Nhà văn Trần Thiện Đạo |
Dịch" không chỉ là "Phản"
Tình trạng dịch thuật hiện nay ở Việt Nam đang ở mức cần phải báo động. Radio RFI đã dành nhiều chương trình cho những buổi nói chuyện với nhiều dịch giả trong và ngoài nước về vấn đề này. Sau Hoàng Hưng, Phạm Xuân Nguyên là những nhận định có phần nghiêm khắc của dịch giả Trần Thiện-Đạo đã sống ở Paris trên nửa thế kỷ. Trước 30-04-1975, Trần Thiện-Đạo cộng tác với các báoVăn, Tân Văn, Bách Khoa, Nghệ thuật... ở Sàigòn và hiện nay vẫn thường xuyên gửi bài in trên các sách báo văn học trong-ngoài nước. Ý kiến của Trần Thiện-Đạo sẽ như một liều thuốc đắng, may ra giã được một số tật cố hữu trong địa hạt dịch thuật của Việt Nam.
Thụy Khuê: Thưa anh Trần Thiện Đạo, anh là một dịch giả sống tại Pháp và hay đi về Việt Nam, nhận xét đầu tiên của anh về tình trạng dịch thuật hiện nay ở trong nước như thế nào?
nhà văn Thụy Khuê |
Trần Thiện-Đạo: Vào khoảng cuối năm ngoái, vừa bước xuống sân bay Nội bài, nghe tin Hội Nhà Văn Hà Nội đã chánh thức công bố giải thưởng hằng năm của mình, tôi liền lật báo xem coi các tác phẩm được vinh danh kì này mặt mũi ra sao. Đọc tới chỗ ghi giải gọi là văn học dịch, tôi đột nhiên lấy làm sửng sốt cực cùng. Ngẩn người, vì không dè được rằng người ta lại có thể trao giải cho một bản dịch, xin Thụy Khuê nghe cho thật kĩ giùm, tôi không dè người ta lại có thể choàng hoa cho cứ gọi là một dịch...phẩm thực hiện không dựa trên nguyên bản tiếng gốc, mà thông qua một bản dịch ngoại ngữ khác. Xin nhắc lại cho rõ thêm: không dựa trên nguyên bản tiếng gốc, mà thông qua một bản dịch ngoại ngữ khác.
Tôi không biết ban giám khảo đã hội í như thế nào trước khi lấy quyết định đó. Nhưng dầu gì chăng nữa, thì nó cũng xuất hiện như một việc làm tuỳ tiện, trái lẽ, gượng ép - hoặc là vì ban giám khảo đã cạn suy (ai đời lại trao giải dịch thuật cho một bản dịch-dịch-từ mộ t bản dịch), hoặc là, tệ hơn nữa, nói thế nào nhỉ..., hoặc là để bốc bạn bè với nhau - điều này cũng thường xảy ra ở nhiều địa hạt khác.
TK: Về việc này thì phản ứng báo chí và dư luận văn học bên nhà thế nào, thưa anh?
TTĐ: Trên báo chí tôi không đọc thấy có một phản ứng nhỏ nhặt nào, và trong những lần giao lưu với các nhà phê bình và dịch giả quen biết, thừa dịp nhắc tới sự thể nói trên, tôi cũng không hề nghe thấy họ dấy lên một lời phản đối nào. Vểnh tai nghe ngóng, thì chỉ phong thanh đâu đó có đôi lời than phiền, xin mở dấu ngoặc,«hơi tiếc là không dịch qua nguyên bản nên thiệt thòi phần nào», tôi nhắc đúng theo nguyên văn. Chỉ nói phớt qua vậy thôi, chớ không trực diện động tới cái nguyên tắc cơ bản mà Hội Nhà Văn Hà Nội đã làm ngơ, để tặng giải.
Thể như có một sự toa rập ngấm ngầm bắt buộc nào giữa họ với nhau trong bầu khí văn học và dịch thuật hiện hành: người ta có thể đấu đá về những chuyẹn đâu đâu, nhỏ nhặt, nhỏ nhen, miễn là đừng đụng tới những điều cốt yếu, đừng đụng tới mấy thần tượng giả tạo. Hoặc là ai nấy thảy đều coi đó là chuyện thường nhựt xảy ra hằng bữa, hơi sức đâu mà để í, mà bực dọc làm chi cho mệt thân, cho rối trí. Thật là đáng buồn biết bao.
TK: Anh dùng những chữ "toa rập ngấm ngầm" có nặng quá không?
TTĐ: Thụy Khuê xem chừng ngạc nhiên nghe tôi thốt lên mấy lời toa rập ngấm ngầm đó sao? Có gì phải ngạc nhiên đâu, nếu như Thụy Khuê nhớ rằng rất nhiều sách dịch in ra mấy năm trở lại đây đã được hay bị thực hiện không dựa trên nguyên bản tiếng gốc, mà lại thông qua một bản dịch ngoại ngữ khác. Về điểm này, phải nói rằng dịch giả tác phẩm trúng giải vừa rồi đã tỏ ra hết sức chơn thật: ông có chua rõ ràng xuất xứ nguyên bản không phải là tiếng gốc qua đó ông đã thực hiện công trình của mình.
Vậy mà cái tinh thần lương thiện tối thiểu này cũng không được nhiều dịch giả thường xuyên tôn trọng. Sơ suất chăng? hay để đánh lận con đen? Lấy thí dụ tuyển tập nhà văn Tiệp viết tiếng Đức nọ mới vừa phát hành, Thụy Khuê cứ nhẩm đếm thử coi: trong số 17 nhan sách in ra, có tới những 12 tác phẩm độc giả không biết đã được dịch dựa trên nguyên bản nào, qua thứ ngôn ngữ nào, chỉ 5 tác phẩm còn lại mới có chua xuất xứ rành rọt các nguyên bản nhiều thứ tiếng... không phải là tiếng gốc. Đã như vậy, thì tất nhiên là khó bề tự mình lên tiếng phản đối việc choàng hoa một bản dịch thuộc loại trúng giải nói trên. Người ta thường nói dịch làphản. Tôi muốn nhấn mạnh thêm nữa, đã nhiều dịp, trên báo chí ở Sài gòn trước 1975 và ở Hà nội sau này, chứng minh rằng nhiều khi dịch không chỉ là phản, mà còn là diệt nữa. Vậy thì dịch qua một bản dịch rất có cơ phản và diệt gấp bội, ít nhứt là hai lần.
TK: Xin anh một vài thí dụ về những bất cập của việc dịch không trực tiếp từ bản gốc.
TTĐ: Tôi xin đơn cử mỗi một thí dụ điển hình, dính tới một dịch giả đã qua đời, là Nguyễn Giang, để khỏi phải nêu ra nhiều trường hợp tương tợ đã có dịp xét thấy gần đây. Ông chuyên dịch kịch W. Shakespeare, đã cho xuất bản các vở Hâm-liệt, Mặc-biệt, Giấc mộng đêm hè, thời trước thế chiến thứ II.
Trong vở kịch nổi tiếng Hamlet, có câu đối thoại này:There’s fennel for you, and columbines (...), nghĩa là: Bẹ hồi hương đây, xin dâng hoàng tử, cùng với bó hoa lâu đẩu này (...). Hồi hương và lâu đẩu là hai thứ hoa lá tượng trưng nỗi sầu mung lung, buồn phận éo le, vốn là tâm trạng của nhơn vật Ophelia khi nàng thốt lên như vậy với hoàng tử Laertes. Vậy mà Nguyễn Giang đã chuyển câu đó như vầy: Này đây là nhánh thì là cho cậu, với nắm phân chim (...).(Thạch-sĩ-bia, Hâm-liệt, Nguyễn-Giang Editeur, Hà Nội, 1938, tr. 166). Từ thứ bông gọi là columbine đi tới chỗ biến thành nắm phân chim dưới ngòi viết của Nguyễn Giang quả có một khoảng cách rộng hoác. Có điều là dịch như vậy xét ra cũng không sai, mà cũng không đúng. Thụy Khuê thấy có kì không? Thì ra Nguyễn Giang không dựa trên nguyên bản tiếng Anh, mà đã dịch qua một bản tiếng Pháp tầm bậy nào (ông không có chua rõ xuất xứ), cho nên tôi phải đoán chừng là dịch giả Pháp nọ đã sớn sơ sớn sác và chắc cũng vì dốt nên mới chuyển chữ columbine của tiếng Anh thành colombine của tiếng Pháp – về từ dạng, phải nói rằng hai chữ đó gần như giống hệt với nhau. Mà tiếng Pháp colombine quả thật có nghĩa là cứt bồ câu. Thành ra, nếu chúng ta có í trách dịch giả ở chỗ nào chăng, chính là ở chỗ ông đã tỏ ra không mấy tinh tường, bởi vì thật tình mà nói, thì nắm phân chim không ăn nhập chút nào với văn cảnh. Mới hay dịch không chỉ là phản mà thôi, nhứt là khi nó lại thông qua một bản dịch tồi, như trong trường hợp vừa nhắc tới trên.
TK: Anh là một dịch giả nổi tiếng là khó, khó với mình và khó với người. Chỉ cần đọc một vài bài phê bình dịch thuật của anh trước đây in trên báo chí ở Sàigòn, và gần đây, trên mạng lưới điện tử là cũng thấy rõ cái nghiêm ngặt của anh. Thưa anh, tại sao việc dịch cần phải đòi hỏi một kỷ luật nghiêm ngặt như vậy? Và những đức tính đầu tiên của một dịch giả chân chính là gì?
TTĐ: Như Thụy Khuê thấy đó, bắt tay vào việc dịch văn tức là đã tự nguyện dõi theo một con đường rất mực gập gành khó bước, lắm sình lầy, đầy gai góc, nhiều cạm bẫy. Chỉ cần thiếu một chút vốn liếng ngoại ngữ và quốc ngữ, có một trình độ văn hóa nghèo nàn và hiểu biết nông cạn, cộng thêm một tinh thần thận trọng hạn chế, cùng với một thái độ miệt thị độc giả và khinh rẻ giới phê bình, cầm bằng rằng họ thảy đều thấp kém hơn ta - thì cứ i như là dịch giả phải sa lầy, mắc bẫy, sướt mình. Lại nữa, người dịch còn phải biết tỏ ra hết sức khiêm tốn. Khiêm tốn từ đầu cho tới cuối, bởi vì dịch giả chơn chánh là kẻ lúc nào cũng phải cố công đạt tới mức nhuần nhuyễn, nhuần nhuyễn ở chỗ xóa tiệt được bóng dáng của mình không cho nó lấp ló giữa những dòng chữ hay cạnh mé câu văn. Nói cách khác, nếu như bản văn dịch có mang dấu ấn nào chăng, thì nhứt định đó phải là dấu ấn củatác giả, chớ không là của người dịch. Ai đó, nhà văn Gabriel García Márquez thì phải, có lần đã đồng hóa dịch giả với loài khỉ, biết nhái i hệt mọi cử động đối tượng của mình.
Bấy nhiêu đòi hỏi đè nặng trên vai như vậy, nên chi có rất nhiều người dịch vì cớ này cớ nọ đã chẳng ngại dịch liều, dịch ẩu, dịch lấy có.... Khiến cho người đọc cứ bị hoa mắt trước mớ sách dịch cẩu thả và kém cỏi, nhan nhản trước kia ở Sài gòn và sau này ở Hà nội và trong cả nước. Một tình trạng mà những ai quan tâm tới văn học nói chung và văn học dịch nói riêng, nghĩa là văn học thế giới, thảy đều lấy làm buồn và e ngại cho tiến trình hội nhập vào cộng đồng văn hóa thế giới.
TK: Cuối cùng thì: "vì đâu mà nên nỗi", tức là kết quả tình trạng dịch hiện nay ở Việt nam là do lỗi ở ai?
TTĐ: Suy cho cùng, thì chúng ta không có quyền đổ lỗi một mình cho hạng dịch giả thấp kém và bất cẩn mà thôi. Vì sao ư ? Vì rằng chúng ta, chị và tôi, tôi và anh, thảy đều gánh một phần trách nhiệm không nhỏ trong việc dẫn tới tình trạng đáng buồn này. Chúng ta đã không biết tự mình nhận lãnh và làm tròn cái sứ mạng đương nhiên của nhà phê bình chơn chánh, chúng ta tránh đụng chạm, chúng ta sợ nói thẳng, chúng ta chỉ biết bốc chớ không dám chê nhứt là khi bàn tới bạn bè.
Giá như chúng ta không thờ ơ, giá như chúng ta không giả dối, giá như chúng ta không sợ vạ lây, giá như chúng ta không phản bội sứ mạng đích thật của nhà phê bình chơn chánh, giá như chúng ta thật tình nuôi chí hướng dẫn ngưới đọc, giá như chúng ta ngay thẳng bình phẩm một cách đứng đắn, nghiêm túc, chánh xác... Bởi vì giá như chúng ta thường xuyên làm tròn sứ mạng của phê bình, thì, nói riêng về mảng dịch thuật, chắc đã không thể có mặt trên thị trường chữ nghĩa xứ này loại sách dịch tầm phào và sai bét, để khỏi còn dịp than phiền như hiện nay.
TK: Xin cảm ơn dịch giả Trần Thiện-Đạo.
THỤY KHUÊ thực hiện
0 comments:
Post a Comment