Bối cảnh lịch sử của phong trào Nhân văn – Giai phẩm
TQĐ :Gần đây, trang web tiếng Việt của Đài BBC có đăng bài của Lê Quỳnh một cách đánh giá mới về phong trào Nhân văn-Giai phẩm do một học giả Mỹ, Peter Zinoman, Giáo sư Khoa lịch sử ở Đại học Berkeley, đề xuất (1). Tôi lấy làm tiếc chưa được đọc nguyên bản bài nghiên cứu của vị giáo sư Mỹ, nhưng qua bài của Lê Quỳnh, vị giáo sư Mỹ cho rằng các nghiên cứu từ trước đến nay thường “thổi phồng” giá trị đối kháng chế độ của NVGP mà không nghiên cứu kỹ những bài viết thực sự của phong trào này, tìm hiểu bản chất của họ là gì. Căn cứ vào những bài viết ủa NVGP học giả Mỹ nhận xét như sau:
- Nhân Văn Giai Phẩm không phải là một phong trào đối kháng về quan điểm chính trị (như các phong trào tương tự ở Đông Âu) mà chỉ chống đối những sự lạm dụng của các cấp chính quyền.
- Nhân Văn Giai Phẩm không hề chống Liên Xô hay các nước xã hội chủ nghĩa khác, không chống chủ nghĩa Marx.
- Nhân Văn Giai Phẩm coi phương Tây (Pháp, Mỹ,Anh…) là đế quốc thù địch.
- Nhân Văn Giai Phẩm không được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng rộng rãi. Họ được đề cao bởi những thế lực muốn sử dụng họ vào mục tiêu tuyên truyền chống cộng của mình.
Những năm xẩy ra phong trào Nhân Văn Giai Phẩm, từ năm 1956 đến 1958, tôi là sinh viên Khoa Toán Đại học Sư phạm Hà Nội. Tôi chứng kiến sự “trỗi dậy” ngoạn mục của phong trào đồng thới theo dõi sát sao những cuộc phê phán dữ dội từ phía chính quyền chống lại Nhân Văn Giai Phẩm. Tôi có quan điểm chính trị riêng của tôi về thới cuộc, nhưng khi viết bài này, tôi cố gắng dẹp hết sang một bên, cố suy nghĩ thật khách quan va khoa học về phong trào Nhân Văn Giai Phẩm.
Tôi không rõ từ trước đến nay người ta viết những gì về Nhân Văn Giai Phẩm, tôi ghi lại đây một số sự kiện tôi biết chắc chắn và bản thân ít nhiều kiểm chứng được.
Báo chí trong nước dùng cụm từ Nhân Văn Giai Phẩm để chỉ chung những trào lưu “bất mãn” thời kỳ 1956-1958 ở Hà Nội và một số địa phương ở Miền Bắc Việt Nam. Tôi nhớ lại rằntg chính vào thời kỳ đó người ta gọi những người thuộc các trào lưu trên là những phần tử “bất mãn”, chưa hề dùng từ “đối kháng”, “chống đối” hay “ly khai”…Tôi nhận thấy từ “bất mãn” rất phù hợp với bước khởi đầu của Nhân Văn Giai Phẩm, một phong trào đa tạp hầu như không liên kết với nhau, một phong trào tự phát không do một ý thức hệ nào điều khiển. Thoạt tiên là nhóm nhà văn quân đội, những kẻ dám liều lĩnh phê bình thơ Tố Hữu rồi bị “chấn chỉnh” nên “bất mãn”. Nhóm đó gồm Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm rồi đến Văn Cao….Đặc điểm của nhóm này là uy tín chuyên môn và chính trị, họ là những tác giả được quần chúng ngưỡng mộ, đồng thời họ là những cán bộ xuất sắc trong kháng chiến chống Pháp, đã được tặng thưởng nhiều huân chương cao quí của chế độ. Họ tập hợp thành nhóm “Giai phẩm” vì cơ quan phát ngôn của họ là tạp chí ra không định kỳ “Giai phẩm mùa thu”, “Giai phẩm mùa xuân”. Họ có thần tượng văn nghệ là Maiakovsky, không phải họ thân Liên xô mà họ chủ trương tự do sáng tạo, phá những khuôn mẫu cũ, lấy “thơ bậc thang” làm vũ khí tấn công bọn bảo thủ. Nhóm thứ hai, tạm gọi là nhóm Nhân Văn, vì họ tập hợp quanh tờ báo “Nhân văn” của cụ Phan Khôi. Trong lịch sử, cụ Phan vốn nổi tiếng là “người đối kháng”, từng chủ trương những tờ báo chống đố trật tự thuộc địa và phong kiến. Khi tham gia kháng chiến, cụ thấy nhiều điều đáng phê phán nhưng không phát biểu được vì bị ý thức hệ ràng buộc. Thời cơ đến với cụ là việc Đảng nhận sai lầm về cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức. Việc nhận sai lầm này không phải do lô gích nội tại mà do áp lực chống sùng bái cá nhân do Khơ–rút-sốp đề xuất trong Đại hội lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Liên Xô. Lá cờ mà cụ Phan phất lên là “tư tưởng nhân văn” của Đại hội 20, chống độc tài chuyên chế trong lãnh đạo, chống sùng bái cá nhân. Tờ Nhân Văn phê phán công khai những sai lầm trong cải cách ruộng đất, những sự lãnh đạo độc đoán trong giới chóp bu văn nghệ (Hoài Thanh, Nguyễn Tuân, Tố Hữu…). Họ kiến nghị xây dựng một nhà nước nhân ái, vì dân, dân chủ, văn minh. Nhóm thứ ba là “nhóm đại học”, tập hợp xung quanh tap chí “Đại học sư phạm” gồm những khuôn mặt tiêu biểu của giới trí thức miền Bắc như bộ tứ Trần Đức Thảo, Trương Tửu, Nguyễn Mạnh Tường, Đào Duy Anh…Những vị trí thức này có thành tích kháng chiến xuất sắc và có những công trình khoa học tầm cỡ. Họ chủ trương một nền văn hoá “của con người” chứ không phải “văn hoá của Đảng”. Họ tranh luận với những học giả bảo thủ như Đặng Thai Mai, Hoàng Xuân Nhị xung quanh khái niệm “văn học có tính Đảng” của Lê-nin. Theo Trần Đức Thảo, chuyên chính vô sản phải đảm bảo tự do cá nhân. Nguyễn Mạnh Tường có bài phát biểu nổi tiếng ở Hội nghị Trung ương Mặt Trận Tổ Quốc. Ông chủ trương nhà nước pháp quyền, đề cao con người, tình đồng loại, tình yêu…Nhóm thứ tư là tập hợp một sớ sinh viên đại học xung quanh tạp chí “Đất Mới”. Nhóm này chủ trương sinh viên tự quản, chống lại sự ràng buộc cua Đoàn Thanh niên Lao động, tay phải của Đảng. Trào lưu “Đất Mới” tạo ra một “mùa xuân” trong giới sinh viên. Nhiều lớp sinh viên lật đổ lớp trưởng, lớp phó do Đoàn Thanh niên của Đảng áp đặt, họ bầu ra những cán bộ lớp mới phù hợp với những tiêu chuẩn mà họ đặt ra. Họ không chịu học chính trị, môn học do các cán bộ ít học vấn đảm nhiệm, họ yêu cầu tổ chức những buổi tranh luận, thảo luận về thời cuộc. “Mùa xuân” ấy tồn tại chừng ba tháng, sau đó các hạt nhân nòng cốt của trào lưu bị trấn áp. Nhóm thứ năm là những phần tử tập hợp xung quanh tờ “Trăm hoa” của nhà thơ Nguyễn Bính. Theo Tô Hoài, Nguyễn Bính có sinh hoạt phần nào buông thả nên hay “bất mãn”. Quả vậy, “bất mãn” của nhóm Trăm hoa không rõ rệt về chính trị. Nhóm cuối cùng do người chủ Nhà xuất bản Minh Đức hợp tác với Nguyễn Hữu Đang chủ trương xuất bản tự do. Họ in lại những tác phẩm của Tự lực Văn đoàn, của Vũ trọng Phụng, những tác phẩm thời đó coi như cấm kỵ. Ông chủ nhà xuất bản Minh Đức là người có thành tích tham gia kháng chiến. Ông Nguyển Hữu Đang là nhà cách mạng kỳ cựu, thân cận với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ban đầu, chính quyền nể họ mà không dám mạnh tay trấn áp.
Tất cả những trào lưu trên có chung một mục tiêu là đòi tự do, dân chủ, chống độc đoán cá nhân, xây dựng một ý thức hệ “nhân văn”, bình đẳng. Nhà cầm quyền nắm bắt được bản chất đó của những kẻ “bất mãn” nên họ phát động một chiến dịch lớn chống lại khái niệm tự do tư sản. Trong một buổi gặp gỡ toàn bộ sinh viên Hà Nội ở Nhà hát Nhân dân, nay là Cung văn hoá hữu nghị, tướng Giáp khuyên sinh viên nên tỉnh táo trước âm mưu của địch xúi dục đòi tư do. Tướng Giáp cho biết quân đội sẵn sàng đứng ra giữ trật tự nếu sinh viên nổi loạn. Chu Ân Lai, khi thăm Đai học Hà Nội cũng nói nhiều về “thị du” (tự do, lối đùa của Lỗ Tấn). Ông giảng giải sự khác nhau giữa tự do đìch thực của chế độ mới so với tự do tư sản. Voroshilov khi đến thăm Đại học Hà Nội cũng nói đến tính ưu việt của hệ thống xã hội chủ nghĩa so với chế độ tư bản, khuyên sinh viên cảnh giác với tư do tư sản.
Việc Nhân Văn Giai Phẩm không chống trật tự cộng sản, không chống Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa khác, họ coi Mỹ, hay Phương Tây nói chung là đế quốc thù địch có thể được giải thích qua bối cảnh lịch sử. Bối cảnh đó như thế nào?
1. Miền Bắc Việt Nam thời đó chưa phải là một nhà nước cộng sản. Dầu từ năm 1950 trở đi, chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Mao Trạch Đông thâm nhập mạnh, về lí thuyết Việt Nam vẫn sống theo Hiến Pháp 1946, một hiến pháp dân chủ đại nghị theo mô hình Pháp. Trong chính phủ, rất nhiều bộ trưởng là người ngoài Đảng: Phan Kế Toại (Nội Vụ), Trần Đăng Khoa (Giao Thông Vận Tải), Nguyễn Văn Huyên (Giáo Dục), Phan Anh (Ngoại Thương), Vũ Đình Hoè (Tư Pháp), Nghiêm Xuân Yêm (Nông Nghiệp), Vũ Đình Tụng (Y Tế), Hoàng Minh Giám (Văn Hoá)…Các cán bộ cao cấp của các ngành, sỹ quan quân đội, vẫn là thành phần lớp trên do chế độ cũ đào tạo, chưa bị thay thế bằng các phần tử công nông vô sản. Việt Nam về hình thức là một nước theo chế độ đa nguyên, đa đảng. Bên cạnh Đảng Lao động cầm quyền, còn có các đảng khác không đối lập mà “anh em”, như Đảng Xã hội của Nguyễn Xiển, Đảng Dân chủ của Nghiêm Xuân Yêm. Điều đáng chú ý là báo chí được tự do như năm 1946, theo đúng hiến pháp. Vì vậy mà có tờ Nhân Văn của cụ Phan, tờ Trăm hoa của Nguyễn Bính, các tập Giai phẩm của nhóm Trần Dần, Lê Đạt, bên cạnh tờ Hà nội mới, ban đầu là của tư nhân, về sau được công hữu thành báo của nhà cầm quyền Hà nội. Cán bộ ngoại giao và chuyên gia Liên xô được cử lần đầu sang Việt Nam hình dung mình sẽ đến một nước nhiệt đới nghèo khổ, lạc hậu, ruộng đồng đầy rắn rết và cá sấu. Vốn sống trong một nước bao cấp thiếu thốn, họ ngỡ ngàng phát hiện một Hà Nội xinh tươi với những cửa hàng đầy ắp hàng hoá, với những biệt thự kiểu Pháp sang trọng và những con người thanh lịch có học vấn cao. Nhưng điều mà họ ngỡ ngàng nhất là báo chi tự do, chuyện khó xẩy ra ở đất nước họ. Giai đoạn này, từ ngữ chính thống gọi là “dân chủ nhân dân”, y như những năm đầu của Trung Quốc thời Mao. Tố Hữu, khi phê phán Nhân Văn Giai Phẩm, cũng nói: “Họ chống lại nền chuyên chính dân chủ nhân dân” mà không nói “chuyên chính vô sản”. Trong nền dân chủ nhân dân này, các thành phần kinh tế của chế độ cũ vẫn tồn tại: công thương nghiệp tư nhân, tiểu thương, tiểu chủ, nông dân cá thể, những người hành nghề tự do vv. Các nhà tư sản tên tuổi như Nguyễn Sơn Hà, Ngô Tử Hạ lập ra Hội công thương Hà nội. Nhiều nghiệp chủ có chân trong quốc hội. Các ngoại ngữ Anh, Pháp vẫn được dạy trong các trường chưa bị thay thế bằng tiếng Nga hay tiếng Hoa. Ngôn ngữ giao dịch của ngành ngoại giao là tiếng Pháp. Người dân bình thường trong những năm ấy chưa thấy sức nặng của một hệ thống toàn trị. Vì vậy các trào lưu “bất mãn” trên không chống chế độ mà chỉ chống những khía cạnh khắc nghiệt mới nẩy sinh dưới chế độ đó như vấn đề hộ khẩu, vấn đề thành phần giai cấp vv. Có điều nghịch lý khó tin là trong một vài tuần lễ vào năm 1956, Đảng đứng chung trận tuyến với những kẻ bất mãn và quảng đại quần chúng đối diện với hệ thống chỉ đạo cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, kẻ nắm quyền thực sự được các cố vấn phương Bắc hỗ trợ. Giáo sư Trần Văn Giàu, dạo đó là bí thư chi bộ (hay Đảng ủy?) đại học, được mời nói chuyện trước sinh viên về chính sách sửa sai của Đảng. Ông Giàu cho biết trong một thời gian dài Đảng bị tê liệt, hễ đội cải cách đến địa phương nào là chính quyền và Đảng nơi đó bị vô hiệu hoá, kẻ thì đi tù, kẻ thì lánh sang địa phương khác hay trốn lên miền núi, kẻ thì ngồi đó chờ số phận định đoạt. Ngay các lãnh tụ của Đảng như Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Hoàng Văn Hoan…vì thuộc thành phần bóc lột mà bị các đội cải cách địa phương và bần cố nông gửi giấy triệu tập về quê chịu tội. Tướng Giáp khi công cán qua Quảng Bình bị dân quân vây bắt, may mà cận vệ nổ súng đẩy lùi đám cuồng tín hung hãn. Các tên tuổi trong Ban chỉ đạo cải cách như Hồ Viết Thắng, Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương, làm sởn tóc gáy ngay cả Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo ông Giàu thì Cụ Hồ hai lần bị các vị kia “uốn nắn” vì đã do dự khi hành quyết những phần tử mà Cụ cho là tốt, không có tội gì. Ông Giàu kết thúc buổi nói chuyện bằng lời kêu ca rằng đám cải cách làm đất nước lụn bại, làm đời sống nhân dân và cán bộ lâm vào cảnh cùng cực. Ông lấy ví dụ về bản thân ông: các đó hai năm (cuối 1954) ông được phát một đôi giày da màu nâu để đi đón Nehru, thủ tướng Ấn độ ghé thăm Hà nội, vậy mà cho đến nay (1956) ông vẫn chưa đủ tiền mua đôi giày mới!
Chính nhờ Khơ-rút-sốp và Đại hội 20 của Liên Xô mà Đảng Việt Nam thoát được tình trạng bị đám chỉ đạo cải cách khống chế, mới mạnh dạn sửa sai dầu biết Trung Quốc khó chịu. Các cấp Đảng từ Trung ương đến địa phương nắm quyền trở lại, cán bộ bị oan sai được phục hồi. Sau khi lấy lại vị thế cũ, Đảng quay lại chống Khơ-rút-sốp kịch liệt, tuy chỉ là ngấm ngầm, đứng hẳn về phía Mao lên án bọn xét lại hiện đại.
2. Hình ảnh Liên xô thời đó đối với mọi tầng lớp nhân dân miền Bắc là tích cực. Trước hết, đó là viện trợ vô tư về kinh tế và quân sự. Nhưng cái quan trọng nhất đối với các trào lưu “bất mãn” là Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Liên xô. Việc chống tệ sùng bái cá nhân Staline và lên án những cuộc thanh trừng đẫm máu thời Staline trở thành lá bùa hộ mệnh cho các trào lưu đó. Rõ ràng ai cũng thấy Liên xô là chỗ dựa chắc chắn, còn việc Staline ép Hồ Chí Minh phải thực hiện đấu tranh giai cấp ngay trong giai đoạn giải phóng dân tộc thì ít ai biết được. Trung Quốc thì vào thời đó là một nước ôn hoà. Họ chủ trương cải tạo công thương nghiệp bằng chính sách công tư hợp doanh chứ không tiêu diệt tư sản, ku-lắc, trục xuất trí thức ra nước ngoài như nước Nga xô viết. Đại bộ phận nhân sỹ trí thức sống yên ổn trong chế độ mới, thậm chí họ có quyền tự trị đại học. Những sự kiện như Chu Ân Lai buộc Việt Nam chia cắt đất nước, việc các cố vấn Trung Quốc chủ trương giết càng nhiều càng tốt trong cải cách thì không ai biết. Trong hoàn cảnh đó không một kẻ bất mãn Việt Nam nào nghĩ đến chuyện chống Liên Xô, Trung Quốc hay phe xã hội chủ nghĩa. Những vụ nổi loạn ở Hungari, Ba Lan.. được tuyên truyền như là xung đột giữa hai phe, chứ không phải là ước vọng của nhân dân đòi tự do dân chủ. Những kẻ bất mãn Việt Nam hoặc suy nghĩ như các nhà cầm quyền, hoặc không muốn dây vào âm mưu đế quốc nên dè dặt khi phát biểu.
3. Trí thức Việt Nam ngày nay lấy làm tiếc mà nghĩ rằng sự đoạn tuyệt của đất nước với Phương Tây trong một thời gian dài làm cho đất nước chậm phát triển, nhất là trong tình hình hiện nay khi phải đối mặt một cách cô đơn với người láng giềng hùng mạnh đầy tham vọng lãnh thổ. Nhưng vào những năm cuối của thập kỉ 50 thế kỉ trước, Phương Tây như thế nào? Đó là nước Pháp với chính sách thực dân lỗi thời gây bao tang tóc cho Việt Nam và các thuộc địa khác. Mãi khi tướng De Gaulle trả độc lập cho Algérie năm 1962 thì bộ mặt nước Pháp mới thay đổi. Còn nước Mỹ thì với tư tưởng chống cộng bệnh hoạn, đã tiếp tay cho thực dân trong suốt cuộc chiến tái chiếm thuộc địa, và như “Người Mỹ trầm lặng” vạch rõ, rất ngây thơ trong việc lật đổ những chính thể mà họ không ưa, rồi áp đặt cho nước này nước nọ, trong đó có Việt Nam một cuộc chiến tranh ý thức hệ với phe cộng sản. Nếu ngày nay những kẻ “bất mãn” như Dương Thu Hương, Cù Huy Hà vũ, nhìn Phương Tây như chỗ dựa tinh thần trong sự nghiệp đòi tự do, thì vào thời Nhân Văn Giai Phẩm, dầu bất mãn đến đâu cũng không thể nghĩ tốt cho Phương Tây, những kẻ chủ trương chia cắt lâu dài Việt Nam, dội không biết bao nhiêu bom đạn lên đầu người dân vô tội. Vả lại ngay trong thời điểm cao trào Nhân Văn Giai Phẩm, liên quân Anh-Pháp-Israel tấn công Ai cập nhằm chiếm lại quyền kiểm soát kênh Suez. Ai Cập là một nước mới được độc lập, cũng như các nước mới được giải phóng khác, phải đối mặt với âm mưu tái chiếm thuộc địa của đế quốc. Trong hoàn cảnh đó, thân Phương Tây đồng nghĩa với phản bội, một sự thực mà kẻ bất mãn nào cũng muốn tránh.
4. Nhân Văn Giai Phẩm có ảnh hưởng như thế nào trong nước và trên thế giới? Ai ủng hộ? Ai lợi dụng? Đương nhiên những kẻ chống cộng trong và ngoài nước chớp lấy cơ hội vàng để bôi bác chế độ miền Bắc, coi như minh chứng về sự khắc nghiệt của chế độ cộng sản. Điều nghịch lý là, đáng ra chính quyền Ngô Đình Diệm thời đó phải hoan hỉ khai thác thì lại lệnh cho báo chí im lặng vì sợ một Nhân Văn Giai Phẩm rất dễ xẩy ra ở miền Nam khó kiểm soát hơn nhiều. Ở miền Bắc, Nhân Văn Giai Phẩm được “đa số thầm lặng” ủng hộ. Tờ Nhân Văn số đầu tiên như một tiếng sét giữa ban ngày. Quần chúng đang xem phim trong các rạp ban ngày bỏ chạy ra đường tìm mua tờ báo. Tờ báo nói lên nguyện vọng của dân chúng về một đời sống bình thường, không bị đe doạ vì đấu tranh giai cấp hay bị trù dập về mặt tư tưởng. Trong sinh viên đã xẩy ra thực sự một mùa xuân hiếm có. Truyền thống Nhân Văn Giai Phẩm dai dẳng trong giới văn nghệ sỹ và trí thức cho đến hôm nay. Sau năm 1986, với chủ trương “đổi mới”, người ta khôi phục cho hầu hết các phần tử Nhân Văn Giai Phẩm. Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường…được trả lương hưu, được xuất bản sách. Hữu Loan, Phùng Quán, Trần Dần, Lê Đạt lại xuất hiện trên văn đàn. Chỉ có những phần tử “hết sức ngoan cố” như Trương Tửu, Nguyễn Hữu Đang ẩn náu kín đáo nơi nào không ai biết. Trong những năm cuối thập kỉ 80 của thế kỷ 20, nhiều nhà văn, nhà báo Phương Tây và Liên Xô rồi Nga tìm cách tiếp cận vói các phần tử “cựu Nhân Văn Giai Phẩm”. Họ hơi thất vọng, y như vị học giả Mỹ hiện nay ở Berkeley, phát hiện ra đó là những con người không có chính kiến gì rõ rệt. Họ có lí vì trước khi đến Việt Nam họ nghĩ tới những týp như Sakharov, Walesza, Clavel, Soljenitsine..của Đông Âu. Họ thấy những con người khác hẳn. Trần Đức Thảo làm cho bạn bè cũ ở Paris phát khóc vì thất vọng khi thấy ông ngoan cố đi theo Marx đến cùng. Rõ ràng những phần tử Nhân Văn Giai Phẩm, do bối cảnh lịch sử mà khác xa đám ly khai hay đối kháng Đông Âu. Tôi nghĩ nên đánh giá họ trong bối cảnh riêng biệt của họ . Lấy cái nhìn đồng đại để xét đoán một vấn đề lịch đại, theo tôi, không phải là cách làm thích đáng.
HCM, 6/9/11.
(1) Lê Quỳnh: Một đánh giá mới về Nhân văn-Giai phẩm, bài đăng ngày 2/9/11 trên BBC tiếng Việt.
Ghi chú : Sau khi Laxanh post bài " trào lưu dân chủ, một cuộc cách mạng văn học không thành" của đại tá an nih Thái Kế Toại, LX có nhận được một độc giả gửi tới bài viết này của ông TQĐ và đề nghi chúng tôi đưa bài này lên.
Lê Hoài Nguyên (Thái Kế Toại
0 comments:
Post a Comment