Kênh Tên Miền chuyên cung cấp tên miền đẹp, giá rẻ! Hãy liên hệ kỹ thuật: 0914205579 - Kinh doanh: 0912191357 để được tư vấn, hướng dẫn miễn phí, Cảm ơn quý khách đã ủng hộ trong thời gian qua!
Saturday, 26 September 2015



TRẦN HẬU


                                                  Esenin và người vợ cuối cùng SofiaTolstaya

Mùa thu năm 1925, Esenin vừa mới cùng vợ, Sofia Tonstaya, từ Baku trở về. Mặc dù cảm thấy rất mệt mỏi, nhưng anh vẫn từ chối lời mời đi an dưỡng tại nhà nghỉ của Bộ y tế. Mùa thu năm ấy anh viết ít vì phải chuẩn bị bản thảo tuyển tập thơ ở Nhà xuất bản quốc gia và hoàn tất trường ca Con người đen mà anh đã tập trung viết trong suốt hai năm cuối đời. Cuộc sống gia đình của anh với Sofia Tonstaya không mấy êm đẹp. Esenin thường bị ám ảnh bởi cái bóng của “Ông Lev vĩ đại” (vợ của Esenin là cháu nội của văn hào Nga Lev Tonstoy) trên những bức chân dung treo khắp nơi trong căn nhà người vợ mới, còn “bộ râu nổi tiếng” của nhà văn thì cứ bám theo anh không rời!

Với tâm trạng như vậy Esenin bắt đầu lao vào rượu và điều này dẫn tới việc nhà thơ phải vào điều trị ở bệnh viện tâm thần của Ganushkin.

Theo yêu cầu của những người thân và bạn bè, ngày 26 tháng 11 năm 1925, Esenin vào bệnh viện. Anh được mọi người quan tâm và dành cho một căn phòng rộng trên gác hai, ở đó anh có thể sống và làm việc một cách thoải mái. Theo kế hoạch, Esenin sẽ điều trị trong hai tháng, nhưng sau hai tuần nằm viện anh tự quyết định rút ngắn thời gian điều trị của mình xuống chỉ còn một tháng.

Trong một bức thư gửi nhà thơ A. Mariengov, Esenin viết: “Tớ ở đây rất tốt. Chỉ hiềm một nỗi là có một ngọn đèn xanh cứ bật sáng suốt ngày đêm. Cậu biết không, tớ phải quấn chăn lại, rúc đầu dưới gối, đã thế, người ta lại không cho đóng cửa…Họ sợ tớ tự tử”.

Diễn biến những tuần cuối cùng của Esenin như sau: ngày 7.12.1925 anh gọi điện cho nhà thơ Vônphơ Erich: “Hãy tìm giúp ngay 2 – 3 phòng khách sạn, ngày 20 tớ đến Leningrad”. Esenin dự định mang theo em gái Ekaterina sắp lấy chồng để tổ chức lễ cưới ở Leningad, anh sợ phải sống một mình, nhưng kế hoạch đó không thành.

Ngày 21 tháng 12 năm 1925, Esenin rời bệnh viện để rồi không bao giờ quay trở lại nữa. Nhà văn Yury Libedensky nhớ lại: “Khắp Moskva có tin đồn rằng sau khi cho Esenin ra viện, bác sĩ Ganushkin đã cảnh báo những người thân của anh rằng những cơn ưu sầu vốn có của Esenin có thể sẽ khiến nhà thơ tự tử”.

Hai ngày tiếp theo Esenin chia tay với người thân và bạn bè, anh đến thăm các tòa soạn báo và nhà xuất bản, còn buổi tối ngày 23 anh giận dữ xông tới nhà Sofia Tonstaya, nơi lúc bấy giờ hai cô em gái của anh đang sống, và nói rằng sẽ li hôn với chị. Vội vàng thu xếp hành lí, Esenin nghiến răng nói: “Tạm biệt”, còn đáp lại lời anh, cô em gái Aleksandra đột ngột nói “Vĩnh biệt, Sergey!”.

Esenin không thể đến nhà chia tay với người vợ đầu tiên của mình – Anna Iznadnova. Anh báo với chị là chuẩn bị đi Leningrad, rằng “cảm thấy mệt mỏi và có lẽ sắp chết”.

Sáng ngày 24 tháng 12 năm 1925, Esenin đến Leningrad và thuê phòng ở khách sạn Angleter. Hàng xóm cùng khách sạn với anh là cặp vợ chồng nhà văn, nhà báo Grigory Ustianov. Esenin nói với họ rằng “sẽ không làm thơ nữa, mà sẽ chuyển sang viết truyện ngắn hoặc tiểu thuyết”. Điều này nghe thật phi lí và đáng ngờ – Esenin mà lại không làm thơ!
Anh yêu cầu không cho ai vào phòng, lúc nào cũng sợ có người từ Moskva theo dõi mình. Nhà thơ V. Erich nói: “Sáng ngày 25 tháng 12 năm 1925, Esenin quyết định đến thăm một người bạn và thầy giáo cũ của mình là nhà thơ N. Klyuev. Cuộc gặp gỡ giữa Esenin với “thần tượng” cũ của mình kết thúc bằng một sự kiện đáng ghi nhớ đối với anh: Esenin “tự nhiên” châm thuốc hút từ ngọn “đèn thờ” của Klyuev, còn sau đó bảo người bạn đường của mình thổi tắt ngọn đèn”.

Sáng chủ nhật ngày 27 tháng 12 năm 1925, Esenin cho những người hàng xóm xem vết đứt ở cổ tay và nói rằng anh rất muốn làm thơ nhưng vì trong phòng không có mực nên đã cắt tay lấy máu viết.

Chiều hôm đó Esenin tiếp khách gồm hai vợ chồng Ustinov, V. Erich, Ushakov và Izmaylov. Các vị khách nhớ lại rằng trong bữa tiệc không hiểu sao Esenin chỉ toàn ăn xương ngỗng, còn khi chia tay Esenin đưa cho Erich tờ giấy gấp tư chép bài thơ mới viết của mình và bảo cầm lấy đọc “lúc nào đó”.

Vào lúc 22 giờ Esenin gọi người gác cửa khách sạn đến và yêu cầu không cho phép ai vào phòng anh. Trước chuyến đi Leningrad, trong câu chuyện từ biệt với A. Mariengov, Esenin bộc bạch: “Linh cảm về cái chết đeo đuổi tớ, trong những đêm mất ngủ tớ cảm thấy nó gần lắm. Điều này thật khủng khiếp. Lúc bấy giờ tớ ngồi dậy, bật đèn lên và vừa đi lại trong phòng vừa đọc sách. Bằng cách đó tớ cảm thấy dễ chịu hơn”.

Nhưng lần này Esenin không đánh lừa được thần chết. Buổi sáng ngày 28 tháng 12 năm 1925, Elizaveta Ustinova đến gõ cửa phòng Esenin để mời anh đi ăn sáng. Phía sau cánh cửa là sự im lặng đầy khả nghi, mặc dù rõ ràng là cửa bị khóa từ bên trong. Chị gõ tiếp, vẫn im lặng…Lúc bấy giờ Elizaveta đi tìm người quản lí khách sạn mang chìa khóa tới mở cửa. Bước vào phòng, mọi người nhìn thấy chiếc giường bỏ không, còn Esenin treo cổ trên ống nước cạnh cửa sổ.



0 comments:

Post a Comment

Popular Posts