CHỊ CỦA BỐ
Những dòng chữ này hiện lên chẳng dễ dàng chút nào. Nó sẽ truyền tải cả nỗi lòng tôi với một người chị của bố tôi, không chỉ là những kỷ niệm, là một ký ức, mà chính xác hơn nó là một nỗi đau khắc khoải bao nhiêu lâu rồi tôi dấu kín trong tôi.
Nhưng sao hôm nay tôi lại viết ra?
Có bao giờ bạn tự hỏi ở đâu ra những giọt nước mùa Xuân trong vắt long lanh trên những cánh hồng nhung tháng Tư- mà người ta hay gọi là Hoa Hồng Phục sinh? Đấy là nước mắt của mùa ĐÔNG, từng chảy âm thầm dọc những thân cây trơ trụi, cành khẳng khiu không một chiếc lá, những bộ xương mùa đông run rẩy đợi nắng ấm cùng chim hót gọi Xuân sang.
Nhiều năm đã trôi qua, không phải để tôi biết quên những nỗi đau của kỷ niệm, mà để tôi tự luyện mình, nâng mình lên một tầng cảm xúc nào đó cao hơn của nỗi thao thức người, để một ngày nhìn lại mừng tủi thấy những giọt sương long lanh của mùa Xuân chính là nước mắt từng chảy dài của mùa Đông.
Thế đấy…
Bố tôi là con út trong một gia đình nhà nho nghèo xứ Nam Định xưa. Ông nội tôi là thày đồ dạy chữ, nhưng cả bốn đứa con, ba cô con gái và một cậu con trai duy nhất đều theo học trường Pháp ngữ. Có lẽ vì thời thế. Không biết được.
Chiến tranh cùng với những cuộc chia ly khiến bao nhiêu thế hệ trong gia đình Việt nam không có lúc nào kể lể nổi với nhau về những điều đã xảy ra với chính các thành viên gia đình mình. Chỉ còn những mẩu hồi ức chắp vá, ngẫu nhiên lộ diện do một vài sự kiện nào đó.
Chúng tôi, những đứa con của bố lúc đó chỉ biết rằng, nhà mình có một cô, em bố đã mất, và hai bà bác đều đang sống ở những xứ xa xôi. Bà bác đầu, chị lớn nhất của bố theo chồng đi mộ phu Tân Đảo, nghĩa là hiện giờ đang sống ở Thái Lan. Bà bác thứ hai, như bố kể đẹp nhất và giỏi nhất, trước năm 1975 sống ở Sài gòn, một”xứ sở” ngay cạnh nhà mình nhưng lại rất xa vì chẳng bao giờ có thể „vào đấy” được. Sau chiến tranh, có thể vào Sài gòn thì bác lại theo chồng, một người Pháp, về quê chồng, Pari. Và thế là bố tôi và những người chị của mình vẫn tiếp tục xa nhau như hồi còn chiến tranh.
Trong gia đình, chỉ tôi có khả năng gặp bác tôi cùng con gái và các cháu đang sống ở đất Pháp. Nhưng…ai có thể học chữ ngờ? Những kỷ niệm về những lần sang Pháp gặp bác cùng con cháu là những giọt nước mắt chảy ngược vào trong, để tôi giữ kín, không muốn kể cho những người thân nơi quê nhà biết.
Có lẽ bản tính tôi như vậy, trần thế chỉ là nơi tôi sống để nhấm nháp những nỗi đau chứng kiến và suy ngẫm, để hiểu ra một cái gì đấy mà mình chưa hiểu. Giới hạn của nó ở đâu? có lẽ không có giới hạn, bởi hiểu ra rồi chỉ để lại suy ngẫm và hiểu ra tiếp những điều khác. Để làm gì? Tôi - Chưa - Biết.
Đúng thế, vì sự chưa biết này, trước hết, tôi muốn kể…
Ấn tượng lần đầu tiên đặt chân đến nước Pháp không mấy đẹp đẽ. Xe buýt chạy suốt đêm, khoảng 6 giờ sáng vào đến Paris. Nghe tiếng ồ lên cùng loạt, rồi sau đó có tiếng cười khúc khích trong xe, tôi vội vàng ngó đôi mắt nửa nhắm nửa mở ra cửa kính: cạnh một bức tường dài bên đường, lố nhố những người đàn ông úp mặt vào trong, đang…giữ khuy quần, nói một cách văn vẻ „ như lũ đợi bị xử bắn”. Cảm giác kinh ngạc về Paris nhiều lần lặp lại trong chuyến đi đầu tiên đến đất Pháp của tôi.
Bác tôi ở trong một khu tập thể xây hình chữ U, ở giữa là một cái sân chung, người ta giăng lên đấy một tấm lưới dúm dó, sau này bác tôi bảo: để hứng tất cả những gì từ các tầng trên liệng xuống, để đừng rơi vào đầu người qua lại.
Tôi ngạc nhiên lắm-đất nước của Stendhal - thần tượng duy nhất trong văn học Pháp của tôi?
Tôi nhớ, khi cửa phòng mở ra tôi hơi nghẹn ngào khi nhìn thấy bà bác mình đã từng gặp cách đây nhiều năm trước ở Hà nội. Đấy là lần duy nhất bác về quê nhà sau chiến tranh để thăm bố tôi, sau bốn mươi tám năm hai chị em mới gặp và ở cùng nhau một tháng. Lúc đó bác tôi đã hơn tám chục tuổi còn bố tôi hơn bảy mươi, lúc đó bác tôi vẫn khỏe dù đôi chân yếu. Còn bây giờ, bác tôi đã phải ngồi xe lăn.
Tôi nhớ, tôi chưa kịp nói gì đã thấy bác cười, tôi tưởng nhìn thấy bố mình, vì hai chị em vô cùng giống nhau, vừa cười xong, bác đã bật khóc, không cần đợi tôi kể về đám tang của bố tôi. Rồi hai bác cháu dụi vào nhau rơi nước mắt. Đúng lúc đó, chị họ của tôi từ phòng trong bước ra. Tôi chưa bao giờ gặp người chị họ này, nhưng được nghe kể nhiều về chị, một người đàn bà giỏi giang, học trường Pháp từ bé, lớn lên đi làm việc, rồi buôn bán với người Pháp, người Mỹ ở Sài gòn. Sau chiến tranh, chị „rút” nhiều của cải trong cái gia tài „hoành tráng” của mình để „đút lót” và đưa được toàn bộ gia đình, năm đứa con cùng ông chồng sang Pháp, lúc đó mẹ chị, bác tôi, sau một cuộc du lịch châu Âu ngẫu nhiên xảy ra trước sự kiện 1975, đã ở Paris. Tôi còn được nghe mẹ kể, bố tôi đặc biệt không ưa người chị họ này, vì nhiều lý do nhưng tôi không nhớ, vì lúc đó quả thực tôi nghe với cái tai lơ đễnh.
Chị họ tôi bước ra, nhìn tôi chằm chằm, sau này chị bảo: chị muốn xem người sống ở xứ Cộng sản nó ra sao? May cho chị, tôi luôn luôn là một đứa lơ đễnh với tất cả môi trường xung quanh, tôi chỉ quan tâm đến những gì đang „lộn nhào” trong đầu mình. Tôi chào chị xong, quay lại bác tôi và lập tức hỏi về những điều tôi đang muốn biết nhất. Tôi muốn biết về ông bà nội của tôi, về bố tôi khi còn nhỏ, về những anh chị em của bố. Tôi mở cặp, lấy giấy ra, ngồi ngay dưới chân bác tôi và ghi chép. Bác tôi nói rất nhiều. Người chị họ đứng sững một chỗ chằm chằm nhìn chúng tôi. Rồi tôi bất chợt buông bút, khi chợt nhận ra bác tôi đang nói lộn xộn, điều trước”mắng” điều sau không thương tiếc, bác tôi đã bắt đầu nhầm lẫn chăng?…
Thấy vậy, chị họ tôi như chợt tỉnh, chị lôi tôi vào phòng, vừa thương hại vừa thông cảm, chị bảo tôi: đấy, bác có nhớ gì đâu, em đừng hỏi nữa, rồi chị nói cho em biết sau, bây giờ…
Chị đang định sắp đặt chương trình thì chuông cửa reo, chị ra mở. Một thanh niên người Pháp bước vào, té ra đây là con của một người bạn của bác tôi, thường hay đến giúp bác tôi, vì bác tôi sống một mình ở Paris, chị họ tôi cùng cả gia đình sống ở một thành phố miền Nam nước Pháp. Nghe tin tôi đến Paris thăm bác, chị mới đến để gặp tôi.
Họ nói gì với nhau bằng tiếng Pháp, rồi chị tôi hét tướng lên, rồi cửa mở, chàng kia bước vội ra, rồi cửa sập, và chị họ tôi quay lại, bảo tôi: thằng này nó đến để bòn tiền của má chị chứ giúp gì đâu, đấy….-chị kể lể. Nghe vậy, bác tôi lên tiếng, hai người bắt đầu nói tiếng Pháp với nhau. Tôi bèn bảo chị tôi muốn xuống phố dạo chơi vài phút, rồi tôi sẽ lên ngay.
Lúc đó, trời mới bắt đầu xuân, vẫn se se lạnh. Tôi bước chậm rãi trên phố, nhận ra những nắp cống quen thuộc ở mỗi đầu đường hoặc cuối đường, như ở Hà nội. Và những khu vườn be bé được khoanh lại bằng hàng rào ở nhiều góc phố chợt làm ký ức tuổi thơ Hà nội của tôi thức tỉnh. Phải rồi, hồi tôi còn bé xíu, Hà nội cũng đã từng có những hình ảnh này. Nhớ luôn đến mấy cuốn từ điển hoặc bách khoa toàn thư gì đó của bố bằng tiếng Pháp, với rất nhiều kích thước khác nhau, mở ra có thể ngắm không bao giờ chán mọi hình ảnh bên cạnh những dòng chữ bé ti, trên những trang giấy bóng mực, mỏng đến kỳ lạ và dai đến kỳ lạ…
Đi ngang một cửa hàng, tôi tò mò nhìn vào trong, đây là một cửa hàng thịt, người ta vừa đặt một con gà luộc trên chiếc khay lên quầy kính, bên trái bán thịt đã nấu chín, bên phải bán thịt sống. Đúng lúc tôi liếc vào trong, một người khách bước vào. Tấm lưng ông ta che khuất nên tôi không biết ông ta làm gì, chỉ nghe thấy một tiếng hét thất thanh, một tràng (chửi rủa- chắc thế) rồi một bà bán hàng chạy ra, đấm thùm thụp vào người đàn ông, lúc này đã quay ra cửa, trong tay cầm con gà luộc, ngoạm lấy ngoạm để, mặc kệ (lúc này) đã thêm một bà bán hàng khác cũng chạy ra, cùng bà kia vừa đấm vừa chửi tiếp.
Tôi vội nép sang một bên nhường đường cho người đàn ông vô gia cư, lúc này đã nhìn rõ ông ta là như thế, cảm thấy tắc thở vì sửng sốt trước cảnh tượng bất ngờ. Ôi Paris, ôi nước Pháp, ngày đầu tiên ở xứ sở của những Vitor Hugo, Maupassant nghe quá nhiều tiếng hét và xem những cảnh tượng kinh ngạc.
Khi tôi quay về, chị họ tôi bảo, hôm nay chị sẽ đưa tôi đi xem Paris một chút, đợi con trai chị lên đón, chiều tối mọi người sẽ đưa bác tôi và tôi về thành phố phía nam nước Pháp, nơi gia đình chị đang sống.
Dạo chơi Paris với một người than phiền nhiều hơn là vui sướng, một kiểu người, như thời sinh viên chúng tôi hay gọi: ” tất cả quy ra thóc”- quả thật chả sung sướng gì. Nhưng tôi là một đứa nhẫn nại, tôi có thể bình thản chịu đựng tất cả những gì xảy ra với mình bằng đôi tai lơ đễnh vốn có, nghe, nhưng không hiểu gì hết. Và tôi bắt đầu lờ mờ hiểu tại sao bố tôi không ưa thích người chị họ này, khi họ gặp nhau sau chiến tranh.
Chiều, chúng tôi quay về thành phố gia đình chị họ tôi ở. Các con chị đều đã lớn, đầy đủ công ăn việc làm, đứa nào ở nhà đứa nấy, chỉ còn chị và chồng chị, một người đàn ông thấp bé hay cười hiền lành, sống trong một căn nhà vườn lớn. Chị bảo bác tôi không bao giờ thích sống cùng chị, sau khi chồng bác, một người Pháp, không phải là bố chị họ tôi, mất, bác nhất định vẫn sống một mình ở Paris. Nhân dịp này, nhờ có tôi sang thăm, chị mới” bứt” được bác ra khỏi sự khăng khăng ấy.
Kỷ niệm về những ngày ngắn ngủi sống bên cạnh bác tôi trong căn nhà của người chị họ, nhiều khi tôi không muốn nhớ đến nữa. Tôi không muốn gợi lại cho mình cảm giác xót xa khi nghĩ đến hình ảnh bác tôi, người đàn bà già có khuôn mặt đẹp với những đường nét quý phái, rất hiểu biết, rất thông minh, ngồi xe lăn chỉ vì đôi chân già yếu, nhưng cái đầu vẫn tỉnh táo, hài hước, dù đôi khi tuổi già làm bác nhớ nhầm cái nọ sang cái kia.
Đặc biệt, bác thuộc rất nhiều thơ, bởi vì bác cũng là người làm thơ. Khi bác về Hà nội thăm bố tôi lần duy nhất, sau bốn mươi tám năm hai chị em từng kẻ Bắc người Nam, mới gặp nhau, bác ở nhà với bố mẹ tôi một tháng. Tôi nhớ sáng nào bố tôi cũng dậy thật sớm, quần áo chỉnh tề, pha trà sẵn, đợi chị mình „làm xong mọi thủ tục” để sau đó hai chị em bắt đầu bình thơ của nhau, nói chuyện văn thơ với nhau ríu rít mãi không dứt, những buổi”tinh thần lên tiếng” ấy mẹ tôi không bao giờ tham dự, còn tôi, đã quan sát bác và bố mình rất nhiều, rất lâu với tất cả lòng ngưỡng mộ và trìu mến.
Trong những ngày ở nhà người chị họ với bác, tôi thỉnh thoảng nhận ra những đám mây đen của năm tháng đã trôi qua cùng nhau của họ xuất hiện, thoảng qua trong một câu nói, một lời trách, hay một than vãn chung chung giữa các câu chuyện. Tôi bắt đầu hiểu những rạn nứt vô hình giữa những người thân với nhau thật tinh vi và nhỏ bé, như những vệt rạn chân chim lờ mờ trên những bức tường nhìn xa xa thật vững chãi và bình yên.
Vài năm qua đi, chị họ tôi viết thư bảo tôi sang Pháp vì bác tôi chắc không qua khỏi, đang nặng lắm, em sang ngay…
Chị họ tôi đưa tôi đến một nhà dưỡng lão nằm dưới chân một dãy núi. Vừa lái xe chị vừa giải thích cho tôi nghe con đường tất yếu từ nhà chị dẫn đến nhà dưỡng lão của bác tôi ra sao. Đôi tai tôi đột nhiên lại trở nên lơ đễnh một cách tự thân, nó nghe nhưng không hiểu gì hết.
Chúng tôi lên tháng máy, rồi bước vào một căn phòng trắng muốt có hai cái giường, một giường trống (người ta vừa chuyển một cụ đã mất đi – chị bảo) và giường kia, bên cửa sổ, là của bác tôi. Ngập căn phòng là tiếng mõ gõ cùng tiếng tụng kinh phát ra từ một cái cassett nhỏ để trên bàn đầu giường. Trên giường, tôi xót xa nhìn một bộ xương phủ chăn kín thì đúng hơn là một người, hai mắt nhắm nghiền, nét khắc khổ hằn trên khóe môi mỉm chặt.
Tôi thấy buốt lạnh trong ngực. Tôi không nhận ra bác tôi. Nhưng phía chân giường, trên tường, là ảnh bố tôi và bác đứng ở hiên một ngôi chùa Hà nội, cả hai nắm chặt tay nhau, cười rạng rỡ. Cái giây phút tinh thần văn chương hạnh phúc của hai chị em!
Tôi đến bên bàn, tắt băng cassett, nắm tay bác, bàn tay lạnh ngắt, tôi nói điều gì đó với bác, bác tôi mắt vẫn nhắm nghiền, bất động. Tôi bảo chị họ tôi thu xếp thế nào đó để tôi được ở lại trong căn phòng này với bác. Chị họ tôi hơi ngạc nhiên, nhưng cũng làm như tôi muốn. Người ta mang chăn đệm để lên chiếc giường trống và dọn dẹp. Tôi cùng chị họ bước ra ban công, nhìn xuống dưới vườn. Một thiên đường yên tĩnh và sạch sẽ, cả khu nhà này, khu vườn tràn ngập hoa và dãy núi uốn lượn mờ ảo xa xa…
Chị họ tôi giải thích: em biết đấy má chị và chồng chị không ưa nhau. Ngày xưa má chị cấm anh ấy lấy chị, chê anh ấy. Em biết đấy, má chị không giống người ta…em biết đấy…
Té ra chị đã đưa bác tôi vào nhà dưỡng lão sau khi tôi về không lâu. Nhưng tại sao bất ngờ bác lại ốm nặng thế? Mới đây chị viết cho em là bác vẫn khỏe cơ mà?- Tôi gặng hỏi. Mãi, chị tôi mới nói: vì chị muốn về VN nửa năm, chị cần phải về vì chuyện nhà cửa, chị nói với má chị, thế là bả bắt đầu nằm, không chịu ăn uống.
Chiều hôm đó, còn lại một mình trong phòng với bác, tôi vừa nói chuyện vừa bắt đầu xoa bóp chân tay bác tôi, để bàn tay bàn chân bác bắt đầu nóng lên, tôi lật cho bác nằm nghiêng người, chặn gối để bác tôi duỗi chân. Tại sao tôi lại làm thế? vì khi quan sát hai người hộ lý buổi trưa vào thay vải trải giường cho bác, tôi thấy họ làm rất nhanh, phối hợp rất nhịp nhàng nâng lên hạ xuống, đưa vào giường đặt xuống giường một người nằm xiên xiên, chân nọ xéo lên chân kia, làm sao có thể nằm lâu như thế nổi? Lủng lẳng sát đầu giường là một sợi dây để người nằm có thể tự mình đu ngồi dậy. Ngắm sợi dây, tôi đột nhiên thấy chua xót.
Đêm hôm đó, tôi không muốn ngủ, tôi thì thầm chuyện trò với bác, bóp chân bóp tay, lật người bác sang phải sang trái, lấy khăn lau mặt bác bằng nước ấm. Gần sáng, tôi mới thiếp đi một chút, rồi bừng tỉnh, tôi chạy ngay sang giường xem bác tôi ra sao. Thật không ngờ, điều kỳ diệu đã đến: tôi không tin ở mắt mình khi thấy bác tôi mở mắt, nhìn tôi và mỉm cười.
Tôi nhớ tôi đã định gặng hỏi khi chị họ tôi vừa đến, rằng bác đã không dậy mấy ngày rồi? nhưng khi nhìn thấy chị, tôi biết không quan trọng bất kỳ câu hỏi nào, tôi sẽ lại lơ đễnh, lại tự nhiên không hiểu cho mà xem. Bởi vậy, cho đến tận khi ra về, tôi không hề hỏi chị thêm điều gì nữa.
Chị mang theo mấy đứa con đến thăm bà. Tôi đã đỡ bác tôi ngồi lên, dựa người vào những chiếc gối to tôi đặt sau lưng, khuôn mặt chỉ toàn xương hốc hác của bác dịu lại bởi nụ cười móm mém. Thay quần áo xong quay lại, mọi người đã cho bác tôi đã ăn gần hết quả chuối, bác tôi giơ tay ra hiệu muốn được gội đầu, tắm. Tôi không bao giờ nghe thấy giọng nói của bác nữa, tại sao bác mất giọng và từ bao giờ? tôi cũng không hỏi chị họ tôi nữa.
Trước bữa trưa, bác tôi đã tóc sạch người gọn trong bộ quần áo mới, ngồi lọt thỏm trong chiếc ghế lăn phủ kín chăn, được đẩy ra ngoài hành lang, ngồi giữa tôi, chị họ tôi và mấy đứa cháu của bác. Bác đưa cặp mắt vui vẻ, miệng cười tươi tỉnh nhìn hết người này sang người kia, không còn chút dấu vết gì của cái hình người bất động mắt nhắm nghiền nằm trong giường hôm qua. Rồi những đứa cháu ra về, bác chỉ tay ra hiệu, tôi hiểu là bác muốn ra vườn. Chị họ tôi ngần ngại, rồi cũng mang áo khoác của bác đến. Chúng tôi phủ kín chăn, áo, khăn lên người bác, xuống thang máy, đẩy xe ra vườn.
Bác tôi giơ tay ra hiệu đến một chỗ, chắc một nơi quen thuộc đối với bác, để xe dừng lại. Tôi đứng cạnh chiếc xe lăn, nhìn thẳng về phía trước, chợt hiểu tại sao bác tôi ra hiệu muốn đến đây: phía trước là dãy núi đẹp tuyệt trần, mây mù vương vất bay trên đỉnh, trên triền núi xanh ngắt một màu ẩn hiện thấp thoáng dưới làn voan mây trắng. Ôi, thiên đường, thiên đường của những nỗi nhớ và những nỗi đau…
Bác tôi cứ ngồi bất động trân trân nhìn về núi như thế, tôi đứng bên cạnh, cũng trân trân lặng im, rất lâu, mặc những lời giục giã sốt ruột của chị họ tôi. Chị họ tôi lúc nào cũng nói rất nhiều, về đủ mọi chuyện, phần lớn là những lời than vãn hoặc bực bội, không vừa ý về một cái gì đó, tôi không bao giờ hiểu đấy là những điều gì vì quả thực tôi không hề chú ý.
Không phải tận lúc đó tôi mới”kỳ lạ” như vậy: bên ngoài vẫn sinh hoạt, sống như tất cả mọi người, nhưng bên trong thực ra tôi không hề để ý đến điều gì hết. Có những nỗi đau âm ỉ, những nỗi buồn quằn quại vô hình bên trong choáng ngợp hết tâm trí tôi, dẫn dắt mọi suy nghĩ xúc cảm của tôi đi vào những con đường cũng …vô hình, vì chẳng bao giờ tôi thổ lộ hoặc viết chúng ra. Tôi cứ sống vừa câm lặng vừa hoạt động một cách hết vô thức như thế trong rất nhiều năm, ngày mỗi trầm trọng hơn, sự kỳ lạ đó.
Hoàng hôn bắt đầu xuống, chị tôi không chịu được nữa, dứt khoát đẩy xe quay về. Tôi cúi xuống vỗ về, giải thích với bác, dù ám ảnh bởi ánh mắt nhìn về phía dãy núi của bác tôi, một ánh mắt nhìn buồn bã và trân trân lặng ngắt.
Chị họ tôi vội vã ra về, còn lại tôi và bác, nhưng bác nhất định không chịu nằm vào giường, bác chỉ tay lên trần nhà ra hiệu. Sau rất nhiều loay hoay, tôi mới hiểu được các cử chỉ ra hiệu của bác. Té ra, trên tầng cao nhất của khu dưỡng lão, còn một cái phòng nhỏ, một ông già người Việt sống ở trên đó.
Theo thang máy tôi đẩy xe bác lên tầng tận cùng, gõ cửa căn phòng duy nhất ở đó. Một ông già trông còn khỏe mạnh ra mở cửa, mừng rỡ nhìn thấy bác tôi và tôi. Trong phòng đồ đạc bầy biện đủ mọi tiện nghi, như trong một ngôi nhà bình thường, chứ không phải như các phòng gác dưới. Ông già lấy nước trà đường nóng cho chúng tôi uống, rồi lập tức mở tủ, tìm kiếm và lôi ra một đống băng video ca nhạc đặt vào lòng bác tôi. Nụ cười tươi tỉnh lại xuất hiện trên khuôn mắt xương xẩu của bác, khiến tôi hiểu ngay, những thói quen tiêu khiển thời gian của hai người già này khi gặp nhau là gì.
Bác tôi run rẩy tìm một băng video, tôi đưa cho ông già, ông mở dàn máy, bấm nút, và khi những câu cải lương đầu tiên cất lên, bác tôi ngồi thẳng người lên từ đống chăn, gối, giơ hai bàn tay gầy võ chỉ còn toàn xương lên, múa. Bác hết quay nhìn màn hình, rồi lại quay sang nhìn tôi, đôi tay khuơ khuơ run rẩy trong không gian, hình ảnh này chỉ sau này mới làm tôi lạnh buốt lồng ngực khi nhớ đến, chứ tôi nhớ lúc đó, tôi vui lắm. Tôi bật cười vì thấy nét trẻ thơ quay lại trong sự vụng về, và tôi vui vì thấy bác tôi vui lắm, bác lắng nghe tiếng hát, tiếng đàn chăm chú, nhìn chằm chằm vào màn hình, không để ý gì đến câu chuyện của tôi với ông chủ nhà.
Té ra thời còn trẻ, ông già này (mà tôi đã quên mất tên) từng đi lính lê dương cho Pháp, sau khi hòa bình lập lại trên miền Bắc VN, ông sang Pháp. Hai người vợ Việt của ông là hai chị em ruột, ông lấy cô em sau khi cô chị mất, rồi sau khi cô em cũng mất nốt, ông bán toàn bộ tài sản nhà cửa xin vào sống ở nhà dưỡng lão. Trong nhà ông vô cùng nhiều đồ đạc, chồng chất lên nhau, có cả tượng Chúa lẫn tượng Phật cùng một chỗ trên một góc thờ, và ảnh hai bà vợ.
Tôi nhớ tối hôm đó quay về phòng, bác tôi vui lắm. Vẫn không nói được lời nào, nhưng bác mỉm cười suốt với tôi, khi tôi lại bóp tay bóp chân, xoa người, lật trái lật phải cho bác nằm. Có lúc tôi lấy cuốn album mang theo mở ra chỉ từng người trong ảnh cho bác xem và nói với bác đấy là ai trong gia đình. Tôi đã rón rén cho cái cassett vào ngăn kéo, chẳng hiểu sao tôi không muốn bác nhìn thấy.
Hôm sau chị họ tôi đến, tôi bảo chị: em muốn chị mang một cái tivi và một đầu xem video vào đây, được không? để cho bác xem vì bác thích lắm.
Tôi hỏi chị: trước khi em đến đây chị nói với má chị bao giờ chị về nước? Chị bảo: ba tháng nữa. Tôi đề nghị: bây giờ chị đi đổi vé máy bay được không? Rồi chị mang đến đây cho bác xem là chị không về nữa, bác sẽ mừng lắm đấy. Chị làm được không? Chị họ tôi im lặng.
Chị đưa tôi về nhà chị một lát. Tôi bắt gặp chồng chị đang đi đi lại lại trong bếp, miệng lẩm bẩm gì đấy bực dọc. Tôi bước vào chào, anh không nghe thấy, anh vẫn tiếp tục đi đi lại lại lẩm bẩm, tôi nghe một câu rơi xuống: lúc đầy đủ họ hàng rồi lại còn không chịu đi…
Bữa sáng hôm sau, tôi đẩy xe đưa bác xuống phòng ăn, phết bơ, mứt, đưa nước trà cho bác uống. Bác tôi rất cố gắng ăn như đáp lại sự ân cần của tôi, tôi đọc được sự cố gắng ấy trong run rẩy, cũng như tôi cũng run rẩy cố gắng che dấu những cảm giác buồn trĩu nặng của mình. Tôi biết rằng mình sẽ không đảo ngược được bất cứ cái gì hết, mọi số phận đã an bài, ai sống với ai trong một kiếp, mối quan hệ nào, với ai, ra sao, dường như đã được ghi sẵn ở đâu đó trong cõi vô hình. Phải chăng?
Chị họ tôi mang một cái tivi và đầu máy xem video đến, cùng nhiều tập băng video. Người ta mang đến một cái bàn, kê sát tường phía chân giường, bác tôi có thể ngồi dựa lưng vào gối để nghe hát và xem múa, đôi tay gầy guộc lại giơ lên múa theo, cùng nụ cười vui sướng nở trên khuôn mặt nhăn nheo xương xẩu…
Sau này, nhận tin bác tôi mất, tôi nhẩm tính thấy bác đã ra đi trước ngày con gái bác bay về quê nhà khoảng chưa đến một tuần.
Một lần về nước, mẹ tôi đưa cho tôi xem tập ảnh chụp đám tang bác tôi bên Pháp mà chị tôi đã mang về. Hoa hồng rải trên nắp quan tài, các nghi lễ nhà chùa… tất cả không thiếu thứ gì, trang trọng, đẹp, lịch sự trong ảnh.
Còn tôi, không bao giờ nói một lời, với bất cứ ai, về những gì tôi đã trải qua trong những ngày ấy.
Tôi vẫn biết, chỉ có những câu chuyện vô hình không kể là đáng kể mà thôi.
Nguyễn Hồng Nhung
( Bp. 2014.04. 17)
nguồn : Ăn mày văn chương (amvc.fr)
0 comments:
Post a Comment