Chủ Nhật, ngày 06 tháng 7 năm 2014
CHUYỆN XƯA - NAY MỚI NÓI - KỲ 18 : Bao giờ Việt Nam có tác phẩm lớn ?
nhà văn Nhật Tuấn
Bao giờ nhà văn Việt Nam có tác phẩm lớn ?
Đó là câu hỏi "xa xỉ" và phi thực tế ?
Bởi lẽ hiện nay các nhà văn chưa thực sự viết văn, họ đang viết một thứ văn chương tầm phào, nhàn nhạt tránh xa những đòi hỏi bức bách của đời sống. Công lý bị vùi dập. Cái ác đang tràn lan và đè bẹp cái thiện . Sự giả dối, nguỵ ngôn đang chiếm lĩnh các diễn đàn chính thống, những tiếng nói thực, những chân lý hiển nhiên bị xua đi như những "con chó dại " bị đuổi khỏi nhà. Những tội phạm cả xã hội lên án như tham nhũng ở VINASHIN, VINALINE, những tên quan tham “hạ cánh an toàn” mới móc túi xây biệt thự, sắm xe hơi... đều được bênh che một cách trắng trợn, bất chấp dư luận. Tham nhũng khắp nơi nơi. Tất cả những nhức nhối đó không hề thấy nhà văn nào lên tiếng trên báo Văn Nghệ, tạp chí Nhà văn - cơ quan ngôn luận chính thức của Hội nhà văn Việt Nam và hàng trăm tờ báo của các Hội địa phương.
Không một tác phẩm văn học nào dám đi đến tận cũng của tội ác để vạch mặt chỉ tên thủ phạm đích thực. Phần lớn các nhà văn viết chuyện "phòng the", chuyện "não tình", chuyện quá khứ được nhìn qua cặp kính "made in chủ nghĩa xã hội " chẳng khác gì nền kinh tế thị trường kéo theo cái đuôi "định hướng XHCN". Trong khi đó, bất kỳ thời đại nào, tác phẩm văn học lớn vẫn phải mang được những tiếng rên xiết, những tiếng khóc thầm và những khát khao cháy bỏng của thời đại.
Bởi vậy đòi hỏi nhà văn Việt Nam có tác phẩm lớn là chuyện hoang tưởng. Càng hoang tưởng hơn nữa khi các nhà văn bây giờ liệu họ có đang...viết văn ?
Lại một câu hỏi xem ra có vẻ...ngớ ngẩn. Hoạ mi thì phải hót, nhà văn thì phải viết, ấy thế mà mới đây trên VietNamnet, Thụ Nhân đã phải đặt câu hỏi :
" Nhà văn có đang viết văn?"
Nhà văn trẻ Nguyễn Danh Lam "mắc" làm báo để kiếm sống, văn chương chỉ là lúc "hở ra" trả lời :
"Để sống, tôi làm báo. Công việc “để sống” này thật cực nhọc. Mất thời gian vô cùng! Nhưng tôi luôn luôn có vài ba “tứ” truyện trong đầu. Hở ra vài giờ là viết ngay. Tôi tranh thủ thời gian ghê gớm lắm. Nhưng tôi nghĩ mình chẳng là thánh tướng gì, sống thì phải có nghĩa vụ hoàn tất mọi thứ công việc liên quan, đôi khi là những thứ công việc hài hước, quái gở nhất".
Thuận – Tặng thưởng Hội nhà văn VN 2006 đang lo viết về...mấy ông Tây chẳng dính dáng gì tới chuyện "trong nhà ngoài ngõ" ở xứ An- nam- mít- toòng :
" Tiểu thuyết tôi đang viết bắt đầu bằng đám tang của Guillaume Dustan - cái tên trụ cột của dòng văn học đồng tính đương đại Pháp. Ngay từ ngày chưa cầm bút, tôi đã bị ám ảnh bởi số phận các nhà văn, nhưng không có đủ niềm tin vào các phương tiện thông tin đại chúng. Một sự tình cờ đã cho tôi gặp rồi trở nên thân thiết với Lisa, mẹ của Guillaume. Về anh ta tôi biết cả một kho chuyện, nhưng phải đợi đến đám tang của Guilllaume, tôi mới được làm quen, mà cũng nhiều phần giả tạo, bàn tay giơ mãi cũng chỉ chạm lớp gỗ áo quan. Hoa hồng, nước mắt, điếu văn, truyền hình… Ông bố từng bỏ rơi gia đình ba mươi năm trước thút thít “Guillaume, cha vẫn nghĩ nếu con không thành nhà văn thì con sẽ là một Che Guevara”. Lisa không khóc, câu đầu tiên nói với tôi: “May quá, tìm được miếng đất ngay cạnh mộ Duras, đúng như nguyện vọng của Guillaume”.
Trần Thu Trang, nổi tiếng vì được các phóng viên VHVN "lăng xê" đang "nhăm nhe" viết...kịch bản phim vốn là mặt hàng đang rất được giá tại các Đài truyền hình quốc gia và đài hàng tỉnh :
" Nói là dự định thì cũng không hẳn nhưng hiện giờ tôi đang “nhăm nhe” học thêm kỹ năng viết kịch bản phim. Sở dĩ tôi muốn vậy vì có rất nhiều bạn đọc nói với tôi, họ muốn được thấy tiểu thuyết của tôi trở thành một câu chuyện trên màn ảnh. Đây cũng là hướng đi tôi xác định từ đầu, viết truyện, sau đó thì tìm cách biến truyện của mình thành phim. Tôi không dám nghĩ đến tôi của 10 năm sau đâu, phụ nữ sợ già, sợ xấu, sợ cũ, ngay cả trong văn cũng không ngoại lệ"
Cô nhà văn này chỉ sợ xấu, sợ già chứ không sợ văn chương của mình bị các cơ quan an ninh văn hoá nhòm ngó bởi lẽ đã có bao giờ cô dám viết ra ngoài những điều " Đảng nghĩ" đâu ( Nói theo kiểu Chế Lan Viên ngày xưa : "nghĩ trong những điều Đảng nghĩ".
Thế mới biết cái độc hại của mấy anh bồi bút ngày xưa còn " di căn" lâu dài đến con cháu đời sau). Với chữ thọ đeo sau lưng, tuy cô đang mài miệt viết văn, nhưng thực chất không phải là tạo ra những tác phẩm văn chương mà chỉ là một trò..."thể dục chữ nghĩa" bởi lẽ cái cô quan tâm trước hết là...chữ nghĩa chứ không phải chuyện "thời thế" :
" Viết văn là công việc với chữ nghĩa. Tôi nghĩ, mình chỉ có một điểm sáng duy nhất là thái độ tôn trọng chữ nghĩa. Tức là, nói hơi sáo mòn một chút, tôi có cái tâm, còn cái tài và cái tầm thì chẳng được bao nhiêu. Nhiều lúc thấy mình thiếu mạnh bạo, thiếu quyết liệt, thiếu bao quát, thiếu đủ thứ, tôi cũng đành đem lời cụ Nguyễn Du ra an ủi rằng "chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài". An ủi vậy rồi lại cố thêm chút vậy.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần, dứt khoát làm "công dân thế giới", không cần quan tâm tới "chuyện xứ sở" vì hiện thực không là cái đinh gì với tác phẩm nên ngồi ở đâu Paris, New York, Bắc Kinh...đều viết được :
" Làm thế nào để thoát khỏi sự rườm rà trong cách nghĩ và viết, đó là điều tôi quan tâm. Tôi không phải là nhà văn hiện thực; hiện thực gần như không có giá trị gì trong tác phẩm của tôi. Trọng tâm của tôi là con người chung chung, không hẳn Việt Nam cũng không hẳn nước ngoài. Hiện thực ở đâu, đối với tôi cũng vậy thôi. "
Rõ rồi , "nhà văn trẻ" chỉ quan tâm tới "cách nghĩ" sao cho khỏi "rườm rà" thôi, còn "nghĩ gì cái gì" là điều không đáng quan tâm. Vậy là bác Đinh Thế Huynh hoàn toàn "yên tâm". Và thực ra văn chương không còn là cái "nghiệp" sinh tử như ngày xưa nữa, nó giống một thứ trò chơi như Nguyễn Ngọc Thuần nói :
" Sự kiên nhẫn và khả năng tập trung cao. Ngày trước tôi có thừa. Nhưng càng ngày tôi càng thiếu dần. Bây giờ, rất tệ, đôi lúc tôi còn phải đấu tranh với mình giữa ba việc: đi chơi, lướt web hay viết văn. Công tâm mà nói, để viết văn, phải có nghị lực lớn lắm".
Tất nhiên nếu không "mang lấy nghiệp vào thân" thì chọn "đi chơi" tốt hơn, t
ội gì "viết văn".
Câu hỏi thứ hai Thụ Nhân đặt ra không kém phần lý thú là :
" Bao giờ văn chương Việt Nam có được tác phẩm lớn?
Hỏi như vậy khác nào hỏi bao giờ có đa nguyên dân chủ. Bởi lẽ chỉ khi nào có đa nguyên dân chủ, nhà văn được giải phóng khỏi nỗi lo "bị vỡ nồi cơm" thì may ra họ mới khỏi vừa viết vừa run để đẻ ra được "tác phẩm lớn". Trả lời thẳng vào câu hỏi e rằng phạm vào chỗ "nhạy cảm" nên các nhà văn nhà thơ trẻ đều...lửng lơ con cá vàng . Nhà thơ Insara chắc ngại không trả lời trực tiếp nên vòng vo nói "sách ":
" Thế nào là tác phẩm lớn? Chúng ta vẫn chưa rốt ráo trả lời câu hỏi đó. Vấn đề nền tảng nhất với nhà văn mọi thời là hắn thường xuyên lưu trú nơi vùng ngoại ô của Quê hương. Nói theo ngôn ngữ của M.Heidegger: cư trú gần bên Nỗi chết. Hoặc quyết liệt như Đức Phật: Vô bố uý. Hay cụ thể và gần gũi hơn - W.Faulkner: nhà văn thoát khỏi mọi nỗi sợ hãi. Chỉ khi đó hắn mới nói đến sáng tạo."
Nhà văn trẻ Nguyễn Danh Lam cũng đưa đẩy ngôn từ cho xa vùng "nhạy cảm" nên đưa ra khái niệm mơ hồ :
" Để có một tác phẩm lớn, ngoài phần ý thức có thể thu xếp được, tôi nghĩ còn một yếu tố không kém phần quan trọng, đó là “vô thức tập thể”. Nó như một thứ cấu hình được cài đặt sẵn tự khi sinh ra trong cỗ máy tính là mỗi nhà văn. Bề dày trầm tích này không phải “đi tắt đón đầu” mà có được. Nó như thể dầu mỏ, phải tích luỹ dài lâu dưới đáy sâu từng vỉa văn hoá. Và cá nhân mỗi người làm nghệ thuật, cùng những yếu tố liên đới, sẽ góp phần bồi đắp qua nhiều thế hệ. "
Cô Nguyễn Thuý Hằng, một cây bút mới ra lò, "tuyên ngôn" nhiều hơn là sáng tác cũng chỉ chung chung :
"Có lẽ ngoài yếu tố tài năng, tính chuyên nghiệp, vv… thì hiện nay nhà văn không cần bỏ quá nhiều năng lượng và sự quan tâm cho giới phê bình. Nghĩa là, một tác phẩm không nhất thiết phải có vài nhà phê bình nào đấy nhắc đến và viết phân tích chỉn chu thì mới được gọi là “tác phẩm lớn”. Thực tế cho thấy nhà phê bình đã không làm nổi công việc ấy. Vì vậy, tác phẩm lớn càng phải hội tụ nhiều yếu tố. "Theo tôi, tính tự quyết và tự khẳng định về giá trị nghệ thuật của mình là một yếu tố quan trọng trong quá trình sáng tác của nhà văn."
Các nhà văn, nhà thơ có tuổi, ý thức trách nhiệm xã hội có vẻ rõ rệt hơn các cây bút mới ra ràng. Hồi mồ ma nhà thơ Phạm Tiến Duật, đã trao đổi với nhà thơ Phạm Đình Ân.
PHẠM ĐÌNH ÂN: Anh đã từng có đóng góp nhiều cho văn học nghệ thuật, thậm chí là thẳng thắn nói lên những yếu kém của văn học nước nhà. Vậy theo anh, cái yếu kém nhất là gì?
PHẠM TIẾN DUẬT: Tôi cho rằng, cái yếu kém nhất trong văn học, nghệ thuật hiện nay là tính ích kỷ. ..Trong đời sống, ích kỷ đã xấu rồi, trong văn học, nghệ thuật giặc ích kỷ còn rất tai hại. Chuyện đau buồn, tình phụ thì có thể nói thoáng qua trong một vài bài thơ nhưng khi nó trở thành chủ đề cho cả tập thơ thì có ích gì cho ai? Hay theo tôi, tự tô vẽ thương hiệu cho mình cũng là một sự ích kỷ, bởi chắc gì tác phẩm của anh đã hay, đã xứng tầm với cái vỏ bọc mỹ miều của những từ ngữ hoa mỹ (như chương trình “Bài hát Việt” chẳng hạn, có những bài chưa xứng đáng nhưng tự nâng mình lên…). Đời sống còn vô vàn những điều cần quan tâm, xã hội còn có rất nhiều người khổ sở, hà cớ gì mà văn nghệ không quan tâm đến họ?"
Muốn văn học quan tâm tới họ – những người cùng khổ , các nhà văn cần thoát ra khỏi cái bầu vú sữa của đảng và Nhà nước. Chừng nào tự kiếm sống được không cần dựa vào bất kỳ bổng lộc nào của Hội Nhà văn, chừng đó may ra mới có cơ hội viết được tác phẩm lớn.,.
0 comments:
Post a Comment