Faith RINGGOLD - Lá cờ đang toé máu (1967) |
Mời các bạn trở lại với lá cờ USA - không phải lúc nào cũng tượng trưng cho tinh thần quốc gia hay chủ nghĩa dân tộc vì nó có mặt trái nhuốm máu vì bạo lực và tội ác. Nhìn ra điều này dĩ nhiên chẳng phải nhờ tư duy ý niệm mà trên hết bằng kinh nghiệm nạn nhân của chế độ nô lệ, đặc biệt dân da đen ở Mỹ. Bằng vật liệu dân gian thô mộc, tấm tranh vải khâu (quilt) của nữ họa sĩ da đen Ringgold tự nó chứa một thông điệp rõ nghĩa qua hình tượng người Mẹ bảo bọc các Con trần trụi trong khi máu (không phải sữa) ứa ra từ vú ngực ! Vào thời điểm ấy, trong khi Minimal Art và Pop Art ngự trị các gallery trưởng giả da trắng, bức tranh này quay lưng với các trường phái trừu tượng, ý niệm hay thương phẩm hóa để trở về với chủ nghĩa hiện thực lớn - hiện thực phê phán da màu còn có tên là Political Realism (chủ nghĩa hiện thực chính trị).
American People, Black Light
American People, Black Light
Sau nhiều năm tranh đấu chống chính sách kỳ thị da trắng, cao trào civil rights đòi quyền bình đẳng công dân đến thập niên 60 kết tinh nghệ thuật trong cuộc vận động của Black Arts Movement như một tuyên ngôn của mỹ học giải phóng: Khi self-image (dung mạo của cái Tôi) bị các clichés xâm phạm, nghệ sĩ phải giành lại quyền biểu hiện bản sắc và lai lịch trung thực của cộng đồng. Trong vô vàn tranh ảnh của phong trào mỹ thuật tranh đấu, các họa phẩm mang tính tự sự cao như bức tranh Người gặt lúa của nữ họa sĩ Mỹ gốc Mexico Catlett Mora qua bút pháp ký họa tả chân vừa nhắc lại quá khứ của thân phận nô lệ trên nhiều tiểu bang phía Nam Hoa Kỳ, vừa khôi phục bản sắc lịch sử của nòi giống bị ngôn thuyết da trắng cố tình bôi xóa.
Faith RINGGOLD - Chân dung tự họa (1965) |
Trong cuộc triển lãm tranh bà gần đây "American People, Black Light: Faith Ringgold’s Paintings of the 1960s" tại National Museum of Women in the Arts ở Washington, ngày 19-6- 2013, nữ họa sĩ da đen hàng đầu đã giải thích ý nghĩa của nghệ thuật đối kháng (confrontational art) qua những họa phẩm sinh động thể hiện sắc nét các đề tài màu da, giới tính và quyền công dân của mình. "I didn’t want people to be able to look, and look away, because a lot of people do that with art. I want them to look and see. I want to grab their eyes and hold them, because this is America." (Tôi không muốn người xem được quyền ngắm tranh rồi quay lưng bỏ đi - bởi lẽ có nhiều người đối xử với nghệ thuật như vậy.Tôi muốn họ nhìn cho ra. Tôi muốn nắm bắt và giữ chặt đôi mắt của họ, vì đây là hình ảnh nước Mỹ.) Bức chân dung tự họa trên đây cho thấy họa pháp tổng hợp truyền thống dân gian Phi châu với mỹ học thời đại (ảnh hưởng Pop Art và bích họa , đặc biệt từ các nghệ sĩ Mễ tây cơ) - đồng thời là sự khẳng định văn hóa- chính trị của người nghệ sĩ không thuộc dòng nghệ thuật chủ lưu phương Tây.
Bên cạnh sự vùng lên của nghệ thuật da đen ở Mỹ là các tài năng tạo hình của châu Mỹ la-tinh, đặc biệt là trường phái Mexico với các nghệ sĩ cách mạng như Rivera, Siqueiros, Kahlo,...Từng là vợ của Diego Rivera và cũng theo đảng Cộng sản như chồng, Frida Kahlo sinh năm 1903 là một huyền thoại của hội họa hiện đại. Nhiều năm sống và sáng tác ở San Francisco hay New York, kết bạn với Breton, Picasso, Duchamp ...ở Paris, từng bước bà cố ra khỏi tầm ảnh hưởng của các họa sĩ đàn anh quốc nội cũng như quốc tế để vươn lên một mỹ học riêng vừa hiện thực vừa biểu tượng, với những chấm phá siêu thực chủ nghĩa.
Frida Kahlo - Vú nuôi và tôi (1936) |
Cũng như các bạn nghệ sĩ da đen quay lại nhìn ngắm các mặt nạ bộ lạc sơ khai, giới tạo hình Trung - Nam Mỹ cũng tìm về văn hóa thổ dân trước Columbus và sự xâm lăng da trắng. Mang hai dòng máu (mẹ Mễ cha Đức) , chứng phân thân hiện sinh ở bà được Kahlo nâng lên thành biểu tượng của sự lai tạp lịch sử Mỹ la-tinh, vừa ngậm vú mẹ thổ dân vừa tập nói ngôn ngữ và văn hóa Âu châu (Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha rồi Hoa Kỳ về sau) .
Michele Wallace - giáo sư chuyên về nữ quyền và nghệ thuật da đen, đồng thời là con gái của Faith Ringgold kể lại câu chuyện sau đây. Lúc chín tuổi được mẹ dẫn đi tham quan các di tích văn hóa và bảo tàng mỹ thuật ở Pháp và Ý , ở đâu bà cũng chỉ thấy dân da trắng phương Tây trong tranh tượng, nhà hát kịch, hay truyền hình điện ảnh. Có lẽ ý thức về một khoảng trống nào đó đã thôi thúc người mẹ họa sĩ của bà sau đó cất tiếng nói trong sáng tạo hầu dành lại chỗ đứng cho văn hóa và mỹ thuật da đen ở Mỹ và trên thế giới. Và câu hỏi năm 1949 của triết gia Ortega Y Gasset khi viết cuốn Nghệ Thuật mất Nhân Tính nhận định về tiến trình song hành của triết học và nghệ thuật Âu châu trong cuộc khảo sát đầy nghi vấn về tồn tại và hữu thể, càng ngày càng loại trừ mọi hiện tượng của trần gian: "Ta biết tìm đâu ra vật liệu để kiến tạo lại thế giới ?" đã được các nghệ sĩ tạo hình da màu trên khắp trái đất trả lời bằng những sáng tác cụ thể, có khả năng chinh phục người xem bằng sự thật hiển nhiên của lịch sử đấu tranh sinh tồn, và những bằng chứng mỹ học mới về cái Đẹp không cần chờ sự chứng nhận của giới hàn lâm hoặc phê bình Âu-Mỹ.
CHÂN PHƯƠNG
CHÂN PHƯƠNG
0 comments:
Post a Comment