Kênh Tên Miền chuyên cung cấp tên miền đẹp, giá rẻ! Hãy liên hệ kỹ thuật: 0914205579 - Kinh doanh: 0912191357 để được tư vấn, hướng dẫn miễn phí, Cảm ơn quý khách đã ủng hộ trong thời gian qua!
Wednesday, 21 May 2014

Giấc mơ tỉnh thức.
 ( truyệnngắn )





*
Đã hơn chục năm nay, mỗi lần hắn vác cái mặt đến là tôi vừa mừng lại vừa lo.

Mừng vì gặp lại thằng bạn cũ đã nhiều năm sống chết bên nhau. Lo vì lần nào hắn cũng đòi vay tiền. Lúc tôi có tiền thì không sao, nhưng khi mà túi tôi rỗng thì hắn ngồi thần mặt ra, uống trà, chép chép miệng nhìn tôi khinh khỉnh, nửa tin nửa ngờ, rồi thủng thẳng đi ra cửa cũng chả thèm vứt lại một lời chào.


Đời tôi chịu ơn hai nguời cứu mạng. Nguời thứ nhất là Bắc đen, tiểu đội trưởng  ở mặt trận Trị Thiên Huế năm 1968. Nguời thứ hai chính là hắn.

Bắc đen cứu tôi trong một trận đánh. Nói gọn, tôi bị thương nặng, không nhờ anh Bắc lôi ra khỏi cái hàng rào dây thép gai kéo lê hơn 100 mét rồi đẩy tôi xuống hào thì, tôi không chết vì đạn lạc cũng chết vì mất máu.

Người thứ hai chính là hắn. Hắn cứu mạng tôi trong một truờng hợp rất kỳ quặc. Năm 1972, trong một chuyến đi lấy gạo ở trong rừng sâu gần Bù Gia Mập. Lớ vớ thế nào trên đường về, tôi bị một con rắn Hổ mang chúa đớp vào đít. Chỉ mấy phút sau, tôi chóang váng, ngã lăn ra đất, mặt tím ngắt, mồm sùi bọt mép rồi ngất đi. . Nọc rắn hổ mang chúa có thể giết chết cả voi. Vậy mà tôi không chết .Khi hoàn hồn tỉnh dậy thì lại thấy đến lượt hắn nằm quay ra cạnh tôi, co quắp, mặt cũng tím ngắt, mồm sùi đầy bọt mép. Tôi không hiểu chuyện gì xảy ra. Tôi lôi hắn xuống bờ suối gần đấy rồi múc nước dội lên nguời hắn. Hồi lâu hắn tỉnh dậy. Câu đầu tiên hắn văng vào mặt tôi

- E mé mày. Thối thế.

  Nếu ai đi rừng bị rắn độc cắn không có thuốc men gì thì chỉ còn mỗi cách là ghé miệng vào vết rắn cắn mà hút máu ra. Sau lần đi lấy gạo đó, anh em trong tiểu đội gọi hắn là thằng “Bỉm Hổ mang”. Lâu ngày, cái tên Bỉm xấu xí đó mất đi, anh em chỉ quen gọi hắn là “ Hổ mang”.

  Chuyện chỉ có vậy.

  Chỉ trong có hơn một tuần trước và sau chiến dịch tổng tấn công tết Mậu thân 1968 mà, tiểu đội 9 của tôi là tiểu đội hỏa lực tăng cường rất mạnh có tới mười tám  anh em đã  “bay” mất chín thằng. Sau cái tết khốc liệt ấy, tiểu đoàn rút ra tới bờ Bắc sông Bên Hải thì tan tác mỗi thằng mỗi đơn vị. Mấy năm liền sau đó trận mạc liên miên cứ lần lượt theo nhau rơi rụng dần. Thằng bỏ xác ở bên Căm Phu Chía. Thàng chết ở Nam Lào Đường 9. Tính đến hè năm 1975 được giải ngũ trở về nhà, một dịp gặp lại nhau ở trạm 66, điểm mặt thì chỉ còn 5 mống. Thàng nào cũng mặt mũi  võ vàng, môi thâm xì như con đỉa, ốm đau, thương tật. Khốn nạn nhất là cả 5 thàng đều đã ngoài ba mươi cái lá vàng rơi rồi mà chảng nghề nghỗng gì cả. Các cụ ngày xưa nói trai ba mươi tuổi thì đã phải lập nghiệp xong rồi. Vậy mà ... Đeo cái ba lô hành trang cuộc đời như vậy, rời quân ngũ lăn vào đời sống dân sự để kiếm ăn khốn nạn còn hơn kẻ đi buôn chỉ có hai bàn tay trắng không một xu vốn dính túi.

Tháng năm chảy cuồn cuồn như dòng nước lũ. Sang mấy năm đầu thế kỉ 21 này, giad khú cả rồi năm anh em mới lục tục bày ra cái trò tìm kiếm, liên lạc với nhau. Trong cái chuyện này thàng Hổ Mang hăng hái nhất. Một buổi trưa hè nóng như đổ lửa , tôi cởi trần đang ngồi hút thuốc lào vặt ở hiên nhà thì thàng hổ Mang đột ngột hiện ra trước mặt y như vừa đội đất chui lên. Tôi kêu ố một tiếng. Còn nó thì trợn mắt cười khà khà rồi quát :

-  Tiên sư thằng lại cái. Ông tóm được mày rồi.

Chiều hôm đó tôi lôi thằng Hổ Mang lên Nhật Tân làm một chầu đuôi chó , chân chó. Khoái khẩu ngày xửa ngày xưa của nó tôi vẫn nhớ. Tôi hỏi làm sao tìm được  tao thì nó nhún vai :

-  Đao mèo.  Cũng lâu rồi . Đêm mồng bốn tết năm ngoái, tao ngồi ở ga Yên Bái đón hàng, tình cờ vớ được tờ báo gì đó xanh xanh đỏ đỏ  đăng bài thơ tả cảnh nhí nhố véo von bên dưới có cả ảnh, cả tên của mày. Vì vậy mới hay mày vẫn còn sống mà lại trở thành nhà thơ mới bỏ mẹ chứ. Giỏi.

Tôi lắc đầu . Hổ mang cười hô hố:

- Vẫn biết thời buổi chó đánh ghi ta, gà ca vọng cổ này thàng đếch nào mà chẳng làm thơ được. Ê hê, ở cái xóm Đụi vắng vẻ như bãi tha ma của tao mà cũng tòi ra một cái câu lạc bộ thơ con cóc của mấy cụ già móm mém gàn dở 

Rồi Hổ mang thật thà :

- Vậy mà, khốn nạn tao lại tịt ngóm dốt đặc cán mai cán thuổng cái khoản thơ ca hò vè đó.
- Mày chưa thèm động bút thôi.

Tôi nói vậy rồi hỏi nó sao đến tận bây giờ mới tìm tôi thì Hổ Mang lắc đầu.

- Đếch có việc gì mà tìm này cả. Chả là tháng trước mày còn nhớ tiểu đội trưởng Bắc đen không. Thằng Bắc quê Nam Hà ấy. Không hiểu sao nó bỗng mò lên nhà tao. Hai thằng tán phét suốt một đêm rồi nó lệnh cho tao phải tìm lại bằng được mày và thàng Bình vẩu vì nó cũng tìm ra thằng Đang ghẻ rồi . Tiên sư cậu Bắc. Phó thường dân cả như nhau mà cứ ra lệnh ra lọt, oai như con cóc cụ.

    Sau khi tìm lại địa chỉ của nhau,  nhưng cũng chỉ lăng nhăng như vậy thôi. Chưa lần nào tập trung đủ mặt 5 anh em. Nhiều lý do lắm. Nhưng lý do chính vì bây giờ mỗi thằng mỗi cảnh, lại ở quá xa nhau. Bắc đen là ông chủ cửa hàng bán đồ gỗ khá lớn ở một tỉnh ven biển đồng bằng Bắc bộ. Đang ghẻ là trạm trưởng trạm kiểm lâm trong một cánh rừng nguyên sinh có rất nhiều gỗ Trắc sát biên giới Việt Lào thuộc một tỉnh nghèo nhất ở miền Trung gió Lào cát trắng. Bình Vâu chạy manh mối cho một công ty địa ốc mãi tận cuối đồng bằng sông Cửu Long.Trong năm anh em, ba thàng kia còn đang bị đồng tiền nó lôi đi xềnh xệch bận tối ngày chưa ngẩng mặt lên được .Tôi nghỉ một cục từ lâu rồi, lại độc thân. Thàng Bỉm thì gia cảnh nhà nó như vậy. Hai thàng tuy ở hai tỉnh nhưng cách nhau cũng không xa lắm, vì thế thỉnh thoảng cũng hay đi lại.
    
 Trong số anh em cùng tiểu đoàn giải ngũ về, thằng Hổ mang là long đong hơn cả. Hắn bị nhiễm chất độc dioxin, lấy vợ, đẻ ra 2 đứa con đều quái thai dị dạng. Đứa con trai đầu lòng đẻ ra lành lặn đủ chân, đủ tay, nhưng không có lỗ đít. Nuôi được hơn tháng thì chết . Đứa con thứ hai là gái, tôi đặt tên cho cháu là Ngọc Bích. Năm nay cháu Bích đã 13 tuổi rồi, đầu to như cái rổ, mắt mũi méo mó, chân tay mềm oặt, lòng thòng như mấy cái vòi bạch tuộc,  suốt ngày lê lết trên giường.  Vợ hắn mắt một mí, xếch ngược, rất ít nói, khi nói thì ngọng nghịu, lơ lớ, không rõ là người dân tộc gì. Hổ mang chưa bao giờ hé răng kể về vợ, cho nên tôi cũng chẳng hỏi. Gia cảnh nhà hắn éo le, xúi xẻo như vậy. Hắn cũng xoay xở làm đủ mọi nghề, mọi việc, nhưng không hiểu sao vẫn không ngóc đầu lên được.

Cuộc đời thật lỳ lạ.

**
- Tao đang cần một khoản tiền.

Sáng nay Hổ mang xồng xộc mò tận vào nhà tôi. Vừa đặt đít xuống ghế, chẳng trà chẳng thuốc,hắn trợn mắt nói luôn.

- Mày có tiền không ?

- Cần bao nhiêu ?

- Mười triệu.

- Tao chỉ có sáu triệu thôi.

- Sáu triệu cũng được. Tao vay đúng một năm sau sẽ trả đủ.

Tôi đưa cho hắn sáu triệu. Thấy mặt tôi thần ra, hắn nhếch mép cười.

- Yên tâm đi. Lần này tao không quịt đâu. Đúng một năm nữa tao sẽ trả mày. Cả lãi nữa đấy. Lãi hai mươi phân.

Tôi chỉ cười nhạt. Mấy lần trước đến vay tiền tôi. Khi ra khỏi cửa, hắn đều nói đúng một câu như thế.

Hai tháng sau, một ngày nắng đẹp, Hổ mang nhào lên nhà tôi. Vừa bước vào cửa, hắn đã khoác tay, oang oang:

- Mặc quần áo vào. Đi .

- Cà phê à ?

- Phê phéo đếch gì. Cứ theo tao.

Hổ mang đèo tôi một mạch về nhà hắn ở một cái xóm nhỏ giữa đồi núi Trung du cách Hà Nội hơn sáu chục cây số. Tôi cũng đã lên nhà hắn mấy lần. Cái xóm miền Trung du này tên rất kỳ quặc : Xóm Đụi. Cả xóm có độ hơn chục gia đình, nhà cửa lụp xụp, nhà này cách nhà kia cả trăm mét. Đứng ở bên nhà này gào vỡ cổ họng may ra  nhà bên kia mới nghe thấy. Xóm lúc nào cũng vắng ngăn ngắt. chỉ có hơn chục gia đình, mà cũng đủ cả loại người. Mường, Mán,Thổ, Kinh... Dân ở đây không làm ruộng, chỉ trồng ngô, trồng sắn, và vào rừng hái thuốc, đẵn trộm gỗ, kiếm củi mang về chợ huyện cách đó hơn chục cây số để bán.

Nhà thằng Hổ mang ở dưới một cây gạo rất to. Quanh năm hoa gạo bay tơi bời. Lạ thế. Trước nhà là bãi rộng trồng sắn quanh năm. Lần này tôi lên thì  bãi sắn đã biến mất. Tôi phải đứng một lúc cho khỏi ngạc nhiên bởi cái bãi rộng tới hơn sào đó đã được lưới thép B40 quây kín . Giữa  bãi loằng ngoằng chằng  chịt trồi lên những hầm hố, hang hốc nom như sa bàn cho một trận công đồn.  Hổ mang dẫn tôi đi vào giữa bãi, chỉ trỏ loạn xạ

Tôi nói 
:- Mày bày cái trò gì thế này ?

-  Đoán xem

-  chịu.

Hổ mang nhếch mép :
- Tao sẽ nuôi rắn Hổ mang. Cái trò này đang trúng lắm. Có lẽ lần này tao sẽ lên đời mày ạ

Trưa hôm , Hổ mang và tôi ngồi uống rượu men lá trộn đất đèn. Đồ nhắm là một đĩa tú hụ lưỡi lợn luộc. Luỡi lợn rất ngon nhưng rượu đắng ngắt. Nhà trống trơn. Hơn năm nay, nhờ tôi viết đơn, chạy manh mối cửa trước cửa sau, nên cháu Ngọc Bích đã được nhận vào một trại SOS ở miền Trung do một tổ chức từ thiện Đan Mạch tài trợ. Mẹ cháu đã theo vào ở trong trại để phụ thêm chăm nuôi, thuốc men cho cháu.

Rượu vào lời ra, Hổ mang lè nhè:
  -  Tao vừa nằm mơ hóa thành con rắn Hổ mang chúa mà mấy chục năm trước tao chặt đầu nó ở Bù gia Mập. Quái đản lắm.

-   Kể  nghe cho vui.

- Đêm qua, sau khi sang tán phét, chửi bới lung tung ở nhà lão hàng xóm Cần râu quặp về. Không ngủ được. Ngồi hóng gió ở hiên. Buồn quá, tao ra vườn hái một bông cỏ về hút.  Mới chơi được vài hơi đã thấy phê phê. Tao nằm vật ra nền nhà, và thấy thân mình chầm chậm tan ra như đám bụi màu đỏ. Hồn tao từ từ thoát khỏi xác và bay lên. Rồi cứ thế bay lơ lửng, lơ lửng.  Mày chưa chơi cỏ bao giờ nên không thể biết được cái cảm giác bay. Kỳ quăc. Quái dị. Lạ lùng. Khó nói nên lời cho mày hiểu. Tao bay trong cánh rừng Bù Gia Mập những năm nảo năm nào. Tao nhận ra thác nước cũ xưa tao với mày đã từng ngồi uống rượu sắn đổi lương khô ở mấy cái bản Vân Kiều. Rồi bỗng nhiên tao nhìn thấy con Hổ mang chúa mà tao đã chặt đầu nó để cứu mày. Con hổ mang chúa bành cổ ra trừng trừng nhìn lại tao. Nó thôi miên tao chứ không phải nhìn. .Rồi tao chìm vào trong một giấc mộng nữa, một giấc mộng trong giấc mộng. Trong giấc mộng đó, hồn tao nhập vào con hổ mang chúa đang cuộn mình dưới gốc cây Trám già nồng nặc hôi thối tanh tưởi.

 Rừng đại ngàn âm u hoang dã thức giấc sau một đêm chìm lăn trong giấc ngủ mê mệt hoảng loạn tối đen gầm thét.

Nắng từ trời cao tuôn chảy vỡ òa trên thảm lá cây xanh biếc như ngọc

Thác nước gầm vang tung bọt trắng lóa trên vách đá dựng đứng

   Tao là hổ mang chúa. Hổ mang chúa là tao. Ha ha…Tao vặn mình phun phì phì rồi từ từ trườn ra khỏi hốc cây Trám già ẩm ướt, nồng nặc hôi thối, khăm khẳm, tanh tưởi đến lộn mửa . Một thứ mùi đếch thể nào chịu nổi ….

   Lãnh địa của Hổ mang chúa tao là khoảnh đất rừng chằng chịt vô vàn những bụi gai rậm rạp . hàng trăm câyTrám cổ thụ tưng bừng vươn lrr\ên tung cành lá canh cái thác nước đêm ngày gầm thét hò reo. Trong cánh rừng già bạt ngàn đầy chết chóc quen thuộc này tao là chúa tể. Tao không ưa nhìn lên trời cao. Tao không ưa nhìn những vòm cây xanh biếc. Tao vô cảm với những trận mưa lá vàng rơi lả tả. Ngày cũng như đêm đối với tao không phân biệt. Tao không ngán bất cứ một con thú nào sống trong cánh rừng này. Tao trơ trọi trống rỗng không có cảm giác đồng loại. Một con vật nào động đậy trước mặt tao đều là một bữa đại tiệc trời đất ban cho tao.

Mặt trời lên cao, bụng đói cồn cào, tao bắt đầu trườn đi để tìm mồi. Bò tới một bãi đất lổn nhổn mùn lá, tao dừng lại, từ từ ngóc đầu lên, phóng đôi mắt về phía trước. Một con chuột xanh lét đang bò dần vào lãnh địa của tao. Tao cuộn mình, từ từ ngóc đầu lên cao, mang bành ra, mắt không rời gã chuột. Hình như linh cảm mách bảo cho biết nguy hiểm đang rình mò, gã rắn chuột co mình lại, lơ láo nhìn quanh. Bất chợt cặp mắt gã bị hút vào cặp mắt của tao. Như bị thôi miên, gã chuột tê cứng cả thân mình, đờ ra. Gã muốn trườn đi nhưng không tài nào đi nổi. Hổ mang chúa tao trườn tới, đôi mắt sáng quắc, phóng ra tia nhìn rất dữ dội, ghìm chặt gã chuột xuống đất, và chỉ trong chớp mắt tao quăng mình lao tới. Hấp ! Đầu gã chuột  đã lọt thỏm trong mồm đỏ lòm rớt rãi của tao. Và cứ thế, cứ thế vừa nuốt dần gã chuột xấu số, tao vừa vặn mình bẻ gãy từng đốt, từng đốt sống lưng của gã chuột.

  Mặt trời vẫn tuôn nắng xuống. Đất rừng ẩm ướt bốc hơi ngùn ngụt nồng nặc, khăn khẳn . Muôn ngàn loài côn trùng rên rỉ. Hổ mang chúa tao phơi mình trên một tảng đá, lim dim mắt. Tao vô cảm với cảnh vật xung quanh, vô cảm với ánh nắng, vô cảm với tiếng gầm thét thác nước đang đổ xuống. Tao từ từ chìm vào giấc ngủ ngày.

Trong giấc ngủ tối đen trống rỗng, tao không hề biết một tai họa trời giáng đang đến gần. Một lão cáo đuôi xù đói khát đã mò vào lãnh địa của tao. Tai họa trời đầy ập đến. Dù đang ngủ say nhưng linh tính bén nhậy của loài rắn đã mách bảo.  Hổ mang chúa tao mở bừng mắt. Một tiếng sét nổ ngang đầu. Lão Cáo đuôi xù lao tới. Tuy vậy tao vẫn còn kịp quăng mạnh tấm thân dài loằng ngoằng lên một cành Trám rất cao nhanh như khi tao đớp gã chuột. Chỉ chậm một chớp mắt là đầu tao đã nằm lọt thỏm trong cái miện đỏ lòm rớt giãi lởm chởm răng nhọn hoắt của một lão cáo đuôi xù. Vồ trượt con mồi , lão Cáo đuôi xù lồng lộn rít lên chạy quanh gốc Trám cổ thụ . Cuộn chặt thân vào cành Trám trên cao, Hổ mang chúa tao phun phì phì, trợn mắt nhìn xuống như thách đố lão Cáo. Đang lồng lộn gào rít, bỗng nhiên lão Cáo đuôi xù ngồi thu mình lại, vểnh ria, cúp đuôi, vươn cổ nhìn về phía một bụi Mây cách không xa . Lão đang rình một con mồi nào vậy. Tao trườn lên một cành Trám cao hơn rồi nhìn về phía bụi Mây. Thì ra ở đó có mấy chú chuột con đỏ hon hỏn đang cắn đuôi nhau chui lên khỏi hang. Chuột mẹ đi vắng. Chắc là đi kiếm mồi chưa kịp về. Lũ chuột con này đói bụng bò lên hóng mẹ về.  Thật là dại quá. Lũ chuột con không hề biết chúng sắp là một bữa đại tiệc cho lão Cáo đuôi xù.

Trời ơi lúc đó tao bỗng chợt nghĩ có lẽ tao vừa giết chết  mẹ của lũ chuột con này. Khốn nank quá. Lúc đó không hiểu sao nhìn nhìn lũ chuột con nghơ nagos dại khờ, tao lại nổi máu yêng hùng của loài rắn. Tao cuộn thân mình lại lấy đà, đợi đúng lúc lão Cáo đuôi xù nhẩy chồm tới bụi Mây thì, Hổ mang chúa tao cũng văng xuống quật một nhát đuôi chí tử vào đầu lão. Đó là miếng đánh dữ dội nhất của loài Hổ mang chúa. Trúng đòn, đó lão Cáo đuôi xù rú lên lăn lông lốc. Tuy vậy, khi nhận ra tao thì lão cáo đuôi xù chồm dậy , lao ngay tới . Không chạy kịp nữa, tao đành ngóc đầu lên rồi mổ một cú thật mạnh vào đầu lão cáo. Trượt. Trong cánh rừng già bạt ngàn này chỉ có duy nhất loài Cáo đuôi xù là khắc tinh của dòng họ rắn Hổ mang. Vì vậy, khi gập bọn Cáo đuôi xù là chúng tao chuồn ngay. Lần này phải đánh nhau đối đầu với lão Cáo cũng vì tao không còn đường chạy nữa. Quần nhau một lúc thì lão Cáo vồ được cổ tao. . Xương cổ gẫy tao gẫy rắc. Tao choáng váng cỗ rẫy ra nhưng không kịp nữa. Một tiếng sét nổ. Đầu tao lìa khỏi cổ. Đầu lâu tao văng vào một tảng đá ngay cạnh cái hang mẹ con nhà chuột  Trước khi trời đất tối xầm, tao còn kịp trợn mắt nhìn thấy chú chuột con đỏ hỏn cuối cùng cũng vừa kịp chui tụt xuống hang.

-  Kì quặc nhỉ ?
Tôi trầm trồ  vậy, nhưng thầm nghĩ chắc là nó  nói phét

-  Đeo mèo. Hình như kiếp trước tao là rắn mày ạ.

Tôi lẳng lặng nhìn thằng bạn cũ. Bên ngoài nhà, gió buổi trưa cuộn rào rào nghi hoặc. Có tiếng chó sủa ở đâu đó. Nắng tháng mười uể oải rớt xuống ngoài thềm đất. Một con chồn đuôi xù lao vút qua cửa. Thằng Hổ mang không trợn mắt nhìn tôi nữa, mã gã trợn mắt nhìn cái vỏ chai rượu lăn lóc trên manh chiếu rách. Tôi không thể hiểu trong đầu hắn lúc này đang nghĩ gì. Có thực là hắn mơ gặp lại con rắn hổ mang chúa đã bị hắn chặt đứt đầu trong cánh rừng Bù Gia Mập năm xưa. Và bây giờ, sau mấy chục năm mọi chuyện tưởng đã bị chôn vùi vào quên lãng thì bỗng nhiên đêm qua,  đến lượt hắn bị chặt đầu trong giấc mơ quái dị đó. Hắn đang ngồi trước mặt tôi, trợn mắt nhìn vỏ chai rượu. Hắn đang nghĩ gì. Nghĩ về giấc mơ của hắn. Hay là đang nghĩ tới thằng con trai đầu lòng đẻ ra không có lỗ đít, sống được có hơn tháng rồi chết. Hay là hắn đang nghĩ tới đứa con gái mà tôi đặt tên là Ngọc Bích, đầu to như cải rổ, mặt mũi méo mó, chân tay mềm oặt, loằng ngoằng như vòi bạch tuộc, đang nằm trong một cái trại S.O.S mãi tận khu Bốn. Hay là hắn đang nghĩ tới người vợ mắt xếch ngược, suốt ngày chỉ luẩn quẩn ngoài vườn, rất ít nói. Mỗi khi nói lại ngọng líu lịu.

  Tôi ngồi im, chống đôi đũa tre lem luốc xuống chiếu. Cuộc đời thật kỳ lạ. Có những lúc đầu óc ta tai tái, ong ong cố hiểu một điều gì đó mà chẳng thể hiểu được, cố nghĩ tới một cái gì đó mà chẳng thể nghĩ được, cố tin một điều gì đó mà chẳng thể tin được.

Cuộc đời thật kỳ lạ  ?.
*



0 comments:

Post a Comment

Popular Posts