NVTPHCM- Giá trị của một nhà văn là viết nên những tác phẩm hay phục vụ bạn đọc. Anh có thể giàu có hoặc quyền lực, nhưng những giá trị đó không thể thay thế giá trị văn chương của chính anh. Anh cũng không thể tạo nên giá trị cho mình bằng cách bày trò hãm hại, làm giảm giá trị của người khác. Sự đố kỵ đã biến nhiều người trở thành kẻ độc ác, mà chính họ cũng không nghĩ mình đã thành như vậy…
Lâu lắm rồi chúng tôi mới có một buổi ngồi với nhau, thoải mái, dông dài đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Cuối cùng câu chuyện quay về chủ đề giá trị của mỗi người.
Bạn kể câu chuyện về một người lao công người Nhật, vào giờ tan tầm, vẫn cố nán lại, cúi xuống, chăm chú đưa chiếc khăn vào chỗ góc bàn để lau cho sạch vệt bụi. Sự chăm chú gần như quên lãng thời gian và mọi người xung quanh. Và như vậy, chiếc bàn được sạch sẽ đến chỗ cuối cùng, chỗ mà chỉ có người lao công mới biết được.
Và, bạn nói, chỗ đó chính là giá trị của người lao công.
Câu chuyện gợi cho tôi suy nghĩ về giá trị của mỗi người.
Nhớ có lần, ngồi với một bạn trẻ, tôi có nói đại ý rằng: xã hội mình lạ lắm, dường như chẳng ai bằng lòng với công việc mình đang làm. Giáo viên thì suốt ngày toan tính chuyện mánh mung. Nhà văn thì suốt ngày ngóng chuyện làm giàu. Còn mấy ông làm ăn thuộc loại business thì lại… khoái làm thơ cho nó sang (!)
Đây không phải là tâm lý “đứng núi này trông núi nọ”, mà gần như là căn tính người Việt (hay do xã hội nó sinh ra thế?). Anh nhân viên công ty cấp nước thì bảo thơ mới chính là lẽ sống của ảnh, chứ nghề bàn giấy chỉ để kiếm cơm, nó nhàm cũ và buồn bã lắm. Ông nhà văn thì bảo viết là nghề tay trái, viết chỉ để cho vui chứ ổng chỉ mong ước làm giàu, mộng trở thành đại gia, chủ trang trại. Đại khái vậy. Cái này tôi nói để chia sẻ một góc nhìn, một khía cạnh tâm trạng, chứ không để ám chỉ hay phê phán ai. Nhưng hình như đã có hiểu lầm. Tức anh bạn trẻ kia cho rằng tôi đã “xỏ xiên” ảnh. Nhưng, thôi kệ. Ở tuổi “tứ thập nhi bất hoặc” tôi cũng đã hiểu rằng, sống dù thành tâm cách mấy cũng không thể làm hài lòng hết tất thảy mọi người. Bởi cái “Ngã” (Ego/ cái tôi) của con người thì kinh khiếp lắm.
Vậy thì giá trị của mỗi con người nằm ở đâu?
Từ câu chuyện của anh bạn, khiến tôi suy nghĩ và mạo muội đưa ra những ý kiến mang tính phác thảo như vầy:
Giá trị của một ca sĩ chính là ở giọng hát. Còn cổ có đọc sách hay không, cổ có quan tâm vấn đề nữ quyền hay không, thiết nghĩ cũng không quan trọng mấy. Đừng bắt ép một cô ca sĩ phải nói chuyện sách vở.
Giá trị của một cầu thủ là đá bóng hay. Còn anh ta có đẹp trai hay không cũng chẳng có gì quan trọng.
Giá trị của một anh lái taxi là thông thạo đường xá, lái xe an toàn. Còn ảnh có nhặt của rơi hay không chỉ là điểm tính thêm.
Có nghĩa là, trong giá trị cũng có thể chia: giá trị chính và giá trị phụ. Mỗi người phải hiểu giá trị chính của mình nằm ở đâu.
Giá trị của một người cha là nuôi nấng và che chở con con cái mình.
Giá trị của một người làm sếp là trả lương đầy đủ và đúng ngày cho nhân viên. Chứ không như nhiều ông suốt ngày khoe mình là thiên tài làm báo mà báo bán không ai mua, tiền nhuận bút đã thấp còn nợ dầm dề không trả.
Giá trị của một người thầy là dạy nên học trò giỏi chứ không phải giỏi chửi học trò dốt.
Giá trị của một hoa hậu là nhan sắc, đừng bắt và cũng đừng mong ở họ những điều quá to tát như mang sứ mệnh của một dân tộc.
Vân vân và vân vân.
Tất nhiên, đây chỉ là những suy nghĩ tương đối rời rạc. Định nghĩa “giá trị” ở đây chỉ trong một phạm vi hẹp, như nói về tính chuyên môn và sự chuyên nghiệp của mỗi người. Còn như ai cũng biết giá trị của mỗi người là tổng hợp những giá trị, trong đó đề cao nhất phải nói đến là tư tưởng và khả năng hành động.
Như khi tôi mang câu chuyện về người thợ lao công người Nhật ra kể lại thì có người “trề môi” liền, bảo rằng thực ra đó chỉ là một thói quen nghề nghiệp. Nếu như người lao công tỉ mẩn đó, khi về nhà cũng bắt vợ con kỹ tính như mình, và ông ta luôn cằn nhằn nếu mọi người làm sai ý mình, thì bản thân ông ta cũng thật đáng chán. Tôi đồng tình với ý kiến này. Nhưng ở đây, câu chuyện đã dẫn sang một hướng khác, không phải là chủ đề chính mà chúng tôi đang muốn nói đến.
Sở dĩ anh bạn tôi kể câu chuyện về người lao công người Nhật, và xem đó như một tấm gương, vì anh là một bác sĩ tim mạch, một người được xem là rất giỏi về nội soi và can thiệp những tình huống phức tạp. Một bác sĩ nội soi đòi hỏi phải có phẩm chất nhẫn nại. Khi đứng trước một người bệnh anh phải đặt toàn tâm toàn ý vào đó, và anh làm tất cả mọi điều có thể đến mức tốt nhất, hoàn hảo nhất. Còn bên ngoài phòng khám, bên ngoài bệnh viện là một chuyện khác nữa.
Rốt cuộc thì tôi thấy điều này: “Dường như chúng ta làm đủ thứ đủ trò mà thấy mình chả có ý nghĩa hay giá trị gì”.
Giá trị của một nhà văn là viết nên những tác phẩm hay phục vụ bạn đọc. Anh có thể giàu có hoặc quyền lực, nhưng những giá trị đó không thể thay thế giá trị văn chương của chính anh. Anh cũng không thể tạo nên giá trị cho mình bằng cách bày trò hãm hại làm giảm giá trị của người khác.
Sự đố kỵ đã biến nhiều người trở thành kẻ độc ác, mà chính họ cũng không nghĩ mình đã thành như vậy.
Tôi cũng thấy, nhiều người sau khi thực hiện động thái xưng tụng, ca ngợi một người nào đó, rồi vin luôn vào người đó để quay lại chửi rủa, hạ nhục những người xung quanh. Đây là căn bệnh leo trèo nguy hiểm. Nhưng không phải trèo cây hay trèo cột điện mà trèo lên vai những người khổng lồ rồi tưởng mình cũng như vậy. Thực tế thì đã có nhầm lẫn xảy ra ở đấy: bạn ca ngợi một người tài năng là một điều bình thường, nhưng bạn mượn tài năng này để chửi thiên hạ dốt nát là không bình thường. Vì sao? Vì bạn không phải là người tài năng đó. Bạn không thể mượn giá trị người khác để làm giá trị cho bạn.
Do vậy, nếu như ai đó chọn cách suốt ngày chỉ trích thì dễ quá. Thậm chí mượn các vĩ nhân để chỉ trích cũng là quá dễ. Cái khó là chính bản thân mình có làm được việc gì ý nghĩa và có giá trị hay không mà thôi.
Cuối cùng, người lao công có thể bỏ qua vết bụi nơi góc bàn, nơi không ai cúi xuống và nhìn thấy, nhưng ông ta vẫn lặng lẽ làm, ở khoảng thời gian không được trả công.
Với tôi, đó là một bài học lớn về sự khiêm nhường, tận tụy và chuyên nghiệp.
0 comments:
Post a Comment