Nhà văn Nhật Tuấn -
Đăng Bởi Ngô Thị Kim Cúc - 10:38 09-10-2015
Nhật Tuấn và hai con
Cái tên Nhật Tuấn đã trở nên quen thuộc với làng văn ngay khi tập truyện ngắn đầu tiên của anh ra đời năm 1978: Trang 17, và ít lâu sau là tập truyện ngắn thứ hai, năm 1981: Con chim biết chọn hạt. Sau đó còn nhiều tác phẩm khác, cả truyện ngắn lẫn tiểu thuyết, mà nổi bật là tiểu thuyết Đi về nơi hoang dã, tiếp tục khẳng định con người văn chương của anh. Văn phong nhẹ nhõm có phần hiện đại và cả chất lãng mạn, lại chuyển tải được những nội dung thô ráp, sần sùi của cuộc sống, Nhật Tuấn đã tách khỏi nhiều đồng nghiệp của mình, không hòa giọng vào dàn hoan ca.
Trong trại sáng tác Vũng Tàu 1982, một trại sáng tác rất nổi tiếng bởi nhiều sự kiện (bài thơ Khóc Nguyên Hồng của Trần Mạnh Hảo kèm theo những “phiền toái” sau đó, những xác chết trôi của người vượt biên bị đẩy dạt vào bờ biển khu vực Trại sáng tác Vũng Tàu mỗi sáng…) ,Nhật Tuấn đã có truyện ngắn Tặng phẩm cho em. Với chỉ hơn 2.500 chữ, anh đã “kể” câu chuyện về cái chết của một nữ công nhân công trường do sập giàn giáo. Anh đã gọi thẳng tên sự việc: chẳng ai chịu trách nhiệm về cái chết đó, từ giám đốc, kỹ sư, đội trưởng... Không ai buồn báo tin cho người chồng sắp cưới của cô, không ai nhận tiền tử tuất từ cái chết của cô (bởi mẹ cô đã đi lấy chồng khác khi cô còn bé) và chút tài sản khiêm tốn cô để lại sẽ được hóa giá để nhập vào công quỹ. “Hãy biến đau thương thành hành động. Hãy ra sức thi đua hoàn thành kế họach của tổng công ty giao cho. Phút mặc niệm bắt đầu...”. Đó là những lời lẽ và vài giây phút người ta dành cho cái chết của cô. Người duy nhất lớn tiếng khóc thương cô là bạn gái của cô, cũng là một công nhân. Còn người lén lút khóc cô sau cặp kính đen chính là người bố đã chối bỏ đứa con rơi của mình, để bảo vệ thứ lợi quyền gì đó…
Là biên tập viên văn học của báo Tuổi Trẻ và sau đó của Thanh Niên, tôi biết đến Nhật Tuấn không chỉ qua tác phẩm mà còn ở những chuyện bên ngoài trang viết. Trong thời gian làm Trưởng đại diện Nhà xuất bản Văn Học tại thành phố Hồ Chí Minh, anh đã cưu mang gia đình một tác giả mới nổi lên ở thời điểm đó: Nguyễn Thị Ấm. Khi gấp rút chuyển từ Hà Nội vào và chưa có chỗ ở, Nguyễn Thị Ấm cùng chồng con đã được tạm trú trong ngôi nhà của NXB Văn Học một thời gian. Và chính Nhật Tuấn đã đột nhiên nhận ra rằng không hiểu sao cô vợ ký tên mình dưới truyện rất ít khi ngồi trước máy chữ trong khi ngược lại, anh chồng họa sĩ thì cứ miệt mài gõ máy chữ suốt ngày không ngưng nghỉ…
Thời đó, gia đình của Nhật Tuấn - Thu Hồng còn đầm ấm với hai con đủ trai đủ gái, và họ là cặp bạn chung của khá nhiều nhà văn, nhà báo. Đáng tiếc là về sau mọi chuyện đã thay đổi và tới ngày ra đi, Nhật Tuấn chỉ đơn độc một mình.
Nhật Tuấn còn đi trước nhiều đồng nghiệp khi anh đã cùng nhóm bạn thực hiện một dạng “tạp chí văn học” xuất bản không định kỳ: Văn Học và Dư Luận, với bài vở và hình thức trình bày khá phóng túng. Vào thời điểm đầu tiên sau đổi mới, đây là một đột phá, một niềm vui cho giới cầm bút, cho dù Văn Học và Dư Luận chỉ góp mặt một thời gian ngắn nhưng đã gây men và gợi mở cho nhiều hoạt động rộng hơn và dài hơi hơn sau này. Chính trên Văn Học và Dư Luận, một số tác giả mới và một số bài viết đa chiều đã có cơ hội trình làng.
Là người lớn lên ở miền Nam, tôi còn được “bổ sung” thêm thông tin về Nhật Tuấn: tác phẩm của anh trai anh, nhà văn Nhật Tiến. Những Thềm hoang (Đời nay, 1961 - Giải thưởng Văn chương toàn quốc 1962), Chim hót trong lồng (nhật ký, Huyền Trân, 1966), Lá chúc thư (Huyền Trân, 1971), Thuở mơ làm văn sĩ (Huyền Trân, 1973)… đã trở thành là một phần không thể thiếu trong tuổi thơ và tuổi học trò trong trẻo của chúng tôi.
Nhật Tuấn đã ra đi quá đột ngột. Trên Facebook của mình, anh thường xuyên post luân phiên Yêu thời đồ đểu và Sống như là chết, bên cạnh Hẻm buôn chuyện (một chuyên mục anh viết cho báo Pháp Luật TP.HCM chủ nhật), và những status có tính thời sự. Cũng chính trên Facebook, anh bộc lộ cuộc sống cô đơn của mình: chỉ lặp đi lặp lại hình ảnh những người bạn/khách ghé nhà uống rượu, và những dòng chữ cũng lặp đi lặp lại, tự nó nói lên nhiều thứ:
“Chiều nay biết... nhậu nơi đâu?” (13.9.2015).
“Ôi… hết gạo... chạy vội ra chợ làm thùng mì… Cuộc đời vẫn đẹp sao... mì tôm vẫn đẹp sao !!!!” (19.8.2015).
“Sống một mình trên đỉnh núi đá này được không? Sống được, nếu có laptop và wifi...” (29.6.2015)…
Như rất nhiều bè bạn và đồng nghiệp của anh, tôi cầu mong cho Nhật Tuấn sớm tìm tới cõi thanh thản vĩnh hằng mà trong cuộc sống vừa trải qua anh đã không có được.
Ngô Thị Kim Cúc
0 comments:
Post a Comment