Trích từ một blog của tuổi 20
Đêm qua, tôi nói chuyện với một cô bạn. Cô bày tỏ nỗi lo lắng, sợ hãi của mình trước những phát ngôn từ một người bạn chung của hai chúng tôi.
Ở nơi tôi đang sống đây, hàng ngàn năm rồi, có một thứ thời trang không bao giờ thay đổi. Thứ thời trang ấy được mỗi người mang vào trong suy nghĩ, cách tư duy và hành động; thiếu nó thì trở thành kẻ dị hợm. Thứ thời trang ấy tạm gọi là sự sợ hãi chính trị.
Ông nội tôi thời còn sống, cụ hay kể về những ngày sau Cách mạng tháng Tám, năm 1945. Cuộc cách mạng mà ngày nay được khẳng định rằng đã thay đổi màu da của các ông chủ. Những kẻ đầy tớ thực sự như ông nội tôi (và sau này là tôi), thời ấy chỉ mới gần 20 tuổi, nhưng cũng đã hiểu biết về những thay đổi thời cuộc. Ông tôi kể rằng, đã quen cái thói nô lệ, một ông cụ già ngày ấy gặp một anh lính Việt Minh trẻ xách súng đi trên đường làng ở vùng giải phóng, cũng chắp tay đứng ở bên đường, xá dài và chào rất lớn: “Dạ, con lạy cụ đội ạ”.
Những câu chuyện ngày ấy khắc sâu vào tâm trí của tôi một nỗi băn khoăn lớn. Ông bà nội tôi khi về già, đã cảm thấy sợ hãi khi tôi vẽ râu quai nón lên chính tấm ảnh của tôi trên cái thẻ học sinh. Ông bà căn dặn tôi: “Mày làm thế, chúng nó nâng quan điểm lên rồi chúng nó xét vào phẩm chất chính trị ấy chứ”. Tôi phì cười, hỏi lại ông bà: “Chúng nó là đứa nào thế ạ? Chúng nó là kẻ cai trị mình hay kẻ thù của mình?”. Tôi biết, trong tiềm thức, dân mình vẫn quen gọi những kẻ không đứng cùng phía với họ là “chúng nó”.
Sự sợ hãi sống trong ông bà quá lâu, lâu đến mức nó thành một thói quen, một phẩm chất muốn gìn giữ và truyền đạt lại cho con cháu.
Tôi không quen mặc một chiếc áo phục tùng. Tôi đã cởi bỏ sự sợ hãi ấy như từ bỏ một thứ thời trang, và có lẽ, ngay khi đọc những dòng này tôi viết, có người sẽ xem tôi là kẻ dị hợm khi không mặc cùng một loại áo giống như họ. Những kháng thể chống lại nỗi sợ hãi trong mỗi người được coi là những con virus, cần loại bỏ đi cho đầu óc chính trị được sạch sẽ. Họ cũng không có cơ hội được tìm hiểu xem thứ chính trị mà họ nhét vào đó là thực sự “sạch sẽ” hay chỉ là rác rưởi.
Nhưng ở một nơi mà quyền lực chính trị lớn hơn quyền lực luật pháp, nỗi sợ hãi ấy là có lý. Nỗi sợ hãi đẻ ra một thứ quái thai là sự cam phận. Sự cam phận mù quáng cũng như con ngựa bị bịt hai bên mắt, chỉ được nhìn về một hướng, chẳng được ngó sang hai bên. Thậm chí, như vụ việc của nhà báo Nguyễn Đắc Kiên, hay vừa rồi là vụ bản luận văn bàn về thơ của nhóm Mở miệng, khi không thể dùng pháp luật để xử lý, người ta có thể vịn vào thứ dư luận, vào sự lệch lạc quan điểm chính trị để đuổi việc một trí thức (1). Người ta có thể không cần biết đến luật pháp, nhưng cần biết run sợ, cần biết coi những vấn đề chính trị là nhạy cảm, là không được nhắc tới. Lo sợ là phải, khi ở một nơi pháp luật có thể đảm bảo tự do ngôn luận, nhưng không đảm bảo sự tự do sau ngôn luận.
Tôi đã rất băn khoăn khi được cảnh báo rằng: “Chính trị là vấn đề nhạy cảm”. Tại sao phải là nhạy cảm khi chính tôi là người đóng thuế để trả tiền cho những người làm chính trị ấy? Tại sao tôi không có quyền đặt câu hỏi cho những thắc mắc, không có quyền được khen chê những người mà chính tôi đã góp tiền vào để trả lương cho họ? Tại sao tôi lại phải sợ họ, đây đâu còn phải là thời “quan chi phụ mẫu”?
Không có bản Tuyên ngôn độc lập nào có thể mang lại sự tự do khi bản thân thần dân không ý thức được sự tự do. Sẽ không thể có thứ tự do, dân chủ nào khi bạn bước vào đồn công an để xin giấy tạm trú, xin làm chứng minh nhân dân không sự khép nép, run rẩy trước cửa công quyền; chấp nhận nghe người ta chửi bới, quát tháo dù rằng bạn đang trả lương cho họ.
Những tư tưởng chính trị của nhà cầm quyền tạo nên những não trạng nô lệ, phục tùng. Tôi không cần chính trị, tôi chỉ cần hiểu biết pháp luật để tìm kiếm tự do. Chính trị xung đột, chính trị bất ổn, chính trị khủng hoảng không phải là vấn đề của tôi. Tôi không liên quan nên không phải sợ hãi nó. Kẻ nào vin vào chính trị để kìm hãm tự do của tôi đều là kẻ ngu dốt và hèn nhát.
Nhưng tôi cũng chỉ nói đến đây thôi, ít nhiều cũng phải tôn trọng thứ thời trang đã trở thành nếp sống ngàn năm nay. Thời mạt này, có nhiều thứ quyền cơ bản của con người được trình bày trong các bản Tuyên ngôn độc lập mà mình phải tiết chế phát ngôn mới có thể giữ lại thứ quyền ấy cho mình; trong những quyền ấy có quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc và quyền được sống sau tiêm chủng.
—————
(1) Bản luận văn được điểm 10 khoa học về thơ của nhóm Mở Miệng khiến một trí thức mất việc: http://phapluattp.vn/20130727094719507p0c1019/tu-mot-ban-luan-van.htm
0 comments:
Post a Comment