Gửi cho CP
Không giống phương Tây trọng về tỉ lệ cơ thể, người phương Đông quan niệm rất khác về cái đẹp của một người phụ nữ...
Mỗi thời, mỗi vùng lại có một tiêu chuẩn, cách đánh giá "phụ nữ đẹp" vô cùng khác nhau. Nếu như người phương Tây từ xưa tới nay luôn quan trọng về các tỉ lệ cơ thể chính xác tuyệt đối thì người Á Đông lại có những chuẩn mực về cái đẹp rất riêng biệt.
Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, hãy cùng tìm hiểu xem từ cổ chí kim, người phương Đông nghĩ gì về cái đẹp của người phụ nữ…
1. Ấn Độ - vẻ đẹp nhục cảm và nhân cách
Là một đất nước có nhiều tôn giáo lớn, quan niệm về cái đẹp của người Ấn Độ cổ đại khá khắt khe, nó đòi hỏi sự hài hòa giữa tôn giáo và không tôn giáo, giữa sự siêu thoát và trần tục.
Trong cảm quan của người Ấn, “vẻ đẹp nhục cảm” chính là khía cạnh trần tục của “cái đẹp”. Bản thân “nhục cảm” là một thuật ngữ dùng để chỉ loại khoái cảm do ăn uống, thỏa mãn nhục dục… đem lại.
“Cái đẹp nhục cảm” của người Ấn mang đậm dấu ấn tín ngưỡng phồn thực. Theo đó, chân dài, cao ráo hay mặt xinh đẹp chỉ là thứ yếu, còn bầu ngực, cơ quan sinh dục to mới đích thực là chuẩn mực của một người phụ nữ đẹp.
Trong các bức phù điêu nghệ thuật Ấn Độ, ta dễ dàng nhận ra người Ấn thường cường điệu hóa các bộ phận sinh sản. Sử thi Ramayana nổi tiếng cũng dành những phần miêu tả về thân thể xinh đẹp của người phụ nữ rất chi tiết cụ thể và đặc biệt chú trọng vẻ đẹp của các cơ quan sinh dục. Chẳng hạn, nàng Sita “hông đầy đặn”, “ngực nở nang”…
Chân dung nàng Sita xinh đẹp.
Tuy nhiên, “cái đẹp nhục cảm” không phải là khái niệm đẹp hoàn chỉnh trong quan niệm Ấn Độ. Họ đề cao cái đẹp thân thể của người phụ nữ nhưng phải gắn với tư cách, nghĩa là sự trinh tiết, lòng chung thủy.
Người phụ nữ gợi cảm mà lẳng lơ chắc chắn sẽ bị trừng phạt. Trong sử thi Ramayana, người Ấn đã đề cập tới kiểu nhân vật này. Đó là Ahalya, kẻ thất tiết với chồng đã phải chịu phạt hàng ngàn năm trong am, ngủ trên giường tro, ăn bằng không khí, sống hối hận không ai trông thấy; hay như mụ Xuanapakha bị nhục dục mê hoặc cuối cùng phải chịu hình phạt cắt tai, xẻo mũi…
2. Nhật Bản - vẻ đẹp từ làn da trắng
Xuyên suốt các giai đoạn lịch sử Nhật Bản, làn da trắng trẻo và mái tóc đen luôn là chuẩn mực hàng đầu của người con gái đẹp. Quan niệm này xuất hiện từ thời Nara (710-793). Thời đó, giới quý tộc nữ còn khởi xướng phong trào nhổ lông mày cũng như nhuộm răng đen để thể hiện đẳng cấp cao quý.
Hình ảnh một người phụ nữ Nhật Bản đẹp trong tranh vẽ xưa.
Tuy nhiên, tới thời Muromachi (1388-1573), tóc ngắn bắt đầu lên ngôi. Người phụ nữ lý tưởng khi đó phải có khuôn mặt tròn, thân thể đầy đặn, trán rộng, đôi mắt chĩa ngược xuống và hơi lồi.
Cộng với đó, làn da trắng và tóc đen vẫn là ưu tiên số 1. Để có được làn da mong ước, phụ nữ xứ hoa anh đào sử dụng rất nhiều phấn để bôi lên mặt giống các Geisha.
Khuôn mặt trắng của Geisha là tiêu chuẩn cho người phụ nữ đẹp ở Nhật.
Quan niệm về cái đẹp ở Nhật tiếp tục thay đổi vào thời Genroku (1688-1703) khi đôi gò má tròn, lông mày rậm trở thành “mốt”. Qua giai đoạn Kyoho (1716-1735), cô gái quyến rũ không phải là người có khuôn mặt tròn ''vành vạnh'' nữa mà là người có khuôn mặt hơi dài, hình thể thanh mảnh.
Phụ nữ Nhật Bản thời kỳ bị Âu hóa.
Nhưng ngày nay, những giá trị, quan niệm về cái đẹp truyền thống vẫn luôn được đề cao.
Sau này, khi Nhật Bản mở cửa, nền văn hóa phương Tây ồ ạt tràn vào quốc gia này và có những ảnh hưởng nhất định. Tuy nhiên cho tới nay, những chuẩn mực về cái đẹp truyền thống của phụ nữ Nhật vẫn luôn được đề cao.
3. Trung Quốc - vẻ đẹp tao nhã với nhiều khuôn phép, quy tắc
Người Trung Hoa xưa tuân theo khuôn khổ của Đạo giáo và Nho giáo, do đó chuẩn mực về cái đẹp phụ nữ cũng chịu sự chi phối từ đó.
Tứ đại mỹ nhân Trung Quốc.
Đối với Đạo giáo, người xưa quan niệm con người là một phần của thiên nhiên và vẻ đẹp của phụ nữ rất tương đối. Trang Tử cho rằng, Tây Thi có thể đẹp với chúng ta, nhưng với con cóc đực thì chẳng thể bằng con cóc cái được.
Do đó, cái đẹp bên ngoài không sánh được với cái đẹp bên trong, cái đẹp của sự thanh tĩnh, thoát tục. Minh chứng rõ nhất là những bức tranh tiên cô trong Đạo giáo thường uyển chuyển như nước, trong vắt như thủy tinh, thiên về thanh mảnh hơn là thân hình phốp pháp, đầy đặn…
Tây Thi - một trong tứ đại mỹ nhân cổ của người Trung Hoa.
Trong khi đó, với Nho giáo, tứ đức Công, Dung, Ngôn, Hạnh luôn được đặt lên hàng đầu. Điều đó có nghĩa Công (năng lực làm việc của người phụ nữ, sự đảm bảo cho cuộc sống gia đình) mới là ưu tiên số 1. Còn Dung (vẻ đẹp bên ngoài) chỉ đứng hàng thứ 2. Theo quan niệm này, người phụ nữ đẹp phải có khuôn mặt cân phân về cả tam đình, ngũ nhạc.
Gót sen ba tấc - một trong những chuẩn mực của người phụ nữ đẹp trong xã hội phong kiến Trung Hoa.
Cụ thể, khoảng cách giữa hai đầu lông mày phải rộng rãi, diện mạo tươi tắn, sắc mặt trắng ngà, mắt phượng môi hồng. Bất kể gầy hay béo thì lòng bàn tay của cô gái phải có sắc hồng ấm áp, ngón tay thon dài, thẳng và khít nhau, đường chỉ tay rõ. Ai mà dưới rốn có nốt ruồi màu son tàu hay thịt nổi rõ như vành đai thì chắc chắn người đó sinh được quý tử bất kể diện mạo xấu đẹp.
4. Việt Nam - vẻ đẹp giản dị, dịu dàng của người con gái Việt
Chuẩn mực về cái đẹp ở Việt Nam có một phần quan trọng là tứ đức: Công, Dung, Ngôn, Hạnh.
Tứ đại mỹ nhân Hà thành xưa.
Theo đó, người Việt cổ coi người phụ nữ đẹp là phải mang vẻ đẹp dịu dàng, hiền thục, phúc hậu và giản dị. Cô gái nào vóc dáng nhỏ nhắn, cao vừa phải, thân hình đầy đặn, nước da trắng hồng và mái tóc dài, đen nhánh thì mới là hoàn hảo, lý tưởng.
Thêm nữa, vẻ đẹp được các thiếu nữ Việt cổ hướng tới là sự nền nã, chuẩn mực với phong cách ăn mặc kín đáo, giản dị trong tà áo dài truyền thống. Phụ nữ Việt xưa rất ít làm đẹp, chủ yếu sử dụng các loại mỹ phẩm từ thiên nhiên và cũng chỉ dùng chúng trong các dịp lễ hội đặc biệt.
Thiếu nữ Việt xưa đẹp tuyệt vời trong tà áo dài truyền thống.
Vào khoảng đầu thế kỷ 20, hàm răng đen nhánh là thước đo vẻ đẹp của người phụ nữ Việt một thời. Bởi theo quan niệm thời xa xưa, “da trắng, răng đen” mới tạo sự tương phản cao và đầy nghệ thuật, thể hiện sự duyên dáng cho hàm răng. Chính vẻ đẹp này đã thu hút bao hồn vía các chàng trai thời ấy.
Nếu đã sở hữu một hàm răng đen, cứ khoảng gần một năm, họ phải nhuộm lại vì màu đen sẽ phai. Đặc biệt vào các dịp lễ tết hay những ngày vui trọng đại như lễ hỏi, lễ cưới, họ phải nhuộm răng lại cho đen mới để tham dự.
Ngày nay, quan niệm về cái đẹp của người Việt Nam đã có nhiều sự thay đổi. Dẫu vậy, một người phụ nữ đẹp hoàn hảo dù ở thời kỳ nào cũng phải đẹp trên cả 2 phương diện: ngoại hình và tâm hồn.
Trong đó, vẻ đẹp tâm hồn là quan trọng hơn cả. Hãy tự ý thức trau dồi những tri thức, văn hóa cho bản thân, bởi đó chính là những thứ “mỹ phẩm” đẹp nhất dành cho mỗi người phụ nữ giữa nhịp sống công nghiệp hiện nay.
0 comments:
Post a Comment