Kênh Tên Miền chuyên cung cấp tên miền đẹp, giá rẻ! Hãy liên hệ kỹ thuật: 0914205579 - Kinh doanh: 0912191357 để được tư vấn, hướng dẫn miễn phí, Cảm ơn quý khách đã ủng hộ trong thời gian qua!
Thursday, 15 October 2015


HOÀNG DIỆP LẠC

Bước vào văn đàn bằng tập truyện ngắn với những ám tưởng về màu đỏ của máu, tiếp theo là âm thanh tiếng reo của lửa trong tập truyện ngắn thứ hai, Lê Minh Phong đã phần nào khẳng định được tâm thế sáng tác trước mịt mù cơn lốc thông tin.

Tranh Lê Minh Phong



Bất ngờ Lê Minh Phong triển lãm tranh cá nhân ở Trung tâm Văn hóa Việt Pháp, số 01 Lê Hồng Phong, thành phố Huế, khai mạc vào ngày 7/9/2015. Cũng như truyện ngắn, trong thế giới màu sắc của Phong tràn ngập những ám tượng về cõi siêu hình, nơi đó chỉ có những khoảng trống và tập mờ những hình thể mà tác giả đã nỗ lực để vượt thoát khỏi sự ám ảnh của biểu tượng mà hầu hết người nghệ sĩ dù muốn hay không đều phải chịu chung một ảnh hưởng nhất định, tôi gọi đó là những tiên ám. Trong một bài viết cách đây hơn 20 năm có nhan đề “Cảm nhận về sự sáng tạo”, tôi đã mô tả quá trình thành hình của những tác phẩm hội họa trước khi chúng xuất hiện trên bề mặt vật liệu để tác giả có thể ký tên mình. Sự ám ảnh tất yếu đó như một nghiệp định, là cả một quá trình chịu sự chi phối từ ấu thơ cho đến thời kỳ trưởng thành, trong tiến trình hình thành cá tính và nhân cách. Tác phẩm mỹ thuật khác hẳn những thể loại khác, do sự ngẫu nhiên trong thời đoạn diễn đạt tác phẩm bằng chất liệu và vật liệu. Đó là thời điểm sáng tạo tiếp nối khi sự rung cảm được tái hiện lần thứ hai. Nói điều này để thấy rằng, tranh Lê Minh Phong là trường hợp như vậy, khi các biểu tượng, không gian, màu sắc trong 25 tác phẩm như có sự thừa kế, sự tiếp nối. Đặc biệt là gương mặt người phụ nữ, những lát cắt chéo trên nền rêu gợi nhớ về những câu chuyện phía chân trời hoài niệm. Tất cả những cố gắng của người nghệ sĩ chỉ để vượt thoát khỏi những tiên ám ở thế giới này. Tiên ám đó có thể là sự hoài nghi, chuỗi ngạc nhiên, cơn xung động do va chạm giữa thực tại và nội hàm tác giả, và cũng có thể là một mẫu sao chép từ ký ức vừa thành hình của ngày hôm trước. Những gì người nghệ sĩ muốn thể hiện là vượt ra khỏi sự vật đã và đang đặt định con người trong thế giới ngổn ngang luân lý, ngổn ngang đạo lý, ngổn ngang triết lý và cả văn chương nghệ thuật... Màu sắc trong tranh Lê Minh Phong sử dụng đơn giản, gam màu chủ đạo là trắng và xanh rêu, những vết đỏ là sự nhấn nhá có ý để tạo nên điểm nóng trong tác phẩm. Một vài bức tranh lạnh như sa mạc khiến tôi nhớ câu thơ “Kìa ai gánh máu đi trên tuyết” của Hàn thi sĩ, nơi sa mạc hoang vu đó, in dấu những vết chân cô độc của người nghệ sĩ. Một số bức có những cánh chim gợi nhắc về một giấc mơ bay của loài người. Điệu múa, tiếng hót, những bước đi, tay chân kéo dài, xoắn vào nhau giữa một khoảng trắng như gợi nhắc những ý niệm về một xã hội co quắp thiếu vắng khuôn mặt con người. Những hình thể này dẫn đưa đến một liên tưởng về cố họa sĩ tài danh, ông đã kéo dài cảm xúc của mình cho đến sau khi ông lìa trần đã hơn 10 năm. Có thể ở những xã hội khác, cảm xúc đó đã dừng lại, nhưng ở thành phố Huế này, nhiều người đã tiếp nhận được dòng xúc cảm đó ở ý niệm và cho sự ra đời những tác phẩm của mình. Để thấy được sức mạnh của nghệ thuật kích động công chúng như thế nào, chúng ta có thể cảm nhận khi nghe “Hịch tướng sĩ” của Trần Hưng Đạo, nghe “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi, hay nghe những giai điệu phản chiến Bob Dylan, Trịnh Công Sơn, hoặc nghe những ca khúc bi thiết khiến lòng người rã rời... Trong hội họa cũng vậy, chỉ cần nhìn những tác phẩm phản chiến bằng bút sắc của Bửu Chỉ, tranh phản chiến của họa sĩ Rừng,... còn thiên tài hội họa Pablo Picasso đã vẽ bức Guernica khi phát xít Đức ném bom xuống Guernica ở Tây Ban Nha vào năm 1937 khiến thế giới phải khâm phục.

Trở lại tranh của Lê Minh Phong, Phong đang cố tạo ra một phong cách riêng, về kỹ thuật hội họa chưa thể hiện nhiều, một vài bức đặt đề gượng ép như “Đợi”,“Cái chết của thi sĩ”, “Hòa bình”. Nếu “Đợi” là hình thể một thiếu phụ ngồi bệt với vết loang đỏ bầm trong không gian ảm đạm thì theo tôi nên đặt tên là “Tuyệt vọng”, còn “Cái chết của một thi sĩ” thì không thể sử dụng biểu tượng đóng đinh, những sợi máu trói buộc trong không gian sáng như vậy. Thế giới của thi ca như mọi người đã biết, là sợi dây liên lạc dẫn đưa đến cảnh giới của thiên thần, cõi đó con người thi ca đã chạm đến thần linh như trường hợp Nguyễn Du, Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Tagore,... còn thân xác của thi sĩ chỉ là phương tiện để thơ tuôn trào. Nếu quan niệm thơ theo “thượng thanh khí” thì không ai trói buộc được thi sĩ. Nhưng dù sao, chất ấn tượng trong tranh của Lê Minh Phong đã phần nào khiến những đôi mắt trong nghề phải chú ý.



Được biết Lê Minh Phong học chuyên ngành lý luận văn học, chưa qua một buổi học hội họa chính thức nào, nhưng tranh của Phong lấp lánh như những vì sao, trong đó có cả siêu tưởng, ấn tượng và biểu hiện, đó như là thứ ánh sáng hư ảo của ngôi sao băng lóe trên bầu trời, khiến người xem dừng lại trước tác phẩm của Phong. Nhưng quan trọng nhất trong sáng tạo hội họa là cái đẹp, vì chỉ có cái đẹp mới đem lại tình yêu cho cuộc sống này; người ta gọi mỹ thuật là vậy. Điều mà người vẽ tranh thật sự cần thiết cho một cuộc triển lãm cá nhân.

Bên ngôi đền trắng, 9/2015 
H.D.L
(SDB18/09-15)

BÊN TRONG

Trong Tuyên ngôn của chủ nghĩa siêu thực, André Breton đã nhắc tới một giai thoại rằng mỗi ngày vào lúc đi ngủ, Saint-Pol-Roux lại cho treo trên cổng tư thất của mình ở Camaret một tấm biển viết rằng: Nhà thơ đang làm việc.

Như vậy chứng tỏ giấc mơ có quyền năng tối thượng đối với sự sáng tạo nghệ thuật. Giấc mơ thuộc về thế giới bên trong, mà thế giới bên trong thì mênh mông, rộng lớn và đan kín với những bí mật.

Những hình ảnh trong giấc mơ thường không có biên giới, không rõ hình thù và chúng luôn biến đổi rồi vụt mất khi chúng ta thức dậy. Hội họa đã giúp lưu giữ lại những hình ảnh ấy, những hình ảnh ấy chính là ký ức của chúng ta, thực tại của chúng ta và kể cả tương lai của chúng ta nữa.

Tuổi thơ của tôi đầy những ám ảnh về bạo lực và nghèo đói. Tôi thường chộp bắt những tiếng kêu từ hồi ức thơ ấu rồi bày lên toan. Một quá khứ đau thương, một tuổi thơ rách nát sẽ cho chúng ta nhiều thứ để sống với hiện tại và thôi thúc những âm mưu dự phóng. Những ám ảnh ấy được lưu giữ trong tiềm thức, qua ngày tháng, chúng đã trở thành một nguồn năng lượng trong tôi.

Và rồi tôi đã vẽ ra những ám ảnh ấy. Những ám ảnh về cái chết và sự hữu hạn của thân phận.

Chạm vào cái chết cũng là một cách để biết rõ hơn ý nghĩa của sự sống. 

Để vẽ cái chết, dĩ nhiên tôi không có một chút kinh nghiệm nào cả. Tôi chỉ biết lấy màu trắng đục của thân phận, màu đỏ của máu, màu tàn úa của rừng cây, màu của đất đai khô cằn và màu của rêu xanh bất tận trong từng linh hồn sống đọa để mong chạm vào cái chết.

Hội họa hữu thể hay vô thể đều không bao giờ đến từ hư vô. Chúng có căn nguyên của chúng. Cái chết là nơi khởi đi cho những mộng mơ nghệ thuật của tôi.

Chỉ có đêm tối mới cho ta sờ mó được vào làn da ẩm ướt của cái chết. Tôi thích ngồi hàng giờ trong đêm tối để suy nghĩ, để rạo rực những âm mưu và có khi cũng để chán chường tuyệt vọng. Đi đến tận cùng của tuyệt vọng cũng là cách để thấy rõ hơn cái chết. Đêm lưu giữ cho tôi những bí mật. Cái chết của tôi bày lên bố trong đêm không phải là những cái chết vô trật tự được làm nên bởi sự bóp méo các hình thể mà đó chính là khát vọng hướng tới một thứ trật tự khác sau khi các hình thể trong tranh đã thối rữa, tiêu tan và phân hủy trong cảm giác.

Một bức tranh đôi khi là một vết thương vô ngôn nhưng đôi khi nó cũng chính là những câu chuyện kể về ước mơ của vết thương ấy. Ước mơ hướng tới một cuộc sống ít đau thương và ít bó buộc hơn.

Tôi tin trực giác và không cố kiểm soát hết mọi thứ bằng lý tính. Vì thế, tôi đã tham vọng chạm vào bí mật của Thế giới bên trong. 

LÊ MINH PHONG

0 comments:

Post a Comment

Popular Posts