Vấn đề không phải là bạn chứa gì trong đầu mình
“Vấn đề không phải là bạn chứa gì trong đầu mình, vấn đề là cái đầu của bạn có chứa bạn hay không.”
Có thể nói là hầu như tất cả mọi người chúng ta không thể kiểm soát được những suy nghĩ của chính mình, nhiều khi tôi cũng không ngoại lệ. 99.99% những suy nghĩ mà ta có đến rồi đi. Kiểm soát suy nghĩ của chính mình là sao? là quan sát nó, trở thành người quan sát những suy nghĩ, ta không còn suy nghĩ nữa nhưng trở thành cái phát hiện ra được những suy nghĩ phút giây nó trồi lên, đó chính là cái Bãn Ngã cốt lõi đằng sau cái bản ngã thông thường. Ta không còn là con khỉ nhảy từ cành này sang cành khác, mà trở thành người tham quan sở thú nhìn còn khỉ đó nhảy từ cành này sang cành khác. Kiểm soát được suy nghĩ có nghĩa là quan sát được nó. Muốn quan sát được vật gì, bạn phải đứng từ ngoài nhìn vào. Bạn không thể quan sát được bất cứ cái gì khi chính bản thân mình là vật cần được quan sát. Vật cần được quan sát ở đây chính là tâm trí của chúng ta, vì nó có lẽ là chưa bao giờ được quan sát nên nó cứ luôn tự tung tự tác vận hành theo ý thích của nó dựa trên những niềm tin, thành kiến, thông tin đã được tích lũy với 5 giác quan từ cái khoảnh khắc ta mới sinh ra cho tới thời điểm hiện tại.
Chính vì lý do này mà nhiều người cảm thấy như bất lực, khổ sở. Họ muốn nghĩ về một chuyện gì đó, hay không nghĩ về một chuyện gì đó nhưng vì không kiểm soát được tâm trí của mình nên họ không thể. Có lẽ bạn cũng đã từng thử nhiều cách khác nhau cố gắng kiểm soát, rèn luyện tâm trí mình, nhưng không biết kết quả ra sao? Có hiệu quả không? Tôi đoán là không.
Tôi nghĩ không có gì sai khi ví tâm trí của mỗi người chúng ta là một cái thùng rác khổng lồ, mặc dù có thể cách ví von này hơi hình tượng và thô thiển. Nhưng tạm thời thì tôi chưa nghĩ ra được hình ảnh nào khác khẩn thiết hơn và cấp bách hơn để mô tả nó. Khi tôi nói tâm trí là một cái thùng rác, tôi không có ý muốn nói nó vô dụng, vô ích. Bạn có thể sống mà không có cái laptop, không có điện thoại, không có TV, nhưng tôi nghĩ bạn không thể sống mà trong nhà không có cái thùng rác. Hy vọng là trong đây nhà nào cũng có ít nhất một cái thùng rác, nếu không có thì tôi cũng không thể hình dung được là rác nhà bạn để ở đâu nữa, ném ra ngoài đường chăng?
Đôi khi cái mà chúng ta đang làm chính là sống trong cái thùng rác đó, đơn giản là vì chúng ta không biết được nó là một cái thùng rác. Và vì chúng ta cứ mãi sống trong cái thùng rác đó nên nhiều vấn đề sẽ luôn phát sinh. Nhiệm vụ của bạn bây giờ là phải chui ra khỏi cái thùng rác đó. Chỉ cần chui ra khỏi thùng rác, không cần phải cố gắng sửa chửa nó. Nó đâu có bị hư gì đâu mà phải sửa? Không phải là nó vẫn luôn làm tốt nhiệm vụ của nó sao? Bạn cũng không cần phải đi đổ cái đống rác đó vào một thùng rác công cộng lớn hơn. Vì sao?
Thứ nhất, nếu tất cả rác được dồn vào một nơi, chuyện gì sẽ xảy ra cho đống rác vĩ đại đó? Chúng ta ném nó vào không gian ư? Ngày nay thì người ta đưa nó vào những bãi rác lớn, chắc trong tương lai người ta sẽ ném nó vào không gian không chừng.
Thứ hai, chưa chắc bạn có thể đổ đi được cái thùng rác của mình. Mà nếu có đổ được biết đâu bạn cũng sẽ trở thành một người mất trí, khùng khùng điên điên, dở dở ương ương. Tôi nghĩ không ai trong chúng ta muốn chuyện đó xảy ra. Tôi có biết một số người, không biết họ luyện tập theo phương pháp gì đó rồi tẩu hỏa nhập ma trở thành như vậy luôn, buồn lắm. Bởi vậy, đùa giỡn với các nguồn năng lượng tâm linh là một việc làm hết sức nguy hiểm, nếu bạn không biết rõ ràng mình đang làm gì, hay việc làm đó có vẻ như nguy hiểm đến tính mạng thì tốt nhất là đừng làm. Mạng sống quý giá của chúng ta không nên đem ra thử những trò đó.
Thứ ba, nếu cái thùng rác đó được đổ sạch mà bạn vẫn không hề hấn gì thì bạn có chắc là nó sẽ mãi được sạch như vậy hoài không? Nó sẽ không tiếp nhận thêm rác rưởi nữa? Nếu như vậy thì chẳng phải là nó trở nên vô dụng luôn sao? Nếu như vậy thì ta vứt nó ra đường luôn, không cần nó nữa. Nhưng không, bạn không thể làm như vậy được, trừ khi bạn mổ hộp sọ của mình ra và vét hết bộ não vứt vào sọt rác. Nếu bạn không làm vậy thì não bộ của bạn vẫn sẽ tiếp nhận và tích lũy thông tin từng khoảnh khắc mà nó còn sống vì đó chính là nhiệm vụ của nó.
Vì ba lý do đó, chúng ta không thể làm gì khác được, rác rưởi sẽ vẫn ở trong đầu chúng ta thôi, và chúng ta nên biết nhìn nhận nó, chấp nhận nó như một phần của con người chúng ta. Chỉ cần chúng ta không sống trong đó là được, mọi rắc rối sẽ biến mất ngay cái giây phút mà bạn bước ra. Vấn đề không phải là bạn chứa gì trong đầu mình, vấn đề là cái đầu của bạn có chứa bạn hay không.
Thiền là một cách hay để bước ra khỏi cái đầu của mình. Trong bài trước tôi có nhắc tới thiền, tuy nhiên tôi chỉ đề cập thoáng qua thôi nên đã có người hỏi tôi có biết cuốn sách thiền nào hay không giới thiệu cho họ. Tôi đã trả lời rằng thiền không có gì khó mà cần phải đọc nguyên cả một cuốn sách. Những người khác thiền làm sao tôi không biết vì thiền có rất nhiều trường phái, chứ cách thiền của tôi thì đơn giản như một hai ba:
1. Ngồi thoải mái. Lưng thẳng. Chân vắt bán kiết già hay toàn kiết già cũng được. Mắt nhắm.
2. Hít thở đều, sâu, chậm. Tập trung chú ý tới từng hơi thở, cố gắng ngưng bặt mọi suy nghĩ khác.
3. Cho tới khi sự chú ý về hơi thở cũng biến mất, chỉ còn lại một khoảng Không.
Cách thiền này đơn giản đến nỗi một đứa bé 6 tuổi cũng hiểu và tập được. Nếu bạn thích những bài viết của tôi thì chắc là vì bạn thấy có gì hay trong đó. Những cái hay này từ đâu mà ra, chính là từ việc tôi luyện tập nó mỗi ngày. Có một thời gian tôi lười biếng bỏ bê luyện tập, tôi thấy cuộc sống của mình sa sút hẳn. Bởi vậy, muốn khá lên thì phải cố gắng siêng năng thôi. Chỉ cần mỗi ngày ít nhất 15 phút đâu có là bao nhiêu.
Không cần biết bạn có thể chạy đi đâu nhưng bạn vẫn không thể trốn khỏi cái tâm trí của chính mình, trừ khi bạn học được cách dần dần bước ra khỏi nó.
Nguyễn Hoàng Huy
0 comments:
Post a Comment