Kênh Tên Miền chuyên cung cấp tên miền đẹp, giá rẻ! Hãy liên hệ kỹ thuật: 0914205579 - Kinh doanh: 0912191357 để được tư vấn, hướng dẫn miễn phí, Cảm ơn quý khách đã ủng hộ trong thời gian qua!
Thursday, 2 May 2013



NGUYỄN ĐÌNH CHÍNH


ÔNG TƯỢNG
Hay là
Duyên lạ hồn hoang
(Bi hài kịch 7 cảnh)


                     Vở kịch này có 7 cảnh và đã được Nhà hát kịch VN VN , Nhà hát Tuổi trẻ và trường Đại học sân khấu điện ảnh Sài gòn dựng , nhưng vhir dựng phần 1 gồm 4 cảnh đầu tiên. Nay tác giả công bố toàn bộ 7 cảnh của vở kịch





NHÂN VẬT
Ơ
  1.           Ông Tượng
  2.           Ô Lôi con trai ông Tượng
  3.           Đội Thốt
  4.           Vợ Đội Thốt
  5.           Sư cụ
  6.           Nhị Khanh
  7.           Hà Bá
  8.           Cụ Tiên chỉ
  9.           Bạn Vật
10. Công tử Tằng
  1. Quan
  2. Gái Đào
  3. Chồng gái Đào
  4. Ba ba
  5. Thuồng luồng
  6. Thơ lại
Các dân làng, lính tráng...




CẢNH I

Ngôi nhà tranh vách đất đơn sơ Đội Thốt, áo quần ướt sũng lễ mễ cõng một ông tượng gỗ bước vào.

ĐỘI THỐT : (Hát)
Một cút mà đã say
Con sông Mơ hoá sông Mận sông Đào
Ba con sông rượu chảy vào mồm tôi
Cô em ơi/ yếm cô/ thắm má cô/ hồng
Bởi chót yêu anh/nên bụng cô/ em mới phát phồng hỡi cô em
(Nói): Ơ hay, nhà cửa sao lại vắng như chùa bà đanh thế này hở ?
(Hạ pho tượng xuống) Bẩm ông, mời ông ngồi xuống cái chõng này. Gớm! Sao mà ông nặng thế hả ông. (Gõ vào đầu pho tượng) gỗ Mít đấy, thảo nào, ngấm nước vào nặng thế là phải.
(Pho tượng đổ xuống đất)
ĐỘI THỐT :     Ấy chết, sao ông lại hờn mát thế. Nhà con chỉ tuềnh toàng xộc xệch thế này thôi ông ạ. Ông chê cái chõng bẩn à. Thế lúc nãy ông nổi lềnh phềnh trong cái ao vàng khè toàn cứt thì sao.
Vẽ- sĩ diện. Gớm! Sao mà tôi khát nước thế.
(Với cái siêu đất tu một hơi, rồi gục xuống ngủ)
Có tiếng đàn bà hát văng vẳng từ ngoài.
Con cá vàng nó bơi
Con chìa vôi nó hót
Cái phận tôi đây lẳng lơ
Yêu thương ai thì tôi cứ bế cứ bồng
Một chồng chưa đủ... thì mười chồng cũng có làm sao.
Vợ Thốt xinh đẹp gánh đôi quang gánh õng ẹo đi vào
VỢ THỐT :      Nhà nó về rồi đấy à.
ĐỘI THỐT :     (Vẫn ngủ và ngáy rất to) Khò... khò...
VỢ THỐT :      Lại rượu chè be bét ở đâu rồi. Rõ là đồ nát rượu. Mắng mấy mà cũng không chừa. (Chợt nhìn thấy pho tượng nhe răng ra cười) Giời đất ơi! Cái của nợ gì thế này... ma... ma (Lùi lại, vấp ngã đè lên Đội Thốt)
ĐỘI THỐT :     (Choàng dậy) Hả... hử?
VỢ THỐT :      Cứu tôi với.
ĐỘI THỐT :     Cái gì?
VỢ THỐT :      Nó... nó cười
ĐỘI THỐT :     Cái gì cười?
VỢ THỐT :      Nó... (Trỏ pho tượng lúc này không cười nữa) Ơ hay! Sao lúc nãy nó... Nó lại nhe răng ra cười với em.
ĐỘI THỐT :     Nỡm ạ. Làm ta hết cả hồn (Ôm vợ).Về lúc nào đấy, mình ơi.
VỢ THỐT :      Buông người ta ra. Người còn đầy mồ hôi đây này. Cho em bát nước vối. (Đội Thốt âu yếm rót nước cho vợ)
VỢ THỐT :      Nhà nhặt cái của nợ này ở đâu về thế này.
ĐỘI THỐT :     Ấy chết, đừng gọi thế. Ông thần đấy.
VỢ THỐT :      Thần với chả thánh, nom như thằng cu nỡm. Nhà ăn trộm ở đình làng đấy hả?
ĐỘI THỐT :     Nói nhảm nào.
VỢ THỐT :      Thế nhặt ở đâu về?
ĐỘI THỐT :     Ban nãy ta qua cái ao làng, ta chợt nhìn thấy ông ấy nổi lềnh phềnh giữa mấy bãi... cứt vàng choé. Thế là ta lội xuống vớt ông ấy lên, ta vác về đây.
VỢ THỐT :      Của này phơi nỏ chẻ nhỏ ra chụm bếp thì tốt đáo để. Gỗ chắc lắm.
ĐỘI THỐT :     Phủi phui cái mồm.
VỢ THỐT :      Thế hôm nào nhà nó đi?
ĐỘI THỐT :     Sáng sớm ngày mai.
VỢ THỐT :      Ngày mai? Sao đi gấp thế?
ĐỘI THỐT :     Việc quan mà lại.
VỢ THỐT :      Không chậm lại đôi ba ngày được à. Còn ba hôm nữa thì rằm. Đợi ăn xong rằm hẵng đi có được không?
ĐỘI THỐT :     Việc quan mà lại đợi ăn xong rầm mới đi. Rõ đồ... nhà quê.
VỢ THỐT :      Lần này nhà nó đi bao lâu mới về?
ĐỘI THỐT :     Nhanh cũng tám tháng, chậm thì phải hơn một năm.
VỢ THỐT :      Giời ơi! ở lâu thế trên cái chốn ma thiêng nước độc có mà ôm chết nhăn răng ra à. Đấy mụ con nhà Tiến xóm Đoài, chồng cũng đi lính thú có nửa năm trời ở miền ngược ốm ngã nước rồi chết mất xác, bỏ lại một đống con nheo nhóc. (khóc) Giời ơi! Khổ cái thân tôi.
ĐỘI THỐT :     Ôi dà, chỉ vớ vẩn. Thôi, đừng có vãi nước mắt ra nữa, nom thương quá. (Ôm vợ) Nào, sớm mai ta đi rồi, cho ta ôm ấp em nào.
VỢ THỐT :      Ứ ừ. Lên vùng ngược mà ôm gái thổ.
ĐỘI THỐT :     Lúc đó hẵng hay. Còn bây giờ ta hãy cứ ôm ấp vợ ta.
(Bế vợ lên chõng)
VỢ THỐT :      Khoan khoan đã nhà ơi.
ĐỘI THỐT :     Khoan cái gì?
VỢ THỐT :      Cái ông khỉ gió kia đương trợn ngược mắt nhìn em và nhà kia kìa.
ĐỘI THỐT :     Mặc xác lão ta, khúc gỗ mục đấy mà.
VỢ THỐT :      Ứ ừ... Nhưng mà em vẫn cứ... nhà phải lật úp ông ấy xuống cơ.
ĐỘI THỐT :     Vớ vẩn. Quay mặt lại đây cho ta... thơm một cái nào.
(Cởi áo, leo lên chõng nằm ôm vợ)
Đèn tối dần
Văng vẳng lời hát bên ngoài
Cái cò vòng ơi là cái cò vòng ơi
Sớm mai chồng mày đi lính thú miền rừng
Mày ở với ai là mày ở với ai
Thôi, thì thôi đêm nay
Mặc đời hãy cứ vui vầy là cái cò ơi
Vợ chồng Đội Thốt đang ôm nhau mê mệt trên chõng, bỗng nhiên ông Tượng gỗ cựa quậy rồi từ từ bò dậy.
ÔNG TƯỢNG :     Bố khỉ, nằm mãi ê cả lưng. (Tự xoa chân tay mặt mũi) khô rồi... may quá, khô cả rồi (Đưa tay ngửi) Mô phật, sao lại có mùi khăn khẳn thế này... (Hắt xì hơi, xoa bụng). Ba ngày hôm nay ngậm nước chưa được miếng nào vào bụng, đói meo cả ruột. Ta phải xem cái nhà này có miếng oản nào không. (Mò mẫm trên bàn thờ). Toàn là mạng nhện, rõ quân ăn ở thất đức, bàn thờ gì mà lạnh tanh thế này.
(Có tiếng rên ú ở của vợ chồng Đội Thốt trên chõng. Ông Tượng mò mẫm rồi vấp vào chân chõng).
ÔNG TƯỢNG :     (Cáu) Rõ cái đồ con khỉ. Quặp nhau suốt từ chập tối đến giờ mà vẫn chưa thoả à.
(Đội Thốt tỉnh dậy, ngồi lên xoay lưng lại Ông Tượng, gã vớ siêu nước tu ừng ực rồi lay vai vợ)
ĐỘI THỐT :    Mở mắt ra... mở mắt ra nhà ơi.
VỢ THỐT :     Ứ ừ... người ta còn ngủ.
ĐỘI THỐT :    Nào, cho anh ấy một cái nữa nào, yêu!
VỢ THỐT :     Ứ ừ... của nỡm, em chẳng thích nhà nó ấy em nữa đâu.
ĐỘI THỐT :    Thôi mà, cho anh xin... sớm mai anh lên đồng rừng rồi, thế không thương người ta à?
VỢ THỐT :     Ứ ừ... mới thế mà đã hờn đã dỗi, nằm xuống đây với em nào, nỡm ạ.
(Nhổm lên, ôm Đội Thốt thì chợt nhín thấy Ông Tượng)
VỢ THỐT :     (Rú lên) Ối giời đất ơi!
ĐỘI THỐT :    Cái gì thế, rết nó đốt vào mông à?
VỢ THỐT :     Ma, ma... nó... nó... cứu tôi với.
ĐỘI THỐT :    Ma nào, cái gì?
(Vợ Thốt vùng ngay dậy, áo sống xộc xệch cuống cuồng chạy lao vào góc nhà)
VỢ THỐT :     Ối giời đất ơi... cứu, cứu... nó... nó cười... nó cười.
ĐỘI THỐT :    Cười, cười cái gì... Ai cười?
VỢ THỐT :     (Rên rỉ) Kia kìa... nó kia kìa... cái Ông Tượng chết tiệt kia kìa... đang nhe răng ra cười.
ĐỘI THỐT :    Phát rồ rồi đấy hả.
(Đội Thốt khêu đèn lên. Pho tượng đứng im phắc, hiện rõ nét mặt đang nhăn nhó)
ĐỘI THỐT :    Cười đâu mà cười.
VỢ THỐT :     Ơ... ơ (Vẫn còn run, chưa hết sợ)
ĐỘI THỐT :    Trông gà hoá cuốc rồi mình ơi.
VỢ THỐT :     Rõ ràng em thấy Ông Tượng nhăn răng ra cười cơ mà.
ĐỘI THỐT :    Cười đâu mà cười. (Soi đèn sát mặt pho tượng) Trông rõ nhé. Mồm đang ngậm vỏ hến.
VỢ THỐT :     Lạ nhỉ.
ĐỘI THỐT :    Thôi, đừng có làm vẻ ngộ nữa, nhà nó ranh mãnh lắm, định không cho tôi ấy nữa chứ gì?
VỢ THỐT :     Chỉ được cái đa nghi. Em cho nhà ấy thì em mất gì. Dễ thường chỉ có mình nhà là thích ấy thôi.
ĐỘI THỐT :    Thế thì ta lại bế bồng mình lên chõng nhé (Bế vợ lên chõng)
VỢ THỐT :     Khoan đã nhà
ĐỘI THỐT :    Lại có chuyện gì vậy?
VỢ THỐT :     Cái ông tượng phải gió này, em muốn nhà quẳng ông ta đi cơ.
ĐỘI THỐT :    Quẳng đi đâu?
VỢ THỐT :     Quẳng xuống ao làng.
ĐỘI THỐT :    Ấy chết. Đâu có được, người ta phải bì bõm mãi mới vớt được ông tượng lên rồi cõng về đây đấy, của một đồng công một nén.
VỢ THỐT :     Nhà rước ông tượng về làm gì?
ĐỘI THỐT :    Chẳng về làm gì cả. Chơi
VỢ THỐT :      Chơi!
ĐỘI THỐT :     (Cười) Mai mốt ta đi vắng, có ông tượng ở nhà coi nhà xem có thằng hàng xóm nào mò vào nỡm vợ ta không.
VỢ THỐT :      Nhà chỉ ăn nói vớ vẩn.
ĐỘI THỐT :     Thôi nào... sắp sáng rồi (Ôm vợ)
VỢ THỐT :      Ứ ừ... nhà phải quẳng cái ông tượng đi cơ. Nhà xem kìa... Hai con mắt ông ta cứ nhìn trừng trừng vào... vào vú em.
ĐỘI THỐT :     Thật đấy à?
VỢ THỐT :      Thì nhà nhìn xem
(Đội Thốt nhổm dậy nhìn pho tượng hồi lâu)
ĐỘI THỐT :     (Tặc lưỡi) – Ừ nhỉ. Thôi, thế để ta quẳng nó ta vườn chuối sau nhà vậy. Mình đợi ta chút nhé.
(Cõng pho tượng đi ra)
VỢ THỐT :      Nhanh nhanh lên rồi vào với em nhé, nhà nó ơi.
ĐỘI THỐT :     Rõ rồi, Cứ lên chõng nằm trước đợi ta vào. Xong ngay bây giờ đây.
(Có tiếng gà gáy sáng)
Màn


CẢNH II

Vẫn nhà Đội Thốt. Vợ Thốt đang ngồi quay tơ. Gái Đào, bạn hàng xóm của Vợ Thốt đang ngồi vá áo.

VỢ THỐT :      (Hát)
Bay chuyền, chắp cánh có con chim nhạn xanh.
Chồng em đi lính thú ở miền rừng xa
Thân gái em dẫu sớm có chồng
Mà dưng lại đâm muộn cái đường có con
Ới quan ơi! hẩm duyên, em biết kêu cùng ai
Thương chồng một, mà em tự thương em chín, mười.
GÁI ĐÀO :       Chị đừng hát nữa, nghe nẫu cả ruột gan.
VỢ THỐT :      Hát chứ. Hát cho nó vơi cái nỗi buồn trong lòng.
GÁI ĐÀO :       Thế là anh Thốt đi cũng được mươi ngày rồi chị nhỉ?
VỢ THỐT :      Mười hai ngày.
GÁI ĐÀO :       Mới xa anh Thốt có ngần ấy ngày mà nom chị đã ngẩn ngơ hốc hác lắm.
VỢ THỐT :      Lại chả ngẩn ngơ hốc hác. Chị không phải xa chồng, chị chẳng hiểu cho em được đâu.
CÓ TIẾNG GỌI: Nhà nó ơi... nhà nó có ở trong đó không?
GÁI ĐÀO :       (Vội vã) Mình ơi, em đây.
CHỒNG ĐÀO : (Vào) Ngồi đấy mà để tôi gọi mãi.
GÁI ĐÀO :       Thì em đã thưa rồi đấy thôi. Có việc gì hả mình?
CHỒNG ĐÀO : Việc gì. Khuya rồi, về đi ngủ chứ việc gì.
GÁI ĐÀO :       Mình hay nhỉ. Không nhìn thấy ai ngồi quay tơ kia à.
CHỒNG ĐÀO :       Ấy chết, tôi vô ý quá. Chào chị Thốt.
VỢ THỐT :      (Tủm tỉm) Không dám.
CHỒNG ĐÀO :       Anh Thốt đi đâu mà không có nhà?
GÁI ĐÀO :       Rõ cái nhà anh này. Thế cái hôm mười ba vợ chồng mình chẳng sang tiễn bác Thốt đi lính thú đó sao.
CHỒNG ĐÀO :       Ờ nhỉ. Tôi quên. Xin chị Thốt bỏ lỗi cho tôi nhé.
VỢ THỐT :      Anh lú lẫn là phải. Vợ mới cưới vừa xinh vừa dòn như thế kia cơ mà.
CHỒNG ĐÀO :       Xinh dòn cũng chẳng bì được chị Thốt.
GÁI ĐÀO :       (Dúi vai chồng) Lại bẻm mép rồi. Tán tỉnh ai đấy. Thôi, đi về.
(Hai vợ chồng gái Đào chào vợ Thốt rồi líu ríu kéo nhau ra)
VỢ THỐT :      Vợ chồng ở cạnh nhau như đũa có đôi, sướng như thế đấy. (Thở dài) Ôi! Cái cảnh vợ lính thú như tôi sao khốn khổ thế này.
(Ngồi quay tơ, hát)
Chàng đi lính thú rừng xa
Có thấy cảnh em vò võ ở nhà
Một đũa, một mâm, một nồi, một bát
Một gối, một chăn luống những lạnh lùng
Ngẩn ngơ một mình bóng chiếc
Tiếc cho ngày tháng trôi qua
(Vợ Thốt thở dài, ẩy đổ khung cửi)
VỢ THỐT :     Buồn não cả ruột. Chẳng thiết hát hò nữa.
(Ngồi thần ra một lúc rồi mỏi mệt gục xuống ngủ thiếp đi. Im lặng hồi lâu rồi cửa kẹt mở, ông Tượng quấn lá chuối khô quanh bẹn, lò dò chui vào)
ÔNG TƯỢNG : Bố khỉ, cái thằng Đội Thốt nó quẳng mình ra vườn chuối hơn chục ngày rồi mà đố thấy vợ chồng nó mang ra cho một cái oản nào. Đói hoa cả mắt đếch thể chịu nổi nữa.
(Xục xạo) Không biết có cài gì nhét tạm vào bụng không (Vớ được niêu cơm nguôi). A, cơm nguôi (Bốc ăn lấy ăn để) cơm có mùi thiu rồi, thôi đành ăn tạm.
(Ăn hết niêu cơm nguội, ông Tượng ra chõng ngồi. Ông với siêu nước tu một hơi, rồi ngồi xoa bụng vẻ mãn nguyện. Chợt ông nhìn thấy vợ Thốt đang nằm ngủ hớ hênh bên khung cửi. Ông e hèm rồi bước tới, khom lưng ngắm nghía vợ Thốt)
ÔNG TƯỢNG : Ơ cái con mẹ nhà quê này có đôi gò bồng cứ đỏ hon hỏn như hai trái đào chín. Nom ngon con mắt quá.
(Vợ Thốt ú ớ rồi ngã lăn ra đất, váy tốc lên để lộ đùi vế. Vợ Thốt vẫn ngủ say, ngáy o o)
ÔNG TƯỢNG : Cái con mẹ khỉ gió này, nó trêu mình hay sao.
(Ông tượng ngây mặt ngắm vợ Thốt, rồi ông lại, bứt dứt, khó chịu)
ÔNG TƯỢNG :       (Lẩm bẩm) Bố khỉ, cái thằng Đội Thốt ngu như con bò. Có cô vợ ngon như khúc dò nạc thế này mà vứt ở nhà ngủ một mình. Thằng cha đi đâu nhỉ. (Vỗ trán) A! Hắn đi lính thú tít trên chốn rừng xanh núi đỏ (cười) thế thì bỏ mẹ ta rồi. Tại sao ta lại không thay hắn trông nom chăm sóc cô ả mỡ màng này nhỉ. Ối giời ơi! Mấy khi mỡ để miệng mèo. Không sơi thì có hoạ ngu như là thằng mõ thằng tễu.
(Bước tới lay vai vợ Thốt. Vợ Thốt ú ớ. Ông Tượng chợt dừng tay lại ngẫm nghĩ)
ÔNG TƯỢNG : Tí chết. Cái con mẹ này hai lần nom trộm thấy ta cười đều rú lên như bị trọc tiết. Hình như nó ghê cái hình hài của ta. Nếu bây giờ nó thức dậy, nom thấy ta, nó lại rú lên rồi hàng xóm người ta đổ cả sang đây thì sao. Không được. Ta phải có cách nào chứ nhỉ. (Đi lại suy nghĩ). A! Ta nghĩ ra rồi. Ta sẽ hoá thành hình hài thằng Đội Thốt. Đúng rồi. Đúng rồi. Bỏ mẹ chưa. Tuyệt quá. Ha ha... Ta sẽ hoá thành hình hài thằng Đội Thốt. Hô hô... Hay quá là hay, hay quá là hay.
(Ông Tượng cười ngất đắc chí. Rồi ông bắt quyết, niệm chú, rùng mình hoá ngay ra giống hệt Đội Thốt)
ÔNG TƯỢNG : (Ngồi thụp xuống, lay vợ Thốt) Dậy... dậy, dậy ngay ta bảo đây... Ơ cái con mẹ này ngủ gì mà như chết.
VỢ THỐT :      (Choàng dậy, hốt hoảng rú lên, nhưng lại tự bịt mồm luôn) Ơ...ơ! Nhà nó, nhà nó kìa.
ÔNG TƯỢNG :       Ừ, tôi đây, Đội Thốt đây. Nom ta có đúng là đột Thốt không nào?
VỢ THỐT :      Sao nhà nó lại về?
ÔNG TƯỢNG :       Quan Hiệu Uý thấy ta giỏi nấu món tiết xanh dồi chó, quan giữ ta lại cho ta hầu hạ đêm ngày ở trong dinh không bắt ta đi lính thú nữa, nhưng cũng không cho ta ra ngoài. Ta nghĩ đến tình vợ chồng nên đêm nay lẻn về đây để cùng nàng thoả bề ân ái.
VỢ THỐT :      Sáng mai nhà có phải đến hầu hạ quan nữa không?
ÔNG TƯỢNG :       Có chứ. Sáng sớm ta lại phải đi rồi.
VỢ THỐT :      Thế đêm mai nhà có lẻn về với em được không?
ÔNG TƯỢNG :       Được. Từ nay, đêm nào ta cũng sẽ lẻn về với nàng.
VỢ THỐT :      Thôi, thế cũng là may lắm rồi. Nhà nó không phải đi lính thú biền biệt tít tận chốn rừng xanh núi đỏ là em mừng lắm. (Thở dài) Nhà mới đi có mươi hôm mà em nhớ quá, chịu không nổi. Đêm nằm một mình ngao ngán lắm nhà ạ.
ÔNG TƯỢNG :       (Ôm vợ Thốt) Thế bây giờ nàng hết ngao ngát chưa?
VỢ THỐT :      Hết rồi, hết rồi.
ÔNG TƯỢNG :       Cho ta ân ái với nàng nhé.
(Ôm chầm lấy vợ Thốt, đè ra đất)
VỢ THỐT :      Vội gì thế hả nhà, vợ chồng mình lên chõng nằm kẻo cảm lạnh đấy.
ÔNG TƯỢNG :       Có ngậm ta xuống ao ba ngày ta cũng chẳng sợ gì cảm mạo.
VỢ THỐT :      Ứ ừ, lên chõng nằm cơ nhà nó ơi.
(Kéo ông Tượng lên chõng. Cũng đúng lúc ấy có tiếng đập cửa dồn dập rồi tiếng gái Đào hổn hển)
GÁI ĐÀO :       Chị Thốt ơi... mở cửa, mở cửa cho em với.
ÔNG TƯỢNG :       (Luống cuống) Ấy chết, đừng có để hàng xóm biết ta lẻn về ngủ với nàng. Chuyện này tới tai quan Hiệu uý thì mạng ta nguy mất.
(Ở bên ngoài gái Đào vẫn đập cửa và cuống quýt gọi vợ Thốt)
VỢ THỐT :      Đợi tí, em ra mở cửa ngay đây. (Nói với ông Tượng) Nhà nó trốn vào sau cái bồ ngô kia.
ÔNG TƯỢNG :       Không được.
VỢ THỐT :      Thì chui tạm xuống gầm chõng vậy.
ÔNG TƯỢNG :         Chui xuống cái gầm chõng này à. Hay đấy.
VỢ THỐT :      Kín đáo để đấy, chui vào đi.
(Đẩy ông Tượng chui vào gầm chõng rồi vấn tóc, ra mở cửa)
VỢ THỐT :      Có chuyện gì đấy chị Đào?
GÁI ĐÀO :       Chồng em tự dưng đau bụng quằn quại. Chị cho em xin một nhánh gừng.
VỢ THỐT :      Ối dào, tưởng chuyện gì. Để em xuống bếp, đợi tý nhé.
(Vợ Thốt chạy xuống bếp, Gái Đào bước tới ngồi xuống chõng đợi)
VỢ THỐT :      (Chạy vào) May cho chị nhé (Đưa củ gừng cho gái Đào)
GÁI ĐÀO :       Cám ơn chị, em vội về.
VỢ THỐT :      Vâng chị về.
(Đưa gái Đào ra cửa. Đúng lúc đó ông Tượng va lưng vào gầm chõng)
GÁI ĐÀO :       (Giật mình) Cái gì đấy hả chị?
VỢ THỐT :      Ôi dào, con chó mực đấy mà.
GÁI ĐÀO :       Em hết cả hồn. Thôi, chào chị nhé. Cảm ơn chị.
(Gái Đào về ông Tượng cũng lò dò chui ra)
VỢ THỐT :      Tại sao nhà cứ lục đục dưới gầm chõng thế?
ÔNG TƯỢNG :       Có tổ mối ở trong đó, ta sợ hết cả hồn.
VỢ THỐT :      Mấy con mối ranh có gì mà sợ
ÔNG TƯỢNG :       Sợ chứ. Sợ chứ. Ta sợ mối mọt lắm.
VỢ THỐT :      Lạ nhỉ.
ÔNG TƯỢNG :       Có gì mà lạ (nhăn nhở ôm lấy vợ Thốt)Nào, nàng Thốt ơi, cho ta được ân ái với nàng nào. Ta thèm ăn sống nuốt tươi nàng quá rồi. Nàng Thốt ơi là nàng Thốt mĩ miều ơi.
(Đè vợ Thốt ra chõng. Tắt đèn)


CẢNH III

Một năm sau
Vẫn nhà đội Thốt. Buổi sáng, trời nắng đẹp vợ Thốt đang ngồi quay tơ, váy áo rộng thùng thình. Thỉnh thoảng chị ta lại nôn oẹ, nhăn nhó.
Tiếng người reo và tiếng loa bên ngoài.
Loa loa loa loa
Lệnh của quan truyền
Làng trên xóm dười
Kết đèn kết hoa
Lớn bé trẻ già
Ra ngay đình làng
Đón các chú lính
Hết hạn đi thú
ở chốn rừng xanh
Nay được về nhà
Còn nguyên mạng sống
Loa loa loa loa.
Thấp thoáng một đám hàng xóm ngoài ngõ. Tiếng đội Thốt oang oang.
- Cám ơn cụ, cám ơn bà... tới ngõ nhà con rồi, con vô phép
Những tiếng lao xao chen, lấp:
- Ông đội Thốt về nhá
- Phen này thì chị Thốt sướng rụng rời chân tay đây.
- Nhớ... có ấy thì phải từ từ thôi nhá đừng hùng hục như trâu húc mả bác đội Thốt nhá.
- Cố mà ăn uống cho nó lại người ông Đội Thốt ạ.
- Thôi, thế là từ nay vợ chồng bác lại được vui vầy xum họp. Chúng tôi cũng mừng.
Tiếng đội Thốt.
- Cám ơn các cụ, các bà. Ngày mai xin mời các cụ các bà sang chơi nhà uống chén nước chè mạn ngược.
(Tiếng xôn xao lắng dần. Đội Thốt, đội nón chân quắn xà cạp, xách bị hiện ta ở cửa).

ĐỘI THỐT :     Kìa, mình nó ơi. Tôi về đây rồi
VỢ THỐT :      Nhà đã về
ĐỘI THỐT :     Mình không nghe loa hay sao mà không ra đình đón tôi?
VỢ THỐT :      Vẽ, đón với chẳng đưa.
ĐỘI THỐT :     Mình hờn tôi đã đi biền biệt không nhắn tin về cho mình có phải không? Thôi, tôi xin mình. Có quà núi rừng cho mình đây.
(Moi trong bị ra mật ông và nấm, măng)
VỢ THỐT :      Quà với chẳng cáp.
ĐỘI THỐT :     Ô hay, mình vẫn giận tôi à? (Ôm vợ)
Tôi đền mình nhá?
VỢ THỐT :      Buông tay ra. Vần người ta suốt cả đêm qua mà vẫn chưa thoả cơ à. Đồ dê cụ.
ĐỘI THỐT :     (Giật bắn mình) Mình nói cái gì vậy?
VỢ THỐT :      Tôi chán lắm. Đừng có đóng tuồng đóng chèo nữa.
ĐỘI THỐT :     Cái gì! Gớm! Giận gì mà dai thế. Có cái gỗ tán ở chốn đồng rừng tôi thửa về cho mình đây. Chém vào nó mấy nhát cho hết giận.
VỢ THỐT :      Đã bảo đừng có đóng trò nữa mà. Tôi đang mệt đây. Buồn nôn bỏ cha.
ĐỘI THỐT :     Làm sao mà buồn nôn?
VỢ THỐT :      Tôi đã có chửa ba tháng rồi.
ĐỘI THỐT :     Ối giời ơi! Cái gì. Có chửa?
VỢ THỐT :      (Tốc váy) Xem đây này, bụng phồng tướng lên rồi đây này.
ĐỘI THỐT :     Thế này là thế nào, nhà có chửa với ai?
VỢ THỐT :      Còn với ai nữa. Với nhà chứ với ai.
ĐỘI THỐT :     Với... với tôi.
VỢ THỐT :      Chứ với ông hàng xóm à. Rõ đồ đa nghi.
ĐỘI THỐT :     Ối giời ơi, tôi nghe có lầm không thế này. Làm sao nhà lại có chửa với tôi được?
VỢ THỐT :      Lại còn làm sao. Suốt một năm nay, đêm nào nhà cũng mò về vần tôi huỳnh huỵch đến sáng thì làm gì mà không có chửa.
ĐỘI THỐT :     Thôi chết tôi rồi. Ai, ai, thằng nào... Thằng nào suốt một năm nay đêm nào cũng mò tới đây vần huỳnh huỵch hả?
VỢ THỐT :      Nhà chứ còn ai vào đây nữa.
ĐỘI THỐT :     Chết tôi rồi. Chết tôi rồi. Vợ tôi bị thằng khốn nạn nào lừa rồi...
VỢ THỐT :      Nhà chứ còn ai vào đây mà bảo thằng nào nó lừa tôi.
ĐỘI THỐT :     Giời cao đất dày ơi. Hơn một năm nay tôi đi lính thú trấn đồn giữ ải biền biệt ở tít mãi tận miền biên giới núi đỏ rừng xanh. Ta có về nhà lần nào đâu, chắc là có thằng khốn nạn nào giả hình dạng ta mò vào bỡn cợt với mày. Đêm hôm tăm tối không phân biệt thật giả, dục tình động lên vội vồ lấy nó. Sao mày dám đổ càn cho ta.
VỢ THỐT :      (Oà khóc) Vết chàm ở cổ. Mụn cóc ở trong tai chẳng phải nhà thì là ai. Mới đêm qua còn nỉ non rót lời âu yếm bên tai em, em còn nhớ cả. Sao lại bảo em đổ càn cho nhà.
ĐỘI THỐT :     Bố láo... Con dâm phụ già mồm. Mày ngủ với trai còn chửa ưỡn bụng ra rồi chẳng biết quỳ xuống xin ta tha tội lại dám trắng trợn đổ vấy cho ta. Khen cho mày to gan lớn mật. Ta sẽ giết mày.
(Tuốt gươm ra)
VỢ THỐT :      Ối làng nước ơi, ông Thốt ông ấy giết tôi đây này.
(Hàng xóm ồn ào chạy tới)
- Có chuyện gì thế này?
- Làm sao. Ai giết ai?
- Cái nhà chị Thốt này hay chửa. Chồng đi biền biệt hàng năm trời mới về chưa ráo mồ hôi lưng đã thấy gây sự chửi nhau với chồng là nghĩa làm sao?
- Thôi, xin bác Đội Thốt bớt nóng, bác gái có lỗi gì thì bác bỏ quá cho. Nào, nghe tôi, cho tôi xin thanh gươm.
- Gươm để chém giặc chứ ai lại để chém vợ. Bác nghe tôi một lời nào?
ĐỘI THỐT :     Nhục quá. Thật xấu hổ với các ông các bà.
ÔNG HÀNG XÓM : Có chuyện gì vậy?
ĐỘI THỐT :     Nhục nhã quá, giời ạ.
HÀNG XÓM :   Có chuyện gì?
ĐỘI THỐT :     Ông bà cứ nhìn cái bụng nó chửa phưỡn ra kia thì hiểu. Nhục nhã quá, nhục mặt tôi quá.
VỢ THỐT :      Tôi chửa đấy, nhưng mà tôi chửa với ai mà phải nhục cơ chứ.
ĐỘI THỐT :     Giời ạ. Các ông bà nghe nó nói đấy. Đồ gãi đĩ già mồm. Để tôi giết nó.
HÀNG XÓM :   Xin bác. Xin bác.
(Xúm vào can)
VỢ THỐT :      Đến nước này tôi cũng chẳng cần dấu diếm nữa. Trình ba con hàng xóm, cái thai 3 tháng trọng bụng tôi đây, đích thực là hạt máu của ông Đội Thốt nhà tôi. Tôi mà nói điêu thì tôi đâm đầu xuống ao mà chết.
(Hàng xóm xôn xao)
- Vô lý quá.
- Ông Đội Thốt đi lính thú cả năm cơ mà.
- Nhà chị Thốt ăn nói thế không nghe lọt.
VỢ THỐT :      Vâng, mới nghe thì vô lý. Nhưng mà chuyện thực thì không vô lý đâu. Cả năm qua, chồng tôi không đi lính thú trên rừng, mà ông ấy được quan Hiệu uý yêu giữ lại trong dinh hầu hạ. Đêm nào ông ấy cũng lẻn về chung chăn gối với tôi. Vì thế mà tôi có chửa. Chuyện có thế nào, tôi xin thực lòng trình rõ để bà con hàng xóm thấu cho.
(Hàng xóm xôn xao, nghi hoặc)
- Cái nhà chị Thốt xưa này cũng chưa có điều gì tai tiếng.
- Nghe chị ấy nói mà tôi cứ ngờ ngợ.
- Thế này là thế nào nhỉ?
CỤ TIÊN CHỈ : Này chị Thốt, chuyện chị nói nghe lạ tai như chuyện ma quỷ, chị không đặt chuyện để bỡn cợt cả làng đấy chứ?
VỢ THỐT :      Lạy cụ, con đâu dám ạ.
CỤ TIÊN CHỈ : Lạ nhỉ. Lạ quá.
(Hàng xóm lại xôn xao)
- Xem chừng chị Thốt không dám đặt điều.
- Hoạ có là chuyện ma quỷ
- Thì đích thực là chuyện ma quỷ rồi còn gì nữa.
- Ôi dào, nó nói thế mà bà con tin được. Tôi cứ như ông Đội Thốt, tôi cạo trọc bôi vôi rồi lột chuồng đem dong khắp làng cho nhục mặt.
(Hàng xóm bắt đầu cãi nhau)
CỤ TIÊN CHỈ : Này nhà chị kia. Chị bảo cứ đêm đêm là ông Đội Thốt lại mò về ngủ với chị phải không?
VỢ THỐT :      Bầm cụ vâng ạ.
CỤ TIÊN CHỈ : (Hỏi Đội Thốt) Ông nghĩ thế nào hả ông Đội Thốt. Có đúng như vợ ông nói không?
ĐỘI THỐT :     Giời đất ạ, cụ mà cũng hỏi tôi câu đó kia. Một năm qua tôi ở đâu thì còn có đủ mặt anh em đồng ngũ ở trong cơ chứng giám cho tôi chứ.
(Tiếng xôn xao càng dữ)
- Lạ quá nhỉ?
-  Thôi, đích thực chuyện ma quỷ rồi.
- Ma quỷ gì, con mẹ Thốt này đáo để ghê gớm thật. Đã ăn vụng lại còn đổ tội cho chồng.
- Ngữ đàn bà ấy có mà đem bỏ rọ trôi sông.
- Thôi đi ông, đừng có nói càn. Ngộ nhỡ oan chị Thốt thì sao.
- Tôi là tôi ngờ lắm các ông các bà ạ.
- Kìa cụ Cử, cụ là bậc Tiên chỉ trong làng, chuyện này cụ dậy như thế nào ạ?
-  Bẩm cụ, xin lãnh ý của cụ ạ.
CỤ TIÊN CHỈ : Thưa bà con, chuyện của nhà chị Đội Thốt chưa biết phải trái thực hư như thế nào cả. Nay làng bắt vạ nhà chị, e rằng hơi vội, ngộ nhỡ oan người ta thì phải tội. Tôi nghĩ, nếu thực như lời chị kể thì đêm nay ắt cái gã giả danh bác Đội Thốt thể nào cũng lại mò đến đây.
ĐÁM ĐÔNG :   - Đúng đấy
- Cụ dạy phải đấy.
CỤ TIÊN CHỈ : Vậy thì ta cắt vài tráng đinh phục ở trong nhà bác Đội Thốt bắt cho được quả tang cái gã ngỗ ngược này. Thế là xong chuyện.
ĐÁM ĐÔNG :   - Phải quá, phải quá.
- Ngộ nhỡ gã ta không mò đến thì sao.
CỤ TIÊN CHỈ : Nếu gã không đến, lúc đó ta dong nhà chị Đội Thốt lên quan cũng chưa muộn gì.
(Đám đông hò reo, hỉ hả. Mọi người tản ra xắm nắm gậy gộc, dao thước)
Đèn tối dần
Vợ Thốt ngồi quay tơ, điệu bộ bồn chồn.
Thấy thoáng trong các góc nhà có người nấp
Tiếng mõ cầm canh. Tiếng giun dế ếch nhái kêu vang.
Có tiếng kẹt cửa, ông Tượng lò mò chui vào.
ÔNG TƯỢNG :       Nhà nó ơi, đợi tôi có sốt ruột không?
(Ôm choàng lấy vợ Thốt)
VỢ THỐT :      Làng nước ơi! cứu tôi.
(Đội Thốt và hàng xóm ồ ra tay dao tay thớt phang túi bụi vào đầu vào cổ ông Tượng)
ĐỘI THỐT :     Tao giết mày, thằng gian phu khốn nạn.
HÀNG XÓM :   - Bắt... bắt thằng ăn cắp.
- Ối giời, bác phang cả hèo vào đầu tôi rồi còn gì.
- Đốt đuốc lên.
(Đuốc được đôt lên, mọi người ngẩn ta khi nhìn thấy ông Tượng và Đội Thốt đang vật nhau huỳnh huỵch)
CỤ TIÊN CHỈ : Buông nhau ra. Buông nhau ra, việc gì cũng đã có lệ làng phép nước.
(Ông Tượng và Đội Thốt đứng lên, hầm hè nhìn nhau. Đám đông ngơ ngác khi thấy 2 người giống nhau như lột)
ĐỘI THỐT :     Tao thì chém mày, đồ đạo tặc.
CỤ TIÊN CHỈ : Hai... bác lùi xa nhau ra. Tôi hỏi, ai là bác Đội Thốt.
ĐỘI THỐT :     Tôi là Đội Thốt chứ còn ai.
ÔNG TƯỢNG : Tôi là Đội Thốt đây.
ĐỘI THỐT :     Đồ nói láo.
ÔNG TƯỢNG :       Dễ thường mày là kẻ nói thật
(Hàng xóm xôn xao)
CỤ TIÊN CHỈ : (Cáu) Nhà chị Thốt đâu.
VỢ THỐT :      Cụ gọi con.
CỤ TIÊN CHỈ : Ai là chồng của chị.
VỢ THỐT :      (Ngơ ngác) Ông này... à, ông này... ô... ông này... có lẽ là ông này.
CỤ TIÊN CHỈ : Dễ nhà chị định bỡn mặt tôi đấy hả?
VỢ THỐT :      Lạy cụ, con đâu dám ạ.
CỤ TIÊN CHỈ : Hai thằng này, thằng nào là chồng chị.
VỢ THỐT :      Con, Con... không biết ạ.
(Hàng xóm càng xôn xao, Đội Thốt và Ông Tượng vẫn hằm hè nhìn nhau)
CỤ TIÊN CHỈ : Chị Thốt, chồng chị không có cái dấu riêng nào ở đâu trên người à?
VỢ THỐT :      Có ạ, bẩm cụ, chồng con có một vết chàm ở cổ và một mụn cóc ở trong lỗ tai phải.
CỤ TIÊN CHỈ : Khám
(Mấy trai tráng áp vào xấn đè Đội Thốt và Ông Tượng ra khám)
MỘT GÃ TRAI :      Đây rồi, mụn cóc ở trong tai, nốt chàm ở cổ.
GÃ TRAI KHÁC: Đây rồi, cũng một vết chàm ở cổ, một mụn cóc ở trong lô tai.
CỤ TIÊN CHỈ : Thế này là thế nào nhỉ. Ma trêu người rồi. Nhà chị Thốt đâu.
VỢ THỐT :      Dạ
CỤ TIÊN CHỈ : Chồng chị còn cái dấu nào khác ở trong người không.
VỢ THỐT :      (Ấp úng) Dạ... dạ...
ĐÁM ĐÔNG :   - Kìa, nói đi
- Nhanh lên, còn cái dấu nào trên người không?
VỢ THỐT :      Dạ, dạ... còn... còn hai nốt ruồi son ở, ở...
CỤ TIÊN CHỈ : Ở đâu?
VỢ THỐT :      (Đỏ mặt) Dạ, bẩm cụ... ở... ở con không dám ạ.
(Đám đông lao xao)
- Ở đâu?
- Chỗ nào?
- Nói mẹ nó ra ngay đi. Đến nước này còn ngượng à.
CỤ TIÊN CHỈ : Hai nốt ruồi son ở đâu?
VỢ THỐT :      Lạy cụ
CỤ TIÊN CHỈ : Lạy lục cái gì. Việc ma quỷ chết người, nói.
VỢ THỐT :      Dạ... ở chỗ... ở chỗ... đựng hai quả cà ạ.
(Đám đông nháo lên cười nói)
CỤ TIÊN CHỈ : (Mặt lạnh như tiền) Khám
(Tốp trai tráng xông tới vật luôn Đội Thốt  và Ông Tượng xuống đất rồi lột quần cả 2 ra)
ĐỘI THỐT :     Ối giời ơi! Tôi lạy các bác
ÔNG TƯỢNG : Ối giời ơi! Tôi van các bác
MỘT GÃ TRAI:       Đây rồi, hai nốt ruồi son to bằng hai hạt đỗ.
MỘT GÃ KHÁC: Đấy rồi, cũng hai nốt ruồi son
(Đám đông xôn xao, tản ra xì xầm bàn tán. Đội Thốt và Ông Tượng lổm ngổm bò dậy, thắt lại dây dải rút quần)
ĐÁM ĐÔNG :   - Thế này là thế nào nhỉ
- Chuyện ngộ rồi
- Làm sao lại có hai ông Đội Thốt cơ chứ?
- Cơ sự thế này thì bỏ mẹ nhà chị Thốt. Thế gian một chồng hai vợ chứ mấy khi một vợ hai chồng.
- Một vợ hai chồng cũng được chứ sao.
- Con mẹ Thốt lại càng... sướng
- Ngậm cái mồm lại, đến nước này còn nói nhảm.
- Phải hỏi xem nhà ông Đội Thốt có động mồ động mả ở đâu không?
- Hỏi ai bây giờ, hai cái ông kia biết ai là ông Đội Thốt thật mà hỏi.
- Ừ nhỉ
- Thưa cụ, ý của cụ bây giờ thế nào ạ?
CỤ TIÊN CHỈ : Chuyện đến thế này thì có ông bành tổ nhà tôi sống lại cũng chắp hai tay vái. Trong hai ông kia, tất có một kẻ là người, một kẻ là ma. Muốn phân biệt hư thực thế nào, ta cứ trói nghiến cả lại dong lên quan Hiệu uý để ngài xét xử.
(Đám đông ồn ào xô tới trói nghiến cả hai ông Đội Thốt)

Màn




CẢNH IV

Tại dinh quan Hiệu uý. Một buổi xử kiện. Tất cả đã tề chỉnh.
Có tiếng thét: Quan ra
Quan Hiệu uý mũ áo oai vệ bước ra

THỊ VỆ :           (Rao) Hôm này quan xét xử vụ hai thằng Đội Thốt làng Tơ.
(Quát to) Dong chúng nó vào đây.
(Đội Thốt và Ông Tượng bị trói như bó dò bị đẩy vào)
QUAN :            (Ngơ ngác) Ủa làm sao tự dưng lại có hai thằng giống nhau như hai giọt nước thế kia.
(Đập bàn) Thằng nào là Đội Thốt?
ĐỘI THỐT :     Bẩm quan, con đây ạ.
ÔNG TƯỢNG :       Bẩm quan, nó nhận sằng đấy ạ. Con đây mới là Đội Thốt.
ĐỘI THỐT :     Tiên sư bố anh, anh đừng có láo.
ÔNG TƯỢNG :       Tiên sư bố anh thì có, ta đây chính là Đội Thốt. Anh đừng có nhập nhèm.
(Hai người gầm ghè)
QUAN :            Câm mồm. Chúng mày định dỡn mặt bản chức hả. Quan hỏi. Trong hai thằng, thằng nào là ma?
(Cả hai im lặng)
QUAN :            Nói! Thằng nào là ma?
(Cả hai vẫn im lặng)
QUAN :            Cho gọi chị Thốt ra đây.
(Vợ Thốt bị đẩy ra)
VỢ THỐT :      Lạy quan lớn ạ.
QUAN :            Ái chà, con mẹ này nom cũng ưỡn ẹo gớm nhỉ. Người cứ nần nẫn như khúc dò. Quan hỏi đây.
VỢ THỐT :      Dạ
QUAN :            Hai thằng kia, thằng nào là chồng mày?
VỢ THỐT :      Con không biết ạ.
QUAN :            Mày là vợ mà không biết thằng nào là chồng mày à?
VỢ THỐT :      Bẩm... Hai ông ấy giống nhau như đúc. Con chịu.
QUAN :            Láo
VỢ THỐT :      Dạ, bẩm quan. Đúng như thế.
QUAN :            Mày đừng có nói láo. Mày là vợ, mày ngủ với chúng nó thì mày phải biết thằng nào là chồng mày chứ?
VỢ THỐT :      Bẩm quan làm sao con biết được ạ.
QUAN :            Láo. Mày phải biết. Thằng nào. Nói.
VỢ THỐT :      Quả thật con không thể biết được. Cả hai ông dều hùng hục như... trâu húc mả ấy ạ. Vả lại, bẩm quan, đến cái lúc ấy chân tay con nó bới lới, đầu óc thì cứ tê dại đi, đến giời đất còn chẳng phân biệt được nữa là...
QUAN :            Ôi! con mẹ nhà quê. Đồ ngựa cái... Thôi, cho lui, lui.
THƠ LẠI :        Bẩm quan, con xin hiến kế ạ.
QUAN :            Ngươi có kế gì?
THƠ LẠI :        Thưa quan, các cụ ngày xưa có dạy: Người thì có bóng, ma thì không có bóng. Ban ngày thì đưa ra nắng. Ban đêm thì si trước đèn. Có bóng là người, không bóng là ma.
QUAN :            Các cụ dạy thể hử?
THƠ LẠI :        Bẩm vâng ạ. Bây giờ sắp ngọ, ngoài trời đang nắng to, xin quan cứ cho dong chúng nó ra ngoài sân bắt đứng phơi nắng. Thằng nào không có bóng, đích thực thằng ấy là ma.
QUAN :            Ờ, thế thì lôi cổ chúng nó ra sân.
        (Lính tráng lôi Ông Tượng và Đội Thốt ra ngoài)
CÓ TIẾNG REO : A... thằng này là người rồi. Nó có bóng.
LẠI CÓ TIẾNG REO : Thằng này cũng có bóng... Nó là người rồi.
THƠ LẠI :        (Chạy vào) Bẩm quan, lạ lắm ạ, cả hai thằng đều có bóng.
QUAN :            Cả hai thằng đều là người à. Thế thì... chúng nó là hai thằng sinh đôi à?
THƠ LẠI :        Vâng ạ. Bẩm quan, đích thực chúng nó là hai anh em sinh đôi rồi, mà nếu vậy thì... bọn làng Tơ nó định... lỡm ta rồi.
QUAN :            Ờ, thôi, đúng rồi, cái lão Tiên chỉ làng Tơ nó xỏ ta rồi. Bọn đồ nho là thâm lắm. Đúng rồi. (Quát) Cho gọi Tiên Chỉ làng Tơ ra đây.
(Cụ Tiên Chỉ làng Tơ bị đẩy ra)
CỤ TIÊN CHỈ : Lạy quan lớn ạ.
QUAN :            Ông đáng bị đánh đòn, ông Tiên Chỉ ạ, sao ông dám lỡm ta.
CỤ TIÊN CHỈ : Lạy quan lớn, chúng tôi là phận tôi, còn quan lớn là bậc cha mẹ. Chúng tôi đâu dám thế ạ.
QUAN :            Hai thằng kia đều có bóng, như vậy nó đều là người. Vậy sao ông dám lỡm ta. Tội ông đáng phạt trăm hèo, nhưng ta thương ông tuổi già, ta chỉ gọt tóc gọt râu ông để ông lấy đó làm cái sự tự răn mình.
CỤ TIÊN CHỈ : Ối giời ơi! Lạy quan lớn.
QUAN :            Câm mồm. Lính đâu, trói lão đồ nho hủ lậu này lại.
(Lính dạ ran, trói nghiến cụ Tiên chỉ )
QUAN :            Trói cả con Thị Thốt cho ta.
VỢ THỐT :      Bẩm quan, con, con có tội gì ạ?
QUAN :            Mày láo. Mày là con dâm tặc tham lam. Một chồng chưa đủ lại muốn có thêm một thằng nữa. Tội đó đáng phạt ba chục hèo.
VỢ THỐT :      Ối giời ơi! Con lạy quan.
QUAN :            Nọc nó ra, phạt roi.
(Lính dạ ran nọc Thị Thốt ra đất. Một tốp lính khác đè dúi cổ Cụ Tiên chỉ xuống, Tiếng kêu van, la hét huyên náo cả công đường. Sư cụ áo vàng xuất hiện)
SƯ CỤ :           Dừng tay lại
(Tất cả im lặng, ngơ ngác)
QUAN :            Kính hoà thượng. Hoà thượng đòi ai, và có chuyện gì mà Hoà thượng lại quá bộ tới chốn công đường trần tục nhiễu nhương này ạ.
SƯ CỤ :           Chào quan lớn.
QUAN :            Không dám ạ.
SƯ CỤ :           Bần tăng là kẻ tu hành ở chùa Mơ tích ở chân núi Hoa kia. Sáng nay tự dưng thấy lòng không yên, bấm đốt biết ở chốn công đường đang có chuyện nhầm lẫn rắc rối. Bần tăng phải vội tới giúp quan lớn đây.
QUAN :            Ối giời ơi! Nếu vậy thì phúc đức quá. Xin đội ơn Hoà Thượng. Chẳng là có hai thằng Đội Thốt ở làng Tơ, chúng nó giống nhau như hai giọt nước...
SƯ CỤ :           Thưa quan lớn, bần tăng đã biết rõ chuyện này. Quan lớn hà tất phải kể lại. Bây giờ trước tiên xin ngài hãy tha tội cho hai người này.
QUAN :            Vâng ạ... vâng ạ. (Quát) Lính, mở trói.
(Cụ Tiên chỉ và Vợ Thốt được mở trói)
SƯ CỤ :           Bây giờ, lại xin quan lớn cho đưa hai người đàn ông đang bị phơi nắng ngoài sân kia vào đây.
(Đội Thốt và ông Tượng được đưa vào)
SƯ CỤ :           (Bước tới vái ông tượng) Bần tăng xin có lời chào Ông Tượng.
ÔNG TƯỢNG :       Không dám. Tôi và ông có quen biết gì nhau mà chào với hỏi.
SƯ CỤ :           Ông Tượng bỏ lỗi cho, ông còn định đùa dỡn ở chốn trần gian này bao nhiêu lâu nữa.
ÔNG TƯỢNG :       Cái ông sư trọc đầu này hay nhỉ. Ta là Đội Thốt chứ có chuông tượng gì đâu. Ta là Đội Thốt ở làng Tơ.
SƯ CỤ :           Xin ông Tượng đừng đùa cợt trêu trọc bần tăng nữa. Ngài hãy trở về hình hài của ngài cho ạ. Xin ngài, xin ngài.
ÔNG TƯỢNG :       Ta đã bảo ta là Đội Thốt cơ mà.
SƯ CỤ :           Nếu ngài cứ khăng khăng như vậy, bần tăng đành phải thất lễ với ngài.
(Chắp tay niệm chú. Một tiếng nổ, một luồng ánh sáng xanh lè chớp loé, ông Tượng rùng mình trở lại hình hài cũ của mình)
ĐÁM ĐÔNG XÔN Xao : - Ôi! Lạ quá, lạ quá
- Ôi giời ơi. Chuyện ma quỉ
- Ông Tượng gác cổng ở chùa Mơ Tích đấy.
- Ơ! Con mẹ Thị Thốt thế mà bở, nó được ngủ với Tượng.
SƯ CỤ :           (Vái) Ngài bỏ lỗi cho tôi.
ÔNG TƯỢNG : Ông quá quắt lắm, quá quắt lắm.
SƯ CỤ :           Xin mời ngài lại về ngự ở chùa Mơ Tích ạ, rước ngài.
ÔNG TƯỢNG :       Ta không về, ông làm gì được ta.
SƯ CỤ :           Ngài có điều gì giận dỗi cửa chùa?
ÔNG TƯỢNG :       Chứ lại không giận à.
SƯ CỤ :           Xin ngài cho bần tăng được biết để bần tăng còn sửa lỗi?
ÔNG TƯỢNG :       Thôi đi, đừng có bẻm mép, ông cụ trọc đầu kia ông biết quá đi rồi còn hỏi ta làm gì.
SƯ CỤ :           Quả thật là bần tăng ngu muội chưa được rõ. Xin ngài cứ dạy cho ạ.
ÔNG TƯỢNG :       Ta chẳng về chùa Mơ Tích đâu, ở đấy buồn chán lắm.
SƯ CỤ :           Một cuộc sống thong thả, ung dung, nhàn hạ hàng ngày lại được bàn dân thiên hạ nô nức kéo đến quỳ lạy, thờ phụng dâng hương hoa lễ vật. Một cuộc sống như thế sao lại có thể buồn chán được ạ.
ÔNG TƯỢNG : Hương hoa đâu đến phần ta. Mấy ông Tượng ngồi trên điện cao hưởng hết chứ ta là tượng đứng gác cổng chùa thì được cái cóc khô gì.
SƯ CỤ :           Sao ngài lại nghĩ vậy ạ.
ÔNG TƯỢNG :       Thôi đi, ông đừng vờ nữa. Để ta nói toạc cho ông hay. Ta hỏi ông đây, từ hồi ông về chủ trì ở chùa Mơ Tích, đã bao giờ ông thấy có ai dâng cho ta một cái oản, đốt cho ta một nén nhang không. Vì ta chỉ là một ông Tượng gác ở cổng chùa. Ta cũng biết lắm chứ, tượng cũng có năm bẩy đằng tượng. Có tượng ngồi chễm chệ trên điện cao, nhưng cũng có tượng chỉ đứng co ro gác ở cổng chùa.
SƯ CỤ :           Xin ngài bớt nóng giận.
ÔNG TƯỢNG :       Ta có nóng giận gì đâu. Ta chỉ nói lên một sự thật mà thôi. Thú thật với ông, ta buồn chán lắm, nhất là những ngày rằm, người đời nô nức hương hoa lên chùa, họ chỉ chăm chăm vào lạy mấy ông Tượng trên điện cao, họ chen lấn đi ngay qua mặt ta, họ có để ý gì đến ta đâu. Họ đâu có biết, nếu không có ta đứng gác ở cổng thì ma quỷ dưới âm ti đã xông vào lật đổ cả điện thờ và vặt gãy cổ các ông Tượng ngồi ở trên điện từ lâu rồi.
SƯ CỤ :           Xin ngài bớt giận. Xin ngài độ lượng.
ÔNG TƯỢNG :       Để ta nói cho biết. Nhiều lúc ta nghĩ tủi thân. Công sức ta là thế mà chẳng ai biết cho. Đã thế, người đời còn coi thường nhạo báng ta. Đã chẳng được chút khói hương gì mà trẻ chăn trâu suốt ngày cứ nghịch ngợm vẽ râu vẽ mặt ta. Có lúc chúng còn bôi cả cứt trâu lên hia của ta, hôi thối bẩn thỉu không thể chịu được. Ta nghĩ, mấy Ông Tượng ngồi trên điện kia và ta thì có gì khác nhau nào. Cùng được đục đẽo ra từ gỗ mít mà thôi... (Ôm mặt nước mắt lã chã)
SƯ CỤ :           Xin ngài... xin ngài bỏ lỗi cho.
ÔNG TƯỢNG : Ông chỉ được cái khéo mồm. Cả ông nữa ấy, ông cũng đâu có thèm để mắt đến ta. Đã hơn bảy chục năm nay, từ ngày ông còn là thằng tiểu, ông đi qua đi lại các cổng chùa dễ đến ngàn vạn lần, ta để ý có bao giờ ông thèm liếc mắt nhìn ta một lần đâu. Cả ông, ông cũng khinh ta. Chẳng thế mà đã bao lần tu bổ chùa, ông chỉ nhăm nhăm tô quét cho những ông Tượng trên điện chứ có bao giờ thí cho ta một giọt sơn, một nét bút gọi là sửa lại cho ta dù chỉ một sợi râu một sợi tóc. Ông bỏ mặc ta ngày đêm đứng gội mưa gội nắng ở cổng chùa thân tàn ma dại một mục đi dần theo tháng ngày, cho đến hôm nọ có cơn mưa to. Dòng lũ cuốn phăng ta xuống tận ao làng Tơ, ông cũng có hay biết gì đâu. Ô hô! đời ta khổ thay, phận ta nhục thay.
SƯ CỤ :           Trăm lạy ngài, bần tăng đã biết lỗi rồi. Xin rước ngài về chùa để bần tăng được sửa lỗi.
ÔNG TƯỢNG :       Thôi đi, ta chẳng tin ông đâu. Ta chán cái cảnh đứng gác cổng chùa lắm rồi. Vả lại, thú thật với ông, ta cũng không về chùa được nữa. Ta thành người trần mất rồi. Vì , vì... ta sắp có con với Thị Thốt rồi.
SƯ CỤ :           Ối giời ơi! Lại còn chuyện đó ư... Khổ tai, khổ tai...
ÔNG TƯỢNG :       Việc gì mà ông vò đầu bứt tai như vậy.
SƯ CỤ :           Ông Tượng ơi, ông nguy to rồi.
ÔNG TƯỢNG : Làm sao mà nguy to.
SƯ CỤ :           Ông là kiếp tượng thì chỉ có ở chùa. Nếu như ông đã tự bịt mất đường về chùa thì ông sẽ bị nạn hoả thiêu.
ÔNG TƯỢNG : Dám đốt cháy ta.
SƯ CỤ :           Các ông Tượng trên điện.
ÔNG TƯỢNG :       Làm sao các ông ấy lại hoá vàng ta?
SƯ CỤ :           Vì các ông ấy đâu có chịu để ông lang thang ở chốn trần gian làm xấu mặt nhà chùa.
ÔNG TƯỢNG :       Thật như thế à?
SƯ CỤ :           Bần tăng đâu dám dối trá.
ÔNG TƯỢNG :       Ta cóc cần.
SƯ CỤ :           Xin ông đừng tự giận thân như thế, Việc ông có con với Thị Thốt là việc tày trời không thể tha thứ được, nhưng cửa phật bao giờ cũng là chốn từ bi, xin ông cứ theo bần tăng về chùa, bần tăng sẽ giúp ông thửa một cái lễ hậu dâng lên các ông Tượng điện trên xin tạ lỗi. Bần tăng tin là các đấng bề trên sẽ mở lượng hải hà.
ÔNG TƯỢNG : Ô hô! ta cóc cần. Ông Tượng ta nói thế là giận thân ta ư. Không phải đâu. Ta nói thật đấy. Ông Tượng ta hám cái phận thằng tượng mọt đứng gác cổng chùa ư. Ta cóc cần đâu. Ta thà chịu bị hoá vàng còn hơn là quay về sống cái kiếp anh Tượng nhép ấy.
SƯ CỤ :           Nguy tai, nguy tai, xin ông đừng có ăn nói báng bổ như vậy kẻo lửa đỏ bùng lên đốt cháy ông bây giờ.
ÔNG TƯỢNG : Cứ đốt cháy ta đi. Đốt cháy ta đi.
SƯ CỤ :           Lạy ông... xin ông... xin ông.
ÔNG TƯỢNG :       Có giỏi thì các người cứ hoá vàng ta đi. Ta không về chùa đâu. Không thèm về đâu. Hoá vàng ta đi.
(Một tiếng nổ dữ dội, ánh chớp loé loé. Lửa bùng lên từ hai chân ông Tượng)
ÔNG TƯỢNG :       (Cười) Ha ha... Thế ra các người hoá vàng ta thật à... ha ha... ta cóc cần. Ta cóc cần.
(Đám đông xôn xao cuống quýt)
VỢ THỐT :      (Chạy lao tới vái lấy vái để) Lạy ông... Lạy ông... Ông ơi! trăm sự tại em nên ông mới ra cơ sự này... Ôi! ông ơi.
ĐỘI THỐT :     (Cũng chạy tới vái) Lạy ông... lạy ông. Lỗi này là do tôi. Tôi đâu có ngờ cơ sự lại xẩy ra hung dữ, thê thảm thế này. Tôi xin ông tha tội cho tôi. Xin ông đừng oán thù tôi.
ÔNG TƯỢNG :       (Chắp tay vái Đội Thốt) Tôi, tôi làm, tôi chịu. Tôi không dám oán thù ông. Thôi, cũng sắp về chốn âm dương lẫn lộn mịt mù, xin được vái ông một vái tạ cái lỗi đã chợt nhả đùa nghịch không phải của tôi với gia đình ông.
(Quay sang vái thị Thốt) Tôi cũng xin vái em một vái. Xin em tha tội cho.
THỊ THỐT :      Ôi! Ông ơi là ông ơi. Em đã làm ông khổ rồi.
ÔNG TƯỢNG :       Không đâu, nhớ em mà tôi được biết thế nào là cái thú làm kiếp người. Thà được làm con người sống một năm rồi chết còn hơn đời đời làm kiếp tượng vô vị nhạt nhẽo ở cổng chùa.
VỢ THỐT :      Ôi! Ông ơi! Em thương ông quá... Sao giời lại ác thế này hả giời.
(Lửa cháy đùng đùng liếm lên tới lưng Ông Tượng)
ÔNG TƯỢNG :       (Chắp tay quằn quại) Xin bái biệt ông Đội Thốt. Xin bái biệt em ở lại... còn đứa con của tôi đang ở trong bụng em... tôi xin gửi lại... Em gắng trông nom dùm tôi...
VỢ THỐT :      Em lạy ông... em lạy ông (khóc oà)
ÔNG TƯỢNG :       Em đừng khóc như thế... Nhớ trông nom con hộ tôi. Tôi đi như thế này là cũng vui vẻ rồi... Xin bái biệt em... Xin bái biệt tất cả.
Lửa cháy trùm lên người Ông Tượng
Tất cả mọi người cuống quýt than khóc, quỳ lạy.









CẢNH V

Chợ quê, ngày phiên. Tíu tít kẻ mua người bán. Ở một góc chợ, Ô Lôi và bạn vật, cả hai đóng khố, cởi trần đang hăm hở căng dây, đóng cọc chuẩn bị xới vật.

BẠN VẬT :       Hôm này ngày phiên, thế nào cũng kiếm được không nhiều thì ít
Ô LÔI :             Tí nữa anh làm chân gỗ hay là tôi.
BẠN VẬT :       Anh làm chân gỗ. Nhớ đến cuối hiệp thì ra thế hạ phát thiết cước để tôi ra miếng. Tả lôi thượng trảo quật ngã anh. Nhớ nhé.
Ô LÔI :             Anh cẩn thận kẻo tôi lại đá vào mũi như lần trước thì khốn.
BẠN VẬT :       Anh chẳng phải lo cho tôi.
(Một ông già gánh những con voi, con ngựa bằng giấy bồi đi qua. Nhị Khanh, tha thướt trong bộ quần áo rất sang, đi theo ngơ ngác, nhìn ngó)
BẠN VẬT :       Trông kìa, cô tiểu thư kia diện quá. Nom tha thướt cứ như cô tiên trên trời ấy.
(Ô Lôi ngây ra nhìn Nhị Khanh)
NHỊ KHANH :   Xin chào hai anh
Ô LÔI :             Không dám, xin chào chị... à quên xin chào công nương ạ.
NHỊ KHANH :   (Che miệng cười) Tôi là gái quê mùa, không phải là con nhà quan đâu mà anh gọi tôi là công nương.
BẠN VẬT :       Gái quê mà sang trọng thế.
NHỊ KHANH :   Sang trọng lắm à?
BẠN VẬT :       Quần áo cô tha thướt xanh đỏ như là quần áo để... tế lễ ấy. Cô cho tôi hỏi một câu nhá. Cô là người ở đâu vậy? Nom quen quá.
NHỊ KHANH :   Em cũng là người ở vùng này thôi. Thế các anh cho em hỏi lại. Các anh là người ở đâu, tên họ là gì?
BẠN VẬT :       Tôi tên là Bạn, có nghề vật thuê nên người đời hay gọi là Bạn Vật. Còn đây là anh bạn nối khố của tôi, tên là Ô Lôi.
NHỊ KHANH :   Tên nghe lạ quá, cứ như là tên con nhà quan ấy.
BẠN VẬT :       Quan gì. Anh ấy là con của ông Tượng gỗ gác cổng chùa Mơ Tích đấy.
NHỊ KHANH :   Con của ông Tượng à. Sao lại có chuyện là vậy. Các anh lạ hay cứ đùa cợt em.
BẠN VẬT :       Không đùa đâu, quả thực anh ấy là con của ông Tượng gỗ gác ở cổng chùa Mơ Tích đấy. Cô nhìn kỹ mà xem, có đúng mặt mũi anh ấy khác người không. Cứ gọi là đẹp như Tượng ấy chứ. Đúng không nào?
NHỊ KHANH :   Quả đúng như vậy, trán cao mũi thẳng, miệng rộng, tai dài, nom thoáng đã khác người trần, nom kỹ lại càng thấy giống như tiên phật.
BẠN VẬT :       Xem chừng cô có vẻ phải lòng anh bạn Ô Lôi của tôi rồi thì phải. Để tôi làm mối anh ấy cho cô nhé. Anh Ô Lôi tính nết hiền lành chung tình lắm.
Ô LÔI :             Thôi, đừng có nói nhảm nữa, anh xoa dầu hộ tôi kẻo thiện hạ họ đang lục đục đến cả kia rồi.
(Hai chàng trai xoa dầu cho nhau. Nhị Khanh trố mắt nhìn)
BẠN VẬT :       Cái cô tiểu thư kia có vẻ táo tợn nhỉ. Cô ấy cứ thô lố nhìn anh chẳng biết ngượng gì cả.
Ô LÔI :             Kệ người ta.
BẠN VẬT :       Thì tôi chẳng kệ chứ có ôm chầm lấy người ta đâu.
Ô LÔI :             Thôi, tôi lẩn đi đây. Anh nhớ đánh trống nhịp ba nhé.
(Ô Lôi lẩn đi. Bạn Vật bước ra sới, cầm dùi lớn đánh trống)
Thưa bà con
Tôi không bán thuốc
Cũng chẳng buôn cao
Chỉ biết dăm ba miếng võ quê mùa
Chợ phiên bày trò mua vui đấu vật
Xin mời xa gần những ai khoẻ mạnh
Hãy vào tỉ thí cùng tôi.
(Đánh trống) Nào... xin mời... xin mời các trai làng... ngày phiên, ta làm vài keo vật, trước là để mua vui cho bà con, sau cùng là giúp đỡ tôi chút tiền chút gạo. (Đánh trống) Xin mời... xin mời.
ĐÁM ĐÔNG :   (Xôn xao ô đảng)
- Kìa, bác...
- Anh vào làm một keo.
- Vào đi chứ chỉ quen ru rú ở nhà vật nhau với vợ thôi à,
- Ơ hay, các bác này sao cứ đẩy tôi.
Ô Lôi : Có tôi đây.
(Bước vào sới, cởi áo)
BẠN VẬT :               A, hay lắm. Có thế. Mời bác. Thế bác định vật kiểu gì nào, kiểu tàu hay kiểu ta.
Ô LÔI :             Tôi biết vật kiểu nhà quê thôi.
BẠN VẬT :       Kiểu nhà quê à.
Ô LÔI :             Vâng
BẠN VẬT :       Được. Ta sẽ vật nhau theo kiểu nhà quê, nhưng tôi xin giao hẹn trước, cấm chơi kiểu bóp... ấy đấy nhé. (Làm động tác bóp bộ hạ. Chung quanh cười rộ kên thích thú)
(Ô Lôi cởi áo, Nhị Khanh lấp ló trong Đám đông. Công tử Tằng và vài ba người hầu đeo gương đi tới)
BẠN VẬT :       Xin nhờ ai giúp cho mấy hồi trống cầm trịch ạ
(Công tử Tằng hất đầu ra hiệu, một người hầu chạy vào đánh trống)
BẠN VẬT :       Mời bác.
Ô Lôi Không dám. Mời bác
(Hai chàng trai bái tổ trong tiếng trống dục dã. Rồi họ xông vào túm lấy nhau, vật nhau huỳnh huỵnh có vẻ hăng hái lắm. Đám đông hò reo hứng khởi)
BẠN VẬT :       (Vẫn túm đầu Ô Lôi) Nào, bây giờ anh ra miếng hạ phát thiết cước đi.
Ô LÔI :             Chú ý nhé.
(Vùng ra xa, trổ thế hạ phát thiết cước)
BẠN VẬT :       Ngã này
(Lao vào Ô Lôi, phóng chân đá theo thế Tả lôi thượng trảo, Ô Lôi ngã lộn cổ lăn ba vòng)
ĐÁM ĐÔNG :   - Hoan hô... hoan hô
- Miếng võ đẹp quá
- Họ đấy mới ghê chứ
- Đáng tiền lắm. Đáng tiền lắm.
BẠN VẬT :       (Bê chậu thau đồng) Xin bà con trổ lòng hảo tâm, gọi là giúp cho kẻ mài võ tôi chút đồng tiền bát gạo.
(Đám đông vui vẻ kẻ cho tiền, người cho gạo, cho quà)
BẠN VẬT :       (Đi ngay qua Công tử Tằng) Xin chào công tử. Mời công tử mở lượng hải hà.
CÔNG TỬ TẰNG: Miếng Tả lôi thượng trảo của người khá lắm. Đây, ta thưởng cho một quan tiền (Móc túi lấy ra một quan tiền)
BẠN VẬT :       Đội ơn công tử.
(Dơ chậu toan hứng)
CÔNG TỬ TẰNG: (Thu tiền lại) Khoan, nếu người dám tỉ thí với ta vài hiệp ta sẽ thưởng cho ngươi không phải một quan tiền mà những ba quan tiền.
BẠN VẬT :       Ba quan tiền
CÔNG TỬ TẰNG : Phải. Dám không.
(Đám đông tò mò im lặng nhìn 2 người. Ô Lôi và Nhị Khanh cũng chen đến gần)
BẠN VẬT :       Công tử muốn đấu vật với tôi
CÔNG TỬ TẰNG : Đấu vật à (Cười lớn) Ta không chơi trò trẻ con ấy. Ta muốn tỉ thí cùng ngươi bằng cái này. (Bất ngờ rút gươm ra)
(Đám đông rú lên, ồn ào kinh hãi)
CÔNG TỬ TẰNG :Sợ hả (Dạng chân) chui qua, không thì ta chém chết. Chui.
BẠN VẬT :       Người đừng cậy thế giầu sang mà làm nhục ta (Nhổ cây côn lim lên) Ta nhận lời tỉ thí cùng ngươi.
(Đám đông lắng hẳn xuống hồi hộp)
CÓ TIẾNG KÊU : Công tử Tằng giỏi kiếm lắm đấy.
- Giời ơi! sao lại định đâm chém nhau như thế này.
Một hồi trống dục, Công tử Tằng và Bạn Vật vào thế giữ miếng, rồi họ xông vào hỗn đấu. Tiếng trống càng to. Hai người quần thảo quyết liệt. Một tiếng thét. Lưỡi gươm từ tay Công tử Tằng bất ngờ dữ dội chém ngang mặt Bạn Vật.
BẠN VẬT :       Ối trời ơi (Buông rơi côn, từ từ ngã khuỵ xuống)
(Đám đông thét lên, ùa vỡ chạy toán loạn)
- Giết người...
- Ối giời ơi giết người.
Ô LÔI :             (Lao vào ôm Bạn Vật) Bạn ơi... Bạn ơi...
(Đám đông đã tản hết, chỉ còn lại một mình Nhị Khanh đứng im phăng phắc)
Ô LÔI :             (Vẫn ôm xác bạn, ngước lên) Tại sao, tại sao ngươi lại độc ác thế?
CÔNG TỬ TẰNG : Ta chơi đúng luật giang hồ.
Ô LÔI :             Quân giết người. Quân giết người.
CÔNG TỬ TẰNG : Thằng thất phu nhà quê. Sao dám vô lễ với ta. Ta chém chết mày.
Ô LÔI :             Đồ ngạo mạn. Đồ độc ác. Người phải đền mạng cho bạn ta.
CÔNG TỬ TẰNG : Cầm lấy cây gậy lim kia. Ta không muốn chém mày khi mày tay không.
(Ô Lôi cúi nhặt cây côn lim rồi từ từ đứng lên. Công tử Tằng vào thế võ. Hai người hầm hầm nhìn nhau)
Ô LÔI :             (Ngước lên trời) Lạy trời lạy phật. Lạy mẹ lạy cha, con không bao giờ muốn làm điều ác. Trận tỉ thí này là vạn bất đắc dĩ. Dám mong trời phật cha mẹ hiểu cho lòng con.
CÔNG TỬ TẰNG : Thằng nhà quê, hãy đón đường gươm của ta
(Lao bổ vào chém Ô Lôi. Hai người đánh nhau dữ dội. Nhị Khanh vẫn đứng im phăng phắc, Công tử Tằng giả vờ bỏ chạy. Ô Lôi lao theo, bất ngờ Công tử Tằng quay phắt lại, vung gươm chém vào ngang ngực Ô Lôi)
Ô LÔI :             (Loạnh choạng) Ái chà! Thằng tiểu nhân
(Ngã ngồi xuống. Máu chảy ướt ngực)
CÔNG TỬ TẰNG :Tao chém rụng đầu mày.
(Nhẩy bổ tới, vung gươm. Ô Lôi lăn tròn 1 vòng, chồm dậy phang một côn đúng gáy Công tử Tằng)
CÔNG TỬ TẰNG :Chết tôi rồi
(Ngã dụi xuống, rơi gươm)
Ô LÔI :             Vác chủ chúng mày đi.
(Mấy tên hầu vâng dạ cuống quýt khênh Công tử Tằng chạy ra. Còn lại Ô Lôi và Nhị Khanh)
Ô LÔI :             (Cúi xuống xác Bạn Vật, khóc) Bạn ơi... Bạn ơi... khổ thân bạn tôi hu hu...
NHỊ KHANH :   Khóc mà làm gì nữa.
Ô LÔI :             (Vẫn ôm xác bạn, khóc) Hu hu... Bạn tôi chết rồi. Khổ thân bạn tôi... hu hu.
NHỊ KHANH :   Con người sống chết có số cả. Than khóc cũng chẳng làm ai sống lại được. Kìa máu đang chảy ướt đỏ cả ngực chàng rồi, chàng Ô Lôi
Ô LÔI :             (Ngẩng lên, ngơ ngác) Tiểu thư, tiểu thư là ai mà biết tên tôi.
NHỊ KHANH :   Chàng cứ gọi em là Nhị Khanh. Nào, chàng để em giúp cho. Máu chảy nhiều quá (nhìn quanh rồi nhổ một nắm lá nhai nát rồi đưa cho Ô Lôi) Chàng hãy xoa vào vết chém, cầm máu ngay thôi.
Ô LÔI :             (Làm theo lời Nhị Khanh) Ừ nhỉ, máu đã ngừng chảy, ta thấy tỉnh táo rồi. (Đứng dậy vái Nhị Khanh) Xin đội ơn tiểu thư đã ban cho thuốc thánh.
NHỊ KHANH :   Có gì đâu, chỉ là nắm là ven đường.
Ô LÔI :             Tôi xin tiểu thư cứu cho người bạn của tôi sống lại.
NHỊ KHANH :   (Cúi nhìn xác người hồi lâu lắc đầu) Hồn người này đã lìa khỏi xác bay đi xa lắm rồi. Không thể gọi lại được nữa.
Ô LÔI :             Tội nghiệp. Thế là anh ấy đã thành người thiên cổ rồi sao.
NHỊ KHANH :   Người đang nằm đây có họ với chàng không?
Ô LÔI :             Chúng tôi chỉ là đôi bạn vật. Vì túng đói nên hay lang thang khắp các chợ quê bày trò mài võ, mua vui cho thiên hạ, cũng là để kiếm miếng ăn. Nào ngờ, hôm nay tới đây đụng phải người kiệu ngạo độc ác nên mới gặp cảnh thê thảm này.
NHỊ KHANH :   Dám xin hỏi, chàng là người quê quán ở đâu?
Ô LÔI :             Tôi là người làng Tơ, ngay cạnh chân núi Hoa.
NHỊ KHANH :   Song thân chàng vẫn mạnh khoẻ.
Ô LÔI :             Tôi mồ côi cha mẹ từ nhỏ.
NHỊ KHANH :   Tôi vô ý quá. Xin chàng bỏ lỗi cho. Bây giờ chàng định đi đâu.
Ô LÔI :             Tôi đưa bạn tôi vào chân núi Hoa rồi đắp cho anh ấy một nấm mộ.
(Trời bỗng chuyển gió, có tiếng sấm ì ầm trên trời)
NHỊ KHANH :   Tôi sẽ giúp chàng một tay.
Ô LÔI :             Ấy chết. Việc này mình tôi cũng làm được. Không dám phiền tiểu thư (Nhìn trời) sắp mưa to rồi. Xin mời tiểu thư về lại tệ xá.
NHỊ KHANH :   Chàng không phải e ngại. Tôi giúp chàng được mà.
Ô LÔI :             Đội ơn tiểu thư vô vàn, nhưng xin tiểu thư xá lỗi. Để tiểu thư phải nhúng tay vào những việc như thế này thì Ô Lôi tôi còn mặt mũi nào nữa. (Chắp tay) Trời sắp có cơn giông lớn, Ô Lôi tôi phải mau vác bạn vào rừng sâu. Xin bái biệt ân nhân. Hẹn một ngày gặp lại có dịp sẽ xin được đền đáp ơn cứu mạng hôm nay.
(Vác xác bạn, vùn vụt đi vào rừng. Tiếng sấm đổ ì ầm chớp loe loé. Nhị Khanh đứng nhìn theo)
NHỊ KHANH :   Con người này nom bên ngoài thì quê mùa cục nịnh, nhưng bên trong thì lại rất chân thực, thanh tao. Phải chăng có duyên tiền định hay sao mà lòng ta bỗng dưng lại ngơ ngẩn quyến luyến thế này.
(Mưa sầm sập đổ xuống. Nhị Khanh đứng im lặng, ngơ ngẩn nhìn theo)











CẢNH VI

Trong rừng sâu âm u hoang dã. Đêm trăng vằng vặc
Ô Lôi quần áo rách rưởi, vai đeo cung tên, lưng giắt đao lớn.

Ô LÔI :             (Cúi xem bẫy) Vừa có con lớn độc chạy qua đây xéo nát cả cái bẫy của ta rồi. (nhìn quanh) Dấu chân còn mới lắm. Hay là con thú vẫn còn quanh quẩn đâu đây.
(Rút dao, lần mò theo dấu chân thú chợt có tiếng hát văng vẳng từ xa)
Đêm khuya gió thổi ào ào
Cành lá xơ xác bay
Ôi, rừng thiêng hoang vu bí ẩn
Ta lang thang lạc bước không hồn
Bỗng nhớ đồng bằng trăng bát ngát
Nỗi buồn san sẻ cùng ai đây
Xin đừng cười cợt ta nữa
Trăng rừng vướng trong bóng cây
Nhị Khanh, áo thướt tha, ôm cây đàn thơ thẩn hiện ra. Nàng bước tới ven bờ suối, ngồi xuống một thân cây đổ và cắm cúi mê mải gẩy mấy điệu thu tứ)
NHỊ KHANH :   (Hát)
Đêm trăng đẹp đành bỏ phó hoài
ta lẻ loi không bầu bạn
Đời ta sẽ tàn như ánh trăng
Chốn âm huyền bí
Có đúng sẽ là miền khoái lạc vĩnh hằng của con người.
(Nói) Lâu nay rượu xuân quá chén, ta chỉ biết mê mệt nằm dài chẳng đi chơi đâu. Đêm nay lang thang vào rừng sâu. Tưởng rằng đàn hát dăm câu cho đỡ sầu, nào ngờ càng buồn hơn. Ta thèm gặp bạn tri âm. Nhưng nào có ai chịu là bạn tri âm của ta.
Ô LÔI :             (Rảo bước lại vái chào) Xin chào ân nhân, ân nhân có còn nhận ra tôi không?
NHỊ KHANH :   A, chàng Ô Lôi
Ô LÔI :             Xin bái yết ân nhân.
NHỊ KHANH :   Vậy ra lâu nay chàng sống ở trong rừng hoang một mình ư.
Ô LÔI :             Vâng ạ, sau khi chôn bạn xong, tôi không dám về làng Tơ nữa vì Công tử Tằng đang lùng bắt để trả hận.
NHỊ KHANH :   Thật là số giời run rủn. Từ buổi chia tay với chàng ở chợ quê, đã mấy ngày phiên, tôi đi tìm chàng mà không được gặp. Đêm nay trăng vắng lạnh, một mình dạo bước nhàn du, trong chốn rừng hoang, tưởng rằng chỉ biết trò chuyện cùng cây cỏ, nào ngờ lại gặp chàng thật đúng là số giời run rủi rồi. Xin mời chàng ngồi.
Ô LÔI :             Không dám, mời ân nhân.
NHỊ KHANH :    Chàng không phải giữ ý như thế. Tôi và chàng có cuộc hội ngộ đêm nay là có sự sắp đặt trước của định mệnh rồi đấy.
Ô LÔI :             Thưa ân nhân, tôi không dám nghĩ như thế, đây chỉ là sự tình cờ mà thôi.
NHỊ KHANH :   Chàng ngồi xuống đi. Và đừng gọi em là ân nhân. Cứ gọi là tiểu thư thôi. Nào ngồi xuống cùng em.
Ô LÔI :             Thưa tiểu thư, vì nguyên do gì mà giữa đêm khuya thanh vắng, tiểu thư lại ôm đàn lang thang một mình trong chốn rừng hoang.
NHỊ KHANH :   Lời hát và điệu nhạc của em đã trả lời cho chàng rồi đấy.
Ô LÔI :             Chắc là nhà tiểu thư không xa đây lắm.
NHỊ KHANH :   Thôi, chàng ơi, lúc này chưa phải lúc hỏi chuyện đó. Chàng hãy ngồi xuống đi, em sẽ đàn hát cho chàng nghe
(Gẩy đàn, hát)
Đêm trăng nỡ bỏ phí hoài
Ôm đàn ta buông tiếng tơ đồng
Bạn tri âm ơi xin đừng hỏi
Vì sao lại có bông hoa rừng
Yêu hoa đi đừng bâng khuâng nữa
Lửa lòng bừng cơn say
Bạn tri âm ơi xin đừng hỏi
Trăng khuya sao nỡ bỏ phí hoài
Ô LÔI :             (Mê mẩn) Trời ơi! Tiếng hát của nàng làm đầu óc ta cứ như mê đi.
NHỊ KHANH :   Em hát hay lắm phải không chàng.
Ô LÔI :             Hay lắm. Tiếng hát của tiểu thư như đang đưa dắt tôi vào một giấc mộng vàng.
NHỊ KHANH :   Đời người có khác gì giấc chiêm bao. Đang ở đấy mà thoắt cái lại biến đi đâu đấy.
Ô LÔI :             Tiểu thư dạy như thế có nghĩa là thế nào?
NHỊ KHANH :   Chàng thật chất phác. Như thế có nghĩa là trời để cho sống ngày nào nên biết tìm thú vui mà hưởng.
Ô LÔI :             Số kiếp tôi vất vả lang thang từ tấm bé nên cũng chưa bao giờ có dịp may tìm gặp được một thú vui nào đáng kể ở đời.
NHỊ KHANH :   Có lẽ vì vậy mà trời phật run rủi sai khiến em mang lạc thú đến dâng cho chàng.
Ô LÔI :             Nhẽ nào một người khốn khổ phiêu bạt như tôi lại có được may mắn như vậy ư.
NHỊ KHANH :   Không phải chỉ có chàng gặp may đâu, mà chính em cũng đang gặp được điều may mắn đây. Trời đất, biết bao nhiêu ngày tháng em đi tìm, giờ đây em đã gặp được người em tìm rồi.
(Ôm lấy Ô Lôi ) Hãy yêu thương em đi, hỡi Ô Lôi. Em xin dâng tấm thân ngà ngọc của em cho chàng.
(Kéo Ô Lôi ngã xuống phiến đá. Trăng mờ dần, một đàn chim công hiện ra trong ánh trăng mờ ảo xúm quanh đôi trai gái múa rất ngoạn mục)
Văng vẳng bài hát:
Duyên ở trần gian khéo hẹn
Trai tài gái dắc gặp nhau
Rừng hoang cũng thành chăn gối
Suối reo tiếng nhạ non bồng
Gặp nhau mơ màng trong mộng
Cực lạc ở đâu ở đâu
Âm dương tác thành say đắm
Trần gian chốn ấy chính thiên đường
(Tiếng hát nhỏ dần, Thuồng luồng và Ba ba mặc đồ đen, vẩy bạc lóng lánh lò dò đi ra)
THUỒNG LUỒNG: Bác Ba ba ơi, vắng vẻ quá, rờn rợn thế nào ấy.
BA BA :           Ở dưới sông bác táo tợn ngổ ngáo lắm cơ mà.
THUỒNG LUỒNG: Dưới sông khác. Còn đây là trong rừng. Cả đời tôi đã vào rừng bao giờ đâu cơ chứ. Ối giời ơi? Cái gì đấy nhỉ?
BA BA :           Ôi dào, hòn đá nó lăn.
THUỒNG LUỒNG: Thế mà tôi cứ hết cả hồn (Ngồi ngay xuống cạnh tảng đá mà Nhị Khanh và Ô Lôi đang ôm nhau ngủ). Nghỉ tí bác Ba ba. Mệt quá.
BA BA :           Ờ thì nghỉ.
THUỒNG LUỒNG : Rừng hoang bạt ngàn âm u như thế này. Dễ thường mò đến sáng bảnh cũng chẳng túm được váy cái cô nương đỏng đảnh õng ẹo đó. Nghĩ mà khổ thân tôi và bác.
BA BA :           Khổ cũng phải tìm.
THUỒNG LUỒNG : Giờ này cụ Hà Bá chắc đang tức sặc máu đây. Đêm khuya trăng sáng, có cô vợ trẻ ôm ấp nó lại đi đâu mất. Dục tình bốc lên ngùn ngụt như... như nồi nước đang sôi sùng sục lại bị đậy chặt vung... Không có chỗ tháo ra làm gì mà chẳng uất.
BA BA :           Ấy, lấy vợ trẻ là khổ thế đấy. Nó hay cho mọc sừng.
THUỒNG LUỒNG : Cụ Hà Bá nhà ta giá mà sửa được cái máu dê cụ thì có lẽ cũng được hoá thành phật ngồi toà sen hưởng phúc từ lâu rồi. Cụ ấy dại thật.
BA BA :           Chưa biết ngồi chắp tay nhắm mắt, trên toà sen hay là nằm trợn trừng ưỡn rốn trên sập gụ, ôm gái đẹp trong tay đằng nào sướng hơn. Cụ Hà Bá chẳng phải tay dại đâu.
THUỒNG LUỒNG : Phải, phải, có lẽ chỉ có tôi và bác là dại thôi.
BA BA :           Mình phận tôi tớ thì phải chịu dại chứ còn làm sao nữa.
THUỒNG LUỒNG : Khôn dại thì tôi cũng phải ngả lưng một cái. Gớm! Mỏi cái khấu đuôi quá.
(Ngả lưng ra đất, ngáy liền)
BA BA :           Cái nhà bác Thuồng Luồng này dễ ngủ thật. (Cũng ngả lưng vào tảng đá, bỗng chồm dậy) Ối giời! Cái gì thế này?
THUỒNG LUỒNG : (Choàng dậy hốt hoảng) Cái gì thế? Hổ à?
BA BA :           Đống gì nhun nhũn, trăng trắng, âm ấm. Ghê tay quá.
(Lấy mũi đao khều cái oá khoác trắng của Nhị Khanh, lộ ra đôi trai gái đang ôm nhau ngủ ngon lành)
THUỒNG LUỒNG :Ơ ơ... phu nhân... Đệ nhất phu nhân của cụ Hà Bá đây rồi. Bà ấy đương... đương ngủ với giai. Để tôi đánh thức bà ấy dậy.
BA BA :           Ấy, khoan đã. Khoan đã.
THUỒNG LUỒNG :Sao lại khoan.
BA BA :           Bác hãy chặt đầu cái thằng chim vợ người kia đi đã
THUỒNG LUỒNG :Được
(Tuốt dao, xấn tới toan chém Ô Lôi, bỗng hạ dạo xuống thở dài)
BA BA :           Sao không hạ thủ.
THUỒNG LUỒNG : Gã này có cái mặt đẹp quá. Đẹp như tượng. Tôi không nỡ động thủ.
BA BA :           Đâu, để tôi.
(Xấn tới, nhìn rồi cũng thờ dài) Ừ nhỉ, đẹp quá.
THUỒNG LUỒNG : Thảo nào bà Nhị Khanh bỏ ông cụ Hà Bá chạy theo chàng này là phải.
BA BA :           Nhìn họ nằm bên nhau, tôi cũng không thể xuống đao được.
THUỒNG LUỒNG : Ta làm gì bây giờ hả bác.
BA BA :           Tốt nhất là cứ tảng lờ như không nhìn thấy cảnh thần tiên này.
THUỒNG LUỒNG : Bác nói chí phải. Kệ cho họ ngủ. Bây giờ tôi với bác đi chơi lang thang thăm thú cảnh rừng, đợi gần sáng ta về bẩm với cụ Hà Bá là cũng đã tìm ráo riết lắm nhưng chẳng gặp ai cả.
BA BA :           Bác cao kiến đấy.
(Cả hai bá vai vui vẻ bỉ đi. Thuồng Luồng bỗng chạy lại, lấy áo đắp lại cho đôi trai gái)
THUỒNG LUỒNG : (Chắp tay vái) Chúc bà và cái cậu người trẻ đẹp kia cứ tha hồ ôm nhau vùng vẫy ở miền cực lạc. (Rút dao cắm xuống cạnh tảng đá). Tôi xin gửi lại thanh đao này, chỉ mong bà có vui thú mấy thì trước sáng cũng phải trở về với ông cụ Hà Bá kẻo thì bà cũng khổ mà chúng tôi cũng khổ. (Vái, bỏ đi)
NHỊ KHANH :   (Từ từ tỉnh dậy, nàng mỉm cười, ôm đàn định dạo một khúc Nam cung, bỗng nhiên nàng nhìn thấy thanh đao) Ai cắm thanh đao ở đây thế này (Nhổ thanh đao lên xem, giật mình) Đao của Thuồng Luồng. (Ngó quanh hốt hoảng) Thì ra tay chân của lão Hà Bá đã mò đến tận đây rồi ư?
Ô LÔI :             (Tỉnh dậy) Thưa tiểu thư, có chuyện gì vậy?
NHỊ KHANH :   (Dấu thanh đao đi) Không có chuyện gì cả, em đang mải nhìn một ánh trăng rừng.
Ô LÔI :             Trăng đã lặn, trời cũng sắp sáng rồi (Nhảy xuống khỏi tảng đá, khoác áo, vái Nhị Khanh một vái) Xin đa tạ tiểu thư đã mở lượng bao dung ban cho kẻ dân quê cục mịch này được hưởng chút hoan lạc ái ân ở chốn thiên đường cực lạc.
NHỊ KHANH :   (Vái đáp lễ) Chàng không nên quá ý tứ như vậy. Chính em phải ta ơn chàng mới đúng.
(Ôm đàn, hát)
Ban tri âm ơi, bạn có hay chăng
Sự đời huyền bí, kiếp người oái oăm
Em như cánh hoa đã tàn
Cách cái chết kia tấc gang
Ngày tháng quạnh hiu, vô duyên
Đời em may mắn gặp chàng
Có lòng yêu thương
Quạt nồng cho em hơi ấm trần gian
Ơn này em còn kết cỏ
Biết đến kiếp nào mới trả cho chàng.
Ô LÔI :             (Say đắm) Hễ cứ nghe tiểu thư đàn hát là Ô Lôi tôi lại thấy như đang lạc vào một chốn thần tiên ảo mộng. Chỉ tiếc rằng giấc mộng nào rồi cũng phải tàn.
NHỊ KHANH :   Chàng còn quyến luyến em lắm ư?
Ô LÔI :             Thưa tiểu thư, Ô Lôi tôi chỉ mong ước suốt đời được sống bên cạnh tiểu thư mà thôi.
NHỊ KHANH :   Em cũng có điều mong ước ấy. Chỉ tiếc thay... tiếc thay.
(Hát)
Trăng lặn rồi. Ngày rạng lên
Âm dương cách đôi
Người ở lại với ánh trời rực rỡ
Người trở về thế giới tối đen
Biệt ly đan se lòng
Nhưng biết làm cách nào
Mệnh trời thật là ghê gớm
Phận người lẻ loi mỏng manh
Làm sao chống lại được
Vĩnh biệt chàng
Em xin đội ơn chàng
Đã cho em biết chút thiên đường ở chốn trần gian.
(Nhị Khanh múa hát, xong xụp lạy Ô Lôi)
Ô LÔI :             (Đỡ dậy) Tiểu thư định bỏ Ô Lôi này mà đi ư?
NHỊ KHANH :   Em không sao ở lại với chàng được.
Ô LÔI :             Bây giờ tiểu thư định đi đâu?
NHỊ KHANH :   Em phải về nhà của em.
Ô LÔI :             Nhà tiểu thư ở đâu?
NHỊ KHANH :   Ở đâu ư. Ở đâu ư.
(Cười như điên dại)
Một dòng sông xanh. Một cây gạo đỏ
Day bìm leo trên mái rêu phong
Vách đổ, tường siêu, cô quạnh
Lối mòn đi hoang vắng dợn người
Nhà em bây giờ ở đâu ư... ở đâu ư...
Trời ơi! Nơi ấy mà cũng gọi là nhà của em ư.
Thôi, vĩnh biệt chàng, vĩnh biệt chàng. Xin hẹn kiếp sau tái ngộ cùng chàng.
(Vái Ô Lôi rồi vùn vụt bỏ đi. Ô Lôi toan chạy theo, nhưng bỗng nhiên trời nổi sấm sét. Mưa ào ào trút xuống)
Màn









CẢNH VII

Một con sông lớn
Một cậy gạo nở hoa chói ven bờ
Nép vào gốc gạo là một cái miếu cổ, tường xiêu, vách đổ, dây bìm bìm leo đầy trên mái rêu phong.
Ô Lôi áo quần tơi tả, lưng đeo dao lớn, loạng choạng mỏi mệt đi tới.

Ô LÔI :             A ha! Đây rồi, con sông trong xanh. Cây gạo hoa đỏ. Tường cũ rêu phong và những dây bìm bìm phủ đầy trên mái ngói cũ xưa. Có lẽ chính đây là nhà của nàng rồi. (Quỳ xuống) Lạy trời, lạy phật. Hơn một năm qua, kể từ hôm chia tay với nàng, con đã đi qua bao đường đất núi sông để tìm kiếm nàng. Cho đến hôm nay, lạy trời, lạy phật nếu như duyên của con chưa bạc, cầu xin trời phật hãy cho con được gặp nàng.
(Đẩy cửa miếu, quả quyết bước vào)
Ô LÔI :             Trời ơi! cái gì thế này.
(Ô Lôi đứng sững lại, trước mắt chàng đặt một cỗ áo quan. Đằng sau cỗ áo quan là pho tượng đất nàng Nhị Khanh đang đứng ôm cây hồ cầm)
Ô LÔI :             (Quỳ thụp xuống) Tiểu thư ơi, nàng đã mất rồi ư. Tôi đến chậm mất rồi... Tôi đến chậm mất rồi.
(Có tiếng động lịch kịch bên ngoài, Ô Lôi giật mình đứng lên. Sư cụ áo vàng thong thả bước vào)
Ô LÔI :             Lạy cụ ạ.
SƯ CỤ :           Mô phật, không dám chào ông con Tượng, ông đã lớn thế rồi.
Ô LÔI :             Làm sao cụ lại biết con.
SƯ CỤ :           Anh thì ai mà chẳng biết.
Ô LÔI :             Cụ cho con được hỏi, cụ là người trông nom cái miếu nhỏ này.
SƯ CỤ :           Không. Ta đi ngang qua đây, thấy có tiếng người than thở, ta ghé vào mà thôi. Anh và người con gái đang nằm trong cỗ áo quan kia là thế nào.
Ô LÔI :             Bạch cụ, nàng là ân nhân và cũng là bạn tình tri âm của con.
SƯ CỤ :           Anh quen nàng từ bao giờ.
Ô LÔI :             Cho đến hôm nay, đúng một năm tròn.
SƯ CỤ :           Làm sao có chuyện lạ lùng đó, người con gái này đã chết gần ba năm rồi.
Ô LÔI :             Gần ba năm. Cụ có lầm không ạ?
SƯ CỤ :           Làm sao ta lầm được. Chính ta là người làm lễ cầu siêu cho nàng mà.
Ô LÔI :             Thế là thế nào nhỉ
SƯ CỤ :           Còn thế nào nữa. Anh đã đùa dỡn với một hồn ma rồi.
Ô LÔI :             Với một hồn ma.
SƯ CỤ :           Đúng như vậy rồi.
Ô LÔI :             Thưa cụ vì sao nàng lại chết yểu như vậy ạ?
SƯ CỤ :           Người con gái nằm kia tên là Nhị Khanh, con gái một ông cụ đồ nho ở trong làng Nhị Hồ. Nàng không chết yểu vì bệnh tật mà vì một nguyên do khác, thê thảm hơn trăm ngàn lần.
Ô LÔI :             Nguyên do gì đấy ạ?
SƯ CỤ :           Nàng bị dân làng đem làm lễ tế thần.
Ô LÔI :             Tế thần.
SƯ CỤ :           Đã bao nhiêu đời nay, cứ đúng hai giáp một lần, dân làng Nhị Hồ phải ném xuống sông một người con gái trinh bạch, tài sắc nhất làng để làm vợ cho Hà Bá. Nếu không thì Hà Bá sẽ dâng nước lên làm ngập lụt khắp cả vùng. Cách đây ba năm, tới kỳ dâng lễ vật khủng khiếp đó, Nhị Khanh đã bị ném  xuống sông vì nàng là người con gái đẹp nhất vùng này.
Ô LÔI :             Trời đất ơi.
SƯ CỤ :           Anh còn trẻ trai, khoẻ mạnh, chắc chắn sẽ còn gặp được nhiều người con gái xinh đẹp ở đời. Ta thành thật khuyên anh hãy quên cô Nhị Khanh xấu số này đi.
Ô LÔI :             Cụ khuyên cháu phụ người con gái đáng thương đang nằm trong cỗ quan kia.
SƯ CỤ :           Cô gái đó đâu còn là một người. Cô ta chỉ còn là một hồn ma.
Ô LÔI :             Hồn ma ư. Nhưng cô ta bị chết oan.
SƯ CỤ :           Anh vẫn còn quyến luyến nàng Nhị Khanh.
Ô LÔI :             Cháu đã yêu thương nàng. Giờ đây, sau khi nghe tỏ câu chuyện thê thảm oan ức này, cháu càng yêu thương nàng hơn, cho dù bây giờ nàng chỉ còn là bức tượng đất mà thôi.
SƯ CỤ :           Ta thấy làm kinh ngạc cho những ý nghĩ của anh.
Ô LÔI :             Cụ ơi cái chết đâu có thể chia cắt được con người khi họ đã thực sự thương yêu nhau.
SƯ CỤ :           Anh không thể quên được nàng Nhị Khanh.
Ô LÔI :             Vâng cháu thà xin được chết theo nàng còn hơn.
SƯ CỤ :           Thật là kỳ lạ. Ái tình là cái quái gì mà khiến cho con người ta lại có thể có được sức mạnh coi khinh cái chết đến như vậy. Cách đây hơn hai mươi năm, ta cũng đã từng chứng kiến tận mắt Ông Tượng gỗ, sau khi đã gian díu với một ả quê mùa rồi vui lòng chịu chết thiêu chứ không chịu trở về chùa nữa. Ôi, ái tình thật kỳ lạ thay. Nó là cái gì vậy? (Hỏi Ô Lôi)Anh định chết theo nàng Nhị Khanh thật ư?
Ô LÔI :             Xin cụ chứng dám cho cháu.
(Rút đao, quỳ xuống toan đâm vào cổ)
SƯ CỤ :           Khoan đã. Thật đúng là cha nào con vậy. Đừng chết uổng. Anh có muốn nhìn thấy nàng Nhị Khanh sống lại không?
Ô LÔI :             Trời! Cụ nói gì vậy?
SƯ CỤ :           Cảm động trước tấm lòng của anh, ta mách cho anh một điều bí ẩn của thiên cơ. Hãy cầm lấy cây hồ cầm kia và hát lên một bài và từ sâu thẳm trái tim anh. Ta không dám cam đoan với anh, nhưng biết đâu đấy, nàng Nhị Khanh sẽ trở lại dương gian với anh.
Ô LÔI :             Ôi! Nếu đúng như vậy thì con xin đội ơn cụ.
(Vái Sư cụ, rồi tới đỡ lấy cây hồ cầm trên tay bức tượng)
(Hát) Một năm qua rồi bao nhiêu mùa trăng. Nàng có nhớ chăng duyên lạ trong rừng. Gió gió, mây mây nào có phút ngừng. Vẫy vùng trời ái cảnh nhạn hồng bay. Lướt trên bể tình thuyền ai như say. Ô Lôi phận tôi một kẻ đói nghèo. Sống trong mộng vàng được nàng đoái thương. Lạc thú trần gian cũng là thế thôi. Dõi theo bóng nhạn hun hút chân trời. Chợt tỉnh mộng hoa ai đã xa rồi. Âm dương cách biệt đau xé lòng tôi. Hồn nàng lang thang phiêu dạt chốn nào. Có còn yêu nhau xin bay trở về Nhị Khanh tiểu thư ơi...
(Ô Lôi gục xuống cây hồ cầm khóc nức nở. Bức tượng đất Nhị Khanh từ từ động đậy rồi hoá thành người thật)
Ô LÔI :             Nhị Khanh tiểu thư.
NHỊ KHANH :   Chàng ơi...
(Hai người ôm nhau nức nở)
SƯ CỤ :           Mô phật, lâu nay ta vẫn ngỡ cái chết là ghê gớm nhất, nào ngờ ái tình còn ghê gớm hơn nhiều. Ta tu hành cũng đã dư thừa trăm năm, những tưởng đã nắm được các phép âm dương vận hành biến đổi của thiên cơ. Thế mà hổ thẹn thay ta vẫn chỉ như một đứa trẻ con ngu dốt mà thôi.
(Chắp tay ngồi xụp xuống nhắm mắt)
NHỊ KHANH :   (Vẫn nức nở). Từ đêm chia tay với chàng ở trong rừng, em vẫn luôn mong ngóng chàng. Em những tưởng chàng đã quên em rồi.
Ô LÔI :             Xin tiểu thư tha lỗi Ô Lôi đã đến chậm để bắt tiểu thư mong đợi.
NHỊ KHANH :   Em phải xin tạ lỗi chàng vì đã dấu chàng câu chuyện oan trái, oan lòng của đời em.
Ô LÔI :             Tôi đã biết rõ tất cả nỗi niềm. Biết rồi, tôi chỉ thấy yêu thương kính trọng tiểu thư thêm.
NHỊ KHANH :   Mong chàng hãy tha thứ cho vì em đã hoá thành hồn ma để kết thành với chàng.
Ô LÔI :             Xin tiểu thư đừng nhắc chuyện cũ nữa. Giờ đây tiểu thư đã sống lại rồi. Có lẽ bây giờ chúng ta nên mau đi khỏi cái nơi vắng vẻ hoang lạnh này. Xin tiểu thư cho phép.
NHỊ KHANH :   Chàng ơi! Cả đời em kết cỏ ngậm vàng biết ơn chàng. Từ nay chàng đi đâu, em xin được mãi theo chàng.
(Nắm tay Ô Lôi) Chúng ta đi mau đi, hỡi chàng.
(Hai người vừa bước ra thì Hà Bá và lũ tôm cá ập vào)
HÀ BÁ :           Ối người đây rồi... May quá tí nữa thì... trả vợ ta đây, trả vợ ta đây.
Ô LÔI :             Nàng Nhị Khanh đâu phải là vợ ông.
HÀ BÁ :           Nào, nào. Dân làng Nhị Hồ đã gả nàng cho ta. (Móc túi lấy tờ sớ) Giấy tờ còn cả đây.
Ô LÔI :             Ông bắt dân Nhị Hồ làm chuyện đó nếu không ông sẽ dâng nước dìm chết cả làng. Ông chỉ là một lão già dâm loạn, độc ác.
HÀ BÁ :           Tao chẳng lý sự với mày. Trả vợ tao đây. Có trả không thì bảo.
Ô LÔI :             Không trả.
HÀ BÁ :           A! Thằng cù nhày. Thằng đểu. Ối dâng làng Nhị Hồ ơi! Tthằng này nó cướp vợ tôi.
Ô LÔI :             (Nắm tay Nhị Khanh) Chạy đi tiểu thư.
HÀ BÁ :           Mày chạy đâu thoát. Thằng xỏ lá, quân mất dạy. (Quát) Trói nó lại cho ta. (Lũ thuỷ quái rút đao, ào ào quây lấy Ô Lôi)
HÀ BÁ :           Vợ đẹp mỹ miều của ta ơi! Về với ta nào cho ta ôm ấp em một tí nào.
(Ôm chầm lấy Nhị Khanh )
NHỊ KHANH :   (Dãy dụa) Ô Lôi cứu em với.
Ô LÔI :             Buông tiểu thư Nhị Khanh ra.
HÀ BÁ :           A, thằng này láo quá. Tao cho phép chúng mày băm nhừ nó ra để nướng chả.
(Lũ thuỷ quái xông vào vung đao chém. Ô Lôi rút đao ra chống đỡ. Đôi bên đánh nhau dữ dội, loạn ẩu. Cuối cùng Ô Lôi bị đánh ngã)
NHỊ KHANH :   Ô Lôi ... cứu em...
HÀ BÁ :           (Vác Nhị Khanh lên) Hà hà, cô vợ xinh đẹp mỹ miều của ta. Về với ta nào... âu, âu, đêm nay nhớ chải râu cho ta nhé... âu âu.
Ô LÔI :             (Vùng dậy lại bị đạp ngã) Tiểu thư Nhị Khanh...
HÀ BÁ :           Chém đầu nó đi.
SƯ CỤ :           Mô phật
(Tất cả dừng tay, ngơ ngác)
SƯ CỤ :           Không được giết người.
HÀ BÁ :           Cái lão áo vàng đầu trọc này ở đâu chui ra vậy.
SƯ CỤ :           Chào ngài, bần tăng là kẻ tu hành ở chùa Mơ Tích.
HÀ BÁ :           A, thì ra là ông Hoà thượng chùa Mơ Tích. Ông quá bộ tới đây có việc gì?
SƯ CỤ :           Bần tăng chỉ xin ngài tha cho đôi trẻ.
HÀ BÁ :           Tha cho cái thằng ăn trộm vợ người này ấy à.
SƯ CỤ :           Vâng ạ.
HÀ BÁ :           Rồi lại tha cho cả nàng Nhị Khanh diễn lệ mỹ miều.
SƯ CỤ :           Vâng
HÀ BÁ :           Ơ! Nghe lời ông thì ta lại mất vợ à. Không được, không được. Ông xui dại ta rồi.
SƯ CỤ :           Tiếng hát của Ô Lôi đã làm nàng Nhị Khanh sống lại. Điều đó có nghĩa là trời phật cũng có ý tác duyên cho đôi trẻ này.
HÀ BÁ :           Thôi chết rồi. Đúng rồi, chết rồi, chính ông, ông... Đúng rồi. ông đã tiết lộ thiên cơ cho cái thằng Ô Lôi chết tiệt kia để nó đàn hát cứu vợ ta sống lại có phải không. Thôi, đúng rồi. Thảo nào.
SƯ CỤ :           Tôi chỉ làm theo lẽ phải của lòng tôi.
HÀ BÁ :           Phải trái cái gì. ông đã dám cả gan tiết lộ cơ trời. Sư mô gì ông nữa (Quát) Quân đâu. Trói cổ lão sư già này lại cho ta.
(Đám thuỷ quái ào tới đè cổ trói nghiến Sư cụ)
HÀ BÁ :           Lôi tất cả xuống thuỷ cung.
(Tất cả rùng rùng kéo đi. Bỗng nhiên khói tuôn mù mịt. Một Ông Tượng to tướng xuất hiện)
ÔNG TƯỢNG : (Thét) Khoan. Khoan
HÀ BÁ :           Ông là ai vậy.
ÔNG TƯỢNG :       Ta là thổ thần ở đây.
HÀ BÁ :           Xin chào ông Thổ thần.
ÔNG TƯỢNG : Không dám, chào ông Hà Bá (quay sang)
A di đà phật, chào ông Sư cụ, ông có nhận ra tôi không.
SƯ CỤ :           (Ngỡ ngàng) Mô phật. Vái ngài... ngài bỏ lỗi, ai như là như là Ông Tượng gỗ mít gác cổng chùa Mơ Tích đã bị tội chết cháy cách đây hơn hai chục năm.
ÔNG TƯỢNG :       Hà hà chính ta đây.
SƯ CỤ :           Ủa, thế bây giờ ông lại là thổ thần à.
ÔNG TƯỢNG :                 Phải. Sau khi trừng phạt ta rồi, bề trên nguôi cơn giận, lại cho ta làm thổ thần coi sóc vùng bãi sông này.
SƯ CỤ :           Thật đúng là đức bề trên bao giờ cũng độ lượng. Xin mừng cho ông.
ÔNG TƯỢNG :       Biết cái gì mà mừng với chả giận. Sư mô các ông chỉ được cái khéo mồm.
SƯ CỤ :           (Chắp tay) Thiện tai, thiện tai...
ÔNG TƯỢNG :       Chuyện cũ bỏ đi (Quay sang Hà Bá )
Này, ông Thuỷ thần. Có chuyện gì mà thày trò tôm cá nhà ông rùng rùng kéo nhau trôi cả lên đây ầm ĩ náo loạn thế?
HÀ BÁ :           Tôi lên đây để gô cổ thằng trai láo toét này (Chỉ Ô Lôi ) Xuống thủy cung vằm xác nó ra trăm mảnh.
ÔNG TƯỢNG :       (Nheo mắt nhìn Ô Lôi) Thằng trai này mặt mũi khôi ngô, hiền lành làm gì nên tội chọc giận cụ Hà Bá?
HÀ BÁ :           Nó cướp vợ tôi.
ÔNG TƯỢNG :       Ái chà! Cướp vợ ông?
HÀ BÁ :           Phải
ÔNG TƯỢNG :       (Cười to) Nó cướp vợ ông, hay là ông đếch giữ nổi vợ ông, để cô nàng tính tình tang tếch theo nó.
HÀ BÁ :           Ông là thổ thần mà ăn nói hay nhỉ.
ÔNG TƯỢNG :       Ta là thổ thần ở đây nên thấy rõ tất cả. Thằng trai này không cướp vợ của ông đâu, mà chính cô nàng Nhị Khanh xinh đẹp tự nguyện khăn gói chạy theo nó đấy.
HÀ BÁ :           Láo toét. Láo toét.
ÔNG TƯỢNG : (Lại cười to) Ta nói thật. Ông Hà Bá ơi! Cô nàng Nhị Khanh chán ông rồi. Cô nàng phải lòng thằng trai này rồi. Mấy đêm nay ông ru rú ở đáy sông không biết, chứ ta ở trên này ta thấy rõ mồn một...
HÀ BÁ :           Thấy rõ mồn một cái gì?
ÔNG TƯỢNG :         Thấy rõ cả anh cả ả hai người cứ vồ lấy nhau, ôm ấp, lả lơi, đàn hát quấn quýt, quyến luyến còn hơn cả vợ chồng.
HÀ BÁ :           (Gầm lên) Tức ói máu cá ta rồi (Quay sang lũ bô ba tôm cá)Chúng mày đâu. Không nhiều lời nữa. Lôi cổ đôi gian dâm phụ này xuống thuỷ cung dìm chết cả hai cho ta.
Bọn tôm cá nhao nhao xô tới. Ông Tượng xì ra một đống lửa chặn lũ tôm cá lại.
ÔNG TƯỢNG : Ấy khoan... cứ từ từ.
HÀ BÁ :           Ông dám cản ta?
ÔNG TƯỢNG :       Ta sợ đếch gì ông mà không cản.
HÀ BÁ :           Ông to gan thật.
ÔNG TƯỢNG :       Này nhá. Ông Hà Bá ơi. Đất có Thổ công, sông có Hà Bá. Đất này là đất của ta, do ta cai quản. Ta khen ông to gan dám kéo cả bầy cả lũ trồi lên đây gây chuyện với ta. Nói ông đừng nhột. ở dưới sông thì ta chịu thua ông cả nón. Nhưng mà ở trên đất này thì... ta vặn cổ ông như vặn cổ gà. Bước.
HÀ BÁ :          Ơ! Ông đuổi ta đấy à.
ÔNG TƯỢNG :     (Trợn mặt) Ta đuổi đấy. Biết điều thì... lặn đi. Cút xéo...
HÀ BÁ :          Ớ... ớ... Ta... ta... Ta sẽ kiện... thì ra ông thông đồng với thằng trai. Ông bênh thằng trai.
ÔNG TƯỢNG :     (Cười hà hà) Bênh chứ. Con ta thì ta phải bênh chứ. Bố thì tất phải bênh con. Hà hà... ta bênh đấy. Ông cứ đi mà kiện.
HÀ BÁ :          Ta... ta...
ÔNG TƯỢNG :     Này Hà Bá! Ông đếch có con nên ông đếch hiểu được. Ta bênh con ta đấy. Đã đành khôn hồn biến ngày, lặn ngay. Ta nổi điện lên phì ra biển lửa quạt chả ráo, trọi chín vàng cả đám thày trò các ông bây giờ.
(Lửa bùng lên- Hà Bá và đám tôm cá hốt hoảng ré lên, nhảy cả xuống nước)
SƯ CỤ :          (Chắp tay) Thiện tai... thiện tai... Ông Tượng ơi! Nguy rồi, thiện tai, thiện tai.
ÔNG TƯỢNG :     Ông lắm lời quá đấy. Mời Sư cụ về chùa tụng kinh. Xin đừng chõ mũi vào việc riêng của cha con ta nữa. Rước ông về chùa.
(Sư cụ lúng túng đi giật lùi ra)
Ô LÔI VÀ NHỊ KHANH : Chúng con đội ơn ông.
ÔNG TƯỢNG :     (Xoa đầu Ô Lôi) Con trai của ta.
Ô LÔI :           (Ngơ ngác) Ông là...
ÔNG TƯỢNG :     Ta là cha của con đây.
Ô LÔI :           Lạy cha.
NHỊ KHANH : (Quỳ) Lạy cha.
ÔNG TƯỢNG :       Các con hãy đưa nhau chạy đi. Chạy xa đi. Chạy thật xa mảnh đất này...  mau lên.
Ô LÔI :           Cha đi với con.
NHỊ KHANH : Cha đi với chúng con.
ÔNG TƯỢNG :     Bây giờ ta là thổ thần ở đây. Ta không thể đi đâu được.
Ô LÔI :           Nhưng mà... cha ơi!
ÔNG TƯỢNG : Đừng lần chần nữa mà hối không kịp. Lão Hà Bá này bụng dạ hẹp hòi mà lại tàn ác lắm. Chạy đi các con. Chạy mau đi... Kìa kìa... lão Hà Bá đã nổi sóng kéo lũ tôm cá xông lên rồi kia kìa.
(Có tiếng sóng đập ầm ầm, gầm réo, hung tợn. Ô Lôi và Nhị Khanh hốt hoảng cuống quýt nửa muốn chạy đi, nửa muốn ở lại)
ÔNG TƯỢNG : Đừng lo cho cha. Năm nào lão Hà Bá chẳng dâng nước lên gây sự với ta... nhưng ta sợ gì lũ lụt. Các con cứ chạy đi. Chạy mau đi. Mặc ta... Chạy đi các con... Chuyện giời đất vũ trụ đảo điên xoay vần... Rồi sẽ có ngày cha con ta sẽ lại gặp nhau... Hôm nay, được gặp con thế này, thấy con to lớn, khoẻ mạnh, đẹp đẽ lại có nàng Nhị Khanh xinh đẹp bên cạnh thế này là ta sướng lắm rồi, ta hả lắm rồi...
Ô LÔI :           Cha ơi! Vĩnh biệt cha.
NHỊ KHANH : (Khóc oà) Cha ơi! Chúng con đi đây.
ÔNG TƯỢNG :     Đi mau đi... Các con đi mau đi... Mặc cha... Cứ mặc cha.
Trời đất tối sẫm lại. Chớp nhoắng lên xanh lè. Tiếp sấm nổ vang trời. Tiếng nước réo ồ ồ...
Ô Lôi dắt Nhị Khanh chạy đi, còn lại Ông Tượng to lớn, sừng sững đứng nhìn theo.
Bài ca hạ màn:
Câu chuyện ngày xưa kể lạ
Khúc hát hay lạ lẫm bao đời
Duyên lạ hồn hoang âm dương lẫn lộn
Chuyện tình có thật hôm nay
Ta hát lên ca ngợi tình yêu
Vượt qua bao điều cấm kỵ
Vượt qua nước sôi lửa bỏng
Chuyện tình có thật hôm nay...

Hạ màn





0 comments:

Post a Comment

Popular Posts