Ngô nghê, ngô nghê, ta hát ngô nghê..
Ở đời có lắm cái ngô nghê.
Một trong những thứ ngô nghê nhất, theo tôi, do kinh nghiệm bản thân, là đi tin ba cái tin thiệt là nhảm nhí. Thứ nhảm nhí không thể nào nhảm nhí hơn. Vâng, cái tôi đang nói đây là tin nhảm nhí, chứ không phải là tin vịt cồ. Là bởi vì, theo tôi, đi tin những tin vịt cồ, những tin bá láp là còn đỡ ngố hơn là đi tin ba cái tin nhảm nhí.
Tin vịt cồ, tin bá láp, theo tôi, là như thế này, như là một thí dụ: “Ông Đạo Dừa Nguyễn Thành Nam đi lấy vợ, tu trên giường, không tu trên cây dừa nữa.”
Trong khi đó, tin nhảm nhí là đại loại như: “Quân ta đã từ Mỹ về tới... Mỹ Tho rồi, do tướng Ngô Quang Trưởng chỉ huy, súng ống đầy mình; dân theo rầm rập.“ Những tin nhảm nhí như thế có lúc xuất hiện đều chi chỗ tôi “học tập cải tạo”, một “trại cải tạo” tại Tuy Hòa, nơi Lý Tống đã từng trốn đẹp.
Có người tin những tin như thế hay không, cũng như có nhiều hay có ít, nhiều là bao nhiêu, ít là bao nhiêu; rồi người đầu tiên loan truyền những tin như thế là ai, gốc gác có phải là đã nhận chỉ thị nào đó từ phía trại hay từ phía ai khác; vân vân thì đương nhiên là tôi không rõ. Nhưng hầu như chắc một điều là thường thường tin được loan truyền, lại nữa là được loan truyền một cách kín đáo, nghiêm túc, trọng đại, cẩn mật..., như tôi đã từng chứng kiến là tin đã có người... tin, hay bán tín bán nghi, ít ra là cũng có thể phải có trường hợp như thế. Mà đã bán tin bán nghi thì theo tôi cũng đã là ngô nghê một nửa...
Một cách riêng tư hơn, nói về tin nhảm nhí, cách đây không lâu có người phát tán qua điện thư cho tôi tin nói rằng một trong 5 vị tướng tuẫn tiết khi xưa... hiện nay còn sống, mà sống theo kiểu sống chui sống nhủi, tức là tuẫn tiết ba xạo, bên Australia. Thế mới thiệt là vô ý thức và vô cùng xúc phạm! Và đương nhiên là nhảm nhí hết sức!
Nguyên ủy của những sự ngô nghê đó, theo tôi, một phần là do người nghe nhiều hơn là người (đầu tiên) loan truyền hay phát tán.
“Quân ta đã về tới Mỹ Tho”, mà mọi sự nơi tôi “cải tạo”, ở Tuy Hòa, nơi không xa Mỹ Tho là bao, nhất là khi xét về mặt binh biến, mọi sự vẫn bình chân như vại: người ta cả mấy trăm nhân mạng là ít, vẫn sáng ra bị phát cho cái cuốc đi “lao động” như hoàn toàn chẳng có chuyện gì xảy ra...
Rồi ngô nghê do xác tín cũng có, mức độ ngô nghê kiểu này có phần nhẹ hơn:
Có một số người, ít nhiều hay điều gì đã khiến họ một mực xác tín như thế thì tôi lại cũng không rõ nốt, cứ bù lu bù loa mãi cho đến thời gian gần đây và có lẽ hiện vẫn còn đang âm ỉ, rằng là có một số nhạc phẩm, mà tiêu biểu nhất là nhạc phẩm có tên “Kỷ vật cho em”, thơ Linh Phương, nhạc Phạm Duy đã làm tổn hại tinh thần chiến đấu của binh sĩ miền Nam. Những người này tin chắc như đinh đóng cột như thế.
Tôi xin phản bác lại điều đó: (1) một nhạc phẩm “nguy hiểm” nhất định, làm tổn hại tinh thần chiến đấu của binh sĩ, tức là đụng chạm tới an ninh quốc gia giữa thời chiến như thế, sao người ta không cấm phứt nó đi, người ta có quyền mà, và người ta đã từng làm thế, bộ Tổng tham mưu hay Cục Tâm lý chiến bộ người ta đui hết chắc, nên không thấy ra sự độc hại của nhạc phẩm này? (2) Rồi lính, như lính Nhảy dù chẳng hạn, thì có bao nhiêu người nghe nhạc Phạm Duy? Hay chỉ đa phần là Duy Khánh, Trần Thiện Thanh, rồi Hùng Cường, Mai Lệ Huyền, Trung Chỉnh...? (3) Rồi bộ lính nói chung, yếu, ủy mị, “ướt át” lắm sao, hoàn toàn không có một ý thức chiến đấu nào cả, mới có nghe nhạc như thế, mà đã, ngay tức thì hay dần dà, lơi tay súng?
Xác tín một điều vu vơ như thế, nếu không gọi là ngô nghê thì gọi là gì?
Rồi mới vừa đây khi xem bài đối thoại có tựa “Còn nhớ hay đã quên?” của nhà thơ tên tuổi Nguyễn Đăng Thường, tôi thấy ra một sự ngô nghê không kém, lại cũng sự ngô nghê do xác tín, một xác tín văn nghệ. Ông viết như thế này:
Dù muốn dù không, do sự ngẫu nhiên hay do hoàn cảnh xã hội đưa đẩy, Khánh Ly là một hiện tượng, một biểu tượng của một thời kỳ...
Theo tôi, đây là một xác tín quá táo bạo. Mà càng táo bạo thì có lẽ là, theo tôi, càng ngô nghê, xin lỗi ông. Ông tin là Khánh Ly là một hiện tượng, một biểu tượng của một thời kỳ. Mà ông quên hay sơ ý đã không viết rõ mồn một ra để cho cá nhân tôi có thể hiểu rằng: Khánh Ly, nếu cứ cho là một hiện tượng, một biểu tượng của một thời kỳ nào đó đi chăng nữa, thì bà ta cũng CHỈ là một hiện tượng, một biểu tượng của một thời kỳ đó đối với những ai, đối với một số đám đông nào đó (fan hay không fan) trong giới nghe nhạc do bà ta hát (nhạc Trịnh); vậy thôi. Period.
Tôi tin là dù cho có là Giê-su đi chăng nữa thì Ngài cũng chỉ là đấng Tối Cao đối với những người Thiên Chúa Giáo. Còn ngoài ra thiếu gì kẻ không biết đến Ngài.
Như trên tôi có đề cập, lính Nhảy Dù đâu có cần biết tới Phạm Duy mần chi, ngoại trừ có thể là có một số sĩ quan tiêu biểu nào đó như một số sĩ quan võ bị hay được nhắc tới trong các tác phẩm văn chương của Phan Nhật Nam trước kia, thì may ra. Không cần biết tới Phạm Duy thì cũng có thể có nghĩa là không cần biết tới Trịnh Công Sơn, rồi từ đó “Khánh Ly, bà là ai?” thì hu ke? Có phải thế không ạ?
Rồi không nhẽ cả miền Nam lúc đó chỉ biết tìm tới có bấy nhiêu âm nhạc, bấy nhiêu ca sĩ? Hạn hẹp trong lãnh vực nhạc pop thôi, thì như tôi biết thiếu gì người như thế này: họ nghe The Beatles không sướng hơn sao là đi quanh quẩn ba cái ao làng để mà nghe Phạm Duy, Trịnh hay tiếng hát Khánh Ly? Yesterday hayImagine không musically nức lòng nhân loại bằng những thứ như Hạ Trắng, Cát Bụi... Mà nào chỉ có mỗi một mình The Beatles thôi đâu?
Rồi cũng hạn hẹp trong lãnh vực pop thôi, nhưng một cách chuyên môn hơn, hòa âm của nhạc Việt nói chung, hòa âm như thế, nhất là trước kia (trước “giải phóng”) thì làm sao nghe cho sướng tai đây, chưa kể là còn quá thấp kém để đem so với hòa âm Âu Mỹ? Không nhẽ nghe nhạc là chỉ cần nghe giai điệu không thôi, không cần nghe nhạc đệm (hòa âm) chi cả? Thôi, hãy cứ cho những kẻ này là “vong bản”, hay “sính ngoại”, hay "vô cảm", nhưng ít ra là họ biết nghe nhạc theo tính cách thế nào mới là appreciate music một cách đúng đắn, bài bản, đầy đủ và tinh túy nhất...
Rồi cũng hạn hẹp trong pop không thôi, nói về giọng ca, một khi người ta đã biết appreciate giọng ca của Janis Joplin thì ai hơi đâu tối ngày chỉ lảng vảng bên Khánh Ly cùng thời. Cũng như người ta đã quen đi xe Mẹc thì thật là khổ sở khi phải leo lên chiếc Ladalat. Hãy cứ cho những kẻ này là “vong bản”, hay “sính ngoại”, hay “diêm dúa”, hay ngay cả "chảnh" đi nữa, nhưng ít ra họ hiểu thế nào là giá trị không bờ bến, không biên cương, và ngay cả không ngôn ngữ của một giọng ca. Chưa kể, âm nhạc tức là không biên giới mà lị! Hơi đâu quẩn quanh trong ba cái ao làng. Xin được lập lại như thế.
Do đó, đối với những kẻ này, Khánh Ly chẳng là cái ding cái doong gì cả. Thế thì làm sao mà đăng quang bà ta lên hàng hiện tượng hay biểu tượng này nọ mà không nói rõ ra mồn một ra, tối thiểu như tôi vừa nêu thì coi sao được!
Ngô nghê, ngô nghê ta hát ngô nghê...
Cái quần rộng rinh mà rộng rang...
0 comments:
Post a Comment