Kênh Tên Miền chuyên cung cấp tên miền đẹp, giá rẻ! Hãy liên hệ kỹ thuật: 0914205579 - Kinh doanh: 0912191357 để được tư vấn, hướng dẫn miễn phí, Cảm ơn quý khách đã ủng hộ trong thời gian qua!
Saturday, 5 July 2014

Ngựa và nghệ thuật thăng hoa 

Thảng như con ngựa già vô dụng
Chủ bỏ ngoài trăng đứng một mình
(Tô Thùy Yên)
Hình vẽ ngựa hoang trên vách động Lascaux. (Ảnh: Softpedia News)


Ngựa - quá nhiều họa sĩ đã vẽ, với tất cả nét đẹp, sinh động của nó. Kể từ hội họa còn là sự mò mẫm của những ngón tay trên mặt đất sét: chẳng hạn ngựa vẽ bằng ngón tay trên đất sét tìm thấy ở hang Montespan. Và nếu nghệ thuật hội họa của những hang động được coi như là nghệ thuật hội họa cổ nhất thì trong nền nghệ thuật này, hình tượng ngựa cũng đã có mặt rồi.

Trên những vách hang đá Lascaux có khá nhiều hình vẽ ngựa xen lẫn với hình vẽ những con thú khác. Những hình vẽ đã rõ ràng có tính tạo hình, những con ngựa đầu nhỏ, thân hình vạm vỡ, tuy dáng của cẳng chân không được săn sóc đúng mức, vẫn hiện ra vô cùng linh hoạt trên tường đá gồ ghề, tất cả cùng với bầy dã thú như đang ở trong một chuyển động chập chờn, nhịp nhàng và liên tục. Trong sự tạo dáng hình ngựa, nghệ thuật hang đá cũng đã cho thấy khả năng của nhiều phong cách khác nhau: từ cố gắng mô phỏng bằng đường vòng quanh theo sự ghi nhận của thị giác tới những nét phóng bút hay những hình vẽ đã trở thành ký hiệu, đã trở thành chữ tượng hình, đánh dấu một bước nhảy vọt của loài người trên bước đường sáng tạo phương tiện truyền thông, bước đường sáng tạo ngôn ngữ, sự sáng tạo cần thiết để hỗ trợ cho lao động sản xuất và chinh phục thế giới tự nhiên.

Nhưng lịch sử không dẫm chân tại chỗ, những hình tượng ngựa có vẻ thoải mái, hồn nhiên và bay bổng như trên những vách đá ấy dĩ nhiên không thể lặp đi lặp lại trong lịch sử nghệ thuật tạo hình. Chỉ xét riêng về tranh ngựa, ta cũng thấy phong cách vẽ ngày càng có thêm những nét khác biệt, đề tài ngày càng thêm đa dạng, kỹ thuật tạo hình ngày càng được bổ sung.

Trong khi thế giới vẫn tìm bằng chứng về đời sống trên quả đất vào những thế kỷ băng hà qua những tranh vẽ tiền sử trên vách hang động, thì ở Việt Nam chúng ta cũng vậy, bức chạm “Mặt người và thú” ở hang Đồng Nội (Hà Sơn Bình) thuộc nền văn hóa Hòa Bình - Bắc Sơn, giúp các nhà viết sử ít nhiều tài liệu về sinh hoạt, tín ngưỡng và văn minh của người Việt cổ vào sơ thời đồ đá mới, cách ta chừng trên mười ngàn năm. Tới văn hóa Đông Sơn, thời hưng thịnh nhất của các vua Hùng, thì nghệ thuật Việt Nam đã đạt trình độ khá cao. Các tác phẩm hội họa thuần túy thời đại Đông Sơn người ta chưa tìm thấy, căn cứ vào các hình chạm khắc trên các dụng cụ còn để lại, ta thấy chủ đề của các hình vẽ vẫn là những sinh hoạt của người Lạc - Việt như nghênh chiến và nhảy múa. Mặt khác các họa sĩ còn vẽ những cầm thú như chim, thú, hươu, nai… Hình tượng ngựa của Việt Nam cổ nhất có thể tìm thấy qua những nét vẽ còn để lại trong những viên gạch (vẽ để làm khuôn đúc) thuộc Mỹ Thuật Đại La được phát triển trong thời Bắc Thuộc (từ thế kỷ II trước Tây Lịch đến thế kỷ X sau Tây Lịch) mang một sắc thái khác hẳn những nét vẽ thời Đông Sơn.

Trong những viên gạch tìm thấy ở làng Lim (Bắc Ninh) có hình cầm thú và các linh vật như rồng, kỳ lân, phượng. Hãy xem những chi tiết hình khắc trên gạch gồm có: kỳ lân, trên lưng và dưới chân có chim cuốc và gà con, người nhảy múa, ngựa giã gạo, đèn bốn ngọn, rồng, chim, tê tê và gà. Trong Mỹ Thuật Đại La người ta cũng tìm thấy nhiều di tích vẽ ngựa khác hoặc in trên những mảnh gốm, hoặc đúc thành những mảnh trang trí nhỏ gắn vào các kiến trúc đời này. Các trang trí trên và dưới bằng những hình kỷ hà, ở giữa khắc hình ngựa và kỳ lân. Hình ảnh này rất quen thuộc trong nghệ thuật cổ điển Trung Hoa.

Theo những bước đi của lịch sử, hình tượng ngựa mang những ý nghĩa khác nhau. Có những hình tượng nhẹ nhàng, thanh thoát. Có những hình tượng thật hiên ngang và hào hùng, như ngựa của Quang Trung… Nhưng cũng có những hình tượng buồn rầu. Hay đúng ra là những hình tượng nói lên những gút mắc, những mâu thuẫn. Thí dụ hình tượng những con ngựa được chăn dắt, những con ngựa bị nhốt trong chuồng, những con ngựa được trang sức và kéo những cỗ xe lộng lẫy, những con ngựa với yên cương và giáp sắt: những hình tượng phản ánh một tình trạng xã hội tương quan người với người còn chiến tranh.

Ngựa là hình ảnh rất quen thuộc trong lịch sử hội họa Trung Quốc, biểu tượng của hanh thông thành đạt (Mã đáo thành công). [1]

Hàn Cán (706 - 783) đời nhà Đường nổi tiếng với các họa phẩm về ngựa. Ông không chỉ miêu tả được hình thể của ngựa mà còn truyền đạt thành công cái “thần” của nó. Các họa sĩ thế hệ sau này khi vẽ về ngựa đều phải nghiên cứu và tham khảo các bức tranh của ông.
“Chiếu dạ bạch đồ” của Hàn Cán



Bức tranh ngựa nổi tiếng nhất của Hàn Cán có tên là “Chiếu dạ bạch đồ”, trình bày hình ảnh một con ngựa trắng tương truyền ngời sáng trong đêm (Blanc Lueur-nocturne/ Night-Shining White), là một trong những con ngựa quí nhất trong số hàng chục vạn con của vua Đường Huyền Tông. Bức tranh vẽ bằng mực trên giấy, với nghệ thuật sống động hơn hẳn nhiều tranh ngựa trước đó, diễn tả Chiếu dạ bạch bị xích vào cọc - và có vẻ là một cây cọc sơn son thếp vàng - đang đập vó nhảy múa và dũng mãnh ngẩng cao đầu, đôi mắt lửa giận dữ bừng cháy, thể hiện khí thế “thiên thần mã” trong huyền thoại Trung Quốc…
Tranh của Từ Bi Hồng



Một họa sĩ cũng nổi tiếng về tranh ngựa trong hội họa Trung Hoa là Từ Bi Hồng[2]. Tuy trong lịch sử nghệ thuật Trung Quốc đã từng có những họa gia vẽ ngựa danh tiếng như Hàn Cán (đời Đường), Lý Công Luân (đời Tống), Triệu Mạnh Phủ (đời Nguyên), nhưng tranh độc mã hay quần mã của Từ Bi Hồng mang sắc thái độc đáo và sống động. Đó là một sự kết hợp hài hòa giữa tính cổ điển Tây phương và sự ước lệ Trung Quốc. Những nét mực tàu chấm phá mạnh mẽ và hùng hồn nhưng không kém phần tráng lệ, kiều diễm, tượng trưng cái đẹp thiên phú của loài ngựa. Đôi khi chỉ cần vài nét bút vờn lên giấy, dù lột tả ở dáng nào, tư thế nào đi nữa, ngựa trong tranh của Từ Bi Hồng không bao giờ trong tư thế tĩnh, nó luôn căng tràn sức sống, linh động và mạnh mẽ, phóng khoáng và tràn đầy thần thái, khiến cho ngựa của ông vẽ dường như lúc nào cũng như muốn bay ra khỏi tranh.

Những con ngựa trong tranh Từ Bi Hồng khác hẳn những bức tranh vẽ ngựa của Âu châu, nó tiềm ẩn một sức sống thật là mãnh liệt.
“Ngựa trong cơn bão” của Delacroix



Hẳn cũng không phải là một điều ngẫu nhiên khi những hình tượng ngựa tương tự cũng được thấy trong hội họa Tây Phương từ thời kỳ phong kiến cho tới thời kỳ tư bản. Bức tranh “Ngựa trong cơn bão” của Delacroix cũng rất đậm nét bi thảm. Hình tượng ngựa của Picasso, hình tượng trung tâm của tác phẩm nổi tiếng “Guernica”.
“Guernica” của Picasso



Được hỏi về tranh “Guernica” có lần Picasso đã nói rằng hình tượng ngựa là tượng trưng cho loài người, và ông cũng còn sử dụng hình tượng này trong nhiều tác phẩm khác, đặc biệt là những tranh vẽ ngựa và tô-rô. Trong nhiều tranh về đề tài này, mâu thuẫn giữa hình tượng ngựa bị choáng ngợp, vùng vẫy, bị đè nén đối với bóng đen hăm dọa của tô-rô, với kỹ thuật tạo hình bóp méo, bẻ gãy ngoặt ngoẹo một cách cuồng bạo, cho thấy điều kiện xã hội trong đó ông đang sống và phản ảnh bằng ngôn ngữ nghệ thuật, trở thành một tiếng kêu thét, một sự vùng vẫy cố gắng thoát khỏi sự áp bức của bạo lực.

Tượng ngựa của Alexander Calder
Tranh Marino Marini


Trước Picasso không lâu “Ngựa bạch” của Gauguin mang dáng dấp một con ngựa bị bỏ rơi, cô đơn, trong khi những con ngựa của Degas thì là thú vui nhàn tản của những người trưởng giả, những con ngựa phục vụ trong những gánh hát xiếc của Toulouse-Lautrec đầy màu sắc trang trí… Sau này những hình tượng ngựa của Alexander Calder, nhà điêu khắc Mỹ nổi tiếng, cũng như nhà điêu khắc Ý Marino Marini với những tác phẩm mang tính hiện đại, vẫn cho ta thấy một nỗi ưu tư về sự hỗn mang sau thời kỳ thế chiến ở châu Âu lúc bấy giờ.

Nếu muốn dựng lại bộ mặt xác thực đã qua của đất nước và con người Việt Nam bằng chứng cứ nghệ thuật, thì nên dùng điêu khắc cổ là một bằng chứng tốt nhất, vì những tác phẩm hội họa cổ không còn lại bao nhiêu, chất liệu chỉ là giấy lụa, màu phẩm, làm sao chống chọi được đến ngày nay trước sức phá hoại nghiệt ngã của thời gian và khí hậu. Ta thấy nền điêu khắc cổ có một sự liên tục, phong phú và hoàn chỉnh hơn nhiều, về thông tin cũng như về ngôn ngữ. Kể từ đời Lý cho đến đời Nguyễn, đời Lý chưa thấy hình tượng ngựa trong các trang trí, chủ yếu là rồng, chim chóc, hoa lá, đôi khi cũng thấy vẽ trên đồ gốm. Sang đời Trần, điêu khắc rắn rỏi, mập mạp, vững chãi hơn trong hình khối, tượng các con thú ở khu An Sinh, Đông Triều trang trí đậm đặc hơn, linh hoạt, vui đời sống thật hơn, chất dân gian cũng đậm hơn.

Tượng đá ngựa và chạm gỗ ngựa xuất hiện nhiều trong các lăng mộ cổ và trên các trang trí đình làng. Tượng đồng ngựa xưa nhất lại tìm thấy trên các vật dụng thờ ở Huế từ thế kỷ thứ XI. Chúng ta nhìn những bức phù điêu chạm gỗ thông trên các đình làng thế kỷ 17 và đầu 18 mới thật là đẹp và độc đáo một tâm hồn Việt Nam. Bởi vì nghệ sĩ đã thoát ra được một trật tự đẳng cấp, đã lôi ra ánh sáng những gì trước đây bị bưng bít, là phô diễn ngợi ca những gì trước đây bị kềm tỏa, là nổi lên nhịp trống làng xã mà trước đây bị giam cầm, lần này nền điêu khắc cổ Việt Nam thật sự đã tìm ra hẳn một ngôn ngữ mới. Nét khắc đục mộc mạc, chất gỗ sống hết cuộc đời tự nhiên của mình. Tâm hồn chất phác, hình ảnh hoàn toàn đồng điệu, nghệ thuật đằm thắm, không chút nỗ lực chật vật nào về trí tuệ làm tâm hồn ta thênh thang gần gũi. Có thể nói điêu khắc đình làng là mảng Việt Nam nhất trong toàn bộ nghệ thuật cổ Việt Nam.

Người nghệ sĩ dân gian tỏ tình, tỏ ý miêu tả con người, sự vật bằng đường nét, mảng khối mà không cần một lời thuyết minh nào hỗ trợ. Họ đã vận dụng sinh động phối cảnh ước lệ, không câu nệ sự thật mà được cách điệu hóa, về mặt diễn tả thì chú ý tập trung vào chỗ nào hấp dẫn nhất. Hãy xem: đoàn người kết thúc buổi đi săn đang trên đường về, người đi đầu cỡi ngựa mặt nghênh lên, vẻ vui vui tự đắc, mấy người sau lơ ngơ khiêng một con hươu bốn chân chổng ngược, con chó săn đi theo, đuôi ngoe nguẩy vẫy mừng. Từ con ngựa thật đến con ngựa thần thoại của người anh hùng làng Gióng đánh giặc Ân. Ngựa là khả năng thông minh, dũng cảm và khỏe mạnh. Trong rèn luyện võ nghệ, có tiết mục cỡi ngựa múa đầu mâu, đấu giáo, cỡi ngựa bắn cung… Trong các môn thể thao, có môn thể thao cỡi ngựa đánh phết, khá phát triển ở đời Lý…
Tranh của Bửu Chỉ



Còn bao nhiêu hình ảnh ngựa nữa trong nghệ thuật cổ xưa. Mà thôi, tạm xếp lại để nhớ đến ngựa trong tranh của anh em bạn bè, một thời Hội Họa Mùa Xuân Sài Gòn… Ngựa, như lao vút vào một mảng nâu nhẹ của Lâm Triết. Ngựa, thiếu nữ, và lẵng hoa trên đồi xanh nhà thờ của Trịnh Cung. Ngựa đài các của Nguyên Khai, ngựa liêu trai của Nghiêu Đề, ngựa đạm bạc của Nguyễn Trung, ngựa khắc khoải của Nguyễn Đồng, ngựa mũm mĩm của Nguyễn Thị Hợp, ngựa quay cuồng của Hà Cẩm Tâm, ngựa đá Huế đầy hoa ngũ sắc của Bửu Chỉ... và không quên được người đam mê vẽ ngựa nhất là Trần Quang Hiếu, từ Pháp về Sài Gòn những năm 60, để rồi, sau 75 đã nằm chết xác xơ bên hè đường vì rượu và kiệt lực. Ngựa và người. Những thân phận. Và nghệ thuật thăng hoa.

Đ.C
(SH300/02-14)


.............................................
[1] Nguyên ý câu này là “Kỳ khai đắc thắng, mã đáo thành công” (Cờ phất [làm hiệu thì] chiến thắng, ngựa quay về [báo tin] thành công).
[2] “Xu Beihong hoặc Hiu Pei hong, pháp ngữ hóa là Jupéon, sinh tại Giang Tô năm 1895. Là một trong những họa sĩ tiên khởi Trung Hoa thụ giáo nghệ thuật vẽ tranh sơn dầu và chịu ảnh hưởng phương pháp Tây Âu, Xu Beihong đã theo học trường Mỹ Thuật Paris từ năm 1921 đến 1926, và hòa nhập với phá Montparnasse. Sau đó, từ năm 1949, ông sáng lập và hướng dẫn Hội Mỹ thuật Trung ương tại Trung Quốc. Ông từ trần tại Bắc Kinh năm 1953”.(Danh nhân Tự Điển “Petit Robert”). Trong thời gian du học tại Paris, ông từng kết bạn với họa sĩ Nam Sơn, người đồng sáng lập trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương cùng Victor Tardieu.

0 comments:

Post a Comment

Popular Posts