Kênh Tên Miền chuyên cung cấp tên miền đẹp, giá rẻ! Hãy liên hệ kỹ thuật: 0914205579 - Kinh doanh: 0912191357 để được tư vấn, hướng dẫn miễn phí, Cảm ơn quý khách đã ủng hộ trong thời gian qua!
Saturday, 28 September 2013

(Dân trí) - Thuê nhà với sinh viên Mỹ thuật là cả một quá trình bởi đi tới đâu bà chủ nhà cũng kêu ca “sinh viên học họa bẩn lắm”. Đó chỉ là một trong vô số điều mà sinh viên Mỹ thuật gặp phải trong suốt 4 năm đại học.

 
Nhiều chủ nhà sợ sinh viên mỹ thuật "bôi vẽ" khắp nơi
 
“Tay xách, nách mang”

Một hình ảnh quen thuộc ở các cổng trường đại học, nơi có sinh viên theo học ngành Mỹ thuật, đó là hình ảnh các cô cậu sinh viên vừa đi vừa “cắp” theo một chiếc bảng to đùng. Với những người không biết thì lấy đó làm điều lạ, thậm chí tò mò chỉ trỏ. Nhưng với những ai quá quen với hình ảnh này, nhất là với những người trong cuộc thì đây là điều hết sức bình thường.

Cũng giống như nhiều ngành học khác, để có thể học tập được, sinh viên Mỹ thuật bắt buộc phải có “đồ nghề”. Một bộ “đồ nghề” đầy đủ của họ bao gồm: xô nước, hộp màu, bút vẽ, bảng pha màu…và tất nhiên không thể thiếu bảng vẽ. Tuy nhiên, để mang được chiếc bảng to đùng như vậy lên giảng đường cũng là một chặng đường “gian nan”. 

Bạn Trần Thủy, sinh viên năm thứ 3, trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương chia sẻ: “Mang bảng theo rất “khổ”. Nhiều khi ngại mang lắm. Tớ đi xe đạp đến trường nên một tay lái xe, một tay ôm bảng, vướng víu, rất bất tiện. Không muốn mang nhưng vẫn phải mang. Vì nếu không mang thì không có gì để vẽ”.

“Ngày bình thường, trời nắng ráo thì không sao, chứ gặp hôm trời mưa thì ôi thôi, đúng là ác mộng. Bảng ướt hết. Lên lớp không tài nào vẽ được. Phải đợi cho bảng khô một lúc mới có thể tiếp tục. Vậy nên, những hôm nào mà học cả ngày, nhất là trời mưa bọn tớ tranh thủ đem bảng lên gửi nhờ đứa bạn ở ký túc xá. Đỡ phải mang về, đỡ mệt”, Thủy cho biết thêm.

Với những người đi xe buýt, xem ra công việc “tay xách, nách mang” còn khổ hơn nhiều. Gặp hôm xe buýt đông người, phải anh tài nào dễ tính thì không sao, chứ gặp mấy ông “tính nóng như lửa” thì phải dè chừng. Nếu không bị “bỏ bến” thì cũng chuẩn bị sẵn tinh thần nghe họ ca cẩm “Xe đã đông lại còn “đèo bòng” thêm cái bảng”.

Mai, lớp K37G, Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương tâm sự: “Đi xe đạp mang bảng đã khổ. Đi xe buýt tớ thấy khổ hơn nhiều. Mấy lần đi xe buýt mang theo bảng bị anh tài xế rồi hành khách trên xe nhìn như “thiên thể lạ”, tớ cạch luôn. Theo tớ đi bộ là tiện nhất. Nhưng ở xa như tớ mà đi bộ thì mất nửa ngày mới đi tới trường. Tớ phải chấp nhận đi “con ngựa sắt” bố mẹ mua cho hồi học cấp 3, mặc dù nó đã cũ lắm rồi”.
 

Là sinh viên mỹ thuật, nghĩa là bạn phải sống chung với màu vẽ...

Chấp nhận ở bẩn

Tìm được nhà trọ ưng ý với sinh viên Mỹ thuật không dễ chút nào. Bởi như có “phản xạ”, hễ cứ thấy sinh viên học họa hỏi thuê là bà chủ nhà lại từ chối khéo: “Bác không cho thuê đâu, sinh viên học họa bẩn lắm. Lần trước có mấy đứa học Mỹ thuật ở đây rồi nên bác biết”.

“Chấp nhận ở bẩn”, đó là lẽ thường tình của sinh viên học họa. Bởi vì lý do “nghề nghiệp”, việc màu vẽ giây ra nền nhà là điều không thể tránh khỏi. 

Thùy Dương, sinh viên trường ĐH SPNTTW kể lại: “Mỗi lần vẽ là một lần tớ phải dọn nhà. Màu dây đầy ra sàn nhà. Đồ đạc trong nhà nó cũng không “tha”, tường nhà, bàn học, thậm chí cả nồi cơm điện nhà tớ cũng “nhuộm đỏ”, rửa mãi không sạch. Quần áo tớ thì lúc nào cũng lem nhem toàn màu là màu. Lúc đầu tớ cũng thấy bẩn lắm. Nhưng dần thành quen. Bây giờ thì không thấy bẩn nữa. Việc học của chúng tớ là thế mà. Không muốn cũng phải chấp nhận”.

Quả thực, “tác nghiệp” với sinh viên Mỹ thuật là phải như vậy. Với những người trong cuộc thì dễ cảm thông cho nhau. Còn với những người ngoài cuộc, những người sống cùng sinh viên mỹ thuật cũng phải hiểu và chấp nhận “sống chung” với màu vẽ.

Thùy, sinh viên trường Cao đẳng kinh tế công nghiệp Hà Nội chia sẻ: “Tôi ở cùng 2 người học họa. Lúc đầu cũng thấy bẩn lắm. Mỗi lần bạn tôi vẽ là mỗi lần nhà tôi thành một “bãi chiến trường”, đồ đạc, màu vẽ, bảng vẽ, bút vẽ… lung tung mỗi thứ một nơi. Nhưng ở lâu cũng quen dần. Bây giờ mà lâu lâu bọn nó không vẽ là tôi lại thấy nhớ nhớ, như thiếu một cái gì đó”.

“Bẩn thì có sao đâu. Người ta bảo “Ăn bẩn sống lâu” mà”, Thùy cười nói.

Quả thực, mỗi ngành nghề lại có yêu cầu khác nhau. Với sinh viên mỹ thuật cũng vậy. Dẫu cho việc học có bắt họ phải “khác người” đôi chút thì họ vẫn chấp nhận và phấn đấu hết mình vì lòng yêu nghề. Những người sống cùng họ cũng vui vẻ và coi đó là điều thú vị. “Sống với sinh viên mỹ thuật là phải như vậy mà”, Thùy chia sẻ thêm.

Nguyễn Thúy

0 comments:

Post a Comment

Popular Posts