Kênh Tên Miền chuyên cung cấp tên miền đẹp, giá rẻ! Hãy liên hệ kỹ thuật: 0914205579 - Kinh doanh: 0912191357 để được tư vấn, hướng dẫn miễn phí, Cảm ơn quý khách đã ủng hộ trong thời gian qua!
Thursday, 15 October 2015


Tố đạo thơ hay đố kị giải ?


Tập thơ vừa được giải Hội Nhà văn Hà Nội

Chu Mộng Long – Ăn cắp đang là quốc nạn. Danh hiệu, giải thưởng trao tùy tiện cũng là quốc nạn… Nỗi nhục quốc thể khó có ngày rửa sạch. Nhưng lợi dụng đục nước để bôi nhọ nhau làm cho cái đã nhục lại thêm nhục hơn. Hiện trong giới văn chương đang chưa xong vụ tranh chấp tác quyền thì rơi vào tố đạo thơ. Mà vụ tố này chỉ đơn thuần chơi trò đục nước… béo cò phê bình!

Từ phát hiện của “Nhà phê bình” Lê Thiếu Nhơn, đến những phát hiện ăn theo của các loại “Nhà phê bình”, Phan Huyền Thư bị mang vạ vào thân về cái gọi là “đạo thơ”.

Chao ôi, ở cái xứ sở ăn cắp nhiều như rươi, kẻ không ăn cắp xem chừng cũng bị nghi ngờ thành kẻ cắp. Giống như Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt từng nói, đến mức thời nay, ai đi ra nước ngoài mang quốc tịch Việt, dù là lương thiện cũng bị soi xét…

Nhưng chẳng nhẽ một người mang danh “Nhà phê bình” như Lê Thiếu Nhơn lại mang con mắt cảnh sát, gọi vụ này là “nghi án đạo thơ”? Phê bình phải khách quan, có nguyên tắc chứ không thể bạ đâu “nghi” đó như công an Việt Nam nghi Nguyễn Thanh Chấn hay Đỗ Đăng Dư.

Mà nghi cái nỗi gì khi bằng chứng văn bản hiển thị lồ lộ ra đấy. Không thể nói, một câu thơ hay một ý tưởng có vẻ giống nhau là đạo, khi một câu thơ hay ý tưởng đó không là độc sáng của riêng ai. Chẳng lẽ khi Xuân Diệu viết: “Trái đất ba phần tư nước mắt/ Đi như giọt lệ giữa không trung” là ăn cắp triết lí nhà Phật: “Đời là bể khổ”. Hay như Hoàng Cầm: “Cả Thái Bình Dương là giọt lệ/ Mỗi người đi biệt một hành tinh” là ăn cắp của Xuân Diệu?

Các nhà văn học sử cũng đã từng chỉ ra, Thơ Mới có đến hàng trăm câu thơ mượn ý từ thơ Pháp. Mượn ý mà không trùng ý, bởi vì tất cả đã mang cái tâm hồn Việt, tư tưởng, cảm xúc mới của nhà thơ Việt.

Chưa kể các cụ xưa làm thơ dùng điển tràn lan như một hứng thú trong trò chơi thuật nhi bất tác!

Nếu một câu thơ trùng ý như trường hợp Phan Huyền Thư mà bị gọi là đạo hay cầm nhầm, thì thưa ông Lê Thiếu Nhơn, có vô số trường hợp tương tự không kể ra hết.

Tất nhiên, cũng có trường hợp chỉ cần một câu vẫn có thể gọi là đạo hay cầm nhầm nếu câu thơ ấy hoàn toàn có tính độc sáng. Trường hợp Vũ Khiêu thó câu thơ của Lý Bạch để tặng hoa hậu, y chang như Lý Bạch tặng Dương Quý Phi: “Vân tưởng y thường hoa tưởng dung” là đạo trắng trợn. Bởi đây là cách so sánh có một không hai trong sáng tạo của họ Lý, không lẫn với ai được.

Nên nhớ, tư tưởng không bao giờ là mới, nếu truy nguyên tận cùng. Điều chúng ta nói hôm nay chưa hẳn người xưa đã chưa từng nói. Tác quyền có tính độc sáng là một cái gì rất tương đối, nó chỉ thể hiện ở sự lột xác của tư tưởng bằng một hình thức biểu đạt mới, độc đáo. Đúng như anh Trần Nhã Thụy nói, và ai cũng thấy, hai bài thơ mang 2 nội dung tư tưởng khác biệt, dù cùng xuất phát một mẫu:

“Cái ý tưởng/ ý niệm/ hay ước muốn/ di nguyện: Nếu tôi chết hãy mang tôi ra biển; dường như không phải đầu tiên và độc quyền của Du Tử Lê. Nhiều người, ở nhiều nơi trên quả địa cầu này, không phân biệt là Phật giáo hay Thiên chúa giáo, cũng thường có ý nguyện khi chết đi sẽ được hỏa táng và mang tro rắc ra biển.
Là mang tro rắc trên biển, chứ không phải vứt xác xuống biển nhé (làm như vậy ô nhiễm môi trường lắm; hoặc nếu thủy táng thì tốn kém lắm)
Rắc tro trên biển, trên sông, hay trên cánh đồng, trên khu rừng… Tất cả đều chung một ý niệm là gieo vào hư vô/ trở về với cát bụi/ giao duyên với muôn loài…
Chưa có dịp khảo sát kỹ, nhưng tôi nghĩ ý thơ “Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển” của DTL mang tính ám ảnh thân phận hơn, như lời trối của một “thuyền nhân” đau đớn… Còn thơ PHT thì nói về nỗi cơ đơn…”

(Theo FB Trần Nhã Thụy)

Bài thơ của Du Tử Lê hay, đầy ám ảnh về một thân phận lưu vong.

Bài thơ của Phan Huyền Thư tôi không nói là xuất sắc, nhưng là một hình thức thể hiện mới về nỗi cô đơn và sự vật vã đi tìm lại bản thể của mình.

Tôi chỉ nói thêm, ý niệm về cội nguồn sinh ra từ Nước và khi chết đi về với Nước là một cổ mẫu (archetype) (cùng với Lửa, Đất) thuộc vô thức tập thể (Xem phê bình cổ mẫu của Bachelard, Frye…). Đã thế thì không có độc sáng. Các triết gia cấu trúc luận cũng từng khẳng định, cấu trúc tư duy luôn nằm trong những mô hình phổ quát và tuyên bố: tác giả chết! (R. Barthes)

Sống chăng, như tôi nói trên kia, chỉ là một hình thức biểu đạt hay, mới, độc đáo. Nghệ thuật sống ở hình thức. (Nói nội dung quyết định hình thức là cái ngu lâu của Lí luận văn học ở Việt Nam!) . Trong khi bài thơ của Phan Huyền Thư so với bài thơ đã có của Du Tử Lê khác hẳn cả nội dung lẫn hình thức. Tất nhiên, riêng cái nội dung “cô đơn” thì… cũng xưa như quả đất!

Một văn bản, theo các nhà giải cấu trúc, luôn luôn có tính liên văn bản: nó có quan hệ chồng chéo và nối kết với vô số các văn bản trước đó hoặc cùng thời. Không thể đòi hỏi người sáng tạo phải trích dẫn nguồn, khi cội nguồn của một ý tứ nào đó khó có thể truy nguyên đến tận cùng.

Tôi nghe mùi đố kị về giải déo trong vụ này hơn là tố một “nghi án đạo thơ”! Phê bình nói càn, ai cũng nói lấy được, thương thì bốc thơm, ghét thì bôi thối, đố kị thì phá bĩnh, bất chấp nguyên tắc học thuật, chỉ có ở Việt Nam, ông Lê Thiếu Nhơn ạ!

Đến lúc chán tận cổ cái đám văn chương Việt. Càng ngày càng tệ hơn cái chợ cá! Nhưng sao không dũng cảm ra biển mà tranh cá với giặc Tàu???

0 comments:

Post a Comment

Popular Posts