Kênh Tên Miền chuyên cung cấp tên miền đẹp, giá rẻ! Hãy liên hệ kỹ thuật: 0914205579 - Kinh doanh: 0912191357 để được tư vấn, hướng dẫn miễn phí, Cảm ơn quý khách đã ủng hộ trong thời gian qua!
Saturday, 2 November 2013


  Riêng gửi Chân Phương và tặng  những người  bạn đầu trời cuối đất  của tôi         NAM  DAO 
    
Lại thêm một chuyến phiêu bồng.

Động cơ lên đường, bạn. Thú thật nhé, tôi thèm bạn như thèm…người yêu. Chao ôi, hình như bạn chẳng khác gì người yêu, trừ chuyện má đỏ môi hồng, và đôi khi dăm ba ảo tưởng có người cho và kẻ nhận.

Bạn có nhà thơ Nguyển Duy (ND) đến từ Việt Nam, nhà thơ Chân Phương (CP), họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi (NTK) và khi đến Boston gặp thêm họa sĩ Văn Dương Thành (VDT), người có một mái tóc dày và dài. Bạn, phải kể thêm những ngày nắng chớm thu, vịnh  Hingham với những  con tàu neo bến,  và dăm cơn gió dịu như năm ngón tay lùa vào ve vuốt mớ tóc bồng bềnh trắng màu sóng biển vỗ  bờ.

Thuyền buồm trong vịnh Hingham Bay
Nhà CP trên Spinnaker Island mà nhà thơ cao giọng dịch là Tiểu Bồng Lai đối diện với thị trấn Quincy bờ bên kia vịnh với hàng đèn đường  đều đặn chiếu sáng khi đêm xuống. CP đến đón ở phi trường, sau ra Harvard Square đợi hoạ sĩ VDT đang  đi xem Bảo Tàng Boston. A ha, vẫn tiệm Au Bon Pain, nơi tôi mỗi ngày ra uống cà-phê khi còn là Research Fellow  Đại học Harvard hơn mười năm trước. Tiệm chẳng thay đổi gì, vẫn dãy bàn ghế  nhôm sơn sám đen, và ba bốn chiếc bàn đá  trên có kẻ những ô cờ vua.  Một ông già, ngồi đợi khách đánh, 2 đô một ván nếu thua. Thắng thì hơi khó đấy, tôi không cần quan tâm. Có một cậu bé chừng 7,8 tuổi hầu cờ ông già nhà nghề. Thật lạ, cậu ta đánh những nước cờ khá vững vàng. Tôi nói với ông đánh cờ: ‘’ Not bad’’. Ông ta gật gù ‘’ Not at all!’’. Nhưng ông vẫn thắng, cười, chẳng hiểu có thu 2 đô không.




Quán caphê AU BON PAIN ở Harvard Square.

CP lái xe về Tiểu Bồng Lai. Đêm, ánh nước long lanh phản chiếu đèn đường vòng quanh vịnh trực chỉ mỏm đất tôi đặt tên là Đất Mũi, không khỏi nhớ nhà văn NNT ở Cà Mau mà tôi hỏi khó: ‘’ sau  truyện vừa Cánh Đồng Bất Tận... sao T  nay lại chuyện tốt người tốt rồi ‘’. Khi đó, nàng rất hồn nhiên, đáp gọn: ‘’ Chuyện nào cũng có cái hay của nó’’. Tôi nghe và thầm nhủ, hồn nhiên là bản lãnh của nàng,  chắc bụng nàng là một nhà văn đích thực.
Đêm 1, đối ẩm với CP. Khi họa sĩ đi ngủ, chỉ còn hai lão ông ngồi ngắm mặt nước lấp loáng ánh đèn đêm ven bờ nhấp nháy, CP thốt “ Không  đèn chài, và cũng chẳng tiếng chuông chùa Hàn San! Tít tắp giải dài đàng xa là đèn Quincy, một  thị trấn thuộc thành phố Boston. Ở đây, ‘’ triều đả không  thành tịch mịch hồi (nước vỗ chân thành trống chỉ vẳng lại cái tịch mịch của hư không)….  ”. Không gian lãng đãng chất Đường thi ập đến, vây bọc, khi chút sương đêm la đà bay chập chờn trên mặt nước. Đâu rồi Lý Bạch và ánh trăng khiến những kẻ tha hương cúi đầu nhớ quê xưa khi nhìn trăng sáng?  Đâu rồi mùi hoa thiên lý và nỗi quạnh hiu làm bạn với những kẻ làm thơ? Nghe, rồi xót xa.  Bắt chước Ba Tiêu, viết tặng bạn dăm chữ nhặt trên dọc đường phiêu lãng:
     

 Sóng ven bờ lao chao
Đêm không bóng đèn chài
Bên kia long lanh sáng
ánh  đèn điện giải dài
Nỗi nhớ chợt ập  lại
Ai ? nào biết nhớ ai
Đành ngậm câu thơ cổ
Nuốt theo nỗi u hoài.


CP  cười hà hà: ‘’ Tập cổ hả?’’. Dạ chính thế, tôi là một người man di hiện đại, cái tít của đạo diễn Trần văn Thủy quay phim tài liệu về cuộc đời nhà văn hóa Nguyễn Văn Vĩnh. Nhưng xin đừng lầm tưởng tôi bé mọn dám sánh mình với ông ta.

Đêm đến trên vịnh Hingham; bờ bên kia là thị xã Quincy.


Ngày 2, sáng tinh mơ tôi một mình dạo quanh  Đất Mũi. Trời xanh  trong vắt, đây đó điểm những cặp cánh hải âu cao vút lượn lờ trong nắng vàng. Trên sóng nước,  buồm  trôi tựa những cánh bướm bay trong gió sớm. Đất Mũi nhỏ và hiền hòa khiến lòng người chùng xuống một cõi an lạc lạ thường. Tôi hello những người ‘’ lối xóm’’ chạy bộ, chúc   have a nice day,  cười tự nhiên, lòng rộng như trời bao la trải tới cuối biển tít tắp tầm mắt.  
K tới.  Vẫn ria Saddam, cái cười tở mở, đầu chưa đến cấp Lênin nhưng chắc cũng bắt đầu thưa tóc. Chàng  mang theo đồ nghề, nào là chì, than, pastel, và bìa vẽ. Và giọng hát trời cho. Ở bất cứ nơi nào, từ Sài Gòn cho đến quận Cam, Boston... cứ có chàng là tưng bừng nhộn nhịp.




  Chúng tôi ăn trưa ngoài vườn nhà CP. Chàng rao, cả đảo Tiểu Bồng Lai
chỉ nhà này mới có cái decktrồng cây xanh, hoa cỏ, và  dăm thứ rau thơm này nọ rất ‘’kinh tế gia đình’’. Nhìn xa, tầm mắt thoáng. Hít thở, không khí sạch, lại có chút mùi thơm thảo mộc. Và bạn, ôi những kẻ đáng yêu nhất trần gian. Ngồi vẽ. Họa sĩ là thế. Vẽ nhau, chứ biết vẽ gì đây. VDT  và NTK  vẽ những người không là họa sĩ. Người mẫu tóc hoa râm ngồi chán, cũng đòi chì, than và giấy vẽ lại những người vẽ mình. Điếc, tôi nào sợ súng. Tôi tỉnh bơ vẽ NTK, VDT…Nàng nhìn rồi reo, cứ như Chagall. Mơ màng, không  lẽ  thành danh hoạ quốc tế  lại dễ đến thế. Tỉnh, tôi đoán nàng ‘’ tử tế’’, đang khuyến khích  một  cái mầm già liều lĩnh thí mạng cùi. CP cũng đòi giấy bút, vẽ tôi. Ha ha, nhìn, tôi thấy mình mang hình dạng một  chú Joker  trong những cỗ bài Tây đánh xì phé. VDT lại reo, còn đây là Matisse.  Bây giờ, có cả Chagall lẫn Matisse, tôi chắc chắn là nàng đùa bỡn rất chi là có ý thức. Vẽ, tán, nhìn, tôi bị mái tóc VDT hút như  hấp tinh đại pháp trong truyện chưởng Kim Dung. Ô hô, phải chăng lại phải lòng vặt, thứ bệnh tôi nhiễm từ ngày còn tắm truồng dưới mưa trong những con hẻm thời tôi còn ở cổng xe lửa số 2 trên con đường  có tên là Bùi Thị Xuân xa xưa. 
Họa sĩ Văn Dương Thành và Nam Dao vẽ thi sĩ người mẫu.



Tôi kể dăm năm trước tôi có đến vái cụ Nguyễn Du ở Tiên Điền, gặp cô Vần, cháu 8 đời của cụ. Tóc mượt mà dài đến gót chân, làm hướng dẫn cho khu di tích vinh danh nhà thơ dân tộc, cô hỏi tinh quái, anh có con cháu gì với cụ mà rót rượu mời và thắp hương van vái. Đến xin ở rể, tôi đáp, cười tình. Kèm phải lòng vặt là bệnh đĩ mồm, dĩ nhiên. Và khi đến Vinh, tôi điện thoại ‘’ mời’’ cô Vần đi …giang hồ. Nhưng hẳn ai cũng đoán được, cô từ chối. Tôi mang chuyện thất tình kể cho bạn văn, ai cũng cười tôi ’’thơ dại’’ trên xứ sở này ăm ắp tiến bộ. Nhưng thật bất ngờ, mấy năm sau tôi lại phiêu bồng ở Hà Nội thì được một số bạn mời đi nhậu. Đến nơi, lát sau cô Vần củng tới. Các bạn văn ơi, quí hóa thế đấy. Cô Vần kể, nay em về Hà Nội đi học, hai cháu để ở quê nhờ bà ngoại chăm. Ô, thế là nàng đã hai con. Tôi uống, say mèm, chẳng còn biết trời trăng chi. Giọt sầu có chất cồn đốt cháy hồn tôi, bốc lửa cháy rực một trời hoang dã.
Thôi, chào mi những cơn lòng hỏa hoạn.

K ra đứng lề đường, dùng pastel vẽ ngôi nhà  CP. Tôi xuống, đứng bên. Tôi nói, này, thiếu những ống máng màu trăng kia kìa. Họa sĩ lườm tôi, bảo ‘’ Vẽ chứ có chụp ảnh đâu mà thiếu với thừa. Thiếu mới đẹp!’’.  Ừ nhỉ, tôi nhủ lòng,  thăng hoa hiện thực mắt thấy tai nghe mới là nghệ thuật chứ.
                         Nguyễn Trọng Khôi ký họa bằng phấn màu.


 Chúng tôi lại ngồi. Nói về hội họa. Và mang sách tranh Magritte ra xem. Ông ta vẽ cái tẩu thuốc, viết ở dưới Cái này không  phải tẩu thuốc ( ceci n’est pas une pipe). Đúng thế. Cái tẩu thật bằng gỗ, 3 D. Bức tranh 2D, chỉ gợi một thứ ý thức về cái tẩu. Nhưng vui hơn là khi Magritte vẽ về phép biện chứng. Magritte vẽ một  cái ô, trên ô là một ly nước đầy. Nước không  đổ, vậy đề mới chẳng phản đề, cái ô tồn tại để... làm gì nhỉ? Magritte tinh quái đặt tên cho bức tranh là Để Hegel đi nghĩ hè.
Nói đến biện chứng pháp lại nhớ  Phan Huy Đường. Lão gia ăn mày này ở Paris, hứa nhưng không vượt Đại Tây Dương đến Boston  được. Còn nhà thơ ND, tối nay mới từ Florida  quay lại Boston. NTK ra về khi trời chập choạng, và thế là vắng mất tiếng cười tở mở sau hàm ria Saddam.

Nguyễn Trọng Khôi vẽ chân dung Nam Dao.


Đêm thứ 2, hai lão ông tiếp tục trò chuyện, để lão bà yên nghỉ sau một ngày vẽ vời với Chagall và Matisse. Lại ánh đèn bờ Quincy nhấp nháng. Gió rì rào đệm tiếng nước vỗ bờ buổi chớm thu.
Lại bắt chước Ba Tiêu:
Lá rì ràoSóng xôn xaoVết chân nào lối cũCánh nhạn tít tắp caoMỹ nhân        tăm cáTìm?        tìm nơi nao?
Cửa hồn tôi bỏ ngỏđể gió thốc vào


(còn tiếp)































0 comments:

Post a Comment

Popular Posts