LX : Nhà nghiên cưú Nhật Hoa Khanh gửi bài tới và đề nghị giới thiệu trên Laxanh . Trong tuần này LX sẽ giới thiệu một bài mới của nhà văn Phạm Thành cũng về đề tài này
CUỘC GIAO PHONG ĐẦU TIÊN
Ở VIỆT NAM
VỀ QUYỀN RA BÁO
Cựu Bộ trưởng Bộ Nội vụ VÕ NGUYÊN GIÁP trò chuyện với nhà nghiên cứu NHẬT HOA KHANH
LỜI TÁC GIẢ :
Ba ngày sau cuộc gặp dưới đây , tôi đến T 78 ( Nhà Khách Trung ương Đảng – khu vực phía Nam – tại TP Hồ Chí Minh ) chuyển “bản thảo viết tay” bài này tới Đại tướng Võ Nguyên Giáp .
Ông xem ngay trước mặt tôi trong gần một tiếng .
Không sửa chữa gì , Đại tướng chỉ nói : Bây giờ , khó đăng đấy . Nhưng lúc nào đăng được , anh cứ gửi đăng .
* * * *
Khoảng cuối tháng 5 đầu tháng 6 / 1992 , tôi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang có mặt tại TP Hồ Chí Minh .
Một buổi sáng , tôi đến nơi Đại tướng đang ở . Đó là T 78 ( tên gọi Nhà Khách Trung ương Đảng – khu vực phía Nam − trên đường Trần Quốc Toản, gần đường Yên Đổ ) .
Phòng thường trực T 78 cử người đưa tôi vào phòng làm việc của Đại tá Nguyễn Văn Tâm ( Chánh Văn phòng Võ Nguyên Giáp ) .
Tôi đưa tận tay anh Tâm một lá thư ngắn . Lá thư nêu rõ : Là một người chuyên nghiên cứu về chiến tranh cách mạng Việt Nam , tôi muốn được gặp Đại tướng . Gặp để Đại tướng vui lòng cho biết về sáu vấn đề lớn , trong đó có vấn đề “ tự do báo chí từ cách mạng Tháng Tám tới toàn quốc kháng chiến ( 19 / 12 / 1946 ) ” .
Hai ngày sau , theo lời hẹn của Đại tá Tâm ( nay đã qua đời ) , tôi đến gặp anh .
Đại tá cho biết : Anh Văn ( Văn , tên thân mật của Võ Nguyên Giáp) đồng ý trả lời cả sáu vấn đề . Sáng mai , tại phòng này , Đại tướng sẽ tiếp .
* * * * * *
Đúng hẹn , tôi có mặt .
Đại tá Tâm đã chờ sẵn ở cửa phòng , mời tôi ngồi .
Rồi anh đi vào phòng trong .
Lát sau , từ phòng trong , Võ Nguyên Giáp − trong bộ com-plê (complet)
ka ki nhạt màu và hơi cũ − từ từ bước ra .
Tôi đứng lên , bước về phía ông và cúi chào .
Nhà cách mạng họ Võ , ngay lập tức , thân mật bắt tay tôi và chủ động đưa bàn tay phải về phía chiếc ghế xô-pha trước mặt .
Ông ngồi xuống . Tôi ngồi theo , gần tay trái ông .
Đại tá Tâm ngồi ở chiếc ghế gần đấy .
Võ Nguyên Giáp thân mật nói trước :
− Tôi nghe anh Tâm cho biết : anh gọi cụ Phan Kế Toại là bác rể .
− Thưa Đại tướng , đúng như vậy .
− Anh cứ gọi tôi là Văn , anh Văn . Gọi thế cho gần gũi .
Một nhân viên bưng ra khay nước trà .
Đại tá Tâm nhắc nhẹ : thưa Đại tướng , đã đến giờ.
Người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam nắm nhẹ tay tôi và nói:
− Ta bắt đầu . Hôm nay , nếu chưa xong , tôi sẽ làm việc với anh vài ba buổi nữa .
* * * * * *
Bằng giọng Quảng Bình nhưng vẫn dễ nghe , Võ Nguyên Giáp nói chầm chậm :
− Tôi được Chính phủ Lâm thời cử làm Bộ trưởng Nội vụ từ sau lễ Tuyên ngôn Độc lập (2 / 9 / 1945) cho tới đầu tháng 3 / 1946 . Từ 12 / 3 / 1946 , cụ Huỳnh Thúc Kháng , đương chức Phó chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa , thay tôi giữ thêm chức vụ này .
Ngừng một lát , Đại tướng tiếp tục trò chuyện :
− Cuộc kháng chiến của nhân dân Nam Bộ ( từ 23 / 9 / 1945 ) có ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần yêu nước của nhân dân Trung Bộ và Bắc Bộ , nhất là thủ đô Hà Nội .
Hàng chục ngàn thanh niên , học sinh , sinh viên Hà Nội , khoảng thời gian đó , tình nguyện tham gia phong trào Nam tiến . Hầu hết những chiến sĩ tình nguyện ấy thuộc tầng lớp tiểu tư sản . Một số thuộc thành phần mà sau này, ta gọi là " tư sản " , " địa chủ " .
Tuy nhiên , cả ba miền Bắc – Trung − Nam lúc bấy giờ không chỉ có một màu hồng .
Xã hội Việt Nam kể từ sau cách mạng Tháng Tám đến toàn quốc kháng chiến ( 19 / 12 / 1946 ) hết sức phức tạp . Mười tám tháng đó chính là giai đoạn khó khăn nhất về tất cả các mặt của dân tộc .
Việt Minh ( tức Đảng Cộng sản Đông Dương ) có rất ít chân rết vững chắc ở các xã , huyện , phố trong cả nước .
Cách mạng , vẫn lời Võ Nguyên Giáp , thiếu thốn mọi thứ . Thiếu tiền bạc . Thiếu cán bộ các cấp . Thiếu cán bộ các ngành . Thiếu vũ khí . Thiếu hoàn toàn nghiệp vụ quản lý chính quyền từ trung ương đến cơ sở . Thiếu báo chí cách mạng . Thiếu ! Thiếu ! Thiếu !
Nhấp một vài ngụm nước trà , cựu Bộ trưởng Nội vụ nói tiếp :
− Chưa một ai trong Ban Thường vụ ( tức Bộ Chính trị ) có hiểu biết , dù ở mức rất thấp , về nghiệp vụ xây dựng một nhà nước , một quốc hội , một chính phủ .
Những hành động non nớt , " tả khuynh " nhân danh cách mạng diễn ra khá nhiều từ Nam ra Bắc .
Nhà văn hóa − cựu Thượng thư Bộ Lại Phạm Quỳnh bị Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Nguyễn Tri Phương ( tức Tỉnh ủy tỉnh Bình − Trị − Thiên ) kết án và thi hành án tử hình . Ông Quỳnh , tuy thân Pháp nhưng có công lao đáng kể trong việc góp phần bảo vệ tinh hoa văn hóa dân tộc Việt Nam .
Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Nguyễn Tri Phương cũng kết án và thi hành án tử hình ông Ngô Đình Khôi và con trai ( tức Ngô Đình Huân ) . Ngô Đình Khôi là anh ruột ông Ngô Đình Diệm .
Ngô Đình Diệm bị bắt ở Bắc Bộ .
Nhà văn Lan Khai cũng bị giết oan ở một tỉnh miền núi Bắc Bộ .
Nhà văn Trần Thanh Mại cũng bị đưa đi cải tạo vô lý .
Tạm ngừng vài ba phút , Võ Đại tướng nói rõ thêm :
− Khá nhiều trí thức Việt Nam lúc ấy giữ thái độ im lặng . Im lặng để “quan sát” mọi hành động của Việt Minh từ sau ngày Chính phủ Lâm thời tuyên bố độc lập .
Nhiều nhà xuất bản tư nhân , nhiều tờ báo tư nhân ra đời từ thời thuộc Pháp và thuộc Nhật , đến nay , sau cách mạng Tháng Tám , vẫn tiếp tục hoạt động .
Một nhóm sĩ quan quân đội Pháp bí mật nhảy dù xuống một địa điểm không xa kinh thành Huế . Họ mang thư của chính phủ Pháp sang tìm những người Việt Nam thân Pháp nhằm lập một liên minh chống chính quyền cách mạng . Tuy nhiên , nhóm sĩ quan này đã bị cán bộ Việt Minh bắt giữ .
Uống xong một tách trà , cựu Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp từ từ nhấn mạnh :
− Còn vô số biểu hiện phức tạp khác trong xã hội ta suốt mười tám
tháng kể từ sau cách mạng Tháng Tám trở đi .
Trong bối cảnh như thế , TỰ DO BÁO CHÍ và TỰ DO XUẤT BẢN trở nên một vấn đề CẤP BÁCH và KHÓ GIẢI QUYẾT .
Trong bối cảnh như thế , tự do báo chí và tự do xuất bản đòi hỏi Đảng Cộng sản Đông Dương phải đưa ra được những quyết định vừa cụ thể vừa sáng suốt .
Ngày 29 / 9 / 1945 , buổi sáng , tại Bắc Bộ Phủ( nay là Nhà Khách Chính phủ − đường Ngô Quyền – Hà Nội ) , Tổng bí thư Trường Chinh chủ tọa một cuộc họp để bàn về vấn đề báo chí .
Các thành viên gồm một số Ủy viên Ban Thường vụ và Ủy viên Trung ương Đảng đang có mặt tại Hà Nội .
Tham dự cuộc họp còn có Bí thư Thành ủy Hà Nội Trần Danh Tuyên , Bí thư Đảng bộ Khu an toàn xung quanh Hà Nội Hoàng Tùng .
Mấy ngày trước cuộc họp , tôi ký nhiều giấy mời mời nhiều nhà trí thức và văn nghệ sĩ nổi tiếng đến dự với tư cách thành viên chính thức .
Đó là nguyênPhó chủ tịch Ủy ban Dân tộc Giải phóng Trần Huy Liệu , luật gia Bộ trưởng Tư pháp Vũ Trọng Khánh , bác sĩ Chủ tịch Ủy ban Hành chính TP Hà Nội Trần Duy Hưng , nhà hoạt động nổi tiếng trong Hội Huớng đạo Việt Nam Hoàng Đạo Thúy , luật gia Tổng bí thư đảng Dân chủ Dương Đức Hiền , nhạc sĩ Văn Cao , nhạc sĩ Đỗ Nhuận , giáo sư Đặng Thai Mai , giáo sư tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên , nhà văn Nguyễn Huy Tưởng , luật gia Bộ trưởng Giáo dục Vũ Đình Hòe , nhà thơ – kỹ sư nông lâm Cù Huy Cận , giáo sư Nguyễn Tường Phượng , luật sư tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tường , giáo sư Hoàng Minh Giám , nhà văn Nguyễn Đình Thi , nhà hoạt động văn hóa Nguyễn Hữu Đang , nhà phê bình Nguyễn Bách Khoa ( tức Trưởng Tửu ) , giáo sư Vân Hạc Lê Văn Hòe và một số vị khác .
Im lặng một lát , Võ Nguyên Giáp nói tiếp :
– Sau phần khai mạc của anh Trường Chinh , đến phần thảo luận .
Loại ý kiến thứ nhất cho rằng : nếu thực hiện quyền tự do báo chí bằng cách cho ra báo tư nhân thì không thể “ quản lý ” được dư luận xã hội . Như vậy , mặt trận tuyên truyền của cách mạng dễ bị núng thế . Từ đó , bọn Việt gian và các phần tử thân Pháp sẽ thừa cơ tuyên truyền chống nhân dân , chống cuộc kháng chiến ở Nam Bộ . Từ đó , lực lượng phản cách mạng sẽ dần dần tiến tới hành động lật đổ chính quyền dân chủ cộng hòa .
Các thành viên thuộc quan điểm nói trên đề nghị : hoàn toàn không cho ra báo tư nhân , hoàn toàn không cho thành lập nhà xuất bản tư nhân .
Đến đây , Võ Nguyên Giáp hỏi tôi :
− Có chỗ nào anh chưa rõ hay không ?
− Thưa Đại tướng , chỗ nào Đại tướng nói cũng rõ ràng và dễ hiểu .
Vị cựu Bộ trưởng Nội vụ gật đầu , tiếp tục câu chuyện :
− Loại ý kiến thứ hai cho rằng : chỉ cho ra báo tư nhân hoặc tạp chí tư nhân về khoa học tự nhiênvà về kỹ thuật . Còn báo tư nhân và tạp chí tư nhân về khoa học xã hội hoặc về các vấn đề xã hội khác đều không được phép xuất bản .
Cả hai loại ý kiến trên , vẫn lời Võ Nguyên Giáp , đều nhất trí : phải chấm dứt ngay hoạt động của các báo chí tư nhân và nhà xuất bản tư nhân ra đời từ thời Pháp , Nhật .
Cuộc họp khá căng thẳng sau khi các thành viên nói trên phát biểu .
Nhiều thành viên trí thức và văn nghệ sĩ im lặng hoặc chau mày .
Bốn anh Văn Cao , Trần Huy Liệu , Nguyễn Mạnh Tường , Nguyễn Bách Khoa đứng dậy ra hành lang hút thuốc lá hoặc đi đi lại lại .
Khoảng mười phút sau , bốn anh trở lại phòng họp .
Người đầu tiên phát biểu sau mười phút căng thẳng là Hoàng Tùng .
Người chiến sĩ cách mạng đã từng bị tù tại Sơn La đó không tán thành cả hai loại ý kiến trên .
Hoàng chiến sĩ nói : cụ Huỳnh Thúc Kháng , ra tù Côn Đảo , tám năm sau , vẫn được thực dân Pháp cho xuất bản tại Huế tờ “ Tiếng Dân ” .
“ Tiếng Dân ” , tờ báo tư nhân nổi tiếng . Nổi tiếng vì cơ quan ngôn luận này đã góp phần đấu tranh cho quyền lợi của nhân dân , góp phần đấu tranh chống thực dân Pháp .
Hoàng chiến sĩphân tích thêm : một số nhà xuất bản tư nhân thời thuộc Pháp đã từng in không ít tác phẩm yêu nước của Phan Bội Châu , Phan Chu Trinh , Đông Kinh Nghĩa Thục , v.v…
Hoàng chiến sĩ khẳng định : như vậy , trong bối cảnh nước ta hiện nay , 1945 , dù phức tạp thế nào , chính quyền cách mạng vẫn phải thực hiện quyền tự do báo chí .
( Lúc này , cô Thu Hương – nhà nhiếp ảnh , người đi cùng tôi – bấm máy chụp mấy kiểu khi Đại tướng đang trò chuyện ) .
Võ Nguyên Giáp kể tiếp :
− Anh Hoàng Tùng nhấn mạnh : Việt Nam là nước cộng hòa , nước dân chủ . Nền dân chủ cộng hòa , dù đang ở trong hoàn cảnh rất phức tạp hiện nay , 1945 , vẫn phải thực hiện quyền tự do ngôn luận . Nếu không cho ra báo tư nhân và không cho thành lập nhà xuất bản tư nhân thì hóa ra thực dân Pháp lại dân chủ hơn chính quyền cách mạng !
Tôi , Hoàng Tùng , cho rằng : các báo tư nhân và nhà xuất bản tư nhân ra đời từ thời Pháp , Nhật phải được tiếp tục hoạt động .
Anh Phạm Văn Đồng cũng đứng dậy , hùng hồn phát biểu :
− Tôi tán thành ý kiến đồng chí Hoàng Tùng . Chúng ta phải tin tưởng ở nhân dân , phải dựa vào nhân dân để thực hiện quyền tự do ngôn luận . Báo chí tư nhân và nhà xuất bản tư nhân phải được nhà nước dân chủ cộng hòa cho phép ra đời .
Anh Phạm Văn Đồng nói chậm lại và nhấn mạnh từng từ một :
− Trường hợp báo “ Tiếng Dân ” của cụ Huỳnh Thúc Kháng , chúng ta không được phép bỏ quên !
Chúng ta , trong bối cảnh phức tạp hiện nay , càngphải có trách nhiệm thực hiện quyền tự do báo chí và tự do xuất bản .
Các thành viên tạm ngừng tranh luận vì đến giờ nghỉ trưa .
Buổi chiều , từ 13 giờ rưỡi , cuộc họp tiếp tục.
Anh Trường Chinh nhắc lại những điểm chính của phiên họp buổi sáng . Sau đó , anh đề nghị tôi phát biểu .
Tôi phân tích :
− Hoàn cảnh đất nước càng khó khăn , nhà nước càngphải tin ở toàn dân nói chung , càng phải tin ở tầng lớp trí thức nói riêng . Nhân dân , bao giờ và ở đâu , như chúng ta đã biết , cũng đều vững vàng và sáng suốt . Nhân dân chính là một trong những lực lượng hùng mạnh giúp đỡ báo chí tồn tại và phát triển .
Uống một vài ngụm trà , Võ Nguyên Giáp tiếp tục kể :
− Tôi nhắc lại ý kiến hai anh Phạm Văn Đồng và Hoàng Tùng về trường hợp tờ báo của cụ Huỳnh .
Sau đó , tôi nhấn mạnh : nếu không thực hiện quyền tự do ngôn luận thì cách mạng không thể giải thích được sự kiện cụ Huỳnh sau khi ra tù lại được thực dân Pháp cho xuất bản tờ “ Tiếng Dân ” .
Tôi phân tích thêm :
− Thể chế chính trị Việt Nam là cộng hòa ,là dân chủ . Vì vậy , chúng ta phải thực hiện quyền tự do ngôn luận để góp phần chứng tỏ bản chất dân chủ của chính quyền cách mạng .
Tôi khẳng định :
− Chúng ta đều biết : chủ nghĩa phát xít đã tắt thở . Chúng ta cũng biết : thực dân Pháp hiện nay , 1945 , không còn ngự trị trên đất nước Việt Nam . Phong trào độc lập và dân chủ trên thế giới sau chiến tranh thế giới lần thứ hai đang phát triển . Do đó , việc thực hiện quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam là cần thiết và tất yếu .
Kết thúc phần phát biểu của mình , tôi nói :
− Với tư cách Bộ trưởng Nội vụ , trong bối cảnh hiện nay , tôi vẫn đề nghị : thực hiện quyền ra báo tư nhân , quyền thành lập nhà xuất bản tư nhân trên đất nước ta . Hai quyền này chính là biểu hiện cụ thể của quyền tự do ngôn luận .
Với tư cách Bộ trưởng Nội vụ , trong bối cảnh hiện nay , tôi vẫn đề nghị : cho phép các tờ báo tư nhân và nhà xuất bản tư nhân ra đời từ thời Pháp , Nhật được tiếp tục hoạt động .
Tôi xin chịu trách nhiệm hoàn toàn về đề nghị nói trên trước nhân dân và trước chính quyền cách mạng .
Võ Nguyên Giáp nói tiếp :
− Người phát biểu đầu tiên trong các thành viên trí thức của cuộc họp là anh Nguyễn Hữu Đang .
Đứng bật dậy , Nguyễn Hữu Đang đưa ra một lập luận cô đọng : Tự do báo chí , tự do ngôn luận là đặc điểm bản chất của nền Dân chủ Cộng hòa . Chính vì đặc điểm bản chấtcủa nền Dân chủ Cộng hòa , tôi tán thành chủ trương ra báo tư nhân và thành lập nhà xuất bản tư nhân .
Cựu Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp ngừng lại một lát , uống hai tách trà , rồi tiếp tục kể :
− Các anh Trần Huy Liệu , Vũ Trọng Khánh , Đặng Thai Mai , Dương Đức Hiền , Văn Cao , Nguyễn Huy Tưởng , Vũ Đình Hòe , Nguyễn Văn Huyên , Nguyễn Mạnh Tường , Cù Huy Cận , Nguyễn Đình Thi , Nguyễn Bách Khoa , Lê Văn Hòe cũng đều lần lượt phát biểu .
Giáo sư Đặng Thai Mai biểu thị thái độ của mình bằng hành động đứng dậy , im lặng nhìn khắp lượt các thành viên cuộc họp . Sau đó , ông từ tốn lên tiếng : Còn phải bàn cãi gì nữa ! Tự do ngôn luận đồng nghĩa với tự do ra báo tư nhân và thành lập nhà xuất bản tư nhân . Tất nhiên , quyền tự do đó phải tuân theo quy định của pháp luật .
Trần Huy Liệu đưa ra một lập luận đầy tính khoa học . Anh nói : Chính nhân dân đã giành được nền độc lập , giành được quyền tự do trong cách mạng Tháng Tám . Vì vậy , nhân dân , mặc nhiên có quyền hưởng một nền tự do ngôn luận , trong đó có tự do báo chí . Nội dung chủ yếu của cuộc họp hôm nay không phải là “ có thực hiện quyền tự do ngôn luận hay không ” . Nội dung chủ yếu của cuộc họp hôm nay , theo Trần Huy Liệu , chính là “ bàn về việc thực hiện quyền tự do ngôn luận , trong đó có tự do báo chí ” .
Nhà văn Nguyễn Đình Thi đứng lên cho biết : Vừa qua , Quốc dân Đại hội ( họp ở xã Tân Trào − tỉnh Tuyên Quang) cũng quyết định phải thực hiện tự do ngôn luận . Cho nên tôi , Nguyễn Đình Thi , hoàn toàn nhất trí với ý kiến của các ông Hoàng Tùng , Phạm Văn Đồng , Trần Huy Liệu , Đặng Thai Mai , Nguyễn Hữu Đang .
Luật gia Dương Đức Hiền , sau khoảng một phút đứng lên nhìn anh em , cũng phát biểu . Anh Hiền nhấn mạnh : Nếu thực hiện quyền ra báo tư nhân và quyền thành lập nhà xuất bản tư nhân thì nhà nước chúng ta mới thật sự mang tính cách mạng .
Hướng về Tổng bí thư Trường Chinh , nhà thơ kỹ sư Cù Huy Cận nhấn mạnh : Tôi hoàn toàn đồng ý với hai ông Hoàng Tùng , Phạm Văn Đồng .
Trước khi ngồi xuống , Huy Cận đứng nghiêm , giơ quả đấm tay phải lên cao ngang thái dương ( theo kiểu chào của Việt Minh thời đó ) . Vừa chào , anh vừa nhắc đi nhắc lại ba lần : cám ơn Hoàng Tùng , cám ơn Phạm Văn Đồng .
Luật gia Bộ trưởng Giáo dục Vũ Đình Hòe cũng nếu ý kiến của mình . Anh Hòe khẳng định : Tự do ngôn luận đồng nghĩa với việc được nhà nước cho phép thành lập nhà xuất bản tư nhân và ra báo tư nhân .
Tạm ngừng một vài phút , uống một tách nước trà , cựu Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp tiếp tục kể :
− Giáo sư tiến sĩ Nguyên Văn Huyên đứng lên phát biểu . Anh nói : Tôi
nhất trí hoàn toàn với lập luận của tất cả các vị từ buổi sáng đến bây giờ về việc sớm thực hiện quyền tự do ngôn luận . Ra báo tư nhân và thành lập nhà xuất bản tư nhân trong xã hội ta hôm nay là chuyện tất yếu .
Nhạc sĩ Văn Cao đứng lên . Anh khẳng định ngay lập tức : Ý kiến đồng chí Trần Huy Liệu hoàn toàn chính xác . Cuộc họp hôm nay chỉ cần bàn về vấn đề “ thực hiện khẩn trương quyền tự do ngôn luận ” .
Luật gia Bộ trưởng Tư pháp Vũ Trọng Khánh đưa ra một câu ngắn gọn . Câu đó như sau : Ra báo tư nhân và thành lập nhà xuất bản tư nhân , đó chính là một trong những thực quyền của công dân Việt Nam hiện nay .
Nhà phê bình Nguyễn Bách Khoa thẳng thắn nói : Ủng hộ quyền ra báo tư nhân và thành lập nhà xuất bản tư nhân , đó là hành động chân chính .
Đứng lên một lúc lâu , sau đó , giáo sư Lê Văn Hòerời chỗ ngồi , đến siết chặt tay Trần Huy Liệu . Giáo sư khẳng định : Tôi đồng tình với lập luận không thể lật ngược đuợc của Trần huynh !
Anh Trần Duy Hưngtrịnh trọng nói : Tôi nhất trí hoàn toàn với ý kiến sâu sắc của nhà cách mạng Trần Huy Liệu .
Người huynh truởng Hội Huớng đạo Việt Nam Hoàng Đạo Thúy nhìn về phía Văn Cao khoảng một phút . Sau đó , anh nói : Ý kiến của nhạc sĩ Văn Cao là ý kiến của tôi .
Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng phát biểu sau cùng . Anh nói : Bàn luận làm gì nữa ! Chế độ dân chủ cộng hòa tất yếu phải đi đôi với tự do ngôn luận ! Báo chí và xuất bản phải dành cho tư nhân một vị trí xứng đáng !
Đến đây , ngừng lại khoảng năm phút , uống một tách trà , Võ Nguyên Giáp tiếp tục trò chuyện :
− Sau khi nghe các nhà trí thức phát biểu , Tổng bí thư Trường Chinh đi vào phần cuối cùng của cuộc họp .
Anh kết luận : Về việc “ cấp giấy phép ” hoặc “ không cấp giấy phép ” ra báo tư nhân và thành lập nhà xuất bản tư nhân , hội nghị trao toàn quyền cho Bộ Nội vụ . Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm hoàn toàn về vấn đề tự do ngôn luận trước nhân dân Việt Nam và trước lịch sử .
Toàn thể các thành viên giơ tay nhất trí với kết luận của Tổng bí thư .
Hôm sau , tức ngày 30 / 9 / 1945 , tôi mời anh Hoàng Tùng cùng toàn thể các trí thức , văn nghệ sĩ có mặt trong cuộc họp hôm qua đến Bộ Nội vụ bàn về việc cụ thể hóa kết luận của anh Trường Chinh .
Cuộc thảo luận nhất trí các vấn đề cụ thể dưới đây :
1. Vấn đề xin phép ra báo ( tư nhân , nhà nước , đoàn thể ) ; vấn đề thành lập nhà xuất bản ( tư nhân , đoàn thể , nhà nước ) : phải có đơn xin phép gửi đến Bộ Nội vụ . ( Mẫu đơn sẽ ấn định sau ) .
2. Trong vòng một tuần lễ , Bộ Nội vụ phải trả lời bằng văn bản cho người viết đơn rõ : người đó có được cấp giấy phép hay không.
3. Nghị định cho phép ra báo hoặc đình bản báo , cho lập nhà xuất bản hoặc đóng của nhà xuất bản phải đăng toàn văn trên Công báo .
4. Các nghị định đó do Bộ trưởng Nội vụ ký hoặc Đổng lý Văn phòng (nay gọi là Chánh Văn phòng) Bộ Nội vụ ký theo sự ủy nhiệm của Bộ trưởng Nội vụ .
5. Trách nhiệm của báo chí và nhà xuất bản :
a. Báo chí và nhà xuất bản có quyền và có trách nhiệm nói rõ sự thật , bảo vệ sự thật .
b. Phải ưu tiên cho các chủ đề cứu nước , giữ nước , xây dựng và phát triển đất nước , chống thực dân xâm lược .
c. Và một số trách nhiệm khác .
Tôi được cử làm Bộ trưởng Nội vụ từ sau ngày mùng 2 / 9 / 1945 tới đầu tháng 3 / 1946 .
Đầu tháng 10 /1945 , Bộ Nội vụ ký HAI MUƠI SÁU nghị định ( đợt đầu tiên) cho phép ra hai muơi sáu tờ báo và tạp chí nhà nuớc , đoàn thể hoặc tư nhân . Người ký , theo ủy nhiệm của tôi , là Đổng lý Văn phòng ( tức Chánh văn phòng ) Hoàng Minh Giám .
Một trong những người được nhận giấy phép ra báo tư nhân đợt đầu tiên là Trần Khánh Giư ( tức nhà văn lớn Khái Hưng ) . Tờ của Khái Hưng , báo hàng ngày , mang tên “ Tự Do ” .
Đợt đầu tiên còn có “ Văn Mới ” ( mỗi tuần ra hai kỳ) của Nguyễn Bách Khoa ( tức nhà phê bình Trương Tửu ) .
Anh Trương Tửu ,sau khi nhận được giấy phép , đến ngay Bộ Nội vụ trực tiếp gặp tôi và cám ơn .
Cũng đợt đầu tiên, còn có tạp chí “ Tri Tân ” ( bộ mới , mỗi tháng một kỳ ) của giáo sư Nguyễn Tường Phượng ; tờ “ Việt Nam Hồn ” của nhà tiểu thuyết Lê Văn Trương ( mỗi tuần hai kỳ ) .
Tờ “ Dân Quyền ” ( mỗi tuần hai kỳ ) của Lê Văn Thanh cũng nằm trong loạt nghị định ký đợt một .
Từ sau đợt mộtnói trên đến đầu tháng 3 / 1946 , tôi tiếp tục ủy nhiệm anh Hoàng Minh Giám ký các nghị định khác cho phép ra nhiều tờ báo ( nhà nước , đoàn thể hoặc tư nhân ) .
Chẳng hạn , cuối 1945 , ký nghị định cho giáo sư Đoàn Phú Tứ ra tuần báo “ Nói Thẳng ” , giáo sư Lê Văn Hòe ra tờ “ Công Dân ” , nhà tiểu thuyết Lê Văn Trương ra tờ “ Thăng Long ” ( báo hàng ngày ) .
Cuối 1945 , anh Giám cũng ký thay tôi , cho phép nhà văn Hồ-tchao-Yng ( tức Hồ Dzếnh ) ra tờ báo hàng ngày bằng tiếng Việt và tiếng Trung Hoa mang tên “ Báo Nam Hoa ” .
Đợi một nhân viên ra rót thêm nuớc vào ấm trà xong , Võ Nguyên Giáp nói tiếp :
− Các nhà báo , các chủ nhiệm báo tư nhân và giám đốc các nhà xuất bản tư nhân hồi ấy đều là những người có lòng yêu nuớc , vững tay nghề . Những công dân đó có lương tâm , sử dụng tiếng Việt giỏi , sử dụng tiếng Pháp cũng cừ .
Báo chí tư nhân hồi ấy góp phần quan trọng vào việc quạt to thêm ngọn lửa yêu nước , chống âm mưu xâm lược lại nước ta của thực dân Pháp .
Cuộc chiến tranh Việt − Pháp , theo nhận định của Ban Thường vụ , sớm muộn chắc chắn sẽ bùng nổ . Vì vậy , đầu tháng 3 / 1946 , tôi được cử sang chuyên trách chính trị và quân sự .
Ngày 12 / 3 / 1946 , Phó chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Huỳnh Thúc Kháng được cử kiêm nhiệm chức Bộ trưởng Nội vụ thay tôi.
Cùng ngày đó , trong lễ bàn giao công tác , tôi nói rõ :
− Huỳnh tiên sinh là một nhà cách mạng cứu nước kiên cường và gương mẫu . Chính cụ đã dạy tôi nghề làm báo . Việc cụ Huỳnh phụ trách Bộ Nội vụ chắc chắn sẽ góp phần đưa ngành báo chí và ngành xuất bản tiến tới những mùa gặt mới .
Tiến sĩ nho học Huỳnh Thúc Kháng vóc dáng gày gò , đôi mắt luôn luôn rực sáng . Cụ nhìn tôi với một tình cảm rất thân thiết .
Nhà cách mạng − nhà đại trí thức nho học ấy , áo dài , khăn xếp , đang đứng trước mặt tất cả chúng tôi .
Nói giọng Quảng Nam , nhưng giọng cụ lúc nào cũng sang sảng .
Huỳnh tiến sĩ đứng lên phát biểu thẳng thắn :
− Tôi được nhân dân cử làm Phó chủ tịch nước , nay lại được trao thêm chức Bộ trưởng Nội vụ thay Võ Bộ trưởng . Quý hóa quá ! Vinh hạnh quá ! Tôi cảm ơn Võ Bộ trưởng vì ông đã để lại cho tôi nhiều kinh nghiệm thiết thực về việc xây dựng Bộ Nội vụ trong những ngày đầu non trẻ .
Nhìn khắp lượt các thành viên trong lễ bàn giao , Huỳnh Phó chủ tịch tiếp tục nói :
− Tôi là tù chính trị loại một bị thực dân Pháp đày ra Côn Đảo . Cùng bị tù ở Côn Đảo với tôi hồi đó có cụ Đặng Nguyên Cẩn , thân sinh giáo sư Đặng Thai Mai .
Hết hạn tù , nhưng khoảng tám năm sau , tức năm 1927 , tôi vẫn được ra báo tư nhân .
Thực dân Pháp phải cấp cho tôi giấy phép , mặc dầu chế độ thực dân Pháp không dân chủ .
Tôi , Huỳnh Thúc Kháng , xin hứa với quốc dân : Bộ Nội vụ , ngay từ ngày mai , 13 / 3 / 1946 , sẽ tiếp tục thực hiện quyền tự do báo chí và tự do xuất bản .
Quyền tự do này đã được Võ Bộ trưởng thực hiện trong khoảng nửa năm vừa qua .
Cụ Huỳnh nói tiếp :
− Phải tin ở nhân dân , trong đó có người tri thức . Phải tôn trọng nhân dân và người tri thứcngay cả trong những giờ phút khó khăn nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa .
Cụ Huỳnh nhấn mạnh : vinh dự của người cách mạng là tạo mọi điều kiện để mọi công dân thực hiện mọi quyền tự do của mình theo hiến định .
Sắp tới đây , nếu muốn ra báo , công dân chỉ việc viết đơn ( theo mẫu sẽ quy định sau ) . Bộ Nội vụ , sau một vài tuần kể từ khi nhận được đơn , sẽ trả lời đồng ý nếu không có gì trở ngại . Dễ dàng như vậy thôi .
Tôi , Huỳnh Thúc Kháng , nhắc lại : thể chế chính trị nước ta hiện tại , 1946 , là dân chủ . Vì vậy , chúng ta phải dân chủ hơn hẳn thực dân Pháp .
Nghe cụ Huỳnh tuyên bố như trên , các phóng viên và các thành viên có mặt trong lễ bàn giao vỗ tay vang dội .
Nhà cách mạng Võ Nguyên Giáp kể tiếp :
− Cụ Huỳnh đã nói là làm , làm mạnh , làm sớm .
Khoảng chíntháng là Bộ trưởng Nội vụ , cụ đã ủy nhiệm cho Đổng lý Văn phòng ký nhiều nghị định cho ra nhiều tờ báo ( nhà nước , đoàn thể và tư nhân ) .
Nhìn thẳng về phía trước , Võ đại tướng nhấn mạnh :
− Dù không ủng hộ Việt Minh , nhưng một vài tờ báo thuộc Việt Nam Quốc dân đảng và đảng Đại Việt cũng không có một biểu hiện nào đáng chê trách .
Từ cách mạng Tháng Tám tới toàn quốc kháng chiến ( 19 / 12 / 1946 ) , thời gian khoảng mười támtháng .
Báo chí nhà nước và tư nhân mười tám tháng đó đều tập trung vào các chủ đề yêu nước , chuẩn bị kháng chiến chống thực dân Pháp .
Báo chí nhà nước và tư nhân mười tám tháng đó đều góp phần thúc đẩy ý chí quyết thắng giặc Pháp của toàn dân .
Vị cựu Bộ trưởng Nội vụ kết luận :
− Việc thực hiện quyền ra báo tư nhân và lập nhà xuất bản tư nhân sau cách mạng Tháng Tám là một chủ trương HOÀN TOÀN ĐÚNG !
Chủ trương ấy trở thành hiện thực chính là nhờ vào sự sáng suốt của toàn dân ,trong đó có những trí thức và văn nghệ sĩ chân chính .
Trận tranh luận sôi nổi ngày 29 / 9 / 1945 ( mà tôi kể lại ở trên ) chính là TRẬN GIAO PHONG ĐẦU TIÊN Ở NƯỚC TA VỀ QUYỀN TỰ DO NGÔN LUẬN .
Đó chính là trận giao phong đầu tiên ở Việt Nam về quyền tự do ngôn luận giữa quan điểm NHÂN DÂN với quan điểm CỰC TẢ .
Đó cũng chính là trận thắng đầu tiên ở Việt Nam của quan điểm nhân dân đối với quan điểm giáo điều , bảo thủ trên lĩnh vực báo chí và xuất bản .
Uống từ từ một tách trà , Võ Nguyên Giáp nói tiếp :
− Cuối tháng 2 / 1946 , trước khi ngừng công tác tại Bộ Nội vụ , tôi ủy nhiệm anh Hoàng Minh Giám thay tôi ký nghị địnhcho phép anh Nguyễn Hồng Nghi ra “ Tân Quang tạp chí ” . “ Tân Quang tạp chí ” ,ngay sau đó , đổi tên thành “ Ảnh ”. “ Ảnh ” ( mỗi tháng một kỳ ) là tạp chí đầu tiên về nhiếp ảnh ở nước ta . ( Anh Nguyễn Hồng Nghi , năm 1954 , đi Điện Biên Phủ , quay phim tại mặt trận và một số năm sau , là Tổng thư ký Hội Điện ảnh Việt Nam ) .
Tất cả các vị chủ nhiệm báo ( nhà nước , đoàn thể , tư nhân ) , sau khi ra số đầu , đều tự tay mang báo đến Bộ Nội vụ , trực tiếp trao tặng tôi .
* * * * * *
11 giờ 15 phút .
Đại tá Tâm nhắc nhở Võ Đại tướng : đến giờ nghỉ.
Đại tướng cho tôi biết :
− Chiều nay , anh Trần Văn Trà đến đây . Bây giờ , ta tạm nghỉ . Văn phòng , qua Đại tá Tâm , sẽ thông báo cho anh thời điểm cụ thể những lần gặp sắp tới để tôi trả lời năm vấn đề còn lại .
Rất thân tình , ông tiễn tôi mấy bước .
Tới cửa phòng , vừa siết chặt tay tôi , nhà cách mạng họ Võ vừa nói :
− Cụ Huỳnh , hai anh Phạm Văn Đồng , Hoàng Tùng và tôi cùng tất cả các trí thức , văn nghệ sĩ nói trên đều thật lòngthực hiện quyền tự do nggôn luận !
Tôi chịu trách nhiệm hoàn toàn trước nhân dân , trước lịch sử về các nghị định mà tôi ủy nhiệm anh Hoàng Minh Giám ký về việc cho ra các loại báo ( nhà nước , đoàn thể , tư nhân ) .
Nhìn thẳng vào mắt tôi , nhà cách mạng Võ Nguyên Giáp nhấn mạnh :
− Phải thật sự tin tưởng ở nhân dân ! Phải thật sự thực hiện các quyền tự do , dân chủ của nhân dân ngay cả khi đất nước lâm vào hoàn cảnh NGÀN CÂN TREO TRÊN SỢI TÓC !
Tôi lễ phép cúi chào vị cựu Bộ trưởng Nội vụ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa .
Ông giơ bàn tay phải lên quá đầu một chút , nhìn tôi , rồi từ từ quay trở lại phòng trong .
Trên đường về phía sân bay Tân Sơn Nhất , bên tai tôi âm vang câu nói :
− “ Phải thật sự tin tưởng ở nhân dân ! Phải thật sự thực hiện các quyền tự do , dân chủ của nhân dân ngay cả khi đất nước lâm vào hoàn cảnh NGÀN CÂN TREO TRÊN SỢI TÓC ! ” .
TP Hồ Chí Minh , tháng 6 / 1992
0 comments:
Post a Comment