Cô gái trên đường tàu Izu
Izu là một bán đảo có suối nước nóng trong tỉnh Shizuoka, ở phía nam và cách Tokyo không xa lắm. Izu là một địa danh nổi tiếng với truyện Izu no Odoriko ("Cô đào xứ Izu") của nhà văn Kawabata Yasunari. Từ Tokyo có hai cách đi để đến bán đảo này: một là đi dọc theo bờ biển Thái Bình Dương, và hai là đi xuyên qua vùng đồi núi Hakone.
Đường đi dọc theo bờ biển là tuyến đường Tokaido Honsen (Đông Hải Đạo bổn tuyến ) từ ga Tokyo qua ngả Yokohama thẳng tới vùng biển Atami, sau đó đổi sang tuyến Ito-sen và Izu-kyukou-sen chạy dọc theo bờ biển phía đông của bán đảo. Các đường tàu này đều đi về cảng Shimoda.
Cách thứ hai là theo tuyến đường Odakyu từ Shinjuku tới ga Odawara, nơi có di tích một ngôi thành cổ -nay đã được phục chế-, sau đó đổi sang đường tàu Shinkansen, với con tàu sẽ vùn vụt chui qua không biết bao nhiêu là đường hầm trong vòng chưa tới mười phút là ra tới bờ biển Atami. Từ đó cũng lại đổi sang các đường tàu Ito-sen và Izu-kyukou-sen đi đến trạm cuối Shimoda. Shimoda có một bến tàu, là nơi mà cô đào hát trong truyện Izu no Odoriko đã mải miết vẫy tay tiễn đưa người sinh viên trở về Tokyo.
Ito có nghĩa là phía đông của bán đảo Izu. Vì vậy Ito-sen là tuyến đường tàu chỉ chạy trên bờ phía đông của bán đảo này. Phương tiện di chuyển chính ở phía tây của bán đảo này là xe hơi, xe buýt. Do đó bờ phía tây còn vắng vẻ, tuy rằng cũng nhờ thế mà các bãi biển bên ấy nghe nói là còn rất đẹp.
Ở Nhật hễ nơi nào có onsen, tức ôn tuyền (suối nước nóng) là có lữ quán, có sơn trang, có các nhà nghỉ của các công ty. Bán đảo Izu là một địa điểm nghỉ dưỡng lý tưởng có ôn tuyền, có núi, có biển, đủ cả.
Mấy năm gần đây, vào các kỳ nghỉ trong năm, tôi thường hay tới một nhà nghỉ ở trên triền núi Komuro gần ga Kawana, một ga xép trên đường tàu Ito-sen. Mọi lần tôi đi tàu nhanh tới ga Ito rồi từ đó đi taxi lên núi.. Gần đây bệnh say sóng (say xe) của tôi không hiểu sao lại tái phát, tôi sợ mình không đủ sức đi taxi từ Ito, nên chỉ mua vé tàu nhanh từ Atami tới ga Ito, rồi từ Ito chờ chuyển sang tàu thường sẽ ngừng mọi ga, để đến ga Kawana. Ga Kawana gần nhà nghỉ hơn, chỉ phải đi xe taxi một quãng ngắn.
Đối với người từ Tokyo tới, các sân ga vắng vẻ của các đường tàu địa phương thường dễ trở nên đẹp nên thơ, dù cho có mộc mạc tới mấy. Ở vùng này núi chạy dọc gần bờ biển, nhiều nhà ga thường nằm sát sườn đồi núi, bên kia những tuyến đường tàu trong sân ga thường là các triền đồi với rừng cây xanh mướt vẳng tiếng ve kêu râm ran, tiếng côn trùng rền rĩ.
Tôi đợi ở ga Ito một lát sau thì con tàu tiến vào sân ga.
Thời chúng tôi còn đi học, con tàu trên các tuyến đường tàu địa phương bao giờ cũng ngắn vì ít toa và trông có vẻ cũ kỹ. Và lâu nay tôi thường đi tàu nhanh tới Ito, nên lần này đã không khỏi ngạc nhiên khi thấy con tàu thường (dừng ở mọi nhà ga) lại đẹp đến thế. Thân tàu màu đen bóng tuyệt đẹp, có sọc đỏ chạy dài. Mũi tàu chẳng khác nào tàu shinkansen, tức là hơi dài và chìa ra phía trước. Và thú vị hơn nữa là ghế ngồi trong hai toa ở hai đầu tàu giống hệt như trong rạp hát, có nghĩa là hàng ghế sau cao hơn hàng ghế trước- để từ bất cứ hàng ghế nào cũng có thể nhìn thấy rõ phong cảnh phía trước. Do đó khi bước vào toa này thì phải leo mấy bực tam cấp ( tứ.. ngũ lục cấp..cũng không chừng).
Tôi may mắn tìm được một ghế trống trong toa đầu tàu. Mũi tàu dài nhô ra khiến tấm kính trước mũi tầu làm thành chiếc mui che phía trên buồng lái. Tấm kính đó cũng như các cửa sổ bằng kính hai bên thân toa tầu cũng khá lớn khiến cho hành khách có cảm tường đang ngồi trong căn phòng bốn bề lát kính.
Tôi nhận ra là ở buồng lái ở mũi tàu có tới hai ghế, một xanh một đỏ. Ghế bên phải không có người ngồi, tôi đoán là họ đổi tài xế ở ga này và ông tài xế còn chưa tới. Ghế bên trái có một cô gái mảnh mai ngồi sẵn ở đó, với mái tóc dài được buộc gọn lại sau lưng dưới vành mũ giống như của các cô hướng dẫn du lịch trên xe buýt.
Lạ nhỉ, xe điện mà cũng có các cô này ư ? À, có lẽ là nhân viên đi soát vé tàu chăng. Tôi thầm nghĩ.
Lúc này các công ty đường sắt như đường tàu Odakyu cũng có nhân viên nữ đứng ở cửa ga, trên sân ga v.v. nên kể ra thì cũng không có gì lạ.
Thế nhưng chuông đã reo, tàu sắp khởi hành mà bác tài vẫn chưa thấy về. Và rồi con tàu lướt đi.
Tôi liền chợt nhớ đến đường tàu mới Yurikamome chạy trên vịnh Tokyo sang Odaiba, hơi giống như đường monorail và có những con tàu không người lái, bèn tự giải thích cho mình rằng "hóa ra con tàu hiện đại này cũng chạy tự động được."
Tàu chạy trên đường núi, mà lúc này đường tàu lại giống như chiếc cầu sắt bắc qua một lũng núi, hoàn toàn không còn bám vào sườn núi. Ánh nắng rọi vào tấm kính ở mũi tàu phản chiếu như chiếc gương soi, cho thấy rõ cô gái đang ngồi ở mũi tàu mặc áo đồng phục trắng, có đường viền xanh ở cổ áo chạy xuống lai áo và gấu áo. Chiếc mũ của cô có vành đã che khuất mặt. Thế rồi, tim tôi bỗng đập thót lại, khi nhận ra trên mặt kính phản chiếu đôi găng tay màu trắng của cô gái đang nắm lấy tay lái. Bấy giờ tôi mới biết cô chính là người đang lái con tàu.
Tay lái của tàu điện khác với bánh lái tròn của xe hơi hay tàu thủy. Hai tay của người lái tàu điện thường phải nắm chặt như kìm giữ hai chiếc cần ở hai bên tả hữu mặt bàn lái trước mặt họ. Trên màn kính phản chiếu, tôi thấy rõ hai bàn tay cô gái đang điều khiển hai chiếc cần đó, thỉnh thoảng cô giơ tay phải lên chào người tài xế của con tàu đi ngược chiều lại.
Nhật Bản cũng đã có nữ phi hành gia Mukai Chiaki, đã lên vũ trụ tới hai lần -vào những năm 1994 và 1998-, thì có gì đâu mà tôi lại trầm trồ kinh ngạc chỉ vì một cô gái lái tàu điện nhỉ. Tôi tự nhủ thầm như thế, để dằn lại sự xúc động. Cũng có thể vì hôm trước tôi mới vừa xem lại phim hoạt hoạ Ginka Tetsudo (Đường tàu Ngân hà) phóng tác truyện của Miyamoto Kenji, nên đầu óc còn mơ màng tưởng chừng mình đang đi trong mơ. Mà cũng có thể là vì hình ảnh một người cầm lái con tàu cũng như một viên thuyền trưởng hay người phi công nắm giữ sinh mệnh của hàng ngàn hành khách trên tàu, mà đó lại là một cô gái mảnh mai, đã khiến tôi không khỏi có một tình cảm gần như là khâm phục.
Tàu ngừng ở ga Minami Ito rồi đi tiếp tới Kawana. Lúc này tôi nhìn kỹ hình ảnh phản chiếu trong tấm gương ở mũi tàu hơn và tôi chợt nhận ra cả đôi chân của cô dưới tà váy, khác hẳn với các nữ nhân viên trên sân ga thường mặc đồng phục tương tự như nam giới.
Một vài em bé được mẹ dắt tới sát tấm kính ngăn phần ghế hành khách với buồng lái để nhìn cho rõ, và có một bà trung niên đi cùng với bà cụ già chống gậy đang ngồi cạnh tôi thì đang chạy tới chạy lui để chụp cảnh thiên nhiên trước mũi tàu. Tôi cũng muốn tới thật gần như vậy, hy vọng sẽ nhìn thấy mặt của cô gái lái tàu phản chiếu trên gương, nhưng chiếc gậy của bà cụ ngồi ghế cạnh tôi đã án ngữ, khiến tôi ngại sẽ làm phiền bà cụ phải nhấc gậy cho tôi đi ra rồi lại sẽ đi vào, nhất là chẳng mấy chốc tôi sẽ xuống ga tới.
Sự hiếu kỳ đã khiến thiếu chút nữa là tôi đã hỏi ông soát vé xem đường tàu này có bao nhiêu nữ tài xế như thế. Tôi thực sự muốn biết đây có phải là trường hợp duy nhất hay không, nếu không thì là bao nhiêu. Thời còn đi học, tôi thuê nhà ở gần Học viện đường sắt, nơi đào tạo những người lái tàu. Trường này khuôn viên rộng mênh mông, có cả cư xá trong đó, và cứ đến cuối tuần là các học sinh ở đó đi ra phố qua xóm tôi, với chiếc chậu nhỏ cầm trong tay. Thọat nhìn cũng biết là họ đi tới nhà tắm công cộng, có lẽ là vì nhà tắm ở các cư xá sinh viên chỉ có vòi hoa sen , mà người Nhật thì có thói quen hay ngâm người trong bồn tắm. Họ đi thành từng nhóm ai nấy đều cao lớn vạm vỡ, trông rõ là một đám võ biền. Thỉnh thoảng có những buổi chiều chúng tôi còn vào khuôn viên trường của họ để chơi vũ cầu trong sân vận động, vào mua nước uống ở phòng ăn. Tôi còn nhớ họ bảo rằng ở đây chỉ có toàn là nam sinh mà thôi. Và tôi cũng có cảm tưởng Học viện này hơi giống như những dẫy doanh trại của quân đội, chứ không giống chút nào với các khuôn viên đại học khác. Trong sân trường và ở phòng ăn bấy giờ chẳng có một bóng hồng nào ngoài các bà nhân viên đứng tuổi.
Chẳng mấy chốc tàu đã tới ga Kawana, tôi xin phép đặt chiếc gậy của bà cụ sang một bên để đeo xách đi ra. Bà trung niên đang ngồi hàng ghế sau cũng vừa đứng lên, cầm máy ảnh toan đi tới để chụp cảnh lúc tàu ngừng .. Lần này thì tôi không dằn được nữa, mà ghé tai bà, thì thầm, với ý muốn nhắc bà ta nhớ chụp ảnh cả cô gái :
-Bà ơi,người tài xế là một cô gái đó bà ạ !
Bà ta tròn mắt lại mà nhìn tôi và nói:
-Kizukanakatta wa ! ( Tôi không nhận ra đấy !)
Rồi bà mỉm cười thích thú, và cảm ơn tôi rối rít khiến tôi rất thú vị vì đã có người chia xẻ với mình.
Đôi mắt tròn xoe của bà như khích lệ tôi. Sau khi xuống xe, tôi đi tới mũi tầu, làm bộ như để chụp ảnh con tầu làm kỷ niệm, mà mục đích dĩ nhiên chỉ là vì muốn biết mặt cô gái.
Khi tôi vừa đi tới ngang cánh cửa hông của chỗ buồng lái, có lẽ do phản xạ tự nhiên của người lái tàu khi thấy có vật lạ tiến đến gần mũi tàu, cô gái bỗng quay ra cửa hông nhìn tôi, chỉ một thoáng thôi, rồi cô lại nhìn về phía trước, chuẩn bị lái.
Đôi mắt cô thật to với hàng mi cong vút, sống mũi thật thanh tú, da trắng như ngọc.
Cô gái đẹp quá làm tôi ngẩn ngơ, và quả là không uổng công cho tôi đã đã bỏ phí cả mười phút trên tàu, quên ngắm phong cảnh rừng núi hai bên vì mải quan sát cô qua hình ảnh phản chiếu trên gương nẫy giờ.
Đứng ở toa đầu tàu theo dõi người lái tàu, ta sẽ thấy họ rất bận rộn. Họ thường đưa tay chỉ trỏ trước mặt hay hai bên phải trái và hô nho nhỏ, tuy lúc họ chỉ có một mình trong buồng lái, và cũng không có con tàu nào đi ngược chiều lại để giơ tay chào. Người lái tàu phải thuộc lòng cảnh sắc hai bên đường, ví dụ ở khoảng nào có tòa nhà nào - bệnh viện, quán rượu hay quán yakitori sát đường rầy, căn nhà mầu gì, cây gì cao thấp làm sao v.v.. bất cứ thứ gì cũng được, miễn là dễ nhớ. Họ nhớ để biết chừng là nếu đi với tốc độ bình thường thì vào khoảng mấy giờ mấy phút sẽ đi qua đâu, vòng xe ở chỗ nào. Có như thế mới bảo đảm tàu đến sân ga thật đúng giờ, và canh làm sao để con tàu khi đỗ lại không bị chờm tới trước vì chạy quá đà, hay ngừng quá sớm mà đỗ không đúng vị trí đã định trên thềm ga..
Con tàu đường Ito-sen này đi qua hầu hết là giữa vùng cây xanh thẫm, chẳng biết người lái tầu trên đọan đường này phải nhớ những gì hai bên đường, song tôi cũng thấy cô gái giơ tay chỉ trỏ nhiều lần.
Tôi tưởng tượng cô gái đã phải lẩm nhẩm hô trong đầu: ở chỗ kia có một cây cao mấy mét, chỗ này có một bụi cẩm tú cầu, chỗ nọ là cây hoa phù dung, hay một vạt hoa huệ trắng. (Nhưng rồi khi hoa tàn thì làm sao mà nhận ra nhỉ ?)
Con tầu đã rời sân ga Kawana, lại tiếp tục đi về hướng Shimoda. Tôi lững thững đi trên sân ga lúc này chẳng còn một ai. Thiên hạ đã ra khỏi cửa ga lâu rồi, trong lúc tôi còn sững sờ mải ngắm cô gái.
Gần một thế kỷ trước các cô đào hát xứ Izu của Kawabata đã sống bằng nghề hát dạo giúp vui cho khách đến tắm ôn tuyền và nghỉ lại các lữ quán trong vùng. Số phận của cô đào trẻ là mai đây thế nào rồi cũng sẽ phải thất thân với một gã thương hồ nào đó, đã khiến cho chàng sinh viên Kawabata từ Tokyo tới không khỏi xót xa thương cảm cho thân phận của cô. Từ đó đến nay truyện ngắn này đã được phóng tác thành phim rất nhiều lần, với những nữ tài tử trẻ đẹp của Nhật Bản. Thế nhưng từ hôm nay, có lẽ cô gái trong phòng lái của con tàu trên đường Ito-sen sẽ là cô gái Izu muôn thuở trong lòng tôi. Một cô gái đã có đủ kiến thức và học lực để có được một nghề sống tự lập. Cô cầm lái một con tàu hiện đại, mà cô lại rất xinh !
Quỳnh Chi
18/8/2009
nguồn: amvc.fr
0 comments:
Post a Comment