ĐINH CƯỜNG
Ta sẽ đến đứng bên bờ nước cũ
Ngó bên kia vườn biếc lá hoa lừng
(Bùi Giáng)
Chân dung Bửu Ý. Tranh Đinh Cường
Tôi quen và thân với Bửu Ý tử cuối thập niên 50 ở Huế cho đến bây giờ. Đó là một người bạn giỏi Pháp văn và tài hoa hết mực. Thời trung học đã học qua các trường Providence, Lycée Français (Huế tú tài I) Lycée Yersin - Đà Lạt (tú tài II ban Triết). Từ 1957 đến 1960 học Đại học Văn khoa Huế. Tốt nghiệp cử nhân văn chương Pháp, vào dạy ở trường Quốc Học, Phan Chu Trinh - Đà Nẵng... Là một giáo sư, một dịch giả tài hoa, uy tín. Bửu Ý còn là một nhà văn, viết kịch và vào Sài Gòn làm báo, tiếp tục đi dạy từ năm 1963 đến năm 1969, phụ trách trông coi tạp chí Mai do ông Hoàng Minh Tuynh mời, một tạp chí khổ lớn giống Khởi Hành, rất nhiều tác giả nổi tiếng sau này đã đăng bài ở đó. Và dạy tại trường trung học công giáo Saint-Thomas và Đại học Vạn Hạnh.
Sau 1975 dạy ở Đại Học Sư Phạm Huế và một thời gian dài làm trưởng khoa ngoại ngữ của trường.
Năm 1988 đi tu nghiệp ở Besançon - Pháp và năm 1992 được Đại học Paris 7 (Jussieu) mời qua dạy về văn chương Pháp hiện đại. Trở về Việt Nam được cử giữ chức khoa trưởng Khoa Tiếng Pháp - Đai Học Sư Phạm Huế, nhận chức giáo sư thực thụ (1994) cho đến 2005 thì nghỉ hưu.
Những năm 1969 đến 1975 ở Huế, viết và dịch nhiều sách, đồng thời dạy môn Thẩm mỹ học và kịch nghệ tại trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế và Quốc Gia Âm Nhạc, Viện Đại Học Duyên Hải Nha Trang.
Với số lượng sách dịch đáng kể, hơn 15 tác phẩm văn học Pháp hiện đại, những bài khảo luận, những sách mới xuất bản gần đây, đủ để cho một sinh viên làm một luận án về một dịch giả xuất sắc hay những nhà phê bình văn chương có thể tổng kết và phân tích. Với tôi viết về Bửu Ý là viết về một người bạn thiết với bao kỷ niệm. Những kỷ niệm này có thể để thêm vào cho những người nghiên cứu, phê bình biết thêm về một tác giả lẫy lừng mà lâu nay ít được khơi dậy.
Siphani - người bạn thân của chúng tôi ở Paris - khi từ Cambodge cùng gia đình về Sài Gòn được Christian Cauro - một vị giáo sư từ Pháp về dạy Đại học Văn khoa Huế và sau này Sài Gòn những năm 1970 giới thiệu gặp chúng tôi, có Trịnh Công Sơn, Lữ Quỳnh… chơi thân với nhau từ đó. Siphani hay gọi Bửu Ý là Prince - Prince Bửu Ý - đúng vậy, đó là một vị Hoàng thân - là chắt nội của Tuy Lý Vương, mà một thời gian dài Bửu Ý đã là người đại diện cho Phủ Tuy Lý. Nhắc đến những dòng họ này là nhắc đến những huyền thoại về thi ca về nếp sống tài hoa hết mực ở quanh vùng Vỹ Dạ và Bến Ngự (Tùng Thiện Vương) đã đi vào văn học sử Việt Nam.
Đinh Cường - Bửu Ý - Siphani - Trịnh Công Sơn
Thật vậy nữa, bạn tôi, người luôn có dáng khoan thai, rất “mệ”, khuôn mặt với mái tóc dài bềnh bồng, tôi cứ hay nghĩ giống như khuôn mặt của nhà thơ siêu thực Pháp André Breton. Bửu Ý luôn thích mặc áo quần màu trắng hay màu ngà, đi giày da cột giây cẩn thận. Ăn nói đâu vào đó bởi một sự tự tin về những sự hiểu biết đã được tiêu hóa. Cho đến nay bạn tôi còn hay được mời nói chuyện và phát biểu ở các sinh hoạt văn hóa tại Huế là vậy. Mừng nhất là Bửu Ý vẫn còn rất phong độ, dù năm nay đã 78 tuổi...
BỬU Ý, NGƯỜI NẰM NGỦ CÓ MÙNG CHE VÀ NHỮNG TÌNH BẠN
Tôi nhớ có làm một bài thơ về Bửu Ý như vầy:
chiếc mùng đã thả xuống chưa
giường đơn chiếc bạn nằm mơ những gì
góc bàn viết, thuở xuân thì
helga xanh đốm màu chia mấy trời
bậc thang lên gác, buồn ơi
thắp cây hương khấn lợi tôi mới về
huế chiều chạng vạng hàng me
ý ơi bạn vẫn mùng che giấc sầu
tiếng đàn tranh như mưa mau…
Thật vậy, nhớ mãi bạn tôi từ xưa, với căn phòng bên trái căn nhà số 7 đường Phạm Ngũ Lão (nay là số 9) vốn xưa là đường Giao Thủy, rồi vì con đường có nhiều cây me cổ thụ nên quen gọi đường Hàng Me, tên nghe thơ mộng làm sao (một đọan đường ngắn phía bên này Đập Đá, nổi tiếng có nhiều người đẹp. Đặng Tiến, một người bạn giỏi Pháp văn, một giáo sư, một nhà phê bình văn chương lẫy lừng khác của chúng tôi hiện ở Pháp đã từng trọ học trên con đường này những năm 1952, 1953) luôn phủ chiếc mùng trên chiếc giường đơn đầy sách. Đến tìm bạn nhìn qua cửa sổ là biết có ở nhà hay không. Cho đến nay vẫn vậy, bây giờ căn phòng trên tầng lầu một vẫn ở góc trái vẫn luôn phủ chiếc mùng. Bàn làm việc cạnh bàn thờ, nơi còn treo bức chân dung Helga tôi vẽ. Phòng trong cả vách tường là bức tranh của Trịnh Công Sơn vẽ lên tường, một kỷ niệm còn lưu dấu thật quý. Có lẽ Bửu Ý là người bạn cũng như tôi và Lữ Quỳnh và Bửu Chỉ thương yêu Sơn hết mực. Bửu Ý đã viết một cuốn sách đầy đủ chi tiết về Sơn (Trịnh Công Sơn một nhạc sĩ thiên tài - Nxb. Trẻ, 2003) và dịch những bản nhạc của Trịnh Công Sơn ra tiếng Pháp. Bửu Ý hay ghi chú từng ngày những sự việc quanh mình và bạn bè nên khi viết, về thời gian năm tháng khó sai. Bạn lại thích viết thư trên giấy, thích bì thư đẹp và giữ thư bạn bè. Có địa chỉ email mà không sử dụng, cell phone xài cũng không rành…
Năm 1972 có Lê Thành Nhơn về dạy điêu khắc trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế, lúc ấy Bửu Ý cũng đang dạy môn Thẩm mỹ học ở trường và dạy kịch bên trường Âm nhạc và Kịch nghệ cạnh trường Cao Đẳng Mỹ Thuật. Không hiểu sao Lê Thành Nhơn luôn gắn bó bên Bửu Ý, cả những ngày Tết cũng không rời, đó là thời gian thai nghén khởi sự làm tượng Phan Bội Châu. Tôi nhiều hôm rong chơi đó đây với Lê Thành Nhơn, và dạo ấy tôi như kẻ không nhà, nay đây mai đó, nên tôi thường ngủ lại với bạn tại trường Mỹ Thuật. Có hôm về khuya, cửa Hiển Nhơn đưa vào trường đã đóng chặt. Vậy là phải một phen trèo cửa mà vào. Cửa rất cao, nhưng Nhơn thoắt một cái vào bên trong. Tôi thì hì hà hì hục, trầy trượt lắm mới xong. Tôi liên tưởng đến một kỷ niệm ngủ lại tại căn hộ của Trịnh Công Sơn ở đường Nguyễn Trường Tộ. Giữa đêm khuya cảnh sát dã chiến lùng sục bắt lính. Sơn nhanh như sóc, leo lên cánh cửa buồng và tót lên trần nhà. Cơ khổ cho tôi, trèo lên trụt xuống, đứng luôn trên vai đứa em gái của Sơn. Ngẫm đi nghĩ lại, chẳng khác nào mấy anh chàng này bày ra cái màn leo trèo để cười cợt mình... (“Bửu Ý - Những kỷ niệm với Lê Thành Nhơn” - Tạp chí Huế xưa và nay)
Bửu Ý - Nguyễn Đức Sơn - Đinh Cường năm 2013
Thời vào Sài Gòn làm báo Mai có lúc Nguyễn Đức Sơn về ở chung với Bửu Ý nơi căn nhà thuê ở bên xóm đầu Cầu Kiệu và Bửu Ý đã cùng Thanh Tuệ - Nbx. An Tiêm - Phạm Công Thiện đi bên họ đàng trai lo đám cưới cho Nguyễn Đức Sơn và Nguyễn Thị Phượng tại chùa Tây Tạng - Thủ Dầu Một năm 1968. Với Bùi Giáng thì kể không hết, nhớ là Bửu Ý đã phải đi bộ hụt hơi từ Gia Định vào Chợ Lớn khi Bùi Giáng bắt cùng rong chơi suốt ngày cho được. Và Phạm Công Thiện... chao ơi thật quá đáng đã “tè” trên lưng Bửu Ý khi nổi hứng và quá say. Với tôi, Bửu Ý không thiếu ở một cuộc bày tranh nào. Chính ở cuộc bày tranh tại Trung Tâm Văn Hóa Đức - Sài Gòn năm 1967 mà nàng Helga, một nhân viên làm việc tại trung tâm đã gặp Bửu Ý, thương quý Bửu Ý vô cùng. Tôi phải cảm ơn Bửu Ý đã dịch bài viết tiếng Pháp của Đỗ Long Vân cho brochure lần bày tranh ở Đà Lạt - Noel 1965 - một bài dịch như bài viết thật hay tôi luôn lưu giữ như một kỷ niệm đẹp. Đẹp như lần bày tranh tại Đà Lạt năm ấy với nhiều bạn bè thân yêu lên dự. Nay một số bạn đã không còn: Tôn Nữ Kim Phượng, Trịnh Công Sơn, Đỗ Long Vân, Christian Cauro, còn Nguyễn Thị Thanh Sâm, Hoàng Phủ Ngọc Tường thì đang nằm bệnh. Hai nhà thơ rất lạ với những dòng thơ siêu thực Ngô Kha và Võ Ngọc Trác, và Định Giang, những người bạn chúng tôi hằng thương quý ở Huế cũng không còn...
Những năm gần đây Bửu Ý thường được gặp những nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu mỹ thuật nổi tiếng ở Pháp về Huế tìm gặp thăm như Linda Lê, Jean - Claude Pomonti, Jean - François Hubert…
BỬU Ý VỚI TÌNH GIA ĐÌNH VÀ CHIẾC CYCLO
Bửu Ý làm lễ thành hôn với Nguyễn Thị Lợi đầu năm 1985, khi tưởng đã ở vậy như bạn là Trịnh Công Sơn. Lợi làm ở văn phòng trường Đại học Sư phạm Huế, một người đẹp nhu mì, cổ điển, sau này gặp lại Lợi cứ gọi tôi là thầy, vì nói có học giờ vẽ tôi dạy ở trường Nữ trung học Đồng Khánh hồi năm 1963. Là người vợ phúc hậu luôn lo cho Bửu Ý mọi chuyện. Và Lợi đã thành lập Câu lạc bộ ca Huế, mà mỗi thứ bảy cuối tuần, các nghệ sĩ ca Huế gặp nhau đàn ca tại nhà, sau này thành nổi tiếng đặc biệt có cô Minh Mẫn khi tôi gặp tuy đã gần 90 tuổi mà còn hò mái nhì khó ai có làn giọng được như vậy. Bao nhiêu bạn bè ở xa về xin đến nghe, những người bạn ngoại quốc rất thích thú và trân trọng. Năm 2005 một cái tang lớn cho gia đình, Lợi mất. Bửu Ý vẫn một lòng duy trì Câu lạc bộ ca Huế.
Chân dung bà Nguyễn Thị Lợi. Tranh Đinh Cường
Tôi nhớ Bửu Ý và Nguyễn Thị Lợi hai vợ chồng gần như không đi xe đạp hay xe gắn máy nên có mua một chiếc cyclo, ngoài giờ chở đi lên trường và đón về hay những lúc đi công việc cần thiết, còn thì để toàn thời gian cho bác đạp cyclo đi chở khách kiếm sống. Đó cũng là một trong rất nhiều cách luôn nghĩ đến và giúp đỡ những người chung quanh mình của Lợi, một người có tấm lòng bao dung hiếm có, còn là một nghệ sĩ tài hoa về đàn tranh và sau này đam mê vẽ tranh. Tranh treo đầy nhà.
Bửu Ý và Nguyễn Thị Lợi có hai nguời con, một trai, một gái, đều đã thành đạt. Cô con gái có lẽ nối nghiệp bố, sau khi đậu thạc sĩ văn chương Pháp hiện là giảng viên khoa Pháp - Đại học Ngoại ngữ Huế. Hiện Bửu Ý vẫn sống hạnh phúc bên hai người con nay có thêm cháu ngoại tại căn nhà số 9 Phạm Ngũ Lão mà gần đây các cháu đã lấy phần trước sân làm thành một quán ăn ấm cúng mang tên Gecko - Con tắc kè - rất đông khách. Thật là vui khi thấy Bửu Ý thỉnh thoảng tiếp các bạn nơi chiếc bàn dưới gốc cây hoa ngâu mà mỗi lần về ghé thăm chúng tôi hay đứng chụp hình kỷ niệm…
Và vẫn với nét mặt đó, nét mặt đăm chiêu, phong thái nho nhã, an nhiên của một Prince, một người luôn đam mê văn chưong nghệ thuật và kịch nghệ.
Nhà văn Bửu Ý và họa sỹ Đinh Cường
ẤN TƯỢNG TRONG TÔI
Nhớ về Bửu Ý là nhớ về những tác phẩm dịch hay mà đến nay tôi vẫn luôn để bên đầu giường như Nhật ký của Anne Frank (An Tiêm - 1963) Con lừa và tôi - Platero et moi - Juan Ramón Jiménez (An Tiêm - 1973) Vườn đá tảng - Le jardin des rochers - Nikos Kazantzakis (An Tiêm - 1967) và Đứa con đi hoang trở về - Le Retour de l’ enfant prodigue - André Gide (An Tiêm - không nhớ năm nào), quyển này ghi một kỷ niệm là tôi lo phần minh họa bên trong, và Bửu Ý đã viết lời bạt rất hay, sau này Nxb. Văn Nghệ TP. HCM tái bản năm 2008 đã bỏ đi lời bạt gan ruột ấy làm Bửu Ý rất giận.
Năm 2011 Bửu Ý đã cho xuất bản một lần 3 cuốn sách do nhà xuất bản Văn Học phát hành: Nước chảy qua cầu, những bài viết ngắn về Huế (272 trang), Ngày tháng thênh thang, với 4 chủ đề: cảm xúc, những bài viết về hội họa, những bài viết về thơ, văn, nhạc và truyện ngắn (364 trang) và Tâm tình với Trịnh Công Sơn (174 trang) gồm những bài và kịch bản chưa in trong tập sách trước. Các tập sách này là một nỗ lực lớn và rất thành công của Bửu Ý, sách bán hết trong một thời gian ngắn.
Như vậy là đã hơn nửa thế kỷ gặp nhau và thân nhau, từ ngày xa xưa tôi còn được gặp ông cụ và ông chú ở cách nhà Bửu Ý vài nhà, với dáng cao lêu nghêu lững thững đi qua chơi bài carté cùng Bửu Ý và tôi lâu lâu một lần trên bộ ngựa bằng gõ láng bóng bên trái phòng khách căn nhà số 7 Phạm Ngũ Lão. Căn nhà nay là số 9, lọt thỏm còn lại trong dãy phố đã toàn là khách sạn và quán ăn, và nay cũng thành quán ăn. Mừng Bửu Ý cùng con cháu sống những ngày rất hạnh phúc.
Đ.C
0 comments:
Post a Comment