Hamvas Béla
MILAREPA
Giữa hai vùng đất cao của thế giới, Peru và Tây Tạng thoạt trông không liên quan gì đến nhau. Dân da đỏ chiếm lĩnh vùng cao Nam-Mỹ; dân Mông cổ chiếm vùng thuộc châu Á. Những vùng này đại thể đang sống trong thời kỳ đồ đá; văn hóa của những vùng này hàng nghìn tuổi. Peru bị xâm chiếm tự do,trướchết do người Inca, sau đến người Tây Ban Nha, và bây giờ là người Mỹ. Vùng đất kín Tây Tạng cho đến tận hôm nay vẫn ít kẻ lạ dám mò tới.
Vậy mà vẫn có những nét chung giữa hai vùng đất. Những gì cao thường đi kèm với một khái niệm rõ ràng. Nhưng sự giống nhau giữa Peru và Tây Tạng không ở chỗ cả hai nơi đều cao, nhưng tối. Cao và tối như thể chòm sao titan của Thiên hà. Không giống nhau vì không ai có thể giải thích được bí ẩn của cư dân sống trên hai vùng đất ấy. Cho dù đặt Peru lẫn Tây Tạng vào giữa các vùng cư dân khác, giữa các vùng địa lý khác, hai vùng đất này vẫn cứ tồn tại đơn độc, duy nhất, xa vời và khép kín.
Sự bình thản đáng sợ, mức độ cao vời vợi, tính chất mịt mù thiên hà tỏa ra từ cái tinh thần Peru và Tây Tạng chính là giới hạn dành cho con người. Giới hạn của sự đơn độc, xa vợi, mịt mù và sự khép kín là ngưỡng vượt qua cả sự hiện hữu của thực thể người, người ta không thể không trở thành nạn nhân khi bước qua. Quá ngưỡng giới hạn này vẫn có một cái gì đó, nhưng không phải là con người nữa.
Cả Peru lẫn Tây Tạng đều là vương quốc của giới hạn. Sự khá nhau ở chỗ Peru đi xuống, còn Tây Tạng đi lên. Nếu từ người da đỏ Peru dấn thêm một bước, sẽ không còn là con người; cũng vậy, nếu từ người Mông cổ TâyTtạng dấn thêm một bước, cũng sẽ không còn là con người nữa.
Nhưng vì vậy cả hai đều là miền đất có phép thuật và của các đạo sĩ. Tính chất khác biệt của phép thuật tùy theo tính chất của đất. Giới hạn, biên giới là vị trí có phép thuật. Thật nguy hiểm cho kẻ nào nhầm lẫn từ đây hoặc vượt qua nó. Nếu người ta xâm phạm cái giới hạn có phép thuật ở một nơi cấm, chính họ chạm vào tinh thần của giới hạn, ĐẤNG QUYỀN LỰC chưa bao giờ tha thứ cho ai vì sự xâm phạm này.
Chỉ cần quá một giọt từ Peru, con người lao xuống vượt quá giới hạn, bị tan ra và hòa lẫn với sự tồn tại thấp hơn con người; Chỉ cần quá một giọt từ Tây Tạng, con người bay lên vượt quá giới hạn, tan ra và hòa lẫn với sự tồn tại trên con người. Các đạo sĩ Peru và Tây Tạng biết rõ điều này.
Bởi vậy trên trái đất không nơi nào có một trật tự nghiêm ngặt hơn, một luật lệ đơn điệu hơn và tàn bạo hơn, một kỷ luật cứng nhắc và chặt chẽ hơn trong vương quốc của người Inca và của các Lạt ma. Một bộ phận của nhân loại không bao giờ hiểu nổi tại sao có cái quyền lực khủng khiếp của trật tự chết người, bướng bỉnh và trần trụi này. Bởi thế.
Bởi nếu không như vậy, trong một khoảnh khắc vô ý một kẻ sẽ ngã nhào qua khỏi ngưỡng của giới hạn phép thuật, rồi thêm một người nữa, mười người nữa, năm mươi người, rồi toàn bộ một dân tộc sẽ bị tiêu diệt. Peru có thể chìm nghỉm dưới đáy của sự hiện hữu, Tây Tạng có thể bốc hơi trên cả sự tồn tại. Ở đâu không có sự sống, sự tồn tại ở đấy không có gì hết.
Cả Peru lẫn Tây Tạng đều không có lịch sử. Cả hai vùng đều là khu vực của một tinh thần đứng bên ngoài không gian và thời gian. Cái sống trong thời gian luôn luôn chỉ là một: đứng bên cạnh giới hạn và gìn giữ giới hạn. Những con người sống ở đây đối với nhân loại xa lạ như người trên mặt trăng. Cuộc sống mà những con người này theo đuổi, không bao giờ thay đổi, từ ngàn xưa chỉ một dạng và đúng như thế.
Cuộc sống này khác hẳn cuộc sống của các dân tộc khác. Có miền đất thời gian trôi nhanh hơn như Bắc Mỹ. Có miền đất thời gian lặng lờ như thế giới của Địa Trung Hải. Có nơi chậm rề như thảo nguyên Nga hay sa mạc Ả rập. Có miền đất thời gian đứng lại, như Peru và Tây Tạng.
Nhưng không đứng lại như khi gió lặng hoặc như tim nằm trong một xác chết. Mà đứng lại như một không gian trống rỗng, hoặc như một tảng đá khủng khiếp. Người ta nói ở đâu có một ngôi sao tên là Sirius Béta, ở đó vật chất bị tan vỡ. Đúng như thế: bị tan vỡ. Các nguyên tử nằm trong đống đổ nát, bất động, chìm xuống, chết. Thời gian ở Peru và Tây Tạng bị tan vỡ như thế.
2.
Alexandra David- Neel là một người đàn bà kỳ lạ. Như nhiều người khác, với bà cũng không đủ những gì bà đã biết trong tôn giáo châu Âu. Bà không đủ kiên nhẫn, cũng như lòng tìm để tìm kiếm bổ khuyết.
Bà tốt nhất chìm đắm vào đạo Phật phương Bắc, và mất nhiều năm để thuyết phục mình: bà là sự hóa thân của linh hồn phương đông nhầm đường sang phương tây. Nhưng sau này còn nhiều những trường hợp tôn giáo đặc thù hơn hẳn bà.
Điều cực kỳ nhất là Alexand David- Neel sang phương Đông, học tiếng Tây Tạng, nhiều lần- có lúc trong những hoàn cảnh vô cùng nguy hiểm- đi xuyên qua Tây Tạng, gia nhập vào chùa Phật phương Bắc, và tham dự vào không gian thần bí của tôn giáo này. Bà viết nhiều sách về các chuyến đi và về các kinh nghiệm thu thập, có nhiều người cho rằng những tác phẩm này đã mở ra một thế giới từ trước tới nay chưa hề ai hay biết.
Có thể lắm. Những cuốn sách hấp dẫn đến lạnh toát cả sống lưng. Bà David-Neel viết về tôn giáo Tây Tạng, bà nói dân châu Âu không hề hay biết trong và với con người tôn giáo Tây Tạng cái gì xảy ra khi hàng tháng trời người đó ẩn náu câm lặng trong những vùng núi.
Hàng trăm ngày trời một mình trong những hang đá, hang động trần trụi, giảm đến mức tối đa nhu cầu cuộc sống, đối với chúng ta thuần túy đấy là sự tự sát. Nhưng đối với một ẩn sĩ cô đơn điều này như một đảm nhận tinh thần hoang dã nội lực, vượt ra ngoài sức tưởng tượng của con người, mà bản thân hiện tượng này đã là một điều kỳ diệu khi chính người ẩn sĩ vượt qua.
Bà David- Neel nói, những người này là những vận động viên của nội lực. Tất nhiên bà nhầm. Ở đây chẳng dính líu gì đến thể thao. Đây là một cuộc phiêu lưu- nhiều hơn thế.
Những kẻ có tính khí như thế có thể tự gọi mình là một thủ lĩnh. Thủ lĩnh của nội lực. Một kẻ thèm khát phiêu lưu, kẻ chỉ sống được trong những căng thẳng đe dọa môi trường sống, kẻ không lùi bước và sợ hãi trước bất kỳ cái gì, một sự tồn tại trơ lỳ, cứng cỏi, trên con đường khốc liệt không hướng ngoại mà hướng nội.
Phương Đông gọi phương pháp kỷ luật hướng nội này là yoga. Tổ quốc của yoga là Ấn độ. Nhưng các phương phápyjoga của Hindu chỉ là các phương pháp để đạt tới mức độ tinh thần cao hơn của con người. Và con người có thể đạt tới được. Vẫn có thể gọi nó là thể thao.
Nhưng Yoga của Tây Tạng thì không. Thể thao chấm dứt, khi con người đánh cuộc với số mệnh. Kẻ tham dự Olimpic là vận động viên nhưng Achiles thì không. Tại sao thế? Vì Achiles đã dừng lại. Yoga của Hindu vẫn có thể là môn thể thao bởi nó thử thách tinh thần trên thể xác, nhưng Yoga Tây Tạng không phải thể thao, bởi đấy chính là tòa án dị giáo tự thân, thật sự không thể nào biết khi nào con người chiến thắng, khi bị tiêu diệt trong nó hay khi tiêu diệt được chính bản thân mình.
3.
Từng có bốn vị thánh vĩ đại của thực hành thiền quán Tây Tạng: Tilopa, Naropa, Marpa,vàMilarepa.
Chúng ta phải cảm ơn Kazi Dawa-Samdup, một Lạt ma tinh thông tiếng Anh, để ta có thể đọc được tiểu sử Milarepa bằng tiếng châu Âu. Trong tác phẩm này người ta nhận biết vị trí về giới hạn của Tây Tạng. Milarepa lúc đó vẫn còn sống, nhưng hầu như không còn là người nữa. Như thể ngài đã vượt quá ngưỡng người. Trong tác phẩm này người ta nhận biết về nội vi của các thánh Tây Tạng. Và nỗi ám ảnh về sự bướng bỉnh này có một không hai. Châu Âu chưa xây dựng nổi một vai phản diện như thế này.
Milarepa là con trai một nhà buôn giàu có. Cha ngài mất sớm, ông bác thay cha dạy dỗ ngài. Và những người họ hàng này lấy hết của cải của gia đình ngài. Milarepa bị bắt lao động như nô lệ và bị đói rách. Mẹ ngài mong muốn con trai học thuật phù thủy để tiêu diệt lũ họ hàng tội lỗi này. Milarepa đã làm đúng như vậy, ngài học hắc thuật, gây ra một cơn bão phá tan ngôi nhà của ông bác và giết chết tất cả mọi người ở trong đó. Lúc đó Milarepa vẫn còn là một thanh niên.
Ngài đã làm quen với tri thức cao hơn như thế. Ngài chạm vào giới hạn cao hơn con người như thế. Milarepa không thỏa mãn với tri thức mang tên hắc học. Ngài kiếm tìm sư phụ, và cuối cùng gặp được Marpa, đấng Chuyển hóa Vĩ đại, kẻ đã đi khắp xứ Ấn độ và dịch những cuốn sách Mahájána ra tiếng Tây Tạng. Phần tiểu sử ghi rõ Naropa sư phụ của Marpa hiện ra và nhắc nhở, Milarepa là một sinh linh đặc biệt, kẻ có thể lĩnh hội được mọi tri thức của thày mình.
Sẽ nhầm lẫn nếu tin rằng Naropa xuất hiện trong giấc mơ của đấng Chuyển hóa Vĩ đại. Naropa cũng chỉ là con người của giới hạn. Những kẻ nhập định đều biết họ bước qua ngưỡng cửa của cái chết khi còn đang sống.
Bằng những thực tập dài lâu và căng thẳng họ đi đến bản chất của mình- biến mình thành tinh thần-từ cơ thể vật chất họ chuyển vào cơ thể của tinh thần một cách có ý thức. Naropa cho dù đã chết, nếu muốn bất kỳ lúc nào ngài cũng có thể trở lại với thân xác cát bụi. Marpa nghe theo, nhận người trẻ tuổi Milarepa và bắt đầu dạy chàng thứ tri thức bí ẩn.
Châu Âu thực ra đã biết đến sự biến đổi tinh thần này: Nhà tiên tri Illés phóng trên cỗ xe rực lửa-ai cũng biết. Ngài từ bỏ đất trong hình thái lửa. Ở Tây Tạng điều này không hiếm. Sau này chính Milarepa cũng biết làm như vậy, biến thành lửa. Ngài có thể biến thành tất cả các hình thái. Ngài trở thành đạo sĩ.
Phép thuật là gì? Ngồi xuống một nơi tất cả chỉ là một, và từ nơi đó hành động. Đạo sĩ biến thành lửa thành nước,thành không khí, thành ma quỷ, gọi bão tố đến, khiến thời tiết trở nên đẹp, nước tuôn trong sa mạc, vàng lấp lánh từ cát. Lúc này họ không còn là con người nữa. Thành quyền lực. Bước qua sự sống người, bước qua giới hạn. Nơi người đó đứng: lửa, nước, cát, không khí tất cả là MỘT.
Milarepa trở thành học trò của Marpa. Nếu ai hiểu như một dạng học trò của châu Âu: học các cuốn sách, thực hành các bài tập và hoàn thành các nhiệm vụ, người đó nhầm cơ bản. Marpa bắt chàng trai này dựng lên bốn ngôi nhà, rồi bắt chàng phá đi hoàn toàn, đến những viên đá cũng cần khuân trả lại chỗ cũ, từ nơi chàng lấy về. Chàng trai cần phải trở thành dây dẫn vì môn hắc học.
Thứ khoa học đen, môn hắc học này là gì? Hắc thuật? Là cái gì vậy? Là việc sử dụng những sức mạnh siêu nhiên cho một mục đích ích kỷ. Hắc đạo sĩ là kẻ sử dụng tài năng cho quyền lợi bản thân. Bằng siêu nhiên nhưng đồng thời bôi bẩn thiên nhiên.
Milarepa cần phải sám hối. Chàng đã trải qua những năm tháng cay đắng cạnh sư phụ của mình, kẻ không tiếc tay tàn bạo với chàng như một thẩm phán của địa ngục. Cuối cùng đấng Chuyển hóa Vĩ đại cho chàng nhập định vào môn khoa học bí ẩn và truyền cho chàng toàn bộ tri thức của mình.
Milarepa lui về hang Dragkar-Taso. Tiểu sử có viết ngài đã trải qua bao nhiêu năm một mình ở đó, nhưng người ta không có hứng thú để đếm. Có thể ba mươi-bốn mươi năm, nhưng cũng có thể bốn mươi nhăm năm. Ngài gầy tọp đi, sau cùng chỉ còn như một bộ xương. Ngài ăn gì? Rau tầm gai. Không gì khác ngoài tầm gai. Ngài hái bên cạnh hang, giữa những tảng đá, nấu lên và ăn. Lạy Chúa, trời rất lạnh nữa chứ!- bởi vì ở Tây Tạng mùa đông dài, hàng tháng trời chỉ mười, hai mươi độ.
Ai có thể chịu nổi trong cái hang không sưởi ấm với một cái bao tải rách rưới? Nhất là khi không ăn gì khác ngoài rau tầm gai? Nhưng kẻ nhập định Tây Tạng chỉ mỉm cười vì những điều này. Bậc thày của joga am hiểu thứ kỷ luật của sự sống khiến con người có thể chịu đựng sự giá lạnh kinh khủng nhất. Bằng cách nào? Bằng cái gọi là sự ấm áp bên trong, người Tây tạng gọi là tumo.
Đấy là việc sử dụng một phương pháp dự trữ sức ấm của thực thể người bằng hiện thực, một thứ lạm phát nhiệt, bằng các động tác yoga có thể thu được cái lò sưởi cháy bỏng bên trong một cách liên tục. Điều này không hề đơn giản. Là phép thuật. Đạo sĩ từ cái lạnh có thể hóa phép ra nóng, từ rau tầm gai ra thịt, từ băng giá thành sự nóng bức.
Nhưng khi Milarepa sống ẩn trong hang, ngài đã không làm những điều này. Bởi nếu vậy lại một lần nữa là hắc đạo, lại một lần nữa sử dụng quyền lực và tri thức có lợi cho bản thân: ngài sẽ lại làm cho cuộc sống của mình không thể chịu đựng được nữa. Giờ đây ngài đang trải qua và cần chịu đựng cái đang có: thấu hiểu và chịu đựng đến cùng. Trong cái lạnh hai mươi độ, trong gió bão giá băng.
Milarepa ngồi trong hang, toàn bộ y phục là một bao tải thủng lỗ và bạc màu.Đôi khi một vài thợ săn hoặc lũ cướp lạc đường tới đây nhưng tất cả đều kinh hoàng chạy trốn. Họ tưởng đây là bhuta – con ma độc ác của núi. Hai mươi năm ngài không cắt tóc, cắt râu, không tắm rửa, cũng không ăn gì khác ngoài rau tầm gai. Cơ thể ngài bẩn thỉu, gầy lõ, mắt sốt đỏ vằn, mặt nhăn nheo lồi lõm. Ngài ngồi trong cái hang của mình và thiền định.
Milarepa muốn thực hiện mức độ bồ tát hoàn thiện nhất trong duy nhất một cuộc đời. Ngài muốn từng trải trong một cuộc đời người duy nhất, và muốn khoác lên chính bản thân mình toàn bộ nỗi khổ ải của sự tồn tại. Ngài không bao giờ còn muốn quay trở lại quả đất này như một kẻ chịu đựng. Ngài muốn bước qua cõi tĩnh độ vĩnh cửu, bước vào sự sống thanh lọc.
Sau ba mươi năm đơn độc, em gái ngài nghe tin anh mình vẫn sống bèn đi tìm và khuyên giải ngài quay về với cộng đồng người. Milarepa trả lời: Ta không quay lại đâu, ta đã trải qua toàn bộ sự khủng khiếp của hiện hữu, từ thú vật, thực vật, khoáng chất, đến ma quỷ, địa ngục, nhưng vẫn còn ba loka ba vòng thấp nhất của địa ngục, ta vẫn chưa nếm trải. Muốn thu nhận được bình yên vĩnh cửu, ta cần đến với nó và chịu đựng nốt ba vòng cuối này.Khi Milarepa vắt cạn kiệt toàn bộ nỗi đau khổ của hữu hạn, ngài đã xứng đáng không cần tiếp tục luân hồi, ngài đã vượt qua giới hạn.
Đột nhiên ngài cảm thấy: mình trở thành một sức mạnh thanh tao, nhẹ nhõm và phi vật chất. Ngài có thể nâng mình lên không gian và bay được. Trong giấc mơ ngài có thể bay khắp vũ trụ. Ngài có thể nhân đôi hay gấp trăm lần cái cá nhân riêng biệt của mình, và tất cả những nhân ảnh này đều có những khả năng siêu việt như ngài. Ngài có thể bay lên tận trời xanh với các thiên thần và nghe lời dạy dỗ của họ. Ngài có thể biến cơ thể mình thành lửa hoặc nước.
Milarepa chết vì bị đầu độc. Ngài biết là mình ăn thức ăn có thuốc độc, nhưng ngài không cố gắng chống lại. Ngài là đạo sĩ. Nhưng sẽ lại trở thành hắc đạo một lần nữa- nếu sử dụng cho mục đích riêng của mình. Ngài qua đời, và khi thoát tục, giữa luồng ánh sáng tuyệt đẹp phát quang, các thiên thần và các nữ thần đều xuất hiện để đón rước ngài.
4
Sự thần bí bí ẩn nhất của đạo Phật phương Bắc là: sự phá sản.
Nếu đọc về ngoại hình hay thần chú của sự thần bí, xem những bức ảnh chụp về nó, người ta sẽ hỏi: nghi lễ của sự nhập định tinh thần cao cả tuyệt đối này khác thế nào so với chủ nghĩa Kannibalizmus( ăn thịt lẫn nhau trong động vật học)? Sự rồ dại-bản năng tự hủy diệt này khác gì với việc đóng cọc hành hạ người của thổ dân da đỏ?
Những người da đỏ Nam Mỹ có một nghi lễ như sau: cả làng uống chung một loại rượu chưng cất riêng dành cho nghi lễ này rồi bắt đầu nhảy múa, suốt đêm ngày, ngày thứ nhất, ngày thứ hai, ai mệt mỏi lại tiếp tục uống và tiếp tục nhảy múa. Đến ngày thứ năm chỉ còn lại vài người đàn ông, những kẻ khỏe mạnh nhất còn nhảy múa. Lúc đó” quỷ” sẽ xuất hiện, thày phủ thủy cùng các bộ hạ của mình.
Những người này dùng roi kết bằng lá dừa quật vào những kẻ đang nhảy múa. Kẻ nào đau kêu oai oái xin mời bước ra ngoài cùng sự xấu hổ. Khi nào những kẻ nhảy múa thịt rơi tơi tả, đến lượt những kẻ này nhận lấy những chiếc roi lá dừa và quật lại đám phù thủy cho đến lúc đám này cũng máu me đầm đìa. Rồi lại đến lượt đám phù thủy đánh, rồi đến những kẻ nhảy múa. Sau cùng cả bộ lạc không còn sót lấy một kẻ tỉnh táo: tất cả ngất lịm hoặc ngủ vùi trong cơn say rượu trong các vết thương đẫm máu hoặc hôn mê.
Sự phá sản cũng là một loại nghi lễ như vậy, nhưng ở đây rượu, điệu vũ, quỷ, phù thủy, roi đều ở bên trong, xảy ra từ duy nhất trong một con người.Đây là phương pháp Tây tạng: tất cả đều ở bên trong- đây là phép thuật bên trong, là nạn hải tặc bên trong. Đại Lạt ma đứng đó, đọc những lời thần chú trùm lên người kẻ nhập định. Tung lực lượng ma quỷ lên người đó. Và sức mạnh bên trong, thứ gây ra nhiệt, thứ biến rau tầm gai thành thịt, thứ tung ra ma quỷ từ tri thức vào đời thực quả thật giống hệt như đám phù thủy da đỏ ở Nam Mỹ nhảy xổ vào kẻ nhập định.
Kẻ đó ngồi kia, cảm nhận rõ ràng từng móng vuốt của quỷ sứ. Cần phải dâng cho nó mắt, mũi, tai,miệng, dạ dày, trái tim, cần phải từ bỏ cảm xúc, ý nghĩ, kỷ niệm- cần tháo bỏ tất cả từ cơ thể những gì như một cơ hội của hữu hạn. Cần phải đọc những lời kinh khủng khiếp, trong đó kẻ nhập định van xin được một mình ngồi trong sa mạc, để những con đại bàng đến rỉa tước từng súc thịt y ra khỏi xương.
Để tất cả những gì hữu hạn sẽ trôi qua, chỉ còn lại thứ mà ma quỷ cùng đại bàng không giết nổi: CÁI TÔI TINH THẦN VĨNH CỬU.
Nghi lễ Hy lạp Dionysus cũng không khác mấy. Cũng giống như sự thần bí quất roi của đám da đỏ nhảy múa. Là một giới tính của sự phá sản. Các thiếu phụ giận giữ xé xác các con vật; giết chàng Orpheus, chặt đầu và vứt xác chàng xuống sông.
Sự phá sản mang hai ý nghĩa: một ý nghĩa trong tôn giáo nào cũng có, xé xác bứt bản thân ra khỏi cái hữu hạn, dùng roi quất vào lực lượng vật chất đời thường, đóng đinh con người hữu hạn cái Tôi đời thường lên thánh giá. Và một ý nghĩa nữa không ở đâu có ngoài Tây tạng và Peru: thử tìm cách bảo vệ sự trong lành toàn vẹn của tri thức, khi nhận thức và sự tự bảo vệ trong toàn bộ nỗi hóa thân khủng khiếp bước qua ngưỡng cửa của GIỚI HẠN LỚN NHẤT một cách có ý thức.
Sự phá sản là sự tha thứ lớn nhất của Đấng GIỚI HẠN. Người ta dâng cho ngài cái TÔI đời thường. Đóng thuế, và được ngài tha thứ. Là thứ thuế duy nhất Đấng GIỚI HẠN chấp nhận: cái TÔI hữu hạn.
Sự phá sản là việc bước qua giới hạn, là sự chết đi có ý thức. Con người lãnh cái chết vào bản thân bằng sự tỉnh táo toàn diện của ý thức. Không ngất lịm, không suy sụp, không trốn chạy, không thu mình lại và không gào thét.Ý thức hoàn toàn tỉnh táo, như một tấm gương, không hề run rẩy khi con người bước qua. Đấy là sự phá sản.
Và tại đây tất cả đều quan trọng: sự cào xé rách tả tơi, việc đóng thuế, hành động bước qua ngưỡng, những gì xảy ra đều quan trọng, và kẻ hành động,là quỷ,là kẻ ăn thịt người( kannibal)là cướp biển, là đạo sĩ, là kẻ cướp, điều quan trọng đây là trận giao chiến thần bí với ma quỷ, với quỷ dữ, một cách có ý thức rằng tất cả là địa ngục, là thiêng liêng và cao cả.
Nhưng quan trọng nhất, kẻ nhập định ngồi trước mặt Đại Lạt ma với đôi mắt hé mở, giờ đây không còn gì đáng sợ khiến nó phải run rẩy, không còn những ngất ngây khiến nó say đắm, nó đã chịu đựng mọi trận chiến, bị quất roi bởi ánh mặt trời, bởi sự thất bại, bởi dục vọng, lòng háo danh, bởi công danh, bởi cạm bẫy, bởi tình yêu, giờ đây nó không cần ai và bất cứ gì từ tất cả, nó đã đi qua toàn bộ cuộc sống của con người, và đã bước qua ngưỡng của giới hạn.
5.
Đêm hè trên boong tàu, nằm ngửa có thể ngắm được trời sao. Có năm vị tinh tú trên kia: phía đông là Mặt trăng, trên đỉnh đầu là sao Thổ, sao Hỏa, sao Mộc, phía tây là sao Vệ nữ. Đã từ lâu người ta nhận biết rõ về tính chất của các vì sao. Sao Thổ tượng trưng cho sức mạnh xung đột và hung hãn, sao Hỏa tượng trưng cho quyền lực lành mạnh, sao Vệ nữ tượng trưng cho sự giao thoa của cảm xúc trái chiều.
Khoa học cười nhạo những tượng trưng này, nhưng vô ích nhạo báng. Khoa học sẽ biến mất, còn lại các tượng trưng. Tại sao?- vì nó đúng. Nhưng đây không phải vấn đề của đêm ngắm sao này. Con tàu bơi trong biển đen kịt. Boong tàu trống rỗng. Bờ đã mất hút. Trái đất được nhìn thấy như là gì từ đằng kia? Trái đất này của chúng ta, nơi ta sống, nó mang tượng trưng gì, tên là gì nếu nhìn từ sao Hỏa, sao Mộc và sao Vệ nữ?
Màu của Trái đất nhìn từ bên ngoài chắc chắn đỏ úa. Không phải màu đỏ của sao Thổ, như một con mắt bị đâm. Không phải màu như của sao Vệ nữ, óng ánh hồng nhạt và long lanh hiền dịu. Không giống màu của sao Hỏa, mù mịt sương khói, như ánh sáng của một ngọn đuốc cháy rừng rực. Màu của Trái đất là màu ngọc rubin đỏ, tựa máu tươi vừa đổ, đỏ tươi cay đắng và đau đớn, màu đỏ-ngọn roi quất, màu đỏ-joga,màu đỏ- Dionysus.
Buddha đã từng dạy, tất cả là bể khổ, là sự đau khổ. Dân da đỏ quất roi vào nhau đến tứa máu dở sống dở chết. Giáo sĩ Hồi giáo tự vạch những đường dao lên đầu họ. Milarepa sống bằng rau tầm gai bốn mươi năm trong hang đá lạnh cóng. Bọn người Kannibal nướng thịt người và ăn thịt lẫn nhau. Lũ Titan xé xác Dionysus đến mức thần Zớt phải nhặt chàng từ các mảnh rời vụn.
Và không có một dân tộc nào, quốc gia nào, bộ lạc nào, tôn giáo nào của Trái đất đều không biết rằng sự sống là đau khổ, là các lực lượng sức mạnh xa lạ cào rách chúng ta, để chúng ta xé xác lẫn nhau, bằng hận thù, bằng chiến tranh, bằng sự ghen tỵ, máu chảy từ thân thể dân da đỏ, từ tứ chi của Dionysus.
Ai cũng biết về những cây cọc hành hình người, về joga và các thần bí-Dionysus. Từ châu Úc, đến Papua, từ dân da đen, đến Eskimo, Hy lạp, da đỏ , Nhật bản, Patagonia. Chỉ có một Thượng đế sống trên quả đất- Thần Đất- Thượng đế máu đổ- Thượng đế Đau khổ- der leidende Gott- Dionysos, de Gekreuzigte-ôi Nietzsche, Nietzsche, mi đã biết tất cả những điều này?
Chúng ta không mang lại quyền lực tốt đẹp lành mạnh cho các hành tinh khác như sao Mộc, mang sự xung đột như sao Hỏa, sự thống nhất như sao Vệ nữ. Cái chúng ta mang cho các hành tinh: Thượng đế Đau khổ. Đấy là ý nghĩa tượng trưng của chúng ta. Từ đằng xa họ gọi tên chúng ta như thế, và tên của chúng ta có lẽ chỉ những kẻ nhập định có quyền xướng lên, để sự thần bí nói về những bí ẩn của một đời sống, thứ đời sống chúng ta đang trải nghiệm.
Sự phá sản? Yoga? Dionysus? Passion? Thượng đế Đau khổ.
Cuộc sống trên trái đất, nếu hoàn toàn và đích thực, không phải niềm hạnh phúc, sự thỏa mãn và tiện nghi thị dân. Và nếu ai mong muốn hạnh phúc, sự thỏa mãn và tiện nghi thị dân, người đó đánh mất chính sự toàn diện của sự sống. Cuộc đời đích thực của chúng ta là sự đau khổ.
Đấy là sự quý phái cao cả của chúng ta. Là bản anh hùng ca. Là niềm hãnh diện vũ trụ của chúng ta. Thượng đế bị Đóng đinh là đẳng cấp của Trái đất trong vũ trụ. Các hành tinh gần gũi nhận ra chúng ta như thế và vì thế. Điều này khiến chúng ta nên người, như Heraclitus đã nói, vũ trụ giữ gìn chúng ta bằng roi quật- pan herpeton plégé nemetai.Chúng ta trở thành thượng đế, nếu một cách có ý thức chúng ta xốc lên vai mình cây thánh giá.
6.
Con người làm quen với đau khổ khi nhìn lũ súc vật đổ mồ hôi hoặc bị thương, ngay cả khi con người chưa nghiệm sinh sự đau khổ. Hơi thở của nó đứt đoạn, mặt méo mó. Con vật hỏi: Cái gì vậy? cáigì xảy ra với mày? Mày đau cái gì?-
con người trả lời: mồ hôi của mày, vết thương của mày đau, chẳng nhẽ mày không cảm thấy điều đó sao? Con vật trả lời: tao không biết.
Con người là thực thể nhậy cảm nhất với sự đau khổ, như Nietzsche từng nói. Nó tìm kiếm sự đau khổ mỗi lúc thêm đa dạng và sâu sắc nhất. Nietzsche cũng cho rằng đấy là nhiệm vụ của nó: tạo dựng những đau khổ mới cho bản thân và cho những người khác, để trở nên xứng đáng hơn với một đời sống cao cả hơn. Con người đo lường ai biết gì và rước lên mình được bao nhiêu. Nietzsche cho rằng không còn nghi ngờ gì nữa đối với con người hiện đại bản chất của sự tồn tại là sự đau khổ. Và sự cao cả quý phái của con người: gánh chịu số phận của bản thân như đang có. Amor fati. Nietzsche là kẻ Ki tô giáo đầu tiên của châu Âu.
Giờ đây chúng ta đều biết:”Không có kẻ nào bước vào cuộc đời một cách chín muồi mà không biết và không nhìn thấy: cuộc sống là đau khổ”-
„ Số phận của chúng ta thật khủng khiếp đến nỗi phần lớn sức sáng tạo của con người chỉ dành để hiểu ra: hãy che dấu và lẩn tránh số phận này”
Nhưng sự tự lừa dối tinh vi, các cuộc diễn tập, các thủ đoạn, sự lừa gạt không khoáng hậu đều không mang lại điều gì. Sự đau khổ chỉ càng tăng lên. Cần tỉnh táo nhận thức, cần tỉnh táo hoàn toàn, và lĩnh lấy số phận của mình. Tượng trưng cao nhất và mang tính chất người nhất của amor fati, của sự đau khổ tỉnh táo và có ý thức là: Thượng đế Đau khổ- là kẻ bị Đóng đinh.
Sự đau khổ không vô nghĩa. Một phút giây đau khổ duy nhất không vì bản thân nó. Và việc lĩnh đau khổ vào thân không phải vì con người đã đau khổ bởi dục vọng. Bởi vì nếu nó” thích đau khổ” đi chăng nữa- nó cũng không phải chịu đựng. Nó muốn được thêm hạnh phúc. Vì nó vẫn còn là titán. Và trong trường hợp này điều kiện của đau khổ là phép thuật, dùng để tìm ra hạnh phúc. Nhưng phép thuật là một hoạt động không được phép và vô luật: là sự nỗ lực nổi loạn của titán. Tất cả mọi phép thuật đều bị cấm- trừ đúng một trường hợp.
Keyserling cho rằng: tôi không lĩnh sự đau khổ của số phận vào bản thân để thực hành sự chịu đựng và lòng kiên nhẫn. Vì như vậy đau khổ chỉ là một yếu tố tiêu cực, thuần túy đạo đức, tóm lại chỉ là đức hạnh. Tôi khoác lên mình sự đau khổ vì sự xô đẩy bay lên trên cao. Nơi cao nhất: sự toàn vẹn của hiện hữu.
Đau khổ là Tổng thể và Sự thật của hiện hữu, của Sự sống.
Bởi:” Chỉ cái gì đau, mới bám chặt lấy con người, tóm lấy toàn bộ con người, một con người toàn diện”. Chỉ người nào đau khổ tận cùng một cách không trốn tránh phần dành đời dành cho nó, như Milarepa, mới có thể bước vào sự sống Thượng đế.
Keyserling là một nhà tư tưởng đầy trực giác, nhưng ông không lường hết mọi sự việc. Ông nhận ra đau khổ không vô nghĩa, và là trạng thái duy nhất tóm gọn thực thể người toàn diện. Nhưng nếu bằng sự đau khổ mới trải qua hết sự toàn diện của đời sống, kết luận này dối trá.
Trong con người tự đóng đinh mình lên cây thánh giá sẽ sinh ra LINH HỒN CUỐI CÙNG.
Đau khổ là con ngựa nòi chạy nhanh nhất, Meister Eckhart đã nói: đau khổ là con ngựa nòi của Thượng đế cùng con người phi thần tốc tới đích. Con người cưỡi trên con ngựa nòi của Thượng đế sẽ phi thẳng từ bản chất titán của LINH HỒN ĐẦU TIÊN qua vực sâu biển thẳm tới vương quốc sáng ngời của LINH HỒN CUỐI CÙNG.
Ý thức tự gánh chịu đau khổ, việc tự đóng đinh bản thân lên cây thánh giá, cùng sự kiên trì chịu đựng số phận cũng không thể trở thành phép thuật, nếu chỉ để đạt được toàn vẹn sự hiện hữu. Nhưng LINH HỒN CUỐI CÙNG có thể trở thành phép thuật. Mọi phép thuật đều bị cấm, vì đều phù phép một cách vô luật
„Ô! giá như ta trút bỏ được phép thuật, giá như ta có thể quên hết mọi lời phù phép! Ô! Thế gian!- giá ta có thể trở thành con người, chỉ khi đó mới sống xứng đáng mà thôi”. Đúng thế, chỉ một phép thuật duy nhất được phép tồn tại.
Không phải phép thuật của sức mạnh, của sự quyến rũ, của tri thức, mà chỉ của Tình Yêu Thương. Và con người vô ích gánh chịu nỗi đau khổ của số phận bất tận đi chăng nữa, vô ích đóng đinh mình lên cây thánh giá, nếu những điều này bắt nguồn từ sức mạnh, từ tri thức từ các phép thuật không được phép. Nó chỉ có quyền yêu thương mà thôi. Bởi YÊU THƯƠNG là LINH HỒN CUỐI CÙNG.
LINH HỒN CUỐI CÙNG giữa các linh hồn là sau rốt và tận cùng. Là đỉnh cao và tận cùng của thế gian. Là đỉnh của núi. Đây là chiếc ghế của nhà vua: VUA TĨNH LẶNG CỦA TÌNH YÊU THƯƠNG. Kể cả đau khổ cũng phải nhân danh ngài. Chỉ ngài mới chứng thực được amor fati. Chỉ tinh thần của ngài cho phép ta nhận lấy và gánh vác cây thánh giá. Không có sự thỏa thuận của ngài vẫn chỉ là đau đớn, buồn rầu, xót xa, đồng cảm và cả sự kiên nhẫn cũng đều chỉ là phép thuật, vô luật, không được phép, thứ chỉ muốn đồ cấm, bởi vì cái TÔI muốn.
Tất cả những điều này, trong sâu thẳm, dưới tận cùng, tận cùng dưới LINH HỒN CUỐI CÙNG, bởi trung tâm của mọi linh hồn là cái TÔI, chỉ TINH THẦN CỦA TÌNH YÊU THƯƠNG nằm trong LINH HỒN CUỐI CÙNG.
LINH HỒN CUỐI CÙNG không nhận biết về cái TÔI nữa, ở mức độ như LINH HỒN ĐẦU TIÊN không hề quen với đạo đức, ngôn từ,cộngđồng và cái đẹp. Nó hoàn toàn nằm trong sâu thẳm, trong đáy sâu của biển, trong vô thức và tranh đấu bằng sức lực của titán vì một điều duy nhất nó cần: vì niềm hạnh phúc.
LINH HỒN CUỐI CÙNG từ bỏ mọi dạng vật chất, ý thức, nghị lực, bản năng, khát vọng. Nó vượt lên quá tự nhiên, cộng đồng, con người, tri thức, chỉ rạng ngời trong tình yêu thương mà thôi.
Ta tự do chuốc lên mình đau khổ, kiên nhẫn gánh chịu một cách có chủ ý, nếu TÌNH YÊU THƯƠNG cho phép,và lúc đó con ngựa nòi của Thượng đế sẽ phi nước đại đưa ta đến vương quốc của LINH HỒN CUỐI CÙNG.
Peru và Tây tạng, hai mảnh địa dư cao vời vợi: đó là giới hạn. Cả hai vùng đất này giống nhau ở chỗ không cần kênh trung chuyển, không cần giai đoạn tạo dựng, hai xung đột lớn nhất của số phận con người: LINH HỒN ĐẦU TIÊN và CUỐI CÙNG. đối diện với nhau. Đây là sự đối diện của hai thái cực hoang dã tận cùng: Titan và kẻ bị ĐÓNG ĐINH.
Đấy là Peru và Tây tạng.
Nguyễn Hồng Nhung dịch từ nguyên bản tiếng Hungary
( trích trong tiểu luận triết học: câu chuyện vô hình)
0 comments:
Post a Comment