Việt-Long
Đặc điểm
Hầu hết mọi người theo dõi Thế Vận Hội Sochi đều trông chờ lễ khai mạc thế vận hội Sochi hôm thứ sáu ngày 7 tháng 2. Mỗi buổi lễ khai mạc một thế vận hội đều là một công trình hoành tráng của cả quốc gia tổ chức thế vận, nhưng đặc điểm của lễ khai mạc thế vận Sochi là lịch sử nước Nga, một trong những lịch sử quốc gia lâu đời nhất trên thế giới, đã được trình diễn theo một phong cách khách quan gây ấn tượng mạnh mẽ.
Lịch sử nước Nga là những trang sử đầy bi tráng của một dân tộc đã khai phá một lãnh thổ bao la bát ngát mà không một nước nào trên thế giới có thể sánh bằng, nói về diện tích, với những điều kiện địa lý và thời tiết vô cùng khắc nghiệt.
Đế quốc Nga từng trải qua nhiều thời kỳ thịnh đạt và điêu tàn đầy bi tráng; và những giai đoạn thăng trầm đó đã được trình bày thật khúc chiết, đầy ý nghĩa trong lễ hội khai mạc Sochi 2014, nên đã gây ấn tượng mạnh mẽ nhất, so với những kịch bản khai mạc thế vận từ trước tới nay, tuy nước nào tổ chức thế vận hội thì cũng phô trương lịch sử và những điều ưu việt của nước mình.
Có lẽ lịch sử nước Nga có phần nào gắn với Việt Nam trong giai đoạn lịch sử cận đại và hiện đại, nên người Việt chú ý nhiều đến giai đoạn đó. Nhờ vậy người ta thấy kịch bản cũng như nghệ thuật phô diễn kịch bản đó rất xuất sắc, ở chỗ khách quan và phù hợp với trình độ văn minh, văn hóa của người Nga ngày nay.
Đoạn tuyệt quá khứ mê muội
Màn trình diễn hiếm hoi này giúp quốc tế nhìn thấy sự tiến bộ rõ rệt của người Nga và nước Nga, từ một xã hội Cộng Sản đầy u tối, phải nói là mê muội, với những khẩu hiệu đỏ lòe loẹt khắp thủ đô và các thành phố lớn, những chính sách văn hóa tuyên truyền một chiều, chính sách chính trị và xã hội độc ác tàn bạo với người dân Nga và cả với các nước khác... Đó là trạng thái của thời Cộng Sản trong thế kỷ trước, mà vết tích còn sót lại đôi chút trong đầu thế kỷ này trong thời gian chuyển hóa sang dân chủ.
Những vết tích đó khiến người ta vẫn còn ấn tượng xấu với nước Nga về một chế độ độc tài với nền văn hóa thấp kém giống như một số rất ít những quốc gia mà đến nay còn đeo đuổi cái vỏ bọc chủ nghĩa Cộng Sản, một chủ nghĩa đã thực sự mai một từ khi Liên Bang Xô Viết sụp đổ.
Nhà sản xuất Konstantine Ernst của màn trình diễn lễ khai mạc, đã diễn tả lịch sử một quốc gia rộng lớn lâu đời thật rõ ràng, khúc chiết và đầy nghệ thuật. Nhưng nhờ điểm nào có thể nói người Nga ngày nay đã tiến bộ và thoát khỏi bóng ma chủ nghĩa Cộng Sản
Màn diễn 'Moskva': tái thiết hậu chiến - Courtesy of olympic.org
Đoạn nói về nước Nga thời Cộng Sản khởi đầu vào lúc màn diễn về thời Sa Hoàng chấm dứt trong tiếng nhạc của bản "Concerto Grosso No. 5", khi một cơn lốc đỏ cuốn khắp không gian phòng khiêu vũ điệu waltz, tượng trưng cho cuộc cách mạng vô sản năm 1917. Mấu răng bánh xe của cỗ máy khổng lồ ngưng chạy như một thời đại chìm vào quá khứ. Nước Nga bước vào thời kỳ Công Sản. Màn này gọi là "Moskva" dành cho nước Nga Cộng sản, nhưng chỉ làm nổi bật những công trình xây dựng hạ tầng cơ sở và khoa học của Liên Bang Xô Viết, với các diễn viên công nhân, cảnh sát, học sinh, sinh viên, nhà khoa học, phi hành gia, vận động viên... mọi thành phần xã hội tất bật trên các công trường, đường xá, xung quanh những máy móc, xe cộ, kiến trúc... Người ta để ý và thấy có biểu tượng một cái búa va một cái liềm thoáng qua, nhưng ngoài ra không thấy một dấu tích nào của việc tuyên truyền như trong thời Cộng Sản. Đó là điểm son đáng ghi nhận, bên cạnh nhiều đặc điểm khác.
Lịch sử, âm nhạc, và vũ ballet
Khán giả cũng chú ý nhiều tới màn vũ điệu Waltz mà người Nga nào cũng biết là cuộc khiêu vũ trong thời Sa Hoàng, trong tác phẩm “Chiến tranh và hoà bình” của Leo Tolstoy viết năm 1869. Đó là một tác phẩm quen thuộc với người Việt Nam từ những năm sau của thập niên 1960, cùng với “Bác sĩ Zivago” của Boris Pasternak và bộ phim cùng tên, với Omar Sharif và Julie Christy mà ít ai quên được.
Xem đoạn khiêu vũ trong tiếng nhạc waltz của Aleksander Sergeyevich Zatsepin người ta tưởng chừng như được sống lại trong khung cảnh lịch sử mà nhà sản xuất đã dựng lại. Và màn diễn về nước Nga thời Sa Hoàng kết thúc trong hoảng loạn, đổ vỡ, khi xảy đến cuộc cách mạng Cộng Sản tượng trưng bằng cơn lốc đỏ...
Thêm vào đó kịch bản của Konstantine Ernst với chủ đề "Giấc mơ nước Nga", dường như đối ứng với "American Dreams " của người Mỹ, nghe nói được Tổng thống Putin đặt hàng và duyệt xét, đã gây thích thú từ ngay đoạn khởi đầu với những chữ cái Azbuka sơ khai của Nga, rồi đến chữ Nga canh tân, và các công trình khoa học như bảng hóa trị của các hóa chất và tiên đoán những hoá chất mà về sau mới có, là phát minh của nhà bác học Dmitri Mandeleev, rồi đến vệ tinh Sputnik đầu tiên của loài người bay vòng quỹ đạo, cho đến chuyện cổ tích Nga với thơ của Alexander Sergeyevich Pushkin. Lại còn tác phẩm "Bay xa trên cánh gió" của Alexander Borodine từ thế kỷ 18, trong nền âm nhạc và vũ ballet hàng đầu thế giới của Nga. Thật là một màn trình diễn khiến mọi người say sưa trong âm nhạc và những vũ điệu ballet tuyệt vời khét tiếng của người Nga.
Màn diễn về Đại đế Peter - Courtesy of olympic.org
Còn nữa, là màn trình diễn về đại đế Peter Alexeyevich, bậc vĩ nhân của Nga đã trị vì triều đại Sa hoàng, canh tân quân đội, đoạt nhiều chiến thắng quân sự, lại còn khai phá cả nước Nga, xây dựng thành phố St Peterburg vĩ đại như ta thấy ngày nay. Peter đại đế còn đem nền văn minh chính trị, quân sự và kinh tế của châu Âu đến để canh tân xứ Nga khép kín, và đưa nước Nga trở thành một đế quốc lớn của châu Âu.
Và sau cùng không thể không nhắc tới khát vọng chiến thắng của nước Nga trong kỳ thế vận này, như Nguyễn Khanh- RFA đã viết: người Nga nói với báo chí quốc tế rằng "các nước khác đến đây để thắng hay bại, nhưng chúng tôi đến là để sống hay chết"
0 comments:
Post a Comment