Kênh Tên Miền chuyên cung cấp tên miền đẹp, giá rẻ! Hãy liên hệ kỹ thuật: 0914205579 - Kinh doanh: 0912191357 để được tư vấn, hướng dẫn miễn phí, Cảm ơn quý khách đã ủng hộ trong thời gian qua!
Wednesday, 19 March 2014



Chuyện Hải quan




Thực tình mà nói, về Việt Nam từ 1993 đến 2009, chưa bao giờ mình bị hải quan “tống tiền” hết cả. Cứ nghe nói muốn ra khỏi phi trường trót lọt phải kẹp vào thẻ thông hành 10, 20 đô, hay hải quan đòi trăm đô nếu không thì tanh bành hành lý ra khám xét…, hoặc trong thời gian dịch cúm phải xù trăm đô khi qua cái máy đo nhiệt độ nếu không sẽ bị đi nằm viện vì sốt… rất ly kỳ. Bản thân mình chưa hề kẹp cái gì và cũng chưa bị đòi hỏi cái gì. Nghe kể đi xe gắn máy sai luật, bị thổi, xin tha, công an đường phố bảo “Tao mua mấy triệu mới được chỗ này, tha cho mày rồi lấy gì tao bù lại tiền đã mất”?. Mình không đi gắn máy, không biết, hư thiệt miễn bàn. Ngay cả phường khóm, có người từ xa về kể tuần hai lần, công an phường xin xỉn nói anh cho em ít trăm đi nhậu tiếp chớ chưa đã, hoặc xông thẳng sau bếp mở tủ lạnh thích gì thì lấy ăn, hoặc ngắm tủ rượu nói chai nọ chai kia ngon, anh cho tụi em nhấm nháp với… Mình cũng từ xa về mỗi năm vài tháng mà không bị, nên hư thực cũng miễn bàn. Khi ai hỏi, mình nói “chẳng bị” gì, có người cười khẩy. Rõ ràng là chẳng ai tin xã hội Việt Nam hiện tại cái gì cũng phải MUA, lại vẫn còn người được… miễn phí.
Cho đến một hôm…
Hồi tháng 3-2010 từ Việt nam đi tour Thái Lan, anh hải quan phi trường khám phá Tờ khai nhập cảnh – xuất cảnh của mình thiếu 1 con dấu (là tờ khai hải quan màu trắng, nhà nước đã bỏ hồi tháng 9-2010). Chả là có 2 mặt giấy, mỗi mặt có 2 khung chữ nhật, 1 là “Xác nhận xuất nhập cảnh”, 1 là “Xác nhận hải quan”. Khi nhập cảnh hải quan sẽ đóng dấu vào khung “Xác nhận xuất nhập cảnh”, cả mặt trước mặt sau tờ khai. Và khi xuất cảnh, họ sẽ đóng dấu vào 2 khung “Xác nhận hải quan”.
Ấy vậy mà chẳng biết cái anh hải quan hôm mình nhập cảnh chắc tối qua bị vợ cằn nhằn mất ngủ, nên quên đóng dấu vào mặt sau. Thế là anh hải quan hôm đi Thái lan khám phá sự thiếu sót đó. Ban đầu hỏi về VN ăn tết có vui không bác, chắc có nhiều lì xì lắm nhỉ… Chưa hiểu. Thấy mình tỉnh bơ chờ trả lại thông hành, anh xếp nó lại để một bên :
- Thế này thì cháu phải chuyển hồ sơ đi,  phải chờ giải quyết ít nhất 2 tiếng đồng hồ.
Mình nói đâu phải lỗi của mình, là việc làm của hải quan chớ làm sao mình biết. Anh ta nói :
- Sẽ phiền phức lắm đấy bác ạ. Bác có thể chờ hai tiếng đồng hồ không? Thôi thế này nhé, cháu đóng dấu cho bác và bác cho cháu ít đồng leng keng.
Vừa nói vừa cầm lon coca trên bàn lắc lắc, quả có tiếng leng keng. Tưởng đùa, mình cứ ì ra đấy. Anh ta lại hỏi :
- Thế nào, bác tính thế nào, cho cháu mấy đồng leng keng hay cháu phải chuyển hồ sơ đi ?
Và anh ta vòng tay bật ngửa ra ghế như hết trách nhiệm. Lúc đó mới hiểu là anh ta đòi tiền thật.  Nhìn cái đuôi chờ đóng dấu, nghĩ mình có nên nói to yêu cầu anh giải quyết vì lỗi của họ, hay nói với hải quan quầy bên kia? Thấy vậy, anh ta hối:
- Lè lẹ lên bác nhé, người ta chờ đến phiên mình kia.
Mình cáu:
- Tức là phải cho tiền anh hả ? (gật) Làm sao đưa?
- Thì bác cứ đưa cho cháu thôi.
- Ngay tại đây, trước mặt mọi người ? (gật) Anh không mắc cỡ à?
- Có sao đâu, chuyện đó bình thường mà bác.
Mình không thể nói như vậy là bình thường mặc dù đã nghe nói nhiều rồi.
- Đưa làm sao? Kẹp trong passport hả?
- Chẳng cần, bác cứ đưa tự nhiên.
Anh lại lắc lắc cái lon. Mình chẳng cảm thấy tự nhiên chút nào và lúc đó không nghĩ đồng leng keng, tính đưa trăm nghìn (khoảng 4-5 euros), lại thấy phi lý, đưa tờ 50 nghìn. Cười, cám ơn bác. Phiên ông xã, có đủ con dấu, anh ta đóng và ông xã cầm đi, vẫn hỏi “Không cho cháu đồng leng keng à”. Thản nhiên bỏ đi chớ leng keng gì nữa. Buồn, mà không phải vì bị tốn tờ 50 nghìn.
Vậy cũng biết mùi bị công an “tống tiền” rồi. Một lần chị bạn đã hỏi lớn khi hải quan phi trường “xin” cà phê: Muốn cà phê hả, uống thì đi, tui mời ngay bây giờ. Thì im.
Về điều này, chẳng biết nó xấu tới đâu, bởi chỉ là những trò lặt vặt. Còn biết bao nhiều chuyện tày đình. Văn hóa mình bây giờ nó vậy.
Dù sao chuyện đó mỗi năm nếu gặp, cũng chỉ một vài lần. Trong khi loại “công an hằng ngày” lại không đến từ công an hay hải quan nhà nước. Chả là về, vài lần đầu hàng xóm thường “hỏi thăm”, vẻ thân tình tỉnh rụi “Em coi chị như chị của em”, thì “chị của em” cũng thành thật trả lời. Thế là ngay sáng hôm sau vừa ra khỏi cổng,  cô hàng xóm khác chào và phát thanh luôn: “Em biết anh chị…” (thế này thế này). Ngỡ ngàng quá, đúng là loại “tê lê phôn Ả rập” rất hiệu nghiệm, có nghe phóng thanh đâu mà ai ai cũng biết. Nhờ một cô lau dọn, vài hôm sau hàng xóm đã nói: “Nghe nói anh chị…” (thế này thế này). Ôi may quá, toàn là những chuyện trong nhà nhưng chẳng phải hàng quốc cấm.
Ở tiệm in giấy tờ hay chụp photocopie, khách hàng khác tự  động mở máy coi bài vở tài liệu của mình tỉnh bơ, bảo không được làm vậy thì họ ngạc nhiên “Zì khó thế bác, cháu nàm zúp bác mà”. Ai khiến. Ngoài đường thì dù bạn đang nói với ai, thường có người  dừng lại hóng chuyện một cách “vô tư như người Hà nội”. Mình đang ba hoa  với cô bạn lập web site Vietsciences, cô gái tập thể dục gần đó bước tới nghe tỉnh bơ, còn tự  động góp lời vào, và bày cách dùng… internet !
Ở các nước văn minh, mỗi người dân là một công an. Họ không ăn lương nhưng công khai cộng tác với nhà nước, thấy hành vi khả nghi, phạm pháp, là tự  động báo cho cơ quan thẩm quyền.  Còn công an chánh ngạch và ngoại ngạch kiểu dân mình thì, e hèm, lẹt đẹt cả nghìn năm…

Xuân Sương
Paris-NT Nov. 2010

Nguồn: amvc.fr ( phần Ký của nhà văn Miêng)

0 comments:

Post a Comment

Popular Posts