Trong vòng 200 năm trở lại đây, nhân loại đã liên tục chứng kiến cái chết của những lí tưởng chính trị.
Lí tưởng quân chủ đã chết, lí tưởng dân tộc đã chết, lí tưởng cộng sản đã chết, và lí tưởng dân chủ sắp chết. Hết lần này đến lần khác, con người đặt cược vào lí tưởng chính trị toàn bộ của cải, sinh mạng và hạnh phúc của mình cùng người thân. Hết lần này đến lần khác, người ta thua sạch canh bạc ấy trong nỗi thất vọng tràn trề. Họ tin lí tưởng sẽ mang lại hòa bình, nhưng lí tưởng chỉ thúc đẩy chém giết. Họ tin lí tưởng sẽ mang lại thịnh vượng, nhưng lí tưởng chỉ kéo dài đói khổ. Họ tin lí tưởng sẽ thúc đẩy nhân đạo, nhưng mọi thảm kịch nhân đạo trong vòng hai thế kỉ đều có một lí tưởng cao đẹp để nhân danh.
Dù dưới thể chế nào đi nữa, mỗi lần người lãnh đạo nhắc đến lí tưởng chính trị, thể chế ấy lại tiến thêm một bước đến độc đoán chuyên quyền.
Dù là dân tộc nào, mỗi lần dân chúng phát biểu lí tưởng chính trị một cách đồng thanh, dân tộc lại sắp mất hòa bình vì người dân mất lí trí.
Mọi lí tưởng chính trị đều từng là những kẻ giết người hàng loạt. Nhân danh lí tưởng về một xã hội bình đẳng và nhân ái, phần nghèo hơn của nhiều xã hội đã cầm súng giết những phần ít nghèo hơn. Nhân danh lí tưởng về một dân tộc Đức mạnh mẽ và không khuất phục, những người Đức lí tưởng đã treo cổ những người Đức không lí tưởng, cho đến khi cả dân tộc kiệt quệ và bị chiếm đóng suốt một thời gian dài. Nhân danh lí tưởng về quyền con người tối cao, quân đội Mỹ đã tước bỏ quyền sống của hàng triệu người, và biến hàng tỉ người khác thành những nô lệ tình nguyện trong trật tự dollar Mỹ. Nhân danh tất cả những lí tưởng này, người Việt Nam đã và đang giam nhau trong vũng lầy hiện tại.
Dù bênh vực lí tưởng chính trị bằng bao nhiêu lí thuyết, ta cũng phải thừa nhận rằng chưa có lí tưởng chính trị nào trở thành hiện thực, trong khi mọi lí tưởng chính trị đều bị những kẻ lừa đảo dùng làm mồi nhử đám đông.
Đâu là nguyên nhân của thực tế này?
Trước tiên, cần nhớ rằng mọi lí tưởng chính trị đều gắn liền với một lí thuyết chính trị. Trong khi đó, mọi lí thuyết đều đặt nền tảng trên những khái niệm tưởng tượng và những giả định không thể chứng minh. Chẳng hạn, cả “dân tộc”, “giai cấp vô sản” lẫn “nhân quyền” đều là những tập thể chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của con người. Ai có thể định nghĩa dân tộc Pháp nếu nhìn vào cấu tạo nhân chủng, văn hóa và dòng lịch sử rất phức tạp của nước Pháp? Dân tộc Phillipines là gì, ngoài một sản phẩm tưởng tượng của kẻ ngoại xâm? Giai cấp vô sản – tập hợp những người công nhân không sở hữu phương tiện sản xuất, là thành phần cư dân chính trong xã hội tư bản và tồn tại bền vững trong trật tự tư bản – có đang thực sự tồn tại ngoài đời? Và nhân quyền bất khả xâm phạm có thật không, khi trong suốt dòng lịch sử của loài người, chưa từng có con người nào được đảm bảo những quyền đó? Khi mà cho đến ngày nay, người ta vẫn phải biện bạch rằng đó là những quyền mà con người được Chúa ban tặng? Khi mà trong thực tế, chúng chỉ là sản phẩm tưởng tượng trong những bản hợp đồng được kí bởi đám chính khách đang tìm kiếm trật tự quyền lực hậu Thế chiến II?
Mọi lập luận của lí thuyết chính trị đều đặt nền tảng trên những khái niệm tưởng tượng và giả định không thể chứng minh. Và những giả định này lại đến từ những ám ảnh và đam mê mà con người theo đuổi một cách vô thức. Bởi vậy, có thể nói rằng mọi lí tưởng chính trị đều đặt nền tảng trên ảo tưởng, cùng niềm tin rằng mình không ảo tưởng. Lí thuyết càng dài, khái niệm càng nhiều, lập luận càng phức tạp thì lí tưởng càng xa rời hiện thực đang diễn ra.
Thứ hai, càng có nhiều lí tưởng, con người càng có ít tính người. Một nền tảng quan trọng của tính người là khả năng giao tiếp và đồng cảm với đồng loại. Khi theo đuổi lí tưởng chính trị, con người bị khiếm khuyết khả năng ấy. Càng bị lí thuyết chính trị ám ảnh đầu óc và ngôn ngữ, khả năng giao tiếp bình thường và trôi chảy càng kém đi. Càng tôn sùng lí tưởng chính trị, người ta càng bị định kiến chính trị che mắt và bịt lỗ tai. Thay vì đồng cảm với những người xung quanh, họ chỉ muốn đồng hóa mọi người vào lí tưởng mà họ theo đuổi.
Vì vậy, cả “người cộng sản”, “người dân tộc” lẫn “người dân chủ” đều thiếu thông minh và thiếu nhân tính. Lớp mặt nạ mĩ từ đeo trên mặt họ càng dày, thì nhân tính của họ càng vơi. Lượng lí thuyết trong đầu họ càng đậm đặc, thì họ càng khó cảm nhận thực tế đang diễn ra ngoài đời.
Tuy nhiên, người hoạt động chính trị vẫn cần hiểu lí thuyết.
Và cần hiểu nhiều hệ lí thuyết, thay vì chỉ một.
Nhờ thế, mới đỡ bị lừa bởi những người cuồng lí tưởng, mà vẫn có khả năng giao tiếp và đồng cảm với họ khi nhu cầu công việc đặt ra.
Khi thông thạo nhiều hệ lí thuyết cùng lúc, ta cũng có được khả năng nhìn vấn đề từ nhiều khía cạnh, qua cái nhìn của nhiều nhóm lợi ích khác biệt, để tìm giải pháp tối ưu cho vấn đề.
0 comments:
Post a Comment