Kênh Tên Miền chuyên cung cấp tên miền đẹp, giá rẻ! Hãy liên hệ kỹ thuật: 0914205579 - Kinh doanh: 0912191357 để được tư vấn, hướng dẫn miễn phí, Cảm ơn quý khách đã ủng hộ trong thời gian qua!
Tuesday, 3 September 2013


Phê bình ở Việt Nam hiện chỉ nhằm khẳng định: tôi thắng, anh thua
Có một thực trạng đáng buồn bây giờ là những người làm công tác phê bình, gần như “biến mất”?
Tôi không nghĩ như vậy… mặc dù khi ta nhìn vào một hiện tượng phải nhìn vào sự phát triển của nó, đầu tiên phải xem quá khứ như thế nào? Ngày trước, chúng ta vốn đã không có nhiều những nhà phê bình giỏi, còn hiện nay, nếu bạn muốn, tôi có thể kể tên cho bạn danh sách cả chục người viết phê bình phim rất tốt, rất hay. Cho nên tôi nghĩ vấn đề không phải là không có, hiện nay có rất nhiều người viết phê bình chứ, nhưng họ không còn lựa chọn báo chí để “trao” bài viết của họ nữa. Cho nên tôi cho rằng vấn đề hiện nay là vấn đề của báo chí chứ không phải thiếu người viết phê bình.
Anh có thể nói sâu hơn một chút về khía cạnh “họ không lựa chọn báo chí”, với tư cách là một nhà phê bình?

Ví dụ ngay cả tôi cũng không sử dụng báo chí cho các bài viết của mình nữa. Bởi vì đơn giản môi trường internet, môi trường blog có rất nhiều lợi thế hơn báo chí truyền thống. Thứ nhất là không bị giới hạn số chữ. Thứ hai là bạn không bị ai biên tập bài của mình, có thể nói bất cứ thứ gì mình nghĩ, bạn không phải lo rằng tờ báo này có mối quan hệ với nhà phát hành phim này, nhà phát hành phim kia. Thứ ba là có phản hồi của người đọc một cách trực tiếp. Họ có thể sửa, góp ý, đóng góp. Vậy nên khi đăng rồi bài viết vẫn “sống”. Vậy nên tôi nghĩ các bạn ấy thích môi trường đó hơn.
Vậy còn tính chính thống thì sao? Dù sao một trang Blog vẫn chỉ là ý kiến của một cá nhân nào đó, nó không đại diện cho tiếng nói của số đông.
Bây giờ tôi đặt lại câu hỏi thế nào là tính chính thống? Chính thống hay không nó quyết định bằng uy tín của người viết chứ không phải bằng một tờ báo. Tương lai, tôi cho rằng mọi người sẽ nhìn thấy cái gọi là không chính thống dần dần sẽ lấn át và trở thành chính thống. Nhà nước có thể coi những tờ báo đó là chính thống, nhưng nếu công chúng không coi là chính thống thì không ăn thua, bởi vì sau này càng ngày công chúng sẽ không tin vào cái gọi là chính thống đó nữa. Họ sẽ tin vào cái nào viết hay, khách quan, có kiến thức, và những thứ đó sẽ cạnh tranh với báo chí.
Như vậy, theo anh sự khách quan và uy tín người viết sẽ là điều quyết định tất cả?
Thứ nhất, nhà phê bình cũng chỉ có một góc nhìn của nhà phê bình thôi. Khi bạn chỉ có một góc nhìn thôi tức là bạn đã lựa chọn một quan điểm, vậy nên muốn hoàn toàn khách quan rất khó. Không phải khách quan có nghĩa là viết phải khen cái này một tý rồi chê cái kia một tý. Cái quan trọng nhất đối với một người viết phê bình là quan điểm, quan điểm của bạn về vấn đề đó là gì? Bạn phải bảo vệ được quan điểm của mình một cách chắc chắn bởi người đọc sẽ đánh giá xem điều bạn viết có hợp lý hay không. Công chúng sẽ tự đánh giá được bạn viết có khách quan hay không, nếu bạn không khách quan thì chẳng bao lâu uy tín của bạn sẽ bị đánh mất.
Người viết phê bình không phải là quan tòa, anh cũng chẳng có quyền phát xét một người khác là thế này được thế kia không được, nhưng anh phải nói ý kiến của anh. Bài viết của anh có phản ánh kiến thức, hiểu biết, lý luận của anh hay không, hay là anh chỉ viết theo cảm tính? Lâu dần nếu chỉ viết theo cảm tính sẽ đánh mất độc giả, vì độc giả cần được thuyết phục dưới góc độ lý luận và hiểu biết chứ không chỉ cảm tính.
Nhưng lời khen thì dễ đi vào lòng người, lời chê dễ bị phản ứng gay gắt và nhà phê bình phải đón nhận điều đó thế nào?
Người phê bình chẳng phải đón nhận gì cả. Bởi vì khi anh viết xong một bài viết thì bài viết đó có cuộc sống của nó. Người ta phản ứng như thế nào thì là việc của người ta. Công chúng có quyền phản ứng, và công chúng phản ứng như thế nào thì nó sẽ là thước đo tình cảm, sự hiểu biết của công chúng. Nếu như anh cảm thấy là họ hiểu không đúng ý mình, họ hiểu sai lệch, họ xuyên tạc cái ý của mình thì anh có thể tiếp tục viết một bài viết khác. Nhưng luôn luôn nhớ bài viết đó sẽ phản ánh tâm tính, quan điểm của anh đối với người phản đối.
Anh nói lại làm tôi nhớ việc của Đàm Vĩnh Hưng và Nguyễn Ánh 9 gần đây. Những nhận xét của ông ấy có cái đúng và cái sai nhưng đó là quan điểm của ông ấy. Nhưng khi Đàm Vĩnh Hưng phản ứng quyết liệt, ông ấy lại xin lỗi. Tất nhiên Nguyễn Ánh 9 không phải là một nhà phê bình, tôi chỉ nói mở rộng ra thôi, rằng nhiều người coi đó là một hành động bao dung, người lớn, nhưng tôi lại cho rằng đó là sự thiếu quyết liệt trong việc bảo vệ quan điểm của mình.
Tôi cũng đồng ý với bạn. Nhưng tôi nghĩ ở đây để phán định về một con người rất khó, có thể có rất nhiều lý do để người ta đưa ra một quyết định như vậy. Tôi nghĩ những gì nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 phản ứng thể hiện con người của ông là con người rụt rè, dĩ hòa vi quý, ngại xáo trộn nói đi nói lại. Nhưng tôi cũng hoàn toàn đồng ý với bạn là nhạc sĩ nói có nhiều cái đúng và có những cái tôi hoàn toàn không đồng ý. Nhưng đó là quan điểm của bác, điều quan trọng là bác đã nói ra quan điểm của mình chứ bây giờ nhiều người không dám nói quan điểm của mình vì nhiều lý do. Tôi nghĩ điều đó đáng lo hơn.
Một số người cho rằng sở dĩ xảy ra vụ ầm ĩ của Đàm Vĩnh Hưng và Nguyễn Ánh 9 bởi vì cái tôi của họ quá cao. Tôi thì lại cho rằng lý do là bởi chúng ta không có một môi trường phê bình đúng nghĩa, chúng ta không có thói quen phê bình và tiếp nhận phê bình?
Đúng, chúng ta không có môi trường phê bình vì chúng ta không có môi trường tranh luận, cái gọi là phê bình của chúng ta rất nặng về cảm tính. Tại sao tôi nói vậy? Thứ nhất là mình tranh luận không dựa trên cơ sở lý luận. Mà lý luận thì có nhiều trường phái. Ví dụ như bác Nguyễn Ánh 9 lấy nền tảng là nhạc sĩ, tư duy cũ, còn Đàm Vĩnh Hưng là ca sĩ, tư duy nhạc trẻ thì sao có cùng một hệ tư tưởng mà so sánh, tranh luận? Giống như bắt một ông dạy múa ba lê đi tranh luận với một ông dạy dancesport thì không được.
Thứ hai là tranh luận của chúng ta không rõ ràng về mục tiêu? Sau khi phân biệt tôi và anh tranh luận với nhau dựa trên nền tảng nào, trường phái nào, nhất trí được với nhau những điểm gì, không nhất trí ở những điểm gì, thì sau đó là tôi với anh tranh luận để làm gì? Kể cả cuối cùng, nếu cả tôi và anh tranh luận không có kết quả thì liệu cuộc tranh luận của chúng ta có giúp đẩy vấn đề này lên được một tý nào không? Nếu nói một môi trường tranh luận lành mạnh thì nó như vậy nhưng đáng tiếc Việt Nam không có.
Môi trường tranh luận của Việt Nam hiện tại là đầu tiên thì cãi nhau văng lên vì nền tảng những thứ tôi tin và anh tin là khác nhau. Ví như Đàm Vĩnh Hưng nói rằng khán giả là người quyết định tất cả. Nguyễn Ánh 9 cho rằng tiếng nói chuyên gia là người quyết định tất cả. Hai giá trị này khác nhau và không thể nói cái nào hơn cái nào. Chúng ta có xu hướng thích đánh đồng, xáo trộn lung tung như một món lẩu, thì sao có thể có nền tảng tranh luận rõ ràng? Tôi nghĩ Việt Nam hiện tại chỉ chủ yếu tranh luận nhằm khẳng định tôi thắng anh thua, thậm chí là để sỉ nhục người khác.
Anh nói nhiều người giờ không dám nói lên quan điểm của mình, không dám phê bình... phải chăng vì họ sợ gặp phải những phản ứng mạnh như của Đàm Vĩnh Hưng?Anh nghĩ người làm phê bình ngại nhất điều gì?
Tôi không thể nói thay cho những người khác. Còn theo tôi, phê bình thể hiện một quan điểm và góc nhìn thì người ta hoàn toàn có thể phản ứng với quan điểm, góc nhìn của mình bởi vì góc nhìn và quan điểm của mình là riêng biệt. Có 2 cách phản ứng, tích cực là khi họ đánh giá những lời góp ý đó giúp họ được gì, có ích gì cho họ. Tiêu cực kiểu cãi nhau chan chát, kiểu như bảo là “chó cứ sủa, người cứ đi”. Tôi nghĩ người làm phê bình đúng nghĩa thì cứ nên mặc kệ. Với người phê bình cũng có 2 kiểu, tích cực là xem những phản ứng của người ta cái nào có ích cho vấn đề mà mình phân tích, phê bình, cái gì đúng, cái gì chưa đúng, có đóng góp thêm cho bài viết của mình hay không. Còn tiêu cực là anh lại nhảy xuống “xắn váy” cãi nhau với người ta như hàng tôm hàng cá ở từng điểm một.
Tuy nhiên, sự thật là có khi những ý tưởng của bạn không được thể hiện đúng mà lại qua bàn tay hoặc ngòi bút của người khác thì nó nhào nặn đi, kiểu giật tít chẳng hạn cũng có thể làm sai lệch đi những gì mình muốn nói. Tôi nghĩ những điều đó làm nhà phê bình ngại hơn. Nhưng cũng phải công nhận là những người phê bình cũng lười biếng dần đi bởi vì nếu anh muốn thể hiện thì hãy thể hiện qua bài viết chứ không phải qua các bài phỏng vấn như tôi đang làm chẳng hạn. (cười)
Quay trở lại với chuyên môn chính của anh, Điện ảnh Việt hiện tại gần như không phải triển, nếu không muốn nói nó thụt lùi. Vậy vai trò của nhà phê bình trong việc này như thế nào?
Cái gì tồn tại cũng có lý do của nó. Xã hội như thế nào thì sẽ có sản phẩm tương ứng như thế. Tất cả những bộ phim của Việt Nam hiện nay phản ánh rất rõ nhu cầu về tinh thần của xã hội, khi nhu cầu về tinh thần khác thì điện ảnh cũng sẽ khác. Bạn không thể đòi hỏi điện ảnh phát triển hơn sự phát triển của xã hội. Cái thời của phê bình định hướng đã qua rồi, nhưng tôi nghĩ phê bình phải là một phản biện nào đó với thị hiếu của số đông, để công chúng dần dần nắm được là có những quan điểm điện ảnh khác.
Bản thân là người làm báo, tôi đọc khá nhiều bài phê bình, điều làm tôi thấy không thích nhất chính là việc họ thường nói rằng: “Phim Việt Nam như vậy là được rồi”. Rõ ràng những nhà phê bình còn có chút nương nhẹ với phim Việt, hoặc thẳng thắn ra là họ làm chưa tốt công việc của mình.
Tôi cũng đồng ý với ý kiến của bạn. Tôi nghĩ người phê bình phải khắc nghiệt thì mới có ích. Tôi cũng không muốn có một sự nương nhẹ nào với phim Việt. Nhưng quan trọng là mình nhìn thấy cái gì được, hay chưa được, mình phải nói rõ ràng bởi vì nó luôn có sự tiếp nối. Nếu bạn nhìn thấy những thứ nó đã làm được thì nên nhấn mạnh cho những người khác biết được đây là những thứ đã làm được, và ngược lại. Có điều là, khi anh đánh giá thì cũng nên biết mình đánh giá nó so sánh với cái gì, vì muốn biết điện ảnh có vận động hay không thì phải có so sánh. Anh so sánh một bộ phim này với những bộ phim cùng thể loại cùng chủ đề ở Việt Nam, ở cùng khu vực hay ở Hollywood? Cái gì cũng phải có hệ quy chiếu, nếu mang hệ quy chiếu của Hollywood đánh giá về phim Việt Nam thì tất nhiên nhiều lúc sẽ thấy tuyệt vọng.
Những bộ phim được giải thưởng của nhà phê bình hay được giải ở Việt Nam thì không có khán giả, những bộ phim giới chuyên môn chê lại có doanh thu ngất ngưởng... Thị hiếu xem phim của số đông khán giả đang thấp đi? 
Không phải chỉ riêng Việt Nam, trên thế giới cũng có rất nhiều bộ phim được các nhà phê bình đánh giá cao thì lại thưa khách, những phim chê thì đông. Vấn đề thị hiếu đám đông và thị hiếu của số ít chuyên gia không phải lúc nào cũng tương đồng. Đáp ứng được nhu cầu của cả hai nhóm người là khó lắm. Tất nhiên ai cũng mong muốn làm được cả hai nhưng có những phim chỉ làm được 1 thôi.
Mà mỗi một xã hội, một nhóm đối tượng lại có quan điểm về giải trí khác nhau. Có những người phải suy nghĩ mới là giải trí, có những người chỉ cần làm họ cười thôi là được rồi. Hiện nay thì nhóm “chỉ cần cười” đông hơn. Thị trường mà, đáp ứng được cái cầu đó là sẽ đông khách. Việt Nam hiện tại đang có mất cân bằng về văn hóa: những người làm phim nghiêm túc chưa học được bài học của thị trường, những người làm phim giải trí vui vẻ chưa học được bài học của làm phim nghiêm túc. Chỉ hi vọng cùng với thời gian hai cách làm phim đó sẽ được kéo gần lại với nhau hơn.
Xin cảm ơn anh!
Phan An

0 comments:

Post a Comment

Popular Posts