Sau năm 1975 , văn nghệ sĩ ở quê nhà đã phải trải qua nhiều thời kỳ sống trong một bầu không khí đe dọa thường tlực. Trước hết là đợt tảo thanh sách báo cũ do chi Đòan Thanh Niên và Ban Thông Tin Văn Hóa thuộc các Phường, Quận tự ý tiến hành coi như một nhiệm vụ đương nhiên. Đó là thời kỳ phải nói là "quân hồi vô phèng " nhất, bởi vì trong công việc tiến hành tảo thanh sách báo, không có một chỉ thị nào rõ rệt, không có một tiêu chuẩn nào được đề ra, thậm chí cũng không có một quy định nào minh bạch để chỉ định những thành phần nào được quyền xông vào nhà các tư gia để khám xét. Chỉ cần một toán thanh niên, bất cứ là từ đâu tới, đeo trên cánh tay trái một sợi băng đỏ và một người trong đám tự xưng là đại điện cho Chi Đòan Thanh Niên Phường, không cần xuất trình giấy tờ chứng minh là cũng đủ khiến cho gia chủ phải mở rộng cửa cho họ ùa vào lục lọi khám xét, không chỉ ở trên kệ sách trưng bầy những sách báo mà cả ở gậm giường, hộc tủ, các xó kẹt, ở phòng ngoài, trong nhà trong, thậm chí đến cả phòng ngủ riêng tư cũng bị xộc vào bới lộn lung tung đủ thứ.
Chính căn nhà của tôi đã chịu một cảnh khám xét như thế năm 1975 vào khoảng hơn một tháng sau khi miền Nam hoàn toàn rơi vào tay Cộng Sản. Họ đã ùa vào nơi trú ngụ của tôi, theo cung cách như tôi đã trình bày ở trên, với nhân số 25 người và trong suốt một buổi tối kéo dài từ 6 giờ chiều đến gần 12 giờ đêm. Mấy căn phòng trong căn nhà của tôi trong phút chốc bịến thành một đống rác tràn ngập hồ sơ, giấy tờ, sách báo vứt ngổn ngang bừa bãi, trên nền nhà, giữa lối đi, trong bếp, ngòai sân, không còn thiếu nơi nào là không vương văi những thư từ, tài liệu ghi chép và những bản thảo của những cuốn sách đã in hoặc đang viết dở dang chưa hòan tất. Cuối cùng họ rút đi và mang theo của tôi trên 2000 cuốn sách đủ loại (chất trên một dẫy xe ba gác đậu sẵn ngoài cổng), kể cả những cuốn tự điển Bách Khoa bằng Anh ngữ hay Pháp ngữ. Nhưng tiếc xót nhất là toàn bộ những tác phẩm của giới văn nghệ miền Nam, toàn bản quí có chữ ký và triện son đề tặng của các tác giả, trong số đó có cả những thủ bút của Nhất Linh, Đông Hồ, Vi Huyền Đầc, Vũ Hoàng Chương, Thanh Lãng, Hồ Hữu Tường và nhiều nhà văn, nhà thơ khác.
Cuộc khám xét và tịch thu một cách trắng trợn và vô luật pháp đó đã đem lại cho tôi một nỗi ám ảnh trong suốt những năm sau này khi còn sống dưới chế độ Cộng Sản. Nó dạy cho tôi một bài học bằng kinh nghiệm sống rằng không có gì có thể gọi là an toàn trong đời sống của một ngừơi dân dưới chế độ Cộng Sản. Đối vói giới văn nghệ sáng tác thì điều đó lại càng cần ghi nhớ hơn để không chủ quan khinh thường. Chỉ cần sơ sẩy ở một hành vi nhỏ, bỏ vương một bài thơ, một đoạn văn, một mẩu nhật ký có tư tưởng chống đối chế độ thì cuộc đời đang yên lành, trong một sớm, một chiều có thể qua một ngã rẽ đen tối mới với tù đầy, khổ sai lao động dễ như người ta thay đổi một tấm áo.
Tiếp theo đó là chiến dịch ruồng bắt các văn nghệ sĩ, ký giả được thực hiện vào đầu năm 1976. Đây là thời kỳ khủng bố gắt gao nhất đối với anh chị em văn nghệ sĩ. Một bầu không khí nặng nề đến nghẹt thở bao trùm trong giới cầm bút. Hôm nay gặp nhau mỉm cười gượng gạo, ngày mai đã có tin về nhau, kẻ này bị bắt ban đêm, kẻ kia bị chận bắt ở đầu phố giữa ban ngày. Nhiều cuộc lục soát tại nhà các văn nghệ sĩ lại được tung ra, lần này không còn có tinh chất tự phát ở Quận, ở Phường nữa mà do những bàn tay chuyên nghiệp của Sở Công An cấp Thành ( do Thành Uỷ chỉ đạo ). Ký Giả Lê Văn Vũ Bắc Tiến đã tường thuật lại tỉ mỉ một cảnh khám xét này qua một hồi ký đăng tải trên một báo Việt ngữ ở hải ngoại gần đây. Kịch tác gia Minh Đăng Khánh, sau ngày ở tù ra cũng đã mô tả lại cho bạn bè nghe về xen Công an ùa vào nhà khám xét từ mảnh giấy nhỏ bằng 2 ngón tay trở đi cho đến những tập hồ sơ dầy cộm không bỏ sót một chi tiết nào. Chính lần ấy Nhà văn Nguyễn Thụy Long đang ngồi chơi trong nhà Minh Đăng Khánh, không hiểu do linh tính cách nào, mà mới chỉ thoáng nhìn ra cổng thấy lố nhố vài ba người, Nguyễn Thụy Long đã nhảy băng qua chiếc bàn kê ở bộ salon, chạy tuốt xuống nhà bếp rồi lọt qua cổng sau và vầt giò lên cổ .... chạy thoát !
Sau này ngồi nhắc lại với nhau về kỷ niệm đó, chúng tôi vẫn mỉm cười khâm phục Trâu nước ( bịệt hiệu trong làng văn nghệ của Nguyễn Thụy Long ) về cái thành tích nhanh như điện xẹt này. Vậy mà bọn công an Thành cũng mau lẹ không thua. Minh Đăng Khánh kể lại rằng vừa
thoáng thấy bóng người vụt chạy qua bếp, mấy tên Công an đã đổ xô vào nhà và xộc thẳng ra sân sau. Chúng gặp chị Minh Đăng Khánh đang đứng ở đó.
Một tên hỏi : "Đứa nào vừa chạy qua đây ?".
Chị Khánh điềm tĩnh lắc đầu:
“Làm gì có ai !".
" Rõ ràng chúng tôi thấy có bóng người ở đây vụt ra !".
Chị Khánh nhún vai :
“ Vậy là các ông lầm rồi,đó là ông bán ve chai vẫn ghé qua đây hỏi mua đồ cũ trong nhà "
Không nắm được bằng cớ chinh xác mấy tên công an hậm hực quay lên và khởi sự một màn khám xét, bới tung tất cả những chỗ mà chúng nghi ngờ. Cuộc lục soát cũng kéo dài tới 4 tiếng đồng hồ ! Còn gì có thể cất giấu được ?
Một yếu tố khác cũng cần phải ghi nhận là ở quê nhà, ai thoát khỏi cuộc ruồng xét kỳ này thì không có nghĩa là sẽ được buông tha mãi mãi. Ai đã bị bắt, bị giam cầm và rồi được thả ra cũng không có nghĩa là từ đó sẽ được yên thân dù sau đó không có thêm một hành động nào gọi là chống đối chế độ.
Như vậy tình cảnh của anh chị em văn nghệ sĩ ở quê nhà là tình cảnh cúa một đờí sống bị đe đọa bắt bớ thường trực, đêm đêm không bao giờ được nằm yên giấc, một tiếng chó sủa, một giọng nói to, một lời kêu cửa hay có tiếng động cơ xe hơi từ xa vọng lại gần rồi đi ngang qua trước nhà, tất cả đều có thể khiến anh chị em choàng tỉnh lắng nghe, có khi ngồi dậy tính toán dặn dò người thân để sẵn sàng ứng phó nếu qủa như lần đó chính là lần công an Thành đã tới đập cửa. Trong nhà mọi người, lúc nào cũng để sẵn một cái túi xách tay, trong đựng một bộ đồ thay đổi, một cái áo ấm, một cái khăn mặt, một cục xà bông và một bộ đồ chảí răng. Có tiền nữa thì thêm vài gói thuốc lá. Ngần ầy đồ dùng sẵn sàng để đó, khi cần tới là có thể xách đi, khởi sự một cuộc đời phả rời bỏ gia đình yên ấm để nếm mùi khổ nhục của lao tù. Chuẩn bị xong thì chờ đợi. Ngày này qua ngày khác, đêm này qua đêm khác. Có lắm lúc mọi người đã chán ngấy cái cảnh phải choàng tỉnh, ngơ ngác thức dậy vào ban đêm khi nghe tiếng chó sủa, hoặc cân não đã quá căng thẳng về sự đợi chờ. Thôi thì cái gì đến sẽ phải đến, nhiều người đã cầu mong đàng nào cũng một lần, có bắt thì bắt sớm đi cho rồi, đầu óc sẽ khỏi phải chập chờn sống trong tình cảnh lo âu thường trực.
Đó là lý do mà trong suốt 5 năm trời sống dưới chế độ C.S. tôi không hoàn tất được một bản thảo nào, dù chỉ là một truyện ngắn. Trong khi đó, bên ngòai xã hội với tất cả những đổi thay đột ngột và phũ phàng của nó, người làm văn nghệ có bịết bao nhiêu là đề tài để sáng tác. Thậm chí trong vài năm đầu sau 30 tháng 4 ,1975, những anh em chưa bị bắt giữ, khi gặp nhau chỉ biết hỏi thăm về tình trạng gia đình của nhau một cách e dè. Trừ phi đã thân thiết, tin cậy nhau lắm thì mới dám bầy tỏ cho nhau về những nỗi niềm khao khát xây dựng một tác phẩm viết về xă hội mới. Có thể nói, ai cũng mơ ước sẽ có một ngày được cầm bút trở lại để nói lên tất cả những tâm tư của mình, nhưng hầu như ai cũng còn kiêng dè trong việc viết lách. Không phải vì không có một chỗ kín đáo để ngồi viết mà vì sợ những cuộc khám xét bất thần ụp đến, nếu đốt không kịp bản thảo thì chắc chắn sẽ lãnh những hậu quả vô cùng nặng nề, không chỉ riêng cho mình mà cả vợ con, gia đình đều bị vạ lây nữa.
Rồi thì thời gian cũng trôi qua, những dữ kiện dầy đặc của đời sống cứ một ngày một chồng chất thêm lên, xô lấn lên nhau, khỏa lấp lẫn nhau, và tôi chợt phát giác ra rằng với trí nhớ ngày càng kém cỏi của mình, tôi không thể ghi gói được hết những biến cố, những trường hợp, những hoàn cảnh rất cần thiết dùng làm chất liệu cho tác phẩm, nếu không kịp thời ghi chép lại. Như vậy dù muốn dù không, tôi vẫn phải cầm bút trở lại không phải để viết một tác phẩm nhưng là để ghi gói những dữ kiện. Tôi ngụy trang cuốn ghi chép tài liệu ấy bằng một cuốn tập soạn bài giáo khoa môn Vật Lý cho học sinh các lớp của ngôi trường mà tôi đang dạy. Tôi chăm chỉ làm công việc ấy mỗi ngày. Có những biến cố tôi ghi lại hàng trang giấy. Có những dữ kiện tôi chỉ viết vắn tắt vài hàng. Lại có những chi tiết mang một nội dung liên hệ đến vấn đề an ninh sinh tử cúa những người khác thì tôi chỉ ghi bằng những ký hiệu riêng. Những công việc này chỉ kéo dài được vài tháng thì vụ đánh tư sản bùng nở ra ở Sài Gòn với tất cả những chiến dịch khủng bố qui mô của C.S. Toàn dân Sài Gòn lại sống trong những ngày cực kỳ ngộp thở. Hầu hết những người buôn bán có máu mặt đều bị những toán thanh niên đóng chốt ngay trong nhà và ở lì vài ba, bốn ngày liền. Nội bất xuất, ngoại bất nhập để các toán công tác thi hành nhiệm vụ khám xét, đào bới, và kiểm kê toàn bộ tài sản. Nhiều gia đình tuy không thuộc diện bị kiểm kê nhưng vẫn bị các toán thanh niên ập vào nhà, chỉ giản dị với lý do : "tình nghi chứa chấp đồ tẩu tán tài sản của giới thương nghiệp tư bản, tư doanh ". Anh chị em văn nghệ sĩ cũng lại phải đôn đáo tẩu tán sách vở của mình nếu còn cất giữ và các cuộc khám xét lại có thể ùa đến bất chợt, chẳng nhắm vào một đối tượng nào duy nhất mà có thể là bất cứ nhà ai.
Trở lại sinh hoạt của Bút Việt, vào khoảng đầu năm 1959 sau khi tôi đã cho in tác phẩm đầu tay Những Người Áo Trắng do nhà xuất bản Huyền Trân ấn hành thì nhà văn Nhất Linh đã giới thiệu tôi gia nhập Hội. Vào thời gian đó thì danh xưng không còn là Nhóm nữa mà trở thành Hội, Hội Bút Việt, mà công việc tổ chức đã vào quy củ, như có trụ sở riêng, có con dấu riêng, có nhân viên thường trực được trả lương để trông nom trụ sở, hồ sơ, giấy tờ. Việc quản trị mọi thứ được giao cho ông Tổng thư ký Phạm Việt Tuyền khi ấy đang là Chủ nhiệm nhật báo Tự Do.
Theo nhà báo Nguyễn Hoạt trong bài “Hoài Niệm Nguyễn Tường Tam” in trên báo Văn số 156, ra ngày 15-6-1970 tại Sài Gòn thì trụ sở đầu tiên của Hội Bút Việt là ở đường Phan đình Phùng, nhưng khi tôi gia nhập thì Hội đã dọn về số 39 đường Cô Bắc Sài Gòn. Đây là một con phố hẹp, tọa lạc ở ngay khu Chợ Cầu Ông Lãnh, đi khỏi Chợ, tới đường Đề Thám thì có lối rẽ vào.
Căn phố này có 2 tầng, tầng dưới dành cho gia đình ông Nguyễn văn Hinh, là thư ký của Hội cư ngụ. Vị thư ký này không thuộc giới nhà văn, chỉ là thư ký hành chánh, nhưng cũng đã gắn bó với công việc của Hội bền bỉ cho tới tháng 4 -1975 (tôi đã có dịp nhắc tới công lao của vị này trong một bài viết năm 2009 nói về Trung Tâm Văn Bút)
Tầng trên của trụ sở Văn Bút chỉ kê vỏn vẹn có một cái bàn dài để hội họp, bên vách tường có một tủ kính đựng sách báo và hồ sơ.
Vào thời gian này, việc gia nhập Hội cũng rất giản dị. Tôi cứ y hẹn tới tham dự một kỳ họp của Ban Thường Vụ và được các vị hiện diện hôm đó bắt tay chào mừng. Thế là xong! Tôi đã trở thành một Hội viên của Văn Bút ! Dù vậy, sau buổi họp thì tôi cũng phải điền vào một cái đơn xin nhập Hội, trong kê khai đầy đủ tên, họ, địa chỉ, năm sinh, nơi sinh, bút hiệu, các báo đã từng cộng tác và tác phẩm đã xuất bản.
Theo đúng chủ trương nhận mình là “Một cây cầu vòng nối hai chân trời”, Hội Bút Việt rất chú trọng đến công việc dịch thuật, nhất là việc dịch một số truyện ngắn của các nhà văn VN ra Anh và Pháp ngữ. Truyện dịch xong thì đăng trong tập Kỷ Yếu của Hội. Cũng có vài truyện được gửi đi dự Giải Truyện Ngắn của các nhà văn trong khu vực Á Châu và Thái Bình Dương (Pacific Rim). Hai tác giả VN có tác phẩm được gửi đi dự giải mà tôi còn nhớ là nhà văn Bình Nguyên Lộc ( Ba Con Cáo) và nhà văn Linh Bảo (dường như là Tầu Ngựa Cũ). Về dịch giả thì phải kể tới hai người vẫn tham gia việc phiên dịch bền bỉ cho tới năm 1975. Đó là luật sư Nghiêm Xuân Việt, người chuyên dịch ra Pháp ngữ và dịch giả Lê văn Hoàn chuyên dịch ra Anh ngữ.
Hội Bút Việt cũng tổ chức nhiều buổi nói chuyện về Văn học-Nghệ thuật thí dụ trong năm 1958 có vài buổi như Ông Vũ Huy Chấn, trong ban Chèo Cổ Đào Duy Từ thuyết trình về Chèo Cổ, nhà báo Phạm Việt Tuyền nói về “Vấn đề nghiên cứu Văn Hóa Á Châu với ý thức hệ Dân tộc”, nhà thơ Vũ Hoàng Chương nói về “Giấc mộng giải thoát của Thi nhân” . Khi Hội chưa có trụ sở riêng khang trang thì các buổi nói thường được tổ chức tại Trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ hay Hội trường của Đại Học Văn Khoa, còn những năm về sau thì các buổi nói chuyện hàng tháng được tổ chức tại trụ sở của Hội ở số 107 Đoàn thị Điểm Sài Gòn.
Hội Bút Việt về sau đổi danh xưng thành Trung Tâm Văn Bút Việt Nam kể từ nhiệm kỳ Chủ tịch là thi sĩ Vũ Hoàng Chương kế nhiệm nhà văn Đỗ Đức Thu, và Chủ tịch sau cùng là LM Thanh Lãng. Trong những nhiệm kỳ sau này, ban Thường Vụ tăng cường thêm nhân sự, bao gồm Chủ tịch, 2 Phó Chủ tịch, Tổng thư ký và một số Ủy viên như Dịch thuật (Anh, Pháp ngữ), Xuất bản (nguyệt san Tin Sách). Riêng các chức vụ Chủ tịch, Phó Chủ Tịch và Tổng Thư ký thì đều phải thông qua một cuộc bầu phiếu tại Đại Hội Văn Bút được tổ chức cứ 2 năm một lần. Những văn hữu ở xa có thể gửi giấy ủy quyền để tham dự bầu cử. Chương trình hoạt động của Văn Bút do đó ngày càng phong phú với sự tham gia đông đảo của nhiều văn nghệ sĩ trong các hoạt động.
Có thể kể như Hội mở Câu Lạc Bộ Văn Nghệ Sĩ để các nhà văn, nhà thơ, nhà báo lui tới gặp gỡ nhau bàn chuyện văn nghệ riêng tư; rồi tổ chức các buổi nói chuyện hàng tháng, ra tờ nguyệt san Tin Sách chỉ chuyên loan những tin tức về sách hay các bài phê bình sách, các bài nói chuyện trong tháng. Văn Bút còn lập Giải Văn Chương hằng năm, như năm đầu (1970) dành cho thể Thi Ca (hai nhà thơ Tường Linh với Sầu Tuổi Đá và Hoàng Lộc với Trái Tim Còn Lại chiếm giải đồng hạng), qua năm sau, thể loại Biên Khảo, tác giả Lê Hương với cuốn Lịch Sử Người Việt tại Kampuchea từ năm 1853 đến 1970 đoạt giải, rồi những năm kế tiếp có thể loại Truyện Ngắn (nhà văn Minh Quân đoạt giải với truyện ngắn Những Ngày Cạn Sữa), thể Truyện Dài (nhà văn Nguyễn Mộng Giác đoạt giải với truyện dài Bóng Thuyền Say). Cho đến năm 1975 dự tính trao giải cho thể loại Kịch thì biến cố 30-4 xẩy đến, Hội đã phải hoàn toàn ngưng hoạt động.
Ngoài ra, Văn Bút còn đề cử Hội viên ứng cử vào Hội đồng Văn Hóa Giáo Dục, một tổ chức cấp Quốc Gia, theo quy chế Hiến Định. Nhiệm kỳ nào của Hội Đồng cũng có thành viên Văn Bút. Như nhiệm kỳ I (1972-1974) có LM Thanh Lãng, nhiệm kỳ II (1974-1976) có Nhật Tiến, cả hai đều đắc cử nhân danh đại diện cho Trung Tâm Văn Bút VN.
Trong khuôn khổ bài viết chỉ nói về Nhất Linh nhân dịp triển lãm và hội thoại về hai tờ báo Phong Hóa và Ngày Nay, tôi xin tạm chấm dứt phần nhắc tới Hội Bút Việt và xin bước qua phần Giai Phẩm Văn Hóa Ngày Nay do Nhất Linh chủ trương.
(còn tiếp)
0 comments:
Post a Comment