11. Chú chàng Kiến Vống lái buôn.
Sáng hôm sau, một gã Kiến Vống cao lêu đêu ở đâu bò tới lay cổ tôi dậy, càu nhàu:
- Cậu Kiến Lửa sao lại tự tiện trèo lên xe của tôi ngủ thế này, khôn lỏi thế.
Tôi nhỏm dậy, bảo ở trên trời rơi xuống. Kiến Vống cáu kỉnh văng một câu: “Rõ cái đồ nói khoác” Rồi thẳng cánh đuổi tôi khỏi xe. Và hì hục đóng đóng, gõ gõ.
Tôi hỏi gã:
- Cho tớ hỏi tí, đây là xứ nào thế?
Tôi hỏi mấy lần, Kiến Vống cứ giả điếc. Tôi kéo râu gã, thế là gã phát bẳn lên:
- Đây không biết, làm cái gì thế ? Mất việc của người ta.
- Thế mách dùm cái đã.
- Rõ hay chửa. Ai mà chả biết đây là xứ xở Đồi Lùn.
- Thế gò Me cách đây có xa không?
Không nhịn được nữa, Kiến Vống nổi đoá lên:
- Ơ, cái cậu Kiến Lửa này hay nhỉ. Có yên để tôi làm việc không. Gò Me với chả gò Muỗm, rõ dớ dẩn.
- Tổ tớ ở gò Me. Tớ bị lạc tổ mới phải hỏi cậu. Cậu là cái thá gì mà cục cằn thế.
Thấy tôi cũng nổi khùng lên, Kiến Vống lại dần dịu. Gã nhìn tôi nghi ngờ:
- Lạc tổ à? Thật không?
- Thật.
- Không tin được. Thề đi đã.
- Thật. Tớ thề mà.
Kiến Vống xoắn hai sợi râu, ra điều nghĩ ngợi. Rồi gã ranh mãnh nhìn tôi:
- Cậu muốn về tổ lắm à?
- Tớ nhớ tổ của tớ lắm.
- Thế à, tiếc nhỉ, tớ chẳng biết.
Thấy tôi thở dài, ỉu xìu. Kiến Vống xoắn râu, liếc nhìn tôi rồi đổi giọng thân mật gạ:
- Thôi đừng mơ về tổ nữa. Ở đây rồi đi buôn với tớ. Đi buôn khoái nhất trên đời.
Và tự dưng như không thể kìm nổi, Kiến Vống múa cẳng, ngoáy đuôi, nghêu ngao hát:
“ Nghề buôn sướng nhất trên đời
Một vốn, bốn lời - hỏi khoái gì hơn
Và chú phẩy râu vào mũi tôi, kêu lên ’’
- Ê, ngây ra rồi, trông thộn chưa kìa. Thích mê đi rồi có phải không? Chưa hết đâu anh bạn Kiến Lửa ơi, nghe tớ giảng cho mà nghe.
Và Kiến Vống sốt sắng:
- Đi buôn lờ lãi kinh khủng, không thể tượng được. Cậu đừng có mò về cái tổ gò Me của cậu nữa. Ở đây đi buôn cát trắng ở sa mạc khô cằn với tớ. Đi với tớ, rồi tớ chia lãi cho. Một ăn ba nhé?
Không đợi tôi trả lời, Kiến Vống lấy râu cù tôi:
- Gật đầu rồi nhé. Đây này, tớ đóng gần xong cỗ xe rơm rồi. Đi với tớ, cậu chỉ việc kéo cỗ xe này thế thôi. Tớ bỏ vốn, cậu bỏ công. Ôi, thế là tớ đỡ phải thuê lão Bọ Hung… Lão ấy kéo khoẻ thật đấy, nhưng ăn uống tốn kém lắm.
Tất nhiên là tôi không dại gì để Kiến Vống dỗ ngọt, rồi choàng ách lên cổ. Tôi đẩy Kiến Vống ra, thẳng thừng từ chối:
- Không, tớ không đi buôn đâu. Tớ chỉ muốn về tổ làm ăn thôi.
Thấy không dụ được tôi, Kiến Vống trở mặt, lườm nguýt:
- Vậy hả…vậy hả. Thế thì bước. Đây chẳng cần. Đây sẽ thuê lão Bọ Hung, kéo lại chả khoẻ gấp mười mày ấy à.
Rồi gã thở dài đánh thượt, tự trách mình:
- Ôi dào ơi! Hơi đâu mà bàn chuyện làm ăn với những thằng Kiến Lửa không có mấu đuôi. Rõ là phí hơi. Thế là mất toi bao nhiêu công việc rồi.
12. Xứ sở Đồi Lùn.
Một thần dân bất hảo.
Trời hửng nắng, không khí oi ả, mệt mỏi. Nhìn quanh chỉ thấy những quả đồi lùn tè, nằm gối nhau xa gần như bát úp. Nắng ong ong trên những bụi cây đại lúp xúp. Tôi theo con đường sỏi khô cằn bò lên một quả đồi bạc phơ sỏi đá. Đường núi trông gần hoá xa. Bò mãi mỏi chân, ngoảnh lại vẫn thấy con đường xám ngoằn nghèo bám đằng sau như cái đuôi khổng lồ. Và tiếng gõ chí chát của Kiến Vống vẫn vẳng theo nghe rõ mồn một.
Tôi leo đến lưng chưng đồi, mệt quá, lăn vào một gốc cỏ, ngủ thiếp đi. Cũng lúc đó có một gã Ruồi Vàng cánh cụt ngủn, lấm láp, từ trên đỉnh đồi, khấp khiễng bò xuống. Gã đá tôi một cái, hỏi:
- Ê, say nắng à?
Thấy gã cũng không có ý ác, tôi lắc đầu, thong thả kể cho gã nghe là tôi bị lạc tổ, và hỏi xem có biết gò Me ở đâu chỉ dùm. Ruồi Vàng ngồi xổm nghe, hai mắt cứ đảo lia lịa. Thỉnh thoảng gã lại kêu vo ve. Rồi gã vẫy đôi cánh cụt, bảo:
- Có muốn bò đến gò Me thì cũng phải chén no đã, hì. Mày có thích húp mật không?
Nghe nói đến húp mật, tôi nhổm ngay dậy, vuốt râu hỏi:
- Mật ở đâu?
- Mày có nhìn thấy làn khói mỏng tang đang bay lên phía bên kia đồi không?
Ruồi Vàng lấm lét nhìn tôi, rồi thò cái vòi ngắn cũn, vẻ thèm thuồng:
- Khói của lò mật đang phun lên đấy.
- Nhưng mật ấy là của ai?
- Chẳng của ai cả. Lò mật vô chủ. Tao với mày đi làm một chầu say sưa tuý luý đi.
Đang đói, nghe Ruồi Vàng rủ đi húp mật, thế là ôi hăm hở nhổm dậy, bám theo liền.
13. Cả tin thì sa vào vòng tội lỗi
Bài học nhớ đời.
Phía sau quả đồi, đúng là có một cái lò mật đang toả khói màu lam, làm bằng đất thó, đắp theo kiểu cổ, tầng dưới hình khối vuông dùng để đun, tầng trên hình bán cầu để luyện mật. Mật luyện từ nhụy hoa cỏ, lá củ cải, rồi rót xuống cái bệ xây ngay cạnh lò.
- Thơm chưa…thơm chưa…? Trời ơi ! Khoái quá.
Ngửi thấy mùi mật thơm lừng, gã Ruồi Vàng nhảy cẫng lên reo khẽ. Rồi nhanh như một tên kẻ trộm, gã phốc tới cái bể mật đặc quánh. Tối mắt vì miếng ăn, tôi cũng xông ngay lại. Nhưng hỡi ôi ! Vừa đặt cẳng lên thành bể thì bị dính chặt ngay lại, không tài nào rút ra được. Bây giờ tôi mới nhận ra thành bể đã được quét một lớp mật già quánh như keo.
Vừa lúc đó có mấy Kiến Bọ Dọt, nhởn nhơ quẩy quang gánh từ xa tới. Trông thấy cảnh ngộ nực cười của hai đứa tôi, họ vui vẻ reo to:
- A ! Bẫy được hai thằng ăn trộm rồi. Gớm cho loài đạo trích to gan.
Rồi họ rút dao gậy, chạy ùa lại, lôi thốc hai đứa tôi xuống vụt lấy vụt để.
- Này, đánh cho hết thói ăn trộm. Này, đánh cho chừa thói tắt mắt.
Ruồi Vàng rú lên, lạy van rối rít. Còn tôi, tôi liều đấm đá, đỡ gạt lung tung. Thế là lập tức bị trói gô lại.
Một bác Kiến Bọ Dọt lực lưỡng quát:
- Tên Kiến Lửa láo toét, ăn trộm mật của người ta, không biết xấu hổ còn ngoan cố.
Mấy Kiến Bọ Dọt kia cùng kêu lên:
- Đánh cho chết .
- Đồ mặt mo, xin tử tế thì chúng ta tiếc gì.
Nghe họ quát vậy, tôi thét to:
- Đừng có cậy đông ăn hiếp ta. Mật vô chủ, ai ăn mà chả được. Ai phải xin ai.
- Mật của ai ? Chẳng phải của trang trại chúng ta thì còn ai.
- Tên Kiến Lửa này lý sự cùn lắm. Cứ vụt cho nên thân là hết lý sự. Ai bảo mày lò mật này vô chủ?
Tôi gân cổ cãi:
- Ruồi Vàng bảo tôi thế.
- Thế thì Ruồi Vàng nói bậy. Đánh cho thêm vài roi nữa.
Nghe thấy vậy, Ruồi Vàng ré lên như bị chọc vào cổ:
- Con lạy các ông Kiến rồi. Thằng Kiến Lửa nó đổ vấy cho con đấy ạ. Con chỉ dám trót dại lần này nữa thôi. Trăm sự tai thằng Kiến Lửa nó rủ con đấy ạ.
Một Kiến Bọ Dọt nói:
- Phải ngứt râu cả hai đứa thôi. Còn để râu chúng nó còn ăn trộm
Thấy sắp bị ngắt râu, tôi rùng mình kinh sợ. Trời ơi, thật là một hình phạt không thể lường trước được. Giờ đây tôi đã hiểu là mình bị mắc lừa gã Ruồi Vàng nham hiểm rồi. Tôi run rẩy kể lại mọi sự tình. Các Kiến Bọ Dọt nghe, nhưng không tin. Họ bàn với nhau:
- Chao ơi, một hội, cùng thuyền với nhau cả thôi.
- Đứa này đổ vấy cho đứa kia, chẳng tin đứa nào hết, cứ ngứt phắt sợi râu của chúng đi là công bằng nhất.
14. Tôi hàm ơn Kiến Vống.
Đang lúc nhốn nháo thế, chợt tôi nhìn thấy chàng Kiến Vống đóng xe hổn hển từ dưới chân đồi chạy lên. Thấy tôi sắp bị đè ra ngắt râu, Kiến Vống chen vào kêu to:
- Khoan đã đừng hành tội chú Kiến Lửa vội.
Một Kiến Bọ Dọt hỏi:
- Cậu thân với Kiến Lửa có máu ăn trộm này à?
Kiến Vống lắc đầu:
- Thân thiết gì, nhưng tớ có biết nó. Nó nói thật đấy.
Thấy tình thế có cơ xoay chuyển, tôi kêu lên:
- Kiến Vống ơi, nói dùm cho tớ vài lời.
Kiến Vống ranh ma nhìn tôi, rồi thong thả kể rõ to là sớm nay chú có bắt gặp tôi ngủ trên chiếc xe rơm của chú, như vậy chứng tỏ tôi là kẻ lang thang từ xa mới lại, cho nên không biết được lò mật ở đây thuộc về ai. Vì vậy nếu đem xử tội thì quả là có oan uổng. Rồi Kiến Vống chỉ Ruồi Vàng, quả quyết:
- Tớ cam đoan chú Kiến Lửa này bị lão Ruồi Vàng rủ rê. Cái lão Ruồi khốn kiếp này ai còn lạ gì nữa. Hôm kia nó ăn cắp của tớ một hạt cơm. Tớ vẫn còn chưa hết tức đây. Đồ chết dẫm. Ngắt râu nó đi. Còn Kiến Lửa, cho tớ được chuộc chú ta.
Mấy Kiến Bọ Dọt chụm râu bàn bạc. Một Kiến Bọ Dọt hắng giọng hỏi:
- Thế cậu định chuộc bằng gì?
- Lá Củ Cải chứ còn gì nữa.
- Bao nhiêu?
- Lại hỏi bao nhiêu. Tớ chuộc hẳn một lá to. Lời quá rồi nhé. Thôi đi, cởi trói cho chú Kiến Lửa rồi xuống chỗ tớ khiêng về mà luyện mật. Sướng nhé.
15. Lịch sử nghề buôn và một kẻ say đời đổi trác.
Món nợ lá Cải phải trả.
Trên thế gian này, đã có thời kỳ bọn lái buôn tung hoành thiên hạ. Mời các khán giả tí hon hãy ngược lại dòng lịch sử muôn loài. Vâng. Vào một thế kỷ đã xa xưa, xa xưa lắm rồi. Trong khi các loài sâu bọ muông thú chỉ biết sống ru rú một mình, chưa hề biết đi lại, thăm hỏi, chúc tụng lẫn nhau, thì đột nhiên bọn lái buôn xuất hiện. Thoạt đầu họ là những kẻ táo tợn, vui tính, đầu óc đầy rẫy những chuyện phiêu lưu mạo hiểm. Mỗi chuyến buôn của họ là một truyền thuyết ly lì cổ quái. Họ xuyên sa mạc, vượt đại dương, băng qua núi cao, rừng rậm. Không ít kẻ đã tìm ra xứ sở mới lạ, lập nên kỳ tích đời sau ngưỡng mộ.
Nhưng rồi cuộc sống lang bạt và những món lợi kếch sù của đời buôn bán đã làm cho bạn lái buôn tối tăm mặt mũi lại. Bao nhiêu tính khí hào hiệp, can đảm tự dưng biến đi đâu hết. Một số kẻ bụng cứ ngày một phình to ra, nhung nhúc chứa đầy mỡ. Lại có kẻ dối trá, lật lọng đến mức cái mặt bỗng dưng hóa thành một phiến thớt dầy cộm. Thế có buồn cười không?
Tiện đây cũng xin có vài lời kể về chú chàng Kiến Vống lái buôn - ông chủ món nợ lá Cải - người bạn đồng hành không hẹn mà nên trong những ngày dong duổi trên sa mạc khô cằn đi tìm kinh thành Nắng. Trong loài Kiến thì họ nhà Vống được trời phú cho bộ cẳng cao nghều, guồng rất khoẻ. Có lẽ cũng vì vậy mà đại để chú Kiến Vống nào cũng thích bôn ba, chạy nhảy. Kiến Vống thường tụ tập thành từng bầy, kéo đi lang thang nay đây mai đó để kiếm mồi nuôi nhau. Đôi khi, vì cuộc sống không nhà, không tổ, một bầy Kiến Vống nào đó gặp phải tai họa vỡ chạy tan tác, chú nào sống sót, may tìm được một bày Vống khác thì nhập bọn, chú nào không may thì đành sống một đời lẻ loi, cô độc. Chú chàng Kiến Vống lái buôn chính là một kẻ hẩm hiu lạc bày, sống đời thân cô, bóng chiếc.
Do một ngẫu nhiên mà tôi trở thành kẻ hàm ơn Kiến Vống. Sau khi cứu thoát tôi khỏi bị ngắt râu, Kiến Vống lại gạ tôi đi buôn cát trắng sa mạc khô cằn. Ngẫm sự đời, có đi thì phải có lại thì mới toại lòng nhau. Để trả cái món nợ lá Cải cho sòng phẳng, âu cũng là một lần liều thân gửi đời theo vết xe rơm, bôn ba đây đó cho biết thiên hạ. Và cũng tiện đường hỏi thăm lối về tổ cũ ở gò Me yêu dấu.
Thế là, sau khi đã thoả thuận, Kiến Vống buộc vào cổ tôi một sợi dây rồi đóng vào xe. Còn chú chàng chễm chệ ngồi trên, vung roi làm ông chủ, kiêm luôn xà ích.
Bấy giờ đang độ nóng dữ dội.
Hai đứa chúng tôi cùng chiếc xe rơm dong duổi trên đường nhằm hướng sa mạc khô cằn thẳng tới.
16. Văn chương tả về sa mạc
Trích đoạn tập thơ: Bài ca chép trên vết bánh xe rơm.
Trích đoạn tập thơ: Bài ca chép trên vết bánh xe rơm.
Cho đến nay khắp gầm trời vẫn còn hai điều bí ẩn. Đó là nguồn gốc sự sống và nguồn gốc quả đất. Các độc giả ơi cho dù còn hai điều bí ẩn trên nhưng chúng ta cũng biết rằng ngay từ lúc mới tạo thành, quả đất luôn chịu đựng những vận động thăng trầm mãnh liệt. Nó xảy ra âm ỉ, huyền bí, trải qua hàng triệu năm trời, làm thay đổi lớp vỏ ngoài của trái đất. ( Hay nói như nhà địa lý học nổi danh Rùa Đá, thì làm thay đổi lớp cùi của quả đất ). Chỗ lõm xuống thành sông thành biển, chỗ lồi lên thành núi cao, lại có chỗ phẳng lì, đá bị bóp vụn ra thành cát, cát nhiều vô kể, tụ cồn lớp lớp như đại dương. Nơi đó gọi là sa mạc.
Sa mạc rất rộng, rất nóng. Ai cai quản sa mạc? Không có kẻ nào khác, ngoài những cơn gió hung dữ.
Giữa một trưa hè oi bức, mặt trời đổ lửa xuống chảo cát khổng lồ nóng rẫy lên như rang. Đột nhiên có những tiếng hú rùng rợn vang lên. Bầu trời tối xầm lại, mặt trời đỏ ngầu như ứa máu. Và trong bụi đen xoáy tròn của những đám mây sà xuống, hàng vạn cồn cát đang nằm lịm như một đại dưong chết, bỗng đùng đùng nhổm dậy tiến vào lấp kín các bình nguyên xanh rờn cỏ.
Sa mạc là biển cát mênh mông, giấu đầy tai họa và những chuyện bí hiểm. Đã bao đời nay rồi, muôn loài vừa kinh sợ sa mạc, vừa tò mò thèm khát những kho của vô tận cất giấu trong lòng sa mạc. Những kẻ hèn yếu, dút dát thì đừng có bén mảng đến sa mạc làm gì mà chết uổng đời. Còn những ai gan góc, khôn ngoan thì đã từng đóng xe, quẩy gánh, mở bao cuộc lộ trình xuyên sa mạc để buôn bán lùng kiếm của ngon vật lạ ở đời. Và không ít kẻ ra đi đã gửi đời cho cõi vô tận không còn có ngày về. Một đống xương khô vương vãi trong ngôi miếu đổ nát, những cỗ xe gãy tan tành vứt bên đường, từng đàn chim ác sải cánh, kêu gào quanh những ngôi mộ cô đơn, gối vào doi cát. Đó chẳng phải là dấu vết của một cuộc lộ trình, một cuộc đời ngang dọc còn lưu lại đó hay sao?
Trong chuyến đi lang thang trên sa mạc khô cằn cùng với Kiến Vống, những phút rỗi rãi trong buổi chiều tà nghỉ lại ven đường, tôi có ghi chép lại một vài mẩu chuyện nhỏ. Tập bản thảo này bị thất lạc trong hoàn cảnh nào tôi cũng không nhớ nữa. Nghe nói sau này lọt vào tay thi sĩ Ong Vàng nổi tiếng. Thi sĩ mến cuộc đời chìm nổi của tôi, nên có gửi tặng cho tôi một hũ mật ong chính cống. Và đặt cho tập chép ấy một cái tên ngồ ngộ : “Những bài ca chép trên vết bánh xe rơm”.
Đỡ phải kể dài dòng, xin mời độc giả thưởng thức một vài bài ca - trích trong tập đó, để hiểu thêm về chuyến chu du của tôi.
16. Những bài ca chép trên vết bánh xe rơm.
(Trích đoạn)
Bài ca tâm sự
Đã mười hôm xe rơm mải miết
Bon bánh trên sa mạc hoang vu
Ôi chuyến đi buôn cát mịt mù
Kinh thành Nắng chắc còn xa lắc.
Cây xương rồng
Xe lăn qua miếu đổ nát
Gặp cây Xương Rồng đói khát
Chìa ra nắm cành đầy gai
Như đang hậm họe dọa ai.
Ngày nắng nỏ
Đường xa cứ đi hoài
Vết lộ trình mê mải
Cát trắng, lại cát trắng
Gió đùa trên đầu ta
Muôn ngàn doi cát xa xa
Giăng thành chiến luỹ, thách ta xông vào.
Đêm mơ về tổ cũ
Nhớ về tổ cũ gò Me
Có cây Lúc Lắc lá xoè đơm hoa
Đêm dài ngủ nẻo trời xa
Giật mình thức giấc ngỡ nhà đâu đây
Thảm cỏ non sương rơi đầy
Tôi cùng Kiến bạn vui vầy sớm trưa
Kìa đồng nội sau cơn mưa
Cỏ cây tươi tốt như vừa tưới xong
Hoa Ngô bay khắp cánh đồng
Cho chàng Châu Chấu mơ màng dạo chơi
Đêm khuya sao rắc đầy trời
Ra xem Đom Đóm lả lơi lập lèo
Mùa thu về vắng tiếng Ve
Cây thay lá mới, Chích Choè hót vang
Đàn Ong rộn rã lên đàng
Bay đi tìm cánh hoa vàng ngẩn ngơ.
Gặp bão cát
Trời chiều rất oi bức
Sa mạc vắng lạ thường
Không khí đặc quánh lại
Như báo điều bất thường
Hú hú hú - bỗng chốc
Gió gào lên hãi hùng
Cuốn lên cơn lốc bụi
Che phủ vầng mặt trời.
Hùng mạnh sao những cơn bão cát
Như đàn Trâu dữ tợn quăng mình
Xe rơm bị quật đổ nhào
Tôi và Vống vội chui vào gầm xe
Nằm dưới đó chúng tôi nhìn thấy
Sóng cát khổng lồ ào ạt cuốn trôi
May mà to phúc - bọn tôi
Sắp chôn biển cát. Lạy trời bão tan.
Chui khỏi xe thân còn run rẩy
Vẫn ngỡ là đương ở trong mơ
Chú chàng Kiến Vống bơ phờ
Lên xe mà vẫn ngây đờ khúc đuôi.
Bạn đường
Gặp một đàn Kiến Đen buôn mật
Cẳng gầy khô, tính nết lầm lì
Nhập thành một bọn cùng đi
Qua sa mạc vắng se se nỗi buồn.
Những chiều muộn đứng bên doi cát
Túm tụm quanh một hũ mật nồng
Chào mời nhau húp thoả thê
Rồi kể lể chuyện đời kỳ quặc
Tôi nhớ cụ Kiến Đen râu bạc
Khi đêm về là cất lời ca
Giọng khàn khàn mỏi mệt bay xa
Theo gió lẫn vào đêm dày đặc
Lời ca kể đời ai lưu lạc
Sống can trường và chết thảm thương
Lòng thuỷ chung của kẻ bạn đường
Thà mất của, quyết không bỏ bạn.
Ta sẽ tới những kinh đô cát sạn
Tắm nắng trời, uống gió bốn phương
Sẽ đọ gươm với gã dị thường
Sống vất vưởng bị họ hàng ruồng bỏ…
Chống lại bão cát
Lại bão cát bất ngờ ập đến
Sa mạc gầm lên cát cuốn mù trời
Bọn buôn mật khôn ngoan nằm xuống
Xếp chồng xe vây thành tường luỹ
Che đỡ cho thân Kiến yếu mềm
Chụm đầu quấn chặt râu nhau
Chống đuôi cong tếu lâu nhâu ra ngoài
Mặc kệ gió suốt đêm gào thét
Vật vã trên sa mạc hoang vu
Sáng ra trời quang, mây tạnh
Đoàn Kiến Đen buôn mật chui ra
Phủi cát bám trên lưng, trên cánh
Vểnh râu lên, tất cả cười ha hả
Vui vẻ nhất không ai thiệt mạng
Chén no nê rồi lại lên đường.
Chia tay
Đường đến đây phân làm đôi ngả
Bọn Kiến Đen buôn mật rẽ ngang
Cỗ xe rơm nép sát đường
Nhường lối xe mật đầy sóng sánh
Lời tạm biệt vang lên
Khua cẳng, múa râu chào
Chúc nhau câu thượng lộ
Mà lòng dạ xốn xang
Thôi thế là tạm biệt
Cắm cúi đẩy xe đi
Đi rồi lại đứng lại
Đôi râu cứ ngẩn ngơ
Chiều vàng xuống kia rồi
Mây trời sao đỏ thế
Đường ngoằn nghèo xa tắp
Đi một mình buồn ghê.
17. Ốc đảo Cọ soi bóng nước
Từ biệt bọn Kiến Đen buôn mật, tôi và Kiến Vống lại lủi thủi đẩy xe đi.
Trải qua bao ngày tháng bò trên cát bỏng, màu da đỏ như lửa vốn rất đẹp của tôi nay đã bắt nắng đen thui. Đôi râu khô quắt lại, cứng queo chứ không mềm lại duyên dáng như ngày xưa nữa. Còn chú Kiến Vống lái buôn thì khỏi phải tả. Cứ trông thấy chú ngất ngưởng trên chiếc xe rơm trong buổi chiều tà thì ngỡ là một con quỷ đói, đang đánh xe đi tìm xác chết trên sa mạc. Nhưng, tuy diện mạo có xấu xí, chân cẳng có gầy tóp lại, được cái tôi vẫn dai sức như đỉa.
Ngày qua ngày, mỗi lúc một tiến sâu vào sa mạc. Vậy mà kinh thành Nắng vẫn ở mãi đâu xa xôi, chắng thấy tăm hơi.
Thế rồi cho đến một hôm, chặng đường vô định đã đưa chúng tôi đến một ốc đảo xanh rờn đang rì rào soi bóng xuống gương nước lăn tăn gợn sóng.
Trong số các vị độc giả tí hon đang đọc câu chuyện này, không biết có ai đã từng dong duổi bụi hồng, gửi đời cho những cuộc phiêu lưu trên sa mạc trắng. Hẳn chỉ những bạn đó mới chia sẻ cùng chúng tôi nỗi khoái cảm được nghỉ ngơi trên ốc đảo sau bao ngày lang thang dưới nắng lửa.
Kiến Vống đắc ý nói với tôi:
- Thật là may mắn cho cuộc lộ trình của chúng ta. Ở sa mạc khô cằn này, ốc đảo hiếm hoi lắm. Trời đã phù hộ cho chuyến đi buôn này rồi đấy.
Tôi tỏ ý tiếc cho đàn Kiến Đen buôn mật đã sớm rẽ ngang. Kiến Vống gật gù, rồi nhanh nhảu khuân các vò rỗng trên xe xuống múc đầy nước, xong lại hùng hục vần lên xếp ngay ngắn như sợ nước hồ sắp cạn khô không còn gì để múc nữa.
Quả là một chú chàng thạo nghề buôn bán, biết lo xa.
Bọn tôi quyết định nghỉ lại ốc đảo tới hôm sau sẽ lên đường sớm.
Sau khi tắm táp, ăn uống no nê, Kiến Vống kéo chiếc xe rơm giấu vào một hốc Cọ, rồi lăn ra ngủ ly bì. Tôi chải lại đôi râu, vuốt ve đôi cánh cho mượt, rồi thong thả bò vào giữa ốc đảo ngắm cảnh đẹp.
Như trong chuyện thần tiên: Giữa sa mạc hoang vu, cháy nắng, bỗng nổi lên hòn đảo cây cối xanh tươi, nước trong leo lẻo. Thật chẳng khác gì lời thách thức kiêu hãnh với đại dương chết. Trên ốc đảo mọc rất nhiều loại cây, nhưng nhiều nhất vẫn là Cọ. Cọ ở đây thân lùn, gốc to, rũ lá loà xoà xuống mặt nước, nom rất ngoạn mục. Không khí trên ốc đảo mát mẻ, gió thoang thoảng đưa mùi thơm cay cay, ngái ngái của trăm ngàn thứ lá cây. Tôi bò thơ thẩn, ngó ngang ngó ngửa. Chợt gặp một cụ Kiến Kim rất già, có đôi râu bạc tuyệt đẹp đang nằm sưởi nắng. Tôi kính cẩn chào cụ, thì cụ cũng từ tốn đáp lễ. Tôi hỏi:
- Thưa cụ, ốc đảo này có từ lâu chưa, và tên của nó gọi như thế nào ạ?
Cụ Kiến Kim vuốt sợi râu bạc, mỉm cưòi trả lời:
- Bác hỏi thế, tôi cũng chỉ biết trả lời: Từ khi tôi thoát kiếp ấu trùng thành thân Kiến thì tôi đã thấy có ốc đảo này rồi. Trên ốc đảo có nhiều cây Cọ soi bóng xuống mặt nước, nên gọi là ốc đảo “Cọ soi bóng nước”. Đã từ lâu, loài Kiến Kim chúng tôi trú ngụ ở đây, nên khách bộ hành qua lại gọi là ốc đảo Kiến Kim. Thế tôi hỏi khí không phải, bác là người xứ ta?
- Tổ của tôi ở gò Me, thuộc xứ kiến Yên - Vui.
Cụ Kiến Kim ve vẩy đôi râu, lim dim đôi mắt như nhớ lại những ngày tháng đã xa xưa. Rồi cụ lắc đầu than:
- Chao ôi ! Xứ Kiến Yên -Vui…Tôi cũng có lần nghe nói về nơi đó. Thật là một vùng trù phú, thừa hãi thức ăn. Ở xứ đó thiếu gì của ngon vật lạ mà bác phải lặn lội tới đây buôn bán?
Thấy cụ Kiến có biết miền quê gò Me xa vời, tôi bùi ngùi kể cho cụ nghe cảnh ngộ éo le của tôi hiện nay, và nhờ cụ mách dùm cho lối về, để bao giờ trả xong món nợ lá cải, tôi sẽ tìm đưòng trở về tổ cũ.
Cụ Kiến Kim dưòng như thấu hiểu nỗi lòng tôi. Cụ ân cần vỗ đuôi tôi:
- Bác ạ, thân Kiến tôi cũng đã nếm mùi chua cay của đời phiêu bạt. Bác hỏi đường về tổ cũ gò Me, thì xin bác hãy nằm xuống đây cùng tôi sưỏi nắng. Tôi có một bài hát này, cũng gọi là xin đọc lên để bác ghi lòng.
Đoạn cụ Kiến Kim lấy giọng sang sảng ngâm:
Gió đập cành bông, gió đập cành bông
Đời ai chìm nổi ngóng trông ngày về
Gió đập cành đề
Gò Me tổ cũ ở về xứ Đông
Đường dài băng núi vượt sông
Xuyên qua một cánh đồng bằng ngát hoa
Gió may phe phẩy lá đa
Bông gạo bay xuống ruộng cà ai ơi
Hỏi tìm rừng cọ thắm tươi
Có ai đi ngược về xuôi
Đi ngược, về xuôi…
Sắm sanh chèo lái cùng tôi trở về…
…
Giữa trưa hè oi ả, giọng ngâm trầm bổng của cụ Kiến Kim hát lời mách bảo kín đáo, xa xôi. Chẳng khác gì bài ru dịu dàng, mệt mỏi đưa tôi vào một giấc ngủ hè không thể cưõng lại nổi…
Tôi ngủ thiếp đi lúc nào chẳng hay. Tôi ngủ rất say, đến nỗi không biết cụ Kiến Kim bỏ đi lúc nào. Và cũng không hề hay biết một cuộc chiến tranh đẫm máu giữa hai dòng họ Kiến đang sắp sửa xảy đến trên ốc đảo vui tươi, thanh bình này.
18. Chiến tranh giữa hai dòng họ Kiến.
…Tôi ngủ rất say, ngủ mê mệt, suốt từ trưa đến tối, thông luôn qua đêm, cho đến buổi sáng hôm sau, những tiếng hò hét inh ỏi làm tôi tỉnh dậy.
Tôi hất mảnh lá cọ không biết ai đã đắp lên mình, rồi chổm ngay dậy lơ láo ngó quanh. Kiến Vống ở đâu lao bổ tới, ôm choàng lấy tôi, lắp bắp:
- Kiến Lửa ơi! Nguy mất rồi…Khéo chúng mình chết oan ở đây mất thôi.
- Sao vậy, tớ chẳng hiểu gì cả.
- Có một bọn Kiến trông rất ghê gớm kéo quân đến vây ốc đảo đòi giết hết các thổ dân ở đây.
Nghe Vống nói vậy, tôi vội leo lên một cây Cọ, vểnh râu nhìn. Đúng như lời Vống nói, từ bốn phía xung quanh ốc đảo đang trập trùng kéo đến những đội quân Kiến đông nghịt. Bọn Kiến này tướng mạo rất cổ quái, thân thể to lớn, mắt lồi, râu đỏ, đuôi vằn vện như đuôi Ong Bò Vẽ. Thằng vác đại côn cọng cỏ, thằng cắp truỳ đá ở nách. Lại có nhiều thằng mang dây trói, ngật ngưỡng ngồi trên con Bọ Hung có sừng cứ bước được dăm bước lại đứng sững lại, cong đuôi, mở cánh quạt ù ù như để ra oai cùng với chủ.
Lúc này từ trong ốc đảo xanh rờn, các tốp Kiến Kim nhỏ bé, đội ngũ chỉnh tề cũng nhịp bước tiến ra nghênh chiến. Kèn lá Cọ thi nhau thổi vang lên điệu kèn xung trận nghe vừa bi ai, vừa hùng tráng.
Hai đội quân Kiến dàn ra đối diện với nhau trên cồn cát. Theo đúng như tục lệ của loài Kiến đã quy định cho những trận khốc chiến giữa hai dòng họ, một chú Kiến Kim khoẻ mạnh vác lá cờ Cọ dõng dạc bò ra bãi cát trống. Và từ trong cánh quân đen ngòm của bọn Kiến vây ốc đảo cũng có một lão Kiến Chột khệnh khạng kéo lê cây đại côn bước ra.
Đó là hai sứ giả chiến tranh của hai đạo quân gặp nhau để chất vấn:
- Các ngươi có biết chúng ta là những Kiến Chủ Nô hiển hách ở “Cố đô gió tạo“ không ?
- Tại sao dòng họ chúng mày lại vô cớ đem quân vây hãm ốc đảo của dòng họ Kiến Kim chúng tao.
- Vì chúng tao muốn bắt chúng mày làm nô lệ.
Lão Kiến Chột chọc cây đại côn xuống cát như có ý đe dọa, rồi hống hách bảo:
- Nghe đây, hỡi sứ giả của loài Kiến Kim nhỏ bé, nếu chúng mày muốn sống thì phải bồng bế tất cả ấu trùng ra đây nộp, rồi cút cả dòng họ chúng mày đi đâu thì đi. Nếu chúng mày chống lại, thì các đạo quân thiện chiến của dòng họ Kiến Chủ Nô lừng danh sẽ ập vào cắn chết tất cả không tha một mống. Và dòng họ Kiến Kim chúng mày sẽ bị diệt chủng tại sa mạc khô cằn này.
Nghe xong bản yêu sách ngang ngược đó, chú Kiến Kim vuốt râu cười vang, cắm cây cờ lá Cọ xuống cát, rồi thổi vang lên một điệu kèn thách thức chiến đấu. Dứt điệu kèn, chú Kiến Kim ung dung nói:
- Đó là điệu kèn trả lời của dân trên ốc đảo này. Dòng họ Kiến Kim nhỏ bé chúng ta không bao giờ muốn gây chiến tranh. Bọn chúng mày tự dưng ngang ngược đòi giết con cháu chúng ta. Tất nhiên chúng ta không thể cam chịu. Nếu chúng mày cứ liều lĩnh xông vào ốc đảo, thì chúng ta sẽ cắn cho đứt cổ. Đừng thấy chúng ta bé mà coi thường. Bé này là bé hạt tiêu đấy.
Hòa đàm chấm dứt, hai sứ giả chiến tranh lùi về phía sau. Cồn cát trống ở giữa hai đạo quân bỗng trở nên im phắc. Đó là phút im lặng khủng khiếp trước một trận giao tranh đẫm máu. Rồi òa òa như thác đổ, hai đạo quân Kiến ùa vào nhau cắn xé.
Bụi bay lên dưới mặt trời chói lọi.
Hai đạo quân Kiến cứ lăn xả vào nhau cắn, đốt, cào, cấu. Gậy phang vào gậy chan chát. Những thân Kiến bị đá vọt lên, dãy dụa, chới với. Không ai có thể đếm xuể có bao nhiêu bộ râu oai vệ ngứt đứt ném lên cao, hãy còn tức tối nghoe nguẩy. Hàng đống Kiến cứ quấn chặt vào nhau. Bọn Kiến Chủ Nô giỏi võ, hung hăng nhưng các Kiến Kim cảm tử bảo vệ ốc đảo nên chưa bên nào có thể áp đảo bên nào.
Trong đời Kiến của tôi, chưa bao giờ được chứng kiến một trận đánh nhau giữa hai dòng họ Kiến ác liệt đến vậy.
Đánh nhau mãi, đến quá trưa thì bọn Kiến Chủ Nô bắc được chiếc cầu nổi bằng ruột cây sắn nối vào ốc đảo. Thế là lũ cướp reo ầm lên, ồ ạt tuôn sang như dòng thác đen. Tình hình vô cùng nguy hiểm. Các đội quân Kiến Kim đang chiến đấu có nguy cơ bị đánh tập hậu. Và nếu như vậy thì khó mà giữ được ốc đảo.
Giữa phút đó, từ trong ốc đảo ồn ã kéo ra một đoàn Kiến Kim rất đông. Cờ phất rợp cả đảo. Đó là đội chi viện cuối cùng của thổ dân ốc đảo gồm toàn thể các Kiến cụ, Kiến ông, Kiến mẹ, cả những chú tí nhau, vừa thoát kiếp ấu trùng, râu mới nhú ti tí. Đoàn Kiến này tuy có vẻ ô hợp, nhưng khí thế dữ dội vô cùng. Dẫn đầu đội cảm tử này là cụ Kiến Kim già mà tôi đã gặp được. Cụ vác một lá cờ Cọ rất to, đôi râu tuyệt đẹp vểnh ngược lên nom rất hùng dũng.
Tôi vội tụt xuống gốc Cọ và cũng loay hoay tìm lấy một cây cờ. Chú chàng Kiến Vống núp trong xe suốt từ sáng cũng bò ra. Chú không còn run rẩy nữa. Kiến Vống múa cẳng, thét lên.
- Không thể chạy trốn được nữa rồi, hãy tháo càng xe rơm ra.
- Phải đấy.
Tôi hưởng ứng, và nhanh nhẹn đón bắt cái càng xe do Vống ném tới. Để tự cổ vũ mình và Kiến bạn, tôi hô to:
- Tiến lên hỡi Kiến Vống. Đánh chết bọn Kiến hung ác đi.
- Xung phong…
Kiến Vống hứng khởi gào to. Và hai đứa tôi vác ngược càng xe hùng dũng nhập vào đám Kiến bà già, con trẻ. Đội quân chi viện cuối cùng của những thổ dân trên ốc đảo Cọ soi bóng nước.
19. Những điều bí ẩn về dòng họ Kiến Chủ Nô.
Bọn Kiến Chủ Nô sống thành từng bầy man rợ, tổ chức theo chế độ hội đồng tù trưởng. Nghề của chúng là đi ăn cướp. Xưa kia, bọn Kiến Chủ Nô hoành hành ngang dọc khắp nơi, tới đâu là reo rắc kinh hoàng tới đó. Nhưng rồi chúng bị xã hội loài Kiến chung sức đánh đuổi kéo nhau chạy bạt mạng vào nương náu trong sa mạc khô cằn.
Đã nhiều năm nay, có nhiều kẻ lầm tưởng loài Kiến Chủ Nô đã bị diệt chủng. Thật ra, chúng vẫn kết bầy, kết đảng, sinh con, đẻ cái đông đúc. Chúng chiếm cứ các cố đô gió tạo trong sa mạc và vẫn bí mật kéo quân đi đánh giết những dòng họ Kiến khác, bắt cóc các ấu trùng đem về làm nô lệ.
Đời sống, tập tục của dòng họ Kiến hung ác này đầy rẫy những chuyện bí hiểm, kì quái.
Hãy nhìn những tên Kiến Chủ Nô to lớn, lực lưỡng, rất giỏi võ nghệ mà hầu như cả cuộc đời gửi trong trận mạc, chắc không ai có thể ngờ được là chúng lại không biết tự ăn uống, mà luôn phải nhờ các nô lệ mớm cho. Chính vì vậy, mỗi tên Kiến Chủ Nô thường nuôi tới hàng chục nô lệ. Chúng chọc mù mắt các nô lệ ngay từ khi mới thoát kiếp ấu trùng. Hàng ngày, bọn Kiến Chủ Nô đi kiếm mồi về bắt các Kiến Nô Lệ nhai, rồi mớm lại cho chúng. Nếu Kiến Nô Lệ nào không chịu mớm là bị cắn chết ngay lập tức.
Cho tới nay, chưa một ai đặt chân tới những cố đô gió tạo, mang được những bí mật đó trở về. Không một Kiến Nô Lệ nào trốn thoát. Không một tù binh nào được bọn Kiến Chủ Nô tha chết. Không chỉ điều bí mật trên, mà còn biết bao câu chuyện thê thảm, rùng rợn, còn chôn vùi trong cát bỏng sa mạc…
20. Tôi bị bắt làm tù binh.
Ba câu hỏi đổi một mạng Kiến.
Tôi và Vống vác càng xe rơm cùng bà con Kiến Kim ùa ra đánh nhau với bọn Kiến Chủ Nô. Đông lắm, đông vô kể, toàn kiến là kiến, cứ chồng chất lên nhau. Tôi cũng cắn, cũng phang, cũng hò hét, tả xung hữu đột được một lúc thì bị một gậy bổ vào đỉnh đầu, và tôi lăn quay ra bất tỉnh nhân sự.
Lần thứ nhất tỉnh dậy, tôi thấy mình bị trói như bó giò trên một cố xe Bọ Hung. Chiều đã xuống, những doi cát vàng hoe như nhuộm phẩm. Đó đây bọn Kiến Chủ Nô đang lui quân trùng điệp. Nhìn về phía ốc đảo Cọ soi bóng nước vẫn thấy rừng Cọ bay phấp phới, kiêu hãnh.
Một điệu kèn lá Cọ thổi lên te te nghe rất thú vị, như báo cho tôi hay rằng ốc đảo vẫn thuộc về những chủ nhân cũ của nó.
Nghe tiếng kèn, tôi rãy rụa định lăn xuống cát. Thấy vậy, một tên Kiến Chủ Nô bò bên cạnh xe giơ cao gậy vụt vào đầu tôi rõ mạnh. Tôi choáng óc lịm đi.
Rồi tới khi tôi tỉnh dậy, thấy cỗ xe Bọ Hung đang thủng thẳng bò vào khu thành đá dựng đứng. Lại một buổi chiều tà đang đổ nắng. Gió lồng lộng thổi vào các lỗ hút trên mặt thành làm bật lên những tiếng hú rất rùng rợn.
Đây là đâu? Sao hoang dại và cổ kính vậy?
Cỗ xe Bọ Hung đưa tôi tới một cây nấm đá khổng lồ thì đỗ lại. Tôi được cởi trói, và bị điệu tới trước bầy lão Kiến già mọc đầy lông lá đang cau có bò đi, bò lại.
Đó chính là hội đồng tù trưỏng của bọn Kiến Chủ Nô chuyên để xét xử số phận các tù binh.
Một lão Kiến khập khiễng bò lại gần tôi, cằn nhằn hỏi:
- Tên tù binh Kiến Lửa kia, sao mày dám đánh nhau với dòng họ chúng tao?
- Tôi đi buôn cát trắng, tình cờ ghé lại ốc đảo Kiến Kim. Thấy các ông kéo quân tới định giết tất cả, nên tôi phải đánh lại.
Thấy tôi trả lời vậy, mấy lão kiến già nhao nhao lên:
- Đem cắt cổ nó đi thôi.
- Đem ướp khô nó để ăn thịt dần thôi.
- Giết nó đi.
Lão Kiến Thọt nhìn tôi chằm chằm, rồi quay lại bàn với mấy lão Kiến trong hội đồng tù trưởng điều gì đó. Tôi chỉ nghe thấy bọn chúng kêu lên ồ ồ, gật gật đầu, rồi lại lắc lắc đầu. Thì ra hội đồng tù trưởng đang quyết định xem nên xử tôi như thế nào. Lát sau một lão Kiến cụt râu hăm hở leo lên cây nấm đá, vênh váo trỏ xuống tôi, quát to:
- Hỡi tên tù binh Kiến Lửa. Tội mày đáng bị chặt đầu không xét xử. Nhưng theo tục lệ cổ truyền của dòng họ Kiến Chủ Nô, mày sẽ được quyền trả lời ba câu hỏi sau đây. Nếu trả lời đúng thì được tha, nếu trả lời sai thì sẽ bị tống lên ướp khô trên tháp chết.
Và chẳng cần nhìn tù binh, lão Kiến cụt râu chắp hai cẳng, hướng về phía mặt trời, cất giọng trang nghiêm hỏi:
- Hỡi tù binh Kiến Lửa, hãy trả lời câu hỏi thứ nhất của ta: Mặt trời trên sa mạc có mấy màu?
Những ngày dong duổi trên sa mạc, tôi đã nhìn vầng mặt trời đến nhức mắt, vì vậy trả lời câu hỏi đó không phải là khó khăn lắm. Suy nghĩ một lúc, tôi thong thả cao giọng đáp:
- Mặt trời có ba màu. Buổi sáng màu đỏ. Buổi trưa màu trắng. Buổi chiều màu vàng.
Hội đồng tù trưởng ồ lên. Nhiều tiếng lao xao.
- Ôi, thằng tù binh Kiến Lửa ranh ma quá.
- Khéo nó trả lời đúng cả ba câu hỏi mất thôi.
- Đã bảo là giết nó đi mà.
Lão Kiến cụt râu văng đôi râu cụt, như muốn bắt xung quanh im lặng, rồi lại dõng dạc hỏi:
- Hỡi tù binh Kiến Lửa, hãy trả lời câu hỏi thứ hai của ta: Cây Xương Rồng có lá không?
Thấy hội đồng tù trưởng bọn Kiến Chủ Nô thua một keo, tôi phấn chấn hẳn lên. Trong lòng le lói hy vọng được thả ra. Những ngày dong duổi trên sa mạc, tôi cũng đã nhìn cây xương rồng đến chán mắt. Nghe câu hỏi tưởng như quá dễ dàng, tôi chẳng cần nghĩ ngợi gì cả, vung râu hấp tấp trả lời ngay:
- Dễ quá. Cây Xương Rồng làm gì có lá, nó chỉ có toàn gai thôi.
Tôi vừa dứt lời, mấy lão Kiến già nhẩy cỡn lên hò reo inh ỏi. Lão Thọt bò đến bên tôi, khẽ búng râu vào đuôi tôi, vui vẻ kêu:
- Trả lời sai rồi con ơi. Phen này cứ là ngồi tù mọt xương.
Tôi gân cổ cãi:
- Cây Xương Rồng không có lá, chỉ toàn gai thôi.
- Mày ranh mãnh, nhưng vẫn chưa khôn ngoan. Mày chết ở chỗ ấy đấy con ạ. Cây Xương Rồng có rất nhiều lá. Nó có bao nhiêu cái gai là có bấy nhiêu cái lá. Bởi vì lá của nó chính là những cái gai ấy đấy.
Nghe lão Kiến Thọt giảng giải như vậy, tôi chỉ con biết ngớ ra. Hội đồng tù trưởng bây giờ đã bớt ồn ào. Lão Kiến cụt râu hả hê tuyên bố:
- Hỡi tù binh Kiến Lửa, mày đã trả lời sai câu hỏi của ta. Số phận của mày đã quyết định. Hãy nghe bản án của hội đồng tù trưởng dòng họ Kiến Chủ Nô xét xử mày.
Và dừng lại một lúc, đợi xung quanh thật im lặng, lão Kiến cụt râu sang sảng tuyên án.
Sau đây là nguyên văn bản án:
Sa mạc khô cằn - mùa hè lửa
Bản án xử tội tù binh Kiến Lửa
Vì đã trả lời sai câu hỏi cứu mạng, tên tù binh Kiến Lửa sẽ bị giam suốt đời trên Tháp Chết. Từ giờ phút này, tù binh Kiến Lửa được liệt vào loại con mồi dự phòng mà bất cứ Kiến Chủ Nô nào cũng có thể chiếm đoạt.
Hội đồng tù trưởng tuyên án.
( còn nữa )
0 comments:
Post a Comment