(tiếp theo)
Ông không nghĩ rằng quá trình sáng tạo cũng phụ thuộc vào công chúng hoặc các nhà phê bình khi tác phẩm được tiếp nhận?
Không. Tác phẩm không cần ai cả. Walter Benjamin từng viết rằng một tác phẩm có thể nằm ngủ năm trăm năm trước khi tìm được một độc giả: tác phẩm vẫn tươi trẻ mãi mãi. Vậy thì ta không thể giả thiết là sự tiếp nhận đã tạo nên tác phẩm. Như nhạc của Vivaldi đấy, hiện giờ là cái nền âm thanh của đời sống thường ngày.Trong một thời gian dài trước đây, bói không đâu ra một bản nhạc hay một ký âm của Vivaldi! Đến thế kỷ 20 người ta mới khai quật ông lên từ đáy lãng quên. Tôi cho rằng chúng ta đã có duyên may đón nhận được tác phẩm chứ không phải ngược lại.
Đương nhiên là có những bút ký phê bình đã trở thành kinh điển. Nhưng thiên hạ có còn đọc Contre Sainte-Beuve của Proust chăng nếu quyển sách này không do chính tay Proust viết ra? Cho nên ta phải khiêm tốn một cách thận trọng trước sự khác biệt ấy. Tôi nói riêng điều này với những ai dám bảo là sự giải cấu hay bàn luận về một tác phẩm cũng quan trọng ngang với bản thân tác phẩm : Me-sừ Steiner ngày đêm gần như không thể thiếu Racine , nhưng Racine thì hoàn toàn chẳng cần gì đến Me-sừ Steiner. Quên mất sự phân biệt này chỉ trong một giây là phản bội , c’est cela la vraie trahison des clercs (đó là sự phản trắc thật sự của đám thư lại).
Các kỹ thuật như Internet có cải tiến khái niệm tác giả (notion d’auteur) không?
Internet thay đổi vị thế của tác phẩm ở chỗ nào? Có xuất hiện trở lại chăng sự sáng tạo tập thể? Ta sẽ quay về với tính nặc danh? Nói cho cùng, Hô-me là kẻ nặc danh. Và ta gần như chẳng biết gì cả về Shakespeare, vậy mà me-sừ nhỏ người ở Stratford-upon-Avon kia hiểu biết nhiều hơn chúng ta về hầu hết mọi thứ. Rất có thể là thời kỳ của những ngã tính vĩ đại (grand “ego”, grand “moi”) đã khép lại. Chung qui nó rất ngắn ngủi. Beethoven có ý thức mình là Beethoven. Nhưng tôi không nghĩ rằng Shakespeare có được mảy may ý thức về sự kiện ông ta là Shakespeare.
Hình như cách nhìn về sáng tạo văn học của ông dựa vào sự phân biệt giữa tác phẩm nghiêm túc và tác phẩm giải khuây. Khi hai loại này nhập lại - như đôi lúc trong điện ảnh, ta có thể bớt bi quan về tương lai của tác phẩm nghệ thuật chăng?
Tôi xin nhận tội khi đã không hiểu rằng điện ảnh có thể là hình thái quan trọng nhất trong nền mỹ học hiện đại. Cha tôi là loại trí thức cựu học, thời lycée trường Pháp cho đến những năm đại học tôi đã theo các môn truyền thống. Cũng như tôi không thể hiểu ban nhạc Beatles đã gây ra một cuộc cách mạng toàn cầu về mặt nào. Tôi từng nói về phép lạ của sáng tạo, nhưng ta cũng thấy phép lạ của loại sách ăn khách (best-seller). Do đâu mà Harry Potter - sản phẩm thuần túy của khí quyển, từ vựng và ngữ pháp các trường công lập ở nước Anh - lại có sức thu hút đến như thế? Dĩ nhiên là có liên hệ với lối truyện đại trường thiên (les grandes sagas), nhưng bấy nhiêu đó chưa đủ. Tôi không nhận ra yếu tố khoa học giả tưởng trong lòng huyền thoại về Vua Arthur và bị mấy con tôi chê trách về điểm này. Tương tự như vậy, tôi từng yêu thích vô cùng các bậc thầy của nhạc jazz thời tôi còn là sinh viên ở Chicago, thế rồi xuất hiện heavy rock(nhạc rock cường điêu ồn ào), art conceptuel (nghệ thuật ý niệm), và tôi chịu thua. Con người có một cuốn lịch nội tâm, và đến lúc nào đó trong ta là tháng Chạp. Ta không thể yêu mọi thứ và hiểu được tất cả. Không nên cố sức lòe đời, như môn xã hội học thẩm mỹ bên Pháp thường làm ra vẻ. Con người có cuốn lịch thần kinh hệ (calendrier neurophysiologique) của mình và phải biết tôn trọng nó.
Ông từng viết: “Không phải là điều ngẫu nhiên nếu các nhà thơ ưa ca tụng bọn lãnh tụ độc tài “. Phải chăng ông có ý bảo rằng thể chế dân chủ không tạo được một bối cảnh thuận lợi cho thiên tài văn chương cũng như cho thể loại bi kịch?
Khi đảng phái của Péron (có xu hướng độc tài) giành lại quyền hành ở Argentina, đại sứ Hoa Kỳ đã đề nghị với Jorge Luis Borges (lúc ấy đang cai quản thư viện thủ đô Buenos Aires) nên qua Mỹ để nhận cái ghế giáo sư Harvard mang tên nhà thơ Charles Eliot Norton. Borges đã mỉm một nụ cười chỉ thấy ở người mù và đáp:” Ngài đại sứ ạ, ngài không thể hiểu rằng tra tấn là mẹ của ẩn dụ.” Một câu nói kinh khiếp nhưng mà đúng. Nhà thơ lớn, người cầm bút là kẻ đối kháng đúng nghĩa nhất. Ông dựa vào điều khả dĩ chống lại cái có thật (Il oppose ce qui pourrait être à ce qui est). Nhưng trong một xã hội mà “anything goes” ( muốn làm gì cũng được) theo cách dùng chữ của triết gia Mỹ Richard Rorty, thi sĩ khó mà sáng tạo một phản thế giới (contre-monde).
Do đó mà ông quan tâm đến những kẻ bị nguyền rủa trong văn học như Céline, Rebatet, Heidegger, từng thỏa hiệp với chủ nghĩa phát xít hoặc nazi ?
Tôi từng là một trong số ít người đầu tiên đã nói: “Buổi chiều họ hát nhạc Schubert và buổi sáng họ tra khảo tù nhân.” Tôi muốn hiểu cho ra lẽ nhưng chưa bao giờ tôi tìm được câu trả lời. Anh biết là tôi đã khảo cứu không ảo tưởng về Heidegger như thế nào. Tôi chỉ được một giải thích tuyệt vời duy nhất từ người môn đồ của ông ta là triết gia Hans-Georg Gadamer (1900-2002) : “Steiner ơi Steiner! tại sao anh phải đập đầu bóp trán? Martin Heidegger từng là nhà tư tưởng vĩ đại nhất, vừa là con người ti tiện nhất.” Có thể có mối liên hệ giữa nghệ thuật và tính phi nhân. Như Benjamin có nói, mọi tác phẩm lớn đều cắm neo vào sự dã man (barbarie). Tuy nhiên nỗi bí ẩn vẫn còn đó. Không thể hiểu là tuyệt diệu. Đặt ra những câu hỏi là dưỡng khí cho hữu thể.
(Tọa đàm ngày thứ Bảy, 11-5-2013, ở Cambridge)
CHÂN PHƯƠNG trích dịch từ nguyên bản Pháp ngữ của nhật báo LE MONDE (18-5-2013)
0 comments:
Post a Comment