Kênh Tên Miền chuyên cung cấp tên miền đẹp, giá rẻ! Hãy liên hệ kỹ thuật: 0914205579 - Kinh doanh: 0912191357 để được tư vấn, hướng dẫn miễn phí, Cảm ơn quý khách đã ủng hộ trong thời gian qua!
Friday, 16 August 2013

NGUYỄN DƯ

Nhân lúc rảnh rỗi, mời các bạn cùng đọc truyện Trầu cau. Bàn chơi cho vui.

Trước đèn xem truyện Trầu cau
Ảnh: TL
Truyện Trầu cau của Trần Thế Pháp nằm trong sách Lĩnh Nam chích quái, được biên soạn vào khoảng năm 1370 - 1400(1). Một thế kỉ sau, năm 1492 và 1493, sách bị Vũ Quỳnh và Kiều Phú nhuận sắc. Chưa hết. Sau Vũ Quỳnh và Kiều Phú, nhiều người khác tiếp tục thêm bớt, sửa chữa sách. Rốt cuộc, ngày nay có cả chục bản Lĩnh Nam chích quái được lưu truyền. Đấy là chưa kể mấy bản quốc ngữ, một vài truyện dân gian.


Tình trạng “vàng thau lẫn lộn” đương nhiên không thể tránh được. Hàng nhái tràn lan. Khó nhận ra hàng thật. Tuy vậy, trong cái rủi đôi khi cũng có cái may. Nhờ cái thói xấu tự cho phép mình “múa bút sửa văn người” của các nhà nho mà con cháu đời sau mới có cơ hội ngồi nhâm nhi, thì thầm bàn tán.

Bàn tán xung quanh 1 bản chữ Hán và 3 bản dịch chữ quốc ngữ sau đây:

1) Truyện Trầu cau của Lê Hữu Mục (1961, viết tắt là bản A)(1).

Bản dịch Lĩnh Nam chích quái của Lê Hữu Mục được in kèm theo nguyên bản chữ Hán, vốn là một bản chép tay của thư viện Phạm Quỳnh (bản chữ Hán này được gọi tắt là bản PQ).

2) Truyện Cây cau của Đinh Gia Khánh, Nguyễn Ngọc San (1960, bản B)(2).

Đinh Gia Khánh và Nguyễn Ngọc San đã tham khảo 9 bản Lĩnh Nam chích quái, chọn được một bản tương đối hoàn chỉnh nhất làm bản gốc để dịch.

3) Tích Giầu cau mấy vôi chép trong sách Chrestomathie Annamite (Quảng Tập Viêm Văn) của Edmond Nordemann (1898, bản C)(3).

Nordemann là người Pháp, thông hiểu tiếng Việt, giỏi chữ Hán, chữ quốc ngữ. Ông tự phiên âm tên mình sang tiếng Việt thành Ngô - Đê - Mân.
Nordemann là giáo sư trường Thông Ngôn (Collège des Interprètes), đồng thời cũng là người sáng lập ra Hội Trí Tri (Société Tonkinoise d’Enseignement Mutuel). Các bài viết và đặc biệt là sách Chrestomathie Annamite (Quảng Tập Viêm Văn) của ông còn cho người đọc đời sau thấy được một vài khía cạnh của “văn học quốc ngữ Việt Nam” thời kì cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20.

Ngoài ra, còn có Sự tích trầu cau của Vũ Ngọc Phan (1974). Tiếc rằng bản này không phải là bản dịch. Vũ Ngọc Phan đã thêm nhiều tình tiết, phóng tác thành một truyện cổ tích dân gian.

Truyện Trầu cau của Trần Thế Pháp tóm tắt như sau:
 

Ảnh: TL
“Đời thượng cổ có một chàng tên là Quang Lang, trạng mạo cao lớn. Quốc vương cho họ là Cao. Cao sinh được hai người con trai, đặt tên là TânLang. Lớn lên, Tân, Lang theo học đạo sĩ họ Lưu. Nhà họ Lưu có người con gái muốn lấy chồng, được cha mẹ gả cho người anh.
Từ ngày có vợ người anh đối xử với em không còn được thân tình như trước. Một hôm, người em buồn tủi, bỏ nhà ra đi. Gặp con suối lớn không qua được. Người em vừa mệt vừa đói, chết hóa thành một cái cây cao không cành. Người anh đi tìm em. Đi đến bờ suối, thương nhớ em, chết hóa thành một tảng đá bao quanh gốc cây. Người vợ đi tìm chồng cũng đến bờ suối, chết hóa thành một sợi dây leo vấn vít trên tảng đá. Đến lượt cha mẹ đi tìm con gái, con rể, đến bờ suối được nghe dân trong vùng kể truyện, cảm động lập đền thờ ba người.

Một hôm vua Hùng Vương đi tuần hành, nghỉ chân bên bờ suối, được biết truyện. Vua bảo cận thần hái một trái cây, ngắt một lá dây leo, nhai thử thấy vị ngon, nhổ lên tảng đá thì thấy sắc đỏ tươi. Vua bèn sai người lấy 3 thứ ấy về, dạy dân lấy lửa nung đá cho xốp, cùng với trái cây, lá dây leo, cuộn chung lại mà ăn.

Vua truyền ban ra thiên hạ phàm những lễ giá thú, hội đồng lớn nhỏ đều phải lấy những vật này làm trước.

Nước Nam có tục ăn trầu cau từ đó”(1).

Nội dung Truyện Trầu Cau đề cao luân lí, đạo đức, tình nghĩa anh em, vợ chồng. Nhưng sách của Trần Thế Pháp, cũng như hầu hết các tác phẩm văn chương khác của ta, đã bị người đời sau sửa chữa thêm bớt. Nhiều khi làm cho “lợn lành hóa lợn què”!

Trước hết là cái tựa đề. Tất cả 10 bản chữ Hán, bản (PQ) và 9 bản được Đinh Gia Khánh, Nguyễn Ngọc San tham khảo, đều có cùng một tựa đề là Tân Lang truyện. Điểm đồng nhất hiếm có này cho phép suy đoán rằng Trần Thế Pháp đã viết như vậy. Bản (B) dịch sát nghĩa sang tiếng Việt là Truyện Cây cau. Bản (A) dịch thành Truyện trầu cau, bản (C) dịch là Tích giầu cau mấy vôi. Cả hai bản đã dịch thoát ý, không tôn trọng nguyên bản.

Câu kết cũng được dịch tương tự như cái tựa đề. Bản (PQ) chép: “Thử Nam quốc tân lang sở do thủy dã yên”. Bản (B) dịch đúng và gọn là “nguồn gốc cây cau (của nước Nam) là như thế đo”. Bản (A) dịch thành “Từ bấy giờ nước Nam có tục ăn trầu cau là bắt đầu từ đấy vậy”. Bản (C) dịch thành “Ấy, giầu cau mấy vôi xinh (sinh) ra từ đấy”.

Tên truyện và câu kết của truyện chỉ có cau. Lê Hữu Mục và Nordemann đã bày, đặt thêm trầu, vôi vào bên cạnh cau và mời mọi người cùng ăn. 

Miếng trầu là đầu câu chuyện, nhưng từ đầu đến cuối Truyện Cây cau của Trần Thế Pháp lại không hề có trầu. Trớ trêu chẳng thua gì tình cảnh:
Đầu trò tiếp khách, trầu không có,
Bác đến chơi đây ta với ta.

         (Nguyễn Khuyến, Bạn đến chơi nhà)

*

Các nhân vật của Truyện Cây cau được Trần Thế Pháp đặt tên một cách rất tế nhị.

- Họ Cao và Tân Lang  
Vào truyện, bản (B) chép: “Thời thượng cổ có một vị quan lang sức vóc cao lớn, nhà vua ban tên là Cao cho nên lấy Cao làm họ”.

Bản (C) chép: “Đời vua Hùng Vương thứ tư, có ông quan lang họ Cao…”.

Bản (A) chép khác:“Đời thượng cổ có một chàng tên là Quang Lang, trạng mạo cao lớn, Quốc vương cho họ là Cao, nhân lấy chữ Cao làm họ…”.

Hai bản chép quan lang. Một bản chép Quang Lang. Số nhiều đúng hay số ít có lí?

Sách Việt sử cương mục chép: họ Hồng Bàng “Bắt đầu đặt quan chức, tướng văn gọi là lạc hầu, tướng võ gọi là lạc tướng, hữu tư gọi là bồ chính, con trai vua gọi là quan lang…” (B). Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim chép về họ Hồng Bàng cũng nói như vậy.

Thời Hồng Bàng, quan lang là con trai vua (hoàng tử). Nếu vậy thì Truyện Cây cau không thể có ông quan lang được! Bởi một lẽ dễ hiểu:

Quan lang là hoàng tử, con trai vua. Con vua thì đương nhiên mang họ vua, được vua đặt tên từ lúc sinh ra đời. Nói rằng vua ban tên, ban họ Cao cho quan lang là một điều hoàn toàn vô lí. Nếu họ vua còn thua họ Cao thì nhà vua nên đổi họ cho chính mình trước khi đi đổi cho… con trai mình!

Người ta đã sửa Quang Lang thành quan lang. Rốt cuộc sửa sai… sai! Trần Thế Pháp rất thâm thúy khi chọn tên Quang Lang (A).

Sách Quảng Châu Ký chép: cây quang lang to chừng bốn năm ôm, cao năm sáu trượng, thẳng suốt không có nhánh (…)(4).

Sách Quảng Đông Tân Ngữ chép:

“Cây quang lang cùng với ba giống cây cau (tân lang), cây dừa (da), cây bồ quỳ đều gọi là tre trong loài cây.

Cây cau (tân lang) lá nhỏ, cây dừa (da) lá to, hai loại cây này người ta lấy trái, còn quang lang người ta lấy gỗ, cây bồ quỳ người ta lấy lá”(5).

Sách Đại Nam dư địa chí ước biên của Cao Xuân Dục cho biết thêm: sách Hải sà lục của Nhan Giới nói: gỗ (quang lang) rất nặng, sắc như hoa lê nhưng có nhiều vân, dùng thay sắt đóng khoang thuyền rất lợi. Vỏ rất mềm, dai, có thể làm dây thừng…(6).

Theo sách vở xưa thì cây quang lang và cây tân lang (cau) cùng họ. Cây cau lá nhỏ, cho trái. Cây quang lang cao to hơn tân lang, cho gỗ. Trần Thế Pháp đã khéo léo khai thác hai đặc tính này bằng cách cho Quang Lang, trạng mạo cao lớn, được làm cha của Tân Lang.

Người đời sau thích làm quan nên đã nhanh nhẩu giải phẫu, cắt cụt Quang Lang thành quan lang. Sai lầm này cũng giúp chúng ta có thêm một ý kiến về “văn bản học”. Tuy bản (B) của Đinh Gia Khánh, Nguyễn Ngọc San được dịch từ “một bản tương đối cổ (hay ít ra thì cũng sao lại theo một bản cổ), chép vào năm Chính Hòa thứ 16, tức là năm 1695 đời Lê Hy Tông”, nhưng chắc chắn bản (PQ) còn cổ hơn, còn gần nguyên tác của Trần Thế Pháp hơn, hay ít ra cũng phải được sao chép từ một bản có trước năm 1695.

- Tên Cau

Quang Lang cao lớn, được quốc vương ban họ Cao. Người em (bản (C) và bản Vũ Ngọc Phan chép là người anh) chết hóa thành cây cao. Cây cao được người Việt nói trại, biến âm thành cây cau.

Chữ Cau (Nôm) = bộ Mộc + chữ Cao (= cây cao).

- Đạo sĩ họ Lưu
Ông thầy học của anh em Tân Lang là đạo sĩ họ Lưu (A), hay đạo sĩ Lưu Huyền (B), hay ông Lưu Huyền Đạo (C).

Ngày xưa, nước ta theo Phật giáo (đạo Phật), Nho giáo (đạo Khổng) và Đạo giáo (đạo Lão). Chùa chiền Phật giáo được gọi là cửa Thiền, nhà trường dạy chữ Nho là cửa Khổng (sân Trình), và nơi tập luyện phù phép của đạo Lão (biến thể) là cửa Huyền (Huyền môn).

Trần Thế Pháp viết “đạo sĩ tính Lưu”, bản (A) dịch đúng là “đạo sĩ họ Lưu”, nghĩa là một người họ Lưu theo đạo Lão. Người đời sau gán thêm tên Huyền, tên Đạo cho đạo sĩ họ Lưu. Tưởng là rõ nghĩa hơn, hay hơn. Nhưng thật ra chỉ rườm rà, không súc tích bằng đạo sĩ họ Lưu của Trần Thế Pháp.

Phật giáo nước ta cực thịnh dưới thời nhà Lý. Đến cuối thời nhà Trần, lúc Trần Thế Pháp biên soạn Lĩnh Nam chích quái (1370 - 1400) thì đạo Phật đã suy yếu, bị đạo Khổng và đạo Lão lấn át. Trần Thế Pháp tỏ ra biết cập nhật, tế nhị đưa ra nhân vật Đạo sĩ họ Lưu.

Họ Lưu còn mang ý nghĩa tượng trưng cho Phù lưu (cây trầu không).

- Cô Liên, con gái đạo sĩ         
Bản (B) cho biết “Nhà họ Lưu có người con gái tên là Liên”. Bản (A) và bản (C) không có tên Liên. Người ta đã viết thêm vào với dụng ý gì?

Trần Thế Pháp đưa ra họ Cao và tên anh em Tân Lang để chỉ cây cau. Nhưng ông chỉ đưa ra họ Lưu để chỉ cây trầu không (Phù lưu). Như vậy là… truyện bị khập khiễng! Thiếu tên cô gái! Người đời sau bèn nhanh nhẩu đặt tên cho cô. Nhưng, tại sao lại chọn tên Liên?

Tại vì… chữ Hán có từ kép Lưu liên, nghĩa là “quyến luyến, không nỡ dứt đi” (Đào Duy Anh). Trong truyện, cô Liên họ Lưu rất lưu liên anh em Tân Lang.

Một bản quốc ngữ khác kể lể dông dài:

“Cha mẹ nàng họ Lưu tìm tới chốn này, đau đớn khôn cùng bèn lập miếu để thờ cúng. Về tới nhà, đêm mộng thấy hai anh em tới vái mà nói rằng: “chúng tôi nặng tình huynh đệ, vì nghĩa mà không thể sống cẩu thả được, làm liên lụy tới lệnh ái. Cha mẹ đã không bắt tội lại còn lập đền thờ…” (B).

Cô Liên bị liên lụy vì anh em Tân Lang.

Truyện Cây cau được bố cục một bên là họ Cao và Tân Lang tượng trưng cho cây cau, bên kia là họ Lưu và cô con gái tượng trưng cho cây trầu không.
*

Trên đây là Truyện Cây cau hiểu theo ý nghĩa tên các nhân vật bằng
chữ Hán.

Cái cây cao được tiếng Việt gọi là cây cau. Còn giầu (hay trầu) và vôi thì gốc gác ra sao?

- Tên Vôi         

Vua Hùng Vương sai người nung vôi. Câu văn của Trần Thế Pháp là “dĩ hỏa thiêu thạch vi hôi” (lấy lửa nung đá làm vôi). Đá nung cho xốp, chữ Hán là thạch hôi (Thiều Chửu) hay thạch khôi (Đào Duy Anh).

Hôi hay Khôi chuyển sang tiếng Việt thành vôi. (Âm đầu [h] chuyển thành âm [v], tương tự như trường hợp: họa> vẽ, (tai) họa> (tai) vạ…).
Vôi (Nôm) = bộ Thạch + chữ Hôi (thạch hôi = đá vôi)       
- Tên Giầu (trầu).
“Ngày nay cây thường trồng ở khắp nơi, đó chính là cây cau, cây trầu không và vôi vậy. Về sau, người nước Nam ta phàm cưới vợ gả chồng hay lễ tết lớn nhỏ đều lấy trầu cau làm đầu. Nguồn gốc cây cau là như thế đó” (B).

“Vua mới sai chẩy (trẩy) quả cây ấy, hái lá dây ấy, mấy đem nung hòn đá ấy, chộn (trộn) ba thức, giã lẫn làm một, để sem (xem), lúc xống (sống) như thế nào, chết thì làm sao. Thấy sắc đỏ mà mùi thơm, cho người nhai thử; lại thấy môi đỏ như hoa phù dung, mới khen rằng: “Xống (sống) đã tiết nghĩa, chết lại hòa thuận”; mới đặt tên cây ấy là cây cau, dây ấy là dây giầu không, đá nung là vôi; truyền thiên hạ đâu đâu cũng phải lấy giống mà giồng; hễ ai trong nước Nam lấy vợ, lấy chồng, thì đem ba thức ấy làm lễ hỏi.

Ấy, giầu cau mấy vôi xinh (sinh) ra từ đấy” (C).

Bản chữ Hán (PQ) không có tên riêng để chỉ cái cây người vợ lúc chết hóa thành. Trần Thế Pháp chỉ dùng danh từ chung Đằng (bộ Thảo). Đằng là cây leo có tua quấn. Đằng được nhiều người dịch là Giầu không. Dịch như vậy là sai và còn dễ đưa đến ngộ nhận về nguồn gốc của từ giầu, trầu.

Có nhiều ý kiến về từ giầu (trầu).

- Chữ Hán Phù hay phù lưu được Đào Duy Anh dịch sang tiếng Việt là trầu. Chữ Phù cũng có nghĩa là hoa phù dung.

- Theo Thiều Chửu và Đỗ Tất Lợi(7) thì trầu không chữ Hán là Củ (bộ Thảo).

- Khi bàn về Sự rút gọn và biến đổi của các nhóm phụ âm có [l], Lê Trí Viễn nhận xét:

“Ở thế kỉ XVII trong tiếng Việt vẫn còn tồn tại các nhóm phụ âm có [l] như [bl], [tl], [ml] và vào cuối thế kỉ này nó sẽ được rút gọn thành các phụ âm đơn.

(…)

Như đã nói ở khoảng nửa thế kỉ XVII [bl] và [tl] đã chuyển sang tr và gi, trong địa hạt Hán Việt thì tr đã tồn tại từ trước, vạch một đường ranh giới giữa từ Hán Việt và từ thuần Việt. Dấu vết của sự chuyển biến này để lại trong tiếng Việt khá rõ nhất là trong cách dùng chữ Hán phiên các tên Nôm như Từ Liêm (tlèm = Trèm), Phù - lưu (blàu = Giầu) v.v. [bl] lại theo phương ngôn mà có thể chuyển thành tr hoặc gi, còn [tl] thì thường xuyên thành tr hoặc l, ví dụ:

Blời > trời, giời; (…); blàu > trầu, giầu; (…); tlâu > trâu…”(8).

Theo Lê Trí Viễn thì Giầu được phiên âm sang chữ Hán thành Phù lưu. Lê Trí Viễn cho biết gián tiếp là từ Giầu của ta có trước từ Phù lưu của Tàu.

- Trầu được Trần Văn Kiệm ghi chú: “Thoạt tiên là Blù TH (Trung Hoa) phiên âm ra “Phù lưu” do đó Nôm viết là Phù (đây là bằng chứng chữ Nôm đã có ngay từ hồi người Việt còn nói Blời thay vì Trời, Blù thay vì Trầu)”(9).

- Đặng Đức Siêu, Nguyễn Ngọc San cũng nói “nhiều cây cỏ và dị vật phương Nam đã được đưa vào tiếng Hán, như cam - lãm (khám: trám), phù - lưu (blâu: trầu), giá - cô (gà gô)(10).

- Theo Đào Duy Anh thì hai từ TrầuTrâu của tiếng Việt đã được sách An Nam dịch ngữ phiên âm bằng chữ Hán là Lâu (bộ Thảo) từ giữa thế kỉ 16, thời nhà Minh(11).

- Trong khi Alexandre de Rhodes lại cho biết rằng đến giữa thế kỉ 17, TrầuTrâu vẫn còn được người Việt phát âm là blàutlâu.

(Chữ Hán có nhiều từ đồng âm Lâu. Để tránh nhầm lẫn, dưới đây từ Lâu (bộ Thảo), sẽ được viết chữ hoa để phân biệt với từ lâu (bộ Nữ) viết chữ thường. Tự điển Thiều Chửu có chữ Lâu (cỏ lâu, mầm ăn được), từ điển Đào Duy Anh không có chữ Lâu này).

- Sách Vân đài loại ngữ của Lê Quý Đôn (bản dịch của Tạ Quang Phát) có đoạn nói đến trầu cau:

Sách Quảng Tây thông chí chép: Đổng Phó Sách có bài thơ 4 câu, câu cuối là: 

Khôi bạch Lâu thanh đương hiến trà (vôi trắng trầu xanh thế nước trà).

Đổng Phó Sách giải thích: Người Ung Châu ăn lá Lâu xanh, cùng với thạch khôi (vôi) và tân lang (cau), thay nước trà.

Chữ Lâu của bài thơ theo Tạ Quang Phát “phải đọc theo chữ Nôm là trầu, còn đọc theo chữ nho là lu, Lâu (một thứ cỏ để nấu cá)”.

Sách Ích Bộ Phương Lược Ký của Tống Kỳ (một người sống về đời Tống) có nói: Dây củ tương như vương qua (dưa chuột) dày mà trơn, trái như trái dâu, mọc leo lên cây khác (…) tục gọi là dưa chuột. Hình trạng hoàn toàn khác với cây tất bạt.

Tống Kỳ lại nói: “Có người bảo đó là dây trầu (phù lưu)”. Nói như thế là lầm.

Tống Kỳ lại nói: “Nó mọc leo lên cây khác, ra trái như trái dâu, có người bảo là dây trầu (phù lưu)”. Nói như vậy cũng không phải.

Dây trầu (phù lưu) trồng bằng gốc (chứ không có trái hột để trồng) và vốn không có trái.

Người Quảng Châu hễ ăn cau thì ăn phụ thêm lá trầu (phù lưu).

Lúc sương xuống nhiều thì trầu (chữ trầu này là chữ Nôm, được Lê Quý Đôn viết bằng chữ Lâu) ít lá, người ta ăn rễ với vôi.

Trầu (chữ Nôm) tức là dây phù lưu(12).
Lê Quý Đôn cho biết Củ (tương) không phải là dây phù lưu (trầu không) như Thiều Chửu và Đỗ Tất Lợi viết.

Nói tóm lại, xét theo sách vở thì:

Phù Lưu được Tống Kỳ (người đời Tống) nói đã có từ trước thế kỉ 13.
Cuối thế kỉ 14, sách Lĩnh Nam chích quái của Trần Thế Pháp vẫn chưa có Giầu (Trầu). Trần Thế Pháp chỉ dùng từ Đằng để chỉ chung một bụi dây leo.

Giữa thế kỉ 17, blàu (betel) và cau (areca) được ghi trong từ điển của Alexandre de Rhodes. Từ điển có blàucau nhưng không có vôi.

Cuối thế kỉ 18, Giầu hay Trầu (chữ Nôm, viết bằng chữ Lâu) được Lê Quý Đôn chép trong sách Vân Đài Loại Ngữ(13).

Chữ Nôm Giầu (Trầu), ngoài cách viết bằng chữ Lâu (Lê Quý Đôn, Huỳnh Tịnh Của), còn được viết bằng nhiều cách khác:

- bộ Mộc + chữ Lâu (Génibrel).

- chữ lâu + chữ Phù (Vũ Văn Kính)(14).

- bộ Thảo + chữ Du (nghĩa là Dầu) ; chữ Lưu (phù lưu) ; bộ Thảo + chữ Trào (15).

- chữ Ba + chữ lâu (Trần Văn Kiệm).

*

Cả ba miền nước ta đều có trầu. Riêng miền Bắc lại gọi là giầu không. Bị nhiều người miền Nam mỉa mai, chê cười. Đã giầu lại còn không. Ăn nói kì cục! Ai mà hiểu nổi.

Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê (1988) định nghĩa:
- Trầu không là cây leo, thường trồng thành giàn, lá hình tim, có mùi hăng, thường dùng để ăn trầu.

- Trầu là lá trầu đã têm, dùng để nhai cùng với cau cho thơm miệng, đỏ môi, theo phong tục từ xưa.

Gustave Hue (1937) giải thích rõ ràng, dứt khoát hơn: giầu không là “bétel seul” (một mình lá giầu). Chèng đéc ơi, không nghĩa là… không có gì hết trơn, hết trọi!

Phương ngữ miền Bắc thỉnh thoảng dùng chữ không, với nghĩa là… không có. Thí dụ: phở không là phở không có thịt, chỉ có bánh và nước. “Đánh bát cơm không” nghĩa là ăn cơm (nguội) không có đồ ăn. Ăn không ngồi rồi: chỉ ăn, không làm gì v.v.

Từ kép Giầu không được dùng để chỉ một mình lá giầu, không có gì khác. Các bà đi chợ mua giầu không. Cô em be bé, xinh xinh khoe nhà mình có giàn giầu không.

Lợn không nuôi, đặc ao bèo
Giầu không dây chẳng buồn leo vào giàn
Giếng thơi mưa ngập nước tràn
Ba gian đầy cả ba gian nắng chiều.
                         (Nguyễn Bính, Qua nhà, 1936)

Nhà em có một giàn giầuNhà tôi có một hàng cau liên phòng
Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông

Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?
                         (Nguyễn Bính, Tương tư, 1939)

Giàn giầu không bị nghệ thuật thi ca cắt tỉa thành giàn giầu. Chính Nguyễn Bính đã tự “sửa sai” ngay sau đó.

Từ đơn Giầu được dùng để chỉ miếng giầu gồm lá giầu, cau, vôi, (vỏ, thuốc lào).

Miếng giầu là đầu câu chuyện. Các bà chào hỏi, mời nhau ăn giầu. Không bao giờ người ta mời nhau ăn giầu không.
Nói đến Giầu lại sực nhớ ngày nào Mẹ đi chợ Thị Nghè bị bà bán hàng nửa đùa nửa thật “Mua trầu thì tui bán, mua giầu không thì cả chợ này không ai bán đâu”.

Mẹ ơi, ai cười giầu không thì người đó hở mười cái răng… vàng khè.

Ngày xưa, các ông cũng ăn trầu. Cụ ông, cụ bà nào “hàm răng chiếc rụng chiếc lung lay”, thì phải dùng cối để giã trầu.       

Còn một nỗi này thêm chán ngắt,
Đi đâu dở những cối cùng chày.

                      (Nguyễn Khuyến, Than già)          

Ngày nay, số người ăn trầu chắc không còn nhiều.

Vua Hùng Vương dặn con cháu phàm những lễ giá thú, hội đồng lớn nhỏ, đều phải có trầu cau…

Lyon, 7/2012
N.D
(SH284/10-12)


-------------------
(1)  Lê Hữu Mục, Lĩnh Nam chích quái, Khai Trí, 1961, tr. 50.

(2)  Đinh Gia Khánh, Nguyễn Ngọc San, Lĩnh Nam chích quái, Văn Hóa, 1960, tr. 42-44.

(3)  Edmond Nordemann, Chrestomathie annamite (Quảng tập viêm văn, 1898), Nxb Hội Nhà Văn, 2006, tr. 18-19.

(4) (5) (12) (13) - Lê Quý Đôn, Vân đài loại ngữ, tập III, bản dịch của Tạ Quang Phát, Văn hóa Thông tin, 1995, tr. 221, tr. 234, tr. 201, tr. 60b.

(6)  Cao Xuân Dục, Đại Nam dư địa chí ước biên, bản dịch của Hoàng Văn Lâu, Văn Học, 2003, tr. 562.

(7)  Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Thời Đại, 2011, tr. 118.

(8)  Lê Trí Viễn (chủ biên), Cơ sở Ngữ văn Hán Nôm, tập IV, Giáo Dục, 1987, tr. 267.

(9)  An - Tôn Trần Văn Kiệm, Giúp đọc Nôm và Hán Việt, Nxb Đà Nẵng, 2004, tr. 824.

(10) Đặng Đức Siêu, Nguyễn Ngọc San, Ngữ văn Hán Nôm, tập 2, Giáo Dục, 1988, tr.155.

(11)  Đào Duy Anh, Chữ Nôm, Nguồn gốc, Cấu tạo, Diễn biến, KHXH, 1975, tr.48.

(14)  Vũ Văn Kính, Bảng tra chữ Nôm miền Nam, 1994.

(15)  Bảng tra chữ Nôm, KHXH, 1976.








 

0 comments:

Post a Comment

Popular Posts