Pierre Benoit là nhà văn Pháp viết nhiều nhất trong thời kỳ giữa hai cuộc Thế chiến, đồng thời ông cũng là nhà văn có sách bán chạy nhất vào thời đó. Khi được một đồng nghiệp hỏi là ông có bí quyết gì để viết được những thứ mà ngày nay chúng ta gọi là “best seller” (bán chạy nhất), nhà văn trả lời:
“Đơn giản lắm ông bạn ạ! Chỉ cần lấy một bi kịch của Racine (Đại văn hào Pháp thế kỷ thứ XVII) đem pha trộn với bài vở trong Sách Xanh (Guide Bleu - sách hướng dẫn du khách) là bạn thành công ngay!
Pierre Benoit quả đã chịu khai thác Racine qua các nhân vật nữ đẹp, đầy quyền uy và cực kỳ tàn ác, với những định mệnh éo le, mà ông đã đem cộng thêm và trộn lẫn với các tính cách ưa thích các sự mới lạ, các yếu tố ngoại lai của sách Xanh chỉ dẫn du lịch (Guide Bleu) để đạt được những thành công vĩ đại với đại đa số các độc giả phái nữ.
Ông sinh ở Albi năm 1886, và ông không giống các tác giả khác lúc đầu chỉ có ít độc giả rồi dần dần mới có nhiều độc giả, vì ngay với tác phẩm đầu tay (Koenigsmark), ông đã thành công rực rỡ, với một số độc giả đông đảo, người nọ truyền tai người kia khiến sách bàn chạy như tôm tươi, số sách được bán ra trên một triệu cuốn, một con số khó tưởng tượng vào thời điểm đó cũng ngay như bây giờ! Cuốn tiểu thuyết Koenigsmark ra đời năm 1918. Một năm sau (1919) ông cho ra đời tác phẩm L’Atlantide còn thành công rực rỡ hơn và cho tới ngày nay vẫn
còn được cho là một trong những tiểu thuyết hay nhất của Pháp.
Nếu đem tính gộp tất cả những lần tái bản và những bản dịch (ra cả tiếng Nhật và chữ Braille cho người khiếm thị) thì hai cuốn tiểu thuyết đầu tay của ông đã đạt tới con số trên 3 triệu bản.
Pierre Benoit có những phương thức làm việc được tính toán rất khoa học, rất độc đáo và tinh vi không giống một nhà văn nào khác như sau đây:
- Tên nhân vật nữ chính của Pierre Benoit trong tiểu thuyết Koenigsmark là AURORE, còn tên cũng của nhân vật nữ chính trong tác phẩm L’Atlantide thì là ANTINÉA, hai cái tên bắt đầu bằng chữ A. Kể từ đó trong toàn thể 42 tác phẩm của ông, tên tất cả các nữ nhân vật đều chính đều cũng bắt đầu bằng chữ A như: Allegria, Annabel, Antiope, Athelstane, Agar vv
Từ 1918 tới 1963, hầu như mỗi năm Pierre Benoit lại cho ra đời một đầu sách, và sau khi tính toán kỹ lưỡng, hoạch định kế hoạch thật khoa học, ông đã quyết định là :
- Tất cả các cuốn tiểu thuyết của ông, bất kể cuốn nào, đều phải dài đúng 318 trang, không hơn không kém.
- Cảnh yêu đương (trong tất cả mọi tiểu thuyết của ông) và nụ hôn đầu tiên trong truyện bao giờ cũng xảy đến ở nơi trang thứ 100.
- Trong mỗi tác phẩm của ông đều có một câu nhắc tới cựu Thủ Tướng Gambetta (điều này, trừ ông ra, chẳng ai biết được là tại sao?)
- Tác phẩm nào của ông cũng chứa đựng một câu rút ra từ một tác phẩm của đại văn hào Chateaubriand, mà ông không để trong ngoặc kép hoặc ghi xuất xứ, nên chẳng có nhà nghiên cứu văn học nào khám phá ra điều này.
Từ tác phẩm này qua tác phẩm khác, Pierre Benoit đã đưa các dộc giả của ông du hành trong mộng tưởng qua xứ Liban, quần đảo Antilles, xứ Zanzibar, sa mạc Gobi, xứ Hoggar, quần đảo Nouvelles-Hébrides vv…
Ngày 24 tháng 11 năm 1931, ở tuổi 45, ông được bầu vào Hàn Lâm Viện Pháp (Académie Francaise), thay thế ghế của cố Viện sĩ Porto-Riche, tại đây ông được coi là Viện sĩ trẻ nhất và tếu nhất, nhưng vào năm 1959, ông từ bỏ ghế Viện sĩ, vì ông đứng về phe và bảo vệ người bạn đồng viện là Paul Morand, người bị Tổng Thống De Gaulle dùng quyền lực gạt ra khỏi Hàn Lâm Viện Pháp vì lý do bất đồng chính kiến.
Năm 60 tuổi, Pierre Benoit kết hôn với một tuyệt thế giai nhân tên là Marcelle, kém ông 20 tuổi, và họ chung sống bên nhau 14 năm tràn đầy hạnh phúc. Nhưng, hỡi ơi! Marcelle qua đời năm 1960!
Vốn nòi đa tình, không kham chịu nổi mất mát quá lớn, ông chết theo bà luôn sau hai năm sống trong niềm thương nỗi nhớ, và sống đau khổ đến mức trong suốt 2 năm ông không buồn bước ra khỏi nhà…
0 comments:
Post a Comment