Kênh Tên Miền chuyên cung cấp tên miền đẹp, giá rẻ! Hãy liên hệ kỹ thuật: 0914205579 - Kinh doanh: 0912191357 để được tư vấn, hướng dẫn miễn phí, Cảm ơn quý khách đã ủng hộ trong thời gian qua!
Sunday, 13 April 2014

LE MAGAZINE LITTERAIRE - Nouvelle Formule- Mars 2014. Về CYNISME. 


                                                               CHÂN PHƯƠNG tường thuật


 TIN VUI VĂN HỌC ! Tháng 3-2014, nguyệt san LE MAGAZINE LITTÉRAIRE đã cách tân hình thức trình bày bìa với logo nouvelle formule, và tổ chức lại nội dung thành ba mục chính : 1- La vie des lettres/ Sinh hoạt Văn Chương; 2- Le Dossier/ Hồ Sơ; 3- Le magazine des écrivains/Tạp chí những người cầm bút thay vì phân tán các bài viết dưới nhiều tiểu mục như trước. So với các báo văn học định kỳ danh tiếng của Paris như Nouvelle Revue Française, Europe, Critique, La Quinzaine Littéraire...,nguyệt san này có nhiều độc giả hơn cả nhờ tranh ảnh nhiều màu, tin tức văn hóa cập nhật, chất lượng của những bài biên khảo, phê bình hoặc các trang sáng tác chưa từng xuất hiện...Tạp chí cũng phổ biến rộng trong khối quốc gia dùng Pháp ngữ như Canada, Bỉ, Thụy Sĩ...Rất được hâm mộ tại các nước ở châu Mỹ-La tinh, nguyêt san này có ấn bản tiếng Tây ban nha từ đầu thập niên 1990. LE MAGAZINE cũng là một trong số các tạp chí tiếng Pháp bán chạy nhất ở Mỹ tại nhiều trung tâm văn hóa như New York, Boston, Chicago, San Francisco...

Bìa MAGAZINE LITTÉRAIRE số ra mắt th.11-1966.Chủ đề STENDHAL.
     Ra mắt vào tháng 11-1966, tờ bán nguyệt san này nhanh chóng đổi thành báo tháng mensuel; Guy Sitbon là người sáng lập với Jean-Jacques Brochier làm chủ bút dài hạn cho đến 2003. Tháng 4-1970, nhà xuất bản Fasquelle mua lại bản quyền; hiện nay nguyệt san có chủ mới là nhóm xuất bản Sophia Publications ở Paris. Tờ báo này thành công lớn nhờ sự kết hợp học thuật nghiêm túc với thông tin sinh động nhiều tranh ảnh, không chỉ dành riêng cho trí thức, học giả, văn giới ... mà còn nhắm đến tầng lớp độc giả có văn hóa như thanh niên sinh viên. Chất mỹ thuật các trang tạp chí được tăng lên nhờ bút vẽ của Raymond Moretti và các minh họa do Daniel Maja. Sáng kiến tập hợp thành hồ sơ dossier về một tài năng thơ văn  hay chủ đề văn học-tư tưởng cộng thêm phần phỏng vấn các ngòi bút đương đại đã nâng nguyệt san lên hàng tài liệu hàn lâm-bác học bên cạnh sự cải cách tác phong làm báo văn hóa-văn nghệ bên Pháp.

 Các số nguyệt san tưởng niệm hoặc chủ đề dành cho danh nhân văn học Pháp.
     Dĩ nhiên LE MAGAZINE LITTÉRAIRE là nơi trưng bày trang trọng nhất cho văn học cùng các ngòi bút Pháp. Mỗi số chủ đề như thế qui tụ các khảo cứu khám phá và khai mở thế giới nghệ thuật hay tinh thần của các tên tuổi tưởng chừng quen thuộc như Voltaire, Rousseau, Flaubert, Proust, George Sand...Điều đáng quan tâm hơn cả xuyên qua các trang viết của tạp chí là nỗ lực định vị giá trị tư tưởng phổ quát của họ trong bối cảnh văn hóa-lịch sử ngày nay. Riêng với văn giới, các phân tích thi pháp học hay phong cách học dựa trên bản thảo/bản nháp còn hé lộ các bí quyết nghề nghiệp và kỹ xảo của nhà văn lớn như mấy số về Flaubert, Proust, Céline...đã cung cấp. Việc so sánh bản dịch các tác phẩm tiêu biểu sang tiếng nước khác như Anh-Mỹ, Đức, Ý, Tây ban nha...cũng soi sáng một cách hữu ích cho công việc khó khăn là dịch thuật văn chương.

Các số báo giới thiệu văn học thế giới - đặc biệt các dòng văn học Anh ngữ.
      Với người đọc rành tiếng Pháp, LE MAGAZINE mở thêm các chân trời nhìn ra văn học và văn hóa thế giới. Nhiều số báo dành riêng cho khối văn học dùng Anh ngữ, bắt đầu là thơ văn Anh quốc cho đến lục địa văn học Mỹ bao la sau khi đã thăm viếng các ngòi bút tiếng Anh của Ấn độ, Ái nhĩ lan, Canada, Úc, Nam Phi...Đây là nhịp cầu nối quí giá giữa hai khối đế chế văn chương Anh-Pháp từng được phân tích sâu trong các khảo cứu văn học đối chiếu của Pascale Casanova hay Franco Moretti. Tạp chí này còn phát hiện kịp thời các ngôi sao đang mọc trong vũ trụ chữ nghĩa, chẳng hạn trong số đặc biệt về Văn học Nước Ngoài tháng 8-2013 Alice MUNRO đã được tôn vinh trước cả quyết định của Hàn lâm viện Thụy điển, cùng loạt bài giới thiệu các tài năng mới như Zadie SMITH(Anh), Laura KASISCHKE(Mỹ), Lídia JORGE(Bồ), Arnaldur INDRIDASON(Iceland), bên cạnh các phỏng vấn với Orhan PAMUK hay MẠC NGÔN. 

Các số báo có Chủ đề hay Hồ sơ về các triết gia hay triết học Âu-Tây.
  LE MAGAZINE còn cho ra các số Chủ đề hay Hồ sơ về các triết gia và triết học Âu-Tây.  Nếu ý thức được mối quan hệ hữu cơ giữa sáng tác văn chương và trước thuật tư tưởng ở Pháp kể từ Montaigne, Pascal, La Bruyère...cho đến Sartre, Camus, Simone de Beauvoir - và đặc biệt vào tk.18 khi mà các đại văn hào như Diderot, Montesquieu, Rousseau, Voltaire đồng thời cũng là nhà tư tưởng lớn, ta sẽ hiểu vì sao giới độc giả có văn hóa Pháp đã dành nhiều cảm tình như thế cho các trang chữ uyên thâm ấy. Tháng 9-1977 hồ sơ " Vingt ans de philosophie en France/ Hai mươi năm triết học ở Pháp"  đã gây tiếng vang uy tín; rồi nhiều số chủ đề sau đó về triết học đạo đức, triết học chính trị, tranh luận triết học, khoa học nhân văn...đã phác thảo một tấm bản đồ cập nhật các vấn đề lớn và xu hướng chính của sinh hoạt tư tưởng phương Tây hôm nay. Người đọc có văn hóa triết vừa được tham quan khảo sát  các đại gia lý thuyết Pháp như Foucault, Bourdieu, Derrida, Ricoeur... vừa được làm cuộc hành hương thăm viếng lại mấy đỉnh cao mang tên Aristote, Saint Augustine, Hegel, Marx, Nietzsche...Với riêng tác giả bài tường thuật ngắn này, mỗi số báo là một niềm vui trí tuệ cùng nỗi hứng khởi văn chương bất tận. Chẳng hạn số báo mới tháng 3-2014 đang cầm trên tay là một hồ sơ giá trị về CYNISME, chủ thuyết kèm lối sống khinh bạc do hiền giả Hi lạp Diogène khởi xướng mà hôm nay đang biến tướng thành thứ chủ nghĩa cá nhân vị kỷ bám đuổi các lạc thú vật chất và làm ngơ trước các vấn đề của thời đại hoặc cộng đồng.  

                                                       * * * 

   Với sự toàn thắng khắp nơi của kinh tế thị trường thao túng cả mặt sản xuất và tiêu thụ các vật phẩm văn hóa như âm nhạc, điện ảnh, mỹ thuật, sách in...gây nên sự khủng hoảng trong sinh hoạt văn chương chữ nghĩa, cùng sự vắng mặt các bậc tiên chỉ như Romain Rolland, Gide, Malraux, Sartre...bị thay thế với các biểu hiện nhiều lúc nhố nhăng thái quá của giới lý luận văn học mà Descombes và Todorov(1) đã phê phán nặng, trong số báo mừng Tứ Thập Chu Niên LE MAGAZINE LITTÉRAIRE tháng 12-2006 nhà phê bình văn học Pierre Lepape đã sơ kết như sau trong bài nhận định tổng quan tình hình văn học Pháp " Le nouveau désordre littéraire/ Tình trạng hỗn loạn mới trong văn học " :

     ...La République des Lettres a explosé... À la place règne la liberté - ou, si l'on préfère :
l'anarchie. On ne sait plus très bien où sont le haut et le bas, la droite et la gauche, la damnation et le salut, le vrai talent et la véritable imposture; chacun - les écrivains, les critiques, le public - est un Petit Poucet sans cailloux blancs pour baliser son itinéraire. Nous sommes égarés. Mais il y a autant de plaisir que d'angoisse à être perdu. Et à s'inventer un chemin. ( Nền Cộng hòa Văn học đã nổ tung... Thay vào đó là sự tự do - hoặc, như người ta thích gọi thẳng - tình trạng vô chính phủ. Ta không còn biết rõ đâu là chiếu trên chiếu dưới, cánh hữu và phe tả,cứu rỗi hay đọa đày, tài năng đích thực so với giả mạo thứ thiệt. Mỗi người - các nhà cầm bút, giới phê bình, công chúng - là một chú bé Petit Poucet chẳng còn những viên cuội trắng để đánh dấu hành trình. Chúng ta bị lạc lối. Nhưng mất phương hướng cùng lúc với âu lo cũng là niềm lạc thú. Để phát minh một con đường. )

     Ý kiến trên đây phản ảnh sự rối loạn các kim la bàn ý thức hệ hậu- chiến tranh lạnh cùng nền toàn trị của sự thương phẩm hóa toàn cầu. Trong vài thập niên chấm dứt  tk.20, các ngôn thuyết của chủ nghĩa hậu-cấu trúc và hậu-hiện đại đã tìm cách lấp lỗ đen của tri kiến lịch sử-nhân văn, nhưng đã thất bại vì xem thường óc duy lý cùng tinh thần khoa học và phương pháp luận nghiêm minh của nó (2). Trong khi chờ đợi một thế hệ tư tưởng gia kiệt xuất ra mắt thế giới, bản thân tôi mỗi tháng hân hoan chờ đón LE MAGAZINE LITTÉRAIRE cùng các bạn đồng hành chữ nghĩa khác như N+1, HARPER'S, NY REVIEW OF BOOKS, WORLD LITERATURE TODAY... để ngao du trong nền Cộng Hòa Văn Chương Toàn Cầu, đôi lúc dừng lại làm quen với một tác phẩm mới, một ngòi bút lạ...Hi vọng đến tháng 12-2016 - còn hai năm rưỡi - tôi sẽ được cầm trên tay số báo vô cùng quí hiếm mừng Ngũ Thập Chu Niên tờ nguyệt san tiếng Pháp thân yêu này !

CHÂN PHƯƠNG  
Cambridge, 13-4-2014

CHÚ THÍCH

1. Tzvetan Todorov, La Littérature en péril, Paris, 2007,(có bản dịch sang Việt ngữ) ; và Vincent Descombes, "Le Modèle intellectuel français" trong De quoi l'Avenir intellectuel sera-t-il fait ?, Paris, 2010. ( Chân Phương dịch sang Việt ngữ; trên tiền vệ hay láxanh2015)
2.Jacques Bouveresse,"Noam Chomsky và Những Kẻ Vu Khống Ông",Le Monde Diplomatique, Mai 2010,( Chân Phương dịch sang Việt ngữ; amvc.fr.)  


Số báo mừng nguyệt san được 40 tuổi.

 

    

0 comments:

Post a Comment

Popular Posts