CHÂN PHƯƠNG dịch và chú thích tham luận của Vincent DESCOMBES (1) |
Hôm nay chúng ta thấy rằng khi đặt cho chúng ta câu hỏi này ban biên tập đã chứng tỏ khả năng nhìn thấu suốt: vấn đề chủ yếu trong các thập niên sắp tới chính là mô hình trí thức Pháp. Một cách ngắn gọn, người ta viện dẫn hai tham chiếu khi nhắc đến mô hình ấy. Cái thứ nhất tìm về quá khứ huyền thoại của người trí thức Pháp như là “lương tâm vĩ đại”; bộ ba văn hào Anatole France, André Gide, Jean-Paul Sartre đại biểu cho điều này. Tham chiếu thứ hai ngược lại không nêu danh tác giả cá biệt nào mà chỉ nhắc đến một trào lưu tư tưởng. Hay nói đúng hơn là sự hội tụ của một trào lưu — chủ nghĩa cấu trúc — với sự chất vấn nó là chủ nghĩa hậu-cấu trúc. Trong một không gian như thế, đâu là chỗ đứng của nhà triết học? Điều khó khăn cho tôi, lý do khiến tôi bị lấn cấn là ở đấy, hiểu theo một cách nào đó, triết học không còn được hiện diện chính thức trong khi hiểu một cách khác thì triết học tự nó lại chiếm đất quá nhiều. Thoạt nhìn thì triết học không tự tham dự vào việc định nghĩa một mô hình trí thức Pháp bởi vấn đề đặt ra là tính kế tục; sau nền đô hộ văn chương của các đại văn hào và những tạp chí thi ca là sự trị vì phù du của một dự án từ các khoa học nhân văn — vào lúc đó người ta thích gọi “khoa học nhân văn” hơn là “khoa học xã hội”. Còn cái gì diễn ra sau đó không còn ai biết trời đất gì nữa. Thật ra mà nói triết học chẳng hề vắng mặt trong bức tranh kia. Theo thiển ý, triết học đã chường mặt một cách thái quá dưới những hình dạng có hại vì không được chính danh, do đó nó khỏi phải tự biện giải như nó vốn là triết học chứ chẳng phải là cái thần của văn học, là thái độ chính trị hoặc các “tri kiến mới” (bí danh của mớ lý thuyết về vô thức, dù là theo Freud hay cấu trúc luận). Bởi “vai trò gương mẫu” của Sartre hiển nhiên dựa cả vào hình tượng của nhà tư tưởng hiện sinh cùng với những tiểu thuyết và kịch bản của ông. Về phần mô hình kia, ngay từ thời ấy người ta đã nhìn ra tính mâu thuẫn của nó. Quả thế, mô hình kình địch này không tự định nghĩa qua dự án khoa học nghiêm khắc của cách phân tích cấu trúc cũng không qua các cuốn sách trong đó các triết gia tìm cách đảo hoán cái dự án đó thành một lý thuyết phê phán khái quát mà đại để bằng cách kết hợp cả hai. Vào lúc đó chưa có sự ly cách giữa một thời kỳ cấu trúc chủ nghĩa — thời của các nhà nhân chủng và ngữ học — và một thời kỳ hậu-cấu trúc chủ nghĩa. Thời kỳ sau hôm nay hiện rõ dưới mắt chúng ta như một cách thức tái lập một dòng triết học có cùng nguồn gốc với tư tưởng của Sartre. Tuy nhiên cách phân đoạn thành hai thời kỳ chúng ta nhận được từ [các đại học] Mỹ mang tính lừa ngụy vì nó thể hiện như một sự kế tiếp trong thời gian[2] điều đúng ra là sự tranh chấp giữa ba đề án: hoặc là bảo tồn mô hình cũ của loại nhân đạo chủ nghĩa cổ điển về văn chương và đạo đức mà Sartre dù muốn dù không là người đại biểu cuối cùng; hoặc triển khai một chủ nghĩa nhân đạo mới từ sự tương đối hoá truyền thống Tây phương; hoặc sau rốt, theo kiểu các triết gia giả danh “hậu-cấu trúc”, lợi dụng tình thế để mặc nhiên tái lập vị thế chủ đạo của loại triết học văn chương[3] được trình làng như sự triệt để hoá “các tri kiến mới” mà người ta có lúc từng đối lập nó với triết học cổ điển về ý thức. Tôi nói “giả danh hậu-cấu trúc” bởi vì cách thẩm định này nói cho cùng là hồ đồ, đó là sự gợi ý đánh lừa ta rằng có sự chuyển tiếp từ qui thức lý giải này (paradigme explicatif) sang cái khác trong khi thật ra nó lại làm lộ rõ sự bất lực của thiên hạ chẳng biết phải gọi tên một thế hệ trí thức bằng cách nào khác ngoài sự qui chiếu hàm hồ của nó vào dự án của chủ nghĩa cấu trúc.[4] Điều mà không ai có thể tiên liệu vào thời đó là tương lai của mô hình trí thức Pháp sẽ không hình thành qua lối kế tục như người ta vẫn nói: trước thì chúng ta có đại văn hào, sau là nhà bác học lớn trong một ngành khoa học đạo đức (sciences morales). Nhưng ngày tàn của nhà bác học có vẻ sắp đến nơi và ai sẽ tiếp nối vị này đây? Mô hình trên đây quả nhiên cũng chịu những tác động của toàn cầu hoá vào cuối thế kỷ vừa qua khiến cho chúng ta không còn có thể tìm được một ai đó giữa chúng ta khả dĩ hoá thân làm đại diện (incarner) cho cái “mô hình Pháp” chính vì đối với chúng ta sự nghiệp của vị này sẽ có vẻ mang một tầm ảnh hưởng phổ quát. Các ý tưởng nghịch loạn của năm 1980 đã chứng minh rằng chúng có thể lan đến công chúng trên toàn thế giới nhưng với điều kiện là từ đây phải được diễn đạt bằng Anh ngữ, khiến cho chúng ta phải tái nhập cảng chúng và dịch trở lại sang Pháp văn những tiếng lóng nhà nghề (jargons) dùng trong các cuộc tranh luận trước đây của chúng ta.[5] Nhưng mọi điều trên đây chỉ thể hiện quan điểm của một quan sát viên. Vào năm 1980 câu hỏi được đặt ra cho những ai đang hoạt động, trong trường hợp tôi là đặt ra cho một nhà triết học. Có một điều tôi đã nhận rõ vào thời buổi ấy: nếu ai đó có một dự án triết học đúng nghĩa thì người ấy phải tránh không để cho mô hình này hay mô hình kia rù quến mình; mô hình của triết gia chỉ đúng nghĩa triết gia nhất là khi ông ta viết những vở kịch hoặc mô hình của nhà lý luận nghịch loạn khi ông ta đẩy các tri kiến thực chứng đến mức triệt để, cả hai mô hình xét cho cùng đều dựa vào huyền thoại “sự cáo chung của triết học”. Năm 1980 tôi từng thẩm định rằng: triết học sinh động — loại triết học người ta có thể thực hành một cách hữu hiệu bằng cách đề xuất các phân tích chứ không chỉ đứng ngoài mà bàn luận — không có chỗ cho nó trong mô hình lỗi thời của hình tượng đại văn hào cũng như trong mô hình của các nghịch ngôn loạn thuyết (subversions verbales). Nói chính xác đây vẫn là suy nghĩ của tôi vào năm 2010.[6] _________________________ CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH [1]Vincent Descombes là một gương mặt triết gia hiếm ở Pháp. Tương tự Bouveresse, ông chuyên về triết học phân tích — một nhánh học thuật không được đắt khách ở Paris nếu sánh với đám hậu-cấu trúc chủ nghĩa và các đệ tử của họ. Hiện nay ông giữ chức giám đốc nghiên cứu tại Học viện Cao đẳng Khoa học Xã Hội (EHESS, Paris). Đồng thời ông cũng là giáo sư về văn học Pháp tại University of Chicago, sau khi rời đại học John Hopkins... Cũng như Paul Ricoeur trước đây, Descombes góp phần xây nhịp cầu tư tưởng liên Đại tây dương (pensée transatlantique) giữa Paris với Hoa Kỳ, giúp cho các triết gia không đồng ngôn ngữ và văn hoá xoá bớt các định kiến hoặc sùng bái thần tượng. Là tác giả khoảng chục khảo luận, ông được nhiều độc giả biết tên qua tác phẩm quan trọng đầu tay viết về một giai đoạn chủ chốt của lịch sử triết học Pháp: Le Même et L’Autre: Quarante-cinq ans de philosophie française 1933-1978 (Les Éditions de Minuit, 1979) [Bản Anh ngữ là Modern French Philosophy (Cambridge UP, 1980)]. Ông còn là thành viên trong ban biên tập của tạp chí tư tưởng CRITIQUE (Pháp). Là một nhà triết học nghiêm túc, ông đã nêu ý kiến bất mãn trong nhiều trang viết về sự lợi dụng danh nghĩa triết học ở một số đồng nghiệp để lập thuyết nhăng cuội, điển hình là các lý luận “hậu-cấu trúc”. Trong toàn bài nhận định về mô hình trí thức Pháp này Descombes không màng nhắc đến postmodernisme, đó là một cách bày tỏ thái độ mặc nhiên của một người không có cảm tình lắm về việc “xào nấu” tư tưởng Paris ở một số phân khoa nhân văn Hoa Kỳ, chẳng hạn như môn văn học Pháp ở đại học Yale trước đây. [2]Trong giới hàn lâm Hoa Kỳ (cả Anh hay Úc trong chừng mực đáng kể), chủ nghĩa cấu trúc và hậu-cấu trúc thường được phân kỳ thành hai phần trước sau của lịch sử tư tưởng trong khi ở Pháp giới trí thức không thích từ post-structuralisme vì tính đối lập hình thức của từ ngữ. Cũng cần nhắc lại với độc giả người Việt một điều: các nhà đại lý luận như Foucault, Derrida, Barthes, Lacan, Baudrillard, Deleuze, Lyotard,... đều xuất thân từ lò Tout-Paris trong khi giới hàn lâm Hoa Kỳ đa số lại tiếp thu tư tưởng Pháp (French Theory) qua các bản dịch trung bình chậm trễ cả chục năm. Do quá trình tiếp nhận vừa gián tiếp vừa gián đoạn như thế, sự phổ biến tư tưởng và học thuật Pháp ở Mỹ lắm lúc không được trung thực, nếu không nói là bị lợi dụng theo chiều hướng kinh doanh văn hoá. Vấn đề tiếp nhận (reception) ở đây không chỉ bị ảnh hưởng vì cách biệt văn hoá mà còn vì những lý do ngoài học thuật thuần túy. Để tìm hiểu cụ thể hơn, ta có thể tham khảo chẳng hạn http://www.newworldencyclopedia.org/entry/Post-structuralism ... hay truy cứu Wikipedia về post-structuralism. Bên cạnh các chuyên khảo của Bourdieu, Debray, những ai chỉ đọc được Anh văn nên tìm Niilo Kauppi, French Intellectual Nobility, SUNY, 1996, một tài liệu lý thú về hậu trường tư tưởng Paris khi các trí thức postmodern soán ngôi thế hệ đàn anh bằng các xảo thuật trình diễn media. [3]Triết học văn chương (philosophie littéraire) là khái niệm mà Jacques Bouveresse cũng dùng để phê phán tính mập mờ “đánh lận con đen” của các tên tuổi kiểu Derrida, Lyotard, Lacan... Các vị này chơi trò đi nước đôi giữa văn và triết, chịu một phần trách nhiệm cho xu hướng phản-lý tính đã thịnh hành một thời gian dài trong các phân khoa nhân văn Âu-Mỹ. Lên tiếng đả kích phái “hậu-cấu trúc/hậu hiện đại” này là những nhà triết học hàng đầu như John Searle, Jacques Bouveresse, Juergen Habermas, Kwame Appiah... hoặc các nhà bác học như Bourdieu, Chomsky, Weinberg, Sokal... Có thể tham khảo Jacques Bouveresse, Noam Chomsky và những kẻ vu khống ông, Chân Phương dịch và giới thiệu (van chuong viet.org; amvc.free.fr). [4]Có nghĩa là sau chủ nghĩa cấu trúc hoặc cấu trúc luận (structuralisme) ở Pháp là khoảng trống lý luận, được lấp bằng cách nói tu từ khi các sách báo thời đó chế biến được thuật ngữ chủ nghĩa hậu-cấu trúc (post-structuralime) tự nó không chuyên chở một chủ trương thống nhất về tư tưởng hay phương pháp học thuật mà chỉ là những phát kiến hay quan điểm của từng cá nhân học giả được gộp lại. Về tính chất bất minh của các nhà hậu-cấu trúc luận ở Pháp, tiếng nói phê phán sắc bén nhất có lẽ là Jacques Bouveresse, Rationalité et Cynicisme (Minuit, 1984). Để tìm hiểu thêm về nhà triết học kiêm nhà đấu tranh tư tưởng này, cần tham khảo số chủ đề độc đáo của tạp chí Critique (tháng 8-9, 1994) về Bouveresse. [5]Khi một ngôn ngữ bị lâm nguy thì học thuật của quốc gia đó sẽ bị cướp luôn vị thế chủ soái của nó, cho dù đây là Pháp hay Đức ngữ. Vì đại đa số các học giả thời toàn cầu hoá chỉ đọc được các tài liệu qua tiếng Anh nên qui luật số đông càng ngày càng lấn lướt các nền văn hoá có uy tín lâu đời. Hậu quả là chính các nhà lãnh đạo chính trị và tư tưởng ở Âu châu lại cổ vũ cho việc sử dụng ngôn ngữ Anh-Mỹ toàn cầu hoá (anglo-american globish). Trên thị trường quốc tế về sách báo cũng như văn hoá phẩm, nền thống trị kinh tế của siêu cường Hoa Kỳ ngang nhiên đè bẹp các ngôn ngữ khác, phần nào cũng có nghĩa là các lối tư duy khác. Đọc bài báo động mới nhất trên Le Monde Diplomatique (th. 12-2010), “Les élites sacrifient la langue francaise”, của Gaston Pellet. [6]Khi trả lời cuộc điều tra 30 năm trước đây của tạp chí Le Débat, Vincent Descombes đã chẩn đoán đúng căn bệnh từ chương của một bộ phận lớn trong giới tư tưởng và học giả Pháp. Để gọi tên bệnh ông đã mượn chữ baratin của người bình dân Pháp (baratin: lè nhè, tiếng Anh là blah-blah); Vincent Descombes, “Le besoin de philosophie”, 48-52, sách dẫn trên. Nguồn DE QUOI L'AVENIR INTELLECTUEL SERA-T-IL FAIT ? (CÁI GÌ SẼ LÀM NÊN TƯƠNG LAI TRI THỨC ?) Gallimard xuất bản, Paris,2010. |
0 comments:
Post a Comment