Kênh Tên Miền chuyên cung cấp tên miền đẹp, giá rẻ! Hãy liên hệ kỹ thuật: 0914205579 - Kinh doanh: 0912191357 để được tư vấn, hướng dẫn miễn phí, Cảm ơn quý khách đã ủng hộ trong thời gian qua!
Sunday, 22 September 2013

Diễm Châu là một tài năng thơ đặc biệt. Bạn đọc trong nước không có mấy dịp tiếp xúc với thơ của anh.
Mười bài ở Paris & những mảnh rời in lần thứ nhất tại Lộ-trấn, Pháp vào cuối năm 1999 trong tủ sách TLT/ TB (Tư Liệu Thơ/ Trinh bầy), khổ 9.9 x 21, tái bản năm 2000 (có thêm một số bài)... Ấn bản khổ 10.5 x 14.85 in lần đầu vào năm 2000, tái bản năm 2001 (cũng có thêm một số bài). Ấn bản này (2002) là lần in thứ năm và bản chót.
MƯỜI BÀI Ở PARIS

& NHỮNG MẢNH RỜI [I]


Rơi từ khoảng không tới khoảng không,

như một cánh chim rơi xuống để chết

và đột nhiên cảm thấy mình tiếp tục bay.


ROBERTO JUARROZ (1925-1995)



Mười bài ở Paris:


                                               Du sei wie du, immer.

                                                              Paul Celan


ngày mai

những con ốc sên mi nuốt trong vườn

sẽ trở lại đất

và mi

kẻ âm thầm đãi bụi

từ ngọn núi ngai vua

mi sẽ rời xa những lâu đài nhã tập

đem theo một thìa bóng

và bông mộc lan duy nhất còn lại ở một khu vườn của paris


— gửi PKK., PN., và anh chị ĐMT.



*


chữ N lớn nằm trên những bức tranh nhỏ:

những đường gờ trồi lên rối rắm tháo tung và đọng lại thành những vết máu

màu trắng màu hoàng thổ chế ngự một nền ngôn ngữ thẫm, vạm vỡ

nói cùng những chậu cây lùn đang quằn quại –

sự sống là muôn thủa


— tặng họa sĩ PN.



*


dịu dàng & hối hả

những người đàn bà nai nịt những nụ cười dọn bữa ăn trên cỏ

những bàn tay gọn gàng nâng ly rượu mừng ánh sáng ngoại ô một ngày tháng tám


hối hả & dịu dàng

những nụ cười tiễn biệt

lát phẳng những con đường đã bắt đầu phân cách



*


có thật thế không:


        bông thược dược màu huyết dụ này, 

        chế bản truyện ngắn này,

        nhát cá thát lát này


là do cùng một bàn tay thực hiện?


những câu hỏi thật hiển nhiên:

bởi quê hương vạn dặm


— gửi NNG.



*


cái mũi xinh xắn như một trái mirabelle

nụ cười hé mở như hai cánh hoa đậu

và đôi mắt

đôi mắt tròn tinh anh

mà tiếng nói đôi lúc phủ lên màu hổ phách

im lặng tích tụ một lằng sét



*


ông ta bước vào nhà cùng với mọi người

chào chủ nhân và xin phép ra vườn

ông ta ngồi xuống một chiếc bàn tròn trong vườn

đốt điếu thuốc rồi xem xét cái lồng chim

mà nan lồng đã han rỉ và cánh cửa không còn nữa

(có phải con chim đang lách chách trên cành?) –

chỗ ở cũ của con chim đã được những cơn mưa buổi sáng quét dọn lau chùi

lúc này tá túc một cây cải nhỏ xíu

chủ nhân của con chim chẳng hề thố lộ

chỉ mỉm cười dịu dàng khi họ cùng nghe tiếng hót và nhận ra


ông ta trở lại với một ngọn tháp đứng tách biệt giữa một khu phố

đẩy cánh cửa hẹp nặng nề lách mình vào và thắp một ngọn nến

trong ánh sáng lờ mờ pho tượng ôm đứa bé và một cành huệ rũ cho ông hay:

vị tu sĩ cuối cùng & người bạn chăm sóc hương hoa

đã đi tìm một trời mới đất mới –

ở cuối phố



*


im lặng


làm gì có

                    ở thế giới này


hàng cây rì rào

đường phố vang động tiếng người, thú

                                                               xe cộ

ngày đêm

                    mặt trời nổ

                                            những dòng nước;


trong không

                                gió

                                                  vẫn bồi hồi


im lặng –


chuông thủy tinh chụp xuống


tiếng nức nở

một linh hồn


— tặng Th. A.



*


từ núi rừng vosges trở lại một trung tâm ánh sáng

mi ngạc nhiên nhận thấy kẻ đón chào mi là một con sẻ

con chim ấy cùng đi với lũ bạn

sà tới chân mi

        

       âu yếm

                     trìu mến

                                      ngước nhìn mi


mi sục tìm trong túi xắc một mẩu bánh

túi xắc đầy bụi

không có lấy một hạt vừng như sự tích kẻ đi cầu vồng

và mi chợt nhớ tới một vách tường phủ đầy cây dây leo ở bắc mỹ nơi mi đã miệt mài –

những con sẻ từng bầu bạn với mi ở đó đều phong lưu hay ít ra cũng to gấp đôi gấp ba

mi cũng nghĩ tới một mái tranh còn lơ thơ rủ đôi mình trấu lép ở quê nhà

nhưng những con sẻ ở chốn xưa – những con sẻ ra ràng với đôi mép màu bơ

vẫn đậm hơn con chim trước mặt

mi ngượng ngùng nói với nó:

chào em

cánh chim thương mến đầu tiên của đất liền

tôi chỉ là một kẻ đãi bụi ở sông rhin –

một khách qua đường

rồi mi quày quả rời sân ga

bỏ trốn một nụ cười hãy còn lơ lửng



*


                          in memoriam paul celan (1920-1970)


trong họng con thú

giữa tiếng hú hãi hùng

chuyến xe điện ngầm đưa tôi trở lại

cây cầu mà từ đó anh đã bay đi

«bằng chính những vết thương của mình»

cây cầu

mà một người ba-lan nọ đã khoác lên bài thơ


nếu thời gian là dòng nước đen kia

thời tôi đang đứng bên trên nó

kiếm tìm anh

kẻ đã băng qua


hàng cây trên bờ vẫn chỉ là hàng cây của hôm nay

không một chiếc nhẫn nào thức giấc trên chùm lá


tôi chính là «nạm thóc» –

«người anh em châu á»

kẻ đã gục ngã trong bài thơ anh

tôi đã đào tôi tới mãi tận anh

bởi trong người không có đất


nơi bãi biển trái tim

tôi kêu gọi anh –

kẻ mang thương tích một vì sao

kẻ kiếm tìm thực tế:

     hãy đặt muối

                đặt đá

                            đặt ngôi sao của anh

     trong đêm tối của tôi

     trong nỗi bất hạnh một đời của chúng ta


kìa người ba-lan đã ra hiệu:

(không có một niềm vui nào sau nỗi đau cả)


anh –

kẻ không thể khẩn cầu

hãy che phủ lấy nhau

bằng «trấn thành quan yếu nhất»

nơi «mất là không mất»


— gửi martine broda



*


tám cây vĩ cầm & đại vĩ cầm

ba người đàn bà & năm người đàn ông

áo quần xoàng xĩnh nhưng bộ điệu nghiêm chỉnh

trên sân ga miền đông

paris với lũ chó săn bịt mõm sẵn sàng

những chiếc nón chào mào lập lờ trôi nổi

như muốn nhấn xuống đôi chút tiếng vỗ tay tán thưởng

của những khách chờ tầu đường trường nằm ngồi la liệt


bản nhạc vừa chấm dứt

tiếng nhạc lại bắt đầu

tám cây vĩ cầm & đại vĩ cầm

trên một chiếc bè tròng trành nghiêng ngả rời sân ga

ánh sáng vỡ trên đầu những chùm lá



& những mảnh rời:


Trong hành trình ngắn ngủi của chúng ta trên trái đất, một quê hương vẫn thường được áp đặt lên mỗi

người chúng ta; quê hương ấy chỉ có ý nghĩa đối với chúng ta khi chúng ta tự ý biến đổi tình trạng

trên thành một tình yêu vô hạn hoặc vô điều kiện. Có lẽ thơ là một quê hương hay kẻ báo hiệu một

quê hương mà chúng ta thực sự có quyền chọn lựa, cái quyền bất khả nhượng cao quý mà thiếu nó,

chúng ta chỉ còn là người... Nơi quê hương trần thế của mỗi người chúng ta, phải nhìn từ xa

mới thấy hết, có lẽ thơ cũng là cõi... từ xa ấy.

DC.

(trích lời tựa Ở phía nam của tâm hồn tôi, 1995.)



PHÍA NAM


Tôi không nhìn thấy em nhưng nghe tiếng ríu rít

Sơn ca

Ở mãi trên cao ấy

Phía nam của tâm hồn tôi


Bông mỹ nhân thấp thoáng trên cánh đồng lúa chín.



BÀI CA TRÊN BẾN BẮC


Tôi đi tìm con tôi trên chiếc xe đạp này

chiếc xe còn lại của cả một đời tôi hơn 80 năm..

tôi không còn nhớ mình đã ăn sáng ăn trưa hay chiều tối

tôi đi tìm con tôi, đeo tấm bảng: "Tôi đi tìm con tôi..."



*


ngày trước

tôi đã mơ

những cột báo chạy dài đến vô tận

trên sóng biển ì ào ngày đêm của những giàn máy

loan báo với mọi người mọi thế giới

giấc mơ tôi

 

tôi đã mơ

một con ngựa trắng cao hơn hàng bao lơn của cha tôi

một vườn cam bát ngát

những đứa trẻ xoay vòng vòng quanh một ve sấu dầm

và những trái nhót mọng hồng để lại ánh bạc

         trên túi áo len

ních những kẹo bi

 

tôi đã mơ

cả đến những gì rất hiện thực trên trái đất

 

và lúc này

tôi mơ

những dấu chân chim phai dần

để lại một nụ cười lặng lẽ

        trên khoé mắt

giấc mơ tôi



CA NGỢI BẢN THÂN


Tôi nói với không khí:

tình trong và tình ngoài cũng là tình cả..


tôi đang đi giữa cánh đồng mùa đông

cả đến bầy quạ chiều nay cũng trốn rét

lũ thỏ ẩn kín dưới hang sâu

vài mảng tuyết trên đường rung rinh như kỷ niệm


tôi bước tới chầm chậm

những tầng mây cũng chậm lại theo tôi

một lưỡi dao giải phẫu

lùa qua những vách mây


tôi là một người bị phân xẻ

giữa những gì tôi yêu & những gì tôi yêu

tôi nói tới một người, – một người trọn vẹn

nhưng trọn vẹn tôi còn có nhiều tôi..


tôi đi giữa những bụm cỏ muộn phiền nhớ mình là một loài dế

ánh sáng đùa rỡn trên vai:

những sắc hồng sắc thắm mặt trời đảo lộn

mùa tím than còn đọng mãi trên người


tôi cất lời ngợi ca tôi và khoảng không

rằng tình trong

                        và tình ngoài

                                             cũng là tình cả



KHAI BÁO THỰC TÌNH


Đã nhiều năm tôi làm nghề xuất bản, giả bộ xuất bản: mỗi tháng tôi in một tập thơ (vài triệu cuốn, thơ của mình thơ của người) gửi cho bạn bè người quen, các tạp chí văn nghệ...


Tìm cách giải thích điều khó hiểu này, một bạn gái yêu thơ đã viết cho tôi: anh là người ham cho và người đời thời ham nhận... Phấn khởi vì khám phá ra chân lý, nàng hứa sẽ san sẻ những gì tôi gửi cho.


Đôi khi tôi cũng tự hỏi: phải chăng đây chỉ là một cách níu bám dĩ vãng. Dĩ vãng—những gì đã qua hoặc sẽ qua? Giữa bọn cướp ngày và bọn giặc nước, chúng tôi không có quyền chọn lựa. Giữa những thảm bom và lối mòn đầy thây người vô thừa nhận, chúng tôi không thể chỉ biết khóc. Và tia lửa đã bùng lên... Và rốt cuộc, giữa những thây người mới hoài công thét gào anh em, chúng tôi đã gia nhập họ.. Đào. Chúng tôi tiếp tục ca múa trên sóng nước, – kẻ chìm vào bụng cá làm đấng tiên tri muôn thủa, đứa tiêu lòn trên ngọn mù u gọi hồn người dấu yêu...


Không, dĩ vãng đã qua thật rồi, tôi tự nhủ, nhưng dĩ vãng vẫn tới. Tôi đang sống hôm nay cũng là sống dĩ vãng của ngày mai.


Tờ tạp chí của người bạn gái đã "tự ý" đình bản. Nghe đâu cũng chỉ vì nàng là một kẻ ham cho và người đời thời ham nhận.. Ở đâu đó nổi trôi giữa đám bọt sóng vật vờ, đôi khi tôi vẫn còn nhìn ra một dòng thơ của nàng. Như một chiếc phao trên mặt biển im lìm tạm bợ. Như một vòng hoa dành cho một giấc mơ cũ kỹ. (Khi sống những gì các nhà thơ viết, tôi cũng sống những giấc mơ).


Tội nghiệp. Chúng tôi vẫn ra sức níu bám những giấc mơ. Được bao lâu nữa? — Cho đến khi những áng mây chia lìa? — Không, cho đến khi những áng mây, vốn là những bông hồng, "lại trở thành những bông khác, không dứt"...* Vì chúng tôi quan niệm:


Tất cả đều bắt đầu bằng những giấc mơ. Và giấc mơ trả lại cho chúng tôi tự do. Bây giờ & mãi mãi.


------------------------

* Jorge Luis Borges.



BÀI CA TRÊN ĐỒI


giản dị như nụ cười ngày đầu

đôi môi chúng ta lại gặp nhau

13 năm thiêu trong vàng của gió

paris ngoan như một bầy cừu


khói lò sát sanh nhạt nhòa

hoa muguet nở

hơi thở

chục 13

thơ tập tành vần điệu

tim nhịp đôi


giản dị như nụ cười không một hôm sau

đôi vai chúng ta chỗ tựa đầu

13 năm vàng thiêu trong gió

paris tóc bạc quấn tóc nâu.


Sacré-Coeur, Paris 1996



SỮA ĐEN


từ bầu trời trắng đục

người giao sữa đã tới:

«sữa đen

dùng cho năm tuổi!»

mi cúi đầu:

cảm tạ.



CHO MỘT NHÀ THƠ


Hãy để người yên nghỉ trong cơn hôn mê này

đừng nhắc nhở

những gì người đã nói với những kẻ gần gụi

– về một cơn mê trong đời

về một bọn người không mặt.


Hãy cất đi những viên đạn đồng chữ nổi hay chìm

những sài-gòn thủ đô văn hóa,

hà-nội ở đâu đó..

Hãy để người yên nghỉ

đừng xô lệch những miếu đền.


Hãy mở rộng những lối mòn người khai phá

và cầu chúc người đạt tới vĩnh hằng

trong con tim của những kẻ

đã tìm thấy lại những trái tim thất lạc.


Hãy nắm lấy tay người thật lâu

để người nhận biết hơi ấm

và chúc lành cho chúng ta –

những kẻ còn mê mệt đuổi theo mộng mị,

bởi hà-nội    huế    sài-gòn

(hay bất cứ nơi nào khác)

vẫn có thể trở thành những thủ phủ của trái tim.


Lộ-trấn, IX. 97.



CÁI CHẾT ĐÃ ỔN ĐỊNH


                       tặng các bạn lao động

                       Việt-nam ở Đông Âu


Vào giờ của định mệnh

hay của bữa điểm tâm văn nghệ *

chúng tôi lần lượt được gọi ra

để nói về thiểu số của chúng tôi –

những bầy người thất lạc

ở Ba-lan   Bosnie   Đức quốc

Ru-ma-ni   Tiệp-khắc..   châu Âu

– ở khắp nơi trên mặt đất này


Giữa những «nhà điêu khắc của lưu đày và bật gốc»

giữa những người «gi-tan siêu hình của ngày lại ngày»

giữa những hồn ma thi sĩ vừa trở lại

từ trại chết trại lao động vinh quang của các nước

tôi nói về kinh nghiệm một thiểu số tuyệt đối –

thiểu số của một người

bị nghiền nát giữa hai thế giới...


Và khi bạn «cất tiếng hát Đông phương» huyền nhiệm

xoa dịu những vết thương của tình anh em

tôi nghe những mũi gai của hiện thực đời mình

những mũi gai đã lận vào bên trong;

những đường gân xanh xao

cuốn đi những hòn đảo tế bào phiêu dạt...


Còn có nhịp cầu nào bắc qua châu Âu của các bạn

mà sao, dưới lượn sóng ngầm, tôi vẫn nghe tiếng chim?

Còn có những bàn tay nào vói qua châu Á

mà sao từng cánh lá gục ngã trong lòng tôi?


Thiểu số của một người!

Trong lặng thinh khiếp nhược đồng lõa

cái chết đã ổn định.


(1997)

 

* đọc tại Đại hội lưỡng niên các nước Trung Âu (Biennale Mitteleuropa) lần thứ VI, ở Schiltigheim, Pháp.



LIỆT KÊ & MÔ TẢ MỘT SỐ VẬT DỤNG* Ở THẾ GIỚI BÊN KIA


                                             tặng Roland Reutenauer


trong chuyến viễn du về thế giới bên kia

những người quá cố đã mang theo nhiều vật dụng của đời sống hằng ngày:

giữa những vũ khí, nữ trang, đồ gốm và thủy tinh

là những con ngựa nhỏ thó bờm rậm mắt tròn

chân trước gập lại đính liền với chân sau

ấy những con ngựa ở Yên-sa thế kỷ 5 và 6, sau khi đế chế La-mã sụp đổ,

dùng để kẹp áo quần.


(1997)

 

* có thể thấy tại Viện bảo tàng khảo cổ ở Lộ-trấn, Yên-sa, Pháp. (DC.)



NHỮNG BÔNG HỒNG


ngày trước có một kẻ thương mi nói:

đây là giờ phút anh cần nghỉ ngơi và

chăm sóc hoa

mi đã buồn rầu giận dỗi,

để hôm nay, khi bước ra vườn

bắt gặp một bụi hồng

với hai đóa hoa đã nở từ mùa hạ

miệng đầy sương giá

gắng mỉm cười với mi,

mi bồi hồi nghĩ tới những chăm chút của hoa

và chợt muốn ôm ghì lấy mảnh trăng liềm nhọn bén



ĐI DẠO


một con chim sẻ đội nón chào mào

thoăn thoắt trên con đường trải sạn

vẫn một con chim ấy đã băng ngang đường hôm qua

và có lẽ sẽ còn vội vã ngày mai nữa

hốt nhiên mi nhớ đến một người em gái

có nước da trái mận và những lọn tóc màu lúa chín già

giữa những người xa lạ ở cố hương,

và thiên nhiên khẽ rùng mình trong lớp lông thú

không hề muốn trở thành manh áo lót khoác

     trên người mi


một con chim sẻ đội nón chào mào

thoăn thoắt thoăn thoắt thoăn thoắt mãi

trên con đường trải sạn trong đầu mi



THUYỀN GIẤY


... đập nát một viên ngói cũ

cũng chỉ thấy một mảnh trời xám màu chì

mưa như chân nhện chấp chới trên lối đi

một con thuyền giấy bềnh bồng bên dòng lũ!


XII. 97



BI CA


trên cành mùa đông

một trái cây vừa rụng

mặt hồ nín lặng

con cá hỏi gợn sóng:

ngươi là ai

chuyện gì đã xẩy ra

chiếc ghế ông hoàng bỏ trống

cái nón kết ấy đi đâu...


«nguyên sa/ nguyễn sả

giữa đám đông

nào có hề gì . . . », người đã

kể, khi tôi cùng người & em lội gió

trên xa lộ ở ca-li một ngày

núi

      lẫn với những bóng mây

trong mắt người & tôi, hoa,

«người em gái không cùng họ»,

không hẳn là một từ của

người mù . . . *


con cá hỏi vần mây xưa:

vì đâu hoa & trái đều rụng


IV-IX . 98

 

----------------

*  Hoa - một từ của người mù

    (...)

    Thêm một từ như thế, thời những chiếc búa

    sẽ nẩy lên giữa không trung. (Paul Celan)



PHẾ TÍCH


Một ông già hết ngồi lại nằm

Nhìn hai tấm kính cửa và một bầu trời xám


Những tiếng động trờ tới lui xa nhưng vẫn âm âm

Như một tiếng than dài không dứt...


Ấy đời mi sau biết bao năm

Bon chen  ê chề  rã rượi  cùng kiệt


Mi ở lại bên đường như một phế tích

Dưới bầu trời xám.


14 mars 1999



LÀM SAO DỊCH HẾT THƠ CỦA MỘT NGƯỜI...


Tôi muốn dịch

tất cả những bài thơ

của một người

bởi mỗi bài thơ

phản ánh

một khía cạnh

của cuộc đời ấy,

tất cả những bài thơ...


Nhưng không thể được.


Hơn nữa

một bài thơ (dịch)

cũng chỉ là phản ánh của phản ánh.


Tựa như trên chiếc lá giọt sương

phản ánh nhạt mờ của mấy sắc

cầu vồng


Và cầu vồng

cũng chỉ là...


Làm sao

làm sao dịch hết thơ của

một đời. . .



*


Cả những người cộng sản nữa

cũng cần thơ.

Để nhìn thấy

trong vinh quang chiến thắng của mình

những giọt nước mắt ứa ra khi nằm xuống

những người không cộng sản.



NÓI VỚI NHỮNG NGƯỜI ĐI TỚI


Tôi biết

các anh chị dùng từ tục tĩu

không phải là vì muốn tục tĩu

(Các anh chị vốn là những người lễ độ

quá lễ độ nữa –)


mà là vì muốn chặt vào ót xương sống

của những kẻ tục tĩu

những kẻ giả hình

những kẻ bóp nát tự do

tuyệt đối


để tự khẳng định

mình khác

(mỗi người đều có quyền khác

mọi người).


Tội nghiệp

ngôn ngữ,

khí cụ để cảm thông!

Có những người ở lại mãi một tuổi đời

kể cả tôi.



*


Bởi giấu mãi nên tôi không còn thấy

những gì mình đã giấu:

một chút đam mê của buổi đầu

nửa mảnh tim

những hình ảnh vùi sâu trong trí nhớ...

Khi vườn nho vàng lay động trên những sườn đồi

giữa Yên-sa và nước Đức

tôi biết thu vàng vẫn còn đó!

Khi em thẫn thờ bên cụm cây ao cá

ở phía Nam

tôi thấy,

in lờ mờ trên bóng nước,

hình ảnh người chồng –

kẻ tiếm đoạt –

của em


Ôi phía Nam

phía Nam bao giờ lại trở thành miền Nam

với Sài-gòn yêu dấu!



*


Chuyện cấp bách với anh bây giờ

là đôi chân –

đôi chân có còn đủ độ dẻo

để băng qua dĩ vãng rửng rưng

hiện tại man mọi

tới một ngày mai hửng nắng.

Trái đất này có biết bao con đường

nhưng tại sao chỉ có mình anh

phải bước mãi giữa những lùm gai góc.

Anh bắt gặp một con chó

nó vẫy đuôi:

nó đã tìm ra một con đường...

Còn anh?

0 comments:

Post a Comment

Popular Posts