LX : Xin giới thiệu hồi ký " Nguyễn Đình Thi - thật như anh " của nhà văn , nhà báo Bùi Hữu Chí ( Lưu Hương )( 1926- 2008) . Ông Lưu Hương là em vợ của nhà văn nguyễn Đình Thi . Nhà văn Nguyễn Đình Chính đã trích trich in tập hồi ký này trong tập " NĐT- bí mật một cuộc đời " . Nhưng tập sách đã bị thu hồi ngay khi chưa kịp phát hành..
Lưu Hương
Hà Nội, giữa những ngày cuối hè năm 2007
Ngồi viết những trang sách cuối đời trên gác ba ngôi nhà biệt thự có máy điều hoà nhiệt độ, tôi chạnh lòng nhớ 60 năm về trước, anh Nguyễn Đình Thi khăn tay lau mồ hôi mặt, ngồi trên căn gác bếp cặm cụi viết sách khảo cứu triết học “Anhxtanh”, “ĐacUyn” để lấy tiền nhuận bút sinh sống. Khi anh mới về ở rể gia đình nhà tôi, Anh đang học tú tài trường Bưởi, lấy chị Nga của tôi và chị đã sớm sinh hạ cho anh đứa con trai đầu lòng, đặt tên là Nguyễn Đình Lễ. Chú bé thật kháu khỉnh, có đôi mắt tròn xoe trong sáng và miệng cười xinh trai, hệt như bố Thi. Bố tôi làm viên chức, chỉ đủ tiền thuê một căn nhà nhỏ hai gian và một nhà bếp trên có căn gác xép. Dưới nhà đun bếp, trên gác nắng hướng tây, căn gác xép không thể ở được. Anh chị Thi và cháu nhỏ ra ở phố Huế, thuê một gian hàng bán sách, thêm kế sinh sống, đồng thời làm địa điểm liên lạc với các đồng chí hoạt động bí mật. Gia đình tôi gồm có bố mẹ, chị Nga lấy anh Thi, tôi là con trai và cô em gái xinh đẹp tên là Bùi Nữ Nghĩa. Một gia đình viên chức nghèo xưa nay chẳng mấy ai để ý tới, bỗng chốc có tiếng tăm và trở nên danh giá vì có cậu con rể thi tuyển sinh triết học giỏi nhất Đông Dương. Bà mẹ tôi được công sứ Pháp mời lên nhà khách chính phủ trải thảm nhung đỏ, đón nhận bằng khen cho anh Thi, kèm thêm một học bổng đi du học Pháp. Viên công sứ còn hứa giành cho anh Thi một cương vị xứng đáng một khi anh tốt nghiệp tiến sĩ luật học ở Pháp trở về nước. Anh Thi trở về nhà giữa lúc tình hình xã hội bắt đầu có biến động. Phát xít Nhật thua trận liên tiếp, mất nhiều căn cứ ở Thái Bình Dương. Ngoài phố biểu ngữ truyền đơn Việt Minh kêu gọi đánh Pháp đuổi Nhật xuất hiện khắp nơi. Anh Thi bảo tôi về Sét (Thịnh Liệt-Hoàng Mai) quê cha, chuẩn bị cơ sở rút vào bí mật. Anh lờ đi không nhận học bổng đi du học Pháp và không chịu viết báo Tây cho tờ “Lơ cu ri ê” Ai cũng bảo anh dại. Bao người khác học giỏi, đỗ đạt cao đều được Pháp trọng dụng, lương cao bổng hậu, nhà lầu, xe hơi, dại gì mà không nhận hả cậu tú gàn dở. Anh Thi bỏ ngoài tai mọi lời đàm tiếu và nói nhỏ với tôi: “Mỗi người phải tìm ra một lẽ sống cho mình. Khó đấy nhưng phải làm thôi”.
Một ngày, xe ôtô mật thám mui bịt kín, chạy vòng vo khắp thành phố, bắt người, bất thần đỗ xịch trước nhà tôi. Tên mật thám Tây mắt xanh và bọn tay sai xông vào nhà bắt hai anh em tôi ra xe. Trên xe hòm bịt kín, tôi đã thấy có mặt các anh Nguyễn Hữu Đang, Như Phong, Tô Hoài, Vũ Quốc Uy. Thằng Tây mắt xanh đẩy dúi tôi vào ngồi bên anh Nguyễn Hữu Đang. Anh Đang nói nhỏ với tôi: “Về nhà chạy tiền đi, nó đỡ tra khảo các anh”. Bỗng thằng Tây mắt xanh đấm gió đánh vèo qua mặt tôi, nó cười khành khạch: “Mày có nghe gió rít không? Nhóc con!” Tôi phớt tỉnh. Còi báo động, khi xe chạy đến ngã sáu cửa Nam. Tít trên cao tận mây xanh, hai chiếc máy bay ném bom B26 của Mỹ bay qua giữa bầu trời Hà Nội. Có ba bốn chiếc thần phong Zê-Rô của Nhật quần thảo quanh hai chiếc B26. Bỗng một tiếng nổ trên trời cao, một thần phong đã bốc cháy lao về phía Nam thành phố. Dạo này máy bay Mỹ ném bom dữ dội dọc tuyến đường sắt chở thóc gạo từ miền Nam ra Bắc đang lâm nạn chết đói. Tan còi báo động, xe mật thám chở chúng tôi về Phòng Nhì, đường “Găm bét ta” (Trần Hưng Đạo) chúng nó tống các anh vào nhà giam, còn tôi thì thằng Tây gạt sang một bên, đá đít tôi một cái rõ đau: “Cút mẹ mày đi! Về đi, học chăm ngoan, ăn phải bả Cộng sản thì tù mọt gông”.
Thế là đã rõ, tôi chưa lọt vào danh sách chúng nó nhằm truy nã. Trở về đến cửa nhà, nhìn trước ngó sau thấy không có ai theo dõi, tôi đạp xe đi báo cho các anh còn chưa bị lộ và tiện đường tôi xuống ngay phố Thái Hà ấp gặp Xuân Chi và Thuyết là hai bạn chiến đấu cùng tổ. Thuyết đã tìm ra và bắt mối với bà Khẩn quen vợ Phán Sinh, nên biết được nhà ở của Phán Sinh ở ngay trước cửa ga xe điện cầu Mới, Ngã Tư Sở. Bà Khẩn là vợ viên chức sở hoả xa, lại quen thân với mẹ tôi, thế là mẹ tôi đi chạy khắp nơi thân thuộc, vay được 5000 tiền Đông Dương. Bà Khẩn vui lòng đưa mẹ con tôi đem tiền đến lo lót cho vợ Phán Sinh để chạy án cho anh Thi và các anh bị bắt hôm ấy. Do có tiền chạy đủ và gõ đúng cửa nhà Phán Sinh, trùm mật thám có quyền lực, nên chỉ hơn một tháng sau, anh Thi cùng các anh bị bắt đã được tha về quản thúc tại nhà, sau khi bị hai trận đòn roi điện và phải viết giấy cam đoan không được hoạt động chính trị, quấy rối trị an nữa. Cũng may mắn làm sao hôm ấy, mẹ con tôi lại gặp Phán Sinh ở nhà. Tôi phác thảo ngay được đặc điểm nhận dạng Phán Sinh cho đội danh dự Việt Minh: Hắn cao chừng 1m70, mặt mày xương xẩu, da ngăm đen thất bì, hai mắt hắn trắng đục, giọng nói khàn khàn với hai cánh mũi hếch, khi thở phập phồng để lộ ra hai lỗ mũi như hai lỗ đáo. Tôi trở về gặp Xuân Chi và phác thảo ra giấy cho anh thấy hết mọi đặc điểm để nhận dạng ra hắn, và tôi cũng cho anh biết, theo vợ nó vô tình để lộ tung tích Phán Sinh thường ở tịt trong Sở Mật Thám, chỉ ló mặt ra đường khi phải về nhà ngày giỗ bố hắn. Sau đó Xuân Chi bàn luôn sang kế hoạch tác chiến, đi cướp súng và mua súng của địch. Với bọn sĩ quan Nhật thì gạ mua súng bằng câu nói tiếng Nhật: “Ken-diu Arimasưka” (có súng bán không?). Với Tây thì trấn lột bằng tiếng Pháp: “Tông pit stô lê u la vie” (nộp súng của mày cho tao hay là chết) Xuân Chi là học sinh tú tài trường Bưởi, con một ông cụ nhà giáo, có bốn anh em giống hệt như sau: Thấp, béo, người chắc nịch, giỏi võ Judo và đều có râu quai nón như ông cụ thân sinh. Anh tỏ ra can đảm và rất quả cảm trong các buổi đột kích, nhảy vào diễn thuyết chớp nhoáng trong các rạp hát, rạp chiếu bóng, kêu gọi đồng bào đứng lên đánh Pháp, đuổi Nhật. Xuân Chi là tay súng bắn giỏi nhất trong đội danh dự. Anh khởi xướng ra kế hoạch cướp súng địch đánh địch và nói là làm ngay. Anh kéo tổ 3 người chúng tôi theo anh đến trước sân nhảy Ta-Ka-Ra của Nhật ở phố Khâm Thiên, đợi một viên sĩ quan Nhật say rượu ngất ngưởng vừa ở sàn nhảy bước ra đường là chúng tôi áp sát gạ nó: “Ken-diu Arimasưka” nó gật đầu “dô-to”, tôi đưa cho nó 10 tờ giấy bạc “con công” (5 đồng) – nó lắc đầu “Này! Này!” tôi bèn dúi vào tay nó 5 tờ nữa. Nó nói “dô-to” rồi móc trong người ra một khẩu súng “Chiêu Hoà” giống như khẩu “Pa ra ben lom” của sĩ quan Đức. Trong khi đó Xuân Chi và Thuyết áp sát nếu nó giở trò lật lọng thì dí súng vào mang tai nó. May sao việc khởi đầu nan lại xong xuôi trót lọt như vậy.
Có thêm một khẩu súng trong tay, thừa thắng, chúng tôi rủ nhau đến sau đường Tràng Tiền và sau khách sạn Mêtrôpôn nơi có Pháp kiều qua lại, chộp đúng một thằng Tây, dắt xe đạp xuống đường. Tôi tiến thẳng đến trước mặt nó, bất thần tay bốc cát trong túi áo Blutông ném thẳng vào mắt nó “Hô lê manh” (giơ tay lên). Nó kêu trời, bỏ cả tay dụi mắt giơ cao tay. Tôi dí súng vào gáy nó, vừa đưa tay lần quanh lưng người nó, tước đoạt khẩu “Bơ-rao-ninh”, bắn đạn 7mm và tiện tay, tôi cúi xuống dựng chiếc xe đạp, nhảy lên đạp bay biến, đã có hai cậu Xuân Chi và Thuyết đạp xe theo sau yểm hộ. Thế là tôi đã có súng mang về cho anh Thi sau khi ở tù về. Anh cầm khẩu súng lên ngắm nghía nó mãi rồi chân thành nói với tôi:
- Cám ơn chú Chi đã đem về cho anh khẩu súng này. Nhưng này! Chú kiếm được nó ở đâu ra mà nhanh thế?
- Có gì đâu anh, bọn Phát xít Nhật thua trận, tinh thần sa sút. Bây giờ ai hỏi mua Nhật hoàng nó cũng bán huống chi là súng. Nay chúng nó chỉ cần tiền đi nhảy đầm và chơi gái.
- Một lần nữa, anh cảm ơn Chi. Anh muốn trao lại cho em khẩu súng này để lúc lâm nguy thật cần em hãy dùng nó để bảo vệ các đồng chí chúng ta. Em nên hiểu anh là con nhà văn, còn em là con nhà võ mà.
Một tháng sau, đúng ngày giỗ bố thằng Phán Sinh, nó mặc áo dài the đen, đội khăn xếp, tay cắp ô, lén ra khỏi sở mật thám rồi lên xe điện về đến ga Cầu Mới thì xuống tàu. Xuân Chi và biệt đội danh dự Việt Minh đã phục sẵn ở đó, đợi lúc hắn bước tới gần tầm súng là bắn luôn. Trúng đạn, nó gượng chạy mấy bước thì bị bắn gục xuống đường bằng hai phát súng nữa, kết thúc đời tên trùm mật thám nguy hiểm nhất. Anh Thi cười hả dạ khi được tôi cho biết tin là đã kết liễu đời tên trùm mật thám Phán Sinh. Lại còn con Nga Thiên Hương (quán giải khát) ở phố Hàng Da thì sao? Con mật thám cài bẫy mỹ nhân ở giữa phố Hàm Long rồi. “Các anh có thể yên tâm đi. Bọn cáo già mật thám Pháp, cả một lũ đầu trâu mặt ngựa Lương Hà-Néc, Luýt Dơ, Phơ-lê-tô, bị Nhật chơi sỏ, đang cao chạy xa bay về nước, để trở lại là một bọn lưu manh chuyên nghiệp mà thôi!”
Đa tài, đa tình mà cũng đa sầu, đa cảm
Từ đỉnh cao là đại biểu quốc dân đại hội Tân Trào ở chiến khu Việt Bắc trở về Thủ đô, anh Nguyễn Đình Thi xuất hiện là vị bộ trưởng trẻ tuổi nhất trong chính phủ cách mạng lâm thời nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà và lại là Uỷ viên Thường vụ Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước. Nguyễn Đình Thi trẻ trung đẹp trai, ở một vị trí công quyền cao sáng ngời lúc đó trở thành thần tượng tình yêu của phái đẹp, trong đó có cô bé hoa khôi em gái tôi đang mong chờ từng ngày anh Thi ở chiến khu trở về với gia đình.
Cơ nguy chết người là ở chỗ này. Anh Thi trong lòng vui như tết, nhưng lại âm thầm đón nhận tình yêu không hẹn mà đến. Còn với tôi và mẹ tôi thì phản ứng hầu như tê liệt. Bởi vì trở về gia đình lần này, sau cái chết của bố tôi vì Phát xít Nhật, anh Thi nghiễm nhiên đã giữ vai trò quyền huy thế phụ. Chỉ thương cho hai cháu Nguyễn Đình Lễ và Nguyễn Đình Chính mới sinh từ những năm 1944 – 1946 là chưa thể có ý kiến gì trước một vấn đề hết sức nhạy cảm giữa bố mẹ cháu và dì Nghĩa.
Bắt nguồn cảm hứng từ đây, anh đã cho ra đời những câu thơ không vần: “Em, sao em không nói? Mưa rơi ướt mái đầu” và “cỏ mòn thơm mãi dấu chân em”.
Phải nói rằng, giữa cái sống và cái chết trong chiến đấu ngày ấy, các chiến sĩ Việt Minh thành Hoàng Diệu chúng tôi vẫn có lúc sống và tài tử như thường ngày ở các chàng trai người Hà Nội.
Giữa lúc nước sôi lửa bỏng, hiệp định 6/3 cho phép quân Pháp vào thay thế 20 vạn quân Tầu Tưởng rút về nước, tình thế chính quyền cách mạng treo trên sợi tóc. Chúng tôi, chiến sĩ Việt Minh thành Hoàng Diệu mà nòng cốt là đội danh dự Việt Minh và Công an xung phong ban ngày lao vào tiêu diệt hết các hang ổ phản động, trộm cướp, tống tiền của Quốc Dân Đảng, từ phố Ôn Như Hầu (Nguyễn Gia Thiều), Quan Thánh, đến Triệu Việt Vương, nhưng tối đến súng vẫn giắt sau lưng, chúng tôi lại xách đèn đến tụ tập ở nhà hai bạn Thành – Thái, chơi hoà tấu âm nhạc cổ điển với điệu Van-xơ “Sông Đa-núp xanh”, “Ca-lip Badda”, “Đề-dia”, say đắm lòng người. Cao hứng, tôi còn bỏ ra hai ngàn ba trăm đồng bạc Đông Dương mua lại cây đàn dương cầm “Lương Hà-gông-đa” xe về trang trại Thái Hà ấp cho cô Nghĩa đệm đàn, anh Thi gõ những nốt nhạc dạo đầu, chuẩn bị cho bài trường ca “Bài hát của người Hà Nội”.
Cũng tại trang trại này, tôi nhận nhiệm vụ của anh Vũ Anh (Bộ Quốc Phòng) giao cho việc tổ chức đi thu lượm súng ống quân Pháp quẳng xuống sông khắp nơi, bỏ chạy khi Nhật làm đảo chính Pháp. Tôi đã thuê mò lặn tìm súng, đủ các loại súng lớn, nhỏ, từ súng đại liên 12 ly 7, đến súng trường, đóng hòm đem về cho thợ sửa chữa và lắp ráp lại rồi giao cho các tỉnh nhận về phân phối cho dân quân tự vệ các địa phương.
Tình thế nổ súng kháng chiến sắp đến nơi rồi. Vì ta càng nhân nhượng, quân Pháp càng lấn tới. Chúng còn dã man gây ra vụ thảm sát ở Hàng Bún và ngõ Yên Ninh, giết hại nhiều bà con trong phố.
Trong lúc tôi chuẩn bị khăn gói, đồ đạc cho gia đình đi sơ tán, anh Thi vội đưa đón nhiều đồng chí Trung ương về đây tạm trú trước giờ nổ súng, lấy trang trại nhà tôi làm trạm trung chuyển cho các anh rút ra hậu phương. ác thay, lúc này tôi bị nấm ăn chân sung tấy đỏ, đau không đi lại được, chỉ có ngồi trên xe đạp mới di chuyển được dễ dàng. Tôi cho lăn hết máy móc trong xưởng xuống ao sau nhà, thu xếp một gánh chăn màn, quần áo và nồi xoong bát đĩa, cái ăn chất lên xe và chở cây đàn dương cầm đi sơ tán. Cùng với chị Thi, mẹ tôi và em Nghĩa thay nhau ẵm bế hoặc đổi phiên nhau gánh cháu Nguyễn Đình Chính một bên thúng cho cân bằng với bên thúng gạo nước, chăn màn. Cháu Lễ đã ba tuổi chạy theo sau. Đi sơ tán bắt đầu từ làng Tó – Cự Đà, tả Thanh Oai bên bờ sông Nhuệ thơ mộng. ở đây cũng như khắp nơi nông thôn lúc này bà con nông dân mở rộng cửa, sẵn lòng đón đồng bào từ thành phố sơ tán về làng quê.
8 giờ 3 phút đêm tháng chạp, Hà Nội ầm vang tiếng súng đại bác súng máy lớn nhỏ nổ liên hồi. Hà Nội lửa cháy ngút trời! Trong tiếng súng từ Hà Nội vọng về, tất cả mọi hoạt động ở đây đều dừng cả, để ai nấy có thể lắng nghe lời kêu gọi của Hồ Chủ Tịch:
“Hỡi đồng bào toàn quốc!
Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta đã nhân nhượng, nhưng chúng ta càng nhân nhượng thì thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ. Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên!
Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc, hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp, cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc thuổng gậy gộc, ai cũng phải ra sức chống thực dân, cứu nước”.
Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân! Giờ cứu nước đã đến! Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước…
Tất cả mọi người ở khắp nơi, khắp chốn, lắng nghe lời kêu gọi toàn dân kháng chiến cứu nước của Hồ Chủ Tịch.
Như đã hẹn trước, hai hôm sau, anh Thi đạp xe về nơi gia đình sơ tán. Sau lời chào hỏi, tặng quà và cảm ơn chủ nhà, anh Thi cùng cô Nghĩa ngồi vào đàn, chơi bốn tay. Cô Nghĩa dạo phần nhạc đệm cho anh Thi nhấn mạnh những phím đàn vang lên nét nhạc thánh thót, oai nghiêm.
“Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây,
Đây lắng hồn núi sông ngàn năm.
Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội mến yêu.
Hà Nội cháy, khói lửa ngập trời.
Hà Nội vùng đứng lên! Hà Nội vùng đứng lên!”
Có những ngón tay búp măng đan xen giữa bốn bàn tay, nhảy nhót trên những phím đàn, dạo đi, tập lại điệp khúc dạo đầu bài hát.
Bây giờ, 60 năm sau, ngồi suy nghĩ và nhớ lại, tôi thấy đây mới thật là anh Thi, một Nguyễn Đình Thi yêu đời, yêu Tổ quốc vô hạn. Và cũng không phải ngẫu nhiên, không phải một nhạc sĩ chuyên nghiệp nào khác, mà là một Nguyễn Đình Thi không chuyên về âm nhạc, đã làm nên bài hát lịch sử này.
Sức mạnh nào đã đẩy khí thế sáng tác bừng bốc thành những âm điệu hùng tráng của bài hát? Phải chăng đó là sức mạnh của mối tình với cô em Bùi Nữ Nghĩa, mà dấu ấn còn để lại mãi trong thơ anh. “Cỏ mòn thơm mãi dấu chân em”, khi anh đi tìm mộ em đã mất hết dấu tích trên rừng Quảng Nạp, Việt Bắc năm xưa.
Rồi khi mối tình ẩn dấu ấy còn vương vấn, chưa nguôi ngoai trong anh Thi lại nảy sinh một mối tình mới từ bên kia trời Âu, từ thủ đô Paris hoa lệ lại vẫy gọi anh. Nguyễn Đình Thi lại có bài thơ vượt qua không gian và thời gian, gửi tặng nàng Ma-đơ-len Ríp-phô xinh đẹp, nữ văn sĩ tài hoa người Pháp, huân chương bắc đẩu bội tinh, anh hùng chống Phát Xít Nhật.
Tôi mạn phép ghi lại bài thơ tình ấy.
“Chúng ta như hai ngôi sao
Hai đầu chân trời lấp lánh
Trong không gian mênh mông xa nhau
Chiều chiều cùng sáng lên ánh sáng,
Không tắt bao giờ”.
Nhà văn Nguyễn Đình Thi, thật như anh, đa tài, đa tình mà cũng đa sầu, đa cảm là thế!
60 mươi năm qua, hơn nửa thế kỷ rồi mà mỗi lần nhớ lại, tôi cứ lạnh toát cả người, rụng rời chân tay khi vừa mở cửa nhà thì một xác chết đổ rội xuống chân tôi. Cái xác người đã khô quắt lại chỉ còn da bọc xương. Bất giác tôi nhắm cả mắt lại và còn chưa biết xử trí ra sao thì anh Thi chạy ra bảo tôi:
- Em cầm tiền ra xưởng than đầu phố thuê cái xe bò kéo về đây. ở nhà anh chuẩn bị găng tay cao su, khẩu trang và chiếu rách. Có xe về là anh em ta xung vào đội đi thu nhặt xác chết chở đi chôn cất ở thôn Giáp Bát.
Thế là hai anh em tôi, người cầm càng, người đẩy xe bò đi thu nhặt xác những người chết cuối cùng trong số hơn hai triệu người chết đói tháng 3 năm 1945. Chúng tôi kéo xe bò qua các phố: Huế, nhà thương Đau mắt, quanh hồ Hale, qua phố Ôn Như Hầu, thu nhặt xác người chết chồng chất lên đầy xe, lại đẩy xe về chôn cất trong các hố rộng đào sẵn ở Giáp Bát. Mỗi lần lấp đầy mộ chôn bốn năm trăm xác chết, anh Thi lại thắp một bó hương lên trên mộ rồi anh chắp tay đứng khóc, nước mắt giàn rụa, tôi cũng mủi lòng khóc theo.
Trên đường về tôi lại cầm càng xe bò, anh Thi đi sau xe đẩy. Một lúc sau, tôi nghe anh hát khẽ khàng vừa đủ bay đến tai tôi:
“Việt Nam bao năm ròng rên siết lầm than
Dưới ách quân tham tàn đế quốc sài lang
Loài phát xít cướp thóc lúa, cướp đời sống dân mình
Nào nhà tù, nào trại giam, biết bao nhiêu nhục hình
Đồng bào tuốt gươm vùng lên.
Dưới ánh cờ đỏ ánh vàng sao
Mau mau mau không phân biệt trẻ già trai gái
Vác súng gươm ta đi lên, ta diệt quân thù
Việt Nam! Ôi đất việt yêu dấu ngàn năm”
Anh Thi trong lúc đẩy xe bò chở xác chết, đã ngẫu hứng xuất khẩu thành lời bài hát “Diệt phát xít”. Rồi từ đây, tiếng hát “Diệt phát xít” đã vang lên suốt thời kỳ Cách mạng Tháng Tám. Qua kháng chiến chống Pháp, người ta lại nghe vang lên khắp các ngả đường đất nước bài hát đã thấm vào lòng người ấy! Và bây giờ bài hát Diệt Phát Xít đã trở thành Quốc Thiều của nước Việt Nam. Anh Nguyễn Đình Thi nay đã đi vào cõi vĩnh hằng. Nhưng anh vẫn để thương để nhớ mãi trong tôi những kỷ niệm sâu sắc bên nhau trong những giờ phút lịch sử không thể nào quên được.
Từ ngày ấy, rời Thủ đô đi kháng chiến, cả gia đình tôi đi sơ tán, chặng đầu về làng Tó-Cự Đà, nơi anh Nguyễn Đình Thi đã làm ra “Bài hát của Hà Nội” rồi bà cháu cùng mẹ Nga, cô Nghĩa lại thay nhau gồng gánh cu con Nguyễn Đình Chính trong một bên thúng. Đôi quang gánh kĩu kịt những nồi niêu, chăn màn, theo sau cái xe bò chở cây đàn dương cầm, chạy sơ tán về làng Mụ, Chuông theo đó lại còn cu Nguyễn Đình Lễ 3 tuổi, lưng đeo cái ba lô con, cũng chạy trước theo kịp người lớn.
Bây giờ ngồi kể lại với hai cháu Nguyễn Đình Chính và Nguyễn Đình Lễ một là nhà văn, một là kiến trúc sư có tiếng, tôi không biết nói thế nào để tả nổi tình thương yêu của bà ngoại, mẹ Nga, cô Nghĩa đã gắng sức thế nào để có thể chịu đựng, thay nhau ẵm bế và gồng gánh hai cháu trong hai tháng đi bộ suốt từ Vân Đình - Hà Đông, qua đồn Vàng - Sơn Tây, vượt qua hàng trăm cây số đường đồi, để lên tới được Hanh Cù, Vũ ẻn - Phú Thọ rồi sau đó lại cứ thế kéo nhau đi tiếp lên tận Tuyên Quang, bến Bình Ca châu tự do, giữa núi rừng Việt Bắc xa lạ, với tiếng chim rừng “Bắt cô trói cột” vui tai mà rất là sợ. Cũng phải nói thêm rằng, đây là những công nương người Hà Nội, từ bé đến lớn chưa từng gánh vác nặng bao giờ. Cũng dễ hiểu vì sao sau này trong khó khăn gian khổ, nhà văn Nguyễn Đình Chính bao giờ cũng hết lòng chăm sóc phụng dưỡng bà ngoại. Rồi sau đó, Chính còn lặn lội hai tháng ròng mò lên rừng Chiêm Hoá -Thái Nguyên quyết tìm bằng được những mảnh xương cốt cuối cùng còn lại của người mẹ thân yêu, đem về an táng tại nghĩa trang Thanh Tước. Đó là một ngày cuối thu năm 2002, anh Nguyễn Đình Thi đứng bên các con đã trưởng thành và trước hàng thông reo vi vu bên mộ người vợ thân yêu năm xưa, anh ngậm ngùi nói lời vĩnh biệt: “Em ơi! Một giấc ngủ ngàn thu cho em!”.
( còn tiếp )
0 comments:
Post a Comment