nếu Trung Quốc chưa bao giờ đi theo đường lối cộng sản? Nhà văn Hồng Kông đã hình dung ra một lịch sử hoàn toàn khác biệt
Tác giả: Leo Timm, Epoch Times | Dịch giả: Trà Văn Kính
24 Tháng Mười , 2015
Một lá cờ Trung Hoa Dân Quốc được thấy trong chiến dịch diễu hành tranh cử của Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu và đảng Quốc Dân cầm quyền, ảnh chụp ngày 8 tháng 1 năm 2012 (Aaron Tam/AFP/Getty Images)
Nhà văn nổi tiếng Trần Quan Trung sinh ra và lớn lên tại Hồng Kông, thường trú tại Bắc Kinh. Ông gần đây đã xuất bản cuốn tiểu thuyết mới nhất của mình; trong đó, ông đã phác thảo một kịch bản khác về lịch sử bằng việc đưa ra khám phá một giai đoạn lịch sử của Trung Quốc khi mà Đảng Cộng sản chưa bao giờ lên nắm quyền.
Với tựa đề “Năm thứ hai của Kiến Phong: Một Uchronia của Trung Quốc mới” (The Second Year of Jianfeng: A Uchronia of the New China), cuốn tiểu thuyết này đã được xuất bản vài tuần trước tại một nhà sách ở Hồng Kông vào ngày 25 tháng 9. Tác phẩm trước đó của ông là cuốn tiểu thuyết mang đậm tính chất dystopian (một xã hội điêu tàn do hậu quả của ách thống trị độc tài áp bức) mang tên “Những năm tháng đen tối” vẫn đang không được xuất bản tại Trung Quốc đại lục
“Uchronia” được lấy từ nghĩa gốc của tiếng Latinh “Utopia”, là một từ để miêu tả một trạng thái của sự vật đã được mặc nhiên công nhận hoặc một trạng thái của sự vật nào đó đang tồn tại bên ngoài những điều thông thường.
Tiểu thuyết của Trần Quan Trung thừa nhận Quốc Dân Đảng đã chiến thắng trong cuộc nội chiến Trung Quốc, diễn ra ngay sau khi kết thúc Thế chiến thứ II. Nó đưa ra một thực tế khác, đó là lực lượng cộng sản đã kết thúc sự nghiệp của mình tại Trung Quốc đại lục vào năm 1949.
Quảng cáo
Từ đó, cuốn tiểu thuyết được xây dựng dựa trên một bối cảnh lịch sử song song của Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của người đứng đầu Quốc Dân Đảng Tưởng Giới Thạch. Viết từ góc độ và quan điểm của những người dân xuất thân từ rất nhiều nền tảng xã hội và địa lý khác nhau, ông Trần đã miêu tả 3 thập kỷ lần lượt xảy ra của “Trung Quốc mới” cho đến cuối những năm 1970.
Cuốn tiểu thuyết trên là một trong những tác phẩm đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, thậm chí nó đã mang tầm vóc quốc tế, khi mà Trung Quốc đang trong thời kỳ hiện đại hóa và gặt hái nhiều thành công trong những lĩnh vực phù hợp với toàn cầu – và nó miêu tả những hạn chế từ những cấu hình kỳ quặc của chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa Lênin và thái độ kỳ thị đối với các quy định của pháp luật đã bắt đầu được cảm nhận một cách sâu sắc hơn. Đầu năm 2015 này, thời báo Kinh Tế đã cho đăng một mục bài nghiên cứu dành cho những ai đang tự hỏi Trung Quốc sẽ có hình hài ra sao khi không phải chịu các chính sách độc tài, tàn bạo nhưng hoàn toàn không có hiệu quả thực thi bởi lãnh đạo sáng lập Đảng cộng sản Mao Trạch Đông.
Lãnh đạo Quốc Dân đảng, ông Tưởng Giới Thạch (trái) đứng cạnh lãnh đạo cộng sản Mao Trạch Đông, cùng chụp ảnh trong thời gian có các cuộc đàm phán năm 1946 (public domain)
Những gì có thể đã và đang xảy ra
Trần Quan Trung tin rằng, chẳng bao lâu nữa, một khi Trung Quốc phù hợp được với nhiều thị trường nước ngoài, thì quốc gia này sẽ có cơ hội lớn hơn cho sự thịnh vượng kinh tế và tiến bộ xã hội.
“Đáng lý ra vào năm 1979, Trung Quốc đã rất giàu rồi, ít nhất thì nó đã diễn ra tại nhiều thành phố, do việc xuất khẩu, cùng với lao động giá rẻ, và ngành công nghiệp nhẹ tập trung dọc theo vùng duyên hải ven biển”, ông Trần nói trong một cuộc phỏng vấn với tập đoàn truyền thông Initium có trụ sở tại Hồng Kông.
Sự bùng nổ kinh tế mà Nhật Bản và các quốc gia khác thuộc phía đông Châu Á được trải nghiệm đáng lẽ không được cường thịnh như vậy, và vị thế mà họ có kia sẽ bị giữ bởi các thành phố ven biển của Trung Quốc như Thượng Hải, Thiên Tân, Quảng Châu.
Ngoài tình trạng trước đây là một thuộc địa của nước Anh và thông qua thương mại hàng hóa quốc tế dễ dàng giúp phát triển cho tỉnh Quảng Động lân cận, Hồng Kông vẫn chỉ là một cảng bình thường.
Bắc Kinh, nghĩa đen có nghĩa là “Kinh đô phía Bắc” vẫn duy trì cách gọi “Bắc Bình” hoặc “Hòa bình phía Bắc” như thời kỳ Cộng hòa. Riêng quảng trường Thiên An Môn, trong một giai đoạn lịch sử của chúng ta, dù đã trải qua nhiều sự mở rộng dưới thời quản lý của Chủ tịch Mao Trạch Đông, quy mô của nó vẫn nhỏ hơn.
Tựa đề của cuốn tiểu thuyết “Năm thứ hai của Kiến Phong” đề cập đến sự khởi đầu quyền lực của con trai Tưởng Giới Thạch tên là Tưởng Kinh Quốc, có tên tự là “Kiến Phong”. (Trong lịch sử của chúng ta, Tưởng Giới Thạch cũng có một cái tên tự là Trung Chính). Trong cuốn sách của ông Trần, được tường thuật giống y như trong cuộc sống đời thường, Tưởng cha đã qua đời vào năm 1975, và Tưởng con đã được 1.200 thành viên Quốc hội “bầu” làm Chủ tịch nước.
Phần thứ hai của cuốn sách bao gồm 7 chương, toát lên những quan điểm riêng của nhiều nhân vật.
Tôn Lập Nhân, một vị tướng phục vụ cho Quốc Dân đảng, được biết đến với biệt danh “Tướng Rommel của phương Đông” (public domain)
Trung Hoa Dân Quốc giành chiến thắng trước Đảng Cộng sản vào tháng 4 năm 1946, và tại thời điểm đó, tướng Tôn Lập Nhân nổi tiếng trong giới đồng minh của Mỹ với biệt danh là “Rommel của phương Đông”, đã tiêu diệt các quân đoàn của đối phương ở Mãn Châu do Nguyên soái Lâm Bưu dẫn đầu. Mãn Châu chính là nơi mà lực lượng cộng sản đã từng bước củng cố căn cứ quân sự và hoạt động hậu cần của họ cùng với sự hỗ trợ của Liên Xô.
Lịch sử mà ông Trần muốn thay đổi cũng đã khắc họa nên một bi kịch đau thương của những tài năng văn chương mà Trung Quốc phải đối mặt sau khi phe cộng sản lên nắm quyền, khi ông khám phá ra nhiều nhà văn rất tiềm năng chưa tạo được chỗ đứng trên văn đàn nhưng đã bị chính quyền đả kích dữ dội dưới bầu không khí chính trị đầy nhiễu loạn. Một số nhân vật trong tác phẩm của ông là những nhà văn Trung Quốc từng tồn tại trong lịch sử, nhưng đã bị chìm dần vào quên lãng.
“Tôi đã viết về những nhà văn thuộc thế hệ đầu tiên và thế hệ thứ hai. Tất cả những nhà văn này đều là người thật việc thật, mặc dù họ đã không được biết đến một cách rộng rãi”, ông Trần nói với tập đoàn truyền thông Initium.
Nhà văn người Bắc Kinh tên Lão Xá, người đã bị buộc phải tự tử trong cuộc Cách mạng Văn hóa của Mao Trạch Đông, nay không phải bị đối mặt với cuộc đấu tranh chính trị dưới chế độ Quốc Dân Đảng. Trong tiều thuyết của ông Trần, nhà văn Lão Xá đã cầm bút viết được cả triệu từ chứ không chỉ đơn thuần là 80.000 từ dám viết ra như trong lịch sự được biết. Ông cùng với một nhà văn khác rất nổi tiếng của Trung Quốc tên Lâm Ngữ Đường đã được đề cử Giải Nobel Văn chương.
Nhà văn Thẩm Tùng Văn cạnh vợ Trương Triệu Hà (public domain)
Thẩm Tùng Văn, tiểu thuyết gia nổi danh nhất của Trung Quốc hiện đại, đã bị những người cộng sản bức hại nghiêm trọng. Thẩm Tùng Văn đã được miêu tả theo một cách khác khi ông Trần đưa nhà văn này vào bối cảnh Trung Quốc mới. Vì bị các chiến dịch chính trị của phe cộng sản hành hạ đến suy nhược thần kinh và gây ra nhiều vết thương nghiêm trọng khác, nên ông Thẩm Tùng Văn đã không bao giờ sáng tác được nữa, cho đến khi ông qua đời vào năm 1988. Trong tiểu thuyết của ông Trần, nhà văn này đã viết nên quyển sách “Kẻ sống sót” – một tác phẩm được so sánh ngang hàng với kiệt tác đã trở thành một hiện tượng văn hóa toàn cầu của chúng ta là “Trăm năm cô đơn”.
“Muốn có những tiểu thuyết để đời, thì bạn cần phải phải lao động nghệ thuật nghiêm túc”, ông Trần đã nói như vậy trong một đoạn của quyển tiểu thuyết giả định này. “Nếu được sống trong một đất nước Trung Quốc hòa bình và thịnh vượng, thì chắc chắn những người này đã có thể tạo ra được những tác phẩm văn chương cao quý”.
Mặt khác, Trần Quan Trung thường không đề cập đến các nhà văn cánh tả, vì trong lịch sử của chúng ta, những nhà văn này đã trở thành cái tên rất quen thuộc tại Trung Quốc đại lục. Trong kịch bản của ông Trần khi viết về sự chiến thắng Quốc Dân Đảng, thì những cá nhân này đã trốn thoát sang Liên Xô cùng với các lực lượng cộng sản còn sống sót, và được phép tị nạn tại bán đảo Crimea.
Điều này dường như đang diễn ra song song với thời đại hiện này của chúng ta, nhắc mọi người nhớ lại thời điểm quân đội Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch đã rút lui đến Đài Loan. Nó cũng là một cách để tỏ lòng tôn kính nhà văn Xô Viết Vassily Aksyonov, tác giả của cuốn tiểu thuyết mang tên “Hòn đảo Crimea”. Trên thực tế, Crimea là một bán đảo. Nhưng theo cách mà nhà văn Aksyonov tưởng tượng, thì Crimea là những vùng đất rộng lớn, được tách ra hoàn toàn từ lục địa Châu Âu. Trong tác phẩm này, chính phủ của người Nga Trắng (hay Bạch Nga) đã chiến đấu với những người Bolshevik thuộc phe Lenin vẫn còn sống sót và phát triển trên “hòn đảo” này; họ đã bị cô lập bởi những người cộng sản Nga sống tại đại lục (cách nói về Matxcơva). “Đáng lẽ ra chuyện này đã được công bố từ lâu rồi tại Đài Loan, nhưng nó vẫn không được nhắc đến”, Trần Quan Trung cho biết.
Đáng chú ý là nhân vật Trương Đông Tô trong một tác phẩm của ông Trần. Trương là một học giả theo chủ nghĩa tự do, sinh ra và lớn lên tại Hồng Kông nhưng đang sống tại Bắc Kinh. Trong đời sống thực tế của chúng ta, ông Trương là một nhân vật vô danh trong lịch sử. Nhưng khi cốt truyện được xoắn theo kiểu nghịch lý, ông Trần để cho ông Trương hình dung về một Trung Quốc ra sao khi nằm dưới sự quản lý của những người cộng sản ngay khi họ đã nắm chắc phấn thắng. Tác phẩm này có tên là “Giết hại hàng trăm đóa hoa vừa chớm nở: Trung Quốc sẽ ra sao nếu như bị Đảng Cộng sản cai trị”, và nó phản ánh một thực tiễn lịch sử của cộng sản trong chiến dịch “Trăm hoa đua nở” trong những năm 1950. Trong chiến dịch này, Chủ tịch Mao Trạch Đông đã khuyến khích tầng lớp trí thức nên công khai chỉ trích Đảng Cộng sản, để rồi sau đó họ đã bị nhà cầm quyền đàn áp không thương tiếc ngay khi những suy nghĩ thật sự của họ được bộc lộ.
Mặc dù có những tiến bộ về mặt kinh tế và tiết chế về mặt văn hóa, Quốc Dân Đảng chưa chắc là đã hoàn hảo về mọi mặt. Ông Trần muốn mọi thứ phải rõ ràng, giống như trường hợp của Đài Loan thông qua lịch sử của Trung Hoa Dân quốc mà chúng ta biết được, thì chế độ cộng hòa này sau Thế chiến II vẫn là một nhà nước độc tài đàn áp những tiếng nói dân chủ.
Có hay không một nhà nước Trung Quốc sẽ thực thi đường lối tự do và dân chủ hóa, như Đài Loan đã làm được trong đời thực, là điều không được chỉ rõ ra trong kịch bản này. Ông Trần đã lùng sục những cuốn nhật ký và nhiều hồ sơ có liên quan đến đời sống và hoạt động của các quan chức cấp cao cũng như của các chính khách Quốc Dân Đảng, bao gồm luôn Tưởng Kinh Quốc – con trai và là người kế thừa của Tưởng Giới Thạch.
Ông Trần đã ghi chú trong cuộc phỏng vấn với tập đoàn truyền thông Initium rằng Tưởng Kinh Quốc đã ngừng viết nhật ký sau năm 1979. Vì vậy, chúng ta không dễ mà đoán được động cơ nào đã khiền cho Tưởng Kinh Quốc rốt cuộc đã công bố những chính sách để mang lại nền dân chủ cho Đài Loan.
“May mắn thay, tôi đã không viết về phần đó”, ông Trần nói.
Kết quả của câu chuyện gay cấn về mặt chính trị này sẽ ra sao, thì hạ hồi phân giải. Tuy nhiên, nó đã khiến cho mỗi người sống trong thời đại của chúng ta phải đặt ra câu hỏi khi đối mặt với sự cai trị của Đảng Cộng sản rằng: Liệu Tổng thống Kiến Phong có thể nào làm cho Đảng của ông, vốn đang ở vị trí thống trị tối cao, lui về hàng ghế sau trước đòi hỏi thực tiễn của đất nước?
Bài viết này có sự đóng góp của phóng viên Jenny Li.
0 comments:
Post a Comment