình không hề biết con số mật mã của Francoise Millet chứ?
Tất nhiên là ông ta không biết con số đó, nhưng ông ta không muốn nhận:
- Không đâu! Cái gì chứ, của Millet à? À phải, đúng là của ông ta! Tôi không biết mình phải nghĩ sao về nó, rất tuyệt. Tất nhiên là lúc này thì tôi nhận ra nó rồi.
Sau đó, ông ta muốn mua nó, nhưng tôi nói rằng dù không giàu có lắm nhưng tôi cũng không nghèo đến đỗi. Tuy nhiên, cuối cùng tôi cũng để nó lại cho ông ta với giá 800 francs.
- Tám trăm?
- Phải, lúc ở nhà Millet đã muốn bán nó đi để đổi lấy một lát thịt heo! Thật tệ! Vâng, tôi đã kiếm được 800 francs cho cái vật nhỏ bé đó. Nhưng giờ đây tôi mong mình có thể thu hồi lại nó với giá 8.000. Thời gian đó đã qua đi rồi! Bức tranh tôi vẽ ngôi nhà ông ta là một bức tranh đẹp, và tôi muốn biếu nó cho ông ta với giá 10 francs; nhưng vì tôi là học trò của một họa sĩ bậc thầy nên ông ta đã trả 100 francs để mua nó. Từ thị trấn đó, tôi gởi thẳng 800 francs về cho Millet và hôm sau lại tiếp tục lên đường.
Nhưng tôi không đi bộ nữa - vâng, tôi đi xe. Từ đó tôi luôn đi xe. Mỗi ngày tôi bán một bức tranh, không khi nào bán đến hai bức. Tôi luôn nói với khách hàng của mình:
- Thật tình tôi cũng hơi điên mới đem tranh của Millet bán đi, cái con người chỉ còn sống thêm được 3 tháng nữa! Khi ông ấy chết rồi, dù bạn có tiền hay yêu thích cách mấy cũng không tài nào có tranh của ông ấy!
Tôi cố loan truyền sự việc nhỏ mọn này càng xa càng tốt, và chuẩn bị biến cố sắp đến sao cho cả thế giới đều có thể được
thông tin.
Kế hoạch bán tranh là của tôi. Tôi đã gợi ý đó vào buổi tối sau cùng lúc chúng tôi ăn uống chia tay, và đối với mỗi người trong chúng tôi, kế hoạch đó đã gặt hái được thành công. Tôi chỉ phải đi bộ có 2 ngày, Claude mất 3 ngày, còn Carl chỉ đi có nửa ngày và sau đó anh du hành y như một vị
công tước.
Thỉnh thoảng chúng tôi ghé một tòa soạn báo ở địa phương cung cấp vài tin tức về Francoise Millet, không phải để tán dương anh ta về bất cứ phương diện nào, đơn giản gói gọn chỉ vài câu liên quan đến tình trạng sức khỏe của vị họa sĩ bậc thầy này - khi thì tràn trề hy vọng, lúc lại buồn bã lo âu cho cái kết thúc tồi tệ nhất. Chúng tôi luôn đánh dấu những đoạn đó, và gởi báo đến tay những người từng mua tranh của mình.
Chẳng bao lâu, Carl có mặt ở Paris. Anh ta kết bạn với một số phóng viên, và làm cho tin tức về tình trạng của Millet từ Pháp lan truyền sang Anh, tỏa rộng khắp châu Âu, châu Mỹ và mọi nơi trên thế giới.
Khi tuần thứ sáu kết thúc tính từ lúc khởi đầu chiến dịch, ba chúng tôi gặp nhau ở Paris. Mọi việc đã quá chín muồi nên chúng tôi thấy rằng sẽ là một sai lầm nếu như không tấn công ngay lập tức - chần chừ lâu hơn nữa sẽ thất bại. Vì vậy chúng tôi viết thư nói Millet đừng vẽ nữa, hãy đi nằm và chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng, vì chúng tôi muốn anh ta chết trong vòng mười ngày tới.
Sau đó, chúng tôi tính toán sổ sách và thấy đã bán được 85 bức tiểu họa và tranh thể nghiệm, thu được tổng cộng 69.000 francs. Carl đã bán bức tranh sau cùng và cũng là bức đặc sắc nhất - bức Thiên thần - với giá 2.200 francs, và chúng tôi phục anh ta sát đất. Chúng tôi không hề đoán được rằng có một ngày cả nước Pháp sẽ phải giành giật nhau để được sở hữu nó, và một người khách lạ vì muốn sở hữu nó đã phải bỏ ra ngay 550.000 francs bằng tiền mặt.
Đêm hôm đó, chúng tôi cùng ăn bữa tối có rượu sâm-banh và sáng hôm sau, Claude và tôi nhận nhiệm vụ về chăm sóc Millet trong những ngày cuối đời: (1) không cho ai vào nhà (2) hàng ngày gởi tin cho Carl ở Paris để anh phổ biến cho báo chí khắp thế giới, đáp ứng lòng mong đợi của mọi người. Ngày từng ngày trôi qua, cuối cùng sự kết thúc buồn thảm đã đến, và Carl cũng có mặt tại nhà kịp thời để giúp chúng tôi.
Chắc anh vẫn còn nhớ cái đám tang vĩ đại ấy phải không? Nó đã gây chấn động toàn thế giới, khiến những nhân vật tên tuổi của cả hai châu lục Âu, Mỹ phải đến để bày tỏ niềm thương tiếc. Bốn đứa chúng tôi cùng khiêng quan tài và không cho phép bất cứ ai đến giúp. Chúng tôi làm vậy là đúng, bởi vì trong hòm chẳng có gì ngoài một hình nhân bằng sáp; và bất cứ tay nhà đòn nào nếu khiêng cũng sẽ thắc mắc rằng cái hòm sao quá nhẹ! Phải, vẫn là bốn đứa chúng tôi tự biên tự diễn …
- Bốn đứa là ai?
- Thì bốn thằng chúng tôi chúng tôi chứ còn ai vào đây nữa; vì Millet cũng giúp khiêng cái quan tài của mình, dĩ nhiên là dưới lốt cải trang. Anh ta đã cải trang thành một người bà con, một người bà con xa của Millet.
- Hay thật!
- Nhưng mà đúng vậy, sự thật là như vậy. Chắc anh còn nhớ giá tranh hồi đó đã leo thang vùn vụt như thế nảo, có phải không? Ở Paris bây giờ có một người là sở hữu chủ 70 bức tranh của Millet. Ông ta đã trả chúng tôi hai triệu francs để mua chúng; phần lớn chỉ là những bức phác thảo và thể nghiệm mà Millet đã thực hiện trong khoảng thời gian 6 tuần chúng tôi phải đi xa. A, giá mà có chúng vào thời điểm này, không biết số tiền bán được sẽ là bao nhiêu nhỉ …
- Một câu chuyện tuyệt vời, hết sức tuyệt vời! Nhưng anh cho tôi hỏi, cái ông Millet ấy bây giờ ra
sao rồi?
- Anh có thể giữ kín một bí
mật không?
- Được chứ!
- Chắc anh còn nhớ người đàn ông mà tôi gợi sự chú ý nơi anh lúc mình cùng ăn điểm tâm sáng nay đó, đúng không? Francoise
Millet đấy!
Nguyễn Thị Thu
0 comments:
Post a Comment