Kênh Tên Miền chuyên cung cấp tên miền đẹp, giá rẻ! Hãy liên hệ kỹ thuật: 0914205579 - Kinh doanh: 0912191357 để được tư vấn, hướng dẫn miễn phí, Cảm ơn quý khách đã ủng hộ trong thời gian qua!
Sunday, 29 November 2015

Bùi Việt Hưng (1978-2005)
Ký hoạ cho 1,000 bức tranh về Hà Nội
2000-2002
Mực trên giấy, 20 sổ ký hoạ
Nghệ sĩ muốn thực hiện 1,000 bức tranh về phố ở Hà Nội và ghi chép lại cuộc sống ở Hà Nội bằng quan sát của mình.




· . Gần 50 cuốn sổ cùng loại ghi lại hàng ngàn giờ trung thành với chỉ một mong muốn, một ý chí, và một tình yêu. Điều đáng tiếc là hoạ sĩ ra đi sau khi hoàn thành được 200 bức vẽ ở tuổi 27. Có bao giờ bạn thấy mình cần sống trung thành với chính mình? Nhớ đến xem các ký hoạ của Bùi Việt Hưng nhé. Chỉ hai ngày nữa là triển lãm Kệ sẽ kết thúc.

“Đến lúc nào đó phố cổ chỉ còn là ký ức. Hà Nội cổ chỉ còn trong tranh thôi. Tôi cảm thấy sứ mệnh của mình là ghi lại phố cổ một thời”, đó là tự sự về “mối tình dang dở” với Hà Nội của chàng họa sỹ Bùi Việt Hưng.

Từng được họa sỹ Thành Chương nhận xét: “Vô cùng xúc động và cảm phục một tấm lòng và một tài năng của một hoạ sỹ trẻ với phố cổ Hà Nội, với quê hương Việt Nam”, Bùi Việt Hưng với tình yêu cháy bỏng đã đưa những con phố cổ trở nên gần gũi hơn với những người con yêu Hà Nội…

Phố cổ trong tâm trí vẽ như một duyên tiền định!

“…Lạ thật, một ngày không xuống phố thấy nhớ. Kiểu gì cũng phải kiếm cớ lượn lờ một vòng Hồ Gươm, phố cổ. Cuộc sống xung quanh khu phố thật giản dị. khám phá nhiều cái hay, đáng yêu, thích thú, càng khám phá càng thấy đẹp. Hãy làm chút gì đó có ích dù nhỏ nhoi!




Phố cổ Hà Nội ngồi đâu cũng thấy đẹp cũng vẽ được thành tranh. Bất cứ góc nào dù chỉ một bậc thềm, một viên gạch cũng chứa đựng điều gì như muốn nói, như người bạn, chứa đựng tính nghệ thuật không đâu có. May mắn cho ai có cảm giác này. Tôi có duyên may vừa cảm nhận được vừa thể hiện được lên trang giấy phố Hà Nội.

Sáng sớm 11/9/2001 ngồi ở cà phê 63 Hàng Mã nhìn xuống phố thấy có cảm giác rất lạ... phố Hàng Đồng như ngõ, như làng quê, ít người, bà già đi bộ, người gánh hàng rong ăn sáng. Phố bình yên như chưa một ngày náo nhiệt, cảnh phố thanh bình, giản dị, đẹp mộc mạc đơn sơ.

Cái gì có giá trị thực sự tự nó tồn tại thôi. Một bức tranh có thể lúc đầu nhìn không thấy đẹp, thậm chí không thấy ưa. Sau lâu đấy lại thấy tranh (Phố) có cái gì chứa đựng trong đó; một không khí, một mùi vị rất cổ, rất phố, nhìn qua tưởng bẩn, xấu, xong càng ngày càng thấy hay.

Nó chứa đựng linh hồn, điều gì đó rất bí ẩn cần khám phá. Kỳ lạ chưa! Càng để lâu càng thấy đẹp. Phố cổ là thế, cổ mà hiện đại, không lỗi mốt. Mỗi bức tranh như một tâm sự rất riêng- tâm sự Người -Phố”.



Đến lúc nào đó phố cổ chỉ còn là ký ức...

“…Có tiền sẽ mua máy ảnh.Cuộc sống diễn ra nhanh quá, vẽ không kịp, không sống động được. Ngồi nhìn thấy tiếc. Phải có thời gian chờ đợi. Khi nào có điều kiện sẽ mua máy ảnh. Cuộc sống đơn giản, đẹp bình dị.

“Đây là đài truyền thanh phường Cửa Đông”! Không hiểu sao mỗi lần nghe nhạc hiệu này đều có cảm giác lạ, thấy hay mãi không chán.

Sáng ngồi cà phê 92 Hàng Mã. Trời thu chả nắng cũng chả mưa. Hơi buồn tĩnh mịch rất gợi hình ảnh phố xưa. Quán mới thay bàn ghế sắt thành đồ gỗ, mây tre rất cũ, cảm giác bâng khuâng.

Không hiểu sao mỗi lần ngồi ở đây lại thấy cảm giác rất lạ, hay là tại quán gần nhà 63 Phùng Hưng nhà cũ của ông bà nội tôi - nơi tôi đã được sinh ra. Hay là vì ở đây rất “Phố cổ”: từ những gốc bàng, lồng chim, bậc thang lên những ô cửa đen kịt sâu hun hút”.




“…15/2/2002 mồng 4 tết, chiều đi đến chùa Vân Ngọc Đường Âu Cơ. Trong chùa thấy yên tĩnh, thư thái, nhiều mảnh đời bất hạnh, ngắn ngủi. Thấy cuộc đời rất nhẹ, ngắn, không thấm gì tuổi triệu năm vũ trụ. Tự nhiên muốn vẽ hết chùa đình Hà Nội.

Mỗi ngày ra cầu Long Biên lại thấy khác. Đứng giữa cầu cảm giác rất lạ. màu nước sông Hồng, bến nước thay đổi chút ít, nước mới hạ, xung quanh đỏ quạch. Mênh mông mãi giữa mênh mông, dòng sông mới rút một màu đỏ au.

Chiều đi bộ cầu Long Biên nghe thấy mọi chuyện của người lao động, chuyện bình dân, nhiều câu ấn tượng muốn đưa vào tranh. Từ nay sẽ ghi chép những câu đó. Chỉ ghi những câu thật ấn tượng về cuộc sống xung quanh. Thấy cảnh vật là thật nhất, người lao động thật nhất.



Phố Hàng Nón buổi chiều cứ có một bà già đẩy xe đi bán dầu. Nghề hiếm thấy ở Hà Nội. Chiều ngồi vườn hoa phố Trấn Vũ nhìn hoàng hôn hồ Tây khá hay. Lại có thêm sở thích ngắm hoàng hôn, mặt trời lặn hồ Tây.



“…Mùa Thu, đầu Đông trời lành lạnh nhìn xuống phố. Cà phê gác 2 Phủ Doãn biệt thự cổ Pháp lát gỗ sàn đi kêu lộp bộp. Một nơi rất yên tĩnh thú vị thư thái nhìn xuống đường Tràng Thi người đi hối hả khá xô bồ.



Phải đi lên cầu thang khá tối mới tới được góc khuất yên tĩnh này. Khi có tiền tôi sẽ mua ngôi nhà giống thế này để vẽ tranh. Ngồi đây có cảm hứng rất lạ, như tăng sức mạnh cho tôi rất khó hiểu từ hồn vía của những ngôi nhà rất cổ kính. Hay tại bởi nơi tương tự như nơi tôi đã được sinh ra luôn có vị trí thiêng liêng nhất với mỗi con người một lần xuất hiện trên đời này.



Ngôi nhà sàn gỗ, kiểu cổ Pháp. Không gian không rộng nhưng tạo cảm giác rất thoáng. Mắt đảo xuống hè đường, hàng cây, quán cóc, yên tĩnh mà không cô quạnh. Cảm tưởng được sống trong không gian thế này để vẽ về phố cổ cả đời không chán!



Xem bức ảnh “Cầu Giấy năm 1883” thấy khác quá, hơn 100 năm có quá nhiều thứ thay đổi. Hà Nội 100, 200 năm (hay hơn nữa) về sau sẽ thay đổi. Đến lúc nào đó phố cổ chỉ còn là ký ức và những người vẽ phố cổ như tôi sẽ không còn nữa. Hà Nội cổ chỉ còn trong tranh thôi. Tôi cảm thấy sứ mệnh của mình là ghi lại phố cổ một thời. Đến lúc nào đó sẽ có ý nghĩa vô cùng và việc tôi làm không phải là vô ích...”.



Đôi nét về họa sỹ Bùi Việt Hưng

Bùi Việt Hưng (1978 - 2005) vốn là cựu học sinh khối chuyên Lý, trường PTTH Amsterdam Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp ĐH Kinh tế Quốc dân, niềm đam mê hội họa và tình yêu Hà Nội đã thôi thúc anh dành hết thời gian để vẽ.

Với mong muốn lưu giữ lại một Hà Nội với những mái ngói liêu xiêu, những ngôi nhà cổ chìm trong rêu phong, anh muốn vẽ đủ 1000 bức tranh đúng vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Và chỉ trong năm 2002, anh đã hoàn thành 200 bức tranh giấy dó.

Dáng tiếc năm 2005, khi mối tình với Hà Nội thân yêu đang ở độ thắm, anh đã ra đi mãi mãi, để lại những ước vọng và cả niềm đam mê dang dở… Và bên trên là một vài tâm tư của Bùi Việt Hưng về Hà Nội phố lược trích trong hơn 40 quyển ký họa, một tình yêu Hà Nội rất đáng trân trọng đã tạo nên một vóc dáng rất riêng về Hà Nội phố của người con đất Hà thành.





0 comments:

Post a Comment

Popular Posts