15:37 | 13/02/2014
Sáng ngày 13/2/2014 (14 tháng Giêng năm Giáp Ngọ), mở đầu cho các chương trình thơ nhân Ngày thơ Việt Nam lần thứ XII, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên – Huế đã tổ chức đi đoàn văn nghệ sĩ đi Viếng mộ thi nhân trên địa bàn thành phố Huế và vùng lân cận. Đây là lần thứ 6 hoạt động này được tổ chức.
Viếng mộ thi nhân là hoạt động thường niên vào mỗi dịp Nguyên tiêu của văn nghệ sĩ Cố đô Huế, nhằm tri ân các thế hệ đã đóng góp cho thi ca tỉnh nhà và đất nước. Đây là một tập tục văn hóa mới rất có ý nghĩa, mà các văn nghệ sĩ Huế đã dày công tổ chức. Đây cũng là dịp để giáo dục, khơi dậy truyền thống thơ ca cho thế hệ trẻ trên đất Cố Đô. Có khi nó có ý nghĩa tâm linh hơn là tổ chức một đêm thơ công cộng, vài chục tác giả lên đọc. Có lẽ chỉ duy nhất ở Huế mới có tập tục Viếng mộ thi nhân.
Viếng mộ danh sĩ Phạm Quỳnh |
Trong tiết trời mưa xuân lất phất, hành trình các lần Viếng mộ thị nhân bắt đầu là Nhà lưu niệm Phan Bội Châu ở đường Phan Bội Châu. Đây là căn nhà cũ nơi nhà chí sĩ yêu nước, “Ông già bến Ngự” từng sống. Sau đó, đoàn văn nghệ sĩ đi thăm nghĩa trang Phan Bội Châu ở 5- đường Thanh Hải, nơi an nghỉ của 21 nhà chí sĩ như Hải Triều, Đạm Phương nữ sử, Nguyễn Chí Diểu…Sau đó đến đồi Từ Hiếu, nơi an nghỉ của nhiều văn nghệ sĩ, chí sĩ yêu nước như nhà thơ Tùng Thiện Vương Miên Thẩm, Hoàng Triều Trần Thúc Nhẫn, Trần Cao Vân - Thái Phiên, vợ chồng nhà thơ Vĩnh Mai – Phương Chi, văn Trịnh Xuân An...Tiếp đến là thăm mộ họa sĩ Bửu Chỉ ở nghĩa trang Ba Đồn. Điểm nghĩa trang thành phố Huế có mộ của nhà thơ Thanh Tịnh, Thái Ngọc San, Nguyễn Văn Phương (Phương xích lô) và Nguyễn Xuân Hoàng.
Viếng mộ thi sĩ Phạm Hầu |
Năm nay có một điểm mới là lần đầu tiên ngoài các khu nghĩa trang có mộ văn nhân nói trên, các văn nghệ sĩ Huế đã đến thắp hương mộ nhà văn, học giả lừng danh Phạm Quỳnh và nhà thơ Phạm Hầu tại khu vực chùa Vạn Phước.
Ngày thơ Viếng mộ thi nhân thực sự là một sinh hoạt rất có ý nghĩa của các văn nghệ sĩ vùng đất thi ca Huế.
Phương Anh
0 comments:
Post a Comment